Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Luân hồi trong lăng kính Lăng Nghiêm - Chương 12: Mười tập nhân địa ngục

image
A Nan, những điều như thế, đều do nghiệp báo các chúng sinh kia, tự chiêu cảm lấy, như gây mười tập nhân, thì chịusáu giao báo”.
KHAI THỊ MƯỜI TẬP NHÂN
Thế nào là mười tập nhân? A Nan, một là tập quán dâm dục, giao tiếp cùng nhau, phát sinh cọ xát lẫn nhau; cọ xát mãi không thôi, như thế, nên trong ấy có ngọn lửa hồng lớn nổi lên; ví như, có người lấy hai bàn tay cọ xát lẫn nhau, thì cảm giác nóng hiện ra.
Hai cái tập khí đốt nhau, nên có những việc giường sắt, trụ đồng. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét việc dâm dục, đồng gọi là lửa dục; Bồ Tát đối với dâm dục, tránh như hầm lửa.
Hai là tập quán tham lam, so đo hơn thiệt, phát sinh hấp thụ lẫn nhau; hấp thụ ôm ấp mãi không thôi, như thế, nên chứa hơi lạnh bên trong thành giá cứng, làm cho nẻ nứt; ví như, có người hút hơi gió vào, thì có cảm xúc lạnh. Hai tập khí lấn nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh liên, xích liên, bạch liên, hàn băng v.v... Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét việc tham cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham; Bồ Tát đối với lòng tham, tránh như biển độc.
Ba là tập quán ngã mạn, lấn lướt lẫn nhau, phát sinh ỷ thế với nhau. Giong ruổi không thôi, như thế, nên có sự bôn ba, sôi nổi, chứa lại thành nước; ví như, có người miệng lưỡi tự chép, làm cho nước bọt chảy ra. Hai tập khí chọi nhau, nên có các việc sông huyết, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy v.v... Vậy nên, tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét lòng ngã mạn, đồng gọi là uống nước si mê; Bồ Tát đối với ngã mạn, tránh như vực thẳm lớn.
Bốn là tập quán nóng giận, xung đột cùng nhau, phát sinh chống đối lẫn nhau; chống đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu cái khí thành kim thuộc, vì thế, nên có núi dao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa; ví như, có người bị hàm oan, thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự nóng giận, đồng gọi là dao gươm bén; Bồ Tát đối với lòng nóng giận, tránh như tránh chém giết.
Năm là tập quán giả dối, dụ dỗ theo nhau, phát sinh lôi kéo lẫn nhau; dẫn dắt mãi không thôi, như thế, nên có dây, cây, thòng lọng, căng nọc; ví như, nước thấm ruộng thì cỏ cây lớn lên. Hai tập khí kéo nhau, nên có các sự gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua, bổng. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự giả dối, đồng gọi là sàm tặc; Bồ Tát đối với sự gian dối, sợ như beo sói.
Sáu là tập quán lừa gạt, lừa dối với nhau, phát sinh phỉnh gạt lẫn nhau; phỉnh gạt mãi không thôi, phát tâm gây điều gian dối; như thế, nên có bụi, đất, đại tiện, tiểu tiện, các đồ nhơ nhớp không sạch; như bụi theo gió, không thấy lẫn nhau. Hai tập khí dìm nhau, nên có những sự chìm đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự lừa gạt, đồng gọi là cướp giết; Bồ Tát đối với sự lừa gạt, như giẫm rắn độc.
Bảy là tập quán thù oán, hiềm khích lẫn nhau, phát sinh ôm ấp lòng giận, như thế, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình đựng, đãy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai tập khí nuốt nhau, nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự thù oán, gọi là quỷ Vi Hại; Bồ Tát đối với sự thù oán, như uống rượu độc.
Tám là tập quán ác kiến, tranh cãi với nhau, như ngã kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và các nghiệp tà ngộ, phát sinh chống trái lẫn nhau; như thế, nên có quan lại chứng thực, nắm giữ giấy tờ, đông như người đi đường, qua lại gặp nhau. Hai tập khí giao nhau, nên có các sự khám hỏi, mưu mẹo, khảo tấn, đòi hỏi, gạn xét, cứu tra cho rõ và những đồng tử thiện ác, tay cầm sổ sách, biện bạch cãi vã. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét ác kiến, đồng gọi là kiến khanh; Bồ Tát đối với những thiên chấp hư vọng, như đứng bên hố độc.
Chín là tập quán vu vạ, làm hại cho nhau, phát sinh sự vu báng, như thế, nên có hợp sơn, hợp thạch, cối nghiền, cối xay; ví như, kẻ sàm tặc, áp bức vu oan người lương thiện. Hai tập khí bài xích lẫn nhau, nên có các sự áp giải, đè đập, ép huyết, tuốt mình. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương, nhận xét sự vu vạ, đồng gọi là sàm hổ; Bồ Tát đối với sự vu vạ, như bị sấm sét.
Mười là tập quán kiện thưa, cãi vã lẫn nhau, phát sinh sự che đậy; như thế, nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày, không giấu bóng được. Hai tập khí phô bày lẫn nhau, nên có ác hữu, nghiệp kính, hỏa châu phơi bày nghiệp xưa đối nghiệm các việc. Vậy nên, tất cả các đức Như Lai thập phương nhận xét sự che đậy, gọi là giặc ngầm; Bồ Tát đối với sự che đậy, như đội núi cao, lội trong biển lớn”.[1] 
Sau khi, Đức Phật nói xong phần những tập khí phát sanh ra bảy đạo tức là phận trong và phận ngoài rồi. Phần này, Đức Phật cụ thể hoá tập khí tức phần thuần tình nặng nề này là mười tập nhân mà cảm ra có những địa ngục ở thế gian này.
1. Tập quán dâm dục: là giao tiếp cọ xát lẫn nhau, cọ mãi không thôi nên có ngọn lửa hồng lớn phát ra, như người lấy hai bàn tay chà vào nhau, chà mãi không thôi thì cảm giác nóng hiện ra. Do hai tập khí đốt nhau mà cảm ứng có giường sắt, trụ đồng ở địa ngục. Mười phương chư Phật gọi dâm dục là lửa dục. Người Mỹ gọi người yêu mới là a new flame. Flame là ngọn lửa, vì hai thân khác phái đụng chạm vào nhau thì phát sanh lửa ái dục. Bồ tát đối với ái dục tránh như hầm lửa.
Thế nào gọi là tập quán? Đây vốn gốc nó không có, chỉ bởi lầm vọng kiến. Do thấy lầm một tí, một tí riết thành thói quen, thành tánh nết.
Thế nào là tập khí chủng tử và tập khí hiện hành?
Tâm mình mỗi hôm nghĩ tới một lần, mốt lại nghĩ tới, từ trong tạng thức huân tập nó thêm mạnh, đó là hiện hành. Ở đây nói về việc ái dục tức là cái tâm cứ nhớ nghĩ đến việc ái nhiễm, thế thì cái đó nó huân tập vào trong tâm, nó hiện hành đi đến việc giao hợp, cảm thọ nhục dục. Như nam nữ lập gia đình là để hiện hành việc nghĩ trong tâm thì gọi là tập khí hiện hành.
Tập khí chủng tử và tập khí hiện hành hai cái đốt nhau. Thế nào là nó đốt nhau? Chủng tử là gốc và gặp hiện hành như củi khô gặp lửa thì nó phát cháy và cứ thế gặp nhau đốt và thành lửa địa ngục mà người ngu si không biết, cũng vui vẻ, cũng ham thích. Theo quan điểm xuất thế, những cô con gái vào ngày cưới làm cỗ ăn mừng, sửa soạn thật tuyệt đẹp để lên xe hoa là bắt đầu bước chân vào những ràng buộc gia đình. Bồ tát đối với việc ái dục này tránh như hầm lửa, trong khi chúng ta không biết, lại thích nhào vào hầm ràng buộc này.
2.      Tập quán tham lam: so đo hơn thiệt hấp thụ lẫn nhau. Hấp thụ ôm ấp mãi không thôi nên chứa hơi lạnh bên trong thành giá cứng, làm cho nẻ nứt. Ví như có người hút hơi gió vào thì có cảm xúc lạnh. Hai tập khí lấn nhau nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh liên, bạch liên, hàn băng. Chư Phật mười phương xem sự ham muốn này là nước tham. Bồ tát đối với lòng tham, tránh như biển độc.
Hai thân tham dâm cọ sát nên bật ra lửa. Còn ở đây tham vật chất thu vén của cải về mình, hấp thụ lẫn nhau nên bật ra cái lạnh. Tham có nhiều hình thức như tham danh thuộc về ngã ái, thích người ta khen thân mình. Tham là thâu hút những vật về cho mình. Thích vơ lấy tiếng khen thì cũng là thâu hút. Tham làm bá chủ, thích ăn trên ngồi trước là tham quyền lợi. Tham ăn cũng là tham, còn tham ngủ là cái lười biếng.
Do tham vật chất của cải thì có thâu hút như cảm hút gió lạnh nên thành những địa ngục lạnh tra-tra, ba-ba và la-la. Do hai tập khí chủng tử tham và tập khí hiện hành cái tâm thích thâu tóm của cải nên tạo ra địa ngục. Vì chúng sanh bị hành hình trong đó lạnh quá nên hai hàm răng va vào nhau, run lẩy bẩy, lập cập phát ra những âm thanh tra-tra, ba-ba, la-la suốt ngày đêm nên gọi là địa ngục tra-tra, ba-ba và la-la.
Khi ở trong địa ngục, da thịt bị lạnh như bị bỏ vào nước đá thì trở nên:
-    Tái mét như sen xanh (thanh liên) nên có địa ngục sen xanh,
-    Mặt đỏ lên như sen đỏ (xích liên) nên có địa ngục sen đỏ,
-    Mặt mày trắng bạch như sen trắng (bạch liên) nên có địa ngục sen trắng,
-    Lạnh cùng cực thì mặt thành tảng băng, rét quá nứt thịt ra nên có địa ngục băng đá.
Tất cả xung quanh cũng là tâm mình mà thành lạnh, nóng, thành những cảnh khổ khổ (thân đã khổ rồi chồng thêm cái khổ bên ngoài đưa vào).
Lạnh như vậy, tội nhân lúc đó có chết không? Nếu chết được thì may nhưng tội nhân lúc đó đâu có chết, đâu có thoát, phải chịu quả hành hình đau đớn do nghiệp thức mình tạo ra. Và sự chịu quả này là tâm thức thấy hóa thân chịu quả dưới dạng tâm thức, nên đâu có gì gọi là chết. Thân này nó tan đi nhưng nó lại hiện hành chỗ khác. Ở trong địa ngục chỉ có thần thức, chứ có cái thân đâu.
Có phải bây giờ những người hay yếu yếu lành lạnh trong người hoài là dư báo của việc này còn sót lại, là đã từng ở địa ngục này vừa lên? Không biết sao mà nói, chỉ biết mắt Phật thấy rõ đường nhân quả nên nói thế. Còn giờ thân thể hay trúng gió hoài cũng có thể gọi là dư báo. Đất, nước, gió, lửa dư hay thiếu, hòa hay không hòa mà thành những quả báo của sáu căn gọi là báo nghiệp.
Bồ tát đối với lòng tham vật chất này như là biển nước độc phải tránh xa, trong khi chúng ta thì thích thâu nhận được càng nhiều, càng tốt. Các ngài gọi lòng tham của mình là biển mà không đáy, nên chứa hoài không biết bao giờ mới đủ, vì lũng đáy, không có đáy để chứa. Vì chúng ta có một, lại muốn hai, có voi đòi tiên, đâu có biết chính lòng tham là mang cái khổ vào thân.
Một đằng tham, ưa thích sự cọ sát tức tham dục là tập nhân số một. Một đàng tham, ưa thích vàng bạc, tiền của, thèm khát vật ở bên ngoài tức tham của cải là tập nhân thứ hai. Cái tâm cứ tưởng đến, khiến chủng tử hiện hành, cứ vơ vét, cứ việc như thế gọi là hiện hành. Những người mơ ước cho mình giàu, có tiền nhiều là chủng tử tập khí. Còn chủng tử hiện hành là việc làm.  Cứ dâm tập thì thành lửa, còn tham tiền thì thành nước đá.
3. Tập quán ngã mạn: lấn lướt lẫn nhau, phát sanh ỷ thế với nhau. Giong ruỗi không thôi nên có sự bôn ba, sôi nổi, chứa lại thành nước. Ví như có người miệng tự chắt lưỡi thì nước miếng chảy ra. Hai tập khí giao nhau, nên có sông huyết, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy. Mười phương chư Phật xét lòng ngã mạn như nước si mê. Bồ tát tránh xa nó như vực thẳm lớn.
Tâm mình bôn ba, sôi nổi, vọng tưởng, đối với mọi người thì mình coi thường, thấy mình là hơn. Trong tâm mình hiện ra điều cho là mình hay mình giỏi, lấn lướt mọi người, thế rồi hiện tướng ra ngoài mặt. Tướng ra ngoài mặt hoặc là lời nói chê bai người khác, khinh khỉnh cái mặt vênh váo. Chúng ta càng hiện tướng thoả mãn tự phụ thì chủng tử tập khí kiêu mạn nó lại càng nặng.
Đức Phật cho ví dụ như tự nhiên chép miệng thì nước bọt chảy thật là ngu dại. Cũng thế, ngã mạn là gieo trồng hạt giống si mê, mình càng cong cớn, đáo để bao nhiêu, càng cống cao, ra vẻ ta đây bao nhiêu, thì chính mình đang uống nước si mê bấy nhiêu. Tập khí chủng tử và tập khí hiện hành cổ động giao thoa lẫn nhau, hai cái tiếp xúc với nhau và nổi dậy, cho nên vực thẳm càng sâu. Bồ tát tránh xa, sợ rớt vào vực thẳm, còn chúng ta cùng nhau lôi kéo xuôi đường xuống vực. Hễ ngã mạn càng cao, càng dày thì vực thẳm càng sâu, càng không thấy đáy.
4. Tập quán nóng giận: xung đột cùng nhau, phát sinh chống đối lẫn nhau. Chống đối mãi không thôi, tâm nổi nóng, phát ra lửa, nấu cái khí thành kim thuộc, vì thế nên có núi đao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa, như người bị hàm oan thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đập nhau, nên có các sự thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, dập, đánh. Mười phương chư Phật thấy sự nóng giận như dao gươm bén. Bồ tát đối với lòng nóng giận như tránh chém giết.
Khí là hơi thở của mình tức là gió (đất, nước, gió, lửa đầy đủ). Tất cả những vật chất đều là từ tinh thần phát ra, nó đúc lại thành hình, trong kinh phần ‘ngũ trược’ và phần ‘thế giới, chúng sanh và nghiệp quả tương tục’ gọi là kết ám mà thành sắc. Nó đặc lại, nó thành những chất kim khí, rồi do hai tập khí chủng tử sân và tập khí hiện hành nóng giận hiện tại nên từ đó cảm quả báo thành ra dao gươm mà có những dụng cụ bạo động như núi đao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, những búa, những vớt, những thương, những cưa, que bằng sắt, cái gậy và cái bộng gậy bằng gỗ là những khí cụ đánh nhau. Tâm nóng phát lửa nấu thì thành kim.
Nghiệp sân giận chiêu vời nhiều bịnh. Do gốc từ sự mâu thuẫn giữa hai người, hai nhóm, hai gia đình, hai phe, hai quốc gia... nên đưa đến biết bao bất an, chiến tranh đao binh cho từng tập thể nhỏ đến tập thể lớn đều từ nơi tập quán nóng giận của loài người.
Thế nào là tập quán nóng giận? hôm nay chúng ta gặp việc không vừa ý liền nổi sân. Mai gặp việc khó chịu mình lại nổi sân, rồi mốt bị người khác hiểu lầm thành bực bội, cứ tích tụ từng việc, từng tâm niệm thành tánh nết hay sân, hay nóng, không điều ngự làm chủ được tâm của mình.
Sân giận ấy là nhân địa ngục. Chúng ta cứ tập dần các nhân này để ngày mai đọa vào địa ngục, thế nên Đức Phật dạy, để cho chúng ta đề phòng nhất là tâm phải điềm tĩnh khi súc cảnh. Có điềm tĩnh thì mới sáng suốt, đừng vơ những cảnh bên ngoài vào tâm mình.
Tâm nóng phát ra lửa khí, đốt khí thành kim loại, quả báo là có những sát khí như gươm, đao, búa, đòn sắt... Sát tức là đằng đằng sát khí, ý hung hãn, muốn giết người. Khí chất, tâm hận, lòng oan ức hiện rõ nơi mặt nên gọi mặt người ấy là đằng đằng sát khí. Không phải tức khắc hiện ra ngay mà là quả báo về sau. Tạng thức như có bị lửa đốt mà về sau chịu quả báo có các đồ binh khí hiện ra.
Xung đột đôi bên mà không hòa nhau, lời nói tướng mạo công kích nhau, mỗi đời huân tập kết lại và đến một kiếp nào đó thì bị quả báo này.
Chư Phật xem sự nóng giận như gươm bén, còn bồ tát thì tránh sự nóng giận như tránh chém giết.
5. Tập quán giả dối: dụ dỗ theo nhau, phát sinh lôi kéo lẫn nhau; dẫn dắt mãi không thôi. Như thế nên có dây, cây, thòng lọng, căng nọc, ví như nước thấm ruộng thì cỏ cây lớn lên. Hai tập khí kéo nhau, nên có các sự gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua và bổng. Vậy nên mười phương chư Phật nhận xét sự giả dối dụ dỗ là sàm tặc. Bồ tát đối với sự gian dối dụ dỗ sợ như beo sói.
Do vọng tưởng cầu lợi nên giả dối dụ dỗ, cố gắng lôi kéo những gì mình muốn về mình, theo sở tri của mình nên tự lạc đường mà không biết. Giả dối là tướng gian phỉnh dụ người ta. Sự giả trá này sẽ làm khổ người khác, đánh lừa người khác. Khi hai tập khí chủng tử giả dối dụ dỗ và tập khí hiện hành này giao nhau, nên có các quả báo gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, qua và bổng xiềng xích cột, trói buộc, giằng co lẫn nhau. Các tướng này đều từ tâm của mình lôi kéo dụ dỗ mà hiện ra. Chư Phật xem sự giả dối, dụ dỗ như bị ngoại tặc xâm phạm gông cùm xiếng xích chúng ta vậy. Bồ tát sợ sự giả dối như thấy beo sói và các thú dữ thì phải chạy xa để an toàn thân mạng.
Khi mình phỉnh gạt, đánh lừa người khác tưởng chỉ có người khổ mà chính mình khổ nạn gấp nhiều lần. Vì ngay tạng thức của mình, nó làm ông quan toà chính trực phân minh, nên chính tâm mình tạo tội lại đưa mình vào chỗ khổ. Thế nên đánh lừa được người ngoài, chứ không thể đánh lừa được chính mình.
6. Tập quán lừa gạt: lừa dối với nhau, phát sinh phỉnh gạt lẫn nhau gây điều gian dối. Như thế nên có bụi đất, đại tiện, tiểu tiện, các đồ nhơ nhớp không sạch, như bụi theo gió, không thấy lẫn nhau. Hai tập khí dìm nhau nên có những sự chìm đắm nhảy, ném, bay, rơi và trôi lăn. Chư Phật mười phương xem sự lừa gạt là cướp giết. Bồ tát đối với sự lừa đảo như giẫm rắn độc.
Do tập quán lừa gạt, lúc lâm chung vua Diêm Vương sai người đến đưa đi. Vị này tâm thức mờ mịt thấy bị lôi đi và thấy có gió thổi mờ mịt không rõ. Tập khí chủng tử lừa gạt và tập khí hiện hành lừa gạt giao nhau nên thành những sự chìm đắm, nhảy, ném và trôi lăn. Đức Phật trông thấy quả báo như thế và chỉ cho chúng ta biết nếu mình còn lừa phỉnh gian lẫn thì còn thấy những bụi, đất, những đại tiện, tiểu tiện, các thứ bất tịnh nhơ nhớp khiến cho mình mờ mịt.
Do chúng ta có nghiệp nhơ bẩn nên cảm quả báo này, còn những vị trời thì không có những báo nghiệp này. Cứ có nghiệp nhơ bẩn thì đi đến đâu sẽ cảm đến đấy. Chư Phật xem sự lừa gạt như sự cướp giết xâm hại đến pháp thân giới thể của mình, còn bồ tát sợ sự lừa gạt như giẫm rắn độc sẽ cắn hại và giết chết chúng ta ngay. Còn nếu chúng ta cứ vì tư lợi cá nhân mà sẵn sàng lừa gạt, có tâm lợi dụng để thâu lợi, dùng lời nói ngọt ngào tựa hồ như tử tế nhưng trong lại có chỗ làm hại, chỉ sống biết hiện tại. Gạt được người, mình cho mình khôn lắm mà không lường được hậu quả ngày mai nguy hiểm thế nào?
Chư Phật mười phương xem sự lừa gạt là cướp giết tâm thánh thiện của mình, còn bồ tát đối với sự lừa đảo như giẫm rắn độc. Nuôi luống dối như nuôi rắn độc trong lòng, tìm những mưu mô, lừa gạt hại người tức vì chất độc ở trong lòng. Nếu lỡ chúng ta mắc phải nghiệp này, lừa gạt Phật tử thì chính chúng ta đang dẫm đạp phải con rắn độc do mình tạo.
Số 5 là tập quán giả dối dụ dỗ.
Số 6 là tập quán lừa gạt, lừa dối.
Cả hai số này giông giống nhau.
Số 5 là giả dối thì hiện các tướng giản dị dụ khị gian phỉnh người ta,
Còn số 6 là chủng tử khinh dối hiện tướng các tướng lừa gạt.
Chúng có cùng một gốc nhưng có các tướng mạo khác nhau và cùng đưa cả hai cùng vào địa ngục cả.
7. Tập quán thù oán: hiềm khích lẫn nhau, phát sinh ôm ấp lòng giận, nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình đựng, đãy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai tập khí nuốt nhau, nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo, ôm. Mười phương Như lai xem sự thù oán là quỷ vi hại, còn bồ tát đối với sự thù oán như uống rượu độc.
Oán hận sanh hiềm khích. Trong lòng mình hờn giận, ngậm chủng tử tập khí oán trong lòng cho nên mình hiện cái tướng khích bác tức giao xúc với chủng tử hiện hành nên có quăng đá, ném gạch, xe ủi, bình đựng. Bị giam trong xe hay cái đãy là do bởi lòng oán này.
Càng nuốt hận vào, càng thâm sâu ngấm ngầm bên trong. Cái sân bật ra ngoài, xổ ra hết thì coi như xong hết thì cái đó người ta quên. Còn cái oán, cái thù cứ ngậm trong lòng, trong tâm thức, cái oán càng mạnh càng nhiều thì người ta tìm cách thoả mãn trả thù. Nếu cái oán được bày ra thành ra lời nói thì nó nhẹ đi, ôm mãi trong lòng, nó càng mạnh vì không ai giúp mình giải tỏa. Đức Phật dạy chúng ta quán ngũ ấm giai không để biết thân không có, cảnh không có, tâm không có thì việc thù oán này cũng là cái không có, chúng ta sẽ giải được.
Ngược lại thì sự thù oán nuôi trong lòng như than hồng nhỏ âm ỉ trong lòng có ngày sẽ bộc phát hoả hoạn lớn tức là sẽ hiện các quả báo ném gạch, quăng đá, bắt, đánh, bắn giết tức là biểu lộ sự thoả mãn một cái hiềm độc sâu trong lòng.
Chư Phật xem lòng oán hận như quỷ vi hại tức ma quỷ hay phá hoại thân mạng chúng ta, trong khi bồ tát xem người nuôi lòng oán hận trong lòng như nuôi con rắn độc sẽ phạm hại đến giới thân huệ mạng.
8. Tập quán ác kiến: tranh cãi với nhau như ngã kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và các nghiệp tà ngộ phát sanh chống trái lẫn nhau. Do vậy, nên có quan lại chứng thực, nắm giữ giấy tờ. Do chủng tử tập khí ác kiến và chủng tử hiện hành chống trái nhau nên sanh ra các sự khám hỏi, mưu mẹo, khảo tấn, đòi hỏi, gạn xét, cứu tra cho rõ, có luật sư biện cãi. Mười phương chư Phật xem ác kiến này là kiến khanh, còn bồ tát xem như hố độc.
Chúng ta bị ngã kiến, ngã ái, kiến thủ, giới cấm thủ vây quanh nên cứ tranh cãi chống báng nhau. Chúng ta cứ tưởng là mình hay mình giỏi, thông minh sáng suốt, nhưng thật ra mình bị ác kiến, lạc đường, tà ngộ. Chưa chứng A-la-hán mà cho mình chứng A-la-hán là giống héo mộng hư sao mà thành cây được? là đoạn mất thiện căn.
Ác kiến là chỗ thấy ác, như có người nói rằng ‘vật dưỡng nhơn’, ‘chết là hết’ nên tha hồ mà sát sanh hại vật chỉ để khoái khẩu, một chút ngon nơi chót lưỡi. Do vì chỗ thấy độc ác ấy nên tạo những nghiệp ác. Còn thiên chấp là cái nhìn còn nghiêng một phía chưa đầy đủ, hoàn thiện, là chỗ thấy sai như cứ khư khư cho rằng loài vật là ‘vật dưỡng nhơn’ tức súc vật sanh ra để làm món ăn cho loài người.
Do ác kiến, chấp tri kiến của mình, cho mình là đúng, ai không đồng ý với mình thì mình chống đối, có ai khuyên giải thì mình lại cãi nhau, thành ra tranh cãi chống đối, thị phi mà tạo nghiệp.
9. Tập quán vu vạ: làm hại cho nhau, phát sinh sự vu báng,  nên có hợp sơn, hợp thạch, cối nghiền và cối xay. Ví như kẻ xâm tặc, áp bức, vu oan người lương thiện. Hai tập khí bài xích lẫn nhau, nên có sự áp giải, đè đập, ép huyết, tuốt mình. Mười phương Như lai xem sự vu vạ như là sàm hổ, còn bồ tát sợ nó như tránh sợ sấm sét.
 Vu vạ là chuyện không có mà mình đặt ra rồi đem tai họa, tai ương đó giáng họa, vu cáo cho người khác làm. Tập khí chủng tử vu vạ và tập khí hiện hành giáng họa giao nhau mà hiện quả báo có sự áp giải, đè đập, ép huyết, tuốt mình làm đau đớn thân thể. Bồ tát rất sợ vu vạ như tránh xa sấm sét để an toàn thân mạng.
10. Tập quán kiện thưa: cãi vã lẫn nhau phát sanh sự che đậy, nên có gương soi đuốc chiếu, như giữa ban ngày không dấu bóng được. Hai tập khí phô bày lẫn nhau, nên có ác hữu, nghiệp kính, hỏa châu phơi bày nghiệp xưa kiểm chứng các việc. Mười phương Như lai gọi sự che đậy là giặc ngầm, còn bồ tát thì xem nặng nề như người đội núi cao, lội trong biển lớn.
Do tập quán kiện thưa phát sanh sự che dấu. Thế nào gọi là che dấu? Chẳng những trong chùa mà ngoài đời cũng thế, bao nhiêu cái xấu của người ta mình bới ra hết để che đậy cái sai của mình đi. Kiện thưa ở đây là các pháp sanh do sự che dấu cái sai của mình mà bới cái lỗi của người ta. Lấy cái phải về phần mình, quy lỗi tầm bậy sai quấy là người, nên tranh cãi bất phân thắng bại.
Không bới lỗi thì ngồi im không đi thưa nữa. Người ta có lỗi, có phạm luật pháp, mình bới lỗi của người ta ra, đi thưa kiện; Còn nếu người ta không có phạm mà mình nói có thì gọi là vu vạ. 
Tóm lại, chúng ta nên học mười tập nhân này cẩn thận để soi lại tâm mình. Chủng tử tập khí nó lấn lướt loạn động, rồi theo duyên thúc đẩy để thành hiện hành. Những chủng tử mạnh mà bén duyên thì thành hành động nghĩa là tham cái đồng hồ đó quá, nên tính toán đi ăn cắp. Hai tập khí và hiện hành xoay vần mà có quả báo, vì không biết gốc thật của cả hai tập khí chủng tử và tập khí hiện hành mà chúng ta mới bị nô lệ như vậy. Như vậy, chủng tử mình thúc đẩy cái hiện hành và cái hiện hành huân ướp chủng tử giao thoa lẫn nhau mà có quả báo địa ngục.
Do tập hoài rồi nó thành tánh nết thuần hoá. Bây giờ chúng ta tu là mình giải những tập khí, những chất liệu xấu trong cơ thể. Do chúng ta tập thành nhân nên là tập nhân, chứ vốn chúng ta không có những cái này. Chúng ta vốn là diệu giác minh, chỉ tại hôm nay mình tập một tí, mai mình tập một tí thành ra mình mới có những thói tham sân, thì chúng tạo thành nhân. Do cứ huân tập 10 cái dâm dục, tham lam, ngã mạn, nóng giận, giả dối dụ dỗ, lừa gạt, thù oán, ác kiến, vu vạ và cãi vã này mà thành 10 chính nhân địa ngục.
Nếu thấy có người tập 10 nhân rồi rơi vào những địa ngục hành hình này thì hãy niệm Phật cầu nguyện cho họ.
Bởi lẽ bản chất của họ cũng là Như lai tạng diệu chân như tánh, là thật thể của các Đức Phật vẫn đứng đây. Chúng ta niệm Phật cầu nguyện cho họ trở về được tánh của mình, nhận phúc đức của Phật, cái nguyện của Phật mà thoát kiếp địa ngục.
Khi chúng ta làm phước cầu nguyện cho tất cả mọi người trong địa ngục thì có thể tất cả đều hưởng được sự cầu nguyện đó, nếu sự tập trung và định lực người nguyện sâu chắc. Như trong phần hai mươi lăm vị thánh trình bày sở chứng, ngài Nguyệt Quang đang an tĩnh trong phòng quán tưởng nước. Lúc ấy thị giả nhìn thấy trong phòng toàn nước do lực tinh thần của Nguyệt Quang quá mạnh. Cũng thế, mọi người cùng thấy cõi tịnh theo như mình ước nguyện thì chẳng những một vị được giải thoát mà những người xung quanh cũng hưởng được chung phước báo.
Đó là do năng lực và tâm nguyện của người cầu nguyện, mong cho tất cả mọi người cùng được thoát.


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.691-99.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét