Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Loài Plantago major L. (Cây Mã Đề)

Tên
Tên khác: 
Xa tiền, Bông mã đề, Suma (Tày), Nhả én dứt (Thái)
Tên khoa học: 
Plantago major L.
Họ: 
Mã đề (Plantaginaceae)
Tên nước ngoài: 
Broad – leaved plantain, Ripple grass, Cart – tract plan, Plantain ribwort, Great platain, Large plantain (Anh), Plantain majeur, Plantain commun, Grand plantain, Plantain des oiseaux (Pháp)
Mẫu thu hái tại: 
Mẫu thu mua vào tháng 04 năm 2009 tại chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Cỏ cao 24 - 45 cm, thân rất ngắn gần như không có. Rễ mọc thành chùm. Lá đơn mọc từ gốc, hình thìa, kích thước 10-15 x 5-7 cm, mép phiến lá có răng cưa nhỏ thưa; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình cung với 5 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng màu xanh lục nhạt, dài 9-12 cm, gốc rộng có màu trắng hoặc tím. Cụm hoa: dạng bông, trục cụm hoa dài 28 – 46 cm, xuất phát từ kẽ lá. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4, không cuống. Lá bắc hình bầu dục, kích thước 1,5 x 1 mm, ở giữa dày màu xanh, 2 mép mỏng hơn màu trắng, có gân giữa, bề mặt có những nốt sần. Lá đài 4, đều, rời, hình bầu dục, kích thước 2 x 1 mm, ở giữa dày màu xanh, 2 mép mỏng hơn màu trắng. Tiền khai: 1 ngoài, 1 trong, 2 xen kẽ. Đài tồn tại. Cánh hoa 4, đều, dính nhau ở phía dưới tạo thành ống cao 1,5 mm, màu trắng xanh; phía trên chia 4 thùy hình tam giác mỏng, màu vàng nhạt. Tiền khai cánh hoa giống tiền khai lá đài. Nhị 4, đều, rời, đính trên ống tràng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi, màu trắng. Bao phấn hình đầu tên màu vàng, đầu nhọn, dài 1 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy.Hạt phấn hình quả trám màu vàng, rời, có 1- 2 rãnh dọc, kích thước 25 – 37,5 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầutrên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. 1 vòi nhụy hình sợi, dài 3 mm; 1/4 phía dưới màu trắng nhẵn; 3/4 phía trên màu đỏ nâu, có nhiều lông dài. 1 đầu nhụy dạng điểm, có rất nhiều lông dài. Quả hộp nhỏ mang đài tồn tại, hình bầu dục, dài 3,5 – 4 mm, màu xanh khi non, màu hơi ngà khi già, mở theo đường nứt ngang. Hạt 8 – 12, hình thoi dẹp, dài 1,5 – 2 mm, màu xanh khi non, màu nâu đen bóng khi già.
Hoa thức và Hoa đồ: 

Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu: 
Vi phẫu lá:
Gân giữa: mặt dưới lồi tương ứng với những đường gân. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc hơi đa giác, lớp cutin có răng cưa, rải rác có lỗ khí và ít lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mô dày trònMô mềm khuyết bên dưới cung libe gỗ, 4 – 5 lớp tế bào hình gần tròn hoặc hơi đa giác xếp thẳng hàng, tế bào kích thước to; vùng mô mềm khuyết còn lại tế bào gần tròn hay đa giác xếp lộn xộn, tế bào kích thước nhỏ hơn. 3 bó libe gỗ lớn có cấu tạo: gỗ ở trên, libe ở dưới; mô dày tròn tế bào hình đa giác ở phía trên gỗ (4 -8 lớp tế bào), ở phía dưới libe ( 4 -6 lớp tế bào); ngoài cùng là vòng nội bì khung caspary gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật. Trong lớp tế bào nội bì khung caspary hay trong mô mềm khuyết có ít hạt tinh bột hình gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước 2,5- 5 µm.
Phiến lá: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lớp cutin có răng cưa, rải rác có lỗ khí và ít lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mô mềm khuyết, tế bào hơi đa giác hoặc gần tròn kích thước không đều nhau. Trong mô mềm khuyết có 4 – 6 bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới, xung quanh là vòng nội bì khung caspary.
Vi phẫu cuống lá: mặt trên lõm, mặt dưới có 5 gân lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí nhiều ở mặt dưới. Mô dày góc không liên tục, tế bào hơi đa giác; 1- 4 lớp ở mặt dưới, nhiều ở các gân lồi; 2 - 9 lớp ở 2 mép cuống lá. Mô mềm khuyết tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. 3 – 4 lớp mô mềm khuyết dưới bó libe gỗ và 8-10 lớp ở phần lõm mặt trên xếp thành từng dãy thẳng hàng, kích thước lớn hơn vùng mô mềm khuyết còn lại. Có 5 bó libe gỗ lớn cấu tạo giống bó libe gỗ lớn ở vi phẫu lá. 2 bó libe gỗ nhỏ hơn ở gần mép cuống lá và nhiều bó libe gỗ rất nhỏ có cấu tạo giống bó libe gỗ nhỏ ở vi phẫu lá. Có nhiều hạt tinh bột trong vòng nội bì và mô mềm khuyết xung quanh các bó libe gỗ
Đặc điểm bột dược liệu: 
Bột toàn cây màu xanh nâu nhạt.
Thành phần: mảnh hiểu bì trên và dưới của lá, tế bào vách mỏng uốn lượn mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Mảnh mô mềm, tế bào hình hơi đa giác vách mỏng. Lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch vạch. Hạt tinh bột hình cầu hay hình đa giác tễ rõ hay không rõ. Mảnh nội nhũ, tế bào hình đa giác, kích thước đều nhau.
Phân bố, sinh học và sinh thái: 
Phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở các châu lục.Ở Việt nam, Mã đề mọc hoang ở vùng núi. Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Bộ phận dùng: 
Phần cây trên mặt đất (Herba plantaginis), thường gọi là Xa tiền thảo và hạt (Semen Plantaginis), thường gọi là Xa tiền tử.
Thành phần hóa học: 
Lá Mã đề chứa iridoid (aucubosid, catalpol), acid phenoic và este phenylpropanoic của glycosid, majorosid. Lá còn chứa chất nhày với hàm lượng 20%. Hạt chứa chất nhày giàu D-galactose, L-arabinose và có khoảng 40% acid uronoic, dầu béo trong đó có acid 9-hydroxy-cis-11-octadecenoic. Ngoài ra Mã đề còn có nhiều flavonoid: apigenin, quercetin, scutelarein, baicalein, hispidulin ( 5,7,4’-trihydroxy-6-methoxyflavon), luteolin-7-glucosid, luteolin-7-glucoronid, homoplantaginin(=7- O--D-glucopyransoyl-5,6,3’,4’-trihydroxyflavon). Bên cạnh đó Mã đề còn chứa nhiều chất khác như aicd cimaric, acid p. coumaric, acid ferulic, acid cafeic, acid clorogenic, caroten, vitamin K, vitamin C.
Tác dụng dược lý - Công dụng: 
Thường dùng chữa: sỏi niệu và nhiễm trùng đường niệu. Viêm kết mạc, viêm gan.
Mã đề dùng để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, viêm bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc sỏi, phù thũng, đau mắt sưng đỏ, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi. Lá Mã đề tươi đắp làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Ở Trung Quốc, hạt Mã đề sắc uống chữa bệnh đái tháo đường, ho, vô sinh. Ở Ấn Độ, cây Mã đề dùng cầm máu và trị vết thương, bỏng và viêm các mô. Lá dùng làm mát, lợi tiểu, làm săn và hàn vết thương, nước hãm lá trị tiêu chảy và trĩ. Rễ Mã đề có tác dụng làm săn, chữa sốt và ho. Hạt làm dịu viêm, lợi tiểu, bổ, trị lỵ và tiêu chảy. Trong y học cổ truyền Nhật bản, nước sắc của Mã đề trị ho hen, bệnh tiết niệu tiêu thũng, tiêu viêm. Ở Thái Lan, toàn cây hoặc lá dùng lợi tiểu, sốt, hạt nhuận tràng chống viêm và đầy hơi. Ở Triều tiên dùng Mã đề trị bệnh về gan. Ở Haiti nhân dân dùng Mã đề chữa choáng thần kinh và đau mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét