Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Kiến Giải Chứng Đạo Ca -1

                           

 

       


********
"Tuyết Sơn Phì Nhị cánh vô tạp
  Thuần xuất Đề Hồ ngã thường nạp"
 (Cỏ Phì Nhị đơm ròng Đỉnh Tuyết
 Vị Đề Hồ ta từng nếm biết).
          Trong kinh Niết Bàn có lời dụ rằng : Trên đỉnh Tuyết Sơn (dụ cho Pháp Giới Chư Phật) có loài Thanh Tịnh Ngưu (dụ cho Pháp Thân Chư Phật )  ăn một thứ cỏ Phì Nhị (dụ cho Thiền Duyệt ) sinh ra một loại sữa Đề Hồ (dụ cho Thực Pháp). Ai ăn thứ Đề Hồ ấy thì thành Phật chứng Niết Bàn. Phật pháp là thứ Đề Hồ mà các Thiền Sư từng nếm qua và chứng Niết Bàn Diệu Tâm. Niết Bàn Diệu Tâm là một cảnh giới Thường Lạc Ngã Tịnh, không sinh diệt và dung thông vô ngại : tức là Lý vô ngại Pháp Giới, Sự vô ngại Pháp Giới, Lý Sự vô ngại Pháp Giới, Sự Sự vô ngại Pháp Giới. Trong cảnh giới đó, một Tánh dung thông tất cả Tánh, một Pháp chứa đựng tất cả Pháp.                                    
********
Nhất Tánh viên thông nhất thiết Tánh
  Nhất Pháp biến hàm nhất thiết Pháp”.
 (Một Tánh thông suốt tất cả Tánh
  Một Pháp chứa đựng tất cả Pháp).  
          Kinh Hoa Nghiêm có mô tả cái tương dung tương nhiếp của tất cả Pháp, trong đó một vật như một tấm gương vừa in hình tất cả vật khác và đồng thời dung chứa tất cả các vật khác :“ Trong một hạt bụi tôi thấy vô số các cõi Phật, mỗi cảnh  giới đều có các Đức Như Lai với hào quang quý báu”.
          Thiền Sư Khánh Hỷ cũng diễn tả cái Pháp Giới vô ngại nầy :
“Càn Khôn tận thị mao đầu thượng
  Nhật Nguyệt bao hàm giới tử trung”.
          Nghĩa là cả tam thiên đại thiên thế giới nhét vào đầu sợi lông ,cả Mặt Trời, Mặt Trăng nhét vào hạt cải mà tất cả không chướng ngại, vẫn dung thông vô ngại.
********
Nhất Nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy
  Nhất thiết thủy Nguyệt nhất Nguyệt nhiếp”.
 (Một Mặt Trăng hiện ra vô số  Trăng
  Vô số Trăng chỉ do một Mặt Trăng nhiếp).
          Một Mặt Trăng chiếu trên mặt nước sông hồ thành vô số Trăng: Một là tất cả “nhất tất nhất thiết’’.Vô số Trăng thâu nhiếp bởi một Mặt Trăng: Tất cả là một “nhất thiết tức nhất”. Do đó Rõ được ‘‘Một’’ Mặt Trăng Thật là thấu “Tất Cả” Trăng. Cũng như Rõ được “Nhất” niệm Chân Như là thấu suốt mười phương Chư Phật. Rõ được “Nhất” Tâm đạt đến Vô Tâm là Đại Tâm Đại Ứng thì Pháp Giới lộ toàn thân. Rõ được “Nhất” Pháp chi sở ấn thì sum la vạn tượng hiện đầy trong Hư Không…
          Đó là cái nguyên lý “bất nhị ” và đối với vầng Trăng thanh tịnh là cái lẽ “Tịch chiếu bất nhị”.Vì rằng Trăng  “tịch”, tuy “năng chiếu” thành vô số Trăng mà vẫn tròn đầy bất động không sinh diệt, không tăng giảm, thường soi thường chiếu, rõ ràng chân thật và tự tại, trùm khắp vô biên. Còn vô số Trăng trên Mặt Nước là “sở chiếu” thì động và sinh diệt theo Mặt Nước động và Bầu Trời bị mây mù che phủ. Tuy nhiên khi Mặt Nước lặng yên như Gương và Bầu Trời trong không có mây mù thì vẫn không lìa “tịch” vẫn tương ưng với Thể Tánh thanh tịnh của vầng Trăng “MỘT”.
          Đó cũng là cái nguyên lý “bất tức bất ly” giữa Bản Thể và Hiện Tượng. Trăng ví như Bản Thể, Bóng Trăng phản chiếu trên mặt nước ví như Hiện Tượng Là Hiện Tượng : không có Hiện Tượng  nào không ở trong Bản Thể, phụ thuộc Bản Thể. Cũng như Ánh Trăng phụ thuộc vào Mặt Trăng , Mặt Trăng tròn đầy thì Ánh Trăng tròn đầy, Mặt Trăng khuyết thì Ánh Trăng khuyết – Là Bản Thể : không có Bản Thể nào biểu hiện mà không thông qua Hiện Tượng. Như nhìn Bóng Trăng khuyết trên sông hồ là biết Mặt Trăng thật đang bị che khuất ,nhìn Bóng Trăng tròn đầy trên mặt sông hồ là biết rằng Vầng Trăng Một tròn đầy.
          Hiện Tượng”  không là “Bản Thể” nhưng bỏ Hiện Tượng  tìm Bản Thể như bỏ Sóng tìm Nước ,không sao có Nước.
          Bản Thể không rời Hiện Tượng, nhưng bảo Hiện Tượng là Bản Thể như ngỡ Sóng là Nước thì không sao biết được Nước là gì? Ngỡ Ánh Trăng trên mặt nước sông hồ là Mặt Trăng thật thì không thể biết được Mặt Trăng thật là gì? Nước không là Sóng, nhưng Nước không rời Sóng : “Nước và Sóng bất tức bất ly”. Mặt Trăng không là Ánh Trăng nhưng Mặt Trăng không rời Ánh Trăng: “Mặt Trăng và Ánh Trăng bất tức bất ly”.
********
Chư Phật Pháp Thân nhập ngã Tánh
  Ngã Tánh đồng cộng Như Lai hiệp”.
 (Chư Pháp Thân Phật vào Tánh ta
  Tánh  ta cùng với Như Lai hiệp).  
          Cũng như cái lý tịch chiếu của Vầng Trăng “Một” thành vô lượng Ánh Trăng trên mặt nước sông hồ ,Pháp Thân Phật thể nhập trong Tánh của chúng sanh thành ra vô lượng Báo Thân và Hóa Thân Phật, thành ra vô lượng Pháp Giới  Tam Thiên Đại Thiên với đủ loại sum la vạn tượng tràn ngập trong Hư Không vô biên. Nhưng chính cái Hư Không vô biên này lại là cái Không Tuyệt Đối và Vi Diệu, là Như Lai Tạng, là kho báu Như Lai chứa vô lượng Pháp Giới, tuy có mà chẳng có, tuy không mà chẳng không , tuy vô hình vô tướng, phi vật phi pháp, phi Phật phi phàm, phi nội phi ngoại, phi tiểu phi đại, phi nhất phi dị, phi minh phi bạch, phi sinh phi diệt, phi thô phi tế, phi khai phi bế, phi thượng phi hạ, phi thành phi hoại, phi nghịch phi thuận, phi thông phi tắc, phi cương phi nhu….. nhưng tùy lực huyền cơ, tùy lúc huyễn pháp, tùy duyên hiển hình, tùy thời hiện tượng, tùy huyền xuất  tướng, tùy cơ ứng vật, vô vi biến hóa : “Không tức thị Sắc”. Cho nên: Không đâu có Như Lai mà Như Lai trùm khắp tất cả Pháp Giới: Như Lai vô khứ vô lai. Không đâu có Niết Bàn mà Niết Bàn tràn ngập Hư Không vô biên: Niết Bàn Vô Trụ.  Không đâu có Bát Nhã mà Bát Nhã đầy ắp Càn Khôn Vũ Trụ: “Bát Nhã vô tri ,vô sở bất tri”. Không đâu có Pháp Thân Phật  mà đâu đâu cũng là Pháp Thân Phật: Pháp Thân phi không phi hữu. Như vậy TÁNH PHẬT là bình đẳng trong tất cả Pháp Giới, TÁNH của NHƯ LAI và TÁNH của chúng sanh trong Hoa Tạng Pháp Giới là bình đẳng, là “MỘT”. 
********
 “Nhất Địa cụ túc nhất thiết Địa
   Phi Sắc, phi Tâm, phi Hạnh Nghiệp”. 
          Chứng một Địa là chứng tất cả Địa. Chỉ cần chứng một Như Lai Địa là xem như chứng quả cả 10 giai đoạn tu chứng của Thập Địa Bồ Tát. Mười quả vị tu chứng của Thập Địa Bồ Tát từ thấp tới cao là :  
1.         Hoan Hỷ Địa
2.         Ly Cấu Địa
3.         Phát Quang Địa
4.         Diệm Huệ Địa
5.         Cực Nan Thắng Địa
6.         Hiện Tiền Địa
7.         Viễn Hành Địa
8.         Bất Động Địa
9.         Thiện Huệ Địa
10.       Pháp Vân Địa   
          Ngài Huyền Giác chỉ chú trọng vào cái tuyệt cùng, cái Vô Vi, cái Diệu Vô, cái Rỗng Suốt mà vi diệu, cái gốc tuyệt cùng của đường Tâm chứ không phải chú trọng vào ngọn hay cành lá của Tâm, nên đi đến cửa Vô Vi và đập nát cánh cửa nầy ngộ nhập Vô Vi. Ngài nói :
“Trực triệt căn nguyên Phật sở ấn
  Trích diệp tầm chi ngã bất năng”.
 (Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật
  Chọn lá tìm cành ta chẳng đương). 
          Ngài khuyên hành giả ngay cửa Vô Vi nhảy thẳng vào đất Như Lai. Như vậy đạt được một Địa Như Lai là đạt luôn mười quả vị tu chứng của Thập Địa Bồ Tát . 
“Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,
  Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.
 ( Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,
  Một nhảy thẳng liền đất Như Lai). 
          Chân Không Thiền Sư cũng vào cái cửa Vô Vi này : 
“Diệu bản Hư Vô nhật nhật khoa
  Hòa phong xuy khởi biến Ta Bà
  Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc
  Nhược đắc Vô Vi thủy thị gia”.
 (Hư Không lẽ ấy rất sâu xa
  Thổi dịu nơi nơi ngọn gió hòa
  Vô Vi tận biết người an lạc  
  Đạt đến Vô Vi mới là nhà). 
          Trong cảnh Như Lai Địa không có sắc pháp, không có Tâm, không có cả giới hạnh và nhân quả nghiệp báo:“Phi Sắc, Phi Tâm, Phi Hạnh Nghiệp”. Tổ thứ 3 Thiền Tông Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa) khi truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Tổ thứ 4 là Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta) đã nói kệ:   
“Phi Pháp diệc phi Tâm
 Vô Tâm diệc vô Pháp
 Thuyết thị Tâm Pháp thời
 Thị pháp phi Tâm Pháp”.
 (Phi Pháp cũng phi Tâm
 Vô Tâm cũng vô Pháp
 Khi nói Tâm Pháp ấy
 Pháp ấy phi Tâm Pháp).
           Khi đạt được Đất Như Lai thì không cần phải quan tâm tới ngũ giới, thập giới, 250 giới Sa Môn,  Bồ Tát giới…v…v… vì khi đạt được Phật Tánh rồi thì không cần một giới hạnh nào phải giữ, vì Phật Tánh không có phạm giới. Chính Phật Tánh đã bao gồm mọi giới hạnh. Ý thì soi, Tâm thì rõ, Thân là trí tuệ lấy làm y độ khắp chúng sanh:   
“Phật Tánh giới  châu Tâm địa ấn
  Vụ lộ vân hà thể thượng y”.
 (Phật Tánh giới ý soi Tâm rõ
  Trên mình trí tuệ lấy làm y).
          Đạt được Như Lai Địa cũng không còn nghiệp báo. Giống như người nằm mộng, mơ thấy làm nhiều điều ác bị nhân quả nghiệp báo phải rơi vào địa ngục để trả nghiệp .Khi thức dậy cảnh giới trong giấc mơ hoàn toàn mất, không còn nhân quả ,không còn nghiệp báo ,địa ngục cũng biến mất.
          - Đứng về hiện tượng  vạn hữu của pháp thế gian Phật dạy: “Vạn pháp do duyên sanh” nghĩa là có nhân quả.
          - Về Bản Thể Chơn Như, Phật dạy :“Phi nhân duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị”. Nghĩa là không còn nghiệp báo nhân quả.
********
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn
  Sát na diệt khước tam  kỳ kiếp”.
 (Búng tay tám vạn pháp môn thành  
  Nháy mắt rũ xong ba kỳ kiếp).   
          Cái đốn ngộ của Thiền Sư vào đất Như Lai xảy ra trong một sát na, một cái búng tay, một cái nháy mắt ,một tia điện chớp cả thảy tám vạn pháp môn thành tựu ngay lập tức, cả vọng tưởng nghiệp chướng của ba A Tăng Kỳ  kiếp cũng sụp đổ tan biến. Cũng như một người bị bịnh nan y nằm mê sảng nhiều ngày mơ thấy đang thọ khổ trong địa ngục A Tỳ vô số kiếp ,bỗng nhiên hồi phục thức dậy thì địa ngục A Tỳ  sụp đổ ngay ,cảnh giới thật hiện tiền liền về trở lại Quê Nhà.  
    ********
Nhất thiết số cú phi số cú
  Dữ ngô linh giác hà giao thiệp ?”.
 (Tất cả văn tự chẳng văn tự
  Cùng linh giác ấy nào can dự).  
           Cái linh giác mà hành giả chứng Đạo không thể dùng văn tự hay ngôn ngữ thế gian mà diễn tả được .Nó là Bản Thể của mọi Pháp thế gian ,là Thực Tướng của mọi Pháp thế gian.
          Bồ Tát Mã Minh (Asvaghosha),Tổ Sư Thiền thứ 12 chỉ điểm:
          Nhất thiết chư pháp tùng bản dĩ lai, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng, ly Tâm duyên tướng ,tất cánh bình đẳng ,bất khả phá hoại ,duy thị nhất Tâm, cố danh Chơn Như”.
********
Bất khả hủy bất khả tán
  Thể nhược Hư Không vô nhai ngạn
  Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
  Mịch tức tri quân bất khả kiến”.
 (Không thể chê, không thể khen
  Như Hư Không ấy vốn vô biên
  Không rời trước mắt vẫn thường nhiên
  Nhưng mù mịt không sao thấy được). 
          Cái cảnh giới đó không liên quan gì tới văn tự ,ngôn ngữ nên khen cũng thừa mà chê cũng thừa .Thể của nó Rỗng Rang vắng lặng trùm khắp vô biên như Hư Không. Nó vẫn thường trú tự nhiên không rời cái hiện hữu hiện sanh của Hiện Tượng Giới. Đâu đâu cũng có nó, linh minh ,vi diệu , ẩn nấp trong Hiện Tượng Giới và Hư Không. Nó mù mịt không thể dùng mắt thế gian để trông thấy mà phải chứng ngộ.
          Cái “Rỗng Thênh Không Thánh” phi tâm ,phi vật, phi pháp, phi phàm đó thật là linh diệu ,ở khắp mọi nơi ,không sanh diệt ,đứng yên bất động, không đến không đi ,đầy bí ẩn và u huyền:   
“Đạt Ma sừng sững giữa Hư Không
  Đứng giữa Trời trong vẫn u huyền”.  
          Thế gian chỉ chấp cái “Tướng Có” mà không để ý đến cái “Tướng Không” không tướng vi diệu nầy nên chẳng bao giờ tìm ra manh mối để đạt đến Chân Lý.   
********
 Ngài Huyền Giác chỉ dạy:  
Thủ bất đắc ,xả bất đắc
  Bất khả đắc trung chỉ ma đắc”.
 (Lấy chẳng được, bỏ chẳng được
  Trong cái chẳng được là cái được).    
          Cái “Rỗng Thênh Không Thánh” đó lấy chẳng được mà bỏ chẳng được. Muốn chứng nó phải đi đến cái tuyệt đường ,tuyệt gốc ,tuyệt lý , tuyệt tình , “Tuyệt Hậu Tái Tô”. Nghĩa là chết đi rồi sống lại vào cái “vô sở đắc ” tối hậu để đạt được cái “sở đắc tối hậu”.    
Tử  Dung Hòa Thượng  dạy cho Thiền Sư Liễu Quán:
“Huyền nhai tán thủ
  Tự khẳng thừa đương
  Tuyệt hậu tái tô
  Khi quân bất đắc”.
 (Buông tay trên dốc thẳm
  Tự tin vào chính mình
  Chết đi rồi sống lại
  Ai lừa dối được ngươi). 
          Và khi chứng được thì hoàn toàn không có sở đắc.Tổ Thiền Tông thứ 23 Ngài  Hạc Lặc Na (Haklena) từng chỉ điểm:  
“Nhận đắc Tâm Tánh thời
  Khả thuyết bất tư nghì
  Liễu liễu vô khả đắc
  Đắc thời bất thuyết tri”. 
 (Khi nhận được Tâm Tánh
  Mới nói chẳng nghĩ  bàn
  Rõ ràng không chỗ được
  Khi được chẳng nói biết).  
          Làm sao có chỗ đắc cho được khi một người đã ở sẵn trong căn nhà của mình đang ở lại còn nói tôi trở về nhà. Chỉ khi mê không biết mình đang ở trong nhà ,có điều không diễn tả được căn nhà thực của mình bằng ngôn ngữ văn tự thế gian. Căn nhà đó thì: “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên”. Tuy nhiên muốn nhận ra căn nhà “Rỗng Thênh Không Thánh” đó cũng không phải là dễ. Nói theo Thiền Sư Cảnh Sầm là phải vượt qua đầu sào trăm trượng, còn trong đầu sào thì vẫn còn ở Mặt Trăng thứ hai, chưa đạt đến rốt ráo tuyệt cùng:
“Bách Trượng can đầu bất động nhân
  Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
  Bách trượng can đầu tu tấn bộ
  Thập phương thế giới thị toàn thân”.
 (Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên
  Tuy là được nhập chẳng phải hiền
  Đầu sào trăm trượng cần vượt khỏi
  Mười phương thế giới thảy thân mình).    
          Khi nhảy qua đầu sào trăm trượng thì mới thấy được Tánh, chứng ngộ Pháp Thân. Khi đó cả 10 phương thế giới chính là Pháp Thân của chính  mình.
          * Hay nói theo Tuệ Trung Thượng Sĩ ,phải lách mình vượt ra khỏi cái lồng của con chim hồng hay cái lồng của thế gian đầy tham ái ngũ trược ,khi thoát ra rồi thì mặc tình bay nhảy giữa Hư Không dài vô tận:   
“Phiên thân nhất trịch xuất phần lung
  Vạn sự đô lô nhập nhãn Không
  Tam giới mang mang Tâm liễu liễu
  Nguyệt hoa Tây một, Nhựt thăng Đông”.
 (Xoay mình một ném vượt khỏi lồng
  Muôn sự đều không ,nhập mắt không
  Ba cõi thênh thang , lòng sáng rỡ
  Trăng Tây vừa lặn , xuất vầng Đông).    
          * Con đường tuyệt lộ đó cũng chính là giải thoát như cái thấu triệt Tự Thể của Thiền Sư Mông Sơn Đức Bị :  
 “Một hứng lộ đầu cùng
   Đạp phiên ba thị thủy
   Triệu Châu lão siêu quần
   Diện Mục chỉ như thị”.
  (Đường đi chợt hết bước
   Giẫm ngược sóng là nước
   Già Triệu Châu quá chừng
   Mặt mày chẳng chi khác).  
          Cùng đường tuyệt lộ như Thiền Sư Mông Sơn ,bất chợt giẫm ngược sóng gặp nước, chộp được ông già Triệu Châu ,bắt gặp ngay Bản Lai Diện Mục của chính mình.
           * Tuyệt lộ đó cũng là cái cửa “Vô” của Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai với cái công án “Vô” của Triệu Châu.  Phải đi qua cửa Tổ, phải đi tuyệt đường Tâm mới có thể gặp cái Diệu Ngộ .Vậy thế nào là cửa Tổ ? Chính là một chữ “Vô”, Cửa Không Cửa (gate of no gate) của nhà Thiền.
          Phật dạy “Tâm là Tông chỉ ,cửa Không là cửa Pháp”. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã chỉ: “Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự ,trực chỉ nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”.  
          Vậy cần phải đi hết đường Tâm .Quan môn của Tổ Sư phải thấu triệt. Thấu triệt cái  cửa “Vô ”của Thánh Trí cũng là cái Diệu Vô vượt lên trên cả Hữu và Vô. Vượt luôn cả 20 cửa Không như:  “nội không ,ngoại không ,nội ngoại không ,không không ,đại không ,tán không ,tính không, tự tính không, chư pháp không…”.Cũng chẳng cần phải lập chân , bỏ vọng như Ngài Huyền Giác đã dạy:
 “Chân bất lập vọng bổn không
   Hữu Vô câu khiển bất không không
   Nhị thập không môn nguyên bất trước
   Nhất Tánh Như Lai thể tự đồng”.   
          Cánh cửa Không đó, nếu lọt qua được thì cả Càn Khôn vũ trụ nằm trong bàn tay mặc tình du hí Tam Muội : 
 “Đại Đạo vô môn , thiên sai hữu lộ
   Thấu đắc thử quan, Càn Khôn độc bộ”.
                                     (Thiền Sư Huệ Khai).
   (Đại Đạo không cửa, có nghìn nẻo vào
  Qua được cửa nầy, Đất Trời riêng bước).
          Thiền Sư Huệ Khai chỉ rõ :“ Hãy đem 360 đốt xương , 8 vạn 4 ngàn lỗ chân lông, toàn thân cả 6 căn khởi nghi  đoàn ,tham chữ “Không”. Giống như nuốt một hòn sắt nóng, muốn khạc mà khạc chẳng ra ,không còn vọng tri vọng giác rồi thuần thục tự nhiên trong ngoài đánh thành một phiến ,như người câm nằm mộng thì tự mình biết. Rồi bỗng như Trời long đất lở như đoạt được Thanh Long Đao của Quan Vân Trường: gặp Phật giết Phật ,gặp Tổ giết Tổ. Bên bờ sanh tử mà tự tại, hướng lục đạo luân hồi mà du hí Tam Muội”. Thiền Sư Huệ Khai đã miệt mài công án “VÔ” và đã Đại Ngộ khi nghe tiếng trống buổi trưa ở trai đường: 
 “Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi
   Đại địa quần sanh nhãn hoát khai
   Sum la vạn tượng tề khể thủ   
   Tu Di bột khiêu vũ tam đài”.
  (Trời quang mây tạnh sấm nổ vang lừng
   Mọi vật trên  đất, mắt bỗng mở bừng
   Muôn hồng nghìn tía cúi đầu làm lễ
   Núi Tu Di cũng nhảy múa vui mừng). 
          Cái lưỡi kiếm “VÔ” sắc bén của Triệu Châu quả lợi hại và thần diệu vô cùng, nhưng nếu dụng sai ở cái sát na nóng bỏng như thế thì sẽ toi mạng, thân bị đứt làm hai khúc: 
“Triệu Châu lộ đao kiếm
   Hàn sương quang diệm diệm
   Cánh nghi vấn như hà
   Phân thân tác sở đoạn”.
  (Lưỡi kiếm Triệu Châu rút khỏi vỏ 
   Lạnh như sương mai, nóng như lửa
   Nếu ai hỏi: sao thế nầy ?
   Thân bị đứt làm hai đoạn).
          Ngay cái sát na đột phá đó trước cửa Tổ ,một niệm vừa khởi ,hay một ý thức  suy nghĩ vừa sanh ra thì xem như hỏng việc sụp đổ hoàn toàn .Còn ngay cái sát na đột phá đó mà qua được  cửa, thì không những đỡ được đường kiếm của Triệu Châu ,toàn thân thấy được Triệu Châu mà còn cùng Lịch Đại Chư Tổ nắm tay cùng  đi ,ngang hàng với các Ngài ,nhìn cùng một con mắt, nghe cùng một lỗ tai ,nói cùng một giọng lưỡi ! Sau một bước nhảy giữa Hư Không  thì mặc tình muốn nói thì nói, muốn im thì im ,nói tức im, im tức là nói ,tùy duyên hoặc nói hoặc im ,mở cửa từ bi thí pháp rộng lớn độ sanh không ngăn ngại :
********
Mặc thời thuyết ,thuyết thời mặc
  Đại thí môn khai vô ủng tắc”.  
           Bởi vì chứng đến đó thì Tông cũng thông mà Thuyết cũng thông định huệ sáng tròn đầy đủ cũng như hằng sa Chư Phật ở mười phương: 
“Tông diệc thông ,Thuyết diệc thông
   Định huệ viên minh bất trệ không
   Phi đãn ngã  kim độc đạt liễu
    Hằng sa Chư Phật thể giai đồng”.(Th.S Huyền Giác).
  (Tông cũng thông, Thuyết cũng thông
   Định huệ sáng tròn chẳng trệ không
   Nào phải mình ta riêng đạt đấy
   Hằng sa Chư Phật thể giai đồng).                           
          Lúc đó thì :
 “Đạo thông Thiên Địa hữu hình ngoại
   Tư nhập phong vân biến thái trung”.
  (Đạo thông Trời Đất hiện ra mặt
   Trí nhập mây gió tỏa hành vi).   
          Thân tuy còn là Tứ Đại của thế gian nhưng trí đã xuất thế gian nhả ngọc phun châu làm mưa làm gió giữa Hư Không như Rồng  gặp mây mưa pháp cứu độ chúng sanh : “Rắn biến thành Rồng không đổi vảy”. Lúc đó thì vinh nhục, danh lợi thế gian không còn dính mắc,vào rừng sâu độc hành độc bộ nơi núi hiểm rừng già ,dựng mái chùa tranh thung dung tĩnh tọa : 
“Tự tùng đốn ngộ liễu vô sanh,
  Ư chư vinh nhục hà ưu hỷ
  Nhập thâm sơn trú lan nhã,
  Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ,
  Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia,
  Quých tịch an cư thực tiêu sái”.
 (Tự thời thoát ngộ lý vô sanh,
  Cơn vinh nhục mừng lo gì tá ?
  Vào rừng sâu ở lan nhã,
  Núi  dựng tùng già ôm bóng cả,
  Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh,
  Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ!)
          Và trong cảnh rừng chiên đàn hiểm trở thanh thoát ấy là nơi trú ngụ của Sư Tử. Bao nhiêu chim chóc ,muông thú hay phàm phu tục tử ồn ào danh lợi, đầy nhân ngã tham ái thị phi của nhân gian đều cao bay xa chạy không dám đến:   
“Chiên đàn lâm ,vô tạp thụ
  Uất mật sâm trầm Sư Tử trú
  Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du
  Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ”.
 (Rừng chiên đàn không tạp thụ
  Sâu kín um tùm Sư Tử trú
  Cảnh vắng rừng im một mình chơi
  Cao bay xa chạy chim cùng thú ).  
          Một khi Sư Tử hống lên thuyết vô úy như tiếng sấm giữa rừng thì trăm muôn nghìn thú hay tà ma Vô Minh ngoại đạo đinh tai nhức óc, xé cả óc tủy tiêu tan. Cả loài Hương Tượng hay Tiệm Giáo cũng chạy dài, chỉ có Thiên Long tức Rồng Trời hay Đại Thừa Đốn Giáo lắng nghe mừng được mưa Pháp:
“Sư Tử hống ,vô úy thuyết
  Bách thủ văn chi giai não liệt
  Hương Tượng bôn ba ,thất khước uy
  Thiên Long tịch thính sanh hân duyệt”.
 (Sư Tử hống  thuyết vô úy
  Trăm thú nghe qua xé óc tủy
  Hương Tượng chạy dài hết liệt uy
  Thiên Long lặng ngóng lòng hoan hỷ).
          Lời thuyết Pháp của Chư Phật ,Chư Tổ và Thiền Sư ngộ đạo như tiếng hống đầy uy lực của Sư Tử ,như núi bảy báu thường tuôn suối trí tuệ, phá tan màn Vô Minh đem  lợi ích cho chúng sanh ,phá mê khai ngộ vượt qua bờ sanh tử luân hồi: 
“Nguy nguy thất bảo sơn
  Thường xuất trí huệ tuyền
  Hồi vi chân pháp vị
  Năng độ chư hữu duyên”.     
          Lời kệ của Tổ thứ năm Đề Đa Ca (Dhirtaka). 
 (Vời vợi núi bảy báu
  Thường tuôn suối trí huệ
  Chuyển thành vị chơn pháp
  Hay độ người có duyên).
          Các Ngài có Tâm “Lão Bà” với lòng từ bi rộng lớn vô biên muốn độ hết thảy chúng sanh qua khỏi bờ mê, biển khổ.Thiền Sư Thông Giác Thủy Nguyệt khi sắp tịch, còn gọi đệ tử là Tông Diễn nói kệ dặn dò:    
“Thủy xuất đoan do tẩy thế trần
  Trần thanh thủy phục nhập nguyên chân
  Dữ quân nhất bát cam lồ thủy 
  Sái tác ân ba độ vạn dân”.
 (Nước cốt tuôn ra rửa bụi trần
  Sạch rồi nước lại trở về chân
  Cho ngươi bát nước cam lồ quý
  Ân tưới chan hòa độ vạn dân).
          Các Ngài là những Bậc Đại Trượng Phu đã chứng ngộ, mỗi lần rút “Gươm Tuệ” ra là Ánh Bát Nhã sáng chói như kim cương loé, làm cho ngoại
đạo rớt hết Tâm Mê và loài Thiên Ma phải chạy dài, đem lại lợi ích giải thoát cho vô số chúng sanh:   
 “Đại Trượng Phu bỉnh Tuệ Kiếm
   Bát Nhã phong hề Kim Cang diệm
   Phi đản năng thôi ngoại đạo Tâm
   Tảo tằng lạc khước Thiên Ma đảm”.
                                  (Thiền Sư Huyền Giác).
  (Đại Trượng Phu cầm kiếm Huệ
   Ánh Bát Nhã hề Kim Cương loé
   Đã hay ngoại đạo bật Tâm Mê
   Lại khiến Thiên Ma lùi khiếp vía).
          *Nhưng từ đâu có nước cam lồ quý ? Từ đâu có cái hùng lực của Sư Tử hống thuyết vô úy ? Từ đâu có núi bảy báu tuôn ra suối trí huệ nhiệm mầu?  Từ đâu có cái lưỡi Gươm Tuệ loé Ánh Kim Cương sắc bén chặt đứt hết Tâm Mê và cái khả năng làm Thầy cả Trời và Người cứu độ chúng sanh?
********
           Ngài Huyền Giác trả lời:

Hữu nhân vấn ngã giải hà Tông?
  Báo đạo : Ma Ha Bát Nhã lực
  Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức
  Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc”.
  (Có người hỏi ta, giải Tông gì?
  Xin thưa : Ma Ha Bát Nhã lực
  Làm phải,làm trái Người mù tịt
  Làm ngược làm xuôi Trời không biết). 
  Đó là Ma Ha Bát Nhã làm ra!
          Ma Ha Bát Nhã là Bát Nhã rộng lớn trùm khắp, bất khả tư nghì, không thể dùng văn tự ngôn ngữ thế gian để diễn tả, đó là trạng thái siêu tâm linh giác quan con người không thể nhận biết mà phải chứng ngộ như Đức Phật, các Tổ và Thiền Sư. Bát Nhã là cái tối thượng : “Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa” vi diệu, nó làm phải làm trái con Người mù tịt không nắm bắt được, nó làm ngược rồi làm xuôi cả loài Trời thông minh trí tuệ cách mấy cũng không hiểu nổi. Bát Nhã thật ra là cái không tên không tuổi, không xuất xứ, phi phàm phi thánh, phi hữu phi vô, phi tà phi chánh, phi nội phi ngoại, phi thành phi hoại, phi thô phi tế...Thể Tánh thì rỗng không, thường trụ, không sinh diệt…là cái rốt ráo tuyệt đối, nên có thể gọi là “Một” hay “Chơn Nhất” , vì cái Một hay Chơn Nhất này biến hóa ra tất cả Càn Khôn vũ trụ trong Tam Giới : “Nhất tức Nhất thiết, Nhất thiết tức Nhất”- (Một là Tất Cả, Tất Cả là Một). Bát Nhã là cái Nhất siêu việt số lượng, nên Kinh nói: “Sum la cập vạn tượng nhất Pháp chi sở ấn”, nghĩa là chỉ “ấn” một Pháp là sum la vạn tượng tràn ngập Hư Không, siêu việt số lượng, chẳng phàm chẳng thánh, chẳng ta chẳng người, tất cả bình đẳng trong cái “Nhất”  và tất cả cũng đều hàm “Nhất” mà sanh, nên Kinh nói: “Phật Tánh bình đẳng, mênh mông khó lường, thánh phàm bất nhị, tất cả viên mãn”. Từ cây cỏ thực vật, tất cả chúng sanh cho đến núi sông vũ trụ càn khôn đều hàm “Nhất” mà có. Kinh lại nói: “Liễu tri Nhất thì muôn việc đều xong” vì “Nhất” là cái Chân Thường, cái Tuyệt Cùng của Lý và Sự. Kinh cũng nói: “Nhất niệm biết tất cả Pháp”. Niệm ở đây là niệm Chân Như, Chân Như Tự Tánh khởi Nhất niệm thì Bát Nhã  hiển bày, là cái “ấn”  của vạn Pháp: Nhất Pháp chi sở ấn, là thế giới Nhất Chơn với muôn ngàn sai biệt sum la vạn tượng nhưng tất cả đều bình đẳng và cùng một thể: “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”. Ma Ha Bát Nhã tuy là cái Không Tên, Không Biết, Không Thấy, không thể dùng văn tự để diễn đạt ; nhưng  nếu không dùng văn tự  hay lời nói làm phương tiện thì lấy gì để hóa độ chúng sanh ? Do đó trong Bửu Tạng Luận, vì lòng Từ Bi, Đại Sư Tăng Triệu phương tiện giải thích về cái Nhất hay Chơn Nhất Bát Nhã : “Nhất là đối với dị (khác biệt), dị đã phi dị, Nhất cũng phi Nhất, phi Nhất bất Nhất, giả lập Chơn Nhất, Chơn Nhất thì phải lập ra văn tự lời nói có thể diễn tả. Do đó, phi Nhất thấy Nhất, hễ có sở thấy tức là có Nhị, chẳng được gọi là Chơn Nhất, cũng chẳng gọi là Tri Nhất. Nếu dùng Nhất để Tri Nhất, tức gọi là Nhị, chẳng gọi là Nhất; nếu có Sở Tri tất có Vô Tri, có Tri và Bất Tri, tức có Nhị vậy. Cho nên Đại Trí Vô Tri vô sở Bất Tri, mãnh liệt Thường Tri, Thường Tri Vô Tri , giả danh gọi là Tri, phi Ngã và Ngã sở, phi Tâm phi Ý’’.
          Do đó trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm “ Bát Nhã Ba La Mật Đa” dùng cái “Vô Tri” vượt qua cái Kiến Văn Giác Tri , cả Sáu Căn đồng loạt không khởi niệm: phi Tâm, phi Ý, phi Ngã,  phi Ngã Sở đạt đến “Tâm Không” nên không còn chướng ngại, khi đó Sáu Căn trở thành sáu Ban Thần Dụng, chuyển Thức thành Trí chiếu kiến Ngũ Uẩn Giai Không liền độ nhất thiết khổ ách. Bát Nhã thì Vô Tri, nhưng vì Mê nên có Thế Giới vật chất với muôn ngàn sai biệt cho nên mới sinh ra có Năng Tri và Sở Tri thông qua Sáu Căn nhận biết cái sai biệt của muôn Pháp, chấp Cảnh sanh Tình mà sinh ra Thức với cái Kiến Văn Giác Tri. Tuy nhiên, muốn trở về Bát Nhã Vô Tri thì cũng phải bắt đầu từ cái Kiến Văn Giác Tri, nhưng không chấp dính, vì nó sẽ là một khối trở ngại lớn lao, con Mắt Đạo sẽ bị mù hẳn, không thể Tri cái Vô Tri.  Đại Sư Tăng Triệu giải thích: ‘‘Pháp nếu Hữu Vi tức có Sở Tri, Pháp nếu Vô Vi, cũng như Hư Không, chẳng có bờ bến thì chẳng có Tri và Bất Tri. Bậc Thánh sở dĩ nói Tri là vì có tâm có sở, có làm có pháp, nên có thể Tri; Nếu dùng Hữu Tri để Tri nơi Tri thì chẳng có chỗ đúng…Kỳ thật, Tri và Vô Tri chẳng phải là hai. Sở dĩ nói Vô Tri, vì phàm phu chẳng liễu đạt Chơn Nhất, chấp Ngã và Ngã Sở, Vọng Tâm so đo có Năng Tri Sở Tri, nên nói Vô Tri vô phân biệt. Phàm phu nghe xong liền học Vô Tri, như người ngu muội, chẳng thể phân biệt, nên bậc thánh vì những kẻ hư vọng mà nói: “Như Lai liễu liễu Tri Kiến, chẳng phải Bất Tri”. Phàm phu nghe xong liền học Hữu Tri, hễ có Hữu Tri thì bị Hữu Tri chướng ngại, ấy là Hư Tri hay Vọng Tri, sự Tri như thế lại càng xa với Đạo vậy. Kinh nói "Chúng sanh thân cận ác Tri Thức, sanh trưởng ác Tri Kiến". Những kẻ học Vô Tri, đều bỏ Hữu Tri học Vô Tri, mà chẳng biết Vô Tri tức là Tri, còn những kẻ bỏ Vô Tri học Hữu Tri, chẳng biết có Tri tức có Giác, có Giác thì Tâm Ý sanh khởi muôn ngàn tư tưởng, chẳng thể lìa khổ. Hai thứ kiến chấp Tri và Vô Tri đều chẳng thể khế hợp lý Như Như, nên chẳng thể đến chỗ chơn thật”.
          Bát Nhã cũng có nhiều tên gọi khác như : Niết Bàn, Chân Như, Như Lai Tàng, Thực Tướng, Hư Không, Chân Không, Phật Tánh, Tự Tánh, Bản Tế…Cái Thể  của Ma Ha Bát Nhã không thể nhìn thấy,nhưng sự Dụng lại vô cùng : ứng cơ thì có muôn ngàn phương tiện, giáo hóa thì có vạn ức pháp vị, hiện vật thì đủ thứ kỳ hình, biến hóa thì có đủ tướng hiện , tạo tác thì tinh vi hoàn mỹ, thị hiện sanh mà vô sanh, thị hiện tướng mà vô tướng, thị hiện thân mà vô thân, vô tri mà tri vô sở bất tri, suy lường mà chẳng lường, thường biết mà chẳng biết, vô vi mà vi vô sở bất vi, vô tướng mà lập tướng , vô tâm mà lập tâm phi tâm, vô danh mà lập danh phi danh, vô vật mà tạo vật vô lượng vật…giống như trong gương tỏa ngàn tượng nước hiện muôn sắc, trong bóng mà tạo hình vũ trụ Càn Khôn, biển nổi ngàn sóng, vô vi biến hóa : “Không tức thị Sắc”. Tuy là hiện tướng sum la vạn tượng đầy ắp trong Hư Không, nhưng tất cả đều lấy Vô Trụ làm Gốc, Vô Tướng làm Thể, Tâm làm Tông Chỉ và Cửa Không làm Cửa Pháp, là cái “Rỗng Thênh Không Thánh” của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, cái “Bổn Lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng, cái “Rỗng Rang Trong Suốt” đồng với Hư Không : “Sắc tức thị Không”.  Nó cũng là ‘‘Kho Báu Như Lai’’ hay “Như Lai Tàng” chứa vô lượng Pháp Giới, hay “Viên Ngọc Ma Ni” dụ cho TÁNH chiếu ra  cái Ánh Sáng  vi diệu dụ cho TÂM, Tâm này là Tâm Gốc là cái Ánh  Bát Nhã biến chiếu ra vạn Pháp : “Không tức thị Sắc”. Cái  Ánh  Bát Nhã  nầy chính là cái Ánh Rõ ẩn nấp nơi Hiện Tượng Giới và Hư Không, Thiền Sư Lâm Tế gọi là cái “riêng sáng hiện bày rõ ràng” là cánh cửa  Vô Vi ngộ nhập Bát Nhã.  Nhận ra Cái Rõ hay cái Ánh Rõ Bát Nhã nầy là đã đi huốt đường TÂM, nhảy thẳng vào Đất Như Lai, thấy TÁNH thành Phật.
          *Trong Pháp hội Linh Sơn, Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên chỉ cho đại chúng. Lúc đó đại chúng đều im lặng ngơ ngác, không biết chuyện gì, chỉ có Tôn Giả Ca Diếp mĩm cười, chứng ngộ Bát Nhã . Thế Tôn bảo :
          -“Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm Thực Tướng Vô Tướng Vi Diệu Pháp Môn , Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự nay truyền cho Ca Diếp ”.  
“Niêm khởi hoa lai            
  Vĩ ba dĩ lộ                         
  Ca Diếp phá nhan            
  Nhân thiên võng thố”
(Vừa giơ cành hoa
 Cái đuôi đã lộ
 Ca Diếp cười xòa
 Trời người thất thố).   
          Trời và Người đều mù mắt ,mù trí điên đảo vọng tưởng ,không nhận ra cái yếu chỉ khi Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên . Trời và Người đều ‘‘Tri ’’ cái   ‘‘Sở Tri’’ chấp vào cái tướng sinh diệt của Hoa Sen ,khởi niệm phân biệt ,suy đoán cái dụng ý của Thế Tôn khi giơ Cành Hoa Sen nên lạc vào thần thức vọng tưởng .Trong khi tôn giả Ca Diếp ‘‘Vô Tri ’’ mà ‘‘Tri ’’ đang ở trong trạng thái Vô Tâm và “Vô Niệm” niệm . Khi Thế Tôn giơ Cành Hoa Sen lên ,tức khắc trong một sát na chợt nhận ra cái Ánh Rõ của Bát Nhã hiện ra nơi Cành Hoa Sen rồi trùm khắp cả Hư Không cũng trong cái sát na ấy. Thế là Hư Không sụp đổ và toàn thể là Ánh Rõ của Ma Ha Bát Nhã và Ca Diếp đã ngộ nhập vào Bát Nhã nên mỉm cười , trong khi Người và Trời ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra .Cành Hoa Sen chỉ là phương tiện nhỏ mà Thế Tôn tạm dùng ngay lúc ấy để chỉ Đạo, chỉ thẳng Bát Nhã. (Tuy chỉ là phương tiện nhỏ, nhưng chính Cành Hoa Sen là Bát Nhã cùng với Hoa Tạng Pháp Giới và Hư Không vô biên là Một !).
          Thế Tôn có thể dùng ngón tay để chỉ Mặt Trăng ,cây gậy để chỉ Mặt Trăng, ở đây Thế Tôn dùng Cành Hoa Sen để chỉ Mặt Trăng và chỉ thẳng, chỉ trực tiếp Bát Nhã .
          Thật ra ngón tay ,cây gậy hay Cành Hoa Sen đều là Pháp mà cũng không phải là Pháp, chỉ là phương tiện để đạt đến bờ bên kia .Thế Tôn không muốn chúng sanh cố chấp vào Pháp để sinh bệnh .Ngài đến trước Tháp Đa Tử  gọi Ca Diếp đến chia cho nửa tòa ngồi, lấy y Tăng Già Lê quấn vào mình Ca Diếp rồi nói kệ phó Pháp :   
“Pháp bổn Pháp vô Pháp
  Vô Pháp Pháp diệc Pháp
  Kim phó vô Pháp thời
  Pháp Pháp hà tằng Pháp”. 
 (Pháp, gốc Pháp không phải Pháp 
  Pháp không Pháp cũng là Pháp
  Nay khi trao cái không Pháp
  Mọi Pháp đâu từng là Pháp). 
          Do đó đây không phải là pháp yếu, tùy thời tùy lúc tùy hoàn cảnh khế cơ mà Thế Tôn khai thị; tuy nhiên, lại là pháp cao nhất chỉ có Ngài Ca Diếp lãnh hội được, Vua Trần Thái Tông nói kệ:
 “Thế Tôn niêm khởi nhất chi hoa
   Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia.
   Nhược vị thử vi truyền pháp yếu,
   Bắc viên thích Việt lộ ưng xa”.
 (Thế Tôn chỉ nhấc một cành hoa,
  Ca Diếp sáng nay đã tới nhà.
  Nếu bảo đó là truyền pháp yếu
  Về Nam ra Bắc lối càng xa).
          Pháp mà Thế Tôn trao cho Ca Diếp không phải là những tàng Kinh đầy văn tự hay ngôn thuyết mà là Kinh Vô Tự không lời , Kinh này là cả một Bầu Trời Rõ, bầu trời chân không “Rỗng Thênh Không Thánh”. Kinh nầy là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa . Cũng ý này, Thiền Sư Huệ Sinh ứng kệ chỉ Đạo cho vua Lý Thái Tông :
“Pháp bản như vô Pháp
  Phi Hữu diệc phi Vô
  Nhược nhân tri thử Pháp
  Chúng sinh dữ Phật đồng
  Tịch tịch Lăng Già Nguyệt
  Không Không độ hải chu
  Tri Không Không giác Hữu
  Tam Muội nhậm thông chu”.
 (Pháp gốc như không Pháp
  Chẳng có cũng chẳng không
  Nếu người biết Pháp ấy
  Chúng sanh cùng Phật đồng
  Trăng Lăng Già vắng lặng
  Thuyền Bát Nhã rỗng không
  Biết không không giác có
  Chánh định mặc thong dong). 
          Trăng Lăng Già ở đây tức là cái Rõ hay cái Ánh Sáng Bát Nhã, Mặt Trăng Thứ Hai hay cái Cửa Vô Vi; từ đây nhảy thẳng vào ngộ nhập Bát Nhã.  Thuyền Bát Nhã rỗng không nên nó chứa tất cả vũ trụ Càn Khôn với ba ngàn thế giới .Nó làm phải làm trái loài Người mù tịt không hiểu nổi. Nó làm ngược rồi  làm xuôi cả loài Trời cũng không biết đâu là manh mối .
          Bát Nhã như một nhà ảo thuật đại tài biến hóa ra Càn Khôn vũ trụ muôn loài , nó thật là minh , nó thật là diệu . Loài Người và loài Trời như khán giả hiếu kỳ trẻ con càng quan sát càng thấy lạ lùng bí hiểm đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc.
          Thí dụ điển hình những gì Bát Nhã làm ra mà loài Người - những nhà Khoa Học thông thái nhất hay loài Trời –những Người Hành Tinh (Aliens) siêu đẳng nhất cũng không hiểu nổi hay hoàn toàn bất lực. Các nhà Khoa Học của Địa Cầu thế kỷ 20 đã khám phá ra nguyên thủy của vũ trụ là một “Dị Điểm” (singular point) cách đây khoảng 15 tỷ năm với kích thước vô cùng nhỏ với đường kính d= 10-33 cm (10 lủy thừa trừ 33 centimet) trong vụ nổ Big Bang. Năng lượng ban đầu biến thành các hạt cơ bản quarks rồi electrons ,protons, neutrinos… để thành lập nguyên tử vật chất đầu tiên nhỏ nhất và nhẹ nhất là Hydrogen (H) và Helium (He) . Tuy là nhỏ nhất nhẹ nhất, mắt thường không trông  thấy được , nhưng đứa con đầu lòng : nguyên tử vật chất Hydrogen cũng lớn hơn mẹ của nó tới 10 triệu tỷ tỷ lần .Rồi thì hàng trăm tỷ đám mây khí nầy (Nebulae) sinh sinh hóa hóa bành trướng ra rộng lớn ra thành hàng trăm tỷ thiên hà (galaxies) . Mỗi thiên hà lại có hàng trăm tỷ Hệ Mặt Trời (Solar System) . Riêng Hệ Mặt Trời của chúng ta có 9 Hành Tinh trong đó có Địa Cầu (Earth) mà chúng ta đang sống. Các nhà Khoa Học thực không thể hiểu nổi tại sao cái trứng vũ trụ ban đầu (cosmic egg) vô cùng nhỏ lại sinh ra một lượng vật chất vô cùng lớn như vũ trụ hiện hữu ? Đúng là một trò ảo thuật bí hiểm !Thật ra điều nầy cách đây hơn 500 năm Thiền Sư Chân Nguyên  chứng Bát Nhã đã nói ra rồi không phải đợi đến thế kỷ 20 các nhà Bác Học mới khám phá ra được bằng dụng cụ khoa học :  
“Nhất điểm Hư Vô thể bổn không,
  Vạn ban Tạo Hóa giá cơ đồng
  Bao la thế giới Càn Khôn ngoại
  Trạm tịch hàn quang sát hải trung”. 
          Hay Thiền Sư Đạo Hạnh đời Lý cũng nói :
“Tác hữu trần sa hữu
  Vi không nhất thiết không ”.
 (Hạt Bụi nầy có thì Vũ Trụ nầy có
  Hạt Bụi nầy không, thì cả Vũ Trụ nầy cũng không ). 
          Các loài Trời hay Người Không Gian (Aliens) dù có thông minh thông  thái gấp ngàn lần người Địa Cầu ,dù cho họ có chế tạo được “Đĩa Bay” hay UFO đi nhanh bằng vận tốc ánh sáng cũng bất lực hoàn toàn không thể đi ngang dọc trong Thiên Hà Milky Way (Dải Ngân Hà) của chúng ta. Càng không thể xuyên vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà khác, cách  chúng ta hàng chục tỷ năm ánh sáng, trừ khi họ có tuổi thọ hàng tỷ năm ?...Trong khi đó đối với các Chư Phật 10 phương thì vũ trụ nằm trong lòng bàn tay của các Ngài. Bởi vì các Ngài đã chứng Bát Nhã ,ngộ nhập Bát Nhã, toàn thể vũ trụ vạn hữu và Hư Không vô biên cũng  chính là Pháp Thân của các Ngài. Do đó các Ngài không cần đi đâu cả mà vũ trụ Càn Khôn hiện hữu trước mặt các Ngài.
          Kinh Hoa Nghiêm có nói :  
          Trong một hạt bụi tôi thấy vô số cõi Phật, mỗi cõi Phật có các đấng Như Lai với hào quang quý báu”.
          Thật là lãng mạn khi nhà thơ William Blake đã ảnh hưởng Phật Pháp như thế nào khi nói ra 4 câu thơ :
“Nhìn vũ trụ trong một hạt cát
  Cả Trời Đất thiên đường trong một bông hoa dại
  Thâu gọn  không gian vô biên trong lòng bàn tay
  Và thời gian vô tận trong một giờ”.
 (To see the World in a grain of sand
  And a Heaven in a wild flower
  Hold  Infinity in a palm of your hand
  And Eternity in an hour).
          * Thuyền Bát Nhã rỗng không nhưng ứng cơ sanh ra vạn pháp, ứng cơ sinh ra Càn Khôn vũ trụ .Nó chuyên chở hay tích chứa Càn Khôn vũ trụ vì nó rộng lớn vô biên, không thể nghĩ bàn  .Còn tất cả Càn Khôn vũ trụ hay sum la vạn tượng thật ra chỉ là cái Bóng của Bát Nhã .
          Bát Nhã cũng gọi là Tự Tánh ,Chân Như hay Như Lai Tạng …..Khi Lục Tổ Huệ Năng chứng ngộ Bát Nhã với sự khai thị của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài tự thốt lên:  
“Không ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh
  Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng sanh  diệt
  Không ngờ Tự Tánh vốn tự đầy đủ
  Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng lay động
  Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”.  
             Bát Nhã cũng gọi là Pháp Thân, hay sanh muôn Pháp là do tùy duyên cơ mà ứng hiện. Có vị tăng hỏi Thiền Sư  Huệ Hải :
          “ Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp Thân ,uất uất hoàng hoa vô phi Bát Nhã”?
          (Trúc biếc xanh xanh đó có phải là Pháp Thân  hay không? Hoa vàng mịt mịt đó có phải là Bát Nhã hay không ? )
          Ngài trả lời :
          “ Pháp Thân vô tượng ứng thúy trúc dĩ thành hình, Bát Nhã vô tri đối hoàng hoa nhi hiển tướng ” .
           (Pháp Thân không có tướng ,ứng trúc biếc hiện ra hình ,Bát Nhã vô tri đối hoa vàng hiện ra tướng ).
          Trong Kinh cũng có nói :
          -   “Chân tượng Pháp Thân do nhược Hư Không , ứng vật tùy hình như thủy trung nguyệt”.
          (Tướng chân thật của Pháp Thân giống như Hư Không ,ứng vật hiện ra hình giống như Trăng lồng bóng nước ).
          Pháp Thân hay Bát Nhã hay Tự Tánh đã sẵn có từ nguyên thủy ,không sinh không diệt ,không đến không đi:
          Pháp Thân vô khứ vô lai trụ tịch oai nghi bất động , Đức tướng phi không phi hữu ,ứng tùy cơ dĩ hằng châu”.
          (Pháp Thân không đến không đi ,đứng yên oai nghi bất động, Đức tướng không phải không cũng không phải là có ,ứng tùy cơ sanh ra vạn pháp).
          * Như vậy Bát Nhã hay Pháp Thân hay Tự Tánh mà Thiền Sư Huyền Giác hay Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ là một “Bửu Vật” trùm khắp Vũ Trụ Càn Khôn, ẩn nơi hình tượng và Hư Không, linh chiếu tự nhiên, trong ngoài trống rỗng, phi Phật phi phàm, phi Tâm phi vật, tịch lặng mà vi diệu, sự dụng tinh vi hoàn mỹ, sức lực ẩn nơi Hư Không, tùy cơ ứng vật mà chẳng động, vô thân mà ứng thân, vô tướng mà hiển tướng, vô danh mà lập danh, vô vật mà tạo vật, pháp tự viên mãn, cực năng cực huyền diệu lý, quang minh siêu Nhật Nguyệt, vượt Càn Khôn, chuyển biến Trời Đất, là “Bộ Máy” vận hành từ hạt nguyên tử, phân tử, các Genes của muôn loài chúng sanh cây cỏ cho đến hằng sa tinh tú thiên hà và vũ trụ, thường chiếu thường soi rõ ràng chân thật, ẩn hiện nơi sum la, thể nhập nơi vạn tượng, hỗn độn mà lập Càn Khôn, trống rỗng mà hiện vô lượng Pháp Giới, Lý Sự dung thông là bửu ấn của sum la, chơn tông của vạn tượng, gốc cội của muôn loài muôn vật, vô vi biến hóa: “Không tức thị Sắc”. Cái “Bửu Vật” vô giá này bình đẳng trùm khắp Hoa Tạng Pháp Giới, nhưng lại bị chôn vùi trong hầm ngũ ấm lục nhập của chúng sanh bị Nghiệp Chướng phủ kín sâu dầy đen tối trong vô số kiếp nên không thể phát sáng lên được, may nhờ Đức Phật đi tiên phong khám phá ra, rồi chỉ đường truyền cho các Tổ từ Ca Diếp,…Bồ Đề Đạt Ma…cho đến Lục Tổ Huệ Năng…tiếp tục chỉ đường cho chúng sanh: biết cách tháo gỡ Vô Minh tẩy sạch Nghiệp Chướng để làm cho nó được hiện bày. Cái “Bửu Vật”  này thể nhập trong Thân Tâm tất cả chúng sanh chính là “Phật Tánh” bình đẳng với muôn loài, nếu được khơi dậy sẽ xán lạn chói chang, thoát khỏi luân hồi, an nhiên tự tại, chiếu khắp mười phương, không sinh không diệt, tịch nhiên chẳng động, sự dụng cảm ứng diệu kỳ, vô Thân mà Đại Thân Đại Ứng trùm Pháp giới, vô Tâm mà Đại Tâm Đại Trí bất khả tư nghì.
                           “Ma Ni châu,  nhân bất thức,
                             Như Lai Tàng lý thân thâu đắc
                             Lục ban thần dụng không bất không,
                             Nhất lỏa Viên Quang, Sắc phi Sắc”
.(Th.S Huyền Giác).
                            (Ngọc Ma Ni, người có biết,                           
                            Như Lai kho ấy thâu trọn hết :
                            Sáu ban thần dụng không chẳng không,
                            Một điểm Viên Quang Sắc chẳng Sắc).
          *Rốt ráo lại, Bát Nhã hay Pháp Thân hay Tự Tánh mà Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ qua cái cửa Vô Niệm cũng là cái “Ma Ha Bát Nhã” hay “Vô Trụ Niết Bàn” mà Thiền Sư Huyền Giác chứng ngộ qua cái cửa Vô Vi. Cái Bát Nhã này vốn tự thanh tịnh, vô sanh, đầy đủ, trùm khắp, bất động lại hay sanh muôn Pháp, nó làm phải rồi làm trái con Người mù tịt, nó làm ngược rồi làm xuôi cả loài Trời cũng không biết nổi và Bát Nhã chính là cái Bản Thể của Vũ Trụ hiện hữu bao gồm cả Tam Giới và sum la vạn tượng. Người nào chứng được nó thì Tự Thể khế hợp với Chơn Nhất, huyền chỉ tự thông, sáng tỏ cái Lý Như Như của vạn Pháp, bình đẳng hòa nhập với Hoa Tạng Pháp Giới và Hư Không, hiển bày Pháp Yếu của Đại Đạo, đạt đến Vô Sanh…trở thành một Đạo Nhân nhàn : “Tuyệt học Vô Vi nhàn Đạo Nhân”.


Read more: http://www.benkiabogiac.com/kien-giai-chung-dao-ca/phan1/
Create your own website for free: http://www.webnode.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét