Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

THÍCH ĐẠO NHO (CHƠN LÝ SỐ 23: TAM GIÁO)

CHƠN LÝ SỐ 23: TAM GIÁO

THÍCH ĐẠO NHO

1. Đức Khổng Tử là một nhà hiền triết, dạy đạo cư gia. Ngài sanh ra trong thời giặc loạn của xứ Tàu, sau Lão Tử 53 năm, tức là sau Phật Thích-ca vậy.

Đức Khổng Tử là một người con chí hiếu. Lúc nhỏ Ngài tập hành lễ giáo, Ngài tập lễ bái đến khòm lưng, gặp ai lớn nhỏ Ngài cũng lễ bái, cho đến cái cây, cục đá, Ngài cũng lễ bái nữa. Vì đối với Ngài lễ giáo là phép lịch sự, là phép thân thiện, là lòng thương yêu, là sự kính nể, tốt đẹp hơn hết. Ngài cho rằng có lễ giáo con người mới có thứ tự, có lòng nhân, mới sống chung nhau được. Chính lễ giáo là sự nho nhã nhu hòa, khiêm nhượng mềm yếu, dẻo dai, mới là con đàng sống được.

Có nhu đạo mới thành nhân đạo, và nhu đạo là sẽ thắng tất cả mọi thứ chiến tranh mạnh cứng, là phép sống đời trong những cảnh loạn ly. Nho đạo cũng là sợi dây cột chùm tất cả cây cao để tránh nạn bão to gió lớn, cùng là sự xô xát đập đùa lẫn nhau.

Nho giáo là giáo lý bình dân dẹp loạn trong khi có loạn, và là một giáo lý lập gia đình hay hơn hết. Cốt yếu của Nho giáo là loài người phải có lòng nhân, đừng giết hại lẫn nhau nên cũng gọi là nhân đạo. Theo giáo lý ấy, mọi loài đều phải sống khi đã có cái sống, và không ai nên làm cho ai phải chết khi tự họ chưa chết. Đành rằng sống là khổ, nhưng ngoài mặt đất này ra, ta còn biết phải đi đâu tránh khổ và nếu chết đi vì uất ức, vì luyến ái, thì còn phải khổ gấp trăm lần nữa vậy.

Thế thì ai cũng phải sống cả, và muốn mình sống thì đừng giết hại người; có không thù oán thì ta mới được sống yên, và ta không nên để gương ác, hại lại cho đời sau; mà tất cả đều phải giữ gìn một giới cấm nghiêm trọng là không nên sát sanh hại mạng.

Không sát sanh mới có lòng nhân ái, mới được gọi là nhơn loại, mới có khác với buổi ban đầu, và là đã tiến hóa lên cao một nấc, khác cổ nhân.

Cũng vì sự khuyên can chém giết lẫn nhau, mà đức Khổng Tử Ngài dạy về đạo tam cang và phép ngũ thường cho trong gia đình, xã hội. Ngài bày ra sự quan hôn tang tế cho loài người, Ngài dạy trẻ nhỏ thành nên người lớn, Ngài dạy con thú trở nên người ta, Ngài dạy kẻ ác trở nên người thiện, Ngài làm cho tất cả phải sống. Giáo lý của Ngài cũng như bọc thai, luật pháp của Ngài như lồng khám, để nhốt đậy giữ yên, cứu sống mạng người trong cơn khủng hoạn.

Đạo nhơn nghĩa của Ngài, mục đích để kết liên sự sống giữa ta người, gia đình, xã hội, thế giới và cả chúng sanh chung từ nhỏ tới lớn, từ ít đến nhiều, và như thế là phải thương yêu nhau tất cả từ hẹp tới rộng, để cho không còn tai nạn.

Ngài cho rằng vạn vật ta làm cho tốt được thì ta cũng phải làm sao cho tâm ta được tốt, có như thế vạn vật mới ở bền với ta, ta mới có được vạn vật. Giáo lý ấy tức là đạo của Ngài, tức là Ngài bảo thủ thuyết “Có”: có ta, có vạn vật, ta và vạn vật đều phải trọn lành tốt đẹp, có mãi, giữ mãi, sống mãi. Vật hư làm cái khác, người chết sanh trở lại, tức là giáo lý luân hồi nhơn quả. Ta phải có, ta phải sống, ngày nay và ngày mai phải luôn luôn tốt đẹp, có công mới có quả, công quả phải bằng nhau. Ấy là lý trung dung của Nho đạo.

Theo giáo lý đức Khổng Tử, thì trẻ nhỏ phải học Nho giáo, người lớn phải thật hành Nho giáo, và ông già thì đem Nho giáo dạy lại trẻ nhỏ, phải đem Nho đạo lập thành cõi đời, phải lấy Nho đạo làm phong hóa. Nho đạo phải là con đường cái của nhân loại.

Theo Nho đạo thì người ta phải đứng tại lớp người, chớ đừng lui lại lớp thú, và cũng là chưa biết phải đi tới đâu. Đức Khổng Tử khi xưa, Ngài chỉ biết thời hiện tại, việc gì cũng phải vay trả cho xong trong ngày hiện tại, trước mắt. Ngài cho rằng ta phải khiêm nhượng, mà đừng ngó tới xa quá của bậc Trời Phật lớp trên, và cũng chớ quay lui trở lại lớp thú, nghĩa là con người phải biết lấy địa vị, việc làm của mình hiện tại, mà đừng nhắc việc quá khứ vô ích, hay là luận việc vị lai không công mà chi. Cũng như học trò, cứ lo phận sự học hành theo bài vở của mình cho xong là được lên lớp, chớ nói luận làm chi rộn nhọc.

Như vậy nghĩa là Nho giáo tiến chớ không phải thủ, mà là tiến bằng cách chậm rãi dè dặt, thận trọng. Trên Nho giáo là Lão giáo, và trên Lão giáo là Thích giáo, nghĩa là trên người là Trời, trên Trời là Phật. Nho giáo là lớp ba, Lão giáo lớp nhì, Thích giáo lớp nhứt, trong một trường đạo có ba lớp, mà chỗ đến có một mục đích là bỏ khổ tìm vui vậy.

Vậy nên tam giáo là một đạo, ba Ngài cũng như một; hai lớp sau về lần theo lớp trước, và bởi do lớp trước mới có hai lớp sau. Các lớp có ra là do tùy nơi căn cơ trình độ của chúng sanh thấp kém, mà lớp dưới phải mở bày ra để lần đưa lên lớp trên chỗ một.

Giáo lý của đức Khổng Tử không thể dạy được bậc đã thiện rồi hay như bậc ông già lớn tuổi, như bậc quân tử, mà là giáo lý sắp đặt chế trị, nghiêm luật, lo cho đám trẻ nhỏ côi hoang thôi. Nho giáo là giáo lý cần sống, thiện để sống, và rồi sống để chịu khổ vậy.

Nho giáo là giáo lý sống tạm theo thời, nên cũng kêu gọi là đời, hay đường đời, giáo lý tạm trong lúc chiến tranh mà không dùng được trong khi yên tịnh. Nếu sống mà không học thì có khác nào người hiền mà chưa có con mắt, sẽ nguy hại biết bao. Sự học của Nho giáo là lo cái sống, chớ chưa học đến chơn lý võ trụ, và các pháp trong thế gian, cũng như cái học chỉ giữ có một quyển sách, một bài, thì dùng không được trong những việc khác trở ngại.

Theo giáo lý của đức Khổng tử, Ngài bảo con người đừng tham lam, nhưng Ngài lại dạy phải bảo thủ cái có, phải giữ gìn vật chất có khác nào là tích trữ nguồn gốc của sự tham lam, tranh cạnh?

Ngài bảo người ta đừng giết nhau, phải cần sống, tức là xúi con người tham sống, mà hễ tham sống cho mình, thì sao lại chẳng đi hại kẻ khác?

Ngài bảo người ta đừng hơn thua, nhưng Ngài lại dạy mỗi người có danh lợi, có khác nào là đốc xúi sự chen đua, lấn áp lẫn nhau?

Ngài bảo người ta đừng chia rẽ, nhưng Ngài lại đặt tên xã hội, tên gia đình, tên quyến thuộc bà con, tức là sự phân chia khác biệt ta và người. Thì hỏi thử làm sao mà bình yên được?

Ngài dạy người ta phải sống, nhưng nào có thấy ai được sống mãi, Ngài dạy phải chấp có, nhưng nào ai xưa nay có thấy cái chi thường bền, có mãi đâu. Vì thế nên đức Khổng Tử, Ngài mới thất bại nơi nước Lỗ, cùng các xứ chư hầu xưa không trọng dụng, và cũng như khi hầu chuyện với Lão Tử, Ngài thấy Ngài nghẹt lối, nói không thành lời.

Ngài thật hành và chủ trương theo giáo lý trị thế cũng thật hay, nhưng kẻ đời sau hiểu lầm nơi giáo lý của Ngài, xưng gọi đệ tử Ngài mà họ đi làm giặc loạn, để bôi lọ, vẽ mặt, phá hại đạo Ngài, thật là đáng tiếc!

Cũng vì thế, mới có kẻ dám nói đức Khổng Tử sợ người ta chia rẽ làm giặc nhỏ, mới bày lập gia đình xã hội, binh đông để làm giặc lớn, giết chết một lần cho gọn. Những kẻ ấy trách quá đáng, họ biết đâu người hư, chớ nào phải đạo tệ, bởi đời sau tại kẻ học hiểu lầm, hành sái, vì cho bấy nhiêu là đủ, mà không chịu tìm kiếm lớp Trời, Phật học thêm, mới phải có tai nạn, là tự họ vậy. Mà cũng phải có như vậy, thì giáo lý của Lão Tử mới được nổi danh hơn, và người ta mới biết Trời là cao quý hơn người, còn Phật thì cao siêu hơn Trời kia nữa!

2. Đức Lão Tử thật là khác hẳn đức Khổng Tử. Đức Lão Tử thì lưng ngay, đầu thẳng, trọn đời chẳng biết cúi khòm, tánh cang trực của Ngài không sợ ai cả, cho đến bị người ta đánh đập mà Ngài cũng chẳng một tiếng kêu xin; Ngài tin công lý, Ngài muốn tìm hiểu chơn lý của võ trụ. Ngài cho chúng sanh vạn vật vốn vô quyền, vô trị, ai cũng như ai, cái gì cũng như cái nấy mà thôi. Hoặc may chúng sanh vạn vật có khác nhau là chỉ nơi giáo lý danh từ tạm, nơi thể tướng tạm bên ngoài, chớ tất cả đều là một linh hồn, ai ai cũng là tâm hồn như nhau hết, dầu trình độ cao thấp, chớ rốt cuộc rồi cũng vẫn như nhau, bằng nhau, còn xác thân dầu là của người, thú, hay cỏ, cây, cả thảy là đất nước lửa gió, chớ không có chi danh vọng. Dầu người ta không giết thì nó cũng tự chết lấy, nên giết mà làm gì, giết hại thù oán mà chi. Vì có ai giết hại tâm hồn ta đặng đâu mà hòng lo sợ. Đức Lão Tử Ngài sống bằng một tâm hồn có ba phần: linh, giác và thần.

Tức là Ngài sống bằng siêu hình, và Ngài tách mình ra khỏi đám nhục dục thấp thường, mà sống riêng nơi núi non thanh vắng, hang động, im lìm. Ngài là kẻ chết, Ngài là kẻ không tham muốn gì hết. Ngài chỉ muốn sự thanh nhàn tĩnh mịch, để dưỡng tâm yên lặng trong cõi huyền bí thôi. Ngài cho rằng: cuộc đời vô ích và giả dối, ai ai rồi cũng thất bại cả, vì cái có là đang ở trong cái không không bao chụp, như vậy là Ngài chấp không, cả thảy đều không, Ngài ở trong cái không, được vui sướng chơn thật hơn.

Giáo lý của Ngài là chết vui hơn sống khổ, và không có xã hội, gia đình, quyến thuộc, bà con, của cải, miếng ăn, danh lợi gì cả. Vì chúng sanh là những linh hồn, và vạn vật là đất nước lửa gió thôi.

Đối với Ngài, thì chúng sanh không ai lo cho tâm hồn ai được, mỗi người phải tự lo lấy, cũng như không ai giết tâm hồn ai được, vì là nó tự sống lấy, thì phiền lụy với nhau mà làm gì, giáo lý ấy là đạo của Ngài. Ngài kêu nó là đạo, vì nó là con đường cao ráo, chỗ cứu vớt kẻ trầm luân. Những kẻ đã bị trầm luân trong chốn biển ô danh lợi của cái có, cái ác, cái tham, cái lún sâu không bờ bến, không nơi nương dựa, không rồi, không kết quả mục đích. Đạo giáo của đức Lão Tử là lớp trên cao hơn Nho giáo, và là đối nghịch với đời. Người học Nho mà bước lên lớp này thì phải bỏ hết sở chấp, mà chỉ phải còn dùng cái trí, cũng như lên lớp trên là phải bỏ hết bài vở cũ của lớp dưới, mà chỉ mang theo được cái trí thôi.

Giáo lý của Phật như mặt trời.

Giáo lý của đức Lão Tử như mặt trăng.

Giáo lý của đức Khổng Tử như ngôi sao.

Giáo lý của đức Khổng Tử và Lão Tử tuy còn là lớp tạm, không thật, nhưng giáo lý của đức Lão Tử thì sáng rỡ hơn nhiều, cũng như mặt trăng thì sáng hơn ngôi sao, tuy vậy chớ cũng còn đêm tối, chưa được sáng rỡ như mặt nhựt, nghĩa là chưa bằng giáo lý giác ngộ của Phật, chỉ rõ tất cả sự thật của ban ngày.

Theo đạo giáo của đức Lão Tử thì người ta phải lo tu tâm, lánh bỏ cõi thế đời giả dối, chiêm bao, mà đừng mải mê đeo theo gánh hát diễn trò, mang râu đội mão, nó chỉ là sự khổ sở vô ích, không rồi, thất bại, lếu rộn.

Vì hễ việc chi càng lo là phải lo mãi, việc có hoài; còn bằng không lo thì càng khỏi lo và không có chi hết. Việc đời cũng y như vậy, sợ gió làm động mặt nước, lấy gió trừ gió làm cho gió lớn mãi, gió khắp cùng. Vậy tại sao chúng ta chẳng gọi là không, rồi thì sẽ không có gì hết, cho được thanh nhàn yên lặng, có thong thả hơn không?

Vậy nên theo giáo lý của đạo Lão Tử, thì người ta hiền rồi là phải đi tu, ông già là phải đi tu, làm người là phải đi tu, khi thái bình rồi là phải đi tu, vì hiền rồi mà không đi tu là khổ và sẽ ác trở lại. Ông già mà không đi tu là khổ và sẽ làm trẻ con lại. Thái bình rồi mà không đi tu là khổ và sẽ sanh chiến tranh lại.

Như thế thì giáo lý của đức Khổng Tử là gom chúng sanh lại để đừng chia rẽ, sanh loạn nhỏ lúc ban đầu. Còn giáo lý của đức Lão Tử chia rẽ chúng sanh ra, để đừng có giặc loạn to lúc về sau, nghĩa là khi chia rẽ mà loạn thì phải gom hiệp lại, cho bình yên. Về sau khi hết loạn rồi mà số đông gom hiệp, ở lâu sanh loạn là phải chia rẽ ra trở lại. Dầu ly hay hiệp đều là pháp thái bình tạm mỗi lúc, để nối tiếp sự bình yên mãi mãi. Như thế là pháp phải thay đổi luôn luôn theo thời duyên, chớ không nhứt định được.

Cái hiệp của đức Khổng Tử là để cho thân sống, chớ không phải để làm loạn chết thân tâm.

Cái ly của đức Lão Tử là để cho tâm sống, chớ không phải để chịu khổ chết tâm thân.

Gồm cả hai pháp thì thân tâm đều sống mãi, ấy cũng vì muốn thiện mới hiệp, và vì trái cảnh, muốn thiện là phải ly, chớ không phải ly để loạn, hay là hiệp để hại lẫn nhau theo lẽ ác.

Cũng như đức Khổng Tử làm cho thái bình và đức Lão Tử thì tiếp thêm làm cho thái bình vĩnh viễn, mà hai pháp ấy thiếu một cũng không được. Vì thiếu Nho giáo thì không thái bình, và thiếu Lão giáo thì cũng sẽ sanh loạn trở lại. Cũng như kẻ cầm binh khí là để ra trận mạc, khi không có chiến tranh mà còn cầm binh khí là chính tự họ sẽ làm loạn tiếp tục kế đó. Vậy thì sự lìa bỏ binh khí khi hết loạn, tức như sự giải thoát đi tu của Lão Tử trong thời thái bình, thật là đúng lý. Cũng như Trương Lương công thành thân thoái, là hay quý.

Đức Khổng Tử sanh trong thời loạn, Ngài dẹp loạn rồi mới đi tu. Đức Lão Tử sanh trong thời bình, Ngài đi tu là cho được bình yên mãi mãi. Giáo lý thay đổi khác nhau theo thời duyên, thật là quý hay, hữu ích lắm vậy. Giáo lý của hai Ngài là đạo của thân tâm, là đạo của tất cả chúng sanh, đạo ấy là lẽ sống vui trên mặt đất cho đến ngày hôm nay.

Đức Phật cũng dạy đúng y như thế, thân thì phải chung hợp sống chung, tâm thì phải tự ai lo tu riêng nấy. Cũng như cây cỏ, xác thân thì dựa kề nhau, còn tâm thì ở riêng trong mỗi xác thân. Trong đời ai muốn chết, mà nhớ đến đức Khổng Tử là họ tự sống trở lại. Ai quá khổ mà nhớ đến đức Lão Tử là họ liền vui trở lại. Hai Ngài là xác thịt và linh hồn của chúng sanh, của mỗi người, mà không ai có thể quên thiếu một phần nào được cả.

Về thuyết có của đức Khổng Tử, thật là có hoài, có mãi, giáo lý làm việc thật cực nhọc, nhiều lắm, mà sự kết quả lại ít hơn. Vì tình nghĩa gom hiệp là việc nhỏ nhoi số ít. Còn chúng sanh đông nhiều thì không hiệp được, dầu thân có hiệp, chớ tâm chẳng bao giờ hiệp, thì làm sao số đông xã hội mà ép buộc cả thảy các thứ tâm ý cho y nhau, trách gì giáo lý có của đức Khổng Tử chẳng làm cho xã hội không bền vững, mà trái lại giáo lý Nho đạo, dùng lập gia đình cỏn con thì hay, đúng lắm. Thế mới biết rằng: việc chi có sắp đặt, có trật tự, có cai trị là chỉ được cho số ít thôi. Như thần quyền chúa tể, thì không cai trị cả chúng sanh được. Cũng như ông thầy giáo lớp chót, đối với học trò sơ cơ khờ dại thì phải dùng luật để trị, kẻ tiểu nhân ấy, trong một số ít; chớ với các lớp lớn trên cao kia, thì phải lấy lễ mà đãi họ, chỉ phải chăm lo dạy họ, để cho họ tự tu tự sửa lấy, chớ không dùng quyền luật đối với họ nữa, vì họ biết tự tu tự trị lấy họ, nào phải cần ai ép buộc.

Vả lại ở lớp dưới, học trò đông, mà đứa nên rất ít; ở lớp trên học trò ít mà đứa nên nhiều; lớp dưới thì khó dạy mà phải trị, lớp trên thì không trị mà dễ dạy, được là cũng bởi nhờ sự rèn luyện của lớp dưới buổi đầu, để đưa lên lớp trên, cái trang nghiêm tốt đẹp ấy.

Giáo lý Lão Tử lớp trên, Ngài chỉ nói về lý “không”. Ngài không có mệt nhọc lo lắng gì cả, Ngài bảo mỗi ai tự lo trau tâm lấy mình, Ngài bảo người ta bỏ thế sự, danh lợi để trau tâm, thì tất cả đều nghe theo, và cả xã hội tự ai nấy lo trau tâm, là được yên vui tất cả. Vậy nên giáo lý Lão Tử là dạy về xã hội số đông hay hơn hết, mà lại khỏe khoắn, không có mệt nhọc chút gì.

Người ta cũng nói đức Khổng Tử chuyên dạy về bình dân, làm cho dân không loạn, về phép nội trị trong nước. Còn đức Lão Tử thì chuyên dạy vua quan trí thức, kẻ cầm đầu, hay cũng như con rắn, ta chỉ bắt khúc đầu. Sự thật như vậy, kẻ bề trên mà biết tu tâm, cũng đủ cho muôn dân được hưởng nhờ hạnh phúc, và giặc giã không từ đâu phát sanh ra được nữa. Và bậc vua quan mà còn phải lo tu, thì dân giã đâu còn ai dám ham muốn cái vua quan; theo như người ta hiểu lầm cái vua quan là danh lợi, mà sự thiệt của vua quan là khổ sở, là tôi tớ của dân khờ, là nạn tai của cướp trộm, bởi sự hăm he thù oán và mãi lo lắng giữ gìn của cải thân mạng cho muôn loại, bằng cách chẳng công ơn, đã bị bận rộn mãi cho ai, mà không còn đường tấn hóa cho mình đi kịp. Thế mới biết vua quan là khổ, là hy sinh, là thiệt thòi đủ thứ. Kẻ lãnh trách nhiệm của cha anh, tuy sướng thân một chút, mà thật là lao tâm khổ trí. Bổn phận cha anh không phải dễ, hành đúng thì cũng khổ, mà hành không đúng thì cũng khó lòng, khổ nhất là mãi lo ăn ở cho đàn em bất trị, không rồi, không xong gì cả mà chúng oán hờn.

Phương châm của đức Lão Tử là sự chỉ cho cái tâm hồn, lo cho lúc sau khi chết và hiện tại là không có, vạn vật là không thường. Giáo lý ấy an ủi rất khéo, làm cho người ta quên hẳn sự khổ của hiện tại, nhứt là làm cho các ông già, những người chán nản thất bại được vui sướng mà sống lành thêm, tức là tạo thêm tâm hồn từ bi hỉ xả, cao thượng, mà kẻ sống thì thấy như mình đã chết, nên thong thả an nhàn, sung sướng lắm. Họ không còn có thấy cái gì nữa trong thế gian, họ đang ở trong cái không không, tuyệt đối, nên khỏe nhẹ và sáng suốt thông minh lắm. Họ sống bằng lý trí, vui với lý trí, ngoài ra họ không biết gì gì cả.

Đạo Khổng và đạo Lão có ra là do đạo Phật, vì trình độ chúng sanh không theo được đạo Phật, nên đức Lão Tử mới bày ra đạo Trời, vì bởi người ta không theo được đạo Trời, nên đức Khổng Tử mới mở ra đạo Người. Đạo Người là để dẫn đến với đạo Trời, đạo Trời là để dẫn đến với đạo Phật, tức là ba lớp học của chúng sanh đời nay.

3. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Ngài dạy gồm cả xuất gia và tại gia, tức là Ngài dạy cả hai pháp của Khổng Tử và Lão tử. Ngài không chấp một bên nào cả, Ngài giữ mực trung, nghĩa là: Ngài cũng có dạy cả hai bên theo nhân duyên. Vậy nên nói: Khổng giáo, Lão giáo là đạo Phật cũng được, hay là đạo Phật là Khổng giáo, Lão giáo cũng được.

Đức Phật Ngài được siêu việt hơn, là bởi Ngài đã thật giải thoát đến chơn như và toàn giác. Ngài đứng ngoài tất cả chúng sanh, vạn vật và các pháp, nên Ngài không còn lầm lạc nữa. Ngài biết khắp cả võ trụ. Ngài không đem mình làm phận sự gì hết, Ngài chỉ bảo sự lạc lầm cho ai nấy thôi. Ngài không dòm ngó về sự chết sống, Ngài cũng không chú ý đến sự khổ vui. Ngài cũng không lấy bỏ ai hết, Ngài cho rằng: Cõi đời ra sao cũng được. Ngài chỉ muốn cho ai nấy lần lần được sự giác ngộ biết sáng như Ngài. Vì hễ giác ngộ rồi thì không còn sở chấp, mà không còn sở chấp là sao sao cũng được, cũng xong, thì sự chết sống, khổ vui, đến đi, còn mất, có không, vinh nhục, lợi hại chẳng ăn thua gì.

Chúng sanh miễn giác ngộ rồi là được, trong đời đã sẵn có công lý của bản tâm, nghiệp nhơn thì có quả, miễn là ai nấy đừng mê muội, rồi thì khổ hay vui, họ cũng an lòng lấy, và tự họ sẽ đi lần lần theo con đường giác ngộ của họ. Cũng giống như đức Khổng Tử, với cư gia Phật dạy phải cấm sát sanh là trước. Cũng giống như đức Lão Tử, với xuất gia Phật dạy cấm dâm dục là đầu. Ngài cũng cho rằng: Cõi trời vô sắc giới, sắc giới và dục giới là cao hơn cõi người dâm giới. Không dâm dục chẳng sanh, thì đâu có giết. Không có giết, thì đâu có sanh. Nó là đầu đuôi của nhau. Cũng như không có ác đâu có khổ, và không khổ đâu có ác! Đức Phật Ngài chỉ Niết-bàn là trung đạo chánh đẳng chánh giác mực giữa, chớ không phải thấp cao xa gần chi cả. Chính cõi Niết bàn là lòng từ bi bình đẳng, tất cả chúng sanh chung, là sự trong sạch không nhơ uế, là sự sáng láng của trí huệ, là sự yên lặng của tâm chơn, chớ không phải ở đâu cả. Đức Phật dạy chúng sanh phải biết ở trong bản tâm yên lặng của mình, chớ đừng ở đâu hết, vì chỗ nào cũng không bền. Và chỉ có cái chơn như mới là giải thoát tất cả luân hồi sanh tử mà thôi. Ngài chỉ rõ sự sống của chúng sanh, sanh ra bởi nhơn duyên, con của tứ đại. Kìa như những cọng cỏ sanh ra bởi đất, thì nó chỉ là cái sống tự nhiên vậy thôi, chớ không có gì bận rộn cả. Cũng như Ngài muốn nói, chúng sanh là những cọng cỏ, cọng cỏ lúc đầu chưa biết chi cả nên gọi trơ trơ, nhưng về sau càng tiến tới theo thời gian, chúng sanh càng lầm lạc khổ sở tai hại, rốt lại sau khi đã giác ngộ rồi thì cũng còn là sự trơ trơ của cái biết, mà không còn cử động chi cả, trở lại như cọng cỏ buổi ban đầu. Vì bởi không ác thì khỏi thiện, không tham lam thì khỏi bố thí, không giết thì khỏi cứu, không mê thì khỏi tỉnh, không giận hờn thì không nhẫn nhục, không giải đãi thì khỏi siêng năng. Như thế là bao nhiêu việc của chúng ta cực nhọc loay hoay trong nhiều đời kiếp, chỉ khổ công mà không có ích hay gì ráo. Vậy nên giác ngộ rồi là trơ trơ, trơ trơ có phải đỡ hơn không? Thật vậy, không có ghét thì đâu có thương, kẻ nào trong tâm bằng thẳng, trơ trơ yên lặng như đầy đủ, thì không bao giờ có sự dư thiếu ấy. Mà trần thế là cõi yên lặng trơ trơ chớ không có việc gì.

Tại sao tâm ta thiếu? Là tại ta bỏ bớt ra, chẳng phải thiếu! Tại sao tâm ta dư? Là tại bởi ta thêm lấy vô, chẳng phải dư! Và như thế là ta đã lầm lạc tai nạn rồi đó, thật vô ích lắm. Chớ chi ta hãy để tâm tự nhiên, nghỉ ngủ bằng thẳng chẳng là yên ổn hơn không?

Tại sao chúng ta chẳng xét nghĩ, là mặt đất chung, cọng cỏ sống chung tự do, sống ở chết đi, khi đây khi đó, do nhơn duyên không sắp đặt, và cái biết là để học, học với tất cả. Cái sống là để sống, an nhàn với tất cả. Cái linh là linh diệu thần thông, phải để tự nhiên kín đáo cho nó linh thiêng mầu nhiệm, huyền bí bao la, để cho tâm ta được trơ trơ bằng thẳng. Giáo lý của đức Phật là dạy chung sống, chung học, chung cả cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, tâm bình đẳng, sống cho nhau, thi ân đừng cầu báo, phải trao đổi lẫn nhau, diệt trừ ý nghiệp, dứt bỏ tham sân si, tâm đừng vọng động. Ngài dạy cả thế giới chúng sanh chung đúng lắm; theo Phật dạy: cả thế giới chúng sanh yên vui, thì xã hội mới yên vui, xã hội yên vui, thì gia đình mới yên vui, gia đình yên vui, thì mình mới yên vui. Như vậy nghĩa là ta ở trong tất cả, ta phải sống với quá khứ, vị lai và hiện tại, nghĩa là ta phải sống với tất cả v.v… sống bằng sự dứt tham ái, giữ tâm an lạc. Vì thế mà khi xưa đức Phật bỏ gia đình xã hội, để sống chung với tất cả, Ngài giải thoát giáo lý gia đình, xã hội tông giáo, và Ngài cũng giải thoát cho chúng sanh luôn…

Cũng như một người thợ săn kia, lúc đầu lùa bắt những con le le, đem về gom một chỗ tạo sắm chuồng bồ, nhốt lại, trước là thương vì nó lạc loài bơ vơ đói khát, và sau là nuôi nó mỗi ngày rãi thóc cho ăn, lùa cho đi uống, lấy công lao ấy, mà có thịt ăn; mỗi ngày ăn thịt một con mập tốt, xúi chúng sanh sản cho nhiều, bồ lúa trước mặt, chảo nước sau lưng… Nhưng một hôm người gặp một con chim đại bàng bay liệng trên cao, chim ấy nói rằng mình là con vịt ốm yếu, bịnh hoạn trong đoàn, bị vất thải lạc rơi vào bụi rậm, nhờ đó mà được rảnh rang đi tu trong rừng kín, nhịn ăn nên lông dài bay được. Điều ấy, làm cho người thợ săn thấy mình thua kém xấu xa, và khổ nhọc tội lỗi, thế là sau này, người mới phá hết chuồng bồ, thả hết bầy vịt, bảo chúng đi tu, và người cũng đi tu nữa. Chính không phải người tha chúng làm ơn, mà là người không muốn làm tội thêm nữa vậy. Cách đó chẳng bao lâu, người ta thấy trên nền trời ấy, có một bầy chim đại bàng, do một đoàn chủ cầm đầu, bay khắp cùng xứ, và tản lạc ra xa đầy trên thế giới.

Người đó tức là đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành Phật; bầy chim ấy là đệ tử đắc quả của Ngài, con chim đại bàng trước hết là đức Phật Ca-diếp, chuồng bồ là giáo lý gia đình xã hội. Đức Phật trong nhiều đời kiếp trước kia, tu hạnh cư gia giống y như đức Khổng tử, gom hiệp, lùa ví chúng sanh lại ở chung, tạo pháp luật gia đình, xã hội làm chuồng lồng, nuôi dân bằng lợi lộc như thóc lúa, lấy nước danh dơ bẩn mà tắm người ta, bày xúi sự sanh sản vui chơi để mà thủ lợi, đền cho công cán. Lâu ngày người ta quên lịch sử buổi ban đầu, nhận lầm quyến thuộc bà con chỗ ở, lập nên sự nghiệp, tô đắp cho thân, mảng ham ngon tốt béo, no mà thân mạng có ngày chết luộc. Ngài thấy Ngài tội lỗi, không nỡ hưởng miếng mồi ngon, để cho chảo dầu danh lợi đốt nấu con người. Ngài xem gương giải thoát của Phật Ca-diếp mà Ngài xuất gia, dùng giáo lý của Ngài phá tung tù khám, địa ngục mà giải thoát luôn cho tất cả. Ngài không nỡ làm vua bằng thịt máu của người khờ dại. Ngài đi xin ăn để phá cái sở chấp của gia đình xã hội, cha mẹ vợ con, tiền của, ta và người, danh với lợi. Ngài đi xin ăn để giải thoát, nhẹ bay khắp cùng đây đó, sống chung, học dạy chung, thương yêu chung, bình đẳng đại đồng bác ái.

Vì bởi Ngài làm được việc đúng chơn lý ấy, Ngài bỏ tất cả giai cấp thế quyền danh lợi, nên chúng sanh thảy tôn Ngài là Phật. Và người ta theo Ngài, thờ Ngài mãi mãi, thờ cái tâm trơ trơ bằng thẳng của Ngài.

Tóm lại, đạo là con đường từ đầu tới cuối, đức Phật Thích-ca, Ngài đã đi đến cuối đường, đức Lão Tử còn đang đi chặng giữa, đức Khổng Tử mới bước đến khoảng đầu, trong ba cảnh ngộ của ba chặng, tức là ba giáo lý của một con đường, đường ấy là đường Khất sĩ của chúng sanh; mà đức Phật là bậc y bát chuyên môn, đức Lão Tử cũng là bậc mang áo ôm bầu, còn đức Khổng Tử thì lưng cơm bầu nước, khó bần Nho sĩ. Nghĩa là, đức Phật là thầy dạy đạo Khất sĩ, đức Lão Tử là đang tu, thật hành Khất sĩ.

Và đức Khổng Tử là đang tập hạnh Khất sĩ, mới khởi hành. Khất sĩ là đạo của tam giáo, là chơn lý võ trụ, là đạo của tâm người, của chúng sanh chung, của tất cả, đến với tất cả, mà không ai không phải là xin học, Khất sĩ! Có xin học mới sống yên vui, không tội lỗi.

Khất sĩ là đạo.    

Cư sĩ là đời.

Đời sẽ về y theo đạo hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét