Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG DẠY TA ĐIỀU GÌ?

NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG DẠY TA ĐIỀU GÌ?
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.244)
***
DÀN BÀI
I. NHẬP ĐỀ: Đổi thay hay thay đổi vô thường là nguyên lý lớn nhất đối với hiện tượng thiên nhiên, con người trong không gian, thời gian. Ngũ uẩn mà mẹ sanh ra vạn vật trong đất trời này. Vô thường là bà má cho bú mớm. Mọi vật lớn lên nhờ vô thường. Có vô thường, nhân loại mới từ chỗ u tối bước dần ra ánh sáng. Hiểu vô thường ta sáng mắt đi tới mãi chân trời rực rỡ của thánh chí, hết khổ đau.
II.THÂN BÀI
            A- Nguyên lý vộ thường chi phối hết càn khôn vũ trụ:
                        a) Định nghĩa vô thường:  Là mọi vật không bao giờ giữ được trạng thái lúc nào cũng như lúc nào mà là biến chuyển, thay đổi không ngừng.
                        b) Hai loại vô thường: Sát na vô thường, nhất kỳ vô thường: Là thay đổi từng tích tắc và chấm dứt một chập (chết).
                        c) Vô thường đồng nghĩa với chết là từ ngữ dùng riêng trong nhà Đạo.
            B- Vô thường biến đổi là sức sống thường hằng của vạn hữu:
                        a) Đặt ngược vấn đề: Nếu không có vô thường biến đổi thì có cuộc sống chăng? Không bao giờ. Không có vô thường biến đổi thì chúng sinh là chúng sinh mãi, không ai thành Phật hết.
                        b)Vô thường hoại diệt là nhịp đập đáng yêu của quả tim vạn hữu.
C- Vô thường trong phương trình pháp duyên khởi: Là vô thường, vô ngã: Vô tự tánh, không vật nào có tánh cố định vĩnh viễn.
                        a) Hiểu vô tướng là có trí huệ biết tới chỗ cốt lõi của vạn hữu.
                        b) Ngộ nhận vô thường là giảng vô thường như một cấm kỵ thuộc phạm vi luân lý: Vô thường, thôi chán nản quá.
                        c) Hiểu vô thường để ta không đắm nhiễm, mà giải thoát ngay đây.
                        d) Hiểu vô thường để gấp rút hoàn thành đạo nghiệp từng giờ phút trước khi cái chết ùa đến. Thấy rõ tốc độ của thời gian đang lan tràn, không dám phóng dật.
III. KẾT LUẬN: Nguyên lý vô thường mở mắt huệ cho ta, cố gắng tu tập với vốn liếng hữu hạn, của đời người. Hiểu vô thường, nên mạnh dạn phấn đấu từ đêm đen đến ngày trắng.

NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG DẠY TA ĐIỀU GÌ?
I. NHẬP ĐỀ: Ý niệm vô thường được biết đến rất sớm, trên tư tưởng nhân loại, ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc và Hy Lạp, vì vô thường , biến đổi là nguyên lý lớn nhất đối với mọi hiện tượng thiên nhiên đến con người sống trong gọng kềm của không gian và thời gian. Xưa kia Khổng Tử nhìn dòng sông trôi, liền dạy cho môn đồ rằng: Thệ giả như tư phù bất xã trú dạ, nghĩa là trôi chảy thế ấy, không quên chảy cả đêm lẫn ngày; và ở Hy Lạp, triết gia Héraclite cũng nói: Ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng nước, nghĩa là nước trôi từng giây phút, ngày mai ta đến tắm cùng dòng sông ấy nhưng dòng nước đã khác. Có lẽ dòng sông trôi là hình ảnh dễ cảm nhận về mọi sự trôi chảy biến dịch vô thường trong đời này, nên hai nhà hiền triết nọ cùng phát biểu giống nhau như thế. Ngũ uẩn là 5 yếu tố lớn nhất cấu tạo ra vạn hữu trên đời này là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, nhưng ở thế giới từ vô cơ hữu cơ cho đến động vật, thực vật, con người mà cấp độ 5 uẩn có khác nhau. Chỉ ở con người mới hội đủ 5 yếu tố căn bản ấy. Cây cối, có những loại cây dường như có cảm giác, chiều đến chúng xếp lá ngủ đi, hay ở rừng Nam Mỹ châu, có loại cây ăn thịt người. Ai đụng đến chúng là chúng cụp cành siết con vật, con người rồi con mồi tự chết tan mất cả hài cốt. Động vật, như con chó, con cọp chỉ có khả năng liên tưởng như hôm nay vì giận ta phang cho con chó 1 gậy. Ngày mai cầm gậy, mặt ta vui, ta kêu, con chó ngài ngại vì liên tưởng đến cái đau hôm qua. Nó không có khả năng phán đoán để hiểu rằng hôm qua ta quạu, còn hôm nay ta vui khác nhau. Con khỉ tinh khôn cũng chỉ có khả năng liên tưởng mạnh, bắt chước hay. Nếu voi, cọp, khỉ mà tiến đến có khả năng phán đoán, suy luận như con người thì ta không sống nổi vì bất cứ khi nào trong đêm chúng cũng có thể tràn đến tàn phá, giết người như chơi. Nhung trên hết thảy thì dù động, thực vật gì cũng đều nằm gọn trong vô thường biến hoại, không ai thoát được nguyên lý đó. Nó là nguyên lý như vầng trăng bên trên mà mỗi hạng loại cảm nhận ánh trăng vô thường biến đổi có khác nhau tùy hoàn cảnh mau chậm, thế này thế khác. Chỉ có nhất kỳ vô thường là chết là điểm hạn cuối cùng thì như nhau. Đó là một sự cân bằng tuyệt đối vì đã có sinh thì phải có chết. Những người không biết nguyên lý vốn lồng lộng như vậy nên đã cố công, tốn tiền đi kiếm thuốc trường sinh bất tử. Đó là một trò điên đảo cùng cực, u mê cùng lối.
            Có vô thường biến đổi con người mới từ chổ u tối dã man dần dần tiến lên văn minh rực rỡ như ngày nay. Nhờ vô thường biến đổi nên tâm trí ta mới thông thái ra nhờ học, và cũng nhờ đó, ta, phàm phu chay nhưng biết chuyển đổi tâm hồn mới có an lạc giải thoát. Hiểu vô thường tới chỗ cốt lõi của nó trong vạn hữu thì ta có con mắt huệ, từ đó, chấm dứt được một bộ phận lớn về khổ não. Ta khổ não không phải vì mọi chỗ mọi vật vô thường băng hoại mà ta khổ não chính vì chủ quan tham đắm của mình.
II. THÂN BÀI:
            A-Nguyên lý vô thường chi phối hết càn khôn, vũ trụ:
                        a) Định nghĩa: Vô thường là mọi vật không bao giờ và không thể nào giữ được trạng thái lúc nào cũng như lúc nào, trước sau như một, mà là chuyển biến thay đổi không bao giờ ngừng trong tự thể nó. Đây là một điều vô cùng sáng tỏ dưới mắt người đã trưởng thành. Càng khôn lớn, ai nấy càng có nhiều kinh nghiệm về vô thường biến đổi nơi này xứ nọ và chính bản thân mình: Mọi vật luôn luôn trên nhịp của sự trở nên, nghĩa là biến đổi mãi mãi, không bao giờ đứng yên. Trong kinh Na Tiên tỳ kheo cũng nêu lại ý trong kinh nguyên thỉ về con người chúng ta là không phải một, không phải khác, mà là một dòng trôi chảy như ngọn đèn cháy lúc canh hai, nhưng không phải ngọn đèn nào khác, cũng chính ngọn đèn ấy, nhưng sự cháy đã đổi thay rồi.
                        b) Thường, kinh nói đến 2 loại vô thường là sát na vô thường và nhất kỳ vô thường, nghiã là thay đổi xảy ra từ đơn vị thời gian nhỏ nhất là cái tích tắc của kim đồng hồ, và sự thay đổi có tính chất dứt điểm là chết. Chết là chấm dứt một nhịp biến đổi để tạo ra một nguyên nhân mới, cho một cái khác trồi lên mặt hiện tượng, ta gọi là sinh ra. Vô thường cũng chính là pháp sinh diệt. Cái gì làm nên sinh diệt? Đó là vô thường biến động trùng trùng. Ta đau khổ chính vì ta không có bước chuẩn bị khá tốt cho nhịp nhảy tưng của sinh diệt trong vạn hữu, nên khi nó chấm dứt nhất kỳ vô thường, ta đâm ra bàng hoàng, ngơ ngác, khóc hận trăm bề, trong tù ngục chủ quan cận thị tri thức. Ta đau khổ không phải vì vạn vật biến đổi vô thường mà đau khổ chính vì chủ quan tham đắm, món mình ham thích không ở với mình. Ta không lý hội hay không chịu hiểu tính chất, cá tính tươi đẹp tự nhiên của vạn hữu là vô thường biến động. Ta vì chủ quan ham mê mọi cái mình thích, vì nó cung phụng thỏa mãn cho khát khao thụ hưởng của 5 giác quan mình, nên ta ngây thơ muốn uốn cong số phận vạn vật vào rọ chủ quan chật chội của mình, nhưng nào nó có nghe lịnh bậy bạ của ta đâu. Nó vẫn sờ sờ biến đổi theo đường sống, hơi thở tự nhiên của nó. Ta không nắm bắt nó được mãi nên ta đau khổ, bởi nhất kỳ vô thường của nó.
                        c) Vô thường đồng nghĩa với chết là một đặc ngữ dùng riêng trong kinh văn nhà Phật. Trong kinh nguyên thỉ từng ví dụ già, chết như cơn nước lũ cuốn phăng sự sống con người, như nước lũ lụt đêm về, tràn bờ cuốn phăng đi hết mọi xóm làng đang yên ngủ hai bên bờ sông. Đó là lấy hình ảnh thật mau chóng, thật cuồng nộ của dòng thác lũ lụt để ví với thế lực kinh hồn của cái chết, hủy diệt. Không có ai có quyền thế cỡ nào trên đời này đủ sức chống lại thần chết, quỉ vô thường được cả. Nói cái chết là quỉ vô thường là dùng hình ảnh ác quỉ để làm lay tỉnh cái thờ ơ lơ đễnh của ta.
            Nói đến cái chết, quỉ vô thường vồ chụp là để nhắc mãi chúng ta biết rằng thời hạn tạm trú của ta trên trái đất không phải là vô hạn mà là sắp hết thời hạn, qủy thời gian, kho mạng sống đang cạn dần như ao hồ mùa hè bốc hơi mà ta là những con cá trong ao thời gian ấy. Nói đến chết, quỉ vô thường đuổi bắt để ta biết khôn luôn luôn chuẩn bị tư thế, hành lý ra đi. Không chuẩn bị hành lý, tư thế sẵn sàng thì khi thần chết gọi thình lình, ta ra đi với biết bao quơ chụp món này vật nọ, không có giá trị gì cả cho hành trình.Ta chỉ phải ra đi với vali hành lý biệt nghiệp duy nhất, mọi hành lý nhớ thương cồng kềnh nọ kia đều phải bỏ lại sân ga dương trần, không thể mang theo được bất cứ cái gì ngoài nghiệp thức cả. Ta chính là dòng nghiệp thức ấy.. Nói đến thần chết quỉ vô thường để ta thấu ngộ sự trôi chảy băng băng của thời gian, như lũ lụt mà đời ta xế mãi trên thung lũng thời gian như nắng tàn sắp tắt, phải hối hả, tinh tấn hai lần như cứu lửa đang cháy trên cái khăn quấn trên đầu, phải mau chóng dập tắt cũng như ta phải mau chóng dập lửa tham sân, lấy lại cho được tâm hồn an lạc lắng trong. Ngày xưa, mỗi chiều xuống, thiền sư Doãn Am nhìn bóng ngày khuất mà rơi lệ vì thấy một ngày đã qua mà đạo nghiệp, tĩnh tâm mình chưa tiến bộ được bao nhiêu. Từ đó cứ nung chí lên mãi với lời réo gọi đầy thôi thúc cho mình là phải gom của báu chính là chánh niệm, định tâm cho vững vàng kiên cố, xả ly nghiệp cho hùng mạnh. Đạt được những điều ấy là ta tự tại với thần chết, với quỉ vô thường.
            B- Vô thường biến đổi là sức sống bất diệt cuả vạn hữu:
                        a) Đối với mọi hiện tượng trong trời đất này, ta cắt ngang một lúc, như lúc này mà đặt ngược vấn đề là bắt nó phải đứng yên ở mỗi vị trí, không cho biến đổi, thì thử hỏi có còn cuộc đời, cuộc sống chăng? Chắc chắn là ta hay bất cứ ai không bắt nó đứng được và vĩnh viễn khôngt bao giờ có cuộc đời với sự đứng yện chết cứng như cây đá như thế. Giả dụ chúng ta chẳng hạn, không có bất cứ cái gì làm cho mình chết, đổi thay, cứ sống nhăn hoài thì cuộc sống đã chết từ chỗ sống nhăn vĩ đại vượt mọi thời gian ấy. Vì không ăn cũng sống, lửa không cháy, xe cán cũng không chết, rớt xuống biển cũng không chết, nghĩa là ta siêu hơn hết mọi thứ. Đến đó thì ta nào cần ăn, ngủ, nhà cửa gì đâu. Ta không thành cái gì nữa cả. Đời sống được tạo nên bởi từng tích tắc của vô thường biến đổi trùng trùng. Cây nhỏ lớn nhanh thành cây to, người tấm bé lớn lên thành người lớn, từ ngu muội lớn lên thành trí thức, từ phàm ô nhiễm lớn lên thành thánh trí, chúng sinh lớn lên thành Phật… Nếu không có sự đổi thay vô thường tối cần thiết ấy thì mọi thứ ù lì và đời khô cứng thảm hại, không có sự sống chính từ chỗ bất biến ấy.. Vì vậy ta thấu ngộ bản chất cuộc sống tới chỗ sâu sắc thì ta phải cám ơn vô thường mới phải chứ, sao lại oán ghét vô thường đến thế. Ta oán ghét vô thường đầu đuôi cũng bởi ta bị kẹt trong gọng kềm của chủ quan tham đắm đầy nguy hại, đầy lệch lạc, không thấu ngộ chỗ cốt lõi của vạn hữu là biến động vô thường. Ta khóc khi có người thân tắt thở, nhưng nếu để 8 tiếng đồng hồ sau, người ấy bỗng thức dậy, ngồi lên, mở mắt, gọi ta đến nói chuyện, ta có dám mau chóng đến hay không? Chắc chắn có đến chăng nữa, ta vẫn thủ thế, vô cùng e ngại, sợ rằng người sống lại ấy sờ mó thân ta, nắm tay ta, ta sẽ chết. Hễ người sống lại ấy thò tay là ta rút tay và chạy nhanh đi, để bảo vệ tính mạng mình. Vậy ta khóc thương hóa ra là khóc thương cho chính mình, khóc thương vì chỗ nương tựa, chỗ khoái thích không còn nữa để tiếp tục cung cấp cho ta cái nương tựa, khoái thích bấy lâu. Đó cũng là thói quen. Các nước Phật giáo phương Nam được nhuần thấm giáo pháp lâu đời theo một cung cách thành tập quán, thế nên khi người thân qua đời, họ coi đó là giải thoát, không khóc than mà là vui sướng cho người chết.
                        b) Vô thường biến hoại vì thế là nhịp đập đáng yêu của trái tim vạn hữu. Ta không thể ghét hay yêu nó, bởi vì nó là sự biến đổi tự như thế. Không có chúa tể nào bảo ngừng hay cho nó quay.
            Trong kinh nói đến 4 đức của Niết bàn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, ấy là một lối nói, dễ khiến người ta lạc vào quan niệm cho rằng phải đi tìm 4 đức ấy ở đâu xa xôi ngoài cuộc đời này, cho rằng Niết bàn là một cõi ngược lại mọi cái trong đời này. Ta phải hiểu Niết bàn là trạng thái Dập tắt mọi lo nghĩ, mọi lửa tham sân, mọi ngã chấp, mọi chủ quan tham đắm. Khi tâm hồn đạt đến chỗ dập tắt như vậy là ta có Niết bàn, ngay đây và bây giờ. Thường Lạc Ngã Tịnh chính là lúc ta đạt đến tự do hoàn toàn khòi mọi thứ lửa vừa nói, ta không bị chi phối bởi chủ quan ham hố mọi thứ, mọi biến động không làm ta lay chuyển. Khi tâm đã giặt sạch hết bợn nhơ ngã chấp, mọi hành tác u tối không thấy được vô thường biến động thì ta có an lạc giải thoát, vô nhiễm, tự tại với cái chết vì ta vô cùng tinh khôn, trưởng thành, biết cái chết là một nguyên lý tự nhiên, không có gì phải bận tâm với đường đi Sinh Trụ Dị Diệt của khung đời như vậy. Đường ta, ta đi thảnh thơi. Trong đời sớng thì lan tràn cái vô nhiễm nên khí trời tự tại lan tràn bước chân, vương vấn lấy bước ta đi, ta thở. Nhìn cảnh đẹp, ta cũng xúc cảm, nhưng cảm xúc ấy là cảm xúc đã được tinh luyện trong lò quán chiếu trí khôn, là cảm xúc đó, nhưng đồng thời cũng biết cái chất tan biến vô thường ngay tức khắc lúc ấy, thế nên tích tắc nó tan đi, ta vẫn là ta, ta không bị cái tan biến của nó lôi đi. Ta không cấy sâu đắm nhiễm ngày xưa quen thói vào nó. Vì thế ta là ta, không bị chủ quan tham đắm cấy ghim vào đối tượng. Nếu theo thường nghiệm thì hễ 5 giác quan bắt máy với 5 đối tượng thì ngay lúc đó, ta bị cấy vào đối tượng, dính khắn, không gỡ ra được. Nên đối tượng mà ta ấp ủ mến yêu ấy, một khi theo tiếng gọi thiêng liêng của bầu bạn của nó, nó chìa tay, ra đi bỏ lại ta, thì ta bù lu bù loa khóc hận trùng trùng, mà thật sự nó là nó, nó có quan tâm gì đến ta đâu.Ta đạt 4 đức của Niết bàn từ cạn đến sâu qua huấn luyện tính khí dữ dội trên đe dưới búa kiên cường chứ đâu phải dễ ăn. Bất cứ cái gì siêu tuyệt ở đời cũng đều phải qua thời kỳ gian khổ bởi tu luyện, như người làm trò xiếc tuyệt giỏi, họ cũng phải khổ luyện mới biểu diễn tuyệt hay như thế. Ta cũng vậy, là một quá trình gian khổ tuyệt cùng của huấn luyện tâm ý, chớ một sớm một chiều thì chưa ăn thua gì.
          C- Vô thường trong phương trình duyên khởi pháp:
            Là từ duyên khởi nên các hiện tượng là vô thường, vô ngã. Từ là vô thường vô ngã nên các hiện tượng là không tự tánh, nghĩa là không có hiện tượng nào mãi mãi đặc ruột, mà biến đổi tít tắp mù khơi. Trong thế giới hữu vi như cây xoài, cây mận, ta thấy mãi mãi nó vẫn là xoài, mận vậy là bản chất nó bất biến, có đúng chăng? Hay hòn núi là bất động chăng? Đời ta ngắn ngủi so với chiều dài không cùng của thời gian nên ta thấy nó là bất biến tính chất. Nhưng không phải vậy, ngay như cây xoài, cây mận trồng bên xứ Canada lạnh gấp 60 lần Việt Nam ta thì chắc chắn cây mận ấy không trổ bông trổ trái nếu có trổ thì nó trổ loại trái quái chiêu nào ấy chớ chắc chắn không thể giống trái mận xứ ta. Hoặc có thể nó chết, hay biến dạng ra một loại cây pomme mới cho xứ Canada không chừng. Trên căn bản vì nhờ duyên lực tác động nên mọi hiện tượng không có cá thể cứng nhắt, đó là vô tự tánh, vô tự tánh vì biến động vô thường. Có những giống thú, những loại cây thuở tạo thiên lập địa thì ngày nay không còn ai thấy, và trong giàn nhạc biến động ấy, có những loại cây mới chào đời cũng hằng tỉ năm, mà ngày nay ta thấy còn ấy. Con người, thời hồng hoang mông muội duy nhất có phán đoán suy nghĩ thô sơ mà lần hồi vô thường biến tướng nên con người đạt được nhiều kinh nghiệm hơn, trí khôn phát triển khá hơn cho đến ngày nay. Một ngày nào đây, con người không hơn phát minh ra nhiều cái lạ lùng hơn, nhưng về đường chuyển hóa tâm, nếu khộng làm mạnh hơn thì con người vẫn lẩn quẩn trong hang thất tình lục dục từ nghìn vạn năm xưa. Về tinh quái của trí khôn phàm trần thì có khá đó, nhưng về trí khôn giải thoát thì chưa khá lắm.
                        a) Hiểu thấu vô thường là có trí khôn biết tới chỗ cốt lõi bên trong của vạn hữu. Trí khôn ấy là chìa khóa duy nhất giúp ta mở chân trời ngời sáng phiá trước, bỏ lại bên đường mọi lùn nhùn khổ não vì u mê cận thị trí thức bấy lâu. Hiểu vô thường là có trí huệ gọi là vô ngã trí. Vô ngã là nói về không gian của một hiện tượng, nói vô thường là nói về thời gian của một hiện tượng. Nói vô ngã trí vì ta vốn chấp ngã quá nặng. Phá được ý niệm chấp chặt ấy là một vinh quang không dứt nên mới có từ ngữ vô ngã trí, để thúc đẩy động tác chuyển hóa nhận thức chân chính của ta. Hiểu vô thường đối với mọi vật, đối với mọi cái mà ta yêu mến, ta đạt giải thoát, có trí ngã phá chấp là ta giải thoát.
                        b) Ngộ nhận, hiểu lầm vô thường là bởi ta tiếp thu vô thường ở dạng là một luân lý cấm đoán, nên có người mới bảo: Ôi đời vô thường, chán quá, hết muốn sống, vì làm cái gì cũng bị vô thường phá tan đi hết, thôi ta ở không chơi nhông nhông cho khỏe. Điều ấy không đúng. Đạo Phật dạy vô thường để ta trở về với chính mình mà chăm lo đạo nghiệp giải thoát, thời gian trôi nhanh, nếu không biết lợi dụng chỗ thuận tiện duy nhất của kiếp làm người mà này tu tập thì vô cùng uổng, chỉ có duy nhất con người là có ý chí. Có ý chí mới tu tập được. Chỗ tối cao của con người là ở ý chí ấy. Hiểu thấu tính vô thường biến động trong vạn vật thì ta lại vui, vì hết  u mê bám víu. Làm ăn mọi việc nhưng thất bại, ta hiểu ngay vì thiếu duyên lực cần thiết và ta hiểu nó là vậy. Không buồn rầu khổ hận.
                        c) Hiểu vô thường biến động trên mọi vật nên ta không đặt hết đời mình vào vạn vật, mà biết khôn tự tìm con đường minh triết chắc ăn cho mình. Đó là khai phá không ngừng chỗ u tối, tạo dựng lại huệ nghiệp ngời sáng đáng quý muôn phần. Từ đó, có giải thoát, thấy mùi vị giải thoát là giải thoát ngay đây, chứ không mong cầu giải thoát từ nơi nào khác, hay sau khi tắt thở mới có giải thoát. Ta đạt được đức thường của Niết bàn chính là ta luôn luôn có được niềm vui không dứt từ chỗ ta là ta, không bị cấy vào ham hố mê đắm, có phân biệt tốt xấu ngon dở, nhưng không bị dính khắn vào cảm giác ngon dở vì ta có cái trí khôn biết rằng nó là vô thường biến đổi, không nắm chắc bởi thói quen tham đắm, bởi chủ quan đòi hỏi cũ mốc một chiều như vậy.
                        d) Hiểu vô thường biến hoại là dòng thời gian cuốn phăng vô cùng nhanh chóng nên không phóng dật lơ đễnh với chí nguyện vô nhiễm buông bỏ mà tinh tấn 2 lần, để đến ngày mai thì đã trễ, quá trễ.
            Nước lũ lụt vô thường sẽ tràn đến cuốn phăng hết thảy, không chừa một ai ở lại. Gấp rút hoàn thành đạo nghiệp trước khi tắt thở.
III. KẾT LUẬN
            Nguyên lý vô thường vốn đã được biết đến từ thời trước khi Phật ra đời, một cách lờ mờ, nhưng bằng trí giác ngộ, Phật thấu biết chín chắn nhất nên Ngài tuyên bố nó ra với tất cả trịnh trọng. Từ đó, nguyên lý vô thường trở thành giáo lý nhà Phật. Nhà Phật nói lý vô thường để ta sửng hồn khôn lên một bực, không còn đau khổ vì thấu ngộ bản chất ấy trong vạn vật. Không thể chống lại nguyên lý, mà hiểu luật ấy nên ta an nhiên, tự tại ngay đây. Ta đạt cái thường của Niết bàn chính là cái vui mãi mãi bây giờ, vui vì thấu ngộ cái vô thường biến động là nguyên lý sáng tỏ thế ấy, không vui với cái vui cũ một chiều, làm bằng chủ quan thiển cận mù lòa. Cái vui mới này không bị chi phối nghiệt ngã bởi tan mất hay thành công trong đời. Từng lúc một, nhờ quán chiếu lẽ vô thường biến hoại một cách chín chắn mà ta đạt được nhiều hiểu biết của bực thánh triết. Từ đó có an lạc giải thoát ngay đây, không còn cố chấp vào vật, không còn bị mọi biến động lay chuyển. Coi mọi vật trong đời đều là phương tiện sống, giúp ta tu tập giải thoát là chuyển hóa tâm hồn, nhận thức sáng suốt nhất./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét