Một ngày nọ, Đức Phật cùng với chúng đệ tử nghỉ ngơi dưới một gốc cây cổ thụ ngoài thành La Duyệt Chỉ, có một vị tỳ kheo vừa mới xuất gia tên là Kiến Chánh. Cậu này đang suy nghĩ một vấn đề: Đức Phật nói rằng con ngươi ta đều có đời trước của mình, thế nhưng con người tại sao đều không nhớ rõ?
Khi Kiến Chánh muốn hỏi Đức Phật, Đức Thế Tôn vốn đã biết trước mọi chuyện liền nói rằng:
“Này các đệ tử, chư vị hãy nhìn xem cái cây này, vốn dĩ chỉ là một hạt giống, giờ đây đã lớn thành một cây cổ thụ um tùm. Ban đầu khi còn là hạt giống, còn chưa có rễ, thân, lá và quả, dưới tác dụng nhân duyên của đất, nước, nắng, gió, hạt giống mới nảy mầm; mầm cây lại sinh ra thân cây, thân cây lại sinh ra lá, lá rồi lại sinh hoa, hoa lại kết thành quả, qua nhiều biến đổi, tuy từ một hạt giống ban đầu nhưng nay đã không còn là hạt giống ấy nữa. Chư vị nói xem, những rễ, thân, hoa, quả này còn có thể biến trở lại thành hạt giống ban đầu hay không?”
Chúng đệ tử đều trả lời: “Thưa Đức Thế Tôn, không thể ạ!”.
Đức Phật nói với chúng đệ tử: “Chuyện sinh tử cũng là như vậy, u mê không rõ là căn nguyên, cũng tương tự như hạt giống của cái cây vậy, hạt giống tuy nhỏ nhưng lại có thể mọc thành cây cổ thụ. U mê không rõ sinh hành (hành vi), hành sinh thức (nhận thức), thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), lục nhập sinh xúc (cảm xúc), xúc sinh thọ (cảm thụ), thọ sinh tham ái, ái sinh chấp trước, chấp trước sinh hữu, hữu đi đến sinh, sinh đi đến già chết, hợp thành mười hai nhân duyên. Đã có thân thể, chính là có già chết.
Sau khi chết rồi tâm thức thuận theo những việc làm thiện ác lúc còn sống, đi đến kiếp sau, gặp được cha mẹ có duyên, lại nhận được hình thể, sinh khởi lục căn mới, nhiễm tập khí mới, nhận khổ lạc khác, thêm vào biến đổi của hoàn cảnh, đều đã không còn giống đời trước nữa, không thể trở về thân thể ban đầu nữa; giống như cây cổ thụ không thể biến trở lại thành hạt giống nữa vậy”.
Đức Phật khai thị, nguyên nhân tâm thức không trở về
Tỳ kheo Kiến Chánh rời khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống hỏi Đức Phật rằng: “Con từ khi sinh ra cho đến nay, nhìn thấy không ít người qua đời. Ví như cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè, kẻ thù ly biệt, hoặc là yêu nhau, ghét nhau, cớ sao không thấy tâm thức sau khi chết trở về hiển hiện trước mặt những người còn sống? Là cái gì đã khiến tâm thức có sự ngăn cách? Mong Thế Tôn lần lượt giải nói, để chúng con đoạn trừ nghi hoặc”.
Sau đó, Đức Phật đã đưa ra các loại ví dụ để trả lời câu hỏi của Kiến Chánh.
1. Ví dụ của vật thể
Đức Phật nói: “Tâm thức không có hình tượng, nếu như bản thân làm việc lành, thì tâm thức sẽ theo nghiệp lành chuyển sinh, không thể trở về được. Tại sao vậy? Ví như đem quặng sắt luyện thành sắt, sau khi thành sắt thì đúc thành vật dụng, thử hỏi số vật dụng đó còn có thể phục hồi trở lại là quặng sắt hay không? Tâm thức rời khỏi thân thể, cũng giống như quặng sắt đã được luyện thành sắt, tâm thức lại nhận thân thể mới, thì là giống như đem sắt luyện thành vật dụng, hình thể ban đầu đã biến mất thay đổi rồi, không thể hồi phục trở lại thành tâm thức ban đầu nữa.
Đời này thọ trì ngũ giới, đời sau đắc được thân người, có một cha mẹ khác, tâm thức bèn có 6 loại chướng ngại: Một là ở trong cõi âm, không được trở về; hai là vào bên trong bào thai; ba là khi ra khỏi bào thai rồi quên đi ký ức trước đây, bốn là sau khi cất tiếng khóc chào đời mà quên mất tâm thức trước đây, từ đó sinh thành nhận thức mới; năm là sau khi sinh ra liền ham muốn thức ăn, quên mất tâm thức trước đây; sáu là dần dần lớn lên, tiếp nhận thói quen sự vật mới, quên đi tâm thức trước đây.
Ví như thương nhân chu du bốn phương các nước, nếu như trong tâm chỉ nghĩ đến một phương hướng, thì sẽ không nghĩ đến ba phương hướng còn lại. Tâm thức là vì sáu loại ngăn trở này, không thể khôi phục về hình trạng ban đầu, giống như hạt giống mọc thành cây, khoáng luyện thành sắt, vậy nên không thể trở về báo cáo với người ta. Lại ví như nhà làm gốm lấy lửa nung đất thành gốm, gốm không thể khôi phục thành đất nữa. Lại ví như một cái cây lớn, thợ mộc chặt nó xuống, điêu khắc thành các loại dụng cụ tinh xảo, nếu như có người tập hợp những dụng cụ này lại, muốn để chúng trở lại thành cái cây, điều này có làm được không?”
Chúng đệ tử trả lời: “Không làm được”.
Đức Phật nói:
“Tâm thức đối với những việc làm thiện ác của một đời này, sau khi chết đi sẽ thuận theo nghiệp lực mà hoán chuyển thân thể mới. Những gì đã thấy đã làm, đều không còn là thân thể trước đây nữa, không thể trở về trước mặt người ta, giống như cái cây đã chặt không thể tập hợp đồ gỗ lại khiến nó sống lại thành cái cây được. Lại ví như thợ hóa chất nung cát đá thành nhiên liệu màu đỏ lại chuyển sang màu trắng, lại chuyển sang thể lỏng, nhiên liệu không thể biến trở lại thành cát đá được nữa.
Lại ví như nước được để trong cái bình hình tròn, hình dạng của nước cũng theo đó mà biến thành hình tròn; nếu là cái bình hình vuông, hình dạng của nước cũng hiện thành hình vuông.
Sinh tử cũng là như vậy, tâm thức vốn không có hình thể cố định, thuận theo việc làm thiện ác mà đi chuyển sinh vào thân thể tương ứng; có người thì trắng, có người thì đen, cao, lùn, có người thì khổ nhiều vui ít, có người thì vui nhiều khổ ít, đều là thuận theo những thiện ác đã làm; giống như hình thể của nước biến hóa theo cái bình vậy”.
Đức Phật đã đưa ra các loại ví dụ để trả lời cthắc mắc của Kiến Chánh.
2. Ví dụ sinh vật, thịt
Đức Phật nói tiếp: “Nếu như nghiệp lực mà một người nào đó tạo trong một đời là nghiệp súc sinh, đương nhiên sẽ phải thuận theo hình tượng của súc sanh, và anh ta cũng không thể trở về trước mặt người ta được. Ví như ấu trùng ve, sống ở trong đất, không có tiếng kêu, không có lông cánh, nhưng nó hễ có được điều kiện sinh thành, rồi lột xác thành ve. Con ve này bèn bay lên cây, kêu không ngừng, thử hỏi có thể cho nó vào trong đất, khiến nó trở lại thành ấu trùng ve được không?”
Chúng đệ tử trả lời: “Không thể ạ! Ấu trùng ve đã trải qua lột xác, rời khỏi chỗ tối tăm ra sống ở nơi sáng, thân hình đã biến khác, không lâu nữa sẽ chết, hoặc bị chim chóc mổ ăn, không thể phục hồi thành ấu trùng ve như trước được nữa!”.
Đức Phật nói: “Sinh tử của con người cũng là đạo lý này. Mệnh hết thân chết, tâm thức đổi dời, tiếp nhận thân thể mới, chịu sự che đậy của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thói quen nghe nhìn đều khác nhau, sống chết đổi thay, không được lâu dài, là các loại nhân nhân quả quả khác nhau. Giống như con ve trên cây không thể trở lại thành ấu trùng ve ban đầu nữa”.
Đức Phật hỏi các đệ tử: “Ví như một miếng thịt cắt ra, qua một thời gian dài không ăn, thì sẽ bốc mùi hôi thối sinh ra dòi bọ; bây giờ nó còn có thể trở lại thành miếng thịt tươi ngon ban đầu không?”.
Chúng đệ tử trả lời: “Không thể ạ! Miếng thịt này đã bị hư nát, làm sao có thể phục hôi là miếng thịt tươi ngon ban đầu được nữa”.
Đức Phật nói: “Sinh tử cũng như vậy, con người ở thế gian thuận theo ba nghiệp thân – khẩu – ý đã tạo, sau khi chết tâm thức sẽ đi về nẻo ác, hoặc thân đọa địa ngục, hoặc mang thân súc sinh, hoặc mang thân côn trùng và cá… Lúc này ý thức là khác vạn dặm so với con người, bởi vì nghiệp tội của họ giống như tấm lưới chụp lấy tâm thức vậy. Họ cũng không còn nhận thức được bản thân mình, vậy nên càng khó nhớ lại hết thảy cảnh ngộ lúc sinh tiền của mình; giống như một miếng thịt đã cắt ra này, không thể khôi phục lại miếng thịt tươi ngon ban đầu nữa”.
3. Ví dụ màu sắc, ánh sáng
Đức Phật nói với chúng đệ tử: “Lại ví như đêm không trăng, đem đồ vật có năm loại màu sắc khác nhau đặt trong chỗ tối, gọi hàng nghìn vạn người đến phân biệt. Trong đó có người nào có thể phân biệt được các màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay không?”
Chúng đệ tử trả lời: “Dẫu có gọi nhiều người hơn nữa đến phân biệt, cũng đều khó nhìn thấy là vật gì, huống hồ là nhận biết màu sắc”.
Đức Phật nói: “Nếu như có người cầm một ngọn đuốc đến chiếu sáng thì sao?”
Chúng đệ tử trả lời: “Nếu thế thì sẽ khác, có ánh sáng rồi, con người liền có thể phân biệt 5 màu sắc ngay”.
Đức Phật nói: “Nếu như có một kẻ ngu đần, anh ta cứ ngược hướng với ánh sáng mà đi vào trong nơi tối tăm tịch mịch khó lường, hơn nữa còn đi rất xa rất xa, muốn nhìn ra năm loại màu sắc này, hỏi có thể được không?”.
Chúng đệ tử trả lời: “Kẻ ngu đần ngược hướng ánh sáng mà đi vào chỗ tối tăm, vậy thì càng đi sâu vào sẽ càng tối, đương nhiên vĩnh viễn cũng nhìn không thấy năm loại màu sắc”.
Đức Phật nói với chúng đệ tử:
“Sống chết của con người cũng là như vậy. Hết thảy con người cũng như các loài vật bay lượn trên không, đi lại trên đất, đã nhận chịu số mệnh theo hình dạng bề ngoài, đều là từ sự u mê bởi các loại vọng tưởng mà nên. Nếu không hành thiện tu đạo, không tu thân dưỡng tính, không có được huệ nhãn, lại muốn biết được hướng đi sinh tử của tâm thức, muốn biết được sự thật về âm dương, thì sẽ giống việc nhận biết năm loại màu sắc trong bóng tối vậy, chung quy vẫn là uổng công vô ích.
Nếu như làm theo lời dạy, kiên trì tuân thủ giới luật, tu hành đạo phẩm, thân giữ chính niệm, chính là giống như đi theo người mang đuốc lửa, tự nhiên có thể nhìn được năm loại màu sắc. Nếu như nghe theo lời Phật dạy, y pháp tu đạo, thì có thể thoát khỏi sinh tử, nhìn thấu ngũ đạo và thiện ác báo ứng. Chính là như đuốc lửa chiếu sáng, giúp ta nhìn rõ màu sắc vậy.
Con người ta nếu không tu thân dưỡng tính, làm trái điều răn, trôi theo dòng chảy thế tục, tà mệnh dưỡng thân, đoạn đứt chính Pháp, không tín không nghe, càng không chịu làm theo, chính là giống như kẻ ngu đần rời bỏ chỗ sáng đi về chỗ tối, đời đời bị che mờ, kiếp kiếp bị ô nhiễm, cuối cùng không thể nhìn rõ chân tướng của sinh tử”.
Đức Phật lại nói với chúng đệ tử: “Con người một đời này mang theo thân người, mắt thịt nhìn thấy những việc hiện tại, cha mẹ họ hàng thân quyến, v.v… rõ ràng minh bạch. Tuy vậy không thể nhìn rõ được kiếp trước là từ đâu đến, khi kiếp này già chết đi về kiếp sau, lại nhận thân hình mới, cũng không thể nhận biết được chuyện của kiếp này, tại sao vậy? Một sống một chết, tâm thức chuyển dời, mười hai nhân duyên, u mê không rõ tấm thân này, mơ mơ màng màng, hễ chuyển sinh thì không còn nhận biết gì nữa.
Giống như sợi tơ trắng được nấu luyện, nhuộm thành các màu xanh, vàng, đỏ, đen, khó có thể trở về màu trắng tinh của ban đầu nữa. Thay đổi giữa sống và chết, cũng như sợi tơ trắng biến đổi màu sắc vậy. Trong một đời này, tâm niệm muôn mối, thưởng thiện phạt ác, tùy theo các nghiệp, thân cũ đã diệt mất, thân mới cũng chẳng được lâu, quy luật của sinh tử thì đương nhiên là cuồng vọng và ngu muội mà thành.
Nếu như con người muốn biết hết thảy nguồn gốc của nhân quả khổ nghiệp, thì cần phải tu học phẩm đức cao thượng, hành vi thanh tịnh, để trở về với bản tính tuyệt diệu của chính đạo Bồ đề. Có như vậy thì con người tự nhiên sẽ ngộ thấu hết thảy những gì trước đây, giống như người ta tỉnh dậy sau một giấc ngủ li bì”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét