Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

TÁM PHÁP HÀNH TRÌ CĂN BẢN: BÁT CHÁNH ĐẠO

TÁM PHÁP HÀNH TRÌ CĂN BẢN: BÁT CHÁNH ĐẠO
***
DÀN BÀI
I. NHẬP ĐỀ:
Bát chánh đạo là 8 nguyên tắc hành động chân chính của những ai khát khao đạt giải thoát an lạc ngay đây. Nó là bánh xe pháp vĩ đại quay ở ngay tự tâm và hành động của ta. Nó là phần thực hành căn bản nhất trong Tứ thánh đế. Khổ tập diệt là phần nhận thức thấu đáo. Tám chánh đạo này mới là biện pháp hành trì cụ thể đạt niết bàn.
II. THÂN BÀI:
Bát chánh đạo là mở rộng của Tam vô lậu học, là pháp tu nền tảng từ đầu là Giới Định Huệ.
            A- Giới: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần là: Nói đúng sự thật, hành động theo hướng giải thoát, sống bằng công sức tu tập chân chính, siêng năng đi tới giải thoát.
            + Chánh ngữ: Không nói láo, không nói thêu dệt, không nói 2 lưỡi, không nói thô ác.
            + Chánh nghiệp: Hành động thân khẩu ý trong sạch, không tạo nghiệp ác tham đắm sân hận, sát hại, trộm cắp, dâm dục.
            + Chánh mạng: Không nuôi sống bất chính bởi lừa bịp mọi thứ.
            + Chánh cần: Siêng năng vô hạn với đạo giải thoát.
            B- Định: Chánh niệm, chánh tư duy:
            + Chánh niệm: Giữ tâm ý sáng tỏ một chiều với chí nguyện không quên, không vong  niệm, thất niệm.
            + Cháng tư duy: Hoạt động tinh thần, phán đoán suy luận theo hướng quán chiếu cốt lõi vạn hữu vô thường, vô ngã, duyên sinh.
            C- Huệ: Chánh kiến, chánh định.
            + Chánh kiến ( Chánh tri kiến, như thị tri kiến) quan điểm, nhận thức sáng tỏ mọi hiện tượng, không chấp có, không chấp không. Thấu biết khổ trong sinh tử, thấy ái thủ là nguyên nhân luân hồi, thấu biết duyên sinh pháp, không thần linh sáng tạo.
            + Chánh định: Thiền định lắng sâu đạt giải thoát, ra khỏi luân hồi là tối thượng.
III. KẾT LUẬN:
Là pháp tu tập chân chính, là gốc mọi pháp tu, Tu chuyên môn mở rộng thành Tứ niệm xứ. Thiền đều từ chánh niệm. Bát chánh đạo là pháp tu chung cho Phật tử. Nguyên lý tối sơ cho mọi hành tác của người tu đạo giải thoát.
                                                                       oOo

TÁM PHÁP HÀNH TRÌ CĂN BẢN: BÁT CHÁNH ĐẠO

I. NHẬP ĐỀ:  Sau khi chứng đạo giác ngộ cao cả tuyệt cùng, Đức Phật sau đó đã đến vườn nai ở Sanart, Bénares, khai pháp tịch, nói lời dạy đầu tiên cho 5 người bạn cùng tu với mình trước đây. Gọi là chuyển pháp luân từ đó, nghĩa là quay bánh xe pháp cho nó chạy trên dương trần. Đó là lối dùng hình tượng để diễn tả sự lên đường hùng mạnh của lời Pháp của Phật tổ. Xe có công năng chuyên chở và đi tới nơi nào. Lời dạy đúng sự thật của Phật như xe chở tâm trí ngu muội của chúng sinh đến kinh thành sáng tỏ của hiểu biết, của giải thoát, của an lạc, của vĩnh hằng. Xe đó chạy ở đâu? – Chạy ở ngay tự tâm chúng sinh, con người. Nói khác đi là giáo pháp ấy làm quay chiều đi, nếp nghĩ, hành tác của chúng sinh. Bấy lâu, ý nghĩ, hành động của ta là quay theo chiều tham đắm, sân hận, ham hố 5 trần dục không bao giờ ngừng nghỉ, nay phải chuyển đổi hướng đi của tâm ý, hành động qua ngã đường khác để chấm dứt đường đi cũ, là đường mãi mãi dẫn đến điểm hẹn cuôí cùng là tái sinh khổ lụy bời bời. Trong Tứ đế là 4 sự thật thì Bát chánh đạo này là phần thực hiện cụ thể cho ai nấy thể nghiệm an lạc giải thoát nơi tự tâm và bản thân mình. Thói đời, khi làm thành câu chuyện gì thì trước hết phải hiểu biết toàn bộ bản chất của sự việc kế đến là quá trình diễn tiến xảy ra  như thế nào, cuối cùng là bắt tay vào làm. Thế nên pháp Tứ đế cũng được thiết lập theo trật tự thế ấy. Đầu tiên là nhận thức toàn triệt vấn đề là trọn cuộc sống của nhân sinh, hữu tình này đều đặt trong tam khổ, bát khổ và khổ thảm thiết nhất là luân hồi khổ, kế đến là truy tìm nguyên nhân chính của sự tái sinh chịu khổ ấy, đó là ái thủ, là lòng khát khao gom về mọi thứ yêu mến trên đời.  Ý thức yêu mến ấy quá mạnh, nên trước khi chết, con người bám víu vào ý tưởng ấy, nên lại tái sinh đời khác thân sau để tìm cách thụ hưởng tiếp mọi ham hố của 5 trần dục. Kế đến, đế thứ 3 là mô tả cảnh an lạc, giải thoát ở tâm hồn sau khi lìa bỏ dập tắt hết mọi ham mê trần dục ấy. Và cuối cùng là biện pháp hành động cụ thể sáng tỏ để ai nấy tu tập đạt cái an lạc. Niết bàn vừa nói ở đế thứ 3 ấy. Bốn chân lý, bốn sự thật tuyệt diệu của Tứ đế không thể tách rời ra được, mà nó là toàn bộ khép kín, không biết nguyên nhân thực trạng, không biết cái an lạc, không khát khao an lạc, giải thoát thì làm sao tu tập với quyết chí được? Sau khi có đủ 3 yếu tố ấy thì đây, Bát chánh đạo được giới thiệu ở cuối. Nó là pháp tu gốc cho những ai muốn ra khỏi mọi u tối, mọi luân hồi khổ lụy. Tám pháp hành ấy vừa vặn quá đủ đối với thân khẩu ý mỗi con người. Giá trị ngời sáng của nó chính là chỗ thực hành đạt kết quả của mỗi người. Nó là giáo lý mở rộng của 3 pháp tu hết sức căn bản là Giới Định Huệ. Tu theo tông pháo nào đi nữa vẫn không thoát khỏi ra ngoài Giới Định Huệ ấy.
II. THÂN BÀI: Là 8 phương pháp, 8 nguyên lý chân chính nhất để đi tới giải thoát, nên còn gọi là 8 thánh đạo. Nó là sự khai triển từ 3 môn tu tập chính là Giới, Định, Huệ. 8 thánh đạo gồm: Chánh tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh cần ( Chánh tinh tấn), Chánh niệm, Chánh Định.
            A- Giới gồm 4 thứ là : Chánh ngữ- Chánh nghiệp- Chánh mạng- Chánh cần
                        a) Chánh ngữ: Lời nói chân chính là không nói láo, không nói thêu dệt, không nópi hai lưỡi, không nói lời thô ác, dơ bẩn. Lời nói là công cụ thiết yếu, và là sản phẩm đặc biệt của con người. Đạo cũng phải lấy lời nói mà truyền đạt. Người ta nói láo là nhằm mục đích lừa gạt kẻ khác, để che giấu tội lỗi, ý đồ mưu đồ bất chính của họ. Nói lời thêu dệt, nói 2 chiều trước mặt khen sau lưng chê, nói lời mắng nhiếc thô ác hết thảy đều bảo vệ bản ngã, bảo vệ mọi cái gì mình ưa thích gom về. Đó là lối sống của người trần. Từ đó gây nên bao đổ vỗ, gây nên bao nghiệp nặng nề, tạo nhân vướng kẹt trong luân hồi mãi mãi. Người tu thì đã lập chí bước mạnh ra khỏi mọi trói buộc về 5 dục, về mọi thứ hệ lụy bụi mù thì không còn lý do gì để nói láo, cho nên phải nói đúng sự thật, nói lời chân chính, từ ái, giải thoát. Lời nói thanh tịnh nó vang dội lại trong tâm hồn, khiến lòng ta an ổn, chói sáng, không còn lo sợ kiểu người nói dối sợ khám phá chân tướng. Lới nói chân thật rất quan trọng nên chánh ngữ được xếp vào ngôi thứ 3 trong tám chánh đạo. Lời nói mang thánh triết là lời nói đúng chân lý, làm an ổn lòng người, làm phát sáng trí hiểu biết.
                        b) Chánh nghiệp: Là hành động thân khẩu ý hướng về thánh đạo, cụ thể, người tu không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm ( đối với hàng xuất gia thì không được hành dâm bất cứ ai), không nói dối, không uống rượu. Đó là những hành động chính phải biết mà ngăn ngừa.
            Ngoài ra, về ý chí không tham đắm trần dục, không sân hận, không u tới. Về khẩu nghiệp thì như vừa nói. Không làm 10 nghiệp ác mà còn phải làm 10 nghiệp lành, là làm trái lại với 10 ác nghiệp, như không sát hại mà đem lòng xót thương. Nói chung là làm mọi lợi ích cho ai nấy từ thân khẩu ý. Nhất là về ý, phải biết rõ nghiệp tham ái, khát ái, khát dục, sân hận là đầu mối tạo nghiệp rất nặng, mà ngăn ngừa, cắt đứt bằng tỉnh giác chánh niệm, không cho tâm ý lung bung chạy theo sự réo gọi của trần dục, của đắm đuối say mê 5 dục.
                        c) Chánh mạng: Là đời sống hàng ngày với lương thực, tiền gạo cung cấp, phải sống bằng chính sức làm việc ngay thẳng của mình, không gian dối lừa bịp công sức người khác. Đối với nhà tu thì không được làm một số việc để thu tiền bạc, phẩm vật như coi bói, coi chỉ tay, coi ngày, đoán điềm tốt xấu, nghề thuốd men, nghề địa lý… mà khất thực nuôi sống đơn giản. Ngày nay thời thế có khác, hoàn cảnh có khác, nói chung là sống giản dị, không lừa bịp, làm nhiều gian trá gom về cho tư kỷ, cản trở đường tu tập.
                        d) Chánh cần ( Chánh tinh tấn): Là sự siêng năng vô hạn đối với chí nguyện tu học. Hành động này tối cần cho mọi pháp tu tập. Phép tu nào cũng luôn luôn đòi hỏi sự siêng năng vô hạn từ đêm đen đến ngày trắng mới mong kết quả sáng chói. Luôn luôn thấy tháng ngày trôi qua nhanh chóng mà phấn chấn không ngừng với việc rèn luyện nhiếp tâm, thiền quán, tu tập không giờ khắc lơ đễnh, phóng dật. Mọi sự ở đời, nhất là công nghiệp ngày nay, ai muốn thành công cũng phải siêng năng vô hạn. Đối với người tu thì phải siêng năng gấp hai lần cho mỗi ngày vì ngày mai, và một ngày mai nữa thôi là tro bay trắng khung trời với tử biệt tan hoang. Cứ nghĩ rằng ngày sẽ là biên thùy của mọi trễ nãi. Tục ngữ Pháp có câu “ Chớ để đến ngày mai những gì mà anh có thể làm ngay ngày hôm nay. Nhà bác học Pasteur nổi tiếng  bảo: Một ngày làm việc không nên, tôi có cảm giác tôi là người ăn cắp. Kinh Di giáo cũng khuyến tấn: Một đời để trôi qua trong hư nhàn, về sau có ăn năn cũng vô ích mà thôi. Thế nên, ta phải tinh tấn như bình minh khai hỏa, hối hả, rực rỡ phương đông. Tà tinh tấn, siêng năng là mãi lo những chuyện không góp công sức chính vào giải thoát, chế tâm. Tà tinh tấn là ngồi hàng buổi nói chuyện này chuyện nọ, tạp thoại nhân gian sự.
            B- Định gồm Chánh niệm, Chánh tư duy:
                        a) Chánh niệm: Là giữ độ sáng, tỉnh biết, biết mọi hoạt động tâm ý mình. Biết cái này tối quan trọng, là ý thức luôn luôn sáng tỏ thiếu xuống dòng sông tâm lý đang trôi qua mọi bến bãi hành động. Phật dạy hàng Tỳ kheo: Khi đi biết mình đi, khi đứng biết mình đứng, khi đại tiểu tiện, khi nhai khi nuốt, khi co khi duỗi… đều biết rõ mình đang làm những động tác ấy. Khi đi thì ngó về phía trước cây đòn gánh, không liếc ngó hai bên, không để tâm chạy nhảy như khỉ vượn. Thất niệm là lãng quên mình, lãng quên cái tỉnh biết ( Chánh niệm) thì ta bị tà niệm, ý xấu tấn công. Còn gọi là hệ niệm là cột tâm vào với tâm. Ta sống luôn luôn ý thức sáng tỏ mọi mống động của tâm cũng như hành động trong bất cứ  khi nào ta có chánh niệm, có sững hồn tỉnh giác. Thất niệm là không sững hồn thắp sáng lại ý thức tỉnh biết thì tâm hồn ta hoang vu tăm tối như địa ngục, như đất đen sình lầy. Sống bằng tỉnh giác chánh niệm là sống luôn luôn có quán chiếu tinh nhuệ, tạo ra trạng thái điềm đạm an lạc ngay đây, cắt lìa được mọi âu lo xao xuyến, bực bội cau có.
                        b) Chánh tư duy: Là phán đoán, suy luận, mọi hoạt động tinh thần của ta, ta phải hướng nó vào suy tư, quán chiếu về lẽ duyên sinh trong vạn pháp, lẽ vô thường, vô ngã, về huyễn mộng dương trần. để tìm thấy ánh sáng trí giác. Nhờ tư duy, quán chiếu sâu sắc mà ta lý hội được cái ê ẩm của vòng tái sinh vô hạn đều nguy hại, từ đó củng cố ý định chấm dứt luân hồi vào tinh tấn tu tập chào vĩnh biệt luân hồi. Những suy nghĩ, phán đoán phải nhằm vào giải thoát, nhằm vào lợi ích cho xung quanh, nhằm vào giải trừ mọi tham đắm, sân hận. Chánh tư duy còn gọi là Chánh chí tức là chí nguyện, ý chí mình tập trung duy nhất vào đường giải thoát.
            C- Huệ gồm Chánh tri kiến, Chánh định:
                        a) Chánh tri kiến: Còn gọi là Chánh kiến, như thị tri kiến. Chánh tri kiến rất quan trọng, nó được đặt lên ngôi thứ nhất trong 8 thánh đạo, vì sao? Đạo Phật được gọi là đạo giác ngộ cũng từ đó. Đạo Phật lấy việc đào luyện trí tuệ làm đầu, vì có trí huệ thấu hiểu cốt lõi vạn pháp, thấu biết lý duyên khởi, lý vô thường vô ngã thì ta chấm dứt mê lầm trầm trọng từ vô lượng kiếp đã xây đắp, không còn ham hố 5 trần dục cũng như mọi hữu vi bào bọt huyễn mộng dương trần này, ra khỏi mọi trói huộc, đạt hạnh phúc tự do. Ta không đạt hạnh phúc tự do tự tại tuyệt đối là vì ta cứ mãi bị trói buộc bởi lòng thiên chấp, dính khắn chủ quan tham đắm vào mọi thứ một cách tự động, nên một khi những cái mà ta yêu mến ấy tan biến thì tâm ý ta cũng bị tan biến rối bời theo nhịp sinh diệt của nó. Như thị tri kiến là thấu biết tới chỗ cốt lõi như vậy của nó. Chánh tri kiến phát quang cho ta về càn khôn vũ trụ này không hề có thần linh sáng tạo, cản lối, mà hết thảy vạn hữu này đều trồi lên diệt xuống bởi nguyên lý duyên khởi và duyên lực tác động, đó là nguyên lý sanh diệt pháp vĩ đại vốn có ở đó tự bao giờ cho đến mãi mãi thiên thu. Đức Phật bằng trí giác tuyệt diệu mà khám phá nguyên lý mầu nhiệm ấy, nói lên, công bố ra. Nguyên lý ấy là một phần tự nội chứng, nội dung giác ngộ của đức Phật. Có lần ngài A Nan thư với Phật rằng mình hiểu nguyên lý duyên khởi rõ như vật để trên lòng bàn tay, Phật bảo, chưa đâu, chỉ khi thiền định kiên cố chứng ngộ mới thấy biết hết được màn lưới vĩ đại của nó. Đối với con người trải qua bao đời sống chết thì nguyên nhân chính yếu là ái thủ. Từ đó thiết lập 12 khái niệm để chỉ ra thân phận con người. mà trong đó 2 khoen ái-thủ là đầu não, như bàn tiệc vòng tròn gồm 12 người mà hai gã chung tiền cho mụ chủ quán vô minh là ái và thủ. Ta ám sát hai gã ái thủ ấy thì bàn tiệc tự dưng giải tán thôi. Bởi thế tu tập tới chỗ vĩnh đoạn luân hồi thì phải nhằm 2 gã ấy mà đánh cho tan biến đi, đó là đoạn ái ly tham, ly sân. Cái khám phá ra nhuồn động lực chính của luân hồi, dầu mỡ đổ vô bánh xe luân hồi cho nó chạy chính là ái thủ, là một khám phá vĩ đại của đức Phật. Có chánh tri kiến mới thấu ngộ ra sáng tỏ, rạch ròi như thế. Chánh tri kiến là thái độ nhận thức hết sức khôn ngoan thánh triết.-
Đương thời, hệ tư tưởng của Ấn Độ cầm chịch bởi 6 học phái và nhiều học phái khác, họ chưa giác ngộ nên lý luận đó tạo ra vô số tà kiến là những kiến thức, quan điểm thiếu sót, sai lầm, ở đời thường, ta cũng thấy tà kiến giặng mắc khắp lối dương trần này, mà cụ thể hơn hết đối với đời sống đối với số phận con người, họ cho rằng hoặc là sống một đời này, chết là không còn gì, hoặc cho rằng có một hồn thiêng bất diệt, thân chết như nhà sập thì hồn thiêng dọn qua nhà khác mà ở, đâu vào đấy, nghĩa là ai làm người thì tiếp tục làm người, thú nào chết thì tiếp tục sống đời khác cũng thú, không có gì thay đổi hoặc cho là có thần linh trên cao cả nào đó luôn luôn cứu vớt tội lổi cho mình, đời sống sướng khổ đều do ông thần ấy phán định… còn biết bao tà kiến khác nói không hết, hay gần đây, có bà nọ, người Việt nói khá rõ tiếng Anh, Pháp, Đức mở đạo bảo ai muốn hết khổ thì đến bà truyền tâm ấn là hết khổ. Niệm tên bà là hết khổ, treo thờ hình bà là hết khổ. Có người mua 3 tấm treo từ lầu 3 trở xuống, mỗi tấm 10 USD. Lúc đầu, bà còn cạo tóc, mặc áo tu kiểu sư, thời gian sau mặc áo kiểu vua Thái Lan, để đầu tóc uốn quắn, ngồi chụp hình như bà vua oai vệ. Bà còn làm nhiều trò vui mắt lăng nhăng khác, như nhảy múa nọ kia, nhưng cũng được đông người tin theo, bà bảo tu theo bà là giải thoát, xuất bản quyển sách nói về ăn chay, làm lành chung chung, là những việc làm mà người thiếu ánh sáng chánh tri kiến bị mê hoặc, mê hoặc như cuồng nhiệt nữa mới chết chứ!
Chánh tri kiến của Phật giáo dạy khẳng định cho ta rằng: Nhân quả tự tâm. Nếu từ tâm ý ác phóng túa ra hành động ác thì cứ theo chiều thuận với nó mà bao nhiêu duyên lực thúc đẩy thì chắc chắn gặt quả ác sớm hay muộn mà thôi. Trái lại, từ tâm lành phóng ra những hành động lợi lạc ai nấy thì cũng vậy là duyên lực cùng nhiều thiện nghiệp bổ sung thúc đẩy thì ta gặt quả phúc an lạc.. Từ nhân trổ ra quả, luôn luôn đòi hỏi duyên lực cùng chiều bổ sung. Nếu duyên lực đi ngược lại thì không trổ quả, vì duyên lực ấy lại chính là nhân mới, đi ngược lại chánh nhân cũ. Chánh tri kiến dạy rằng mọi đau khổ đều xuất phát từ tự tâm lành hoặc ác, không hề có thần linh nào ban cho hay đọa đày ta cả. Quán chiếu tu tập nhờ chánh tri kiến mà ta gỡ mình ra khỏi mọi cố chấp, mọi bám víu quá nặng bấy lâu.
Chánh tri kiến là ánh sáng hùng mạnh của tri giác. Thực hiện có chánh tri kiến đòi hỏi phải hiểu giáo lý, nghe, quán chiếu, suy nghiệm giáo lý, chứ không quán chiếu mà chỉ nghe giáo lý như gió thoảng qua thì chưa đi tới đâu, ánh sáng chánh tri kiến không lộ ra được. Chánh tri kiến khó tụ tập cho ra trò vì mỗi chúng ta bị lún nặng quả sâu trong phù sa tình cảm yếu đuối bấy lâu. Ta cứ có thói quen là nhờ vã kẻ làm thay cho mình. Cái tâm ý ỷ lại ấy ăn sâu trong tim gan rồi, thế nên dựng tinh thần dậy để thấy ánh sáng vĩ đại của chánh tri kiến là rất khó. Ta dễ tin, dễ nghe theo cái gì không căn cứ chánh tri kiến, mong cầu có phép lạ, được ai cứu giúp, còn mình chỉ ở không. Ta phải thấy giá trị ngời sáng của Chánh tri kiến mà nổ lực tu tập quán chiếu để có cái nhìn, hiểu đúng về phận người, về càn khôn vũ trụ. Phật pháp nan văn chính một phần vì ánh sáng của Chánh tri kiến quá mới mẻ này. Như Phật bảo, ai cũng có khả năng thành Phật phải cố gắng giồi mài tâm ý, hành động thì ta nghe không thấu, vì ta khoái yên phận làm đệ tử, không mấy ai cần cầu tiến lên làm Phật, vì nó gian khổ. Chánh tri kiến giúp ta biết được những tà pháp tà đạo mà từ bỏ nó, như có người bảo tu lối truyền điển, lối khai khiếu… mọi lối ấy, coi chừng, là tà đạo bàng môn đó. Không có Chánh tri kiến thì bỏ mạng oan uổng với tà kiến, mất thân mất của, mất trí.
b) Chánh định: Là thiền định của Phật giáo, đó là phương tiện duy nhất để ta có trí huệ, thấu ngộ chân tướng vạn hữu chấm dứt tái sinh ê ẩm trong luân hồi. Lý tưởng mục đích tối thượng của ta là tu tập có giác ngộ chấm dứt luân hồi tái sinh. Thiền định ngoại đạo thì tu để cầu thần thông biến hóa, sống dai , có phép lạ. Nhưng tất cả đều ở trong vòng thảm não của luân hồi mà thôi. Chánh định là phép tu chân chính, nó khiến trí sáng mình phát lên thấy được mọi hữu vi đều chóng qua, đều trong tan biến tự nhiên của vô thường, mà ta không còn cái tâm đắm nhiễm vào hữu vi. Coi nó là phương tiện sống thôi. Thiền định chuyên môn là ngồi thẳng lưng, nhiếp gom tâm ý vào hơi thở gọi là sổ tức, tùy tức, theo hơi thở đưa tâm theo nó ra vào với đề tài chuyên chú như Không. Khi tâm ý cắm sâu bất loạn vào không ấy thì một ngày nào bừng ngộ. Sổ tức, tùy tức là giai đoạn đầu, kế đến là nổ lực gom tâm vào không, cho đến chẳng còn chút phân biệt rạn nứt phân biệt đối tượng, chủ thể thì cơ bừng ngộ sắp xảy ra. Hay có lúc ta tập trung tâm ý quá mạnh vào việc coi kinh, ngồi hàng giờ quên thế giới bên ngoài, thình lình tới một trang kinh nào đó ta bỗng lóe sáng tâm ý lên, đó là tiểu ngộ, tự thấy trong ta nẩy nở một hiểu biết sáng kỳ lạ. Đó cũng là công năng của thiền định.
III. KẾT LUẬN:
            8 thánh đạo là một pháp tu để phát triển thánh trí cho ta. 8 pháp này liên quan chặt chẽ, chứ không phải ta chỉ làm một pháp mà đủ được. Ngay đây, trong đời sống ta thấy khi ta giao tiếp hay ngồi một mình thì thân khẩu ý hoạt động liên tục, đều trải qua 8 con đường ấy, hoặc thế này thế khác. Khi nói, ta đã có nghĩ, có chánh tri kiến hay không về vấn đề mình nói, tay chân cử chỉ thế nào. Đời sống hằng ngày ăn ngủ hành động ta có làm việc tốt hay chỉ sống long nhong không góp công sức. Có những đạo đức vô hành đó, như trong nhà ông bà ngoại nội, già không làm gì hết, nhưng sự hiện diện của ông bà nội ngoại là sự hiện diện cuả đạo, đức vô hành làm cho gia đình ấm cúng hài hòa yên vui. Bát chánh đạo là pháp hành mà Phật tử phải biết và làm theo để đời sống có an lạc hạnh phúc, làm từ cạn đến sâu, làm từng phần, hai phần mà tiến lên ngày càng đầy đủ hơn. Trong đó, Chánh tri kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh cần (Chánh tinh tấn) là phải làm từ bây giờ. Còn người xuất gia thì có hoàn cành chuyên môn hơn, nên 8 thánh đạo này là chỉ huy đời sống trọn vẹn. Cụ thể như Chánh niệm là phép tu phổ biến mà bất cứ ai, muốn có an lạc hạnh phúc đều phải làm. Có Chánh niệm là có ý thức về mọi thứ mình đang làm, biết mình đang làm từ đó thấy giá trị, vị ngọt của việc làm. Cứ thế ta giữ Chánh niệm bền bỉ thì giải trừ được nhiều sốc nổi lung bung làm rối tâm trí./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét