Tiểu đậu khấu
Tiểu đậu khấu - Elettaria cardamomum White et Maton, thuộc họ Gừng - Zingiberaceae.
Mô tả: Cây thảo cao 2-3m, thân rễ to 1cm. Lá có phiến hẹp, dài 55cm, rộng 5-6cm, mặt dưới có lông thưa, bẹ ngắn. Cụm hoa ở gốc thân bò dài 40cm; nhánh 3-5 hoa màu lục nhạt hay trăng trắng, tràng 2 lần dài hơn đài; cánh môi có 3 thùy, dài 2cm, mép vàng vàng có sọc tía hơi tím, bầu không lông. Quả hình trứng thuôn, 1cm, có 3 ô, cắt vách. Hạt rất sít nhau, màu đen đen.
Bộ phận dùng: Hạt - Semen Elettariae, thường gọi là Bạch đậu khấu.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Xri Lanca, được trồng ở Campuchia, Lào. Ở nước ta, cây được trồng để lấy quả làm gia vị và làm thuốc bổ. Cũng có thể có ở vùng núi cao Cao Bằng và Lào Cai (nhất là ở Phong Thổ).
Thành phần hóa học: Hạt chứa 10% dầu béo và 4-5% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cineol, terpineol, terpinene, limonene, sabinene và terpineol dưới dạng của các acid formic và acetic. Tro hạt chứa nhiều magnesium.
Tính vị, tác dụng: Hạt có vị cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng bổ, kích thích, lợi tiêu hoá, lợi trung tiện, lợi tiểu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Tiểu đậu khấu được dùng như Đậu khấu chữa đau dạ dày, đầy bụng, nôn oẹ, ăn không tiêu...
Ở Ấn Độ, thường dùng chủ yếu làm gia vị, nhất là trong bột cary.
Người ta dùng quả vào các chế phẩm thuốc khác nhau để chữa bệnh về gan và tử cung. Dùng ngoài chế thuốc chữa sa tử cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét