Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Tử huyệt của đạo Phật

Gần như xuyên suốt nội dung của blog doavouu ở cả hai nẻo đạo đời tôi vẫn thường trình bày về sự tồn tại của một con đường chánh pháp. Dường như tôi cũng khẳng định rằng chỉ có việc phổ truyền con đường chánh pháp đã được làm sống lại sáng rõ mới là cứu cánh, là lối thoát cho xã hội con người, là tương lai tươi sáng của nhân loại.
Và… cơ hồ như tôi đã mặc định con đường chánh pháp cứu cánh đó được ẩn tàng trong Tam Tạng giáo điển có nơi đạo Phật.
Việc mặc định đạo Phật ẩn chứa con đường chánh pháp có công năng giải cứu xã hội loài người ra khỏi tình cảnh hỗn độn, rối ren, điên đảo hiện nay của tôi có rơi vào sự cực đoan, cục bộ, chủ quan, phiến diện hay không?
Tại sao tôi lại lấy đạo Phật làm nền tảng cho những luận chứng đã trình bày nơi nội dung blog?
Phải chăng tôi có sự ưu ái đặc biệt với đạo Phật do sự hẹp kém tầm nhìn cũng như sự chủ quan, thiên kiến nơi nhận thức, tư duy cùng sự hiểu biết?
Nếu khách quan một chút thì mọi người sẽ nhận ra tôi không có sự ưu ái, bảo hộ đặc biệt với đạo Phật. Thậm chí với tôi đạo Phật hiện chỉ là một con bệnh ngặt nghèo, khốn khổ, nguy hại và tôi đã không ngần ngại mổ xẻ, loại bỏ ung nhọt, độc tố ẩn sâu, được che đậy sau lớp vỏ bọc hào nhoáng, đẹp đẽ, bóng mượt nơi đạo Phật.
Và… hôm nay, tôi sẽ lại chỉ ra tử huyệt của đạo Phật. Ưu điểm vượt trội, thù thắng, vô thượng của đạo Phật so với các tôn giáo khác cũng đồng thời là yếu điểm chết người của đạo Phật chỉ gói gọn trong 2 từ Vô ngã. Chính vô ngã đã khiến giáo pháp của Phật Thích Ca vượt lên mọi giáo lý của các tôn giáo hàng đầu thế giới cũng như mọi học thuyết tiến bộ của nhân loại đương thời.
Tuy nhiên, để trình bày rành rõ về Vô ngã - Tử huyệt đạo Phật thì lại là vấn đề tốn không ít luận chứng xác thực, là vấn đề khiến Vô Ưu phải nhiều lời.
Tại sao tôi chọn giáo pháp đạo Phật làm căn bản, làm nền tảng cho việc trình bày mọi vấn đề?
Tại sao tôi không dựa vào giáo lý của Công giáo, Hồi giáo,… để làm điểm tựa cho việc trình bày được khách quan, việc làm khả dĩ sẽ lôi kéo được nhiều người đồng thuận, ủng hộ hơn bởi lẽ dẫu sao thì Công giáo, Hồi giáo với số tín đồ đông đảo, vượt trội, có sự tín ngưỡng, thuần phục hơn?
Việc tôi làm nhằm hiển bày sự thật chứ không nhằm vào việc lôi kéo, gom góp nhiều hơn người tin nhận. Với tôi, muốn hiển bày sự thật thì việc làm cần đúng mực, khách quan, càng không nên giở thủ đoạn “Dùng tay che trời”.
Số tín đồ Công giáo, Hồi giáo vượt trội hơn đạo Phật, điều này không đồng nghĩa với giáo lý của 2 tôn giáo này chứa đựng chân lý về chánh pháp. Sở dĩ 2 tôn giáo này có tín đồ đông đảo là vì 2 hệ thống tôn giáo này được tổ chức tốt, chính quy và bài bản chứ không do sự thông suốt, sáng rõ của giáo lý.
Nếu muốn tìm hiểu sự tận cùng của tôn giáo, thế giới tâm linh, về minh triết,… thì hãy đặt những tôn giáo có gốc tích hoặc đang thịnh hành ở phương Tây hiện nay ra ngoài nguồn tài liệu chính cần mổ xẻ, những tôn giáo mang âm hưởng phương Tây chỉ nên xem như là một tài liệu tham khảo, tôn giáo đối chứng nhằm tránh rối mắt khi nghiên cứu về tôn giáo.
Tại sao?
Tại vì phương Tây không là chiếc nôi ra đời các tôn giáo lớn. Với phương Tây tôn giáo chỉ được sử dụng như một công cụ điều tiết xã hội. Tôn giáo một khi được sử dụng vào mục đích của các nhà quản lý xã hội, bị con người lợi dụng thì sự khách quan, tính đúng mực đã không còn.
Công giáo, Ki tô giáo, Anh giáo, Tin Lành,… là những tôn giáo được con người sử dụng bằng vào sự toan tính, mưu mô. Con người đã chiếm dụng các loại hình tôn giáo trên và ra sức tổ chức nhằm vào mục đích nắm bắt phần tư tưởng, tinh thần con người. Với ý đồ, dụng tâm cai trị, thao túng,… Công giáo nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có số tín đồ đông đảo nhất thế giới. Chính ý đồ dùng Công giáo thống trị tư tưởng con người giới quản lý xã hội La Mã, phương Tây đã ra sức tận diệt các tôn giáo khác trên mọi miền đất mà họ xâm lược, cướp về.
Nếu thận trọng một chút để tránh mắc sai lầm đáng tiếc khi đưa ra nhận định thì hãy xét lại giáo lý nơi Công giáo, Ki tô giáo, Anh giáo,… bạn sẽ dễ dàng nhận ra những khoảng trống về giáo lý có nơi Thánh kinh. Đây là bản photo góp nhặt giáo lý có chủ ý từ kinh gốc Do Thái giáo.
Không chỉ vậy. Khác với tư duy cứng nhắc, sai lầm “Chết là hết” ở giới khoa học cùng trường phái duy vật chủ quan giáo lý của kinh Thánh nơi Công giáo sẽ phơi bày sự yếu đuối, kém cỏi của con người nơi cuộc sống, họ không thể tự chủ vì lẽ đó họ chỉ có thể cầu nguyện, nương tựa vào những Đấng vô hình. Con người đánh mất tự chủ dễ thường chỉ có thể sống bằng niềm tin và hy vọng.
Hồi giáo với số tín đồ đông đảo đứng thứ 2 dân số thế giới cũng với kịch bản tương tự và chút ít sai khác. Về khả năng tổ chức hệ thống Hồi giáo có phần kém cạnh so với người anh em Công giáo nhưng bù lại Hồi giáo đã từng thể hiện là một đế chế chuyên xâm chiếm thuộc địa kết hợp với việc tận diệt các tôn giáo bản địa, việc đồng hóa Hồi giáo trên diện rộng, lâu dài đã góp phần tạo ra chuỗi hệ thống Hồi giáo trên toàn thế giới.
Giới hạn phụ nữ đến trường, thực hiện dân trí thấp xã hội góp phần gầy dựng đức tin mãnh liệt nơi tín đồ Hồi giáo. Giáo lý Hồi giáo có phần khắt khe hơn Công giáo về đức tin - Phục tùng chân chủ - Thánh Ala, nhà tiên tri Mohamet,… Và… việc kế thừa đức tin một cách nghiêm túc, cứng nhắc ngay khi từ tấm bé đã góp phần duy trì số tín đồ đông đảo vào hàng thứ 2 trên thế giới ở Hồi giáo.
Hồi giáo đảm bảo sự tin nhận của con người cũng dựa vào tôn giáo gốc, Do Thái giáo ở các vùng lãnh thổ với đa số tộc người Ả rập. Cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn một thời trên vùng đất khô cằn, đầy cát, nắng và gió con người cần một đức tin để tồn tại và Thánh Ala đã thỏa mãn điều kiện đó.
Vì thừa nhận có một Đấng quyền năng tối cao bằng vào một niềm tin không điều kiện cả Công giáo, Hồi giáo mặc nhiên thừa nhận con người là rất nhỏ bé trước các Đấng quyền năng. Lễ lạy, cầu nguyện và phục vụ toàn tâm là những gì con người có thể làm trước các Đấng quyền năng. Và… sau đó con người sẽ sống bằng niềm tin và hy vọng.
Không có một con đường nào thể hiện có sự giải thoát cho con người, không có lý thuyết về sự giải thoát con người nơi giáo lý kinh điển Công giáo, Hồi giáo. Có chăng chỉ là sự quy thuận, phục tùng tuyệt đối và cầu may việc hợp thể. Đó là kịch bản toàn tập có trong giáo lý Hồi giáo, Công giáo.
Và… trong giáo lý, kinh điển của Hồi giáo, Công giáo không hề đề cập đến sự giải thoát hoàn toàn cho con người, vấn đề này đã không còn là sự khiếm khuyết nơi giáo lý, kinh điển mà đây chính thật là sự giới hạn tri thức về thế giới tâm linh cũng như mối quan hệ tương tác không thể tách rời giữa thế giới tâm linh và đời thực.
Người phương Tây cổ xưa vốn có lối sống thiên lệch về vật chất, họ không cần đến sự hiểu biết rốt ráo về thế giới tâm linh. Sự nông cạn, hời hợt trong tư duy, nhận thức về thế giới tâm linh ở người phương Tây cổ nên Công giáo, Hồi giáo đã thỏa mãn điều kiện cần của họ. Về sau, giới quản lý xã hội phương Tây đã sử dụng tôn giáo như là một công cụ sắc bén, hữu dụng nhằm vào việc quản lý con người và xã hội.
Sự cuồng tín, tín tâm quy thuận là tất cả những gì mà giới quản lý xã hội cần có ở nơi giá trị tôn giáo. Công giáo, Hồi giáo,… đã được chọn vì tính ưu việt - Sự thức thời.
Tại sao đến thời điểm hiện tại con người vẫn tin vào điều đó, vẫn sống bằng niềm tin và hy vọng?
Vì nếu không tin vào điều đó thì sẽ tin vào điều gì, “Chết là hết” theo trường phái duy vật chủ quan và khoa học ư? Dường như không phải vậy. Do tính cực đoan và “Điểm chết” của tư duy cùng sự trói cột đức tin - niềm tin vô lối, không điều kiện mà tín đồ của 2 hệ thống tôn giáo - Công giáo, Hồi giáo chưa chủ động cởi trói chính mình.
Vì chưa có cơ sở sáng rõ để thoát ra niềm tin vô lối, đức tin mù quáng nên thôi thì cứ dựa Thánh Ala, Chúa Jesu dẫu sao cũng còn có điểm để tựa nhất là khi ta chưa đủ tự tin, quả cảm đứng lên và bước đi bằng sự hiểu biết của trí tuệ khách quan và đôi chân của chính mình.
Tựa vào đạo Phật ư? Thật hoang đường! Chẳng phải tín đồ đạo Phật cũng đang mê mờ lối đi, tín đồ đạo Phật cũng đang khắc khoải sống bằng niềm tin và hy vọng - Phật Di Lặc hạ sinh. E hèm! Nào có khác gì chúng tôi đang chờ Đấng Massiah ở bên này.
Không sao cả. Thời gian sẽ dần trôi. Sự hiểu biết của con người cũng sẽ lớn dần lên, sự hòa trộn phương Đông, phương Tây rồi sẽ có lúc con người mở lòng ra sống bằng vào sự hiểu biết khách quan, sáng rõ và đúng mực.
Đã loại trừ yếu tố phương Tây khi nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh, minh triết,… tôi sẽ tiếp tục.
Ấn Độ, Trung Hoa là 2 chiếc nôi tri thức vượt trội của người phương Đông. Ở đây sẽ dẫn đến sự chọn lựa đòi hỏi sự khách quan, đúng mực và tôi đã chọn lựa đạo Phật với nguồn gốc Ấn Độ làm chìa khóa khai mở sự hiểu biết của chính mình.
Trung Hoa vốn có nguồn tri thức cổ đồ sộ, phong phú và vô cùng đa dạng.
Tại sao tôi lại không chọn Trung Hoa làm điểm tựa cho sự hiểu biết khách quan, toàn diện?
Tôi không đi chợ để mua hàng nên không cần đến sự đa dạng, phong phú đến rối mắt, mụ mẫm đầu óc ở những gian hàng Trung Hoa. Tôi thừa nhận tri thức cổ của Trung Hoa là vô cùng đồ sộ nhưng đích đến tôi cần là một giáo lý, kinh điển hoặc tri thức chứa đựng sự đúng mực, khách quan, sáng rõ.
Khối kiến thức tổng hợp của nền tri thức Trung Hoa cổ đã không thỏa được điều kiện đó. Đích đến của tri thức cổ Trung Hoa không có điểm kết về sự tồn tại hay mất đi của con người giữa sự sống và cái chết không thật sự rõ ràng, cụ thể. Kết quả là một sự hỗ lốn, hỗn tạp kiến thức không đến đâu, về đâu. Thật không có điểm để tựa!
Thần đạo Trung Hoa cùng đạo thờ cúng ông bà tổ tiên đầy hương khói, bùa chú, huyễn thuật, nghi lễ, phúng tụng rườm rà,… khiến người người tối mắt, mụ mẫm tâm hồn. Phần nhiều rơi vào sự mê tín viễn vong.
Về sau Phật giáo du nhập Trung Hoa đã gặt hái được những kết quả, sự thành công nhất định. Nhưng người Trung Hoa vốn có khả năng sáng tạo khôn cùng đã từng bước làm nhạt nhòa, mai một sự đúng mực, sáng rõ của con đường chánh pháp có nơi giáo lý đạo Phật.
Do tâm ý phân biệt, lòng tự tôn hẹp hòi, cạn cợt và sự không tỏ ngộ giá trị thật có nơi đạo Phật cùng với tính cách sáng tạo “hoa lá cành”,… người Trung Hoa cổ đã vẽ vời ra cõi Tiên tiêu diêu, tự tại đối trọng với Thường lạc ngã tịnh nơi Niết bàn của đạo Phật.
Sự pha trộn hòa vào nhau giữa đạo Phật, đạo Lão, Thần đạo Trung Hoa cùng đạo thờ cúng tổ tiên bản địa đã từng bước thật sự hủy hoại đạo Phật.
Đạo Phật Trung Hoa ngày nay mang danh nghĩa Phật giáo Đại thừa nhưng kỳ thực hành vi cốt lõi là Phật giáo Tiểu thừa chỉ biết làm lợi cho Tăng nhân, ni sư,… hành vi thiên lệch về phước báo cho Tam bảo, hương khói ngút ngàn, lợi dưỡng, hám danh vô độ. Việc xây chùa, dựng tháp, tạc tượng,… chỉ nhằm vào lợi ích cá nhân. Thật sự chẳng có công đức, về lâu dài phước báu sẽ hoàn không.

Các ngôi chùa, tự viện danh tiếng, hùng vĩ được trùng tu, xây mới, được cổ phần hóa nhằm chia chác những thùng tiền mang danh nghĩa Tam bảo, Phước điền, Công đức đặt nhan nhãn vướng cả lối đi. Đây không phải là đạo Phật, đây chỉ là một công cụ kiếm tiền của một thành phần người có dã tâm làm những kẻ ăn bám hạng sang của xã hội.
Những hành vi hoằng đạo, truyền pháp như trên sao có thể lấp liếm che đậy bằng danh nghĩa đại thừa?
Phật giáo Đại thừa là người học Phật phải sống vì người, mang lợi ích cho loài người và muôn vật. Hành vi bỏn xẻn, ti tiện, tham lam ở không ít người học Phật có trong chùa chiềng, tự viện nơi Trung Hoa ngày nay phần nhiều chỉ vì mình. Đó là cách hành xử Tiểu thừa theo lối lập luận và quy ước của Vô Ưu.
Phật giáo Trung Hoa ngày nay đang truyền thừa hệ thống, quy củ của Phật giáo Trung Hoa cổ nên tạm nói đạo Phật Trung Hoa đã “bị lỗi” từ cội gốc.
Chịu ảnh hưởng nhiều việc đồng hóa văn hóa Trung Hoa đạo Phật Việt Nam, nhất là Phật giáo miền Bắc đã sớm bộc lộ bản sắc danh nghĩa Đại thừa mà hành vi Tiểu thừa.
Và… ngày nay lối sống thực dụng, lòng tham, si mê Phật giáo Bắc Trung Nam đang đắm chìm trong bể khổ của sắc dục, tham đắm, ganh đua, đố kỵ, tỵ hiềm,… và vô nghĩa.
Thêm vào đó, do không hiểu rõ giá trị đạo Phật cùng tính sáng tạo người Trung Hoa cổ đã suy diễn, vẽ vời ra vô số cõi Phật với chập chùng chủng loại Như Lai, Bồ tát cùng quyền thuộc vô hình chung giăng bẫy mê cuồng cho tri thức người học Phật cũng như nhân loại về sau.
Tuy nhiên, không hẳn người xưa Trung Hoa chỉ gây ra những điều tác tệ cho đạo Phật bởi lẽ cũng đã từng xuất hiện những vị Tổ tạm gọi sáng mắt góp phần làm sáng rõ phần nào Tam Tạng kinh.
Cũng do việc du nhập đạo Phật vào Trung Hoa mà Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay, đó là sự thật không thể phủ nhận. Dù rằng Phật giáo Trung Hoa đã có những bước ngoặt sai lầm nhưng cũng nhờ vào điểm trung chuyển Trung Hoa mà nhân loại, người Việt Nam và cá nhân tôi tiến gần với đạo Phật.
Bởi do sự không chuẩn mực, mất gốc nên tôi đã không dùng sự hỗn độn, đảo điên, hư vọng nơi đạo Phật Trung Hoa (nói riêng) cũng như tri thức Trung Hoa cổ (nói chung) khi trình bày sự hiểu biết tổng thể khách quan.
Tôi đã loại phương Tây, bỏ Trung Hoa nhằm giảm thiểu sự dính mắc, rối rắm trong tư duy, nhận thức, sự hiểu biết của nhân loại. Chỉ còn lại Ấn Độ là nơi chứa đựng chiếc chìa khóa khai mở sự hiểu biết tổng thể, khách quan, sáng rõ và đúng mực của loài người.
Sự thật là ngày trước khi lần dò tìm học Phật tôi không hề có khái niệm phân biệt rành rõ từng nguồn tri thức, tôn giáo,… phương Tây hay phương Đông. Một chút duyên thừa đã giúp tôi chạm đến sự thật - Sự hiểu biết khách quan, đúng mực.
Và ngày hôm nay tôi đã tổng hợp lại những điều tôi rõ biết về tôn giáo, tri thức nhân loại, yếu tố đông tây kim cổ… những mong nhân loại và bạn gần hơn với sự thật. Hy vọng bạn cùng mọi người dễ dàng tường tận lối đi, tránh đi đường vòng, lối rẽ mà mệt nhoài thân tâm, trí não,…
Thực tế là với những bài viết này cơ hồ đã không còn ý nghĩa với cá nhân tôi nhưng tôi cạn nghĩ những vấn đề tôi trình bày trong bày viết này rất có ý nghĩa với tri thức, nhận thức, tư duy và sự hiểu biết của nhân loại. Nếu bạn cảm nhận được chút ít ý nghĩa nơi bài viết thì bạn hãy vì người mà rộng truyền. Tôi và mọi người cám ơn bạn rất nhiều và trân trọng ân tình của bạn.
Quay lại với Ấn Độ.
Yếu tố thù thắng quyết định của hệ thống tôn giáo Ấn Độ là có sự đề cập đến sự giải thoát cho con người nơi thế giới tâm linh.
Đây là yếu tố mở và đúng mực. Bởi lẽ chỉ khi có sự giải thoát thì con người mới cần đến tôn giáo và sự tồn tại của thế giới tâm linh mới thật sự có ý nghĩa.
Tôi đã lấy yếu tố sự giải thoát cho việc chọn lựa tìm chiếc chìa khóa khai mở sự hiểu biết của loài người. Những tôn giáo chứa đựng lý thuyết về sự giải thoát sẽ được tôi khoanh vùng và kết hợp phương pháp loại suy khách quan cùng những yếu tố đúng mực khác nhằm tìm cho ra chiếc chìa khóa giải quyết những vấn đề hỗn độn, đảo điên nơi xã hội con người ngày nay.
Tôn giáo Bà la môn (tiền thân của Ấn Độ giáo), Phật giáo, đạo Sikh, Kỳ Na giáo là 4 tôn giáo lớn của Ấn Độ chứa đựng yếu tố sự giải thoát.
Về giáo lý, kinh điển thì có thể nói 4 hệ thống tôn giáo trên đều chứa đựng tri thức sâu rộng, vi diệu về thế giới tâm linh, nghiệp, nhân quả, luân hồi, thiền định, yoga, pháp,…
Đạo Sikh ra đời muộn hơn so với 3 hệ thống tôn giáo. Đạo Sikh cùng với Ấn Độ giáo (có thể xem đây là tôn giáo cổ xưa nhất Ấn Độ) là hệ thống tôn giáo có chứa đựng yếu tố giải thoát. Nhưng điểm hạn chế của cả 2 hệ thống tôn giáo này là việc tin nhận Thượng đế là Đấng Sáng Tạo ra con người và tất cả vạn vật. Sự giải thoát mà con người chạm đến chính là sự cộng hợp - sự hợp thể với Thượng đế.
Ở một mức độ nhất định thì đã có sự tương đồng với Hồi giáo, Công giáo về sự hợp thể với Đấng quyền năng.
Do đâu mà kinh Thánh của Do Thái giáo (hay nói cách khác là kinh điển gốc của Công giáo, Hồi giáo) và kinh Vệ Đà của Ấn Độ giáo đã có sự tương đồng về sự tồn tại của Đấng quyền năng - Đấng Sáng Thế?
Nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng này là người cổ xưa do giới hạn tri thức cùng việc cảm nhận sự nhỏ bé của tự thân trước sự hùng vĩ, bao la không cùng của thiên nhiên, vũ trụ nên đã cả tin về sự tồn tại một Đấng có khả năng sáng tạo ra tất cả. Từ đó tiến đến sự quy thuận, trói buộc cùng lệ thuộc.
Về sau những khổ não, phiền muộn, khốn khó nơi cuộc sống khiến con người mong mỏi được sự hợp thể cùng với Đấng quyền năng dẫn đến phát sinh việc cầu nguyện, lễ lạy, cúng bái bằng cả niềm tin và hy vọng.
Từ lâu con người đã chất chứa mong cầu sự giải thoát ra khỏi kiếp người. Giáo lý kinh điển của Do Thái giáo đã lệ thuộc hoàn toàn Đấng quyền năng với mong cầu duy nhất về sự hợp thể, họ không tiếp tục đào sâu, tư duy về thế giới tâm linh, các cõi giới,… Đây là yếu tố đóng cửa của tôn giáo Do Thái và là sự chấm hết.
Ấn Độ giáo có phần khách quan nên luôn mở rộng cửa tư duy, nhận thức. Việc hợp thể được tiến bộ hơn bằng cụm từ sự giải thoát và các cõi giới vô hình được phân định phong phú hơn bằng vào việc thiền định dẫn đến sự chạm đến các cõi giới tâm linh.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà Ấn Độ giáo có thể làm được. Dù có yếu tố giải thoát nhưng vẫn còn đó sự lệ thuộc vào Đấng Thượng đế thì con người, tín đồ Ấn Độ giáo vẫn mãi còn đó sự lệ thuộc, phục tùng và quy thuận.
Một điều dễ nhận thấy là khi con người còn dính mắc nơi sự lệ thuộc, phục tùng, quy thuận thì sự tự chủ đã không còn. Vì lẽ đó với việc tin nhận sự tồn tại thường còn của Thượng đế thì Ấn Độ giáo, đạo Sikh đã bị tôi loại khỏi sự chọn lựa trong việc hoạch định tìm đến chiếc chìa khóa khai mở tri thức khách quan của nhân loại.
Kỳ Na giáo là tôn giáo tin nhận sự tồn tại của yếu tố giải thoát hoàn toàn. Do khiếp sợ luân hồi, nhân quả tín đồ Kỳ Na giáo có phần cực đoan trong đời sống thường nhật, hạn chế tối đa những việc làm chạm đến nhân quả. Việc ăn mặc hạn chế tối thiểu đã tạo ra một tôn giáo lõa thể trong xã hội loài người, chủ yếu hiện diện ở Ấn Độ.
Và … khi con người không hiểu điều gì đã xảy ra nơi những tín đồ Kỳ Na giáo và giới trí thức ngạo mạn đã gọi đó là một nét văn hóa của người Ấn Độ.
Khi người hiện đại không thể nhận thức được một điều gì đó được thừa nhận bởi không ít người thói thường họ đã che đậy sự u tối tri thức chính họ bằng cụm từ văn hóa hào hoa, bóng bẫy.
Tuy nhiên, tin rằng nếu xét chiều sâu tri thức cũng như nội tâm thì giới trí thức, học giả ngày nay sẽ thật sự bối rối trước sức hiểu cùng tri thức ẩn tàng nơi những con người trần trụi đó. Nếu có sự khách quan, đúng mực thì giới tri thức thức thời ngày nay rất nên học hỏi ở sự uyên bác của những tín đồ Kỳ Na giáo lão thành.
Do có sự kế thừa nguồn giáo lý uyên thâm, vượt trội cùng yếu tố điểm đến sự giải thoát hoàn toàn cũng như tính tự chủ và quá trình thiền định, quán chiếu vạn pháp sự hiểu biết của những tín đồ Kỳ Na giáo thật sự khôn cùng.
Tuy nhiên, do hình thức lõa thể, khổ hạnh đã khiến giáo lý, kinh điển Kỳ Na giáo không dễ phổ truyền và ngày càng mai một.
Thực sự đã có không ít tín đồ Kỳ Na giáo đạt được sự giác ngộ khá hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa có Bậc hành giả nào đủ thông tuệ để tháo gỡ sự cực đoan lõa thể, khổ hạnh truyền thống. Chính do có những vị hành giả tỏ ngộ chân chính nơi Kỳ Na giáo mà tôn giáo này còn được truyền thừa và tồn tại cho đến ngày nay.
Song với tính cục bộ, sự không thức thời cùng sự không khế hợp với điều kiện, bối cảnh sống hiện nay, việc không tích lũy thêm kiến thức hiện tại,… ở tín đồ Kỳ Na giáo những vị hành giả Kỳ Na giáo đã bị tụt hậu tri thức giác ngộ và dấu vết chấm hết của Kỳ Na giáo đang dần thành hình. Kỳ Na giáo mai sau còn lại chăng chỉ là một nét văn hóa đặc sắc, rất riêng của đất nước Ấn Độ (nếu hệ thống Kỳ Na giáo không có sự chuyển mình để thích nghi thì đích đến sẽ là sự tuyệt chủng).
Chỉ còn lại Phật giáo.
Liệu có không chiếc chìa khóa khai mở sự hiểu biết hoàn toàn khách quan cho nhân loại nơi đạo Phật.
Phật giáo có chứa đựng yếu tố giải thoát con người phát triển lên một bước thành sự giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi sinh tử.
Vị Giác giả hoàn toàn đầu tiên Phật Thích Ca đã kế thừa kinh điển Vệ Đà cũng như phần lớn các tôn giáo quanh hệ thống lưu vực sông Hằng đã định hình nên một giáo lý giác ngộ, giải thoát hoàn toàn hoàn chỉnh. Đây không phải là việc làm tổng hợp, góp nhặt, chấp vá mà là thành quả của một công trình học hỏi tri thức không ngừng cũng như sự trải nghiệm của chính bản thân. Và trên cả là kết quả thực chứng của quá trình thiền định cùng quán chiếu không dính mắc yếu tố chủ quan hẹp kém của bản ngã. Việc chạm đến những cõi giới vô hình đã giúp Phật Thích Ca sáng rõ luân hồi, nhân quả cùng sự giải thoát hoàn toàn và Tam Tạng kinh đã ra đời.
Tam Tạng kinh ra đời không nhằm vào việc tạo dựng một vị Phật Thích Ca trong lòng nhân loại. Tam Tạng kinh ra đời vì sự khổ não, phiền muộn của chúng sinh nơi 3 cõi, 6 đường mà nhất là chúng sinh nẻo người nhiều vọng chấp, phân biệt, hoài nghi, tham đắm,… Vì lẽ đó đừng hiểu lầm và cô phụ từ bi tâm của Phật Thích Ca.
Đã có không ít người - chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu Phật học dựa vào cái hiểu hạn hẹp cá nhân mà nhận định đạo Phật thuộc thành phần tôn giáo vô thần và điều này được thể hiện cả trong trang vi.wikipadie.org/, wikipadie.org/. Đáng tiếc thay! Đúng thật là những người trong mơ thường hay nói lời mộng mị.
Dựa vào yếu tố giải thoát hoàn toàn cho con người ra khỏi vòng luân hồi nghiệp quả cùng với sự rành rõ đúng mực của nguồn tri thức có nơi Bát chánh đạo, Tứ diệu đế cũng như Tam Tạng kinh tôi nhận diện và khẳng định rằng “Chiếc chìa khóa khai mở sự hiểu biết khách quan, sáng rõ, đúng mực của nhân loại chính thật ẩn tàng nơi giáo lý của Phật Thích Ca. Đạo Phật là con đường chánh pháp giúp con người vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, là cứu cánh giúp cho nhân loại thoát ra khỏi mọi sự hỗn độn, rối ren nơi xã hội loài người ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai”.
Phần lớn nội dung của Tam Tạng giáo điển là nhằm bộc lộ sự minh bạch, rõ ràng, đúng mực của Bát chánh đạo, Tứ diệu đế. Tam Tạng giáo điển ra đời nhằm mục đích giúp con người gần gũi hơn với sự sáng rõ của chánh pháp - Việc thoát khổ, thoát khỏi luân hồi nơi 3 cõi 6 đường.
Khi tôi trình bày bài viết Tử huyệt của đạo Phật thì Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã hiện thân chất vấn “Thật không đúng! Nếu kinh Phật thậm thâm, vi diệu, thù thắng đến thế thì tại sao đạo Phật bị mai một ngay tại nơi Phật Thích Ca ra đời? Sự thật là ngay nơi đất nước Ấn Độ đạo Phật đã không còn đứng vững với số tín đồ hạn chế, ít ỏi”.
Sao lại có cả Văn Thù Sư Lợi hiện thân chất vấn Vô Ưu?
Đó là yếu tố huyền vẫn thường tồn tại nơi Tam Tạng kinh của Phật Thích Ca. Lẽ nào tôi lại sử dụng yếu tố huyền để điểm tô, làm gia tăng giá trị nội dung bài viết.
Sao lại có cả Văn Thù Sư Lợi hiện thân chất vấn Vô Ưu?
Đó là yếu tố huyền vẫn thường tồn tại nơi Tam Tạng kinh của Phật Thích Ca. Lẽ nào tôi lại sử dụng yếu tố huyền để điểm tô, làm gia tăng giá trị nội dung bài viết.
Có không sự hiện diện của một Pháp vương tử Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nơi cõi Phật?
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát kỳ thực không có thật. Văn Thù Sư Lợi Bồ tát chỉ là biểu tượng trí tuệ khách quan, trí tuệ bát nhã của Phật Thích Ca cũng như của tất cả mọi người, là một hóa thân bồ tát đưa ra những phản biện khách quan nhằm giúp người học Phật sáng rõ những vấn đề liên quan đến con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Đây là điều mà người học Phật không dễ dàng nhận biết.
Sự tồn tại tưởng chừng như có thật của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cũng như rất nhiều vị Phật, Bồ tát có nơi Tam Tạng giáo điển là do người Trung Hoa cổ gia công, chế tác ra, cùng với các cõi giới vô hình được thêm thắt, chia chẻ,… cả các cõi Tiên, cõi Phật hà sa khiến người học Phật và nhân loại ngày nay mê mờ sự chân ngụy, gây ra lỗi lầm hủy hoại sự đúng mực, sáng rõ nơi chánh pháp.
Về chất vấn của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát tôi sẽ lại trình bày.
Thực tế là đạo Phật thật sự suýt diệt vong nơi đất nước Ấn Độ vào thế kỷ 14. Cho đến đầu thế kỷ 19 thì đạo Phật mới được chấn hưng trở lại và công cuộc chấn hưng Phật giáo nơi đất nước Ấn Độ phần nhiều không do người học Phật bản địa Ấn Độ ra sức. Những người mộ đạo ở khắp nơi trên thế giới đã tìm về nguồn cội và ra sức gầy dựng lại một đạo Phật tưởng chừng đổ nát, diệt vong ngay nơi Đức Phật hạ sinh.
Và… ngày nay được sự công nhận của quốc tế “Đạo Phật là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, đạo Phật sẽ được tô vẽ, sơn phết, tạo hình thật đẹp đẽ, có phần nhàm chán trong ánh nhìn nhân loại.
Tuy nhiên, đạo Phật sẽ tồn tại vì đây đã là một nét văn hóa truyền thống và trên cả là trong lòng bạn đạo Phật luôn tồn tại.
Nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của đạo Phật nơi Ấn Độ được mặc định là do sự bành trướng của đạo Bà la môn (Ấn Độ giáo) và về sau Hồi giáo càn quét đất nước Ấn Độ tận diệt đạo Phật khiến đạo Phật vốn đã rệu rã càng thêm thui chột, mất gốc.
Thật ra vấn đề không đơn giản đến thế. Thực tế là ngay khi Phật cùng những môn đệ chứng ngộ pháp vô sinh nhập diệt thì đạo Phật đã không còn có chỗ đứng vững vàng trong lòng người dân bản địa cũng như tầng lớp quản lý xã hội lúc bấy giờ - Thành phần Sát đế lợi (Vua chúa), Bà la môn.
Đạo Bà la môn vốn dĩ là tôn giáo gốc, tôn giáo truyền thống của người Ấn Độ nên số tín đồ rất đông đảo, hùng hậu. Thêm vào đó đạo Bà la môn dễ dàng du nhập, kế thừa, dung hòa giáo lý các tôn giáo khác. Đạo Bà la môn cũng đã dung hòa giáo lý Tam Tạng kinh cùng với việc đổi thương hiệu thành Ấn Độ giáo đã khiến người Ấn Độ quy thuận ngày càng nhiều thêm.
Sự thức thời của đạo Bà la môn đã triệt hạ sự thô ráp, cứng nhắc của đạo Phật lúc bấy giờ. Nhất là khi đạo Phật bị thiếu vắng một hướng đạo sư giác ngộ chân chính. Người Ấn Độ vì lòng tự tôn dân tộc đã theo về Ấn giáo bởi lẽ trên bình diện giáo lý của đạo Phật và Ấn Độ giáo không có nhiều sự sai khác.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai giáo lý là Ấn Độ giáo thừa nhận Thượng đế là tối thượng cùng sự hợp thể Thượng đế là sự giải thoát hoàn toàn. Còn đạo Phật không thừa nhận Thượng đế là Đấng Toàn năng và sự giải thoát hoàn toàn phải do mỗi người tự chủ nhận thức, tự lực hành trì.
Tuy nhiên, do không có giác giả ra đời chỉ lối và loài người bạc nhược vốn quen thói nương tựa, dựa dẫm mà đạo Phật ngày càng suy tàn. Dù rằng cũng có cội gốc bản địa nhưng thương hiệu chung chung, mang tính phổ quát mà đạo Phật không tìm được chỗ đứng vững chắc nơi bản địa, sau cùng sự vượt trội cùng tính khả dụng từ bi của giáo lý giúp đạo Phật vươn ra tầm thế giới. Còn Ấn Độ giáo lấy lòng người Ấn Độ bằng thương hiệu đặc thù dân tộc tính nhưng gặp nhiều chướng ngại khi vươn ra biển lớn nhân loại.
Tử huyệt lớn nhất của đạo Phật chính là yếu tố vô ngã. Người học Phật giác ngộ chứng đắc pháp vô sinh là phải sống được bằng vô ngã nhưng điều này quả thật không dễ. Đành rằng kinh Phật nói đến việc dính mắc cái ngã khiến con người đau khổ, luân hồi trong nhân quả không biết đến ngày ra.
Hãy chứng ngộ vô ngã để Thường an lạc tịnh! Đạo Phật ra đời nhằm đối trị lòng tham không cùng của con người.
Nếu người học Phật nhận biết rõ vô thường, tánh không của vạn pháp và thật sống với điều đó thì tham sân si mạn nghi tự giải trừ, con người sẽ trở về vô ngã tùy thuận sống vì người.
Nếu việc đối trị lòng tham ở người học Phật không thành thì người học Phật gần như vĩnh viễn không thể giác ngộ sự giải thoát hoàn toàn, tham sân si mạn nghi lấp đầy tâm hồn, tâm dính mắc phân biệt chủ quan sẽ không thể tựu thành Giác giả.
Đạo Phật với ngã - vô ngã cùng giáo lý bị nhạt nhòa đã không giúp người học Phật lúc bấy giờ tỏ ngộ sự giải thoát hoàn toàn.
Khi nào là ngã? Khi nào là vô ngã? Khi vô ngã thì được gì? Tại sao khi vô ngã lại trở nên Thường lạc ngã tịnh?...
Những câu hỏi này người học Phật không liễu ngộ pháp vô sinh đâu dễ tường tận trả lời vì lẽ đó giới Bà la môn đã triệt hạ đạo Phật trong lòng tầng lớp Sát đế lợi để tranh phần hơn sự bảo hộ cùng lợi dưỡng.
Dù rằng không ít người thuộc tầng phần Sát đế lợi sáng suốt nhận ra sự vi diệu, thậm thâm trong giáo điển Tam Tạng kinh nhưng thực tế đã không có một vị chân sư nơi đạo Phật nào đủ khả năng chứng thực sự đúng đắn, khả dụng, xác thực về con đường chánh pháp. Những câu trả lời nửa vời, không rốt ráo khiến tầng lớp Sát đế lợi mất niềm tin về đạo Phật và không bảo hộ xây dựng đạo Phật như trước nữa.
Việc đối trị lòng tham ở người học Phật thất bại kéo theo hệ lụy lòng tham, sự si mê ở tầng lớp Sát đế lợi, Bà la môn cùng mọi thành phần xã hội Ấn Độ khiến đạo Phật rệu rã, suy tàn. Sự tì đè của Ấn Độ giáo cùng sự càn quét, tận diệt đạo Phật của Hồi giáo sau này đạo Phật đã chết nơi mảnh đất Phật Thích Ca ra đời.
Càng về sau đạo Phật càng lạc lối. Một khi phương thuốc đối trị lòng tham trong mỗi con người cũng như trong lòng nhân loại bị đánh mất công dụng thì đôi khi phương thuốc đó gây ra tác dụng phụ là sự mê tín dị đoan, con người càng dùng càng thêm lắm bệnh.
Làm sao để từ ngã trở thành vô ngã, rồi từ vô ngã trở thành ngã?
Người học Phật không dễ dàng tường tận. Vì lẽ đó Vô Ưu sẽ dùng đến cụm từ Phá ngã nhằm trình bày sáng rõ vấn đề ngã - vô ngã.
Thực tế là mỗi người chúng ta đều đang dính mắc vào cái tôi, bản ngã của mỗi con người. Nhưng qua giáo lý đạo Phật người học Phật dễ dàng nhận ra cái bản ngã đó không có thật, không thường còn vì lẽ mắt tai mũi lưỡi thân ý… các bộ phận con người khi chia chẻ, tách rời chẳng thể tạo nên thằng người hay cái ngã trong mỗi con người.
Nếu lập luận khi không chia chẻ thì vẫn có thằng người, cái ngã. Tuy nhiên, sự vô thường có nơi vạn pháp khiến xác thân con người không còn mãi điều này thể hiện cái ngã không thường còn. Tham đắm, si mê, sân hận,… sẽ khiến cái ngã dính mắc nhiều khổ não, muộn phiền cùng sự trôi lăn nơi 3 cõi. Vậy nên hãy từ bỏ sự dính mắc chấp trước vô lối về cái ngã thường tại.
Chỉ cần tư duy, quán chiếu thực tế người học Phật sẽ nhận thức điều đó là sự thật và dần buông bỏ tham đắm, si mê, hoài nghi,… về sau việc phá ngã thành tựu đau khổ, muộn phiền không còn não hại được người trở về cái vô ngã chân chính.
Cùng với sự khai mở trí tuệ người học Phật sẽ chứng ngộ vô sinh, xé tan màng lưới vô minh cùng vòng luân hồi lẩn quẩn. Lúc bấy giờ một vị A la hán đã ra đời. A la hán chỉ đơn giản là người sống được bằng vô ngã, chứng ngộ pháp vô sinh thù thắng.
Dù đã trở về vô ngã nhưng A la hán cũng là con người bằng xương, bằng thịt cũng có sự uống ăn, đi đứng ngủ nghỉ. Duy có điều sự tham đắm, si mê, dính mắc đã giảm thiểu ngày càng giảm thiểu về sau tùy duyên vì người mà ra sức chỉ bày. Thế nên vô ngã kỳ thực không phải là sự mất đi hoàn toàn mà là cái ngã sống vì người không còn tham đắm, dính mắc. A la hán đã không còn bị việc sinh tử trói cột nhưng cũng không tùy tiện hủy mình nếu điều đó không là sự cần thiết.
A la hán cũng có nhiều cấp độ và tùy thời.
Nếu pháp Phật sáng rõ cũng như sự không cần thiết nhập thế cùng hạnh nguyện không dũng mãnh đền trả ơn Phật thì nhân loại sẽ ra đời một vị A la hán theo lối tu Tiểu thừa. Vị A la hán thuộc Tiểu thừa sống tùy thuận ở đời và có khuynh hướng hành trì “ve sầu thoát xác” rời bỏ cõi tạm càng sớm, càng tốt.
Nếu vì bi nguyện dũng mãnh đền trả ơn Phật cùng hạnh nguyện bồ tát phổ độ cứu khổ loài người, muôn vật thì nhân loại sẽ ra đời một vị A la hán theo lối tu Đại thừa. Vị A la hán theo khuynh hướng Đại thức ra sức rộng truyền chánh pháp, vì người gieo duyên. Khi việc làm đã xong tùy duyên lui về tịch diệt.
Tóm lại, tử huyệt của đạo Phật gói gọn nơi ngã - vô ngã.
Nếu người học Phật đối trị được lòng tham thì giáo lý của Phật Thích Ca vi diệu, thù thắng. Con đường học Phật, con đường chánh pháp sáng rõ, thênh thang, pháp vô sinh hiển hiện chân thật, Giác giả ra đời, loài người thức tỉnh, nhận diện sự vô minh, tham sân si mạn nghi tự giải trừ, đau khổ, muộn phiền nơi xã hội loài người tự giảm thiểu. Nhân loại bình an, ổn định, hạnh phúc, hằng sống nơi niềm vui và tình yêu thương chân thật.
Bằng ngược lại, người học Phật thất bại trước cám dỗ của lòng tham thì Tam Tạng kinh chỉ còn là một phế vật vô nghĩa, một liều thuốc đã mất đi sự linh nghiệm, tính hữu dụng. Nếu mê mãi lạm dùng thì nhân loại sẽ chìm sâu vào hàng loạt khủng hoảng, đảo điên, mê tín, cuồng tâm.
Tiếp theo là bài viết Điểm mù nhân loại, đây là bài viết sau cùng của loạt bài viết mới. Tôi sẽ tạm dừng viết bài mới.
Tuy nhiên, nếu còn thời gian tôi sẽ post loạt bài viết được hoàn thành từ lâu có trong nội dung của 9 bộ sách đã viết. Có thể nói nội dung đã được trình bày trên blog hiện nay đã là khá rõ ràng về việc tôi đã bơi qua sông, những bài viết mà tôi cạn nghĩ đã trình bày sự sáng rõ, đúng mực của chánh pháp nơi Tam Tạng kinh. Còn những bài post tiếp theo sẽ thể hiện tôi đã bơi qua sông như thế nào cũng như là việc gieo duyên đến mọi người.
Thêm nữa, nếu các bạn có những điều chưa thông suốt về cả hai nẻo đạo đời và có chút yên tâm về sức hiểu của tôi thì hãy đặt vấn đề. Khi có đủ khả năng trình bày rành rõ vấn đề thì tôi sẽ tận lực.
Sau một khoảng thời gian nhất định, nếu không có những vấn đề liên quan đến con đường chánh pháp cần mổ xẻ thêm thì tôi sẽ lui về sau. Vì lẽ khi con đường chánh pháp đã minh bạch, sáng rõ thì tôi nên lui về sau và không nói thêm những lời vụng về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét