Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

NHƯ LAI CÓ PHẢI LÀ PHẬT TỔ NHƯ LAI ?


NHƯ LAI CÓ PHẢI LÀ PHẬT TỔ NHƯ LAI ?

TÂM NGUYÊN

Xem phim Tây Du Ký, ta thấy có một vị Phật Tổ Như Lai quyền uy tối thượng. Một Tề Thiên Đại Thánh, 72 phép thần thông, Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không làm gì nổi mà gặp Phật Tổ Như Lai cũng đành thúc thủ, không nhảy khỏi năm ngón tay của Ngài. Như Lai cũng chỉ đạo cho các Bồ Tát, ấn chứng cho Tam Tạng. Vậy thì ông này ở đâu ra? Từ cõi trời nào xuống hay tu hành thế nào để đạt được điều đó. Đức Thích Ca thì nguồn cội rõ ràng. Có cha, mẹ, có vợ, con, nơi ở của Ngài cũng đã được các Nhà Khảo Cổ xác minh, toàn bộ đều là sự thật... Còn Như Lai Phật Tổ không biết xuất xứ ở đâu, mà quyền phép đến như vậy? Nếu chúng ta không biết gì về Ngài, chỉ nghe đồn đại về quyền phép vô song, rồi thờ, rồi cúng để xin được “Độ” thì khác gì những người sống cách đây hàng bao nhiêu ngàn năm trước? Điều đó khó có thể chấp nhận đối với thời buổi văn minh khoa học, con người đã lên tới Cung Trăng, Sao Hỏa như thời này.
Rất nhiều bậc xuất gia, nhưng sự hiểu biết về Đạo bị ảnh hưởng của những người trước để lại, cũng tin rằng Chư Phật là Thần Linh, có quyền phép, có thể ban ân, giáng phúc. Các vị cũng cho rằng cứ thành khẩn cầu xin thì sẽ được ban cho, nên đã hô hào mọi người tạc tượng Chư Phật, Chư Bồ Tát, rồi ngày mấy thời tụng niệm, hương khói, thờ lạy để xin được Độ, nên ta thấy Chùa nào cũng nghi ngút khói hương, quên rằng Đức Thích Ca không có dạy Thờ Ngài, mà Thọ Ký cho mọi người đều là Phật sẽ Thành. Vì thế, ta thấy Kinh Kim Cang viết: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai”. Có nghĩa là ai nương Sắc để thấy Ta, Dùng âm thanh để cầu Ta. Đó là những người hành tà đạo. Không thể thấy được Như Lai.
Như Lai là ai? Có cần Thấy Như Lai hay không? Thấy được Như Lai thì được lợi ích gì? Không được dùng hình tượng để thờ, tụng Kinh để cầu Ngài, vậy thì phải Thấy cách nào? Như vậy muốn xin cứu độ phải làm gì?
Tu Phật là để Thành Phật. Địa vị được cho là cao nhất là Như Lai. Nhưng trước khi thành Như Lai, các Ngài cũng phải tu hành như mọi người. Vì vậy, nếu có đọc Kinh VIÊN GIÁC, ta sẽ thấy, ngay phần mở đầu, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật, xin vì Pháp hội và các chúng sinh đời sau “Nói lại nhơn địa tu hành thanh tịnh của các Đức Như Lai”.

Phật dạy: “Như Lai có pháp Đại Đà La Ni tên là VIÊN GIÁC. Từ tánh Viên Giác này mà sinh ra các pháp thanh tịnh: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật. Nhơn địa tu hành của các Đức Phật đều y Viên Giác mà vĩnh viễn đoạn trừ Vô Minh, được sáng suốt thanh tịnh, viên mãn nên được Thành Phật”. “Nhơn địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác: Nghĩa là Biết các pháp đều hư huyển, như hoa đốm giữa hư không thì không còn Sinh tử Luân Hồi và cũng không có người chịu Sinh tử Luân Hồi”. Như vậy, qua Kinh VIÊN GIÁC, ta thấy, dù không có lý lịch rõ ràng, nhưng một cách gián tiếp, ta cũng được giải thích, đó không phải là một vị Thần Linh, duy nhất, và cũng không phải từ trên cõi nào giáng xuống, mà là một người như tất cả mọi người, nhờ tu hành mà đạt tới danh hiệu đó. Qua đó, ta cũng thấy Danh xưng Như Lai cũng như PHẬT, là hai từ nói về TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI MÀ NHỮNG NGƯỜI TU HÀNH CHÂN CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC. NHƯ LAI được giải thích trong Kinh là “ĐẾN, ĐI KHÔNG ĐỘNG”. “Không động” này không có nghĩa là các Ngài dùng thần thông, rồi đột ngột xuất hiện đột ngột biến mất, mà ý nói về CÁI TÂM KHÔNG SINH KHỞI KHI ĐỐI PHÁP. Đối với các pháp đều NHƯ.

PHẬT, NHƯ LAI không phải là những nhân vật, mà hiểu cho đúng thì đó là ý nghĩa của Giải Thoát, là kết quả tu hành, mà mỗi người chúng ta đều có thể học hỏi để được thành tựu. Do đó, người dùng hình ảnh mà Kinh mô tả, rồi tạc lấy, ngày mấy thời nhang khói, tụng kinh để cầu xin, không phải là hành chính đạo nên không thể Thấy được Ngài. “Thấy Như Lai” không phải bằng mắt, mà có nghĩa là người thật sự tu hành theo đường lối của Kinh Viên Giác, thì bản thân cũng sẽ THOÁT được các pháp, để dù đến, đi đều không động Tâm nữa. “Không động Tâm” không phải là trơ trơ như gỗ đá, vì Chư Phật có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, nên có nghĩa là không khởi Hỉ, Nộ, Ái, Ố, THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT… khi đối pháp, bởi đó là những cái Tâm Phàm, khởi lên do vướng mắc với các pháp.
Nhưng có lẽ từ trước đó, các vị Thanh Văn cũng như chúng ta ngày nay, không chịu đọc Kinh hoặc lúc đó Kinh chưa phổ biến, nên không thể đọc để nghe Chư Phật, Chư Tổ giải thích. Chỉ mới nghe loáng thoáng đã cho rằng PHẬT là một vị Thần Linh, có thần thông quảng đại, cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nên lúc nào cũng hướng ra ngoài, thờ lạy, kính ngưỡng, và không bao giờ dám có ý nghĩ rằng mình sẽ Thành Phật, vì cho đó là Tăng Thượng Mạn!

Đạo Phật ra đời cách đây mấy ngàn năm. Lúc đó sự hiểu biết con người còn hạn chế. Cho nên Đức Thích Ca không thể một bước mà có thể kêu gọi mọi người nên Cải Ác, Hành Thiện, vì thế, Ngài đã phải dùng rất nhiều phương tiện, đưa ra nhiều Quả, vị để khuyến khích mọi người. Kinh viết: “Trí kém ưa pháp nhỏ. Chẳng tự tin Thành Phật. Cho nên dùng phương tiện. Phân biệt nói các Quả”…
Buổi đầu, Đức Thích Ca chưa thể trong vài thời pháp mà có thể kêu gọi mọi người tu hành để Giải Thoát. Không thể nói rằng tất cả công năng tu hành chỉ nhằm mục đích THOÁT KHỔ, mà phải dùng phương tiện, mô tả một vị Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, để cho mọi người hâm mộ, hướng tâm, nương theo hướng dẫn của Ngài mà hành trì. Ngay cả Ngài Anan trong Kinh LĂNG NGHIÊM, sau khi đi khất thực một mình, bị Ma Đăng Già dụ, phải cầu Phật cứu cho. Lúc về đến chỗ Phật, khóc lóc, buồn tủi, bạch với Phật, xin chỉ cho Phương pháp nào mà 10 Phương các Đức Phật tu hành được thành đạo, Chứng Quả”, Phật đã hỏi ông: “Ông đối trong Giáo Pháp của ta, do mến mộ cái gì mà phát tâm Xuất Gia ?” thì Anan thưa: “Vì con thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà Xuất Gia”. Chính vì những cái Phát Tâm lệch lạc, do hiểu lầm Phương tiện của Phật, cho nên, phải đợi sau một thời gian dài tu tập, khi cái Tâm họ đã tiến bộ, đã thanh tịnh, Ngã Chấp cũng đã bào mòn rồi, Phật mới giải thích cho họ hiểu được làbản thân họ cũng sẽ thành tựu con đường Giải Thoát, tức là sẽ Thành Phật. “Đấng lưỡng túc tôn kia. Rất hơn, không ai bằng. PHẬT TỨC LÀ THÂN ÔNG. NÊN PHẢI TỰ VUI MỪNG”. Lúc đó, các vị Thinh Văn mới Ngộ ra nên: “LÒNG SANH RẤT VUI MỪNG. TỰ BIẾT SẼ THÀNH PHẬT”.

Đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, ta sẽ thấy Đức Thích Ca cũng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, các Đại Đệ Tử phải 3 lần thưa thỉnh, nhưng Ngài vẫn không muốn nói, vì sợ nói ra “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời, người, Atula đều kinh nghi, Tỳ Kheo Tăng Thượng Mạn sẽ phải sa vào hầm lớn”. Thật vậy, lỡ đưa ra một vị Phật đầy quyền năng, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp phi phàm, không khác nào một vị Thần Linh, mà giờ này nói ai cũng có thể trở thành vị đó thì quả thật không phải dễ, và các Tỳ Kheo đang tu theo Phật, không cần tra cứu xem 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp đó là gì? Làm sao để có? Cứ nghe nói thế là tha hồ tưởng tượng rồi đây mình cũng sẽ “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” rồi càng khởi Tăng Thượng Mạn!
Trên thực tế, nhiều người lúc Xuất Gia không hiểu được là họ sẽ được Thành Phật. Buổi đầu, khi Phát Tâm, đa phần đều vì mến mộ Phật nên Xuất Gia để phụng sự Đạo Pháp. Vậy mà nhiều vị sau khi vô chùa tu một thời gian cứ nghĩ như mình “sắp thành Phật đến nơi”, để cho những người lớn tuổi đáng bậc cha ông phải sụp lạy, phải gọi Thầy, xưng con, cúc cung phục vụ, đến nỗi người đời nói: “Gần Chùa gọi Phật bằng anh”, quên rằng “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” Dù họ có tu hành, đắc đạo thì cũng chính bản thân họ nhờ, không thể cứu độ cho ai! Bá tánh cũng không dễ gần gũi, tiếp xúc, hỏi pháp, vì họ đã trở thành những nhân vật quan trọng, đẳng cấp trong giới tu hành. Trong khi lẽ ra người tu phải là người “xem cái thân như oán tặc”, dùng nó như một phương tiện mà Kinh gọi là như người “ôm thây ma để bơi qua biển Sinh Tử”, thì nhiều người tu hành một thời gian lại quên mất, không theo hạnh “ít muốn, biết đủ” của người tu, trở lại cưng chiều cái Thân, cho nó dùng toàn phương tiện hiện đại. Chùa chiền thì nhân danh tôn vinh Phật để trang hoàng lộng lẫy, xa hoa. Cao Tăng tới đâu thì kẻ hầu, người hạ, tiền hô, hậu ủng, không khác gì quan chức của đời! Sinh thời Cao Bá Quát cũng đã mỉa mai: “Công đức tu hành Sư có lọng”! So với Phật Thích Ca ngay khi đã Thành Phật, Kinh Kim Cang viết: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp Y, cầm Bát, vào Thành lớn xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà mà khất thực, xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất Y Bát, sau khi rửa chơn xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi” Một hình ảnh đơn giản, thanh tịnh… hoàn toàn xa lạ, không giống một chút nào với chư Đệ Tử người ngày nay! Có lẽ: “Con hơn cha là nhà có phúc” chăng?

Thêm một Danh Xưng nữa là BỒ TÁT. Đức Thích Ca đã “nhân cách hóa” những Ý tưởng bằng những nhân vật. Tư tưởng xấu xa, đen tối, tội lỗi thì Phật gọi là CHÚNG SINH. Tư tưởng thanh cao, hướng thiện, có thể cải tạo cho những tư tưởng xấu kia thì Ngài gọi là BỒ TÁT. Đó là hai thành phần cư dân trong ĐẤT TÂM của mỗi con người mà Kinh gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Bồ Tát, là tư tưởng trung gian, có nhiệm vụ dẫn dắt, giáo hóa cho những tư tưởng còn đen tối, chưa phục thiện. Theo dõi, giúp đỡ, cải tạo những chúng sinh còn u mê, cho nó bỏ hết những ý nghĩ đen tối, quay về với sự thánh thiện.
Nơi để sản sinh những tư tưởng Đức Thích Ca gọi là Cái Tâm. Nhưng thời xa xưa, muốn nói về CÁI TÂM thì không đủ ngôn từ, người nghe cũng chưa đủ hiểu biết rằng có một thế giới ngầm Vô Tướng, đó là những Ý nghĩ bên trong mỗi con người. Nó không phải là Cái Đầu hay Bộ óc, có hình tướng cụ thể, để có thể chỉ rõ, mà vì đó là những suy nghĩ, những tư tưởng, nên rất khó diễn tả. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật phải chỉ đến lần thứ 7 thì Ngài Anan mới nhận ra, bởi vì nó không có một vị trí cố định. Người muốn tu hành, muốn được Giải Thoát thì trước hết phải Cải Tạo các tư tưởng, vì đó là nơi điều khiển các hành động. Nghĩ xong rồi mới Làm. Muốn đốn cây thì phải chặt gốc, không mé nhánh hay bứt lá. Chính vì vậy, TU PHẬT là phải TU TÂM. Và cũng do khó diễn tả Cái Tâm và những diễn biến của nó, Đức Thích Ca phải giả lập một CÕI PHẬT, mà Ngài gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ.
Sở dĩ gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ là vì nó là 2 trong một, là phần VÔ TƯỚNG ở trong cái Thân HỮU TƯỚNG. Trong phần Vô tướng này, Đức Thích Ca phân chia ra, có PHẬT và cõi nước của Ngài. Có những đường dữ là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, sinh ra vô số CHÚNG SINH. Giữa hai thái cực Thánh, Phàm, thì có những BỒ TÁT với các danh xưng như Văn thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Phổ Nhãn, Kim Cang Tạng, Di Lặc, Thanh Tịnh Huệ, Uy Đức, Diệu Âm, Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Viên Giác, Hiền Thiện Thủ vv…

Trước khi giảng Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA Đức Phật chưa hề bảo là những người tu hành rồi sẽ được Thành Phật như Ngài không khác. Khi bắt đầu nói đến CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH ĐỂ THÀNH PHẬT thì mới giảng Kinh này. Vì thế, Kinh DPLH được cho là Kinh để Giáo Bồ Tát. Người hành trì theo hướng dẫn của Kinh được gọi là Hành Bồ Tát Đạo. Kinh viết: “CHỖ CÁC ÔNG TU HÀNH LÀ ĐẠO CỦA BỒ TÁT. LẨN TU HỌC XONG. THẢY ĐỀU SẼ THÀNH PHẬT”. Kinh viết: “Bồ Tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe, chưa hiểu, chưa có thể tu tập Kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó cách Đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác còn xa” (Phẩm Pháp Sư). Tức là nếu người tu nào mà chưa biết đến “CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH”. Chưa biết CHÚNG SINH là gì? Chưa biết làm sao để “ĐỘ”, thì không thể nào thành tựu công việc tự Giải Thoát được. “ĐỘ SINH” cũng là “CHUYỂN PHÁP LUÂN”, cũng là “CHUYỂN HÓA CÁI TÂM”, cũng là GIÁO BỒ TÁT”, Vì Trời, Người, Bồ Tát vv... đều nói về những cư dân trong cái Tâm của hành giả mà thôi. Cuối cùng, khi lĩnh hội được lời Phật thì các Ngài Thinh Văn mới thú nhận: “Nghe tiếng Phật êm dịu. Sâu xa rất nhiệm mầu. Nói suốt pháp thanh tịnh. Tâm con rất vui mừng. Nghi hối đã hết hẳn. An trụ trong thiệt trí” Từ đó, các Ngài mới khẳng định: “CON QUYẾT SẼ THÀNH PHẬT. ĐƯỢC TRỜI, NGƯỜI TÔN KÍNH. CHUYỂN PHÁP LUÂN VÔ THƯỢNG. GIÁO HÓA CÁC BỒ TÁT”. (Phẩm Thí Dụ).
Chính do VÔ MINH, tức là thiếu sáng suốt mà con người gây ra vô số tội, nghiệp ác để phải triền miên chìm đắm vào vòng SINH TỬ LUÂN HỒI. Vì thế, con đường tu hành của các Đức Như Lai, là TU THEO VIÊN GIÁC, tức là mở Trí Huệ, để có SỰ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN, TRÒN ĐẦY, mục đích là để kết thúc vòng Sinh Tử Luân Hồi.

VĂN THÙ, ÔNG PHẢI BIẾT
CHỖ CHƠN ĐỊA TU HÀNH
CỦA CÁC ĐỨC NHƯ LAI
LÀ DÙNG TRÍ VIÊN GIÁC
PHÁ TRỪ HẾT VÔ MINH
BIẾT CÁC PHÁP HƯ HUYỂN
THÌ KHỎI BỊ LUÂN HỒI”
Nhưng không phải chỉ cần Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y thì làm gì cũng gọi là tu hành. Việc tu hành phải theo một trình tự nhất định. Trong Kinh VIÊN GIÁC, Đức Phật đã để cho một Bồ Tát đại diện để hỏi Phật : PHẢI TU HÀNH THỂ NÀO? PHẢI TƯ DUY LÀM SAO? PHẢI AN TRỤ THẾ NÀO MỚI NGỘ NHẬP VIÊN GIÁC? Phật đã chỉ rõ có 5 điều phải làm theo trình tự:
1/- Y theo pháp “CHỈ” của Như Lai.
2/- Giữ gìn GIỚI Cấm kiên cố
3/- Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn
4/- Ở chỗ thanh vắng
5/- Phải TƯ DUY như sau:
           a) QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN
           b) QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

Để có thể tập trung Thân và Tâm để Tư Duy thì phải THIỀN ĐỊNH. Nhờ Thiền Định mới có được TRÍ HUỆ. Kinh VIÊN GIÁC viết rõ:
CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH
CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT
ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH.
Không phải chỉ cần NGỒI là THIỀN. NGỒI YÊN LẶNG là ĐỊNH, Ngồi lâu thì sẽ có Trí Huệ, sẽ Đắc Đạo. Thiền Định của đạo Phật được giải thích rõ:
THIỀN ĐỊNH LÀ “CHỈ”, “QUÁN”
VÀ “CHỈ, QUÁN” SONG TU.
Đến đây ta có thể phân biệt được người đang hành CHÂN THIỀN hay hành theo THIỀN NGOẠI ĐẠO, bởi thực tế đã chứng minh, bao nhiêu thế hệ qua, có biết bao nhiêu người cũng đã NGỒI THIỀN, mà thay vì “Thành Phật” như Đức Thích Ca, thì họ chỉ trở thành THIỀN SƯ mà thôi. Đạo Phật có phân rõ CHÁNH, TÀ. Do đó, người muốn tu hành thành công phải tìm hiểu xem thế nào là CHÂN THIỀN? Thế nào là CHÁNH ĐỊNH? Thế nào là CHÁNH TƯ DUY? vì đây là phần đi vào chi tiết của CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU.
CHỈ là dừng mọi hoạt động của THÂN và TÂM. Người không hiểu được mục đích THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật thỉ chỉ làm cho cái THÂN dừng lại, bằng cách xếp tay, chân, Ngồi yên lặng, tưởng đó là NGỒI THIỀN. Nhưng có Ngồi yên lặng như thế, sẽ thấy Ý TƯỞNG bắt đầu hoạt động. Bình thường thì nó bám vào Lục Căn để Thấy, Nghe, xúc cảm. Khi Cái Thân ngồi yên, Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân không còn đối tượng để chạy theo thì nó thì nó tự mở ra cảnh giới tưởng tượng. Thấy những cảnh lạ lùng. Được tiếp xúc với chư Phật, Bồ Tát, Tiên, Thần, ma, quỷ vv... Những cảnh giới hiện ra trong lúc Thiền, Kinh Phật dạy đó là ma cảnh, người tin theo đó sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” trở thành bất bình thường, điên loạn, làm hỏng cả cuộc đời.

Ai cũng biết Đức Thích Ca Đắc Đạo do Thiền. Nhưng Ngài làm gì trong Thiền để Đắc thì ít người hiểu, do đó sinh ra rất nhiều Thầy dạy Tu Thiền theo đủ các kiểu: Thiền Ngồi, Thiền Nằm, Thiền Chạy… Có người dạy Ngồi yên và đếm hơi thở gọi là Sổ Tức. Hành theo phương pháp này thì cũng kềm được cái Tâm, không cho nó rong ruổi theo các cảnh. Nhưng chỉ Ngồi để Đếm hơi thở thì có ngồi suốt kiếp cũng chẳng sinh được ích lợi gì. Có thầy dạy ngồi xem cái bụng Phồng, Xẹp... chứng tỏ Thầy cũng chẳng hiểu Thiền của Đạo Phật! Chẳng lẽ ngồi coi cái bụng Phồng, Xẹp, một thời gian rồi “Hoát nhiên Đại Ngộ”? Có người dạy Quán tưởng Tâm, Cảnh vắng lặng mà Lục Tổ đã cảnh báo trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. lại có người dạy ngồi xem cái Tâm, quán tưởng Tâm Cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải ít. Truyền dạy nhau như vậy thiệt là lầm to”.
THIỀN của Đạo Phật là THIỀN QUÁN. Tức người Ngồi Thiền là tạm thời ngưng nghỉ cái Thân, không chạy theo các pháp. Dừng cái Tâm, không cho nó theo Lục Căn mà bám lấy trần cảnh, rồi dùng thì giờ đó mà QUÁN SÁT, TƯ DUY để tìm hiểu việc Đạo, gọi là Thiền Minh Sát, không phải là chỉ ngồi yên lặng suông. QUÁN cái gì? thì theo trình tự đã trích dẫn: là QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN. QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

TẠI SAO PHẢI quán hai thứ này? Tại vì con người tạo vô số Tội, Nghiệp để phải triền miên trong vòng Sinh, Tử, Luân Hồi, cũng do nó, mà tu hành, được Giải Thoát, thành Phật cũng nhờ nó. Ngày xưa, CÁI TÂM khó diễn tả đến nỗi Phật dạy người tu phải QUÁN để tìm ra nó. Có hẳn một quyển Kinh để viết về nó là Kinh TÂM ĐỊA QUÁN, trong đó viết: “Thiện Nam Tử. Trong Ba Cõi lấy TÂM làm chủ. Người Quán được TÂM, được Giải Thoát cứu cánh. Người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh. Tâm Pháp sinh ra thiện, ác, năm thú (Trời, Người, ngục, quỷ, súc), bậc hữu học, bậc vô học, bậc Độc Giác, bậc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian. Bởi nhân duyên ấy, Ba Cõi duy Tâm”.

Cho tới thời này, qua bao nhiêu đời Tổ khai sáng, cộng với sự tiến bộ của con người, nói về CÁI TÂM thì ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, nên việc tu hành càng thuận lợi. Chỉ cần nương theo lời Kinh, hoặc nhờ người có kinh nghiệm chỉ lại là có thể nắm được đường lối để tự mình hành trì rồi đọc Kinh để kiểm chứng lại.
Có đọc Chính Kinh ta mới thấy các vị Thiền Sư của Ngũ Phái Thiền, kể cả Thiền Sư Nguyệt Khê và Suzuki, chỉ vì chê Kinh không đọc, nên CÔNG ÁN các Ngài đưa ra mà người Khai được cho là Chứng Đắc chẳng liên quan gì đến con đường TU PHẬT.
Thật vậy, trong khi Đạo Phật dạy phải TU TÂM, vì Ba Cõi Duy Tâm. Tổ Đạt Ma cũng dạy: “TÂM là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp, duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được TÂM ắt muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành nhánh, trái, bông. Nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra. Nếu chặt gốc ắt cây chết. Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tỉnh lực nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công vô ích. Mới biết tất các việc lành, dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ở ngoài Tâm, rốt không đâu có được”. Ngũ Tổ cũng dạy: “Nếu không thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”. Trong khi đó, các Thiền Sư chỉ cho Tham Công Án chữ VÔ. “Tiếng vỗ của 1 bàn tay”. “Tại sao tên Hồ không có râu”. “Ai niệm Nam Mô A Di Đà Phật”… Chẳng dính líu gì đến Đạo Giải Thoát. Các vị đó tự biến TU PHẬT thành TU THIỀN, rồi cũng chẳng biết dắt nhau tới đâu! Vậy mà còn ngạo mạn, tự cho là mình cao hơn cả Phật, Tổ qua Công Án: “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của những kẻ ấy”! (VÔ MÔN QUAN)

Phạm vi bài này không đi sâu và môn THIỀN ĐỊNH, vì đó là một pháp môn tu tập, đòi hỏi hành giả phải trực tiếp hành trì, có hướng dẫn cụ thể, không thể chỉ giải thích trong vài trang giấy. Người viết chỉ trích dẫn Chính Kinh để mọi người thấy rằng NHƯ LAI không phải là Phật Tổ Như Lai, là một vị Thần Linh với quyền uy tối thượng, trên cả Phật, Bồ Tát, mà chỉ là tình trạng NHƯ NHƯ khi đối pháp mà người tu Phật nào hành trì tới mức Vô Ngã thì đạt đến, là không còn bị các pháp làm Khổ nữa. Đó là mục đích của Đức Thích Ca khi mang Đạo Phật vào đời.
Việc tu hành, Thành Phật được giải thích rất rõ trong các Bộ Kinh. Ai cũng có nghe nói “Muốn THÀNH PHẬT THÌ PHẢI ĐỘ SINH” thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA chỉ CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH, HÀNH BỒ TÁT ĐẠO để Thành Phật. CHÚNG SINH cũng được LỤC TỔ chỉ rõ trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. CHÚNG SANH trong Tâm mình là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng Bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này gọi là Chúng Sanh” Kinh VIÊN GIÁC chỉ rõ: NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT. CÙNG VỚI THAM SÂN SI CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC. CŨNG ĐỀU ĐƯỢC THÀNH PHẬT”. Tổ Đạt Ma cũng nói: “TỨC TÂM TỨC PHẬT”. “MUỐN TÌM PHẬT THÀ TÌM TÂM”. Lục Tổ HUỆ Năng cũng dạy: “TÂM ta tự có Phật. Phật ở Tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có Tâm Phật thì tìm chơn Phật ở nơi nào? Cái Tự Tâm của chúng ngươi là Phật chớ khá hồ nghi”. Chính vì hiểu lầm PHẬT là một vị Thần Linh, không biết PHẬT chỉ để nói về tình trạng Giải Thoát mà người tu sửa cái Tâm của mình cho nó hết vướng mắc là sẽ đạt được, nên nhiều người quay sang THỜ PHẬT, thay vì TU PHẬT, mà ta thấy nhan nhản khắp nơi trong giới tu hành hiện nay. Chính họ cũng tin như thế, nên cũng đào tạo cho bá tánh ngày một ngưỡng mộ, tôn thờ Chư Phật để cầu xin “Được Độ”, quên đi mục đích tu hành của Đạo Phật là để “THÀNH PHẬT”!

Thời Đức Thích Ca hiện tiền thì chưa có Kinh. Các Đệ tử chỉ nghe Ngài trực tiếp thuyết giảng rồi ghi nhận. Sau khi Phật Nhập diệt thì được các Đại Đệ Tử gom lại khi Kết Tập, do chính Ngài Anan, là người được cho là ghi nhớ Pháp Phật thuyết “Như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt” đọc lại, có các Đệ Tử còn lại xác minh. Đó là những lời Phật thuyết lúc sinh thời. Sau khi Phật nhập diệt rồi, thì Chư Tổ, là những người được Truyền Y Bát, tức là sự hiểu biết, chứng đắc cũng không khác với Tổ trước - tức Phật xưa - thuyết giảng, hay viết ra. Vì thế, những lời dạy của các Tổ, không những không khác với những gì Đức Thích Ca đã giảng ngày trước, trái lại, còn khai sáng thêm những gì mà ngày xưa do sự hiểu biết của con người chưa đầy đủ, ngôn ngữ giới hạn, nên chưa thể lột tả được. Do đó, người tu Phật cần đọc cho kỹ và tìm hiểu nghĩa lý, ta sẽ thấy: Con đường để Thành Phật không có gì quá cầu kỳ, phức tạp. Ai cũng có thể Tự Tu, Tự Độ, không đòi hỏi phải giữ hàng mấy trăm Giới, phải Cạo Tóc, Đắp Y, không được có gia đình, không được làm ăn, sinh hoạt với mọi người, phải sống biệt lập, xa lánh thế nhân. Chỉ cần theo lời Phật, Tổ dạy là CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU, tức là THIỀN QUÁN, mà kết quả cuối cùng là Thành Phật được Kinh VIÊN GIÁC khẳng định:
MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI
VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI
ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY
MÀ THÀNH ĐẠO BỒ ĐỀ”

Kinh VIÊN GIÁC viết: “Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của Hành giả, tức là BA PHÁP QUÁN. NẾU CÁC CHÚNG SANH TINH TẤN SIÊNG TU Ba Pháp Quán này được hoàn toàn, tức là NHƯ LAI xuất hiện ở thế gian vậy”. Tất nhiên, cũng giống như những môn học của đời, sau khi Quán thấy được cái LÝ rồi thì phải đưa vào thực hành, gọi là LÝ, HẠNH viên dung thì mới đầy đủ, không phải chỉ thấy cái Lý là xong như phía Thiền Gia đã hiểu lầm, vừa Tham được chữ VÔ đã thấy mình Chứng Đắc!
Chính do những người chưa hiểu hết về con đường tu hành của Đạo Phật lại có phương tiện để truyền bá rộng rãi. Điển hình là trường hợp truyện Tây Du Ký. Tác giả Ngô Thừa Ân đã nhân câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh Kinh để hư cấu thành một câu chuyện sau đó được dựng thành phim rất hấp dẫn. Trong đó, những cảnh trong NỘI TÂM, Chư Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh, yêu ma… được đưa toàn bộ ra ngoài tạo thành một Đạo Phật Nhị Thừa, không còn TỰ TU, TỰ ĐỘ, mà lúc lâm nguy nào cũng có PHẬT, BỒ TÁT sẵn sàng ứng cứu, làm cho nhiều Phật Tử càng tin tưởng bộ phim đó là thông điệp truyền tải Đạo Phật! Do đó, sức phổ biến của phim càng lớn thì mức độ chồng mê cho bá tánh càng to, gây ra tác hại khó lường. Là người Phật Tử thời đại @, chúng ta không nên để cho những sự hiểu biết sai lầm của người khác làm ảnh hưởng đến mình, mà nên để chút thì giờ đọc Chính Kinh rồi đối chiếu, để thấy rằng Đạo Phật đang phổ biến hiện nay đa phần rơi vào lời cảnh báo trong TỨ Y, vì chỉ “Y theo Chữ, không y theo Nghĩa” nên đã: “Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan”! Để cho những vị “Phật sẽ thành”, cứ “mang Phật ra mà lạy Phật”! (Tổ Đạt Ma)

Lực lượng Xuất Gia ngày càng đông. Chùa chiền ngày càng nở rộ, trong đó thật, giả lẫn lộn. Nhiều vị đã rao giảng Đạo Phật cũng chưa rõ lẽ Nhân Quả, nên không biết rằng CẦU XIN là đi ngược với Luật NHÂN QUẢ, để trở thành “Báng Kinh, nhạo Pháp” mà không hay! Thật thế. Nếu Cầu mà đã được thì Đạo Phật còn đặt ra Nhân Quả để làm gì? Vậy mà có nhiều Cao Tăng, có nhiệm vụ hướng dẫn bá tánh đã đứng ra chủ trì và khuyến khích những buổi lễ Cầu An, Cầu Siêu, Cầu tài, Cầu lộc, Cầu thăng quan, tiến chức. Cầu tiêu tai, tăng ích, quốc thái, dân an! Như thế, trách sao Phật tử xem Chư Phật, Chư Bồ Tát như những Tham Quan trần tục, sinh ra tệ nạn mang lễ vật cúng kiến để trao đổi. Chùa cũng bán xuất Dâng Sớ để Cầu giá cao thấp tùy theo giờ Hoàng Đạo hay không! Họ chen chúc, dẫm đạp lên nhau để xin Ấn, Cúng sao, Giải hạn, đốt giấy tiền, vàng mã, nhét tiền lẻ vào các Tượng để hối lộ bề trên. Không hiểu mọi người nghĩ sao mà cho Thần Linh có thể dùng được những đồng tiền hôi nhơ của trần tục, mà lại chỉ cúng toàn tiền giá trị thấp nhất! Không biết rồi các vị Thần Linh sẽ nhận cách nào? và sẽ mang đi trao đổi với ai! Rõ ràng những người đó đã biến Đạo Phật thành Thần Đạo, mê tín, làm oan cho Đạo Phật chân chính!
Có lẽ đến lúc nào đó, khi con người cầu xin, cúng bái đã mỏi mòn thì mới xét lại niềm Tin vô căn cứ của mình. Xem lại quá trình tu hành, Chứng Đắc của Đức Thích Ca và Chư Tổ, để thấy các Ngài cũng chỉ TỰ ĐỘ, không có ĐỘ THA! Lúc đó: “Sông mê, quay đầu là bờ”, mọi người tự quay vào trong, tự tìm PHẬT ở nơi Tâm, để thấy “Chứng Thánh hay đọa Phàm cũng do Lục Căn, không có con đường nào khác”. (Kinh LĂNG NGHIÊM).
Tổ Đạt Ma nói rất rõ: PHẬT ở nơi Tâm. Chúng Sinh cũng ở đó. Chỉ cần CHUYỂN HÓA CÁI TÂM, thì Ma sẽ hóa Phật. Phiền Não thành NHƯ LAI. Chẳng phải phí tiền cất Chùa hữu vi bằng xi măng, cát, gạch cho hoành tráng để rồi với thời gian chỉ có giá trị như những Di Tích để người sau tham quan, vãng cảnh, không có ý nghĩa gì đối với con đường tu hành! Ở các nước mà Đạo Phật thịnh hành, như Thái Lan, Cam Pu Chia... thậm chí còn xây Chùa Vàng, Chùa Bạc, làm hao tổn bao nhiêu tài sản của đất nước, trong khi tiền đó lẽ ra để làm ích quốc, lợi dân. Lỗi đó cũng do nhiều đời, nhiều người có nhiệm vụ hướng dẫn Đạo Pháp cho bá tánh mà chưa hiểu thế nào là TÂM, thế nào là PHẬT. Vì thế, họ cũng không biết rằng nghĩa thật sự của CHÙA là THANH TỊNH ĐỊA. Người làm cho ĐẤT TÂM được thanh tịnh là người đó đã cất Chùa, cho Phật Tâm của mình ngự. Đã biết “PHẬT TẠI TÂM”. Đã nói TU PHẬT LÀ TU TÂM, sao không quay vô đó mà TU, mà SỬA, mà ĐÚC, TẠC, TÔ, BỒI? Do đó, khuyến khích nhau bỏ công sức, tiền bạc, đi đúc, tạc, tượng ngọc, gỗ, thạch cao, đá, đồng… tiêu tốn biết bao nhiêu tỷ đồng, rồi nhang khói phụng thờ, chẳng những không có Công Đức, mà còn bị Chính Kinh khiển trách là không hành chính đạo vậy...

Tháng 3/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét