Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THIỂU DỤC TRI TÚC

GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THIỂU DỤC TRI TÚC
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.206)
***
DÀN BÀI
I. NHẬP ĐỀ:
Tri túc là nếp sống của người phương Đông ngày xưa. Nếp sống thiên về đời sống tinh thần, không chạy đuổi theo vật chất. Đạo Phật nói đến hai vế song song là Thiểu dục và Tri túc là lối sống của Bồ tát hành đạo giữa đời. Người xuất gia sống trong Tam thường bất túc, chăm lo đời sống trí huệ.
II. THÂN  BÀI:
            A-  Giá trị đáng quan tâm của đời sống thiểu dục tri túc
                        a) Định nghĩa thiểu dục tri túc là: Ít ham muốn và biết đủ. Đa cầu khổ não diệc đa: Càng tìm kiếm nhiều thì khổ não càng chồng chất.
                        b) Đời sống sáng giá có hạnh phúc chân thật từ chỗ giải trừ khát khao chạy theo vật chất. Kiến tạo hạnh phúc bằng mở rộng lòng thương và biết đủ, tạo an ổn tâm hồn.
            B- Thiểu dục tri túc là đời sống có hạch toán tâm hồn:
                        a) Ăn, mặc, ở là ba vấn đề quan trọng của mỗi con người. Người xuất gia sống với định chế giải thoát là tam thường bất túc, hạc xã không trì là ăn, mặc, ngủ hơi thiếu, sống xã ly như hạc bỏ ao hoang, chỉ ăn một lần rồi bay đi.
                        b) Đời sống không mắc nợ nần với năm trần dục. Về đời sống tại gia thì có hạch toán, không chạy đua đòi theo mode, ăn uống vừa phải, không mắc nợ nần là đời sống thanh thản.
                        c) Không biết đủ, ham làm giàu bất chánh với những phương tiện mờ ám sẽ chiêu họa và thân.
            C- Sống thiểu dục tri túc có làm cản trở tiến hóa chăng?
                        a) Mọi sản xuất công nghiệp, tiện nghi phát triển có giá trị hàng răm năm đều là công bằng, nghĩa là công lao động trí óc chân tay sòng phẳng, không bóc lột ai thì vẫn tốt.
                        b) Nếp sống phương Tây nặng về chinh phục, khai phá, tạo vật chất bao la là bởi trí óc nghiên cứu lâu dài, phát minh giúp cho đời sống, không phải làm giàu bất chính, không ảnh hưởng đến thiểu dục tri túc. Sự phát triển cơ tâm là lẽ đương nhiên. Đông phương nặng về an phận, lo đời sống bên trong nên thiểu dục tri túc rất có tác dụng.
III. KẾT LUẬN:
Thiểu dục tri túc của nhà Phật dạy là nhằm chấm dứt cái lòng tham lam, tính tham lam làm việc bất chính gom về cho bản ngã, tạo ác nghiệp, vướng kẹt trong đau khổ. Thiểu dục tri túc để chăm lo đời sống thánh triết. Thiểu dục tri túc vẫn mãi mãi con giá trị hiện thực, không lỗi thời vì nó dạy bài học khôn cho con người, tùy hoàn cảnh điều kiện mà sống.

GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THIỂU DỤC TRI TÚC
I. NHẬP ĐỀ: Nói thiểu dục tri túc là nói đến một cung cách sống hết sức có giá trị trong đạo Phật. Ban vấn đề trực tiếp của con người là ăn mặc ở, đối với nhà Đạo thì đổi lại thành ăn mặc ngủ. Ba cái ấy sống mà hơi thiêu thiếu gọi là tam thường bất túc, vì người xuất gia là đã từ bỏ mọi xa hoa về ăn mặc ở thì đâu còn chạy tìm cái gì khác ngoài công việc chính chắn, quan trọng của đời mình là chăm lo trí huệ, có trí huệ là có giải thoát.
            - Người phương Đông ngày xưa coi lẽ sống tri túc là quan trọng, nó biểu lộ được sự ham chuộng đời sống nội tĩnh bên trong, không ồn ào chạy theo vật dục phiá ngoài. Chạy theo đời sống vật dục bên ngoài thì luôn đưa đến nhiều hê lụy, nhiều trói buộc, thế nên có câu minh triết dạy rằng: Tri túc nhất sanh đắc tự tại, hay tri túc chung thân bất nhục, nghĩa là sống biết đủ thì cả đời hưởng được tự do, sống tri túc thì cả đời không bị nhục. Cổ nhân coi ham hố chạy theo ăn mặc xa hoa hoang phí là một trói buộc, thân phải chịu nhục nhằn tù hãm, mất hết tự do thanh thản của tâm hồn. Nguyễn Công Trứ ở thế kỷ 19 cũng nhận thấy giá trị lớn lao của tri túc khi nói rằng :Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc, nghĩa là biết đủ với ý thức sáng tỏ thì lòng thảnh thơi biết sống đủ. Đợi cho có đủ với khao khát không cùng thì biết bao giờ mới đủ?  Câu nói ấy thật hay, có giá trị hiện thực ngay đây, tỏ rõ một tâm hồm cao quý, biết chỗ cội nguồn thật của đời sống. Ấy là ngay giây phút nào ta chột tỉnh hồn biết mình sống, không còn vọng cầu mọi thứ ở mọi chân trời, ấy là ta có sống, sống đủ, và biết đủ từ chỗ ấy. Tiếp nối ý đó cho trong sáng mãi mãi là ta có đời sống giàu có vì bên trong đã đầy đủ, đã an ổn. Hạnh phúc chân thật chính là nhận ra cái đầy đủ sung sướng cừ cõi lòng thanh thản không bị phân tán trong lo tìm tiếp tắp mù khơi.
            - Trong kinh Phật nói đến hai vế song song là Thiểu dục tri túc, nó khắn khít nhau trên dĩa cân hạnh phúc. Bớt dục vọng thì có hạnh phúc chứ không phải chất thêm mãi dục vọng mà có hạnh phúc. Trong kinh Bát Đại nhân giác, nêu lên nguyên tắc sống của Bồ tát hành đạo giữa đời là sống với khẩu lệnh Thiểu dục tri túc, đa cầu khổ não diệc da, sống với tinh thần biết đủ là sống giải thoát an lạc vì càng chạy tìm mọi thứ của cải, mọi danh vọng, mọi ước mơ là càng chồng chất thảm hại sức nặng lên thân lửa ngũ uẩn của ta. Bị sức nặng của ám khí danh lợi, của lo ăn mặc, lo tiền của bám víu mọi thứ thì còn đâu mà lo giải thoát, độ sinh? Bồ tát giảm trừ mọi lo nghĩ mong cầu, chỉ sống biết đủ,  đơn giản mà giành hết tâm trí thì giờ vào huấn luyện huệ nghiệp và hăng hái độ sinh làm động tác chính của tâm hồn, hành động. Giá trị thánh triết toát lên từ chỗ coi thường vật chất không ham mê nó, mà sống hết mình với công việc cứu hộ quần sanh trong tinh thần vô úy, vô nhiễm. Thiểu dục tri túc là bạn đường của nhịp sống của Bồ tát.
II. THÂN BÀI:
            A- Giá trị đáng quan tâm của đời sống thiểu dục tri túc:
                        a) Định nghĩa Thiểu dục tri túc: Là ít ham muốn mà biết đủ. Bốn chữ này đối lại với câu: Đa cầu khổ não diệc da, là càng phóng tâm tìm kiếm mọi cái trong năm dục tham là càng gây mối cho bao khổ lụy chồng chất, như là một nhân và một quả. Vì không biết kềm hãm tâm hay chạy theo kích động liên hồi của khát khao dục vọng trói buộc, nặng nề và trái lại, ai biết tỉnh hồn khôn trí chấm dứt càng nhiều càng tốt cái ham hố bao la ấy thì càng thấy có hạnh phúc, càng thấy sự giàu có nơi mình. Thành ra, ở một mặt khác, nói tri túc là nói đến mức giàu có tràn đầy bên trong cái an ổn. cái an ổn quí báu bên trong mà bấy lâu nay ta không biết giá trị của nó. Trong kinh Di Giáo, là kinh góp chép lời trăn trối của Giáo Tổ Gautama có viết rằng:Tri túc tuy nghèo mà lại giàu có. Trái lại người không có cái tâm biết đủ bao giờ thì giàu bao nhiêu đi nữa vẫn mãi mãi là nghèo và nêu lên hạnh phúc tối thượng và hiện thực ngay đây cho người ta biết rằng: Người có tâm biết đủ thì dù ở dưới đất tầm thường đi nữa vẫn thấy an lạc như thường và trái lại, người không có cái tâm biết đủ thì dù họ có tới thiên đường chăng nữa, họ mãi mãi vẫn thấy bất như ý. Không biết đủ là tâm tham lam, tâm cứ chạy lo gom vế cho bản ngã mọi ham thích hết thảy những gì hiện có và sắp có, mà cụ thể là cứ mong gom về ham thích với nội dung ngũ dục bốn bề vây bủa. Năm trần dục có sức lôi cuốn ghê khiếp đối với những ai là khách ghiền nó. Lao vào thói quen không phản tỉnh ấy thì suốt kiếp vẫn phồng da, mòn gót, hói trán vẫn đạp lút ga cho xe đời thao túng nuốt gọn đường trần cho đến một hôm cầy gẫy rớt tỏm xuống đau khổ mong đường cứu gỡ. Chừng ấy là đã bỏ mạng, là đến điểm hẹn cuối cùng cho mọi số kiếp, là mồ mả nghĩa địa tha ma. Người tham lam, ham hố mọi thứ trên đời như vậy trước giờ phút mà thần chết gỡ mạnh tay bám víu bấy lâu của họ ra khỏi mọi của cải, mọi ham thích thì họ vô cùng bàng hoàng, bấn loạn, ra đi trong ngơ ngác sợ hãi và ra đi theo nghiệp thức cực mạnh của ham hố, để tìm lại tấm thân khác để tiếp tục trò ghiền năm dục. Cứ thế mà lăn qua lộn lại trong bến bãi của luân hồi bi thảm, không bao giờ gỡ mình ra khỏi.
                        b) Người Phật tử tu học theo chân Đạo giải thoát cao quý của Phật thì ngay đây phải khôn trí sáng hồn biết chận đứng phản xạ của thói quen ham hố năm dục mà lập chí giải trừ cho có kết quả cái tâm ham hố năm dục, cái lòng chạy đuổi theo vật chất mà chăm lo dữ dội đời sống được sáng lên với trí tuệ trong veo như suối thượng nguồn. Trong kinh, Đức Phật từng chỉ ra bằng hình ảnh so sánh rất nổi bật là kẻ ham mê vật dục thì như trâu cổ mập ú mà không dùng được cho đường tiến lên thánh đạo giải thoát an lạc. Như vậy, hạnh phúc chân thật là hạnh phúc thuần khiết long lanh ngời sáng chất trí huệ. Cái tâm biết đủ là đầu nguồn tạo ra sự bình yên bên trong đầy thanh quý, thơm mùi giải thoát. Hạnh phúc chân thật và lâu bền không bao giờ xây được bằng cái lòng khát khao vô tận về mọi thứ của tiền. Trang Tử bảo rằng: Nhân dục vô nhai là lòng ham muốn của con người là không bờ mé, như biển cả bao la. Chuyện kể đời xưa có ông vua nọ ham hố tràn bờ, ông cứ đem quân chinh phục nơi này xứ nọ gom về vàng bạc châu báu, lấy đó làm cái ham mê tuyệt vời, bao nhiêu kho tàng vàng bạc kho báu, ông vẫn hằng mở kho ngắm nhìn, vì cứ sợ ai đó cướp lấy. Đời ông hoàn toàn biến mình cho nỗi ham hố bao la như cánh dơi định mệnh phủ suống. Ông sống trong nỗi bất an vì cứ nghĩ còn bao châu báu ở mọi chân trời mà mình nổ lực xông pha đem về, gom về rồi cứ lo sợ bị cướp mất thình lình. Đời ông chưa bao giờ thấy được đâu là cái bình yên thanh thản. Sau đó, ông cử một tốp quan quân đi chinh phục, kiếm tìm hạnh phúc tanh thản cho ông. Đám quan quân ấy ruỗi ngựa tìm khắp nhân gian hạnh phúc mà ông đang muốn gom về. Lần nọ, đám quan quân ấy đi qua cánh đồng, thấy một nông dân kia cày bừa mồ hôi nhuể nhại dưới nắng gắt, anh ta mặc cái áo tám lỗ rách bươm, cày xong, anh thả trâu ra, gồi bên gốc cây hóng gió hút thuốc, uống nước nhìn trời mây, nghe chim hót lấy làm khoái chí, tâm hồn bình yên như nắng vàng bình trị, có vẻ không chút gì đắn đo lo lắng, suy nghĩ lao lung. Đám quan ghé lại hỏi : Ông thấy hạnh phúc sung sướng bao giờ chăng? Ông đáp rằng ông sống đầy đủ với mấy mẩu ruộng, cày bừa, cấy hái, không có gì lo toan, nghĩ ngợi tìm kiếm món gì cả, nên thấy bằng lòng bình yên thanh thản. Đám quan kết luận, như vậy là anh có hạnh phúc. Người nông dân gật đầu, hỏng chừng cái bình yên ấy là hạnh phúc. Cuối cùng họ cùng kết luận dứt điểm ấy là hạnh phúc của một đời sống bình yên. Đám quan quân nọ trở về triều tâu vua là đã  tìm thấy người có hạnh phúc. Nhà vua hỏi, đám quan tường thuật lại đời sống lao động của anh nông dân này. Họ bảo thấy anh chàng mặc cái áo tám lỗ rách rưới, họ kết luận cái áo ấy đem lại hạnh phúc cho người nông dân kia. Nhà vua bảo đi mượn ngay cái áo đó. Nhà vua mặc vào áo ấy nhưng thấy hôi hám tìm nghe mà không thấy hạnh phúc đâu cả, rồi ra lệnh bắt anh nông phu vào triều. Anh ta cứ tuần tự thưa vua về sự sinh hoạt của mình và kết luận là chính vì không lo toan tìm kiếm cái gì khác ở bất cứ đâu nên anh ta thấy bình yên tâm hồn như trời đất chung quanh. Nhà vua bùng tỉnh ra, chính hạnh phúc ngay ở chỗ ta với hiện tại đầy đủ, chứ không phải là chạy tìm nó ở đâu đâu. Nhà vua thưởng cho anh nông dân mớ vàng bạc, anh này từ chối, bảo : Con lấy về thì lòng con lại nổi lên bao lo sợ, ăn cướp biết, chúng đến cắt họng con. Con sống với căn nhà tầm thường khỏi đóng bây lâu nay, tối ngủ không  phải lo ngại cái gì, cứ bình yên mà sống với mái gia đình như thế. Từ đó nhà vua tỉnh ngộ, giải trừ lần hồi cái ham hố cứ dày vò tâm hồn, hành động ông bấy lâu, ông thấy hạnh phúc từ chỗ bình yên sâu lắng của tâm hồn. Chuyện gần hơn, thì cách nay 7,8 năm, người ta đồn rằng hồi 1945, khi quân đội Nhật rút lui, chúng đem mấy tấn vàng chôn trong vùng núi ở Krongpha, cách Đà Lạt chừng 40 km. Bấy lâu có người sục sạo đi tìm không kết quả. Anh nọ giàu to bỏ ra 100 cây vàng mướn cơ giới đến đào đêm ngày rối rít như là sắp khiêng mấy tấn vàng kia về nhà. Họ đào một khoảng đất rộng sâu đến gần 10m, anh chủ nọ hôm ấy láng cháng đến đó, thình lình đất chùi, kéo theo những tảng đá to, may mà anh nhanh chân chạy thoát. Nếu không thì đã bỏ mạng chôn vùi dưới hằng núi đất ác nghiệt kia.. Và cuối cùng quá mệt mỏi và tốn kém. Mà vàng vẫn ơ hờ biệt tăm, công việc đành bỏ dở. Và biết bao người đang kẹt vào núi vàng nơi này xứ nọ suốt dãy đất dọc Trường Sơn. Cảnh đào bới tìm vàng vẫn xảy ra bao thảm họa.
            B- Thiểu dục tri túc là đời sống có hạch toán tâm hồn
                        a) Ở đời ăn, mặc, ở là ba vấn đề nền tảng của mọi người. Có người hy sinh ăn, mặc để lo cái nhà cho sang trọng, có người hy sinh mặc để lo cho ăn ở, có người hy sinh ăn để lo cho mặc. Ra đường thì ăn vận lộng lẫy như hoàng đế, nhưng nhà ở, và ăn thì cực khổ tối tăm vô cùng. Người xuất gia, hay người tu theo đạo giải thoát thì phải biết suy nghĩ sống sao cho vừa phải, thấy hợp lý. Người xuất gia là lìa bỏ mọi thú vui vật chất trần đời mà sống với chí nguyện giải thoát, sống bằng khẩu lịnh Tam thường bất túc nghĩa là 3 việc ăn mặc ngủ phải thiêu thiếu, không dư tràn bờ, phóng dật. Sống với ý niệm xả ly là buông lìa mọi ham hố đắm nhiễm năm dục, sống như Hạc xả không trì là như hạc bỏ ao hoang. Giống hạc có lối ăn rất lạ là khi đến ao đầm kiếm ăn, là ăn một lần nơi ấy rồi bay đi, không bao giờ còn trở lại chốn cũ ấy để kiếm ăn nữa. Phật dạy chư vị khất sĩ khất thực ở đời như con ong hút mật hoa, không làm hoa héo hư. Tức là không tham cầu làm héo úa lòng tịnh thí của tín đồ, không đòi hỏi món này vật nọ o bế thân xác, sống như thế để có thì giờ quý báu chăm lo huệ nghiệp. Sống thiểu dục tri túc chắc chắn thành thật từ bên trong thì có thể coi đó là biết tính toán cân nhắc để đem lại trọng lượng ngời sáng cho đời sống tinh thần, không vì ham mê ăn ngủ mà làm mờ úa linh hồn.
                        b) Đời thường, nếu biết tính toán cho kỹ với đồng tiền mình kiếm được, chi tiêu trong phạm vi chắc hạt của nó thì cũng thấy được hạnh phúc đơn giản như thuở trước, nhà hiền triết Việt Nam là ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói: Giàu cơm thịt, khó cơm rau. Nhà giàu thì ăn đủ món ngon, có kẻ nghèo thì ăn với rau vẫn thấy hạnh phúc. Trái lại, nghèo xơ xác, nhưng không chịu bằng lòng biết đủ cứ mơ thèm món ngon thì chỉ gây bất an tinh thần. Ta cố phấn đấu làm, việc với hoàn cảnh khả năng của mình có bao nhiêu ăn xài để dành, không vung tay quá trán. Liệu cơm gắp mắm, thì lúc nào cũng thấy bình yên hạnh phúc. Đối với người xuất gia thì sống với tinh thần thiểu dục tri túc là sống không mắc nợ năm trần. Về đời sống người Phật tử thì luôn luôn có biết đủ, không mù tối nghe kích động ham thích xúi xiển của vật dục mà chạy đua theo cái gọi là mode. Mode thật sự không có chi lạ cả mà do các nhà may bày đặt kiểu, là thời trang để bán vải, tiệm may đắt mối ấy thôi. Ăn mặc cần hài hòa lành lặn vừa phải. Mode nọ kiểu kia chỉ làm đòn tâm lý nguy hại. Họ bảo nhau phải ăn vận kiểu ấy mới sang, mới là hợp thời, nhưng nhìn ra thấy càng lố lăng nhăng nhít đấy thôi. Trên đời, một đời sống thư nhàn nhất là đời sống không mắc nợ ai. Phật bảo riêng cho người xuất gia rằng: Lối sống chạy theo năm dục là lối sống mắc nợ, lối sống thua lỗ, lối sống không có ánh sáng. Dù tại gia tu Phật thì cũng cảm nhận được lời dạy ấy. Mắc nợ cụ thể là phải chạy theo đòi hỏi, khát khao ham thích của năm giác quan. Mà cái năm giác quan ham thích thì phải đổi thay món ăn cho nó. Do đó, nó cứ phải khiến người ta chạy tìm kiếm mãi mãi mới lạ, mà mới với lạ nào có gì mới lạ đâu, chỉ là thay đổi đó thôi. Đối với kẻ này thì cũ mèm nhưng với kẻ kia thì mới, cũng cùng vật thể ấy, có thể khác hình tướng mà thôi.
                        c) Người không biết đủ mà lại nghe, thấy người khác giàu có, lại ham làm giàu nhanh với mọi mưu mô, phương tiện bất chánh thì chắc chắn chiêu học thảm khốc và thân thôi. Mấy năm qua có biết bao trường hợp ấy xảy ra. Làm ăn kiểu đó gọi là mượn đầu heo nấu cháo. Một xí nghiệp làm ăn, mỗi tháng phải là 3 bản báo cáo khác nhau. Báo cáo cho thuế vụ thì báo cáo lỗ. Báo cáo cho ngân hàng thì lời vừa để còn tiếp tục vay tiền. Báo cáo ban giám đốc thì bí mật. Lối làm ăn kiểu ấy hác gì cất nhà lầu cao tầng trên nền sình lầy với hệ thống cừ đà ọp ẹp, chắc chắn tòa lầu sẽ sụp đổ tan hoang, đó là qui luật. Chung quy cũng không biết giới hạn lòng tham quá mức. Không vốn, không chuyên viên kỹ thuật, không hệ thống quản lý thông thái hi6ẻu biết mà lao vào những kinh tế quá bao la thì cuối cùng là tù tội, đổ vỡ.
            C- Sống thiểu dục tri túc có làm cản trở tiến hóa chăng?
                        a) Tiến hóa có nghĩa là so với trước kia và bây giờ về mọi mặt tiện nghi của đời sống, thấy nó rút ngắn thì giờ, đưa đến an toàn hơn, mau chóng hơn. Mọi tiện nghi ấy là do hàng trăm, ngàn bộ óc nghiên cứu và biết bao bàn tay lao động tham gia vào. Cái đó không phải là một tham lam tăm tối, vì ai cũng làm ăn lương thiện với khả năng lao động trí óc chân tay,có tính cách công bằng, sòng phẳng, không phải là sự cướp công lao động của người khác. Có những hãng xưởng làm ăn với tín nhiệm đâu đó sòng phẳng mọi thứ, cân bằng hợp lý nên nó tồn tại cả trăm năm. Đó là một thiểu dục tri túc theo ý nghĩa là một hạch toán kinh tế phải pháp, đúng tầm, hợp khả năng. Có vốn tích lũy mới tính chuyện mở rộng thêm tầm hoạt động vững chắc; đó là một thăng tiến theo đường trôn ốc đi lên chắc chắn. Không vọng cầu mơ hồ vá víu với tham lam bất chính với mưu mô lừa gạt. Như vậy hãng ấy đã ứng dụng tuyệt vời tinh thần thiểu dục tri túc trong khía cạnh kinh doanh vững vàng. Như vậy thiểu dục tri túc không cản trở đến nhịp tiến hóa về mọi thứ, mà trái lại nó còn chỉ ra ánh sáng hạch toán từ bên trong của mỗi đời sống cho đến cả hãng xưởng bao la với vốn liếng chi tiêu tích lũy có lớp lang, trật tự, ổn định đời sống ai nấy.
                        b) Từ thế kỷ 19, đời sống Tây phương có nhiều thay đổi vì thế kỷ ấy khoa học kỹ thuật điện khí, phát triển mạnh. Các nước Châu Á bị họ tới xâm chiếm làm thuộc địa, thì ấy là tham lam đáng khinh bỉ. Trái lại, óc nghiên cứu khoa học, phát minh nhiều cái giúp cho đời sống có tiện nghi, sinh hoạt mau chóng dễ dãi hơn thì đó không xuất phát từ tham lam đáng chê trách. Nếp sống của Tây phương luôn luôn chống chọi lại với bão tuyết, với thiên nhiên nên trong tâm thức lâu đời của họ nuôi dưỡng ý chí khai phá, chinh phục, thám hiểm. Nhìn đời sống ấy, ta thấy nó hoạt động ồ ạt, cuồn cuộn đi lên với chiều đi lên của cơ khí, máy móc công nghiệp, mà nói đến thiểu dục tri túc thì dường như lạc điệu. Sự thật như vừa trình bày ở mục a trên, là mọi hãng xưởng họ làm ăn có kế hoạch chuẩn thẳng theo qui cách khoa học vững vàng thì đó là tinh thần của thiểu dục tri túc đấy chứ. Trái lại nếu ở một nước mới vươn lên công nghiệp hãng xưởng chưa đủ qui cách, thế mà dám nhận toa đặt hàng cho món đồ mà học chưa biết làm nổi mà vẫn nhận bừa, rồi chặt đầu cá vá đầu tôm, lừa gạt nơi này, vay mượn đầu kia để làm ra hàng hóa dõm đem giao thì lối làm ăn ấy là tham vọng bậy bạ, cần phải loại trừ. Nếp sống Đông phương nặng về bên trong, điều hòa với thiên nhiên nên thiểu dục tri túc giúp cho họ đi nhanh vào an ổn tâm hồn. Vẫn nổ lực làm, sinh hoạt đưa đến kết quả bao nhiêu thì chi tiêu tích lũy, không vọng cầu thiếu chân đế, vững nơi sự thật, hoàn cảnh thật, tâm lực thật. Trái lại là hỏng việc, là tham lam, là cầu bất đắc khổ vì mất chân đế thiểu dục tri túc. Thiểu dục tri túc là một hạch toán tâm hồn sáng tỏ, chỉ đường cho đời sống từ trong chí ngoài theo một trật tự yên ổn.
III. KẾT LUẬN:
            Đối với phạm vi sinh hoạt nhà Đạo thì thiểu dục tri túc là lời chỉ dạy trong sáng, giục giả sự nghiệp trí huệ tối cần thiết. Thiểu dục tri túc dạy người tu tập chấm dứt lòng tham, bệnh tham sâu nặng, tham lam ích kỷ là bợn nhơ vĩ đại cản lối về chân thể, cản che ánh sáng trí huệ. Từ tham lam mà tạo ra bao đau khổ, tạo nghiệp đeo níu, kẹt thảm hại trong răng cưa của mắt xích luân hồi. Thiểu dục là tóp bớt cho có hiệu quả mọi nghe nhìn tham đắm năm trần dục. Cái gì không cần nghe, nhìn thì bỏ qua, không vọng cầu điều kia lẽ nọ ở xa xôi mà bị lôi cuốn vào phóng dật, quên mất đường về chánh đạo, tâm hồn mờ úa trong hoàng hôn êm ả của năm dục đầy nguy hại.. đối với Phật tử thì đời sống an nhiên biết đủ với hoàn cảnh, điều kiện năng lực mình là một đời sống có giá trị, đưa đến minh triết. Thiểu dục tri túc dạy ta quan sát, thấu ngộ mọi hữu vi đều là huyễn mộng, đều là vô thường. Coi mọi thứ đều là phương tiện sống chứ không phải nó là đích nhắm cuối cùng, có thể an tâm lập mạng được. Thiểu dục tri túc mãi mãi có giá trị ngời sáng tiêu biểu cho cuộc sống thăng hoa tràn đầy giải thoát./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét