BỐN MỆNH ĐỀ (tứ cú)
Bốn mệnh đề ở đây là bốn lời phát biểu nói lên bốn trình độ hiểu biết về vũ trụ vạn pháp của người tu học khi tuệ giác chưa sáng tỏ.
1. Có (hữu). Vũ trụ vạn hữu là có thật, nghĩa là có một bản ngã đồng nhất, chân thật.
2. Không (vô). Vũ trụ vạn hữu là không có thật, chỉ là giả hợp, hư huyễn, tạm bợ.
3. Vừa có vừa không (diệc hữu diệc vô). Vũ trụ vạn hữu là có thật về mặt bản thể nhưng lại là hư huyễn về mặt hiện tượng.
4. Không có cũng không không (phi hữu phi vô). Quan niệm vũ trụ vạn hữu là có thật về bản thể cũng không phải, mà hư huyễn về mặt hiện tượng cũng không phải.
Dù là "có”, dù là "không”, dù là "vừa có vừa không”, cho đến"không có cũng không không”, bốn mệnh đề trên vẫn chỉ là bốn khái niệm về vạn hữu; vả chăng, chúng chỉ là một chuỗi diễn tiến của việc dùng khái niệm sau để phủ nhận khái niệm trước. Trong khi đó thì thật tướng của vạn hữu không thể thấy được bằng khái niệm, không thể diễn tả bằng ngôn từ. Vậy muốn thấy được thật tướng của vạn hữu, hành giả phải vất bỏ cả bốn mệnh đề kia đi, đừng để bị mắc kẹt vào khái niệm, phân biệt. Hãy nhìn cây hồng là cây hồng. Thật tướng của cây hồng chính là cây hồng. Nếu bỏ cây hồng để đi tìm thật tướng của cây hồng thì suốt đời cũng không bao giờ thấy được thật tướng của cây hồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét