Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Luân hồi trong lăng kính Lăng Nghiêm - Chương 03: Gạn hỏi tâm

image
Phật bảo A Nan: “Tôi với thầy đồng phái, tình như anh em ruột; lúc thầy mới phát tâm thì ở trong Phật pháp, thấy những tướng tốt gì mà bỏ được những ân ái sâu nặng thế gian?”
A Nan bạch Phật: “Con thấy 32 tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra. Vì sao? Giống dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên con ước mong cắt tóc theo Phật tu học”.
Phật dạy: “Hay thay, A Nan, nên biết hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn, đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi. Nay thầy muốn học đạo vô thượng Bồ đề, phát minh chân tính thì nên lấy tâm ngay thẳng mà đáp lại những câu hỏi của tôi. Thập phương Như Lai đều do một đường thoát ly sinh tử là dùng tâm ngay thẳng. Tâm mà nói là ngay thẳng thì cứ như vậy, từ địa vị đầu đến địa vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những tướng quanh co”.
A Nan, nay tôi hỏi: “Đương khi thầy do 32 tướng của Như Lai mà phát tâm thì thầy đem cái gì mà thấy và cái gì ưa muốn?”
A Nan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, ưa muốn như vậy là dùng cái tâm và con mắt của con. Do mắt thấy tướng tốt Như Lai, tâm sinh ưa muốn nên con phát tâm muốn tu hành thoát khỏi sống chết”.
Phật bảo A Nan: “Như lời thầy nói: Thật do tâm và con mắt mà nó ưa muốn. Nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục được trần lao; ví như vua một nước bị giặc xâm lấn, phát binh đánh dẹp, thì binh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới đánh dẹp được. Hiện thầy còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt. Nay tôi hỏi: “Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào ?”[1]
Ta thấy Đức Phật rất tâm lý. Ngài nâng dắt cho A-nan đỡ tủi thân, có chỗ tin cậy, nương tựa, không có lo sợ, âu sầu, xấu hổ về lỗi của mình nên nói rằng Tôi với thầy đồng phái, tình như anh em ruột: Đức Phật tỏ ra thân mật, an ủi thương xót, chúng ta là đồng khí huyết như anh em ruột để A-nan yên lòng. Rồi ngài mới bắt đầu hỏi để chỉ cho A-nan thấy cái gì khiến A-nan luân chuyển? Nguyên nhân gì khiến A-nan bỏ cung điện để trở thành bậc sa-môn như thế này.
Hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn:trong cuốn sách ‘Vòng Luân Hồi’ mục Danh và Sắc[2] vẽ hình người lái đò đang lái thuyền trên dòng sông sanh tử. Người lái đò là tâm, thuyền là thân, dòng sông sanh tử là mang hết thân này đến thân khác triền miên từ vô thủy đến nay sống chết nối luôn là do anh lái đò chỉ huy lèo lái, tức do tâm của mình. Thế nên, mục đầu tiên ở đây là Đức Phật gạn hỏi về cái tâm. Do tâm gì mà A-nan luân chuyển thành Sa-môn và do tâm gì mà sanh lòng ái luyến cô Ma-đăng-già?
Thập phương Như Lai đều do một đường thoát ly sinh tử là dùng tâm ngay thẳng: vì giả dối quanh co là tướng của mê muội tối tăm.
Đức Phật ra đời cốt chỉ cho chúng ta một con đường thoát, một con đường cứu khổ chúng sanh, thoát khổ luân hồi. Vì luân hồi mà có thân sanh và chết. Nay làm phước được sanh lên cõi trời, người; mai làm tội lại rớt vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh. Hễ thiện thì thăng lên, nhưng rồi ác thì đọa và đi xuống. Sanh tử luân hồi là gốc của tất cả biển khổ, biển trầm luân.
Muốn thoát khổ thì phải tìm gốc của khổ, như muốn giết giặc thì phải biết sào huyệt của giặc; như muốn thường trụ an vui thì phải gieo nhân thường trụ an vui. Thế cho nên phải tìm gốc, tìm nguyên nhân vì sao chúng ta lại luân hồi sanh tử và vì sao mà Đức Phật lại được thường trụ an vui?
Trước khi đưa A-nan vào chánh pháp, Đức Phật muốn A-nan nhận ra chỗ hiểu của A-nan là đúng hay sai? Nên ngài vặn hỏi câu này câu kia, để A-nan thấy bịnh của mình. Bây giờ A-nan xin cầu pháp giải thoát luân hồi sanh tử? Thế thì Đức Phật hỏi vì sao A-nan đang bị luân hồi ngay trong đời hiện tại này?
Vì sao A-nan đang là một vị hoàng tử hưởng đầy phúc báo của loài người, được cung phụng hầu hạ, ăn đầy những món cao lương mỹ vị, lên xe xuống ngựa, sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đi dép vàng, ngồi ngai vàng, ngủ cũng giường vàng mà bỗng nhiên phát tâm trở thành sa-môn đi chân đất, ngày mỗi bữa phải cầm bình bát đi khất thực ăn xin (đối với thế gian, nhất là hoàng gia mà đi ăn xin khất thực là một điều nhục nhã lắm mà A-nan đã làm được). Đó là hai cuộc đời chuyển đổi. Chính A-nan đang luân hồi trong hiện tại. Luân hồi nghĩa là luân chuyển từ trạng thái sang trạng thái khác hay từ hình tướng này sang hình tướng khác. Thế cho nên phải tìm nguyên do ngay trong giờ phút hiện tại này.
Và xem cái luân chuyển kế tiếp là gì? sẽ hoàn tục vì yêu thích nàng Ma-đăng-già? Bởi lẽ nếu không có đại thần chú Thủ Lăng nghiêm yểm trợ thì tôn giả A-nan sẽ dễ dàng đánh mất chánh niệm.
Câu hỏi thứ nhất Đức Phật hỏi vì sao luân chuyển xuất gia như thế? Tôn giả trả lời nhanh gọn, thẳng thắn và minh bạch rằng:  Con thấy 32 tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra. Vì sao? Giống dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên con ước mong cắt tóc theo Phật tu học.
Nghĩa là nguyên nhân là do Tôn giả A-nan gặp cảnh trần, sáu căn thấy sáu trần nên tâm động. Gặp Phật chuyển về thiện nên đi đường thiện, thế phát xuất gia. Gặp nàng Ma-đăng-già chuyển về đường ái nhiễm nên đi đường sa ngã, suýt nữa đánh mất chánh niệm. Thế nên ngay một câu trả lời của A-nan đã minh bạch con đường luân hồi của tôn giả đã chấm dứt.
Muốn giết giặc thì phải biết giặc ở chỗ nào, muốn biết vì sao A-nan luân chuyển giữa thiện ác, giữa hai cuộc đời thì phải biết cái tâm đó ở đâu, nên Đức Phật hỏi A-nan mắt thấy 32 tướng tốt của Phật, sinh tâm khát ngưỡng và tâm yêu thích vẻ mỹ miều xinh đẹp của nàng Ma-đăng-già ấy, vậy tâm và con mắt ấy ở đâu?
A-nan trải qua bảy lần tìm tâm như sau:
1.     Chấp tâm trong thân: A-nan bảo mười loài chúng sanh đều biết tâm yêu thích tức tim và tâm chúng con (my heart, mind) rõ ràng là nó nằm trong thân.
Phật nói tâm đó biết đủ thứ trên trời dưới biển, chuyện người này người kia, nếu nó nằm trong thân thì nó phải biết, phải thấy được ruột gan, bao tử, phèo phổi, tim gan của A-nan trước khi thấy bên ngoài chứ? Nếu nó không thấy được như thế thì ý nghĩa cho rằng tâm bên trong, không thể thành lập được.
2.     Chấp tâm ngoài thân: vậy chắc tâm con nằm ở ngoài, vì không thấy bên trong mà lại biết bên ngoài, cũng giống như đèn thắp sáng bên ngoài, thì trong phòng sao thấy được. Như tâm ở ngoài nên biết đủ chuyện trên trời dưới biển, khắp thế giới, nhưng không ở bên trong nên không thấy ở trong ruột gan được.
Phật bảo nếu nó ở ngoài thân thì nó có liên quan gì đến A-nan, chẳng khác nào thân người này mà tâm người khác, như một người ăn cơm mà người khác no giùm.
3.     Chấp tâm núp sau con mắt: Không thấy bên trong ruột gan vì tâm không ở trong thân mà lại thấy bên ngoài, vậy tâm hay biết của con chắc núp sau con mắt như người lấy cái ly úp lên mắt, mắt thấy thì phân biệt được liền, không bị ngăn ngại.
Phật bảo nếu vậy thì tâm phải thấy con mắt trước khi thấy cảnh vật, cũng giống như mắt thấy cái ly chụp nơi con mắt trước khi thấy cảnh sắc bên ngoài. Nên nghĩa này cũng không thành lập được.
4.     Nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong thân: A-nan lại nghĩ phủ tạng ở trong, khiếu huyệt bên ngoài. Có tạng thì tối, có khiếu thì sáng, nên con nghĩ rằng mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong, không biết nghĩa ấy thế nào, cầu Phật từ bi thương xót chỉ dạy.
Phật bảo nếu nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, vậy ban đêm không đèn thì những gì trong phòng tối đó đều là tam tiêu[3] lục phủ[4] của A-nan sao? Và nếu mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, vậy mở mắt sao không thấy cái mặt A-nan trước khi thấy cảnh sắc bên ngoài?
5.     Chấp tâm hợp với chỗ nào thì liền có ở chỗ ấy: A-nan thưa: con thường nghe Phật dạy do tâm sanh nên các pháp sanh; do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, như vậy thì hễ hợp chỗ nào thì tâm liền có chỗ đó.
Phật bảo cái tâm ấy nếu không có tự thể thì không thể hợp được. Còn nếu có tự thể thì khi A-nan gãi đầu, cái tâm biết gãi đó từ trong thân ra hay từ bên ngoài thân vào? Nếu từ trong thân ra thì phải thấy bên trong. Nếu từ bên ngoài thân vào thì trước hết phải thấy cái mặt. Đức Phật nói tiếp: Tâm hay biết đó có một thể hay nhiều thể? Nếu một thể thì khi gãi cả tứ chi đều biết. Nếu cả tứ chi đều biết thì không biết gãi ở chỗ nào. Còn nếu nhiều thể thì nhiều người, cái nào là thể của A-nan?
6.     Tâm ở chặng giữa: A-nan lại thưa: con hay nghe Phật nói thật tướng với các vị Pháp vương tử như ngài Văn thù rằng: tâm không ở trong cũng không ở ngoài, con nghĩ chắc nó ở giữa căn và trần.
Phật bảo ở giữa thì giữa cái nào? nếu không nêu ra được thì không gọi là giữa mà nêu ra được thì không nhất định là giữa, ví như cắm cái cọc làm giữa. Người ở phương đông trông qua, thì cái cọc lại ở phương tây. Còn phương nam nhìn qua thì cọc ở phương bắc.
Nếu tâm ở giữa căn và trần thì gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm hai bên thì ngoại vật và tâm thể xen lộn lấy gì làm tâm. Ngoại vật thì không biết, tâm thì biết lấy gì làm chính giữa?
7.     Chấp tâm không dính dáng vào đâu tất cả: Thưa Thế tôn, con cũng nghe Thế tôn chuyển pháp luân với bốn vị đại đệ tử là Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất rằng cái tính hay biết của tâm cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính dáng vào đâu cả thì gọi là tâm.
Phật hỏi: vậy những vật mà tâm không dính dáng đó là có hay không có? Nếu không thì như lông rùa sừng thỏ lấy gì mà không dính dáng. Còn nếu có tướng thì có chỗ ở là biết rồi, làm sao lại không dính dáng được. Thế cho nên cho rằng cái không dính dáng vào đâu cả là tâm của A-nan, điều này không thành lập được.
Tóm lại, bảy lần tìm tâm đều bị Phật bác là không phải tâm của A-nan. A-nan và đại chúng rất kinh hãi, nếu không phải tâm vậy tâm hay biết đó nó là cái gì? Chúng ta quen nương tựa vào một cái gì đó. Tánh nương tựa đó thành thói quen thành nghiệp. Tìm tâm cũng thế, chúng ta phải nương một danh từ một cái gì đó vào tâm mình và cho đó là tâm của mình, nhưng nay đều bị Đức Phật bác bỏ cái đó rõ ràng không phải là tâm của chúng ta. A-nan và đại chúng thật kinh sợ nên bạch xin Phật chỉ dạy tiếp.


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 35-7.
Từ đoạn này trở đi, tác giả xin phép đổi các đại từ nhân xưng trong văn dịch của ĐH. Tâm Minh:‘tôi’, ‘ông’ thành ‘tôi’, ‘thầy’, ‘con’.
[2] TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, NXB Phương Đông, 2008, tr. 88.
[3] Tam tiêu:
-Thượng tiêu (ngăn trên): chứa tim, gan, phổi
-Trung tiêu (ngăn giữa): chứa bao tử, là lách, ruột non.
-Hạ tiêu (ngăn dưới): chứa bọng đái, ruột già.
(Tự điển Việt Nam, Trần văn Đức, Khai trí, 1970, trang 1344).
[4] Lục phủ: tam tiêu, bao tử, gan, bong bóng, ruột non và ruột già.
(Tự điển Việt Nam, Trần văn Đức, Khai trí, 1970, trang 847).
Tam tiêu thông suốt, không trì trì giúp cho lục phủ lưu thông. Lục phủ có nhiệm vụ thâu nạp thức ăn, tiêu hoá, bài tiết được thuận lợi, cơ năng sinh sản có sức tiếp, giữ vừng trạng thái bình thường của cơ thể tức là âm dương thân bằng, cơ thể khoẻ mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét