Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Luân hồi trong lăng kính Lăng Nghiêm - Chương 01: Bối cảnh Phật giáo

image
Trước khi vào nội dung kinh Thủ Lăng Nghiêm, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về bối cảnh Phật giáo trước khi Thủ Lăng Nghiêm xuất hiện.
Đức Phật là một bậc giác ngộ vĩ đại, một bậc Thầy lớn của trời người. Sự cống hiến lớn của Ngài là để lại cho nhân loại tam tạng kinh điển là con đường giải thoát hạnh phúc vĩnh viễn qua chính sự chứng nghiệm của ngài.
Hệ thống giáo lý 49 năm thuyết pháp của Đức Phật được Tổ Thiên Thai bên Trung Quốc kết lại bằng một bài thơ ngắn gọn rằng:
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng[1] bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa, Niết bàn cộng bát niên.
        Nghĩa là:
Hoa Nghiêm trước nhất hai mươi mốt ngày,
A hàm mười hai, Phương đẳng tám
Hai mươi hai năm bàn Bát nhã
Pháp hoa Niết bàn cộng tám năm.
Sau 49 ngày thiền tọa và giác ngộ, Đức Phật khởi tâm muốn chia sẻ Phật tuệ, hé lộ chân tánh bình đẳng này đến với mọi người, nên Ngài nói kinh Hoa Nghiêm tiết lộ cho chúng sanh đau khổ biết rằng ai cũng có thể có khả năng thành Phật như ngài. Nhưng đến 21 ngày, Ngài thấy hình như không ai hiểu được thâm nghĩa này, không để ý, mà chúng sanh chỉ lo ham mê tham đắm tài, sắc, danh, lợi, ngủ nghỉ và quay cuồng trong tham, sân, si, nên Ngài không muốn nói nữa và muốn bỏ cõi này để nhập Niết Bàn.
Khi đó có các Phạm thiên giáng xuống và cung thỉnh Đức Phật vì lòng từ bi mà đừng nhập niết bàn. Các Phạm thiên nói rằng tuy cõi này chúng sanh tham mê ngũ dục như thế, nhưng cũng có những chúng sanh khác ước ao muốn tìm con đường thánh thiện thoát khổ và chán cõi ta bà này. Sau khi nghe như thế, Đức Phật đồng ý lưu lại cõi ta-bà và ngài bắt đầu nói A hàm tức hệ Phật giáo Nguyên Thủy trong 12 năm, vì thế chúng ta có năm bộ Nikaya[2]. Giáo lý Nguyên thủy nói về nguyên tắc đạo đức và nhận ra sự  hư vọng của sáu căn, sáu trần, sáu thức, buông bỏ tham, sân, si và thoát lửa sanh tử. Các bài kinh như vòng luân hồi, tứ niệm xứ, thọ giới tỳ kheo, tỳ kheo ni, cạo đầu xuất gia… đều là thuộc thời Phật giáo nguyên thủy (tức Phật giáo thời kỳ đầu).
Sau 12 năm, ngài bắt đầu chuẩn bị nói Đại thừa (tức Phật giáo thời kỳ phát triển) gọi là thời Phương đẳng, thời sắp sửa hoàn thành Đại thừa, mở ra Đại thừa chứ chưa hoàn mãn. Mới mở ra cho nên mới gọi là Phương đẳng hoặc là tiền Đại thừa.
Phương là vuông (vuông tròn, đầy đặn) đầy đủ ở khắp. Đẳng là bình đẳng tức bắt đầu sắp sửa nói cái gì đó đầy đủ, bình đẳng giữa Phật và chúng sanh.
Từ thời Phương đẳng trở đi là nói về đại thừa thì mới thật là đầy đủ, chứ về nguyên thủy là mới nói về cái gốc thôi. Nhận thấy những hư vọng để buông đi tức là gốc tu của chúng ta. Trước hết buông những hư vọng, biết thân hư vọng, biết vọng tâm, vọng cảnh, buông nó ra đó là căn bản vì vậy gọi là nguyên thủy, nhưng thật ra chưa đầy đủ. Muốn đủ còn nhận nữa lên đến đại thừa mới có sự thật, mới vào thật là Phật giáo. Thế nên gọi là phương. Phương là đầy đủ. Đẳng là bình đẳng. Ai cũng có thể vào được, chứ không phải có riêng biệt, chia ra những cao thấp. Không có chia ra giáo lý nguyên thủy Thanh văn, những vị xuất gia là đầu tròn áo vuông, là bậc mô phạm xuất thế, còn chúng sanh không tu là ô nhiễm, xấu xa, sanh tử…là không bình đẳng, không xem trọng.
Rồi sau Phương đẳng là nói giáo lý Bát nhã. Sau khi biết tướng hư vọng thì tánh là chân không, là thật tướng, thế nên Bát nhã nói về lý tánh chân không thật tướng, là thể tánh chân thật của vạn pháp, tức là hiển cái thực tướng ấy, nhưng mà hiển thực tướng thôi, chứ chưa tuyên bố. Đức Phật nói Bát nhã như vậy là 22 năm.
Đến cuối đời, thời Pháp Hoa, Đức Phật mới thọ ký cho Thanh Văn thành Phật và cho cả nữ nhân (là thành phần hạ liệt trong xã hội Ấn độ cổ đại), cho nên đến Pháp Hoa mới thật hứa khả cho đại chúng thành Phật đạo, nghĩa là tất cả đại chúng lớn, bé, già, trẻ, nam, nữ, ai cũng sẽ thành Phật đạo. Ngay cả chúng ta tham lam, giận dữ, đủ các thói xấu cho đến đọa làm con chó, con mèo mê muội tối tăm nhưng mà nếu đủ duyên tỉnh ra mà tu học thì trở thành hiền thánh, thành thử ví như hoa sen. Tâm địa của chúng ta cũng như thế, tỉnh ra thì thoát bùn tham, sân, si mà thành sen tinh khiết.
Khó như vậy cả hơn 40 năm đến giờ mới hé được. Ý định thật của Phật là khi giáng sanh tại thế gian này muốn cho tất chúng sanh đều thành Phật cả. Đó là thật ý của Phật nhưng vì căn cơ chúng ta thấp kém nên ngài phải phương tiện nói từ từ trong những năm qua. Pháp hoa là thời chính thức tuyên bố thọ ký tất cả chúng sanh mọi giới đều có khả năng thành Phật và thời Thủ Lăng Nghiêm là Đức Phật nói đầy đủ phương pháp tu để thành Phật, nhận tánh Phật bình đẳng thường trụ đó và sau cùng là thời Niết bàn nói về Đức Phật nhập diệt.
VÌ SAO GỌI LÀ QUYỀN TẠM?
Nếu lúc đầu nói mọi người thành Phật liền thì chúng ta cho là xa xôi, cao sâu, khó khăn và mơ hồ. Còn đi làm thợ móng tay, trông coi trẻ con, đi buôn, đi làm công sở để được nhiều tiền, để nuôi gia đình, làm ruộng để có lúa ăn, bán thực phẩm chay để có tiền là những cái lợi trước mắt thì chúng ta nhận ra, còn bây giờ bảo chúng ta tu để thành Phật, thì chúng ta còn ngại lắm, thấy khó khăn nên Đức Phật phải quyền tạm, đặt ra những phương pháp cho chúng ta theo được, nên những pháp ấy gọi là quyền tạm.
Ví dụ như mục đích của Đức Phật không phải bảo chúng ta xuất gia là để cạo đầu mặc áo nâu sòng. Đây là quyền tạm, mà chính là để dạy chúng ta rời những mối ràng buộc gia đình.
Chúng ta cạo đầu để buông bỏ những cái trang điểm thế gian. Rồi mặc áo lam, nâu không có màu xanh xanh, đỏ đỏ cho bớt cái tham nhiễm ở ngoài đời, vì vậy Đức Phật đặt ra cái phương pháp quyền tạm bảo chúng ta rời cha mẹ, rời gia đình vào chùa xuất gia; chứ mục đích thật của Phật là muốn cho chúng ta thành Phật.
Đức Phật khỏi cạo đầu cũng được, vì Đức Phật ở đâu Ngài cũng không bị ô nhiễm, cũng không bị vướng mắc, nhưng chúng ta bây giờ phải quyền tạm, phải cạo đầu, xuất gia vào chùa tu học, đó là mới một phần đường. Đức Phật phải quyền tạm.
Thế cho nên hết bộ kinh này đến kinh khác, cứ quyền cứ tạm, nào là học giới, học luật, nào là hộ sáu căn, bố thí, nhẫn nhục… đều là quyền cả; tới đại thừa Đức Phật mới nói thật. Mục đích của Đức Phật là muốn cho chúng ta được thành Phật là khai quyền hiển thật.
Trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật nói bao nhiêu kinh, đến khi sắp tịch, Đức Phật mới nói bộ kinh Pháp hoa, Thủ Lăng Nghiêm... bắt đầu lúc bấy giờ Đức Phật mới khai quyền hiển thật.
Chúng ta có thể tạm hiểu qua hình ảnh của cơ thể: đôi chân là nguyên thủy, bụng là Phương đẳng, Bát Nhã và đỉnh đầu là Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm và Niết bàn. Và từng phần của thân thể này đều cần và giúp đỡ lẫn nhau để pháp thân Phật pháp được hiển bày.
THỦ LĂNG NGHIÊM THUỘC THỪA NÀO.
Mục đích chuyên chở đến nơi nào thì gọi là thừa? Thừa là cổ xe và định chở đi đâu? Thủ Lăng Nghiêm dạy Bồ tát thừa là cổ xe lớn, tuy vậy nhưng vẫn dạy tinh nghiêm giới hạnh Thanh văn thừa, dạy cả nhân và thiên thừa trong bảy thú[3]. Thế nên, thật sự là Thủ Lăng Nghiêm là Bồ tát thừa nhưng kiêm cả năm thừa:
1.     Nhân thừa: dạy chúng ta giữ năm giới, không được sát, đạo, dâm, vọng và uống rượu
2.     Thiên thừa: dạy chúng ta giữ thập thiện, tâm không được tham, sân, si, tu thiền để tiến lên cõi trời
3.     Thanh văn thừa: dạy chúng ta buông xả sáu căn, sáu trần và sáu thức vì tất cả hư vọng
4.     Bồ Tát thừa: dạy chúng ta thực hành bồ tát hạnh tiến lên ngôi vị Phật
5.     Phật thừa: dạy về tánh Phật
Thủ Lăng Nghiêm kiêm năm thừa nhưng đặc biệt thật sự là Bồ tát thừa.
Thủ Lăng Nghiêm thuần túy Bồ tát thừa, nhưng vẫn bắt buộc chúng ta tinh nghiêm giới hạnh Thanh văn, vì từ sơ tâm đến viên mãn quả địa không rời ba tiệm thứ là trừ trợ nhân sanh tử (không ăn năm thứ ngủ tân, không uống sữa tươi, mặc dùng áo hay đồ lông thú), khoét bỏ tánh chúng sanh (tức giữ giới) và trái với nghiệp hiện tiền (ngược dòng sanh tử); rồi giữ giới Thủ Lăng Nghiêm cho tinh nghiêm nghĩa là chẳng những không sát, không đạo, không dâm, không vọng mà cho đến tánh đoạn không sát, đoạn không dâm, đoạn không vọng đó cũng không còn… Khó lắm cho nên gần cuối đời Đức Phật mới nói kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng gọi là Đại Phật đỉnh tức đỉnh đầu của Phật. Nếu nói lúc đầu thì sẽ không ai dám tu cả. Như vậy, Thủ Lăng Nghiêm dạy tu Bồ tát thừa nhưng giới hạnh Thanh văn vẫn giữ cho thật tinh nghiêm. Không những ăn chay mà còn không ăn những gì có tinh khí, cho đến sữa hay dùng đồ lông thú. Những gì thuộc loài vật mình đều không được dùng, cho nên giới trong Thủ Lăng Nghiêm kỹ càng tinh vi hơn.
Thủ Lăng Nghiêm là viên giáo nói về tánh Phật thường trụ ở khắp pháp giới. Bốn khoa (năm ấm[4], sáu nhập[5], 12 xứ[6], 18 giới[7]) và bảy đại[8] đều là Như Lai Tạng. Những ý này trong Thanh văn thừa tức thời Phật giáo Nguyên Thủy không có.
Thủ Lăng Nghiêm thuộc năm thừa tức Thủ Lăng Nghiêm cũng thuộc đồng giáo nhất thừa và kiêm cả biệt giáo nhất thừa.
Nhất thừa là đưa về quả vị Phật nhưng đồng giáo tức là đưa tất cả căn cơ về quả vị Phật, nên gọi là đồng giáo nhất thừa. Nhưng kiêm biệt giáo nhất thừa là giáo lý riêng biệt đưa thẳng về quả vị Phật, để thành Phật, bởi vì nói về chơn tâm bản tánh. Những người nào học được giáo lý này mới biết đường trở lại tánh Phật bất động của mình. Và mục đích Thủ Lăng Nghiêm đưa tất cả chúng sanh, tất cả căn cơ đồng thành Phật nên gọi là đồng giáo nhất thừa.
Trước kia tùy theo căn cơ của chúng sanh mà lập giáo pháp, lập ra từng đoàn thể, vì vậy chia ra năm:
1.     Đại thừa: căn cơ cao nhất, chuyên học bồ tát thừa thì gọi là bồ tát, mới hứa khả sau này sẽ thành Phật, có khả năng lớn mới hứa thành Phật.
2.     Trung thừa: Duyên giác quán sát 12 nhân duyên, phá vỡ một khoen thì 11 khoen khác sẽ tan, sẽ chứng Độc giác. Duyên giác nhất định chỉ đến Bích Chi Phật.
3.     Tiểu thừa: các vị xuất gia, học giới luật, tu Tứ niệm xứ chuyển bốn đảo[9] cho đến chứng quả A-la-hán, chuyên học tu để thoát luân hồi sanh tử thành thánh A-la-hán.
4.     Thiên thừa: Các vị bình thường nguyện tu sanh về cõi trời. Các vị ấy phải tu thập thiện kiêm thiền định và bố thí. Nếu không có thiền định thì không về cõi trời được. Cõi vô sắc giới (tứ không)[10], cõi sắc giới (tứ thiền)[11] và các cõi trời thấp nhất như cõi trời dục giới (lục dục thiên)[12] vẫn phải có định. Có định nhưng còn dục thì tái sanh các cõi trời dục giới. Ly dục, còn sắc thì lên cõi trời sắc giới. Ly dục, ly sắc thì được lên cõi trời vô sắc giới.
5.     Nhân thừa: giữ năm giới[13] tinh nghiêm thì được làm người, những con người đứng thẳng.
Đây là những quyền tạm. Bây giờ lập thật là ý định thực sự của Phật, là cho ai cũng thành Phật hết, nên gọi là nhất thừa, một cổ xe đưa tất cả về cảnh giới Phật.
Quả vị Phật là riêng cho các Bồ tát, còn tất cả không ai dám hi vọng đến việc mình được thành Phật cả. A-la-hán còn không dám hi vọng huống chi là các nữ nhân, phàm phu chúng ta. Phật là quả riêng của các Bồ tát, cho nên đến bây giờ tới bộ Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật mới khai mở cho chúng sanh hé thấy mình có thể thành Phật được. Trong bộ Pháp Hoa, Đức Phật mới thọ ký cho Xá-lợi-phất, nàng Da-du-đà-la, rồi ngay cả long nữ...; trong Thủ Lăng Nghiêm, Phật mới chỉ ra bốn khoa và thất đại đều là Như lai tạng, bây giờ Đức Phật mới khai ra.
Nhất thừa là xoá đi ranh giới năm. Không phải là năm cái khác nhau, riêng năm con đuờng mà chính là một đường đi mà có năm nấc. Tới đại thừa, Đức Phật mới tuyên bố có con đường ấy, là chính một chứ không phải năm.
Mỗi vị đi một nấc. Nấc một là nhân thừa, nấc hai là thiên thừa, nấc ba là tiểu thừa, nấc bốn là trung thừa và nấc năm là đại thừa. Trọn vẹn năm là đại thừa. Tuy nhiên, vẫn lên nấc một, rồi nấc hai và ba mới thành Phật. Con đường dài mình vẫn phải đi, vì vậy vẫn phải cạo đầu, đắp y, vẫn phải từng nấc một, từ thấp lên cao, chứ không có phải leo thang bỏ nấc đâu, phóng lên cũng không được.
Ý nghĩa chữ nhất thừa và xoá tam lập Phật thừa như vậy, xoá là không phải bỏ đi mà chỉ bỏ ranh giới không có chia thành năm hệ khác nhau, bỏ cố chấp mình là một phe riêng, năm phe riêng, mạnh ai nấy đi, khác nhau mà chính là vẫn một con đường nhưng có năm nấc.
THỦ LĂNG NGHIÊM THUỘC TÔNG NÀO?
Thủ Lăng Nghiêm rút ở bộ Quán Đỉnh Chương Cú là một trong năm bộ kinh lớn của mật tông.
Trên sự thì thuộc mật tông, nhưng lý thì thuộc hiển giáo vì được Đức Phật giảng giải khúc chiết. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có phần đại thần chú Thủ Lăng Nghiêm là mật, những phần còn lại là kinh, là hiển giáo.
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM VÀ PHÁP HOA KHÁC NHAU THẾ NÀO?
Kinh Pháp Hoa ra sức khuyến khích lưu thông để ổn định tâm trí kẻ đương cơ và nói toàn công đức của thính chúng hâm mộ sẽ được những cái này, công đức này, phước báu kia để chúng ta vui mừng đón nhận mà phấn chấn thực hành, mình sẽ thành Phật, thành bác sĩ nếu mình muốn; còn trong khi kinh Thủ Lăng Nghiêm thì giảng tỉ mỉ phương pháp tu thế nào để nhận tánh Phật và buông bỏ luân hồi. Còn A-hàm thì thuộc hệ nguyên thủy. Trong 49 năm giáo hoá chúng sanh thì mất 22 năm để giảng Bát Nhã, tức đưa lên Đại thừa khó và lâu dài như thế, tức chuyển giai đoạn từ gốc đến phát triển khó như thế. Bát Nhã được gọi là khúc quanh chuyển giai đoạn, đưa từ một trạng thái này đến một trạng thái kia.
ĐƯƠNG CƠ THỦ LĂNG NGHIÊM: trong kinh Thủ Lăng Nghiêm toàn là các Bồ tát như Văn-thù, Quan-thế-âm, Phổ-hiền, Đại-thế-chí... đứng lên trình bày sự tu chứng sở đắc của mình, nhưng Đức Phật cứ gọi tôn giả A-nan, rồi tôn giả Phú-lâu-na đứng lên hỏi… toàn các vị Thanh-văn làm đương cơ. Các tôn giả này cũng khen pháp Thủ Lăng Nghiêm này chưa từng được nghe, Đức Phật chưa nói bao giờ bây giờ mới nói.
KINH THỦ  LĂNG NGHIÊM THUỘC TẠNG NÀO? 
Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuộc về tạng kinh nói về định (sa-ma-tha, tam-ma và thiền-na toàn là định cả).
Thủ Lăng Nghiêm thuộc về tạng luật nói về giới Thanh-văn (có những chỉ dạy giữ giới tinh nghiêm như băng sương).
Thủ Lăng Nghiêm cũng thuộc về tạng luận để phán định phân biệt phải, trái, chính, tà tức là phần tuệ.
XUẤT XỨ CỦA KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
Kinh này được xem là một gia bảo quý giá của Ấn độ. Ngài Trí Giả đại sư đã đảnh lễ kinh này trong suốt 18 năm để cầu nguyện cho kinh được truyền sang Trung Quốc.
Chúng ta mang ơn Tổ Bát Lặc Mật Đế vào đời Đường, năm thứ I, đã vượt biên qua Ấn độ và đã chép kinh Thủ Lăng Nghiêm trên tấm lụa mỏng, hy sinh xẻ thịt giấu kinh bên trong, giả trang làm vết thương để lọt vòng kiểm soát gắt gao tại biên giới Trung Ấn.
Chúng ta mang ơn Tướng quốc Phòng Dung đã dùng chất hoá học để tẩy máu mủ trong lụa kinh ra và nhuận bút cho bản kinh.
Chúng ta mang ơn sư Du-già Thích-ca, chùa Chế-chỉ đã dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm từ Phạn ngữ ra Hán ngữ.
Và chúng ta mang ơn Hòa Thượng Chân-giám (1932) dịch ra Việt văn; Hòa thượng Trí Siêu (1945), cư sĩ Tâm Minh (1961), Tuệ Quang (1962), Hoà thượng Duy lực (1990) và nhiều chư tôn đức nữa đã dịch bản Hán ngữ ra Việt ngữ để ngày nay chúng ta có thể đọc thẳng văn kinh tiếng Việt và có thể hiểu được.
ĐỊNH NGHĨA
Thủ Lăng Nghiêm nói đủ là Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm, là nhục đảnh của đức Thế tôn. Tàu dịch là viên định tự tánh: bản lai tự tánh của mình, tự mình vốn có, bản lai vẫn viên định, không phải do tu mà thành, vốn sẵn như thế. Bản chất và bản tánh của mình vốn định. Động loạn là những thói quen mới huân tập. Chúng ta phải bỏ thói quen này đi, trở về tánh định của mình, định này gọi là viên định, bởi vì tự tánh của mình là bản thể của vạn pháp.
An định vào tánh nghe, nhận được cái định ở khắp pháp giới cho đến chứng quả. Thế là cực quả, đi đến mục đích để thành Phật. Định này là tánh cụ, vốn mình vẫn sẵn đủ, không phải tu tập gì cả.
Viên là tròn đầy, đầy đủ, không thiếu tí nào cả, ở khắp cả, không chỗ nào nó không an định cả, không một lúc nào nó không có, hoàn toàn. Nhận lấy tánh này là nó viên dung, bởi nó là tánh thể của tất cả nên gọi là viên. Từ bầu trời cho đến trong lòng trái đất, trên cạn dưới sâu, ngắn dài rộng hẹp, chỗ nào cũng là diệu chân như tánh. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói bốn khoa, thất đại duy Như lai tạng, bởi vì Như lai tạng là đất, nước, gió, lửa, mà đất, nước, gió, lửa cũng là Như lai tạng cho nên chỉ là Như lai tạng thôi.
Tánh viên định này ở nơi mắt là tánh thấy, nơi tai là nghe, nơi mũi là ngữi, nơi miệng là nếm, nơi thân là xúc và nơi ý là biết. Chúng ta từ sáng đến tối thấy đủ mọi việc, nhỡn thức sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Con mắt có khi cận, khi viễn, khi tốt, khi đau, khi bịnh yếu rồi ngày mai nó cũng tan rã thành không, nhưng tánh thấy của mình, từ trẻ đến già, từ kiếp này sang kiếp khác, không biến đổi, nó vẫn là nó, một tánh viên định.


[1] Phương Đẳng có 9 kinh là: 1/ Kinh Hoa nghiêm 2/ Pháp Hoa 3/ Phương Đẳng 4/ Lăng Già  5/ Bát Nhã 6/ Kim Cang 7/ Di Đà 8/ Giải Thâm Mật 9/ Lăng Nghiêm.
[2] Năm bộ Nikaya như Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng và Tiểu bộ.
[3] Bảy cõi: trời, a-tu-la, tiên, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
[4] Năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
[5] Sáu nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
[6] 12 xứ: 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp).
[7] 18 giới: 6 căn, 6 trần và 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thân thức và ý thức).
[8] 7 đại: địa đại, thủy đại, hoả đại, phong đại, không đại, kiến đại và thức đại.
[9] Bốn đảo:
-Thân bất tịnh cho là tịnh.
-Thọ thì khổ cho là vui.
-Tâm vô thường cho là thường.
-Pháp vô ngã cho là ngã.
[10] Tứ không:
-Trời Không Vô biên xứ
- Trời Thức Vô biên xứ
- Trời Vô sở hữu xứ
- Trời Phi tưởng phi phi trưởng xứ.
[11] Tứ thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
[12] Lục dục thiên:
-             Tứ Thiên Vương Thiên
-             Đao Lợi Thiên
-             Tu Diệm Ma Thiên
-             Đâu Suất Đà Thiên
-             Lạc Biến Hóa Thiên
-             Tha Hóa Tự Tại Thiên.
[13] Năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói láo và không uống rượu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét