Quyển sách cho nhân loại - Chương III: Ba đặc điểm mang tính cách toàn cầu
Tất cả mọi sự vật đều biến động trong thế giới này, không có gì lại không đổi thay. Đối với những ai đã nhận thấy được minh bạch bản chất của vô thường thì người ấy cũng sẽ hiểu rằng tất cả mọi vật thể chỉ là bất toại nguyện, thất vọng và vỡ mộng. Không có thứ gì, bất cứ một thứ gì, có thể bảo rằng nó thuộc về của ta trong cái thế gian này. Các sự vật dưới một tầm nhìn thiếu hiểu biết sẽ hiện ra có vẻ như là mang tính cách "cá nhân", thế nhưng khi cái nhìn của ta được khai mở và trở nên chính xác hơn thì ta cũng sẽ hiểu rằng chúng không hề hàm chứa một thực thể mang tính cách cá nhân nào cả.
Trong giáo lý của Ngài, Đức Phật nhấn mạnh hơn hết đến ba đặc điểm trên đây. Toàn bộ giáo huấn của Ngài có thể tóm lược thật ngắn gọn: đấy là sự quán thấy sâu xa về vô thường, sự bất toại nguyện và tính cách vô-ngã. Các đặc tính này đôi khi được nêu lên một cách trực tiếp và rõ ràng, hoặc đôi khi cũng được trình bày bằng các thuật ngữ khác nhau, thế nhưng trên căn bản thì lúc nào cũng nói lên một sự thật duy nhất. Vô thường đã được nhắc đến trước cả thời kỳ của Đức Phật, thế nhưng khái niệm này không hề được khai triển sâu xa như Đức Phật đã thuyết giảng. Bất toại nguyện (khổ đau) cũng thế, điều này cũng đã được thuyết giảng từ trước, thế nhưng đấy chỉ là những gì thật hời hợt và sơ sài. Sự bất toại nguyện ấy không hề được phân tích dựa vào quy luật nguyên nhân và hậu quả, và cũng không có một lời giáo huấn nào trước đó được nêu lên nhằm giúp loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn sự bất toại nguyện đó. Chưa từng có vị thầy nào trước Đức Phật hiểu được bản chất đích thật của các vật thể, chính Đức Phật đã nêu lên điều này khi Ngài vừa đạt được Giác Ngộ. Riêng đối với vấn đề vô-ngã thì duy nhất chỉ có Phật Giáo thuyết giảng mà thôi. Đức Phật là vị Thầy duy nhất đã hoàn toàn quán thấy một cách sâu xa mọi sự vật "là như thế", tức bản chất đích thật của mọi vật thể, và đã giảng rằng bất cứ ai khi đã hiểu được rằng đấy "là như thế" thì cũng sẽ hiểu rằng không có gì, bất cứ một thứ gì, là cái "ngã" hay thuộc vào của "tôi".
Có rất nhiều phương cách giúp mang lại sự quán thấy sâu xa về ba đặc điểm trên đây, thế nhưng trong sự quán thấy sâu xa ấy thì duy nhất chỉ có một sự kiện đáng chú ý hơn hết: đấy là không có một thứ gì đáng để ham muốn và bám víu, không có một thứ gì đáng để cho ta quyết tâm phải có nó, chiếm giữ nó cho bằng được, hoặc là được trở thành như thế. Nói một cách ngắn gọn: không có gì đáng để có, và cũng không có gì đáng để được như thế. Chỉ khi nào ta hiểu được là sự chiếm hữu hay được trở thành bất cứ gì đều chỉ là ảo giác, một sự lừa phỉnh, một ảo ảnh, không có gì đáng để quan tâm, thì khi ấy ta mới đạt được sự quán thấy sâu xa về vô thường, sự bất toại nguyện và vô-ngã. Dù cho ta tụng niệm từ sáng đến tối, hàng trăm hay hàng ngàn lần câu sau đây: "anicca, dukkha, anatta" (vô thường, khổ đau, vô-ngã) thì nhất định cũng không phải nhờ đó mà ta sẽ có thể hiểu được ý nghĩa của những thứ ấy là gì. Thật vậy, không thể quán nhận được bản chất của những thứ ấy bằng cách nghe hay tụng niệm.
Sự quán thấy sâu xa bằng trực giác mà người ta còn gọi là "sự quán thấy Đạo Pháp" (vision du Dhamma / seeing Dhamma) thật hết sức khác biệt với các loại tư duy thuần lý (pensée rationnelle / rational thingking, tức thuộc lãnh vực hiểu biết trí thức), loại tư duy này không thể nào giúp nhìn thấy được Đạo Pháp. Sự quán thấy sâu xa bằng trực giác chỉ có thể đạt được bằng sự thực hiện nội tâm đích thật. Hãy nêu lên một thí dụ, ta hoàn toàn bị quyến rũ và hòa nhập với một bối cảnh nào đó, và sau đó thì nhận ra là chính vì sự lao đầu đó mà ta đang bị khổ đau hành hạ. Khi quán xét cẩn thận các diễn biến đưa đến tình trạng khiến cho ta cảm thấy là mình bị thất vọng thật sự, chán chường và vỡ mộng, thì lúc ấy có thể bảo rằng ta đã nhìn thấy Đạo Pháp, tức đạt được một sự quán nhận minh bạch về các sự vật (tuy nhiên có người cũng có thể phản kháng lại bằng cách đưa ra một thí dụ cho rằng một bối cảnh nào đó tỏ ra rất hấp dẫn và thu hút khiến cho người ấy nhào vào đấy, và sau đó thì người ấy thay vì phải nhận chịu khổ đau thì lại tìm thấy sự hài lòng và hạnh phúc do bối cảnh đó mang lại. Thật ra thì đấy chỉ là tình trạng mà người ấy chưa nhận thấy được bản chất khổ đau sâu kín của các biến cố và sự vật mà thôi, hoặc vì những thứ khổ đau lộ liễu và thô thiển chưa xảy đến khiến cho họ nhận thấy dễ dàng hơn bản chất của sự hấp dẫn và thu hút đó, hoặc có thể cũng đã xảy ra rồi thế nhưng cái vô minh của họ quá dầy đặc không cho phép họ nhận biết mà thôi). Sự quán nhận đó theo thời gian có thể phát triển thêm để đạt đến một mức độ hoàn hảo hơn giúp giải thoát chúng ta ra khỏi sự kiềm tỏa của mọi sự vật. Dù cho ta có liên tục tụng niệm: "anicca, dukkha, anatta", và ngày đêm quán xét về ba đặc tính ấy, thế nhưng đồng thời thì ta vẫn cứ bám víu khư khư vào các vật thể, vẫn ham muốn có được một vật thể nào đó hay được trở thành một thứ gì đó, và vẫn cứ tiếp tục ham muốn nắm bắt các vật thể, thì nhất định có thể bảo rằng ta vẫn chưa đạt được sự quán thấy sâu xa. Tóm lại, sự quán thấy minh bạch về vô thường, sự bất toại nguyện và tính cách vô-ngã là cách quán nhận được không có gì đáng để chiếm giữ hay để được trở thành như thế.
Trong giáo lý Phật Giáo có một chữ có thể giải thích thật chính xác điều ấy, đấy là chữ "sunnata" (tánh không)tức có nghĩa là sự "trống không", trống không về cái tôi, trống không về một thứ thực chất nào đó mà ta có đặc quyền để bám víu vào đấy với tất cả sức mạnh của mình như là một thứ gì thuộc quyền sở hữu của "chính mình". Sự quan sát giúp mang lại sự quán thấy minh bạch là tất cả đều không hàm chứa một thực chất nào cả mới đúng là cốt tủy, là chìa khóa của sự tu tập Phật Giáo. Khi nào chúng ta thật sự hiểu được rằng tất cả, thật sự là tất cả, đều hoàn toàn "vô-ngã", thì khi ấy ta mới có thể cho rằng mình đã hiểu được tường tận Đạo Pháp của Đức Phật là gì. Chỉ riêng cách diễn đạt bằng thuật ngữ "trống không về cái tôi" cũng đã đủ để tóm lược thế nào là vô thường (anicca), sự bất toại nguyện (dukkha), và vô ngã (anatta). Nếu đấy là một vật thể luôn luôn biến động, hoàn toàn trống không về bất cứ một thành phần mang tính cách trường tồn và bất biến nào thì ta có thể bảo là cái vật thể ấy là "trống không". Khi nhận ra là nó có khả năng gây ra sự lầm lẫn cho ta, thì ta có thể bảo là nó trống không về bất cứ một thực thể chánh đáng nào giúp cho ta có thể bám víu vào đấy. Sau khi quán xét và khám phá ra rằng vật thể ấy không hàm chứa một thành phần bền vững nào có thể gọi là thực chất của nó, và đấy chỉ là những gì mang bản chất đổi thay và biến động chi phối bởi các quy luật thiên nhiên, và ta không thể nào bảo đấy là thuộc cái "của tôi", thì khi ấy ta chỉ còn cách kết luận rằng vật thể ấy không hàm chứa cái ngã nào cả. Khi một người nào đó đạt được sự trống không của tất cả mọi vật thể, thì đồng thời người ấy cũng sẽ cảm thấy phát sinh nơi mình một sự quán nhận khác nữa: đấy là không có gì đáng cho mình giữ làm sở hữu hay để được trở thành như thế. Cảm tính đó sẽ có đầy đủ khả năng che chở cho người ấy trước các tác động của xúc cảm và sự khống chế của các thứ ô nhiễm khiến cho tâm thức mình bị u mê. Khi một người đã đạt được cấp bậc ấy rồi thì sẽ không còn vướng mắc vào một thể dạng tâm thần bệnh hoạn nào nữa, không còn bị lôi cuốn vào những hành động bốc đồng, dù đấy là những hành động thuộc thể loại nào cũng thế, không có gì có thể lôi cuốn hay mê hoặc được người ấy nữa. Tâm thức của người ấy cũng tìm thấy một sự tự do và một thể dạng tự chủ vững bền, và như thế người ấy cũng được giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Câu phát biểu sau đây: "không có gì đáng để chiếm hữu hay được như thế" cần phải được hiểu theo một ý nghĩa cá biệt, tức có nghĩa là sự "chiếm hữu" (có) và "được như thế" (trở thành như thế) xảy ra trong một thể dạng tâm thức hoang mang, ham muốn và muốn chiếm giữ. Nói như thế không có nghĩa là khuyên bảo phải sống mà không được phép "có" cái gì cả và cũng không được phép "trở thành" một thứ gì cả. Có những thứ mà thông thường người ta phải cần đến: thí dụ như nhà cửa, vợ con, một ngôi vườn, một mảnh ruộng,...hoặc cảm thấy mình là một người tốt, v.v. Thật vậy, không có gì cấm đoán mình thành công hay trở thành một người bị thua thiệt, cũng không có gì cấm đoán mình đạt được một địa vị nào đó trong xã hội, và thật ra thì mình cũng không thể tránh khỏi phải trở thành như thế này hay thế nọ. Thế nhưng tại sao phải tu tập để nhìn thấy mọi sự vật không hàm chứa một giá trị nào cả? Đây là câu trả lời: các khái niệm "có" và "được như thế" hoàn toàn mang tính cách tương đối, đấy chỉ là những ý nghĩ thuộc vào thế gian này và phát sinh từ vô minh. Đối với hiện thực trong thể dạng tinh khiết của nó hay là sự thật tuyệt đối thì ta không thể có bất cứ một thứ gì, cũng không thể trở thành bất cứ gì cả. Tại sao lại như thế? Thật hết sức giản dị, bởi vì người muốn chiếm hữu và vật thể để chiếm hữu tất cả đều vô thường, bất toại nguyện và cũng chẳng thuộc về ai cả (vô-ngã). Thế nhưng nếu một cá thể không nhận thấy được điều ấy thì đương nhiên sẽ nghĩ rằng: "Tôi chiếm được cái này, tôi có được cái kia, tôi là thế này". Chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ một cách máy móc như thế và những khái niệm ấy chính là nguồn gốc làm phát sinh ra sự thất vọng và niềm bất hạnh của chúng ta.
"Có" và "được như thế" tượng trưng cho một sự ham muốn, đấy là sự mong muốn không để cho vật thể mà ta vừa chiếm hữu hay thể dạng mà ta vừa đạt được phải bị mất đi hay trở thành xa vời. Khổ đau sẽ phát sinh từ sự ham muốn được có hay được trở thành - nói một cách ngắn gọn là ham muốn. Khi đã ham muốn thì sẽ sinh ra vô minh, chẳng qua vì từ căn bản các vật thể chẳng có gì đáng để mà ham muốn. Ý nghĩ sai lầm cho rằng các vật thể đáng để ham muốn phát lộ như là một thứ bản năng ngay từ lúc còn ấu thơ và làm phát sinh ra sự ham muốn. Tiếp theo đó thì sự ham muốn sẽ kéo theo hành động, và hành động sẽ mang lại kết quả, dù kết quả ấy có phải là sự toại nguyện hay không. Nếu sự ham muốn của ta được thỏa mãn, nó sẽ tạo ra cho ta một sự ham muốn mới mạnh mẽ hơn nữa; và ngược lại nếu đấy là một sự bất toại nguyện thì ta không thể nào tránh khỏi phải đấu tranh, phải ra sức, bằng cách này hay cách khác, cho đến khi nào sự ham muốn được thỏa mãn. Thái độ hành xử đó sẽ buộc ta vào một cái vòng lẩn quẩn gồm có: hành động (karma - nghiệp), kết quả, hành động, kết quả - người ta gọi đấy là "Bánh xe Ta-bà" (Roue du Samsara / Wheel of Samsara). Người ta thường hiểu sai chữ ta-bà (samsara) là một cái vòng tròn bất tận xoay vần từ sự hiện hữu vật chất này tiếp nối với một sự hiện hữu vật chất khác (đầu thai, tái sinh, luân hồi...). Đúng hơn thì đấy chỉ là một cái vòng lẩn quẩn gồm ba nhân tố là: ham muốn, hành động phát sinh từ sự ham muốn, và hậu quả mang lại từ hành động (xin chú ý đây là một cách giải thích về thế giới ta-bà gọi là "con đường thu ngắn" - reductionism - căn cứ vào sự xoay vần của các thể dạng tâm thần, nhưng không giải thích Ta-bà dựa vào luân hồi, tức khái niệm về sự tái sinh. Cũng xin nhắc thêm là Buddhadasa là một vị đại sư và cũng là một tư tưởng gia Phật Giáo thuộc tầm cỡ lớn của Thái Lan và là người đầu tiên đã hệ thống hóa chủ thuyết "con đường thu ngắn" (ham muốn – hành động - khổ đau) nhằm mục đích chứng minh cho thấy Phật Giáo có thể hoàn toàn mang tính cách duy lý của khoa học hiện đại và không cần đến một "đức tin" - luân hồi - mang tính cách tôn giáo nào cả). Tiếp theo đó là tình trạng không còn cưỡng lại được trước sự ham muốn - tương tự như bị bắt buộc phải tiếp tục ham muốn - sự ham muốn ấy lại kéo theo một hành động khác và một hậu quả khác, cái hậu quả khác ấy lại làm cho sự ham muốn (trước đó) gia tăng thêm, và cứ tiếp tục như thế cho đến vô tận. Đức Phật gọi đấy là cái "bánh xe" của thế giới Ta-bà, bởi vì cái vòng tròn bất tận ấy xoay vần không ngưng nghỉ. Chính bởi cái vòng tròn ấy mà ta phải gánh chịu mọi khổ ải và đớn đau. Thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy có nghĩa là đạt được sự giải thoát khỏi mọi thể dạng của khổ đau, hay nói cách khác thì đấy là Niết-bàn. Dù người nghèo khó hay nhà triệu phú, vua chúa hay đế vương, thiên nhân hay một vị trời, khi đã vướng mắc vào cái vòng tròn lẩn quẩn đó thì sẽ không thể nào tránh khỏi khổ đau và buồn phiền do sự ham muốn mang lại. Vì thế chúng ta có thể bảo rằng cái bánh xe Ta-bà ấy chất chứa đầy ắp khổ đau. Muốn giải quyết vấn đề này (tức là làm cho sự xoay vần của bánh xe Ta-bà phải dừng lại), chúng ta không thể đơn thuần nhờ vào sila (giới luật), tức luân lý và đạo đức, mà phải nhờ vào các nguyên lý cao siêu hơn trong Đạo Pháp.
Như chúng ta đã thấy, khổ đau sinh ra từ sự ham muốn, đúng như Sự Thực Cao Quý Thứ Hai mà Đức Phật đã nêu lên. Sự "ham muốn" đó gồm có ba thể dạng khác nhau. Thể dạng thứ nhất là sự ham muốn giác cảm: ham muốn các vật thể - chẳng hạn như hình dạng, màu sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, và các vật thể sờ mó được - nhằm tìm thấy sự thích thú. Thể dạng thứ hai là ham muốn được hình thành, được hiện hữu như thế này hay như thế nọ, đúng với sự mong ước của mình. Thể dạng thứ ba là sự ham muốn không muốn được trở thành, không muốn mình phải hiện hữu như thế này hay thế nọ. Thực ra thì tựu trung chỉ có ba loại ham muốn như vừa kể. Đố ai có thể tìm thấy một thứ ham muốn nào khác hơn ngoài ba thể loại đó.
Chúng ta có thể nhận thấy thật dễ dàng là bất cứ ở đâu có sự ham muốn thì ở đấy sẽ phải có khổ đau: nếu hành động vì bị thúc đẩy bởi sự ham muốn thì nhất định ta sẽ phải gánh chịu khổ đau, tương xứng với hành động mà ta thực thi, và khi hậu quả đã xảy ra thì ta lại tiếp tục ham muốn nhiều hơn nữa, thế rồi ta không còn khả năng nào để ngăn chận sự ham muốn được nữa. Vì không còn loại bỏ được sự ham muốn nên ta trở thành nô lệ cho ham muốn. Một người hung dữ thực hiện việc xấu vì hắn ham muốn muốn thực hiện cho được việc ấy, sau đó thì hắn khổ đau tương xứng với sự hung dữ của hắn. Cũng thế, một người tốt ham muốn muốn thực hiện một việc tốt, và sau đó thì khổ đau, dù là dưới một hình thức khác, thế nhưng luôn tương xứng với hành động tốt ấy của hắn. Dầu sao cũng nên hiểu rằng đấy không phải là cách khuyên không được làm điều tốt, mà chỉ đơn giản nêu lên cho chúng ta thấy là khổ đau mang nhiều khía cạnh thật tinh tế, khó cho một người thường có thể nhận thấy hết được. Ta phải luôn ghi nhớ lời khuyên bảo của Đức Phật là: thực hiện các điều tốt không đủ để loại bỏ hoàn toàn tất cả mọi khổ đau. Ta phải thực hiện được những gì cao xa hơn thế nhiều, phải vượt lên trên cả những hành động tốt, có nghĩa là phải thực hiện được những gì có thể thật sự giúp ta giải thoát cho tâm thức khỏi sự kiềm tỏa của mọi sự ham muốn. Đấy là phần tinh túy nhất trong giáo lý của Đức Phật mà chúng ta không được phép quên. Khi đã loại trừ được ba thể loại ham muốn kể ra trên đây (ham muốn của giác cảm, ham muốn được trở thành như thế này hay thế nọ, ham muốn không muốn được trở thành như thế này hay thế nọ), thì khi ấy ta mới đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau.
Vậy làm cách nào để giải thoát cho mình khỏi mọi sự ham muốn, chận đứng nó và khai trừ nó? Câu trả lời thật đơn giản: phải quan sát và chú tâm vào hiện tượng vô thường, sự bất toại nguyện (khổ đau) và vô-ngã, phải kiên trì cho đến khi nào nhận thấy thật minh bạch rằng chẳng có gì đáng để cho ta ham muốn. Thật thế, nào có gì đáng cho ta phải có nó hay là được như thế đâu? Không có vật gì mà sau khi đã chiếm hữu được nó mà nó lại không gây ra khổ đau cho ta? Hãy tự hỏi xem có thứ gì mà sau khi có nó hay được trở thành như thế mà lại không mang lại sự bấn loạn và lo âu hay không? Cứ suy nghĩ thật kỹ xem có đúng thế không? Sự kiện có một người vợ và một đàn con sẽ mang lại sự tự do và sự vui thú trong lòng, hay đấy chỉ toàn là bổn phận? Sự kiện đạt được một vị thế cao sang trong xã hội có phải là đương nhiên sẽ tìm thấy sự an bình và thanh thản, hay đấy chỉ là một thứ gánh nặng mà thôi? Khi biết nhìn mọi sự vật qua góc cạnh đó, thì ta sẽ hiểu ngay là tất cả chỉ mang lại gánh nặng và bổn phận cho ta. Tại sao lại như thế? Bởi vì tất cả, thật sự là tất cả, chỉ là gánh nặng, cái gánh nặng của vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã. Khi ta vừa mới chiếm hữu được một vật thể nào đó, thì ta phải lo lắng bảo vệ nó, ước mong rồi đây nó sẽ đáp ứng được sự mong đợi của mình, hoặc sẽ mang lại lợi ích cho mình. Thế nhưng vật thể ấy từ bản chất đã là vô thường, bất toại nguyện và chẳng thuộc vào của ai cả (vô-ngã). Dó đó mà nó không thể nào đáp ứng được các tiêu chuẩn và kỳ vọng của cá nhân mình; nó chỉ biết biến đổi đúng theo bản chất của chính nó. Các nỗ lực của ta rốt lại chỉ là một hình thức nhằm để chống lại và kháng cự lại quy luật của sự đổi thay (vô thường). Cuộc sống mà ta đang có cũng có thể đơn giản xem như là một sự cố gắng nhằm tìm cách sửa đổi mọi sự vật như thế nào cho phù hợp với sự mong ước của mình. Vì thế mà cuộc sống ấy mang đầy khó khăn và đau khổ.
Có một phép luyện tập giúp cho ta nhận thấy là chẳng có gì đáng để chiếm hữu hay được trở thành như thế. Đấy là cách nhìn mọi sự vật sâu xa hơn để nhận thấy rằng mỗi khi ta thèm muốn thì các ý nghĩ như "được chiếm hữu" hay "được trở thành như thế" sẽ tức khắc phát sinh, vì thế thay vì thèm muốn thì ta nên phát huy một sự quán thấy sâu xa về bản thể đích thật của mọi sự vật, sự quán thấy ấy sẽ giúp cho thái độ của ta thay đổi hẳn. Hãy thử nêu lên một thí dụ thật đơn giản: chẳng hạn như việc ẩm thực. Một người ăn uống ngấu nghiến để tìm thấy sự thích thú, sẽ khác hẳn với một người ăn uống nhưng ý thức được là không phải vì sự ham muốn mà mình ăn uống, người ấy luôn giữ được một sự hiểu biết minh bạch tức sự quán thấy sâu xa về bản chất đích thật của mọi sự vật (thức ăn). Cách ăn uống của hai người nhất thiết sẽ phải khác nhau, những gì mà cả hai cảm nhận được qua các giác cảm của mình trong khi ăn uống cũng khác nhau, và tất nhiên là hậu quả mang lại từ hai cách ăn uống đó cũng sẽ phải khác nhau.
Do đó phải hiểu là ta vẫn có thể nuôi sống mình được mặc dù không còn ham muốn sự thích thú mang lại từ miếng ăn nữa. Đức Phật và các vị A-la-hán đã được giải thoát khỏi tất cả mọi sự ham muốn, thế nhưng đâu phải vì thế mà họ đánh mất đi khả năng hành động và sức mạnh giúp họ trở thành như thế. Chẳng những các vị ấy đã đảm đang được nhiệm vụ của mình mà còn làm hơn bất cứ ai trong số chúng ta tức là những người còn mang nặng sự ham muốn. Vậy thì nhờ vào sức mạnh nào mà các vị ấy đã thực hiện được như thế, nếu nói cách khác những gì nơi họ đã thay cho sức mạnh của sự ham muốn và ham muốn thúc đẩy họ muốn được như thế này hay như thế nọ, trong khi những thứ ấy luôn kích động ta? Câu trả lời là các vị ấy hành động dựa vào sức mạnh của sự quán thấy sâu xa, vào sự hiểu biết minh bạch và sâu sắc "là như thế", tức là bản chất đích thật của mọi sự vật. Các vị ấy không còn ham muốn được chiếm giữ hay chiếm đoạt bất cứ gì cho mình nữa, mà trái lại họ đã dồn tất cả lòng nhân từ cũng như trí tuệ của mình cho người khác. Chính nhờ thế mà các vị ấy đã bảo tồn và lưu truyền được Đạo Pháp cho đến ngày nay.
Sự kiện loại bỏ được sự ham muốn hàm chứa nhiều ý nghĩa tích cực. Một thân xác và một tâm thức dù đã loại bỏ được mọi sự ham muốn thế nhưng vẫn có thể tiếp tục ẩm thực một cách bình thường, đấy là nhờ vào sự nhận định sáng suốt, không bị chi phối bởi sự ham muốn như trước kia nữa. Nếu muốn giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau thì phải bước theo vết chân của Đức Phật và của các vị A-la-hán, và biết hành xử bằng sự nhận định trong sáng thay vì chạy theo sự ham muốn. Nếu mình là một người tu tập thì cũng nên cố gắng phân biệt thế nào là cái đúng cái sai, đâu là cái tốt cái xấu, và nhìn lại xem mình nên làm gì. Nếu đã có công ăn việc làm thì cũng nên tập nhận định xem đâu là cái đúng cái sai trong công việc của mình, và phải ý thức được rằng cái công việc mà mình đang có là một phương tiện tốt nhất giúp mình mang lại lợi ích cho tất cả những người chung quanh hay chăng? Tóm lại là ta phải cố thực thi công việc của mình một cách hoàn chỉnh, với tất cả sự minh mẫn và thanh thản mang lại từ sự quán thấy sâu xa. Nếu chỉ vì ham muốn (mong muốn được lên lương, lên chức...) mà thực thi một việc nào đó thì nhất định ta sẽ cảm thấy lo âu khi đang làm (vì sợ không đạt được kết quả), và sẽ còn tiếp tục lo âu khi đã làm xong công việc (vì sợ kết quả không đáp ứng được sự ham muốn của mình); trong khi đó nếu được hướng dẫn bởi một sự nhận định trong sáng thì ta không lo lắng một chút nào cả khi thực thi công việc của mình (biết mình đang làm gì và kết quả sẽ phải như thế nào, và không chờ đợi hay bám víu vào sự thành công cũng không còn lo sợ sẽ bị thất bại). Đấy là sự khác biệt giữa hai cách thực thi một công việc.
Vậy thật hết sức quan trọng phải luôn ý thức rằng tất cả mọi vật thể thật ra đều vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã, tức có nghĩa là không có gì đáng để cho ta "có nó" hay là "được như thế". Nếu phải bắt buộc dấn thân vào thế giới này thì cứ dấn thân, thế nhưng phải biết phát huy một sự nhận định sáng suốt, để nhờ đó mà các hành động của ta sẽ không bị sự ham muốn làm cho ô nhiễm. Nếu biết hành xử một cách khéo léo thì ngay từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt một công việc, ta sẽ không hề biết khổ đau là gì. Tâm thức ta sẽ không tìm cách nắm bắt các vật thể một cách mù quáng, và nhờ đó ta sẽ không bám vào chúng như những thứ gì đáng cho ta mong muốn được chiếm giữ. Phải luôn hành động với một tâm linh tỉnh thức, thế nhưng cũng phải biết sống phù hợp với truyền thống, tập quán và tuân thủ luật pháp. Thí dụ ta có đất đai, thế nhưng không phải vì thế mà ta bắt buộc phải hành xử như một người chủ điền; thật chẳng ích lợi gì khi ta bám víu quá đáng vào đất đai để rồi biến nó trở thành một gánh nặng cho ta và khiến ta phải khổ sở vì nó. Bổn phận của luật pháp là gìn giữ chủ quyền cho ta, vì thế lo lắng để làm gì? Đất đai không chui qua kẽ hở của bàn tay mà luồn đi mất được. Nếu có kẻ nào chiếm đoạt, thì ta cũng cứ chống lại và bảo vệ chủ quyền của mình một cách khéo léo. Ta không bảo vệ bằng sự giận dữ, không để cho ngọn lửa hận thù thiêu đốt mình. Ta mượn luật pháp để kháng cự lại, không cần phải khổ sở (tiếc thay trong vài trường hợp xảy ra ở một vài nơi nào đó thì luật pháp cũng có thể tiếp tay với người cướp giật đất đai của kẻ khác, thế nhưng quy luật nhân quả sẽ bắt "cái luật pháp" đó và cả người cướp giật mà nó tiếp tay phải nhận lấy những hậu quả sau này). Đương nhiên là ta có quyền bảo vệ tài sản của mình, thế nhưng nếu xảy ra trường hợp mà cái tài sản ấy bị cướp đoạt khỏi tay ta, thì cũng không nên vì thế mà để cho những thứ xúc cảm nặng nề đày đọa mình thêm (mà chỉ nên hồi hướng tất cả công đức của mình để cầu xin hậu quả xảy ra sau này cho "cái luật pháp" ấy và người cướp giật đất đai của mình được "cái luật pháp" ấy bảo vệ sẽ không quá sức nặng nề). Tất cả đều vô thường và luôn luôn biến động. Khi đã hiểu được điều ấy thì ta sẽ không còn lo nghĩ gì nữa (cũng xin mạn phép nhắc lại là đại sư Buddhadasa thuyết giảng những lời này trong một khóa đào tạo các thẩm phán trong việc điều hành luật pháp Thái Lan cách nay đã hơn nửa thế kỷ).
Đối với với trường hợp mà ta "muốn được như thế", thì cũng chẳng ích lợi gì khi quyết tâm phải được như thế này hay như thế nọ, bởi vì trên thực tế không có một thể dạng nào là toại nguyện cả. Tất cả mọi cảnh huống đều nhất thiết mang lại khổ đau, dưới hình thức này hay hình thức khác. Có một phép tập luyện thật đơn giản mà chúng ta sẽ phân tích cẩn thận hơn trong các phần sau, đó là phép tập luyện gọi là vipassanâ (thiền minh sát) và đấy cũng là một cách trực tiếp áp dụng Đạo Pháp vào việc luyện tập. Đó là một phương pháp nội quán thật tinh vi giúp ta quán thấy là chẳng có gì đáng để cho ta "được trở thành như thế", tức có nghĩa là chẳng có một thể dạng hình thành nào thật sự mang lại sự toại nguyện cả. Hãy cứ tự hỏi lấy mình như thế này: vậy thì mình muốn làm Con hay làm Cha, làm Chồng hay làm Vợ, làm Chủ hay làm Tớ đây? Có vai trò nào trong số đó sẽ đương nhiên mang lại sự thích thú hay không? Ngay cả trong trường hợp mà ta đạt được một vị thế cao, được làm người chỉ tay năm ngón để sai khiến kẻ khác, tức là một người thắng cuộc - thì đấy có đúng là một sự thích thú hay không? Số phận con người có thích thú hay không? Kể cả trường hợp được làm thiên nhân hay một vị trời, thì có phải đấy là một sự thích thú hay không? Khi nào hiểu được "nó là như thế" thì khi đó ta sẽ hiểu rằng chẳng có gì là thú vị cả. Ta chỉ tìm thấy một sự toại nguyện mù quáng khi cố tìm cách để "có" hay "được như thế". Dù biết đấy là chỉ là một sự mù quáng thế nhưng lúc nào ta cũng muốn "có" và "được như thế", bất chấp việc ấy có thể nguy hiểm đến tính mạng mình. Cần phải hiểu bản chất các vật thể là gì và biết sống một cách khôn ngoan, ta nên dấn thân vào sự sống này như thế nào để chỉ gây ra khổ đau ít nhất, hoặc tốt hơn nữa là không gây ra một chút khổ đau nào cả.
Đến đây chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm một khía cạnh quan trọng khác nữa: đấy là bổn phận phải giúp đỡ những người chung quanh, chẳng hạn như bạn bè, gia đình và thân thuộc, hiểu được thế nào là bản chất đích thật của mọi sự vật, hầu giúp họ tìm thấy một tầm nhìn đúng đắn như chúng ta, và đấy cũng là cách giúp tránh khỏi những sự xáo trộn có thể xảy ra trong gia đình, nơi đô thị, trong một quốc gia, và sau cùng là trên toàn thế giới (nên hiểu đây không phải là một cách thuyết phục hay biến cải người khác mà chỉ là cách giúp người khác hiểu được là sự ham muốn quá độ sẽ mang lại khó khăn trong gia đình, trong xã hội và cho toàn thể nhân loại). Một khi tâm thức đã trở thành miễn nhiễm và giúp ngăn chận được mọi sự ham muốn, thì nó cũng sẽ không tìm cách bám víu vào các vật thể hay bất cứ một con người nào cả (tranh dành của cải hay xu nịnh và kéo bè phái với một con người "lý tưởng" hay mang quyền thế nào cả). Nếu cuộc sống của ta được hướng dẫn bởi sự quán thấy sâu xa, minh mẫn và trong sáng thì ta sẽ nhận ra là chẳng có một thứ gì đáng để cho mình chiếm giữ hay bám víu. Bất cứ ai cũng có thể hiểu được là trong thế giới này tất cả đều vô thường, bất toại nguyện, và không hàm chứa cái ngã, do đó không nên dại dột để phải vướng mắc vào cái vòng lẩn quẩn ấy. Chúng ta phải ý thức được việc ấy để buông xả (không bám víu và nắm giữ), và chọn cho mình một tầm nhìn đúng đắn phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Người nào biết hành xử như thế mới xứng đáng là một Phật tử đích thật. Dù trước đây tuy chưa bao giờ có dịp xuất gia (trong các nước Phật Giáo Nguyên Thủy, tất cả mọi người nhất là nam giới, phải xuất gia ít nhất là một lần trong cuộc đời mình) hay xướng lên những lời giữ giới, thế nhưng trên thực tế thì người ấy đã đến gần với Phật, Pháp và Tăng: người ấy thật tinh khiết, tỉnh thức và an bình, không còn bám víu vào các vật thể mà chính mình đã ý thức được là chúng không có gì đáng để cho mình "có" được chúng, hay được "trở thành" như thế. Tóm lại chỉ cần tập luyện thế nào để có đủ khả năng quan sát và quán thấy được tính cách vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã thì sẽ giúp mình hiểu rằng không có bất cứ thứ gì đáng để "có" hay để "trở thành", được như thế cũng đủ để giúp mình trở thành một người Phật tử đích thật.
Các hình thức khổ đau thấp nhất (lộ liễu nhất) phát sinh từ sự ham muốn được "có" hay được "trở thành" như thế này hay thế nọ, và sự khổ đau đó sẽ ngày càng trở nên trầm trọng thêm. Các hình thức khổ đau kém gay gắt hơn thì phát sinh từ những hành động tương đối ít bị thúc đẩy hơn bởi sự ham muốn. Các hình thức khổ đau của cái tốt thì được phát sinh từ những hành động liên quan đến những thứ ham muốn thật tinh tế và tinh vi, đấy là những thứ ham muốn được "trở thành" hay "đạt được" một thể dạng mang tính cách tích cực nào đó(tức mang bản chất tốt hay lợi ích nào đó). Cái tốt ngay cả dưới các thể dạng cao đẹp nhất vẫn phát sinh từ sự ham muốn, thế nhưng đấy là một sự ham muốn quá sức tinh vi đến độ khó để nhận ra đấy là một cái xấu. Dầu sao đi nữa thì hành động tốt tự nó cũng không đủ để mang lại sự giải thoát khỏi khổ đau. Một người A-la-hán khi đã được giải thoát khỏi sự ham muốn sẽ không còn hành động dưới sự kiềm tỏa của các xung năng của sự ham muốn nữa. Vị ấy không còn khả năng nào để thực hiện bất cứ điều gì xấu. Cách hành xử của vị ấy vượt lên trên cả cái xấu lẫn cái tốt, và chính vì thế mà vị ấy đã được hoàn toàn giải thoát khỏi mọi khổ đau (điều này cho thấy là Phật Giáo Nguyên Thủy chưa hẳn là "thấp hơn" Phật Giáo Đại Thừa như người ta thường nghĩ sai. Đại Thừa đặt quá nặng lòng từ bi và đồng thời các phép tu tập thì lại quá sức đa dạng và phức tạp, do đó dễ khiến cho người tu hành lạc hướng, đấy là chưa nói đến tình trạng thường xảy ra là từ bi thay vì đơn thuần tượng trưng cho một phương tiện thì lại che lấp cả cứu cánh của Đạo Pháp tức là Trí tuệ. Tình trạng này rất phổ quát và thường làm "mất thì giờ" cũng như "nghị lực" của người tu hành nói chung – dù họ là những người xuất gia hay tu tại gia cũng thế. Tóm lại tốt nhất là nên khởi sự tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy và sau đó khi đã đủ sáng suốt thì mới nên bước vào Đại Thừa để tìm cho mình một bầu không gian hiểu biết khác hơn, nếu nhận thấy cần thiết).
Đấy là các nguyên tắc căn bản nhất của Phật Giáo. Dù cho ta có đủ khả năng để mang ra thực hành hay không, và dù muốn hay không thì con đường ấy lúc nào cũng vẫn là con đường đích thật giúp giải thoát khỏi mọi khổ đau. Có thể đang trong lúc này thì ta chưa muốn, thế nhưng một ngày nào đó ta cũng phải quay về với con đường đó. Dù biết từ bỏ cái xấu và thực hiện cái tốt với tất cả khả năng của mình, thế nhưng không phải vì thế mà tâm thức mình có thể tránh không bị sa lầy trong những thứ ham muốn thật tinh tế khó nhận biết, và đối với những thứ ham muốn đó thì không có một phương cách nào có thể loại bỏ được chúng, ngoại trừ phương pháp vượt lên trên sự ham muốn "được có" hay "được trở thành" như thế, dù đấy là những thứ mang bản chất tốt hay xấu cũng vậy. Muốn cho Niết-bàn có thể hiển hiện ra với mình, thì trước hết chính mình phải được giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau dù dưới bất cứ thể dạng nào, tức phải thực hiện được sự vắng mặt hoàn toàn và tuyệt đối của sự ham muốn (đấy có nghĩa là một sự đình chỉ - nirodha - tuyệt đối, không còn vướng mắc vào bất cứ thứ gì, dù đấy là cái tốt).
Tóm lại, khi hiểu được "là như thế" với ý nghĩa sâu xa nhất của nó thì cũng có nghĩa là nhìn thấy khắp nơi tất cả đều vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã. Khi nào quán nhận vững chắc được các điều ấy thì tâm thức mình cũng sẽ nhìn thấy mọi sự vật không còn đáng để bám víu nữa. Như vậy thì nếu phải dấn thân vào thế giới này để "có" và để "trở thành" một cái gì đó, thì cũng cứ phải "có" và phải "trở thành" (như mọi người), thế nhưng phải "có" và phải "trở thành" một cách thông minh, soi sáng bởi sự quán thấy sâu xa, tức không để cho sự ham muốn chen vào. Biết hành xử như thế thì ta sẽ tránh được mọi khổ đau.
Bures-Sur-Yvette, 09.01.12
Hoang Phong chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét