NGHIỆP NHÂN QUẢ BÁO LUÂN HỒI
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.45)
***
DÀN BÀI
I. Nhập đề:
Nghiệp nhân quả báo luân hồi là giáo lý tối yếu của Phật giáo nhưng nó mang tính phổ biến cho mọi người, trở thành tín ngưỡng rất tự nhiên trong dân gian.
II. Thân bài:
A- Nghiệp quả báo luân hồi:
a) Định nghĩa hai chữ nghiệp báo nói đủ là nghiệp nhân quả báo, là quà trổ ra báo đáo lại cho việc làm mà ta đã phóng ra bởi thân khẩu ý từ quá khứ hay hiện giờ. Nghiệp là mọi việc làm xuất phát từ chỗ cố ý định ý.
b) Nguyên lý căn bản của luật nghiệp nhân quả báo: Tự tác hoàn tự thọ, khi nghiệp nhân đã gieo thì không ẩn trốn vào đâu được, kết quả của nó dù trong kẹt núi, dưới biển, trên hư không. (Pháp cú 19).
c) Cội nguồn xuất phát của nghiệp nhân: tâm (Pháp cú 1) tác ý tâm dẫn đầu mọi hành động trong đời này.
d) Nguồn gốc của nghiệp nhân: Vô minh, ái thủ, trôi theo hành động mang chất bản năng thiếu chánh trí.
B- Vai trò của nghiệp nhân quả báo trong đời sống:
a) Nó cắt nghĩa sự dị biệt trong đời sống xã hội,trong gia đình anh em cùng chung máu mủ, có đứa thông minh có đứa chậm lụt, có kẻ bình thường, có kẻ thần đồng.
b) Tiến trình gieo nghiệp nhân đến kết quả: Tùy thuộc và Duyên lực là hoàn cảnh, điều kiện thích hợp nhất là ý chí con người. Từ đó, chuyển nghiệp,tạo nghiệp nhân mới.
c) Các loại nghiệp: Trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp.
C- Nghiệp có phải là định mệnh chăng?
a) Dù có thừa hưởng nghiệp từ quá khứ, nhưng nghiệp không hề là một định mệnh khắt khe chi phối toàn bộ đời sống ta.
b) Ý chí con người có thể quyết định bởi hểu biết chánh pháp mà chuyển đổi, tiêu diệt nghiệp cũ. Sáng tạo lại đời mới.
c) Chú trọng thường nghiệp, cận tử nghiệp, cố gắng nắm vững thiện nghiệp vững chắc mãi.
III. Kết luận:
Hiều nghiệp nhân quả báo để tự tạo tươi sáng cho đời sống. Lời Phật dạy cho ông Maha Namma về thường nghiệp. Bài kinh Hạt muốn dạy cách chuyển nghiệp. Tất cả ở ý chí, hiểu biết đúng mức về nghiệp nhân quả báo.
NGHIỆP NHÂN QUẢ BÁO LUÂN HỒI
I. Nhập đề: Giáo lý nghiệp báo, hay nghiệp nhân quả báo của Đạo Phật đã được truyền bá vào Việt nam rất sớm từ đầu thế kỷ II Tây lịch. Giáo lý đó đã đương nhiên trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với mọi người Việt Nam có hiểu biết, có suy nghĩ. Một người dù chưa trở thành tín đồ Đạo Phật về mặt nghi lễ nhập đạo, nhưng họ biết luật nhân quả nghiệp báo là đương nhiên họ là tín đồ Phật giáo. Người ta biết lựa chọn ăn ở ngay lành, dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự nhiên âm thầm của lý nghiệp báo chẳng những thích hợp với thiện lương, bản tâm đa số mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với tâm thức nhà trí thức. Không nhà trí thức, nho sĩ nào, kể cả ngày nay mà không biết qua ít nhiều nghiệp báo luân hồi… Vì thế, lý nghiệp báo luân hồi đã in dấu đậm nét trong văn chương bình dân, trong văn học chữ Nôm, chữ Hán, từ xưa cho đến giờ, để dẫn dắt từng thế hệ con người biết soi sáng tâm trí mình vào lý nhân quả nghiệp báo mà hành động sao cho tốt đẹp đem lại hài hòa bình yên, lương thiện cho mọi người trong cộng đồng dân tộc. Thậm chí trẻ con trên 10 tuổi cũng tự nhiên biết câu: ác giả ác báo, chúng phát biểu rất đúng hoàn cảnh sự việc xảy ra cho đối phương, hay chạy trời không khỏi nắng. Và tiến sâu hơn một chặng đường, nghiệp nhân quả báo đối với tâm thức hay sự hiểu biết của bình dân mang tính chất hai mặt là: họ coi nghiệp nhân như một định mệnh và tự biết sửa chữa tội lỗi cũ, cải ác tùng thiện. Sống ở đời, khi thình lình gặp cơn gió đen thổi tới hay bao tai biến khổ lụy ùa tràn vào, bất hạnh rủi ro, thì người ta tự nhiên nghĩ rằng kiếp trước mình vụng đường tu nên mới gặp quả khổ đau sau này. Không kêu trời trách đất. Tự cam chịu và trong cam chịu hoan hỉ âm thầm đó, họ biết cố gắng tu tỉnh tâm hồn hành động, cải ác tùng thiện, ăn chay niệm Phật thanh lọc tâm hồn họ, làm mới lại cuộc sống. Có người còn thuộc chắc câu thơ chữ Hán rằng:
“ Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”
Nghĩa là, muốn biết nghiệp nhân đời trước đã làm những gì thì hãy nhìn kết quả hôm nay họ đang hưởng thụ, và muốn biết kết quả đời mai sau như thế nào thì hãy nhìn cái việc làm của họ bây giờ. Nhưng giáo lý nghiệp nhân quả báo luân hồi còn nhiều chỗ phức tạp, ta hãy đi vào phần nội dung để tìm hiều, soi sáng thêm nhiều điều rất hay để biết chỗ sáng ấy mà hành động khiến đời ta tươi đẹp bây giờ, mai sau.
II. Thân bài:
A- Nghiệp nhân quả báo luân hồi là gì?
a) Định nghĩa hai chữ nghiệp báo: Nói cho đủ là nghiệp nhân quả báo. Là quả trổ ra để báo đáp lại việc làm mà ta đã phóng ra bởi thân miệng ý từ quá khứ hay bây giờ. Nghiệp là mọi việc làm xuất phát từ chỗ cố ý, định ý quyết tâm. Việc làm nào không xuất phát bởi ý đồ sâu sắc thì không phải là nghiệp. Sự trổ quả có khi là tức khắc, hay có khi lâu dài mới trổ ra, vì thế có sự tái sinh chuyển kiếp để trổ ra quả, đó là luân hồi. Luân hồi là một thực thể, một sự thật vì có nhiều người khi sinh ra đời họ biết được tiền kiếp vốn là ngườimở xứ nào, nói trúng đến cả nơi sống cũng như tên người trong gia đình kiếp trước, Hay có những kẻ sinh ra tự nhiên thông hiểu nhanh chóng một ngoại ngữ, có khi chúng chỉ thoáng ngay qua liền nhớ chắc. Và còn biết bao nhiêu điều ngoại lý trí không giải đáp nỗi. Đó là nhờ tiền kiếp họ đã trải qua, nhất là có kẻ trở nên thần đồng. Luân hồi là luân hồi ở ngay nhịp đập quả tim đời sống hiện giờ, nhịp đập ấy được nối tiếp cho đến khi bỏ xác thân này và ý hướng mãnh liệt khát khao về một đời sống khác ấy, đeo níu thành một sợi dây nghiệp thức, kiết sanh tương tục thức, mà nhanh chóng trở lại thân sau. Đó là sự chi phối bởi lý nghiệp báo luân hồi.
b) Nguyên lý căn bàn của luật nghiệp nhân quả báo: Tự tác hoàn tự thọ là nghiệp nhân do chính mình gieo ra trong đời sống hiện giờ hay quá khứ về việc làm tốt, ích lợi an vui cho ai nấy hay việc làm nhơ bẩn, xấu ác hại người mà cuối cùng, tức khắc ta lãnh hậu quả đắng cay hay sung sướng. Không có thế lực nào hay thần linh nào trừng phạt cho hành động ấy, hay ân thưởng cho hành động ấy cả. Trong kinh Pháp Cú tỉ dụ, câu 19 có nói rằng : “khi nghiệp nhân đã gieo thì kết quả chắc chắn phải lãnh thọ, không thể trốn vào đâu được, dù kẹt núi, biển vả hay trên hư không”. Như vậy, trên nề tảng nguyên lý là có nhân thì ắt có quả, tất yếu không sai chạy như ta nói trên nguyên lý hai với hai là bốn. Thì đó là nguyên lý, chứ đi sâu vào hiện thực thì còn nhiều chi tiết phải được liệt kê ra. Hai con bò và hai củ khoai thì không thể nào thành bốn con bò được mà phải đồng loại hai củ khoai cộng với hai củ khoai, mới thành bốn được, con bò cũng vậy. Nghiệp nhân cũng vậy, dù là có nhân ắt có quả nhưng nó còn phải trải qua điều kiện hội đủ mới trổ quả được. Hiểu biết về nghiệp nhân quả báo củ ta thường chỉ ở mức thấp với hiện tượng thôi. Đức Phật từng nói ta chỉ hiểu tới đó là cùng. Vấn đề nghiệp nhân quả báo luân hồi phức tạp và dị biệt, chỉ có Đức Phật với trí khôn tuyệt vời mới thấu tới nguồn cội nó, chỉ có Ngài mới chiết tính hết toàn bộ của nó như nhà đại kiến trúc sư mới có khả năng chiết tính ngôi building đồ sộ 72 tầng với tất cả cơ cấu kiến tạo trong ngôi building ấy. Cái hiểu của ta, khi nói cất ngôi nhà, thì chỉ hiểu là nhà hai chái, ngôi nhà đúc vài tầng đơn sơ thôi.
c) Cội nguồn xuất phát của nghiệp nhân là Tâm. Trong Pháp Cú kinh, câu 1 có nói : Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay là với tâm ác thì sự đau khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe… và nếu ta nói hay làm với tâm trong sạch thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng theo hình”. ( câu 2) đó là một sự thật ròng rã quay đều khắp càn khôn vũ trụ. Một quả bom hạt nhân quăng xuống giết bao nhiêu mạng người há không phải xuất phát từ tâm kẻ chế tạo là gì? Cái tâm, ý, suy tưởng vô hình nhưng nó lại tạo ra hết thảy báo ứng của nghiệp. Tác ý là đơn vị nhỏ nhất của một tâm niệm. Biết rõ chỗ cội nguồn ấy nên ta phải biết giữ chắc tâm ý, hướng nó vào thiện nghiệp để gặt kết quả tốt cho đời sống của ta và mọi người chung quanh.
d) Nguồn gốc của nghiệp nhân: Vô minh và ái thủ. Vô minh là thiếu hiểu biết đúng đắn sáng tỏ về lẽ sống hướng thượng rồi tâm ham hố mọi thứ, nhất là năm dục trên cõi đời này, nó là một thế lực cực mạnh kiên cố đun đẩy ta hành động theo chiều bản năng phát đạt từ vô số kiếp đã quen kỹ thuật thao tác một chiều ham thích ấy, cứ thế mà ta hành động, đạp lút ga cho xe đời vọt tới mà không thấy phía trước cầu đã gãy, cuối cùng ta lọt xuống trầm luân. Trong đời sống, ta cứ hành tác theo chiều bản năng 99% ấy thì đó là ta tự se sợi dây nghiệp thức cực chắc để tự buộc cổ mình vào bánh xe luân hồi tái sinh cứ thế mà trôi dạt thênh thang trong 6 cõi buồn tênh ảm đạm, hay ta như con tàu vô chủ trôi dạt trên biển luân hồi suốt tỉ kiếp, chịu mọi sóng gió dập tơi tả, từ mỗi chặng tái sinh. Như thế chỗ gắt eo của chấm dứt khổ lụy, tái sinh là phải biết tu tập xả ly, cắt đứt dần mọi động tác ngu tối, mọi đeo níu, bám víu quá mạnh vào ham thích dục lạc tạm thời ngày nay, mà đặt chí hướng vào trời thanh tịnh giải thoát.
B- Vai trò của nghiệp nhân quả báo trong đời sống.
a) Nó cắt nghĩa hợp lý cho ta về mọi hiện tượng trong đời sống xã hội, gia đình. Trong cùng một gia đình. Trong cùng một gia đình máu mủ nhưng hai anh chị em lại có đứa thông minh, có đứa chậm hiểu, ngoài xã hội có người giỏi giang, có kẻ là thần đồng, có người ngu tối mù tịt. Có nhà bác học cực kỳ thông minh, nhưng sinh con không được thông minh như vậy. Trái lại, có nhà nghèo khó nhưng sinh con thông minh tuyệt vời. Còn biết bao trường hợp dị biệt lạ lùng khác. Khoa học tiến bộ ngày nay về ngành sinh học, họ mới nghiên cứu đến chỗ cốt lõi sâu nhất của mạng sống con người là Gien ( nỏ chỉ bằng 1/30.000 Inch), nhà khoa học, sinh học nào lại không đặt tham van làm sao chết tạo toàn Gien thông minh tuyệt vời cho trái đất nhờ. Nhưng họ không cách gì làm được. Như vậy, ngoài hết thảy yếu tố tinh vi nhất về huyết thống, di truyền, điều kiện này nọ ra, con người như vừa nói trên khác nhau ấy nếu không có nghiệp nhân thì làm sao cắt nghĩa được? Mà nghiệp nhân đó là một sự thật, nhờ ở luân hồi, tiền kiếp chỉ rõ điều ấy. Thuở nọ, các nhà khoa học cùng nhau phát động ý niệm con người chỉ là sinh vật như bao sinh vật khác, không có yếu tố mầu nhiệm sâu kín nào. Đầu tiên họ cho thí nghiệm là chặt đuôi Chuột. Tin rằng Chuột bị chặt đuôi ấy, cho phối kết sẽ sinh ra Chuột cụt đuôi. Họ làm thí nghiệm ấy trên 30 năm trời là cứ chặt mãi đuôi chuột đời cháu chắt nhưng không đạt kết quà mong muốn vì chuột dù bị chặt đuôi đến bao đời, nhưng khi đẻ ra, chúng vẫn thò lò đuôi dài như mấy tỉ năm về trước. Họ đành bỏ dở thí nghiệm ấu trỉ ấy. Chỉ với loài chuột đơn giản tế bào mà còn như thế huống nữa là con người. Điều ấy xác định cho ta là con người chắc chắn phải có nghiệp đời trước đã gieo nghiệp nhân nên mới có kết quả dị biệt lạ lùng trong đời này giữa mọi con người trùng trùng phức biệt.
b) Tiến trình gieo nghiệp nhân quả đến kết quả: Tùy thuộc vào duyên lực, hoàn cảnh, điều kiện thích hợp và nhất là ý chí con người. Trong thế giới thực vật cỏ cây, khi ta gieo hạt cho đến cây trổ trái, còn đòi hỏi bao nhiêu điều kiện tối thiểu cần thiết. Nếu thiếu, thì nó không mọc lên cây hay có lên cây, nhưng không trổ trái, hay có trổ trái nhưng trái lại đèo. Trong thế giới nghiệp nơi tâm con người càng phức tạp, thì tâm thức con người là một Dòng Biến động ngất trời. Do đó, lúc trước tạo nghiệp nhân xấu ác, sau đó lại tạo nghiệp nhân mới, nếu cứ lao theo nghiệp nhân mới đầy thiện cảm thì nghiệp nhân xấu ác cũ không có Duyên lực Cần thiết để trổ quả ra trái, mà trong đó, ý chí con người đóng vai người quản lý chặt tuyệt đối vì có thể chuyển kết quả bằng hành động tăng gia nghiệp nhân theo chiều hướng thiện nhân. Do đó, kết quả không phải ứng chắc ăn khớp theo một lần tạo nhân là phải chờ kết quả bi thảm đắng cay, vì sự tác động đổi chiều của ý chí con người đó là nét tươi sáng của tâm niệm của động tác chuyển nghiệp nhân mà con người làm được một cách tự tại.
c) Các loại nghiệp: Trọng nghiệp là tội ác nặng, là giết cha mẹ, các vị Phật, A La Hán, người hiền thiện cao quý, vì đó là hạng người không còn tội lỗi, hay ít tội lỗi, tâm hồn họ thanh khiết quý báu. Thường nghiệp là những việc làm hàng ngày đều đặn, thiện hay ác, nó gia tăng mãi làm sợi dây bền chặt vô hình trong thức A Lại Gia, quyết định cho mọi vui thú hay đau khổ bấy giờ và mai sau. Một anh nọ suốt năm tháng chỉ nhậu nhẹt bài bạc, hết của cải, bán nhà cuối cùng tự sát. Đó là kết quả trực tiếp từ việc làm được nối tiếp nhân xấu đã gieo đến điểm nút như nước tới lúc sôi, trái trổ ra là cay nghiệt như vậy. Trái lại, người suốt đời làm thiện nghiệp giữ mãi như vậy nghiệp nhân tốt ấy đeo đuổi trổ quả an vui bây giờ và mai sau. Cận tử nghiệp: là ý tưởng nổi lên lúc sắp lìa đời. Nghiệp này tối quan trọng. Nó là một nghiệp nhân xấu hoặc tốt. Suốt đời làm thiện, nhưng giờ phút lâm chung một ý ác, một ý luyến tiếc quá mạnh nổi lên thì nghiệp thức ấu trở thành chủ chốt dẫn đến tái sinh đời sau. Nó như con bò già luẩn quẩn trong chuồng, bị bò mạnh lấn hiếp, bò nhỏ là nghiệp nhân lành mới làm bây giờ. Cuối cùng bò già trồi ra cổng chuồng, nên vừa tháo cổng là bò già vọt ra, không kiềm chế nỗi. Tháo cổng là lúc sắp lâm chung ý thức mờ tối không đủ sáng mạnh để nhiếp ý định tâm. Sinh về cực lạc Tây phương, lúc lâm chung phải tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập thiền định, mới về được, chứ tán loạn lung tung sao đủ sức mạnh ra đi ? Do đó, vấn đề trợ niệm lúc lâm chung phải làm bằng hiều biết chân chính. Do đó, phải thao tác kỹ thuật nắm giữ tâm cho thành thạo là tạo nghiệp nhân xuất ly Ta Bà ngay đây. Có vậy mới đủ năng lực chống lại tán loạn bất chợt nổi lên vì nghiệp thức mang mang hà sở cứ? Nó mênh mang biết nắm vào đâu, bám vào đâu? Phải bám từ bây giờ vào định ý viễn ly, sạch nợ, đó là tạo nghiệp nhân giải thoát một cách hay, giỏi đắp nối con đường viễn ly ấy cho chắc ăn mới đạt kết quả tốt thấy rõ từ bây giờ.
C- Nghiệp có phải là định mệnh chăng?
a) Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có thừa hưởng một phần nghiệp nhân đã gieo từ trước nhưng nghiệp không hề là một định mệnh khắt nghiệt như nhiều người nghĩ sai, vì ngay đây, ta vẫn có ý chí thay đổi cung cách sinh hoạt hành động, thì đó là ta toàn quyền thay đổi lối sống, thay đổi khiến cho nghiệp xấu cũ mờ úa đi. Không còn năng lực để trổ quả vì nó không được gia tăng hành tác, ấn tượng cùng loại, cùng chiều thúc đẩy cho nó trổ trái. Như vậy là ta đã âm thầm làm chột mầm nghiệp nhân cũ, ta đã phá tan nghiệp nhân cũ. Nghiệp nhân cũ không phải là lò khuôn đúc ra từng số phận y nhau trong cái khuôn bất di bất dịch.
b) Con người có khả năng thành Phật chính vì có ý chí, có quyết tâm hùng mạnh mà trong sáu cõi không ai có . Cõi trời vui chơi quá lắm nên không còn ý chí. Không phải ta gieo nghiệp nhân 100 Kg tội, thì ta chắc chắn bị giội xuống đúng 100 Kg quả. Vì làm từ tội đến kết quả tức khắc hay lâu còn tùy thuộc vào tâm niệm, duyên lực, tác động hoàn cảnh tình thế. Thí dụ, ta mắng một người, có thể bị tát tai, nhưng có thể không vì nếu gặp một người không nóng tính, họ còn hỏi lại, sự việc sẽ diễn tiến khác đi. Có thể bị trả quả ngay, còn được tha thứ, nhờ họ cảm thông cái nóng của ta. Từ đó ta có thể tiêu diệt cái nghiệp nhân cũ với ý chí biết rõ sự trôi chảy của dòng tâm thức. Phần nào được trội hơn, được chú ý được đậm đặc hơn thì có phần chiến thắng. Thế nên đời ta không phải tọa độ cay nghiệt của nghiệp nhân phải chịu nó pháo kích đủ trọng pháo mà không thay đổi được. Nếu nghiệp mà cố định dữ dội thì không ai tu thành Phật nổi. Trái lại, nhờ biết chuyển nghiệp nhân mà ta tạo dựng được cuộc sống.
c) Quan trọng là phải biết nắm vững được thường nghiệp, thao tác kỹ thuật nắm chắc tâm ý theo thiện nghiệp, xả ly nghiệp nhờ quán chiếu thấu ngộ huyển mộng dương trần, không tham đắm, coi mọi thứ là phương tiện sống chứ không phải mục đích đời đặt ta vào hữu vi dễ tan biến này. Nhờ thân này biết chánh pháp, biết đường lên thượng trí, biết cách chào vĩnh biệt luân hồi là ở ngay tự tâm gở bỏ lần hồi mọi bám víu, đeo níu trần dục. như gậy ta đã tháo bung cơ cấu của dòng nghiệp thức ngay tự tâm không còn tham đắm, cắt đứt sợi dây nghiệp thức oan nghiệt là cắt nó ở ngay chỗ mống động phóng túng ham hố của dương trần. Phóng dật chạy tha hồ theo kích động năm dục là tự tạo nghiệp cho mình.
III. Kết luận:
Qua những điều vừa trình bày, ta thấu hiểu định lý nghiệp nhân quả báo sáng tỏ, nhất là nghiệp nhân không hề là một bàn tay lông lá của thứ định mệnh khắt khe ghê sợ như nhiều người lầm hiểu. Giáo lý nghiệp nhân quả dạy cho ta bài học đúng đắn nhất, để tự mình xây cất ngôi nhà hạnh phúc an lạc bằng chính vật liệu có thật nơi chính bản tâm mình. Lần nọ, ông Mahanama, vua nước Ca Tỳ La Vệ, hỏi Đức Phật rằng hàng ngày con làm thiện, một lòng chí hướng cốt về Tam Bảo, nhưng lỡ khi con ra đường gặp ác thú hút chết con sẽ sinh về đâu? Đức Phật đáp: Khi ông trồng cây, hằng ngày nó nghiêng về hướng nào rõ nhất thì khi đốn nó sẽ ngã về hướng ấy. Đó là lời dạy ngăn nhưng vô cùng sáng tỏ về chỗ chí hướng vươn lên với khát khao cái gì thì ngay đây ta đã đi vào cõi an lạc đó, và mai sau khi lìa đời ta chắc chắn đi theo hướng ấy. Hay trong bài kinh về hạt muối trong Niyaka, Đức Phật cũng thuyết minh rằng: vốc muối nếu ta bỏ vào chén nước thì mặn vô cùng, nhưng nếu quăng vốc muối ấy xuống sông Hằng thì chả còn đâu chất mặn vì nước sông Hằng bao la. Cũng vậy, nếu làm mãi một hành động ác thì khác gì thì khác gì đem muối bỏ bào một chén nước nhỏ. Trái lại, nếu một lần nghiệp ác thì nghiệp nhân ấy chưa đủ để trổ quả vì liền sau đó, tâm ý được nối vào bởi bao thiện nghiệp, nếu thiện nghiệp này cứ gia tăng thì nó như nước dòng sông cái đổ vào làm tan đi ấn tượng của các nghiệp, khiến nó tiêu mất đi.
Giáo lý nghiệp nhân quả báo dạy ta biết chế ngự mọi bất hạnh, không gây các nhân để nối dài chuỗi oan oan tương báo mà là biết nỗ lực, đem sức mạnh của chí quyết ra cải tạo đời ta bằng hành động thiện Giáo lý nghiệp nhân quả báo làm bật dậy sức sống mới cho đời ta vì luật quả báo tùy thuộc vào Duyên lực và ý chí con người nó nằm ngay ở tâm con người. Tâm ta biến động trùng trùng nếu một hành động thiện mà được nối tiếp bổi bao ấn tượng thiện ấy cứ sống mạnh lên mãi, gia tăng mãi làm cho đời sống ở ngay đây trở nên quang đãng đắp nối con đường quang đãng ấy cho ra hồn thật sự bằng nổ lực hai lần thì đạt kết quả khả quan thôi. Giáo lý nghiệp nhân quả báo dạy cho ta biết chắc chắn một điều tối quan trọng là không có ai ngoài tâm ta cứu vớt ta khỏi ô uế tội lỗi cả, mà mọi việc trong đời sống, bốn bề ta tự gánh vác bằng tâm lý hành động sáng tỏ thánh thiện của mình. Ta thành thánh ngay chỗ ta biết việc làm của mình ngay đây là việc làm giải thoát hay trói buộc. Đó là nhờ ánh sáng chánh pháp soi rọi ra ân ích vô lượng hy hữu cho một kiếp dương trần gió bụi này. Ta chào vĩnh biệt luân hồi từ ngay tự tâm mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét