TỨ ĐẾ LÀ NGUYÊN TẮC SỐNG
CHO NGƯỜI HIỂU BIẾT SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG MINH TRIẾT
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.134)
***
DÀN BÀI
I.Nhập đề:
Khai giáo của Phật Tổ Gotama là một khai giáo đặc biệt: Không phải thiết lập đạo giáo để tôn thờ thần linh xa xăm nào ngoài con người. Khai giáo là chỉ ra thân phận con người ngay đây với định hướng số một là chỉ rõ hiện trạng, phân tích nguyên nhân hiện trạng và cuối cùng là tạo dựng lại giá trị đời sống đầy minh triết ngay đây cho ai nấy.
II. Thân bài:
A- Tại sao Tứ Đế là nguyên tắc sống cho người biết sống một đời sống minh triết?
a) Định nghĩa Tứ Đế: Khổ hiện nay, tìm nguyên nhân của nó, Niết Bàn an lạc và con đường thực hiện nguồn vĩnh lạc. Tứ Đế là nền tảng cho toàn bộ giáo pháp của Phật giáo.
b) Giáo pháp của Phật trước sau như một, có mục đích chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, giáo pháp này không bàn tán đến vấn đề triết học bao la ngoài trái đất về thần linh, về mọi hý luận không thiết thân cho đời sống con người ngay đây trong khổ não.
c) Tứ Đế là nguyên tắc thiết thực chỉ đạo cho người biết xây dựng cho mình một đời sống minh triết.
B- Đâu là nền tảng xây dựng hệ thống Tứ Đế?
a) Quan sát: Suy tư nhìn biết tới chỗ cốt lõi của đời sống là nội dung cuộc đời này bao gồm ngũ dục, tam khổ, bát khổ, luân hồi khổ.
b) Phân tích: Truy tìm nguyên nhân chính yếu đã tạo nên cõi đời, thân phận mọi chúng sinh; con người, đó là vô minh và ái dục.
c) Xuất ly: Biết mọi hữu vi đều gian trá, huyễn mộng mà tạo dựng lại đời sống có giá trị hơn, không sống đời vô hồn, mù tịt, chỗ sinh và chỗ chết. Gỡ mình ra khỏi mọi say đắm quen thói, tạo ác nghiệp làm dầu mỡ cho bánh xe luân hồi.
C- Giá trị Tứ Đế trên lịch sử phát triển, tiến hóa của đời sống mọi mặt của nhân loại:
a) Đời sống vút qua, nhân loại tiến đến văn minh vật chất cao đạt mọi thứ, nhưng nỗi đau khổ vẫn cứ hiện hữu ngay đây.
b) Tứ Đế có phải là một biểu thị cho một nền văn minh già cỗi hữu lậu chăng?
c) Tứ Đế trang bị cho ta một thái độ nhận thức đầy sáng suốt, là nền tảng cho đời sống tiến lên.
III. Kết luận:
Tính chất cao quý của giáo pháp Tứ Đế là lần đầu tiên về nội dung cuộc đời, thân phận của con người còn được nói đến với một sự thấu biết toàn diện sâu sắc nhất, và giá trị của ý chí con người được công khai làm thành một vấn đề tối quan trọng là từ con người, với nổ lực, nó có khả năng biến mình thành Phật, thần.
TỨ ĐẾ LÀ NGUYÊN TẮC SỐNG
CHO NGƯỜI HIỂU BIẾT SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG MINH TRIẾT
I. NHẬP ĐỀ:
Sau khi chứng đạo cao cả, Đức Phật ngồi ở cội bồ đề suy tư thiền quán thêm 21 ngày nữa về nội dung giáo pháp mà mình vừa chứng đắc. Sau đó Ngài quyết định đến vườn Lộc Uyển khai pháp cho 5 người bạn cùng tu với mình trước đây. Bài pháp đầu tiên này được đem ra phổ biến, đó là pháp Từ Đế là pháp mà nội dung nó là nhằm nói đến đời sống hiện hữu trước mắt. Bài pháp này mang tính chất sống động rõ rệt về thân phận con người. Đó là vấn đề quan trọng số một.
Bài pháp này không phải để ca tụng, sủng bái thần linh nào ở trên cao, bài pháp này không phải được tuyên đọc từ một vị thiên sứ từ trời cao bay xuống cứu chuộc tội lỗi cho con người, mà là bài pháp được thể hiện, thấy được bởi một con người giác ngộ giữa trần gian này, về thân phận con người. Bài pháp này khai mở một đường đi, một chân trời mới là làm sáng lại giá trị con người, chỉ cho con người thấy được kho tàng trí thức cũng như khả năng của họ, để họ tự nỗ lực kiến tạo lại đời mình bằng mọi hiểu biết có căn cội đúng đắn nhất xuất phát từ ngay giữa lòng cuộc sống này. Đây là lần đầu tiên hiếm quý duy nhất mà giá trị đời sống, thân phận con người được đem ra phân tích nột cách sáng suốt nhất, bằng một kinh nghiệm ngay đây mà mọi hữu hình đều có thể tới, thấy rõ được. Đó là chỉ ra nội dung đời sống là khổ, tam khổ, bát khổ và cuối cùng là luân hồi khổ. Có cảm nhận một cách trực diện sáng tỏ chắc chắn như vậy mới khát khao, đi truy tìm nguyên nhân của nó với kế hoạch cụ thể từ hiện trạng này. Và nguyên nhân của mọi đau khổ ở đây xuất phát từ mọi hành tác mà ta đã phóng ra bởi sự xúi xiển của vô minh là thế lực ngu muội nguyên thủy và cái tâm bám víu đeo níu quá mạnh, khát ái về mọi thế trên dương trần một thuở mình đi qua. Sau khi biết rõ hai thế lực tương quan nhân quả ấy, ta bắt đầu chuyển dời bằng ý chí bằng nỗ lực của chính mình để kiến tạo đời sống thánh hạnh tiến lên đạt giải thoát thành thiên thần, cao cả ngay đây. Đó là vinh quang cao tột của một kiếp sống con người. Vinh quang không dứt ấy, đây là lần đầu tiên duy nhất trong lịch sử tiến hóa mà nhân loại mới có lần thứ nhất, nó được Đức Phật chỉ cách đúng đắn nhất, liêm khiết nhất cho ta thực hành. Khgông có ai ngàoi Đức Phật có cái trí không tuyệt cùng dạy cho ta như vậy.
II. THÂN BÀI:
A- Tại sao Tứ Đế là nguyên tắc sống cho người biết sống một đời sống minh triết?
a) Định nghĩa Tứ Đế: Tứ Đế là bốn chân lý, bốn sự thật ngay đây giữa lòng xã hội cuộc đời. Đế là cái gì chắc hạt, chắc thật không thể đổi khác được. Nguyên tắc, nguyên lý là sự nhận thức của con người có trí tuệ hiểu biết về vấn đề nào như 2 với 2 là 4, thì đó là nguyên tắc bất biến. Còn đi vào cụ thể là viết số 2, số 4 thì số ấy bị xóa mất. Nguyên tắc, nguyên lý mang chất thuần khiết bên trên, chỉ đạo, đèn soi cho sự sống. Đời sống nào bất cứ đều phải có sự chỉ đạo hoặc âm thầm hoặc sáng tỏ từ trong chỗ sâu thẳm hoặc từ trên trí hiểu biết cao cả. Tứ Đế là nguyên tắc chỉ đạo cho thái độ nhận thức và thực hiện đời sống đầy minh triết đối với những ai khát khao đời sống ấy, ở ngay đây giữa dương trần gió bụi bời bời này. Nó bao gồm 4 sự việc là khổ, nguyên nhân sự khổ, Niết bàn an vui, và con đường thực hiện nguồn an lạc vĩnh bằng ấy.
- Khổ: Là trạng thái bất như ý, mọi khát vọng chủ quan bị bác bỏ, thiếu hụt mọi thứ, là cái gì khó chịu đựng lâu dài. Khổ có khổ về tình cảm, khổ về tinh thần, khổ về thân xác và mọi thứ khách quan xung quanh. Khổ là một kinh nghiệm mà bất cứ hữu tình nào cũng thể hiện hơn một lần ngay bản thân mình, không nhiều thì ít, không một ai trốn khỏi cả, chính vì ta đã có thân. Gộp chung lại gồm có ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ; nghĩa là thân ta là trụ sở kiến tạo bằng vật liệu của khổ rồi, thêm vào đó còn chồng lên những đói khát, những nóng lạnh và bao nỗi ê ẩm khác trên đồi đổ tới không thôi. Hành khổ là mọi biến động không đứng yên làm ta đau khổ đối với những gì mình cứ ngỡ là vĩnh viễn còn hoài, đứng đó cung cấp cho sự ham thích của chủ quan mình bấy lâu. Hoại khổ là mọi hữu vi đều sống bằng nội tạng hoại diệt, không có bất cứ cái gì tồn tại trong không gian, thời gian mà không bị tan biến cả.
Còn mỗi thân phận có khổ về sinh, lão, bệnh, tử, khổ về nỗi chia lìa với mọi cái mình yêu mến, khổ vì phải đối mặt với kẻ mình thù ghét, khổ vì 5 yếu tố cấu tạo nên con người là sắc thọ tưởng hành thức. Món nào vượt lên cao là gây khổ não như người quá bộn bề về thân xác, y cử động tới lui khó nhọc hay đầu tư quá mức bỏ ăn ngủ mà chết. Khổ vì mọi mong cầu khao khát không đạt được, thất van, hủy mình như trai gái yêu nhau quá mà lấy nhau không được bèn cùng chết cho rồi. Nếu không chết thì làm sao sống nỗi với cái mong cầu mà không thực hiện được ấy? Và cuối cùng là cái khổ ghê gớm nhất nguy hại nhất chính là cái khổ luân hồi. Con người bị chụp trong lồng bàn luân hồi, tái sinh qua lại 6 cõi chịu roi vọt tơi bời, bị đá qua lại mềm như trái chuối trong cổng trại luân hồi suốt cả vạn tỷ đời đã trôi qua. Ra khỏi luân hồi là chấm dứt toàn triệt mọi khổ não.
Trong kinh từng nêu lên câu Phật tuyên bố nổi tiếng về thảm họa của luân hồi là : Nỗi khổ của lạc đà chở nặng đi qua sa mạc nắng thiêu đốt, không gọi là khổ mà cái khổ sâu sắc nhất chính là cái khổ bị kẹt thảm hại trong luân hồi tái sinh không biết đường thoát ra khỏi nó.
-Tập: Là chứ nhóm, là đậu lại, là cội nguồn của khổ, đó là kết quả của lòng khát khao ham muốn bám víu vào mọi thứ trên đời gọi là ái thủ, là 2 khoen quan trọng trong 12 khoen gọi là 12 nhân duyên. Tư tưởng ham hố quá mạnh ấy là sợi dây nghiệp thức buộc vào bánh xe tái sinh, đi tìm thân sau để tiếp tục truy tìm sự thỏa thích về đối tượng của 5 giác quan, trước khi từ bỏ thân đời này, chết thì ý đó dẫn dắt đi kiếm thân khác trồi lên cõi đời, cứ thế quay lộn trong ba cõi qua sáu ngả đời. Sống một đời ta lại lao vào đường hành tác mù quáng theo bản năng, thiếu trí tuệ soi thấu, lại tạo nghiệp bám víu đeo níu. Cứ thế trôi lăn chuyển kiếp không thiếu bộ dạng sống.
- Diệt: Là làm cho tắt ngấm mọi tâm ý lo toan sầu hận, tham đắm, và đủ cả hệ thống tâm lý cuốn theo gió bụi trần giới. Dập tắt hết tâm ý tối mù, lộn lạo ấy là ta có trạng thái yên tĩnh trong veo như suối thượng nguồn của tâm hồn. Đó là Niết Bàn, là ra khỏi mọi kích động của đối tượng 5 giác quan gây rối gieo tai họa.
- Đạo: Là biện pháp, là con đường thực hiện những động tác hữu hiệu chín chắn nhất để đạt nguồn vĩnh lạc Niết Bàn, vô sinh. Cụ thể là Bát chánh đạo, là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, cháng niệm, chánh định.
b) Tứ Đế là nền tảng cho toàn bộ giáo pháp Phật giáo vì giáo pháp ấy trước sau như một là làm lay tỉnh, chuyển đổi tâm hồn con người từ chỗ u tối tiến tới bình minh của hiểu biết chắc thật về vũ trụ, nhân sinh, thấu ngộ mọi cái đều là huyễn mộng. Từ đó không còn bị cuốn hút vào đắm nhiễm hư đời như bao tỷ kiếp ngu khờ đã lao vào nó. Và cũng từ chỗ cắt lìa đắm say năm dục ấy, mà đạt được nguồn an lạc biền bỉ chân thật có giá trị đáng tin cậy, có độ sáng vĩnh viễn. Giáo lý này dạy cho ta khôn hồn ra, biết soi mọi cái trong đời này là phương tiện sống chớ không thể nào vĩnh viễn an tâm lập mạng được với mọi bọt bèo hữu vi, biến hoại từng chặp được. Không bị trò gạt gẫm của sự tướng tạm bợ làm rung rinh, lôi cuốn hồn sáng của ta. Giáo pháp này không bàn luận, không nói đến những triết học rỗng những hý luận hấp dẫn như ngọn lửa mà bao đầu óc con người như con thiêu thân cứ bay vào. Giáo lý này chỉ nói đến khổ và con đường diệt khổ đạt an vui ngay đây cho ai nấy làm được, đạt được một cách hùng mạnh chắc thật, có thật với tầm tay chí nguyện mình.
c) Tứ Đế là nguyên tắc thiết thực, nó chỉ đạo con người biết sống, xậy dựng đời sống minh triết cho mình. Khi nắm vững toàn bộ nội dung cuộc sống với bốn bề trên dưới khác nhau, ta thấu ngộ vị trí giao điểm mà hướng tầm nhìn chánh kiến để thấy đường ta đi. Ta không còn dại khờ lạc vào chợ đời ngũ dục với mọi quảng cáo ấm êm tạm bợ mà bỏ mất cơ ngơi trí huệ lộng lẫy. Ta sống với tĩnh niệm ngời sáng muôn phần so với ngu tối trước kia. Ta không còn bị vướng vào lưới bẫy tà kiến giăng mắc khắp lối dương trần.
B- Đâu là nền tảng để xây dựng thể thống Tứ Đế?
a) Quan sát: Là nhìn toàn bộ hoạt động bốn bề của mọi đời sống ngay đây với suy tư quán chiếu sâu sắc mà khám phá ra toàn bộ nội dung cuộc đời là sự hoạt náo trên nền móng ngũ dục, tam khổ, bát khổ, trong mọi thứ lửa, lửa sân hận, lửa tham đắm và trong mọi biến hoại tới tấp đổ dồn, trong giông tố lũ lụt của thời gian tàn phá hết cả. Vĩnh viễn không có cái gì yên bền chắc thật, tam giới không yên mà là sống trong trạng thái nhà bị cháy bời bời. Có quan sát tới chỗ cốt lõi như vậy, ta mới có trí sáng thấu biết đời sống là gì. Từ đó động tác thứ hai là:
b) Phân tích: Truy tìm tới chỗ rốt cùng của đời sống, của thân phận mọi chúng sinh, thấu biết nó là kết quả từ tâm lý ái thủ, vô minh mà ra. Hiện đời này, có 2 tâm lý ái, thủ là tối quan trọng, là tâm lý bấu chặt gom về mọi thứ cho bản ngã ham hố. Từ đó đẻ sinh ra ngã sở ái, là cái mà ta ưa thích. Bản ngã là trung tâm, trụ sở cho mọi gom về ấy. Từ gom về bởi ái thủ quá mạnh nên những gì lọt khỏi tầm tay là gieo đau khổ cho ta, từ đó ta hành tác tạo nghiệp ác, xiết chặt cổ mình vào thêm bao đau thương khổ lụy, thế nên khôn hồn là sau khi phân tích nguyên nhân, thấu biết thì phải lập chí xuất ly.
c) Xuất ly: Là nổ lực gỡ mình ra khỏi mọi cuốn hút của thói quen từ vạn tỷ đời nay là sống xuôi theo chiều tham đắm, theo kích động kin khiếp của ngũ dục để rồi nó nhận chìm không thương xót ta vào cuộc tái sinh chịu roi vọt bi đát của mụ già vô minh tham ái mãi mãi. Đòi sống cũ mòn ấy là sống mắc nợ, là đời sống thua lỗ, là đời sống đầy xà mâu, bịnh hoạn thất bại. Gỡ mình ra không có nghĩa là chạy trốn ở đâu mà sống với vô nhiễm, vô úy. Đó là đời sống đầy thánh triết đầy tỉnh táo đáng giá muôn phần. Từ đó, ta ra khỏi nanh vuốt của luân hồi. Luân hồi không phải là một thế lực kinh khiếp nằm ở đâu ngoài tâm ta chờ ta chết, nó thò tay nắm ta mà nhét vào bụng nó để tha hồ quay ta như dế, mà luân hồi chính là ở ngay nhịp đập của tâm ý hướng túa theo 5 dục. Một ngày ta bị trầm luân chìm đắm bao lần trong sinh diệt liền lặn mà ta nào có hay biết đâu. Giờ phút này, tỉnh hồn sống với khẩu lệnh vô nhiễm, với xả ly, đoạn ái. Đó là tắt máy luân hồi vì ta không ngu dại châm thêm dầu mỡ tham ái nữa, bánh xe luân hồi ngừng quay từ chỗ ấy.
Ba động tác quan sát, phân tích và xuất ly là ba tâm lý hành động vô cùng gần gũi. Thực hiện trọn vẹn ba động tác ấy nên Pháp Tứ Đế được dựng lên coi như một ngôi nhà dựng lên từ ba cột trụ hiện thực ấy. Pháp Tứ Đế trở thành cái gì sáng chói nhất mang cả hồn thiêng sông núi tinh thần của minh triết ngay đây.
C- Giá trị Tứ Đế trên lịch sử phát triển, tiến hóa của đời sống mọi mặt của nhân loại:
a) Trải mấy nghìn năm, nhân loại từng bước tiến lên đài tri giác mới lần hồi có được nội dung văn minh rực rỡ như hiện nay với những chuyến đi về liên hành tinh nhân loại, với hệ thống vệ tinh viễn thông quét qua bầu trời. Ngày nay con người với những hệ thống viễn liên, cái nghe, cái nhìn của họ được nối dài như phép thần thông. Trái đất trở nên bé xíu. Mặt trời là tổ quốc của thái dương hệ đang bị thăm dò. Nhìn tổng quát, nhân loại có tiến về mặt trí hiểu biết, nhưng về tâm tính nhân loại thì chưa tiến được bao nhiêu mà là con người bất cứ đâu cũng vẫn với những buồn thương giận ghét oán thù với nhịp lên xuống của tham đắm. Và bất cứ xã hội nào cũng không thiếu biết bao số phận hẩm hiu. Con người là chỗ mọc ra vấn đề, không bao giờ chấm dứt được ới cảnh thiên đường hạ giới. Và trong hoàn cảnh, tình hình mới, văn minh mới con người lại còn vướng khổ khác về bịnh tật thậm chí nguy như Aids, và bao nỗi lo toan ngút trời khác. Bài toán cho thân phận con người vẫn chưa có giải đáp dứt gọn. Vì thế sự khổ lụy được nói đến từ trên 2500 năm trước vẫn còn đó. Quốc gia nào, nhà cầm quyền cũng muốn đem lại hạnh phúc cho muôn dân họ, nhưng nếu nhà cầm quyền thiếu cái tình chân thật thương dân cho ra trò thì muôn dân vẫn trước sao sau vậy, nghĩa là vẫn còn chịu đựng mọi khổ lụy từ mọi phía, ấm no vẫn cứ đi xa. Vậy thì vấn đề giải trừ đau khổ vẫn còn phải được nói đến mãi mãi.
b) Trong hoàn cảnh lộng lẫy của văn minh vật chất này, Tứ Đế có phải là biểu thị cho một nền văn minh vật chất này, Tứ Đế có phải là biểu thị cho một nền văn minh già cỗi, hủ lậu chăng? Vấn đề này, nhiều người chưa có tầm suy tư chắc hạt họ bảo đạo Phật gì mà cứ nói đến cái khổ, ôi, chán quá, đó là biểu thị cho nền văn minh già cỗi, hủ lậu. Điều ấy có đúng không?
Đạo Phật đâu có cấm ai vui chơi giải trí thụ hưởng bình minh trên biển, hay chiều tà gió mát trời đất choàng minh nị êm đềm trong cảnh nên thơ. Cái khổ đây, nói cho cùng là sự bưng bít, không biết lối ra khỏi tái sinh bầm dập. Đạo Phật thiết thực chỉ ra hiện trạng, dù ai có né tránh hiện trạng bi thương, vì bất lực như đà điểu vùi đầu vào cát, run sợ vì thấy sư tử đuổi mình. Đạo Phật lay tỉnh, làm cho ý chí con người hùng mạnh lên, đám đọ mình với sự thật để lãnh hội nó một cách thẳng thắn. Biết giá trị sống tối cao là đời sống hướng thượng đi lên với trí tỉnh táo, biết mình sống đây có giá trị gì, vì đời sống của ta đâu phải lao qua dương trần ăn ngủ thỏa thích rồi chết là trọn gói mất tan hết, không gì đáng nói. Nếu không có cái gì còn lại cao qúy thì đời ta khác gì đời động vật, tan rã như muôn loài cây cỏ? Đạo Phật với sự giác ngộ tối thượng của Phật đã ân cần vì ai nấy chỉ ra giá trị tuyệt quý của đời sống con người là chính nơi trạm người này, ta mới có đầy đủ cơ may duy nhất mà từ đó nổ lực tiến lên đời sống bất diệt.
c) Như vậy, Tứ Đế trang bị đúng mức cho ta một thái độ nhận thức tràn bờ khôn ngoan, không làm mất oan uổng giá trị một kiếp sống ngay đây. Kiếp sống hữu hạn này, với tấm thân này, mà ta bẫy mình lên ngôi thần thánh, thoát khỏi mọi khổ lụy hàng tỷ kiếp, thì đó là giá trị hiện thực không thể chối cãi. Đạo Phật chỉ ra biện pháp thực hiện cụ thể nhất, đúng nhất để ta tạo dựng lại đời sớng cao quý nbắt đầu ra đi từ chỗ chuyển hóa tâm hồn, có an lạc, có lòng thương thì đời mới vơi nỗi khổ được. Văn minh vật chất không hoàn toàn tạo được hạnh phúc lâu bền.
III. KẾT LUẬN:
Tính chất cao ngời sáng tỏ của pháp Tứ Đế chính là lần đầu tiên trong hàng ngàn năm, nội dung cuộc đời, giá trị kiếp sống nơi bản thân con người được đem ra đặt lên thảm xanh ý thức để truy tìm cội nguồn gây đau khổ đem lại đời sống an lạc. Đạo Phật trên căn bản là một phương pháp sống minh triết, khôn ngoan, thế nên từ buổi khai pháp tịch, từ buổi bình minh chân lý được rao truyền, với pháp Tứ Đế, Đức Phật đã nhằm thẳng vào hành tác cứu giúp con người. Điều ấy trong gần 50 năm khai hóa mọi tâm hồn cho những ai có cơ may gặp Ngài trong suốt lưu vực sông Hằng, đều cảm nhận được từ lực cũng như thượng trí mà Ngài đã gieo rắc cho họ. Từ đó, họ đã đạt được hạnh phúc Niết Bàn chân thật nhất. Qua hơn 2500 năm lưu truyền đến sông nọ núi này,Đạo Phật vẫn trung thành mãi mãi với định thức như một khẩu lịnh sáng tỏ muôn đời là chuyển mê thành ngộ, ly khổ đắc lạc cho ai nấy trong đường trần khi họ có khát khao tìm hiểu đâu là nẻo về, đâu là bến đò cuối cùng của chuyến đi buôn qua đường trần huyễn mộng này.
Chỉ trong đạo Phật mới có cái đặc biệt là nói đến khả năng thành Phật của mọi con người, vì chỉ có đạo Phật mới xác nhận lồng lộng nên rằng ai nấy đều có khả năng thành Phật nhờ ở nguồn hạt nhân của nó là ý chí, nguyện lực mà không một loài nào có ngoài con người. Các Phật tu kiếp chót thành Phật thì cũng ở trong kiếp người này mà thành Phật. Điều đó nhằm tạo một tân khí tượng cho linh thức con người, có kẻ đã giác ngộ từ thân phận con người, ta có gương hành động ngay đây khiến tâm hồn ta khoáng đạt bay lên như cánh chim thần kích thíach rằng ta cũng có khả năng tuyệt quý vậy.
Tứ Đế là nguyên tắc sống đời sống minh triết, điều ấy như ta lên tới tuyệt đỉnh của núi cao, nhìn xuống đồng bằng thu mọi cảnh vào nhãn tuyến thấy biết mọi đường ngang ngõ tắt đồng bằng. Ta nhìn thấu biết hết mọi đường qua lối lại trong đồng bằng đời sống dương trần, không còn u mê hành tác mọi việc khiến mình mắc vướng lại trong bến cồn đaau khổ nữa. Nguyên tắc luôn luôn là cái gì trên cao nhưng lại tối cần thiết, nó là trí khôn chỉ đường cho ta đi, tạo thành hệ thống ý thức cho sự hoạt động mọi thứ của thân khẩu ý. Học Tứ Đế là học với linh thức cảm nhận sâu sắc mới thấy giá trị ngời sáng của nó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét