Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Kinh Mâu Ni

KINH MÂU NI
Người xuất sĩ tĩnh lặng 
Sutta – Nipata (Uragavagga 12)

1.    Còn ái dục thì còn sợ hãi. Còn vướng vào đời sống thế tục thì ham muốn còn phát sinh. Xuất gia để được sống thảnh thơi, buông bỏ được mọi ham muốn và sợ hãi, đó là cái thấy cái làm của vị mâu ni, của người khất sĩ.

2.    Hạt giống (ái dục) đã sinh nay được đoạn diệt, không còn gieo trồng, không để cho sinh khởi và lớn lên trở lại. Đó là hạnh người xuất sĩ. Một kẻ như thế được gọi là một mâu ni. Làm được như thế thì bậc hiền nhân lớn kia đã đạt tới bình an thật sự.

3.    Đã xem xét đất đai, đã quyết tâm dứt bỏ hạt giống xấu và không còn cung cấp chất ướt cho hạt giống ấy mọc lên, vị mâu ni khi đã buông bỏ được hý luận và đạt tới vô sinh rồi thì không ai có thể tư lường được về người ấy nữa.

4.    Kẻ ấy đã thấy biết được mọi nẻo sinh thái mà không còn muốn đi về một nẻo nào trong các nẻo ấy, kẻ đã dứt bỏ được tham và ái, kẻ ấy không còn bận tâm lao nhọc theo đuổi bất cứ một cái gì nữa cả, vì kẻ ấy đã qua tới bờ bên kia.

5.    Kẻ ấy đã vượt thoát tất cả, đã liễu tri tất cả, đã có tuệ giác, không còn vướng bận vào bất cứ gì, đã buông bỏ mọi tham cầu, đạt tới thảnh thơi nhờ diệt trừ tham dục, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

6.    Kẻ ấy có tuệ lực, kẻ ấy được sinh ra từ giới và hành, chuộng tĩnh lặng, ưa thiền duyệt, ngày đêm chánh niệm, không còn bị sai sử bởi tập khí, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

7.    Kẻ ấy bước đi một mình, tinh cần, tỉnh thức, không còn bị khen chê động tới, như một con sư tử không còn run sợ trước một âm thanh nào của bất cứ một loài thú nào, như một làn gió không bị vướng mắc vào một chiếc lưới nào, trong sáng như một dòng nước, tinh khiết như một đóa sen, đưa lối cho người mà không bị ai lôi kéo, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

8.    Vững như trụ trên bãi tắm, không bị ai xoay chuyển lung lạc, không còn đam mê, sáu căn thường tĩnh lặng, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

9.    Tâm vững chãi, đoan chính như một con thoi, ghê sợ những hành động thấp hèn, biết phân biệt rõ ràng tà chính, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

10.    Biết tiết chế, không làm điều bất thiện, vị xuất sĩ dù còn niên thiếu hay tuổi đã cao biết sống tri túc, không bị ai thách thức và cám dỗ, mà cũng không thách thức và cám dỗ ai, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

11.    Tiếp nhận thức ăn cúng dường, dù trước dù sau, dù hậu dù bạc, với tâm niệm bình đẳng, an nhiên, không khen chê, không kén chọn, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

12.    Sống theo phạm hạnh, tuy còn trẻ tuổi mà không bị vướng mắc vào ai, không tự cao, không phóng dật, một mình đi thảnh thơi, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

13.    Đã thấy được chân tướng của thế gian, đã đạt tới đệ nhất nghĩa đế, đã vượt dòng sinh tử, đạt tới vô sinh, chấm dứt mọi hệ lụy và phiền não, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

14.    Người cư sĩ vướng vào vợ con, phải chăm sóc lo lắng, thiếu điều kiện bảo vệ cho sự sống mọi loài, khó sống tiết chế và thiểu dục; người xuất sĩ trái lại, nhờ cát ái từ thân, sống thảnh thơi, có cơ hội giúp đời và bảo vệ sinh mạng cho mọi loài, sống tiết chế và thiểu dục một cách dễ dàng.

15.    Con chim công cổ xanh khi bay lên không gian không thể nào sánh được với con thiên nga, Người thế tục vướng bận trong cuộc đời không thể nào so sánh được với xuất sĩ, đang ngồi thiền định một mình trên núi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét