Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Kiến Giải Chứng Đạo Ca -4

      Kinh nói : “Tam giới duy Tâm” , nhưng Tâm cũng đồng với Hư Không, do đó Vũ Trụ do Tâm sinh ra thì cũng giống như từ Hư Không sinh ra. Trong Thế Giới Hữu Vi, nguồn gốc của Vũ Trụ là “Dị Điểm” Big Bang và xét cho cùng thì cái điểm rốt ráo sinh ra Big Bang chính là Hư Không, cũng chính là Tâm : Tâm        Mê khởi niệm hay Hư Không khởi niệm và Big Bang chính là cái niệm Vô Minh đầu tiên khởi lên. Do đó muốn tìm cái Chân Lý Vũ Trụ này thì phải tìm ngay cái Gốc là Hư Không mà Hư Không thì Vô Tướng và không sinh diệt cũng là cái Không rốt ráo vi diệu hiển ra Sắc : “Không tức thị Sắc”.
       Như vậy, muốn tìm cái Chân Lý thực sự thì phải tìm nơi cái: “ Vô Tướng” tức là nơi cái Không, cái Rỗng Rang - Emptiness, cái Rỗng Thênh Không Thánh mà Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư đã tìm ra và chỉ đường cho chúng sanh hậu thế.  
“Diệu Tánh Hư Vô bất khả phan,
  Hư Vô Tâm Ngộ đắc hà nan.
  Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
  Liên phát lô trung thấp vị càn”.
                                   (Thiền Sư Ngộ Ấn-VN)
(Diệu Tánh Rỗng Không chẳng thể vin,
 Rỗng Không Tâm Ngộ việc dễ tin.
 Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
 Lò lửa Hoa Sen nở thật xinh).
       Thiền Sư Linh Thảo cũng vậy, ngộ nơi cái Hư Không với cái ý chỉ Bồ Đề  Đạt Ma từ Tây Thiên đến, cho nên vác gậy quơ ngang chỉ cái Hư Không: “Rỗng Thênh Không Thánh”:
“Phóng khước ngưu thằng tiện xuất gia
  Thế trừ tu phát trước cà sa
  Hữu nhân vấn ngã Tây lai ý
  Trụ trượng hoành khiêu la lí la”.
(Vứt bỏ dây chăn rồi xuất gia
 Cạo râu cạo tóc khoác cà sa
 Có ai hỏi ý từ Tây đến
 Vác gậy quơ ngang la lí la).
       Nếu các nhà Bác Học thế gian bỏ quên cái Gốc ( là Hư Không) chỉ chú ý tới cái Ngọn( là Sự Vật) để tìm Chân Lý, nghĩa là chỉ nghiên cứu trên Sự Vật suông và trụ nơi Sự Vật cũng giống như đi mò Trăng đáy nước và trụ nơi cái Bóng Trăng dưới nước tưởng là Mặt Trăng thật thì không bao giờ gặp được Chân Lý. Người biết Đạo và đi tìm Đạo, biết dựa vào tấm bản đồ chỉ đường của Chư Phật, Tổ và Thiền Sư, nhìn Bóng Trăng biết chắc là có Mặt Trăng thật, không chấp, không trụ nơi Bóng Trăng, nhưng biết nương vào Bóng Trăng phăng tìm ra Mặt Trăng thật. Rất tiếc cho các nhà Bác Học thế gian nhìn thấy Bóng Trăng, quan sát nó, phân tích nó một cách tỉ mỉ, hiểu biết về nó, rồi lại trụ vào nó, chấp vào nó, cho là  Chân Lý thì đây chỉ là cái Chân Lý ảo mà thôi. Điều này cũng giống như trong Giấc Mộng, các nhà Bác Học trong Thế Giới Mộng quan sát và phân tích Vũ Trụ vạn vật trong Mộng, biết rõ một phần nào về nó, tưởng là Chân Lý, mà thật ra nó cũng là cái Chân Lý tương đối trong thế giới Mộng, đến khi thức dậy thì tất cả đều không, không có cả cái Chân Lý tương đối trong Mộng ! Cái vừa huốt khỏi Sự Vật là cái Vô Vi, chỗ chấm dứt của Khoa Học vì nó vô hình vô tướng là cái Không vi diệu, cái mà Khoa Học bị giới hạn hoàn toàn không thể nghiên cứu bằng giác quan, bằng thí nghiệm, bằng toán học hay dụng cụ khoa học, nhưng lại là cái Rốt Ráo siêu việt, tận cùng của Chân Lý ! Học Giả Egerton C. Baptist (1915-1983) trong cuốn ‘‘Supreme Science of the Buddha’’ có nhận xét: “Phật Giáo bắt đầu ở chỗ khoa học chấm dứt. Khoa học không cho chúng ta sự bảo đảm gì ở nơi đây. Nhưng Phật Giáo có thể đáp ứng sự thách thức của thuyết nguyên tử, vì kiến thức ở trên mức bình thường của Phật Giáo bắt đầu ở nơi mà khoa học chấm dứt. Và điều này khá rõ ràng cho bất cứ ai đã nghiên cứu về Phật Giáo. Bởi vì, qua thiền định, những cấu tử cỡ nguyên tử tạo thành vật chất đã được thấy và cảm nhận, và những sự khổ, với sự sinh và diệt của chúng, đã tự tạo ra trong cái mà chúng ta gọi là linh hồn hay ngã - ảo tưởng của chấp ngã, như giáo lý của Đức Phật dạy ”(Buddhism begins where science no assurance herein. But Buddhism can meet the Atomic Challenge, because the supramundane knowledge of Buddhism begins where science leaves off. And this is clear enough to anyone who has made a study of Buddhism. For, though Buddhist Metitation, the atomic constituents making up matter have been seen and felt, and the sorrow, or unsatisfactoriness (or Dukkha), of their “arising and passing away”(dependent on causes) has made itselt with what we call a “Soul” or “Atma”- the illusion of Sakkayaditthi, as it is called in the Buddha’s teaching). Chính Đức Phật, Tổ và Thiền Sư trao tấm bản đồ chỉ đường chính xác, hay biết bao nhiêu Tàng Kinh đồ sộ phân tích Đạo Lý cao siêu, cùng huyền cực lý chỉ rõ Chân Lý mà các Ngài vẫn cho biết đó chỉ là “ngón tay” để chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng thật, nhưng phải nương vào đó để truy tìm Mặt Trăng thật. Tấm bản đồ và Tàng Kinh của Phật, Tổ và Thiền Sư chỉ ngay cái Gốc để tìm Chân Lý. Tuy nhiên chúng sanh nhiều căn cơ, nhiều trí tuệ, nhiều nghiệp chướng sâu dầy khác nhau cho nên Phật, Tổ bất đắc dĩ phải chỉ ở cái Ngọn nhưng lại hướng về Gốc. Trong khi các nhà Bác Học từ Ngọn lại hướng ra cái Ngọn, nghĩa là từ Sự Vật lại hướng ra Sự Vật, chứ không hướng về cái Gốc Chân Không-Rỗng Rang-Emptiness sinh ra cái Dị Điểm Big Bang mà họ cho là cái cuối cùng: nguồn gốc của vũ trụ. Các nhà Bác Học “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, từ Sự Vật ra Sự Vật trùng trùng duyên khởi vô lượng vô biên Sự Vật, giống như vào Biển đếm cát, không thể nào xong việc và đạt đến Chân Lý. Chẳng hạn như ở thế kỷ 19, các nhà Bác Học cho rằng Dải Ngân Hà ( Milky Way) là Vũ Trụ vì nó quá rộng lớn chứa hàng trăm tỷ Hệ Mặt Trời. Qua thế kỷ 20, nhờ có kính thiên văn Hubble rất tối tân, con người quan sát kỹ hơn thì thấy Milky Way không phải là Vũ Trụ mà chỉ là một Thiên Hà (Galaxy) nhỏ bé, Vũ Trụ còn rộng lớn hơn thế nữa với hàng trăm tỷ Thiên Hà giống như Milky Way do một Dị Điểm Big Bang nổ ra. Bây giờ người ta lại còn nghĩ rằng không phải chỉ có một Dị Điểm Big Bang mà có thể có vô số Dị Điểm Big Bang hay vô số Vũ Trụ (thuyết đa Vũ Trụ)!...Trong khi cái Thái Dương Hệ (Solar System) bé nhỏ của chúng ta (ví như hạt bụi so với Vũ Trụ bao la) với 1 Mặt Trời, 9 Hành Tinh trong đó có quả Địa Cầu mà chúng ta đang sống, các nhà Bác Học không gian đang mò mẫm giống như người Mù đi trong bóng đêm; bây giờ càng nhìn ra sự vật, sự vật lại hiện ra trùng trùng với hàng ngàn hàng tỷ tỷ những “bí ẩn” khác làm cho con người điên đảo, mù tịt và hoàn toàn bất lực. Những cái “bí ẩn” này là do ‘‘Ma Ha Bát Nhã’’ làm ra, do cái Gốc Rỗng Rang-Emptiness làm ra, nó là nhà ảo thuật đại tài, biến hóa ra muôn hình, muôn sắc, muôn tượng : “Không tức thị Sắc” . Do đó, nếu không thể bạo dạn: “Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật”, như Thiền Sư Huyền Giác đã chỉ, mà đang ở nơi Ngọn nhưng biết hướng về Gốc và phải dò tìm, truy cứu, tham cứu, phăng cho tới tận Gốc thì cũng đến được Chân Lý và khi đó mới chợt hiểu ra rằng : “Sắc bất dị Không-(Sắc chẳng khác với Không). Tuy nhiên biết “Không” vẫn chưa đủ, còn phải nhập “Không”  mới là về tới nhà. Vì biết “Không”  dù cao siêu cách mấy thì vẫn còn ở trên đầu lưỡi hay văn tự suông mà cần phải nhập Tâm cho đến rốt ráo tận đầu nguồn Tâm để thấy Tánh như Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị : “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật ”.
       Nhưng cái gọi là “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” theo đúng bản nghĩa của Thiền Tông là “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Từ việc đưa cành hoa  “Niêm hoa vi tiếu” mà Đức Phật truyền Tâm cho Tổ Ca Diếp, đến việc chỉ dựng một ngón tay của Câu Chi hay cánh cửa dập nát bàn chân của Vân Môn… có dùng văn tự chi đâu mà Đại Ngộ ! Hay “cây phướn trước cửa ngã” cho Tổ A Nan, “Rỗng Thênh Không Thánh” cho Lương Võ Đế chẳng dính dáp gì với ý nghĩa văn tự… Tuy nhiên, cũng không thể bỏ được văn tự, vì người trí thì ít, người vô trí thì nhiều, người học rồi thì ít, người chưa học thì nhiều. Nếu không dùng văn tự thì lấy gì để truyền bá, còn nếu chấp vào văn tự chữ nghĩa là : bỏ mình chạy theo vật ắt hẳn phải mất mình ! Vì thế mà Phật Thích Ca không thể ngậm miệng, Ngài thao thao thuyết pháp mà có Đại Tạng Kinh hơn 5000 quyển truyền lại cho đời sau, nhưng rồi Ngài lại phủ định : suốt 49 năm ta chưa từng nói lời nào ! Bởi vậy, cổ nhân nói : “Chẳng tại văn tự, chẳng lìa văn tự” là thế ấy ! 
       Cũng vì vậy mà Thiền Sư Tuyết Đậu với cái chánh nhãn siêu tông việt cách, liếc nhìn trong rừng Văn Sử Kinh Điển tụng ra một trăm tắc công án Thiền làm tư lương cho các Thiền Tăng nơi các tòng lâm, gọi là Tuyết Đậu Tụng Cổ. Ngài kín đáo vạch bày chỗ uyên nguyên, nương theo mạng mạch của các bậc chí Thánh, đại cơ đại ứng của liệt Tổ, chẳng lập tri kiến, tự múa bút Thần mà vẽ Phật tác Tổ, chỉ thẳng truyền riêng mà thấu được chỗ huyền vi ! Cho nên kiếm khách giang hồ nơi nơi khen là một tuyệt tác trong thiên hạ của Thiền Tông. Chỉ có điều là lời gọn ý sâu, Thiền Khách rất khó dùi mài, là Trâu Sắt nên con muỗi không có chỗ để cắm mỏ ! Bởi vậy học giả nơi nơi đem 100 tắc Tụng Cổ này kiến giải ra lời chú thích giúp cho con muỗi biết chỗ cắm mỏ. Hơn 60 năm sau từ khi Tuyết Đậu tịch, Thiền Sư Viên Ngộ xem xét lại, tìm chỗ uyên nguyên, thanh lọc thâm ý, phát dương tông chỉ, đạt nhiều lợi ích cao tột. Về sau đồ đệ của Sư là Phổ Chiếu biên soạn lại, đặt tên là Bích Nham Lục. Vì Bích Nham Lục là một tuyệt tác với biện tài siêu cách, văn chương tuyệt hảo nên sau khi Thiền Sư Viên Ngộ tịch, các đệ tử chỉ mãi mê lo tụng ngôn cú, chạy theo vật tự đánh mất mình, phản lại bản nghĩa là “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Để cứu vãng sự tình, Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo là đệ tử nối nghiệp Viên Ngộ cho gom hết bản gỗ chất trước sân chùa đốt sạch… nên suốt 200 năm Thiền Khách ít ai thấy được quyển sách này ! Tuyết Đậu với tâm lão bà lo lắng cho con cháu quá nhiều; Viên Ngộ xót thương đệ tử chỉ dẫn rành mạch niêm lại các tụng của Tuyết Đậu ; Đại Huệ cho một mồi lửa đốt sạch Bích Nham Lục cứu các đệ tử và người sau khỏi chết đuối trong văn tự chữ nghĩa : cứ thấy nước tự cho là biển, nhận ngón tay làm mặt trăng, đánh mất tông chỉ của Thiền Tông ! Tâm của Tuyết Đậu, Viên Ngộ là Tâm của Phật nói Kinh để truyền pháp, Tâm của Đại Huệ là Tâm của Phật dẹp ngôn thuyết để trở về lại với bản nguyên. Cái nào cũng công dụng tùy khế cơ ứng xử. Công án Thiền xuất phát từ cuối đời Đường, thịnh vào đời Tống. Nhưng từ khi Bích Nham Lục bị thiêu hủy, suốt cả mấy trăm năm Thiền Khách không biết chỗ để dụng công. Cũng vì lẽ đó, niên hiệu Đại Đức (1297-1307) đời vua Thành Tông nhà Nguyên, ở Nguyên Trung cư sĩ Trương Vĩ Minh Viễn ra công đi khắp nơi nơi thu nhặt lại đống tro tàn với những bản còn sót lại, bổ túc những chỗ khiếm khuyết cho khắc lại bản gỗ, do đó Bích Nham Lục tái xuất trong giới giang hồ là quyển sách bậc nhất của tông môn. Thiền Khách nơi nơi hoan hỉ làm chỗ dựa cho Thiền Tông, lưu truyền cho đến ngày nay !
 “Rõ ràng trên giấy Trương Công Tử,
   Tận lực to lời, gọi chẳng ừ”.(Bích Nham Lục).
       Kiến Giải này so với Bích Nham Lục chỉ là một hạt cát trong sa mạc, đầy những thô thiển vụng về. Bích Nham Lục giống như núi bạc vách sắt dành  cho các bậc thượng căn hay những kiếm khách lỗi lạc. Còn những ai thuộc hạ căn như người viết có thể tạm dùng như một lữ khách giang hồ vô danh, đường còn dài, đêm đã tối, dừng lại nơi quán trọ nghèo bên đường nghỉ qua đêm, biết đâu lại có ít nhiều lợi lạc ! Là hạt cát, tuy nhiên : một hạt cát “biết nói”, một hạt cát biết “biến hóa thân”! Phật, Tổ và Thiền Sư không bỏ rơi ai cả, từ thượng căn cũng như hạ căn, từ một vị Bà La Môn uyên bác như Đại Ca Diếp cho đến người gánh phân như Ưu Bà Ly thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội đều có thể lãnh hội được Phật Pháp. Và biết đâu hạt cát cũng có thể làm nên Sự như cái Dị Điểm Big Bang vô cùng nhỏ làm nên hàng trăm tỷ thiên hà thành vô lượng pháp giới : Một là tất cả, tất cả là một : hạt bụi là vũ trụ, vũ trụ là một hạt bụi ! Một Sự đều dung nhiếp tất cả Sự và đều là tất cả SựTất cả Sự đều dung nhiếp vào một Sự tức là  một Sự. Sự lại sanh Lý, Lý sanh Sự, Lý Sự dung thông, Lý cùng tột Lý, Sự cùng tột Sự đạt đến Vô Vi thành ra Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý-Sự vô ngại và Sự-Sự vô ngại là Pháp Giới của Chư Phật hiển bày như lời khai thị của Tổ thứ 27 Bát-Nhã-Đa-La (Prajnatara) :
“Tâm địa sanh chư chủng
  Nhân Sự phục sanh Lý
  Quả mãn Bồ Đề viên
  Hoa khai thế giới khởi”.
(Đất Tâm sanh các giống
 Nhân Sự  lại sanh Lý
 Quả đầy Bồ Đề tròn
 Hoa nở thế giới sanh).
       Tuy nghèo nàn thô thiển nhưng nhìn trong hạt cát này cũng thấy được cái vũ trụ càn khôn với ba ngàn thế giới, thấy được lý duyên khởi, kiếp luân hồi cũng như Đạo Lý Giải Thoát…Thời thế của Bích Nham Lục cách đây 700 năm có khác với thời thế ở thế kỷ 20, 21… Thuở đó khoa học chưa phát triển, đối với chúng sanh còn đang ì ạch gánh nặng Vô Minh Nghiệp Chướng con mắt huệ đã bị mù biết lấy gì để chứng minh lời khai thị của Phật của Tổ là siêu phàm vượt thánh với biện tài vô ngại ! Còn ngày nay với thuyết nguyên tử, cơ học lượng tử, thuyết tương đối, thuyết Big Bang… với kính hiển vi điện tử, máy vi tính, máy gia tốc, kính thiên văn Hubble, phi thuyền không gian… vạn vật, vũ trụ và không gian hiện bày rõ ràng hơn…càng chứng minh lời khai thị của Phật của Tổ thật quả là siêu việt ! Người viết Kiến Giải không dám lạm bàn, chỉ vô tư và khách quan khi quan sát phân tích sự vật với cách nhìn thực tế của thời đại khoa học, thử xem tri thức khoa học hiện đại có đánh ngã và vượt qua khỏi trí tuệ Phật hay không ? Càng phân tích lại càng kinh ngạc, khi thấy tri thức khoa học càng phát triển lại càng chứng minh trí tuệ Phật càng thâm áo cao siêu và vô tận, trong khi tri thức khoa học lại bị giới hạn có nhiều điểm mù ngăn ngại ! Đạo Lý Phật nằm ngay ở hạt nguyên tử, nằm ngay ở cái Dị Điểm Big Bang, nằm ngay trên sóng vật chất…và trùm khắp mọi không gian thời gian từ vô thủy vô chung. Tất cả đều không nằm ngoài cái lý Sắc-Không vi diệu của Phật, của Tổ và Thiền Sư ! Tận đầu nguồn của nguyên tử vật chất là Không, tận đầu nguồn của Dị Điểm Big Bang sinh ra Vũ Trụ là Không, tận đầu nguồn của ba ngàn thế giới là Không…Như vậy tất cả Pháp đều “Như” : từ hạt nguyên tử, hạt bụi cho đến sơn hà đại địa trùm khắp càn khôn vũ trụ; “Như” chính là cái “Không” vi diệu, nhận ra được hay không tất cả chỉ do Mê hay Ngộ mà thôi.
“Bổn mê Ma-Ni vị ngõa lịch,
  Hoát nhiên tự giác thị chơn châu,
  Vô minh, trí huệ đẳng vô dị,
  Đương tri vạn pháp tất giai Như”(Tổ Huệ Khả).
(Mê bảo Ma-Ni là ngói gạch,
 Bỗng nhiên giác ngộ biết chơn châu,
 Vô minh trí huệ đồng chẳng khác,
 Muôn pháp đều Như, phải liễu tri).
       Thấy được Kiến Giải như vậy cùng Phật không khác. Tuy nhiên Phật thấy tức thời : “Sắc tức thị Không”, còn Kiến Giải này phải kiến giải mới thấy được Sắc Không !  Do đó Kiến Giải vẫn là Kiến Giải, chỉ là văn tự suông nó chỉ thực sự có lợi ích khi nhận ra cái Không và ngộ nhập vào Không mới là chỗ đến cuối cùng và khi đó liền đạt đến vô sanh, xong hết mọi việc và mọi sự đều rõ ràng, sống an nhiên, tự tại : 
“Kiến Giải trình Kiến giải,
  Tự niết mục tác quái.
  Niết mục tác quái liễu,
  Minh minh thường tự tại”.
                     (Tuệ Trung Thượng Sĩ).  
(Kiến Giải trình Kiến Giải,
 Tự dụi mắt làm quái.
 Dụi mắt làm quái xong,
 Rõ ràng thường tự tại).
       Một khi đã “Rõ ràng thường tự tại” đạt tới vô sanh thâm nhập căn nhà Bát Nhã rồi thì không còn nhiễm ô bởi Sáu Trần dù cho “gót chân” có dính đất của Sáu Trần, Hoa Sen vẫn nở và vẫn tươi trong lửa đỏ. 
“Minh minh thường tự tại,
  Diệc niết mục tác quái.
  Kiến quái bất kiến quái,
  Kỳ quái tất tự hoại”. 
(Vua Trần Thánh Tông).
(Rõ ràng thường tự tại
 Cũng dụi mắt làm quái
 Thấy quái chẳng thấy quái
 Quái ấy ắt tự hoại).
  
       Cái “Rõ ràng thường  tự tại” này đến nhanh hay chậm còn tùy thuộc nơi hành giả và con muỗi muốn cắn “Trâu Sắt” sẽ không có chỗ để cắm mỏ, do đó cần phải có tấm bản đồ chỉ đường  của Chư Phật, Chư Tổ và những Bí Quyết của Thiền Sư để vào cửa rồi “độc hành độc bộ mà đi”. Nhiều hành giả  tự cầm bản đồ chỉ đường  của Chư Phật, Chư Tổ mà đi tới đích, cũng có nhiều Vị cần có thêm sự chỉ dạy hướng dẫn hay khai thị trực tiếp của một Vị Thầy ngộ đạo, cũng có nhiều Vị vừa có bản đồ vừa có Thầy mà vẫn không ngộ đạo... Bởi vì, có được tấm bản đồ là một lẽ, còn tùy “cách nhìn vào bản đồ” và phải có cái Tâm tương ưng cùng tần số để nhận ra Đạo. Cũng vì lẽ đó mà Cư Sĩ Bàng Long Uẩn phải thốt ra : “Nan nan nan, thập tạ du ma thọ thượng thang”- (Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt !). Khoa Học thì nhìn về Gốc rồi lại bỏ Gốc nhìn ra cái Ngọn, Phật Pháp thì nhìn vào Thân Tâm xem như là Gốc (phản quang tự kỷ), vì Thân cũng chính là Tâm. Nhưng Tâm không phải chỉ  là Thân mà là trùm khắp từ hạt bụi, từ nguyên tử cho đến tàng cây, đám mây, sơn hà đại địa, cả Hư Không và vũ trụ bao la. Do đó “phản quang tự kỷ” lại còn là nhìn ra Sự Vật và cái nhìn về” Gốc Tâm lại dường như là nhìn ra Sự Vật hay nhìn ra Ngọn Tâm giống như các nhà Khoa Học. Tuy nhiên không phải vậy, vì nhà Khoa Học chấp vào Sự Vật để phân tích khám phá Chân Lý nơi Sự Vật về Hình Tướng ; còn Phật Pháp hình thức thì cũng giống như nhìn ra Sự Vật, nhưng không chấp không dính nơi Hình Tướng Sự Vật mà nương nơi Sự Vật  để nhận ra cái Rõ, cái Ánh Bát Nhã ẩn hiện nơi Sự Vật, tức là cái “tuyệt cùng” ở nơi Sự Vật hay cái cửa Vô Vi, cái Gốc Tâm ẩn nơi Sự Vật ; như vậy theo đúng nghĩa lại là nhìn về hay nhìn vào Gốc Tâm. Vì nhận ra được cái Ánh Rõ nơi Sự Vật này mà Bà Bàng Long Uẩn lại nói : “Dị dị dị, bách thảo thượng đầu Tổ Sư ý(Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư). “Nhìn ra” như nhà Khoa Học để nhận ra Chân Lý tương đối của Khoa Học thì rất chậm có khi dài cả thế kỷ hay hơn, “nhìn vào” như Phật Pháp thường tình thì cũng khá chậm vì phải quán chiếu, tư duy, dò tìm, truy tầm và nhanh hay chậm còn tùy theo căn cơ của chúng sanh. Trong  khi sự khai thị đột biến của Chư Phật và  Thiền Sư hay tự nơi hành giả khi gặp một cơ duyên bất chợt nào như khi nghe một tiếng động, nhìn một cành hoa, thấy một cái bóng dưới nước, chợt té ngã…v…v…  thì lại có cái “nhìn tắt” nghĩa là không nhìn ra mà cũng không nhìn vào hay nhìn về, cái nhìn này nhanh gọn ở ngay trên sự vật hoặc ngay nơi âm thanh hay tiếng động, Sáu Căn không kịp hay không khởi một niệm nào cả và chỉ trong một sát na là xong việc : Sắc tức thị Không. Ngay đó nhận Tự Tánh hay Bát Nhã. Ngay đó nhận ra cái Gốc Tâm, thấy Tánh thành Phật.   
“Vạch tét cửa mặt
  Che đậy Càn Khôn
  Hẳn phải tiến lấy
  Vượt khỏi căn trần”.( Thiền Sư Quế Sâm).
       Do đó dù Kiến Giải là Kiến Giải, là văn tự suông… nhưng hiểu được Kiến Giải và có Kiến Giải “chân chính”… thì Kiến Giải chính là “Ngọn Đèn Tâm” soi sáng con đường dẫn đến “Căn Nhà Tánh”, không thể lầm lạc! Có Ngọn Đèn soi đường, có Bản Đồ chính xác, quyết tâm đi là phải tới nơi. Còn Kiến Giải sai lầm… trở thành định kiến sai lầm, tối tăm; dù có Bản Đồ của Chư Phật, Tổ và Thiền Sư nhưng không đọc được Bản Đồ, không có Ngọn Đèn soi đường… chỉ đưa hành giả vào “Căn Nhà Ma” với sáu ngã luân hồi. Thiền Sư Lâm Tế chỉ rõ:
       - “Thời nay người học Phật pháp cần có Kiến Giải chân chính”. Nếu được Kiến Giải chân chính” thì sinh tử chẳng nhiễm, đi đứng tự do chẳng cần thù thắng mà thù thắng tự đến… Các ông nếu hay bặt được Tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật, Tổ chẳng khác. Các ông muốn biết được Phật, Tổ chăng? Chính trước mắt các ông hiện nghe pháp ấy. Học nhân tin chẳng đến, liền chạy tìm ra ngoài. Dù có tìm được, cũng chỉ là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng đặng ý của Phật, Tổ sống. Chớ lầm!... Thời nay chẳng gặp, muôn kiếp ngàn đời luân hồi tam giới, chạy theo cảnh thích, rồi phải sống trong bụng trâu, bụng lừa… Ba cõi không yên như căn nhà lửa, đây không phải là chỗ các ông dừng lâu, quỷ vô thường giết người trong khoảng chớp mắt chẳng lựa người sang kẻ hèn, người già kẻ trẻ. Các ông muốn cùng Phật Tổ chẳng khác, chỉ chớ tìm kiếm bên ngoài. Trên một tâm niệm thanh tịnh sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật “Pháp Thân” của ông. Trên một tâm niệm vô phân biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật “Báo Thân” của ông. Trên một tâm niệm vô sai biệt sáng suốt là ngôi nhà Phật “Hóa Thân” của ông. Ba thứ thân này là người hiện nay ở trước mắt nghe pháp của ông. Chỉ không tìm kiếm bên ngoài, liền có công dụng này… Xác thân tứ đại của các ông không biết thuyết pháp nghe pháp. Gan, mật, dạ dày, ruột không biết thuyết pháp nghe pháp. Hư Không chẳng biết thuyết pháp nghe pháp? – Là một cái riêng sáng hiện bày rõ ràng ở trước mặt ông, nó biết thuyết pháp, nghe pháp. Nếu thấy được như thế đã cùng Phật, Tổ không khác, chỉ trong tất cả thời đừng cho gián đoạn, chạm mặt đều phải. Chỉ vì tình sinh trí cách, tưởng dấy thể sai. Do đó, luân hồi trong tam giới, chịu các thứ khổ. Nếu nhầm chỗ thấy của sơn Tăng thật là rất sâu, thật là giải thoát”.
       Thiền Sư Lâm Tế cũng khuyên các Chư Tăng và Cư Sĩ tại gia:
       “Đại Đức ! Thời giờ đáng tiếc, chỉ tính đến “nhà bên” lăng xăng học thiền học đạo, nhận danh nhận cú, cầu Phật cầu Tổ, cầu Thiện tri thức độ. Chớ lầm ! Các ông sẵn có một cha mẹ, lại cầu vật gì ? Các ông tự phản chiếu xem ! Cổ nhơn nói : “Diễn Nhã Đạt Đa quên mất đầu, tâm cầu dứt sạch liền vô sự”. Đại Đức ! cần yếu bình thường chớ có tạo hình thức. Có một bọn tớ trọc chẳng biết tốt xấu, thấy thần thấy quỷ, chỉ đông vẽ tây, thích mưa thích tạnh. Bọn người như thế đáng quở trách, có ngày đến trước Lão Diêm Vương bị nuốt hoàn sắt nóng. Kẻ nam nữ tốt tại gia bị bọn tinh mị dã hồ nầy mê hoặc, liền tác quái; có ngày quên mất hết những điều cần yếu trong cuộc sống thanh bạch của mình”.
       Do đó có Kiến Giải “chân chính” thì không sợ bị lầm lạc, hoặc nghe lời xúi giục của tà ma ngoại đạo, Ngài khai thị tiếp:
       -“Đạo lưu! Cốt tìm lấy Kiến Giải chân chính”, dọc ngang trong thiên hạ, khỏi bị bọn yêu tinh hoặc loạn, vô sự là người quý, chớ tạo tác, chỉ là bình thường. Các ông nghĩ hướng “nhà bên” cầu vượt qua, tìm ngón tay gót chân, lầm rồi! Chỉ nghĩ cầu Phật, Phật là danh cú. Các ông lại biết chạy tìm chăng? Ba đời mười phương Phật Tổ ra đời cũng chỉ vì cầu Pháp. Như Đạo lưu hiện nay tham học cũng chỉ vì cầu Pháp, được pháp mới xong, chưa được vẫn như trước luân hồi trong năm đường. Thế nào là PHÁP? Pháp là tâm pháp, tâm pháp không hình thông suốt mười phương, hiện dụng trước mắt. Người tin không đến, bèn nhận danh nhận cú, hướng trong danh tự cầu, ý suy xét Phật pháp, cách xa trời đất.  Đạo lưu! Phật pháp không có chỗ dụng công, chỉ bình thường vô sự. Đi đại đi tiểu, mặc áo ăn cơm, nhọc đến thì nằm, người ngu cười ta, kẻ trí biết ta. Người xưa nói: “Làm công phu bên ngoài, thảy là kẻ ngu si”.  Các ngươi phải tùy thời làm chủ, ngay đó đều chân, cảnh đến lôi kéo chẳng được, dù có tập khí nghiệp địa ngục vô gián, tự chuyển thành biển lớn giải thoát”.
       Người có Kiến Giải “chân chính” sẽ phân biệt được đâu là Phật, đâu là ma, và cũng không chấp dính cả Phật lẫn ma, vì cả Phật lẫn ma đều là hai cảnh nhiễm tịnh, chướng ngại cho Phật Pháp. Ngài Lâm Tế khai thị tiếp:
       “Người xuất gia phải biện được Kiến Giải chân chính” bình thường, biết Phật biết ma, rành chân rành ngụy, rõ phàm rõ thánh. Nếu biện được như thế, gọi là chân xuất gia. Nếu ma Phật không biết, chính là xuất gia này vào gia kia, gọi là chúng sanh tạo nghiệp chưa được gọi là người chân xuất gia. Hiện nay có cái ma Phật đồng thể chẳng phân, như nước với sữa hợp. Chỉ có con ngỗng chúa mới biết uống sữa chừa nước. Hàng đạo lưu mắt sáng ma Phật đều đánh. Các người nếu mến Phật ghét phàm, thì phải trôi nổi trong biển sanh tử. Ngươi vừa khởi một niệm tâm nghi ấy là ma. Nếu ngươi đạt được muôn pháp không sanh, tâm như huyễn hóa, không có một hạt bụi, một pháp, ngay đó liền thanh tịnh. Nếu chỗ thấy của sơn Tăng, không Phật không chúng sanh, không xưa không nay, được liền đó được, chẳng trải qua thời tiết, không tu không chứng, không được không mất, trong tất cả thời lại không có một pháp riêng. Dù là một pháp vượt hơn cái này, ta nói như mộng như hóa”.
       Thiền Sư Lâm Tế, thỉnh thoảng lại hé mở cái Ánh Sáng rạng rỡ của Chân Tâm, tức cái Rõ, là cái diệu dụng của Chân Như Bát Nhã, và đó cũng là cái gốc để nhận ra Đạo. Cái này vẫn thường trụ trước mắt và trùm khắp nơi nào cũng có. Người nào ngộ nhập được nó thì xong hết mọi việc, huyền chỉ tự thông… Ngài khai thị:
       “Sơn tăng nói ra đều phải, hiện nay trước mắt đạo lưu “riêng sáng rỡ” lắng nghe. Người này nơi nơi chẳng kẹt, thấu suốt mười phương, tự tại trong tam giới, vào tất cả cảnh sai biệt không thể lôi kéo, trong khoảng sát-na vào tột pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La-Hán nói La-Hán, gặp ngạ quỷ nói ngạ quỷ, đi tất cả chỗ dạo các cõi nước, giáo hóa chúng sanh, mà chưa từng lìa một niệm, tùy chỗ thanh tịnh, ánh sáng thấu mười phương, muôn pháp nhất như. Đạo lưu! Kẻ đại trượng phu hiện đây mới biết xưa nay vô sự. Chỉ vì các ngươi chẳng tin đến, niệm niệm tìm cầu, bỏ đầu tìm đầu, tự không thể thôi, như các vị Bồ-Tát viên đốn mà vào trong pháp giới hiện thân. Nhằm trong tịnh độ chán phàm mến thánh, bọn người như thế chưa quên bỏ lấy, tâm nhiễm tịnh vẫn còn. Kiến Giải Thiền Tông chẳng phải như vậy, thẳng trong hiện tại lại không thời tiết. Nói rằng ta hiểu thiền hiểu đạo, biện luận thao thao như nước chảy, đều là người tạo nghiệp địa ngục. Nếu là người chân chính học đạo, chẳng tìm lỗi của thế gian, cấp bách cầu Kiến Giải chân chính”, mới mong tròn sáng xong xuôi”.
       Một lần nữa, vậy thế nào là Kiến Giải “chân chính” ? Thiền Sư Lâm Tế khai thị tiếp:
       -“Ngươi chỉ tất cả vào phàm vào thánh, vào nhiễm vào tịnh, vào cõi nước chư Phật, vào lầu các đức Di-Lặc, vào pháp giới Tỳ-Lô-Giá-Na, chỗ chỗ đều hiện; cõi nước thành trụ hoại không, Phật ra đời chuyển đại pháp luân lại nhập Niết-Bàn, chẳng thấy có tướng mạo đi lại, tìm cái sanh tử của Ngài trọn không thể được, liền vào pháp giới vô sinh; nơi nơi dạo qua các cõi nước, vào thế giới Hoa Tạng, trọn thấy các pháp không tướng, đều không thật pháp, chỉ có “Đạo nhân vô y” (không chỗ nương) nghe pháp. Đó là mẹ chư Phật, bởi vì chư Phật đều từ vô y (không chỗ nương) sanh. Nếu ngộ vô y (không chỗ nương), Phật cũng không thể được. Nếu người thấy được như thế, là Kiến Giải chân chính”.
       Như vậy rõ ràng là Thiền Sư Lâm Tế xác định cái mục đích rốt ráo của Kiến Giải “chân chính” là tìm về và ngộ nhập cái “Không” vô tướng mạo, vô sở trụ, tức không có chỗ nương… cũng gọi là “Đạo nhân vô y”. Cái mà Tổ Sư Đạt Ma gọi là “Rỗng Thênh Không Thánh”, Lục Tổ Huệ Năng gọi là “Bổn Lai Vô Nhất Vật”; nơi đó Phật cũng không có thể được nghĩa là nơi đó Phật cũng vô hình tướng: “Thập phương du lịch biến, bất kiến Phật hình tung”. Ngài Lâm Tế khai thị:
       “Các ngươi nếu muốn trong sanh tử đi đứng tự do, tới lui tự tại thì, hiện nay nên biết “người nghe pháp” này. Y không hình không tướng, không cội không gốc, không chỗ ở, mà hoạt bát rõ ràng, ứng hiện muôn thứ hành động, chỗ dùng chỉ là không chỗ. Bởi đó, càng tìm càng xa, cầu đó thì trái, gọi đó là bí mật”.
       Ngài Lâm Tế khuyên chúng sanh: chớ nhận thế giới này làm bạn vì nó là mộng huyễn, không thật. Nương vào nó một bữa cơn ăn, manh áo vá mặc qua ngày, chỉ cốt tầm tri thức, tìm con đường giải thoát, đừng ham mê thú vui, tiêu phí thì giờ chấp dính lục trần mà tạo nghiệp và bị cột trói vào biển luân hồi không lối thoát. Ngài khai thị:
       “Đạo lưu! Các ngươi chớ nhận lấy kẻ bạn mộng huyễn, trong khoảng sớm chiều sẽ trở về vô thường. Các ngươi đến trong thế giới này tìm vật gì làm giải thoát? Tìm lấy một bữa cơm mà ăn, mặc áo vá qua ngày, chỉ cốt phỏng tầm tri thức. Chớ theo đuổi thú vui, ngày giờ đáng tiếc, niệm niệm vô thường, nếu thô thì bị bốn thứ đất nước lửa gió ép ngặt, tế thì bị sanh trụ dị diệt bức bách. Đạo lưu! Thời nay cần biết bốn cảnh vô tướng, mới khỏi bị cảnh kéo lôi.  Các ngươi một niệm tâm nghi bị “Đất” làm ngại. Các ngươi một niệm tâm ái bị “Nước” nhận chìm. Các ngươi một niệm tâm sân bị “Lửa” đốt cháy. Các ngươi một niệm tâm hỉ bị “Gió” thổi bay. Nếu khéo biện được như thế chẳng bị cảnh chuyển. Nơi nơi dùng được cảnh, vọt bên Đông lặn bên Tây, vọt bên Nam lặn bên Bắc, vọt ở giữa lặn ở bên, vọt ở bên lặn ở giữa, đi trên nước như đất, đi trên đất như nước. Bởi sao được như vậy? Vì đạt bốn đại như mộng huyễn. Đạo lưu! Các ngươi hiện nay biết nghe pháp, chẳng phải tứ đại của các ngươi, cái biết ấy hay dùng được tứ đại. Nếu khéo thấy được như thế, là đi đứng tự do. Chỗ thấy của sơn Tăng chẳng ngờ pháp ấy. Các ngươi nếu mến Thánh thì, Thánh chỉ là tên Thánh. Có một nhóm người học đạo nhắm trong Ngũ Đài Sơn tìm Văn-Thù, trọn đã lầm vậy. Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn-Thù. Các ngươi muốn biết Văn-Thù chăng? Chỉ cái dùng trước mắt các ngươi trước sau chẳng khác, nơi nơi chẳng nghi, cái ấy là Văn-Thù sống. Các ngươi một tâm niệm sáng không sai biệt, nơi nơi thảy là chân Phổ Hiền. Các ngươi một tâm niệm tự hay mở trói, tùy chỗ giải thoát, đây là Quan Thế Âm. Ba pháp lẫn nhau làm chủ bạn, ra thì đồng thời ra, một tức ba, ba tức một. Hiểu được như thế, mới nên xem Kinh”.
       Thiền Sư Lâm Tế đã chứng đạo, Tổ của phái Lâm Tế, Ngài khuyên hành giả chớ nên hành trì một pháp môn mà uổng phí thời gian, nhọc công nhọc sức mà không tìm ra đạo, ngay cả lục độ vạn hạnh mà Ngài cũng cho là “Phật Sự”, không phải là “Phật Pháp”. Cái mà Ngài khuyên hành giả nên làm là đạt được Kiến Giải “chân chính” là “Đạo nhân vô y vô sự thuần nhất không tạp”.  Ngài khai thị:
       “Đại Đức! Sơn Tăng hôm nay sự bất đắc dĩ nói ra khá nhiều điều vụng về. Các ngươi chớ nhận lầm. Theo chỗ thấy của tôi, thật không chấp nhận các thứ đạo lý nhiều như thế, cần dùng liền dùng, chẳng dùng liền thôi. Các nơi nói lục độ vạn hạnh cho là Phật Pháp. Tôi nói đó là cửa trang nghiêm, cửa Phật Sự, chẳng phải là Phật Pháp. Cho đến, trì trai giữ giới như bưng dầu chẳng nghiêng, nếu đạo nhãn chẳng sáng trọn có ngày phải đền lại nợ cơm tiền. Vì sao như thế? Vì, học đạo chẳng thông lý, đem thân đền tín thí, trưởng giả tuổi tám mốt, cây kia chẳng sanh nhĩ. Nhẫn đến ở trên chót núi, một ngày ăn một bữa, thường ngồi chẳng nằm, sáu thời hành đạo, vẫn là người tạo nghiệp. Hoặc đem đầu mắt tủy não, vợ con đất nước, voi ngựa bảy báu hoàn toàn thí xả; hành động như thế đều là làm khổ thân tâm, lại chuốc quả khổ. Đâu bằng vô sự thuần nhất không tạp. Những hàng Bồ-Tát thập địa mãn tâm muốn tìm dấu vết của vị này trọn không thể được. Do đó, chư thiên vui mừng, địa thần nâng chân, chư Phật mười phương thảy đều khen ngợi. Bởi sao như thế? - Vì đạo nhân hiện nghe pháp, chỗ dùng không dấu vết vậy”.
       Đạo nhân hiện nghe pháp và chỗ dùng không dấu vết này chính là Đạo nhân vô y, vô sở trụ, vô hình tướng, diệu dụng hằng sa, cũng chính là cái Không tuyệt đối của Phật, Tổ và Thiền Sư - là Bát Nhã Chân Như với con đường của Thiền Sư là: “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật”. Mục đích rốt ráo của Kiến Giải “chân chính” là cái Không vi diệu này, và đạt được Kiến Giải “chân chính” là thấy “Sắc tức thị Không”, Sắc Không là một, là bất nhị và bình đẳng. Thật ra từ Tổ Ca Diếp cho đến Tổ Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng hay Thiền Sư Huyền Giác, Thiền Sư Lâm Tế… cũng chỉ có một con đường duy nhất là ngộ nhập cái Không vi diệu này. Sự khai thị hay thủ thuật của các Ngài tuy có khác tùy căn cơ, hoàn cảnh hay thời điểm… nhưng cũng lấy Tâm làm con đường dẫn khởi: “Hướng đạo kỳ do Tâm”. Và Tâm thì trùm khắp trong thân lẫn ngoài thân kể cả sự vật là Sắc. Người thượng căn và đạt đạo khi ngay nơi Tâm nhận ra Tánh, ngay nơi Sắc nhận ra Không là bất nhị. Kẻ hạ căn hay hành giả đang trên con đường tìm đạo thì phải phăng tìm để nhận ra đâu là gốc Tâm, đi huốt con đường Tâm tới cửa Vô Vi, ngộ nhập Vô Vi và từ Vô Vi nhảy thẳng vào Tánh. Phật, Tổ, Thiền Sư ngộ đạo nhìn Sự Vật bằng Tâm hay Ngũ Nhãn thấy tức thì Sắc tức thị Không, còn phàm phu thì nhìn Sự Vật bằng cái Kiến Văn Giác Tri qua Lục Căn bị giới hạn theo nghiệp lực, do đó phải biết phăng tìm từ ngọn cho tới gốc Tâm và lấy gốc Tâm làm căn bản để nhận ra Tánh hay đạt được cái Kiến Giải “chân chính” là cái Không vi diệu, chỗ nương “vô y” của Phật, Tổ và Thiền Sư.         
       Ở đây không đề cập tới ngũ nhãn (nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn), vì hành giả là người đang tìm Đạo chưa có thể có cái nhìn của thiên nhãn hay Phật nhãn…mà chỉ nhìn bằng nhục nhãn tức con mắt của phàm phu. Nhưng thông qua nhục nhãn mà có một cách nhìn khác, giống như nhà Khoa Học cũng dùng con mắt phàm phu nhưng thông qua kính hiển vi hay kính thiên văn thì lại có kết quả khác siêu việt hơn nhiều. Cái nhìn bằng Trí, cái nhìn bằng quán chiếu có khác hơn là cái nhìn chỉ duy nhất chấp vào Nhục Nhãn. Và biết đâu trong một sát na đột biến nào đó, lại có cái nhìn bằng Tâm y như Phật như Tổ. Cái nhìn với “con mắt Hữu” (cũng gọi là con mắt Nghiệp vì chỉ thấy theo Nghiệp) chấp vào Hình Tướng của Sự Vật, khác với cái nhìn của “con mắt Vô” nhìn trên cái “Vô Tướng” của Sự Vật. Do đó cái nhìn tuy là phàm phu nhưng “nhìn ra bằng mắt trong khi tập trung cả Sáu Căn và Sáu Căn thì hổ dụng, tương thông, không ngăn bít” như khi đọc hay tham cứu một đoạn Kinh hay một Luận Thuyết. Chẳng hạn như Thiền Sư Liễu Quán thắc mắc với câu: “Vạn pháp qui Nhất, Nhất qui hà xứ”-(Vạn vật qui về Một, Một qui về đâu?). Ngài cố gắng hỏi vị  Sư Huynh, nhưng không được trả lời hay giải thích. Ngài lên núi tìm nơi vắng vẻ ở một mình. Mãi tới chín năm sau, khi tham cứu sách Bích Nham Lục, lúc đọc được tới câu: “Vạn pháp qui Nhất, Nhân qui hà xứ”-(Vạn vật qui về Một, Người  qui về đâu?), tức thì liễu ngộ. Hoặc nhìn “bằng lỗ tai” như Thiền Sư Trí Nhàn, đang cuốc đất, lượm một hòn sỏi liệng vào gốc tre, khi nghe tiếng dội ra, tức thì liễu ngộ. Hoặc  “nhìn thong thả, nhẹ nhàng với tư thế thoải mái, thả lỏng Sáu Căn” vào một đám mây, một ngọn núi, một tàng cây…tuy nghỉ ngơi nhàn hạ nhưng có một chút để Tâm nhè nhẹ vào chỗ Như Như Tịch Tịch, giống như người đi câu đang đợi cá đớp mồi, tuy lặng yên nhưng nếu nghe thấy mồi  động mạnh thì liền đó giật câu. Ngồi thả lỏng Sáu Căn “nhàn khán” vào Sự Vật tuy là nhìn ra Ngọn Tâm nhưng biết đâu cái Gốc Tâm lại ẩn nơi cái Ngọn Tâm là Sự Vật! Chính nơi Sự Vật, cái Ánh Bát Nhã tức cái Rõ hay Gốc Tâm, Chân Tâm đang ẩn nấp lẫn lộn trong cái Thấy ngay trên Sự Vật. Khi Thân Tâm lặng yên tương đồng cùng tần số với cái Rõ nơi Sự Vật, giống như Sóng Nghiệp, Sóng Vô Minh hay Sóng Vọng Tưởng lặng yên hoàn toàn trong Thân Tâm, trở về với Thân Không, Tâm Không (khác với Tâm vô ký hay ngoan không) cũng như Sóng lặng yên trở về Nước, tức thì Gương Sáng hay Phật Tánh hiện bày nơi Thân Tâm. Khi Sóng đang yên dần nhưng còn vi tế chưa hẳn là Nước, chưa hẳn là Gương nhưng nó bắt đầu phản chiếu: tức là cái Ánh Rõ từ từ hiện ra trên Sự Vật rồi tức thì trùm khắp Hư Không, tức thì cả một Bầu Trời Rõ hiện ra, cả Thân Tâm ngộ nhập vào đó và thẳng luôn vào Tánh hay Bát Nhã. Nếu chỉ dừng lại nơi Bầu Trời Rõ thì chỉ là đang ở nơi Mặt Trăng thứ hai, chưa phải là Triệt Ngộ nhưng cũng đã đạt tới Vô Sanh, nếu thẳng luôn vào Tánh, thì mới là Triệt Ngộ . Cũng như Chiếc Máy Truyền Hình bắt đúng chính xác Tần Số Bát Nhã thì Bát Nhã tức thì hiện ra nơi Màn Ảnh hay Tâm Thức; còn như tần số gần sát nhưng chưa chính xác thì còn bị rè hay mờ, tức là chỉ nhìn thấy được cái Ánh Rõ của Bát Nhã. Ngay khi đó Cánh Cửa Bát Nhã hay Cửa Vô Vi đang mở ra, liền nhảy thẳng vào Đất Như Lai: 
“Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,
  Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.
                             (Thiền Sư Huyền Giác).
 (Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,
  Một nhảy thẳng liền Đất Như Lai).
        Hay như cái “nhìn nhàn rỗi lặng yên” vào bất cứ Sự Vật gì như nhìn làn khói nhỏ trên núi Côn Lôn, Tâm vọng đến rồi tự đi mặc kệ không cần để ý tới, chẳng cần niệm Phật hay ngồi Thiền gì cả như cái nhìn của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Hoặc “nhìn bao quát không chú ý vào một điểm nào và lặng yên Sáu Căn tương thông như Một và lan tỏa khắp Hư Không” như Triệu Biện, một vị quan đang ở công đường trong lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi, cả Sáu Căn đang tương thông và lặng yên đang giao hòa cùng pháp giới bình đẳng làm Một  như dòng suối trong đang ngưng đọng, bỗng nhiên nghe tiếng sấm nổ, tức thì liễu ngộ. Thật ra tất cả cái nhìn này phải có cái Tâm tương ưng : tức phải thực Tâm khao khát muốn đi cầu Đạo Giải Thoát, phải trực Tâm, thuần đức, tinh khiết, thiêng liêng, cùng một tần số mới có thể nhập vào Đạo. Và khi đã liễu ngộ rồi thì lại có cái nhìn khác.Chẳng hạn có một hành giả đi tìm Đạo, khi chưa biết một chút gì về Đạo thì nhìn thấy: “núi sông là núi sông”. Tức là thấy núi sông là có thật. Khi cùng Thiện Hữu Tri Thức học Đạo được 30 năm rồi thì thấy: “núi sông không phải là núi sông”. Tức là thấy núi sông là giả hợp, không thật... Và bây giờ khi Liễu Đạo rồi thì thấy: “núi sông là núi sông”. Tức là vẫn thấy núi sông nhưng không còn chấp trên Danh Tướng. Cái nhìn của thi sĩ Tô Đông Pha khi ngộ Đạo rồi cũng vậy: 
 “Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
   Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
   Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
   Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều”.
 (Khói tỏa non Lô, sóng Triết Giang
  Khi chưa đến đó luống mơ màng
  Đến rồi, hóa cũng  không gì khác!
  Khói tỏa non Lô, sóng  Triết Giang).
       Cái “nhìn tắt” của Chư Phật hay Thiền Sư, không kể Ngọn hay là Gốc, vì với con mắt Bát Nhã: Ngọn cũng là Gốc: ngay trên Sự Vật, không nhìn ra, không nhìn vào, mà nhìn thẳng, nhìn trực tiếp bằng con mắt huệ, con mắt “Vô” không còn Nghiệp…là cái nhìn của Tổ Bồ Đề Đạt Ma có ẩn giấu điều gì bí mật: “Trực chỉ Nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”. Cái gọi là “Trực chỉ Nhân Tâm” tức là chỉ thẳng Tâm Người và Tâm Người ở đây không chỉ là ở trong Thân mà ở cả ngoài Thân, đi hết đường Tâm đến cái rốt ráo từ hạt bụi cho đến Sự Vật ngoài Thân cũng chính là Tâm Người, Tâm Người và Tâm của Sự Vật, Tâm của cả Vũ Trụ và Hư Không là bình đẳng, là Một. Cũng vậy, Thân Người, Thân của Sự Vật, Thân của cả Vũ Trụ và Hư Không là bình đẳng, là Một, chính là Pháp Thân. Khi Lục Tổ Huệ Năng thấy cơ duyên độ sanh hoằng dương Phật Pháp đã tới, liền đến một ngôi chùa để xuất gia, thấy hai vị Tăng đang cải nhau về Lá Phướn trên cây cột cờ: một vị thì cho rằng: Lá Phướn động”, vị khác lại cho là: “Gió động. Trong Pháp hội Tổ tiến đến nói với hai vị Tăng: Không phải Gió động, không phải Phướn động, Tâm nhơn giả động. Vì Tâm của hai vị Tăng động nên mới cải nhau về Lá Phướn, Phướn động hay Gió động thì mặc kệ, tại sao phải dính vào Cảnh để động Tâm. Đó là Tâm Mê chạy theo Cảnh. Phướn, Gió và Tâm của hai vị Tăng đều động, tại sao Tổ nói chỉ có Tâm của hai vị Tăng là động, còn Phướn và Gió đều không động? Thật ra hai vị Tăng với Tâm Mê đang động nên chỉ thấy trên cái “Tướng động” của Phướn và Gió mà không thấy cái “Tướng không động” của Phướn và Gió. Cái “Tướng không động” này của Phướn và Gió cùng  Cái “Tướng Chân Thật” của Tâm hai vị Tăng là Một. Tổ chẳng phải trách móc hai vị Tăng có Tâm động, mà Tổ muốn khai thị:  Chính Lá Phướn và Gió là Tâm của hai Vị và nó thực sự không “động”, vi` Tâm của hai Vị  đang “Mê” nên “động” và thấy nó “động””. Tâm của hai vị Tăng và Lá Phướn là Một, thấy Lá Phướn là Lá Phướn và thấy nó động thì chỉ thấy trên Hình Tướng và cái “Tướng động” của Lá Phướn là cái thấy của người Mê. Phải thấy cả hai mặt Thể và Dụng của Sự Vật mới là cái thấy rốt ráo, chấp Dụng mà bỏ Thể thì cũng giống như  chỉ nhìn Bóng Trăng mà quên đi Mặt Trăng thật. Nước động thì Bóng Trăng trên mặt nước động, còn Mặt Trăng thật thì “không động”. Trong Kinh Lăng Nghiêm khi Phật khai thị cho Tổ A Nan về Tâm với ba cái thấy: Cái thấy: “Tâm và Cảnh phân biệt” của phàm phu, cái thấy Tâm và Cảnh phi đồng phi dị của người mới hiểu Đạo, và cái thấy: Tâm và Cảnh Nhất Như của Chư Phật và Bồ Tát. Tâm của hai vị Tăng và Lá Phướn là Nhất Như, là Một. Nhưng cả hai vị Tăng không Ngộ trên cái lý lẽ này mà vẫn ở trong Mê với cái Tâm Mê đang “động”: “Đa Sự nơi Tâm, Đa Tâm nơi Sự”. Còn cái thấy của Lục Tổ là cái thấy rốt ráo của con mắt Bát Nhã, thấy tức thì: “Sắc tức thị Không”, Sắc tức Chân Tâm,  Sắc tức Chân Không, Sắc tức cái Rõ, Sắc tức Bát Nhã, Sắc tức Pháp Thân  bình đẳng và bao trùm cả Hư Không. Nhìn Hư Không (ngoài Sự Vật) thì cũng vậy: “Không tức thị Sắc”, Không tức Chân Sắc, Không tức cái Rõ, Không tức Bát Nhã, Không tức Pháp Thân  không Thân, bình đẳng và trùm khắp. Đây là Cánh Cửa Thiền vi diệu mà Thiền Giả phải nhảy qua khi Phật, Tổ và Thiền Sư khai thị đột biến; hay chính nơi Thiền Giả gặp một cơ duyên đột biến nào đó trong một sát na : Cửa Tâm và Cửa Bát Nhã cùng mở ra một lượt, ngộ nhập làm Một. Qua được Cửa là Ngộ, qua không lọt là vẫn còn Mê.
       Như vậy, nếu chưa sẵn sàng để “nhìn tắt” hay “trực chỉ” : Sắc tức thị Không, đang ở  nơi Ngọn mà chưa có thể nhận ngay nơi Ngọn là Gốc Tâm thì phải biết cách truy tìm : ngay trên Ngọn Tâm mà không nhìn ra Ngọn Tâm “nhìn về” Gốc Tâm; ngay trên Sự Vật mà không nhìn ra Sự Vật, “nhìn về” Gốc Sự Vật; ngay trên cái Dị Điểm Big Bang mà không nhìn ra vũ trụ, “nhìn về” cái Gốc sinh ra Big Bang; ngay trên Hạt Bụi mà không nhìn trên cái Tướng Bụi hoặc nhìn  ra cái duyên khởi của Tướng Bụi là đất đá sơn hà đại địa mà nhìn trên cái Gốc sinh ra Hạt Bụi hay “Cái Vô Tướng” trên Hạt Bụi; ngay nơi nguyên tử  mà không nhìn ra vật chất, “nhìn về” cái Gốc sinh ra nguyên tử thì chắc chắn phải gặp Đạo Lý Giải Thoát hay Chân Lý.
       Thật ra Đạo Lý Giải Thoát bao trùm từ Vật Chất cho tới Hư Không vô tận, từ Sắc tới Không, từ Không tới Sắc, từ hạt không gian vi tế vô cùng nhỏ, hạt quark, hạt electron, tới nguyên tử, phân tử cho tới các hành tinh, thiên hà và vũ trụ bao la. Chẳng hạn như lấy một nguyên tử là vật chất nòng cốt tạo ra vũ trụ, vì nó là một tế bào căn bản của vũ trụ. Vũ trụ là một tập hợp của tất cả nguyên tử hiện hữu trong Hư Không: VT=∑(nguyên tử), [Sigma nguyên tử].Do đó chỉ cần thấy được Đạo Lý Giải Thoát trong một Nguyên Tử là có thể thấy được Đạo Lý Giải Thoát của cả vũ trụ.
       Một nguyên tử là một vũ trụ nhỏ, một thế giới nhỏ mà các hạt electrons (âm điện tử) được xem như những cá thể Người sống trên quỹ đạo của cuộc đời, quay quanh một nhân cứng chứa những protons mang điện tích dương được xem như là Nghiệp. Thân Báo và Nghiệp Báo hút nhau bởi lực âm-dương giữa Thân và Nghiệp hay giữa các electrons và nhân nguyên tử. Các electrons này bị cột chặt với nhân theo quỹ đạo nhất định, không thể nào thoát ra được cũng như chúng sanh bị Nghiệp trói chặt. Định Nghiệp này cũng áp dụng cho electron bắt buộc phải quay chung quanh nhân mãi mãi với bán kính không đổi theo công thức:
                                     Rn=h2n2/me2Z .
        (h: hằng số Planck, n: chỉ số quỹ đạo electrons, m: khối lượng,
         e: điện tích electron, Z: số hiệu nguyên tử).
       Đức Phật có nói đến hạt vi tế (hay nguyên tử) chia ra làm 7 phần. Có lẽ đây là cách nói khái quát? Hay Đức Phật muốn nói đến 7 lớp vỏ, 7 lớp quỹ đạo electrons? Trong cái Pháp giới duyên khởi Cõi Ta Bà, vật chất đầu tiên là nguyên tử Hydrogen duyên khởi sinh ra các tướng nguyên tử khác để thành lập vật chất sơn hà đại địa, các nhà Bác Học nguyên tử cho đến thời điểm đầu thế kỷ 21 đã tìm thấy được khoảng 110 nguyên tố: từ Hydrogen có 1 electron đến nguyên tố Unununium (Uun) có 110 electrons; là vật chất nặng nhất; có 7 lớp vỏ. Nếu sau này các nhà Hóa Học có tìm ra thêm vài nguyên tố “hiếm” thì các electrons cũng chỉ nằm trong lớp vỏ quỹ đạo thứ 7 trong các lớp phụ tầng s,p,d,f mà thôi. Con số 7 này có lẽ đặc biệt dành cho Quả Địa Cầu và chúng sanh tại đây. Có thể ở Cõi nào khác, nguyên tử vật chất có nhiều hơn hoặc ít hơn 7 lớp vỏ. Thật ra nguyên tử vật chất ở Địa Cầu và trong Không Gian hiện tại có từ 1 đến 7  lớp “quỹ đạo electrons” chính bao quanh một “nhân” cứng vô cùng nhỏ, giống  như “nhân” nguyên tử “mặc” tới 7 lớp “áo” quỹ đạo, hay 7 lớp “vỏ” quỹ đạo. Chỉ số quỹ đạo này từ vật chất nhẹ nhất là nguyên tử  Hydrogen chỉ có “1 lớp” quỹ đạo: n=1 với hình trạng electrons (electron configuration) là (1s1 ); Lithium(Li) nguyên tử số là 3, có “2 lớp” quỹ đạo: Helium [He]2s1 hay (1s22s1);…Sodium(Na)nguyên tử số là 11,có “3 lớp” quỹ đạo: Neon[Ne]3s1 hay(1s22s22p63s1)…Những nguyên tử nặng bắt đầu từ Francium(Fr) với nguyên tử số là 87 , hình trạng electrons là: Radon[Rn]7s1;…Uranium(U) nguyên tử số 92 với [Rn]7s25f36d1;…cho tới nguyên tử nặng nhất là Unununium(Uun),  nguyên tử số là 110 với [Rn]7s25f146d8  tất cả đều có “7 lớp” quỹ đạo chính với n =1 tới 7; mỗi tầng quỹ đạo chính còn có 4 phụ tầng: s,p,d,f  xác định rõ cấu trúc và số electrons hiện hữu trong  mỗi quỹ đạo. Những electrons vòng trong gần nhân hơn, lực hút với nhân càng lớn, giống như Nghiệp càng nặng thì càng khó giải thoát. Những vòng tròn quỹ đạo cố định này như là những vòng luân hồi và sự có mặt của nguyên tử là thế gian là đời sống của các electrons, do nhân duyên và Nghiệp lực tương ứng giữa nhân nguyên tử  (Nghiệp) và electrons (chúng sanh người). Nếu không có một “nhân duyên lớn” nào tác động thì các electrons vẫn mãi mãi chịu luân hồi theo những vòng quỹ đạo của Nghiệp lực định sẵn. Tuy nhiên nhờ một “năng lượng đặc biệt” thâm nhập vào Thân Tâm, bản thân electron nhảy qua những quỹ đạo vòng ngoài ít trói buộc hơn với nhân,  nghĩa là năng lượng cao hơn với quỹ đạo tương ứng với công thức:
                                  En= -me4Z2/2h2n2.
       Khi tiếp nhận những năng lượng En này đến mức độ cần và đủ thì electron tách rời khỏi nhân, tức rời khỏi Nghiệp, được giải thoát thành dòng điện đầy năng lực (electron thành electricity) thành điện năng, quang năng, cơ năng, động năng, hóa năng…thần thông diệu dụng tùy cơ biến hóa ra âm thanh, sắc tướng, muôn màu, muôn vật hoặc trở thành photon ánh sáng, hoặc thành sóng điện từ tung hoành trong khắp không gian vũ trụ bao la, hoặc trở thành các hạt không gian vi tế hòa vào Bản Tế Chân Không. Với chúng sanh cũng vậy, khi tiếp thu được năng lượng Phật Pháp hay năng lượng Bát Nhã cần và đủ, là Giải Thoát sinh tử, ngộ nhập Chân Như Niết Bàn. 
       Nhìn sâu vào nguyên tử thấy được Đạo Lý Giải Thoát từ những hạt electrons được giải thoát. Nhìn ngược về cái gốc cấu tạo nên nguyên tử vật chất cũng thấy được Đạo Lý nầy. Chẳng hạn, nhìn ngược trở vào tức nhìn vào” sâu hơn từ lớp ngoài vào  lớp trong cuối cùng hướng về gốc để phân tích chia chẻ bên trong nguyên tử từ những hạt electrons, protons, neutrons… thì gặp những hạt cơ bản quarks , rồi tới lớp sâu hơn tiếp tục phân tích bên trong những hạt cơ bản quarks thì gặp bức xạ Sóng vi tế cũng gọi là sóng gamma(γ) photon mà khối lượng khi nghỉ hay đứng yên hay ở trạng thái tĩnh là  m=0. Tức là khi ở trạng thái động hay di chuyển thì là Sóng và có năng lượng; khi nghỉ, đứng yên hay ở trạng thái tĩnh thì mất, khối lượng nghỉ m= 0: Sóng mất trở về cái Không hay Sóng mất trở thành Nước, Sắc mất trở về với Không. Sóng gamma(γ)  photon này cũng là cái vi tế mà Kinh Kalacakra gọi là hạt không gian và cuối cùng huốt luôn  hạt không gian đụng tới cái “Vô Vi” là cái Gốc rốt ráo: cái Bản Thể Chân Không tuyệt đối - cái Rỗng Không -Emptiness - là Đạo Lý Giải Thoát. Như vậy Đạo Lý rõ ràng ẩn nấp nơi vạn tượng và bao trùm khắp Hư Không:  
 “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc.
   Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.  
       Nước tức là Sóng, Sóng tức là Nước, Nước và Sóng bất tức bất ly. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc và Không bất tức bất ly. Nhìn sâu vào Sắc hay Vật Chất, đây chính là Sóng. Nếu Kinh Kalacakra nói rằng khi Nghiệp lực chúng sanh chín muồi thì hạt không gian kết tụ thành vật chất (Đất, Nước, Gió, Lửa).Thật ra hạt không gian này Đức Phật tạm gọi là “hạt” để có tên gọi chỉ là phương tiện, nó không phải là vật chất, hay là hạt, mà chính là Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh vi tế còn ở trạng thái Tiềm Năng chưa hiện ra “tướng sóng ” hay “tướng hạt” vì chưa có đủ duyên nên nằm im nơi Bản Thể. Cái Bản Thể ở đây cũng chính là cái “Tự Tánh hay sanh muôn Pháp mà Lục Tổ Huệ Năng đã chứng ngộ ; Tự Tánh này cũng đồng với Phật Tánh, là Chân Như, là Bát Nhã, là Không hay Chân Không… Ở đây Phật học và Khoa Học có những điểm khác nhau nhưng cũng có những điểm tương đồng. Phật Học cho rằng: khi Nghiệp Thức hay Vô Minh khởi động thì Cái “Tiềm Năng” vi tế còn gọi là Hạt Không Gian trùm khắp một khoảng Không Gian nào đó trong Hư Không sẽ  nổi lên thành Sóng, giống như biển động nổi sóng. Trong khi Khoa Học đưa vào thuyết Big Bang cho rằng cái Dị Điểm ban đầu (singular point) vô cùng nhỏ vào thời điểm T= 10-43 giây rất đậm đặc nổ tung và bành trướng ra rất nhanh với tốc độ theo tỉ lệ thời gian và không gian là 1050 gồm những hạt Photon năng lượng cao với nhiệt độ vô cùng nóng tới 1000 tỷ độ K (Kelvin). Những hạt Photons này là những tia Gamma (γ)  có độ dài sóng ngắn và năng lượng rất cao. Điểm tương đồng giữa Phật Học và Khoa Học là hạt Không Gian hay Photon ban đầu chỉ là Sóng hay Bức Xạ rồi “Tác” với nhau mà thành vật chất. Ở đây có thể kết hợp Phật Học và Khoa Học và có thể nói các hạt Không Gian( theo quan điểm Phật Học) hay các hạt Photons ( theo quan điểm Khoa Học) TÁC với nhau thành các hạt cơ bản quarks. Khi có quarks xuất hiện mới có cái tướng “vừa sóng vừa hạt” cũng gọi là “hạt sóng” (wave particles) cho đến khi thành nguyên tử thì mới thành “hạt” vật chất : Đất, Nước, Gió, LửaRốt ráo lại, trong thế giới Hữu Vi, nguyên liệu gốc làm ra vật chất từ nguyên tử cho đến vũ trụ chính là SÓNG : Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh vi tế. Sóng cũng chính là năng lượng là vật chất ở một dạng thể khác được nhà Bác Học Albert Einstein chứng minh với công thức: E=MC2. Trong đó : E(energy) là năng lượng, C(velocity) là vận tốc ánh sáng với  C=300.000 km/giây và M(mass) là khối lượng vật chất. Thực tế thế gian này là sóng, tất cả đều là sóng: vật chất cấu tạo bằng sóng. Từ hạt Không Gian hay Photon là sóng gamma (γ) với độ dài sóng ngắn (short waves) năng lượng cao kết thành quarks  rồi thành electrons, protons, neutrinos…rồi kết hợp thành nguyên tử, phân tử vật chất. Do đó Đất, Nước, Gió, Lửa cấu tạo nên thân người, thân vật và sơn hà đại địa trong vũ trụ đều là sóng. Cho đến cái thấy cái nghe cũng phải dựa vào sóng. Vì nếu không có sóng ánh sáng photon thì chúng sanh không có thể nhìn thấy được; không có sóng âm thanh, sóng vô tuyến, sóng điện từ chúng sanh không có thể nghe được; không có sóng ánh sáng Mặt Trời tất cả cây cỏ thực vật ngũ cốc không có thể bào chế nhựa nguyên qua diệp lục tố thành nhựa luyện để  nuôi cây, do đó con người và hầu hết các loài động vật không có ngũ cốc hay lương thực để ăn và để sống.“Biển Sóng” mênh mông trùm khắp thế gian, từ thân tâm chúng sanh muôn loài (Chánh Báo) cho đến nguyên tử, vũ trụ vật chất sơn hà đại địa (Y Báo) là do Sóng Nghiệp hay Sóng Vô Minh cùng tần số tạo ra, tất cả đều cùng một Cộng Nghiệp nên mới sống chung và liên hệ được với nhau qua Sáu Căn. Sáu cõi luân hồi cũng do cái  “Sóng Nghiệp” tạo ra  cái “ Tướng Nghiệp” khác nhau của mỗi cõi. Nhưng cũng do Tâm Mê có sóng cùng tần số với cái Sóng Nghiệp của từng loài chúng sinh.     
 “Biển Mộng chập chùng say Sắc Sóng
   Quê Nhà tĩnh tịch Ánh Tỳ Lô”.     
       Tuy nhiên Sóng cũng là Nước, Sắc cũng là Không. Ngay trên Sóng, ngay trên Sắc trở về Nước trở về Không chỉ ở cái Tâm Mê hay là Ngộ mà thôi. Thật ra Sóng Vô Minh, Sóng Nghiệp hay Sóng trong không gian như Sóng ánh sáng photon, Sóng điện từ, tia X, tia Gamma (ɣ)…đều không phải là Nước mà là các loại hình tướng năng lượng, là cái vi tế của Sắc. Mà đối với “Sắc-Không”, Sắc cũng chính là Không khi ở trạng thái tĩnh giống như đối với “Sóng-Nước”, Sóng cũng chính là Nước khi ở trạng thái tĩnh. Cho nên có thể nói chung Sóng hay Sắc cũng chính là Nước hay là Không, đạt ý thì nên quên lời. Và như thế có thể đồng hóa Sóng của Sắc Trần cũng chính là Nước hay là Không tùy phương tiện. 
 “Một hứng lộ đầu cùng,
   Đạp phiên ba thị thủy
   Triệu Châu lão siêu quần,
   Diện Mục chỉ như thị’’.(Thiền Sư Mông Sơn Đức Bị).
  (Đường đi chợt hết bước,
   Giẫm ngược sóng là nước, 
   Già Triệu Châu quá chừng,
   Mặt mày chẳng chi khác).    
       Biển Sóng mênh mông trùm khắp, chúng sanh đang say Sắc Sóng không có chỗ để thoát thân, chỉ còn cách duy nhất : ngay đó, ngay trên Sóng giẫm ngược Sóng là gặp Nước : “Đạp phiên ba thị thủy”  tức là ngay trên Sóng không nhìn ra Cảnh Sóng mà nhìn ngược lại Cảnh Sóng tức nhìn vào Nước để nhận diện ra Nước; ngay trên Sắc mà không nhìn ra Sắc Trần, nhìn huốt cái Sắc, tức là nhìn cái Gốc hiện ra Sắc, tức là cái RÕ cái Ánh Bát Nhã ngay trên Sắc hoặc vượt hơn cái RÕ tới cái TRONG rồi cái KHÔNG hiện ra Sắc: “Sắc tức thị KHÔNG”. Cái nhìn ngược lại Sóng, ngược lại Sắc cũng đồng với  cái “nhìn vào” Thân Tâm tìm lại Quê Nhà với ánh Tỳ Lô tĩnh tịch lặng yên. Ánh Tỳ Lô trong Thân Tâm hay cái Ánh Rõ Bát Nhã ngay nơi Sắc ngay nơi Sóng, trong ngoài vẫn là một. Biển Sóng hay Biển Sắc Trần là một. Nếu “nhìn ra” Biển Sóng hay Biển Sắc thì lại càng điên đảo, quay cuồng theo Sóng theo Sắc không có đường giải thoát.  Người biết đối trị với cơn say Sóng là phải nhắm mắt lại đừng nhìn ra, hay đối với Sắc Trần là nhìn mà không nhìn, thấy mà không thấy, đừng bám víu vào cái “Cảnh Sóng” điên đảo đang quay cuồng, mà “nhìn vào”. Đức Phật tuy đắc Chánh Đẳng Chánh Giác, ngoài việc thí pháp độ sanh, Ngài thường ngồi thiền với đôi mắt sụp xuống không nhìn ra ngoại trần, mà “nhìn vào”  Thân Tâm trong thiền định an trú nơi Phật Tánh hay Chân Như Bát Nhã. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng thế, khi chưa có duyên  độ sanh, Ngài ngồi úp mặt vào vách đá suốt 9 năm, không nhìn ra ngoại trần, mà “nhìn vào” Thân Tâm an trú nơi Niết Bàn. Đối với chúng sanh chưa giác ngộ giải thoát, cách “nhìn vào” ở đây giữa Biển Sóng là: “Giẫm ngược Sóng là Nước”, định Tâm bằng Trí Tuệ để tư duy  khám phá Chân Lý, quán chiếu sâu sát vào Thân Tâm vô ngã chủ, vô sở trụ , vô Sự nơi Tâm vô Tâm nơi Sự.      
 “Đứng yên bên hàng dậu,
  Hoa mỉm nụ nhiệm mầu.
  Kinh ngạc lặng nhìn hoa,
  Lại thoáng nghe hoa hát.
  Một bài ca thiên thu,
  Tôi sụp lạy cúi đầu”. (Quách Thoại).
       Đây là một cách nhìn hoa sâu sắc, biết thưởng thức hoa của một nhà thơ hay. Tuy nhiên cái nhìn ra này, thực sự là cái “nhìn ra sóng trần” của người thế gian, còn để Sự nơi Tâm, để Tâm nơi Sự. Thấy được cái nhiệm mầu của hoa, nhưng sau đó bị hoa chuyển: tác động vào Sáu Căn khiến Sáu Căn khởi niệm: kinh ngạc nhìn lại hoa, rồi lại nghe hoa hát cả một bài ca thiên thu, ý căn khởi niệm niệm thật là giàu tưởng tượng. Điều này khác với Thiền Sư ngộ đạo, thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, không tức Cảnh sanh Tâm.    
 “Tam thập niên lai tầm kiếm khách,
  Kỷ hồi lạc diệp, kỷ trừu chi.
  Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu,
  Trực chí như kim bất cánh nghi”.(Thiền Sư Linh Vân)
 (Ba chục năm qua tìm kiếm khách,
  Bao hồi lá rụng với cành trơ,
  Một lần “tự thấy” hoa đào đó,
  Cho đến ngày nay hết cả ngờ).
       Mặc dầu là nhìn ra để thấy hoa đào, nhưng cái “Tự Thấy” của Bổn Tâm khởi niệm chứ không phải là cái thấy ở nhãn căn khởi niệm rồi đối Cảnh sanh Tâm. Tức là cái Chân Như Tự Tánh khởi Vô Niệm niệm mà Sáu Căn không khởi niệm, cũng giống như Tổ Ca Diếp nhìn Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn. Ngay trên Sóng mà giẫm ngược Sóng gặp Nước, ngay trên Hoa Đào mà nhận ra Cái Ánh Rõ Bát Nhã. Ngay trên Hoa Đào mà  “nhìn vào” Bản Tâm khiến cho Chân Như khởi niệm thấy được Phật Tánh.  
       Thiền Sư Huyền Quang, Tam Tổ Thiền Trúc Lâm nhìn Hoa cũng thế:  
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
  Phần hương độc tọa tự vong âu
  Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
  Hoa hương quần phương xuất nhất đầu”.
 (Người ở trên lầu, Hoa dưới sân
 Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
 Hồn nhiên người với Hoa vô biệt
 Một đóa Hoa vừa mới nở tung).
       Rời xa Sóng Trần bên ngoài thì Sóng Trần vọng tưởng bên trong không có chỗ để nương sẽ tự diệt vì chúng là giả tạo là vô thường. Không cần phải đuổi theo để diệt vọng mà chỉ cần “tri vọng”, tuy nhiên “tri mà chẳng tri”, “thấy mà chẳng thấy”  trong khi vẫn để Tâm nhẹ nhàng vào chỗ Như Như Tịch Tịch. Tâm vọng suy dần và tự diệt thì ánh Tỳ Lô tỏa sáng về đến Quê cũ bình yên, hay ít ra cũng tạm trú được trong cái “Miếu cổ hoang” an toàn. Lúc ấy Sóng trở thành Nước, Sắc về với  Không, tự do tự tại. (Click Xem tiếp Phần IV-P.2)

     

        Rốt ráo lại, vật chất từ nguyên tử cho đến vũ trụ được làm bằng vật liệu “Sóng”. Khi Sóng trở về Nước hay Sắc trở về Không thì nguyên tử và vũ trụ cũng sụp đổ trở về Không và khi đó thế gian Mê tan hoại. Khám phá ra vụ nổ Big Bang thành lập vũ trụ, các nhà Bác Học tuy xác minh được bằng những dụng cụ khoa học xem có vẻ như Chân Lý, tuy rằng có những thông số kỳ lạ khó hiểu. Thật ra những khám phá này chỉ đúng theo Nghiệp Thức và con mắt hữu tướng của từng loại chúng sanh mà thôi. Thí dụ đơn giản nhất cũng như Gỗ là thực phẩm của loài mối, nhưng với loài Người thì chỉ dùng làm dụng cụ chứ không ăn được.Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật nói: “Không tức thị Sắc”. Cái Không hiện ra Sắc tức thì trong một sát na, không phải đợi nhiều tỷ năm từ cái Dị Điểm Big Bang mới hiện ra Sắc Tướng thế gian. Cái Không ở đâu thì hiện ra Sắc ở đó, không cần phải tập trung hết năng lượng vi tế vô cùng lớn trong khắp Hư Không dồn nén vào một Dị Điểm Big Bang vô cùng nhỏ rồi mới nổ và bành trướng ra Hư Không để thành các hành tinh sơn hà đại địa. Cũng giống như mặt biển đang lặng yên, một vẫn thạch (Asteroid) trong không gian rơi xuống ở trung tâm tạo ra một “Động Năng” lớn làm nổi sóng lên khắp đại dương. Động năng này là một năng lượng, ở đây là một “Động Lượng” truyền động lan ra qua nước để nước ở nơi đó hiện ra cái tướng sóng:“Nước tức là Sóng”.Cũng như một niệm Vô Minh đầu tiên khởi lên làm cho niệm niệm duyên khởi ra trùng trùng, niệm đi tới đâu thì Tâm hiện ra Tướng đến đó, sự truyền động hay truyền năng lượng đi tới đâu thì nước ở đó nổi lên thành sóng, không phải nước từ trung tâm lan ra, chỉ có cái năng lượng lan ra với cái tướng của sóng mượn từ nước tại chỗ đó. Sóng nổi lên khắp đại dương là do  Nước ở trùm khắp đại dương đồng hiện ra Sóng,“Nước và Sóng bất tức bất ly”.Khi sự truyền động ngưng lại trở về sự lặng yên thì Sóng biến mất, chỉ còn lại duy nhất Nước:“Sóng tức là Nước”.Khi niệm niệm duyên khởi từ một niệm Vô Minh đầu tiên lắng động trở về “Vô Niệm”,thì Tâm Tâm trở về Tâm Không thành Phi Tâm, TÁNH  liền hiện bày. TÁNH này chính là cái Hư Không Rỗng Rang-Emptiness mà các nhà Bác Học đã bỏ quên không để ý đến.
        Ở đây rõ ràng nhận xét thấy các nhà Bác Học của thế gian đi về cái ngọn để tìm Chân Lý nên bị điên đảo và mù tịt. Hẳn các nhà Bác Học cũng biết đến cái Vô Thường và sinh diệt trong một nguyên tử như thế nào khi có những hạt năng lượng trong nhân vô cùng nhỏ rất khó quan sát, chúng va chạm nhau thường  xuyên bị hủy diệt và sinh ra những hạt khác cho nên đời sống của chúng vô cùng ngắn ngủi chỉ có khoảng vài phần tỷ giây, trong khi các nhà Bác Học lại mò mẫm ra cái ngọn của Chân Lý, giống như vào biển đếm cát thì biết khi nào mới xong việc. Trong giấc chiêm bao chỉ cần có 1 sát na thôi là cả vũ trụ Càn Khôn đại địa, hằng sa tinh tú hiện ra đầy ắp cả Hư Không và cũng chỉ trong 1 sát na khi thức dậy thì cái vũ trụ vô biên đó sụp đổ tan hoại hoàn toàn không để lại một dấu vết. Không cần phải đợi từ khi có vụ nổ Big Bang đến 4-5 tỷ năm sau mới có Quả Địa Cầu và đợi thêm 20 tỷ năm nữa vũ trụ này mới tan hoại trở về Không.  
       Tóm lại, sự khám phá ra vụ nổ Big Bang sinh ra vũ trụ của các nhà Bác Học thế gian chẳng có giá trị gì đối với Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư. Nhưng  tạm thời trong thế giới Hữu Vi lấy đó làm phương tiện để phá một phần nào sự mê muội của các Đức Tin Thần Quyền cho rằng Thượng Đế tạo ra vũ trụ vì sự khám phá ra vụ nổ Big Bang là một khoa học. Big Bang giống như một niệm Vô Minh dấy động giữa Chân Không mà ứng cơ cái Diệu Hữu là vũ trụ, là hai mặt Thể và Dụng, Tánh và Tâm, cánh tay Mặt và cánh tay Trái của Bát Nhã Chân Như. Cũng như một hòn đá rơi xuống Biển làm cho Mặt Biển nổi Sóng : Mặt Biển yên lặng là phần Thể của NƯỚC còn Sóng là phần Dụng của NƯỚC. Như vậy, từ một điểm Vô Minh hay Nghiệp Thức làm cho  Chân Không (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) dấy động sinh ra Diệu Hữu (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) . Mặt Biển đang yên lặng bị gió bão nổi lên thành Sóng. Ba ngàn thế giới, hay Càn Khôn vũ trụ, sum la vạn tượng xuất hiện là cái Diệu Hữu. Vì có TÁC nên có TƯỚNG vật chất và cái HỮU xuất hiện tức là Đại Thiên thế giới hay Càn Khôn vũ trụ. Từ  Diệu Hữu (Hữu , Hữu Tướng , HữuTác) trở về lại cái gốc Bản Thể Chân Không thì ngược lại: (Vô,Vô Tướng, Vô Tác) đúng như Tổ Long Thọ đã khai thị: Thành Niết Bàn ( tức Chân Không) có ba cửa : (Vô, Vô Tướng, Vô Tác). Vô Tác: Sóng yên lặng trở về Nước. Vô Tác: nguyên tử vật chất tan rã trở về Không thì cả vũ trụ sụp đổ trở về Không.    
“Tác hữu trần sa hữu
  Vi không nhất thiết không”.
 (Hạt Bụi nầy có thì Vũ Trụ nầy có
  Hạt Bụi nầy không, thì cả Vũ Trụ nầy cũng không ). 
       Nguyên tử Hydrogen nầy “Tác” nên “Có”, thì vũ trụ này “Có”. Nguyên tử Hydrogen này “Vô Tác” nên “Không” thì cả vũ trụ này cũng tan hoại, sụp đổ trở về “Không”. Vậy Vô Tác là trở về Chân Không, trở về Niết Bàn, trở về Bát Nhã, Như Lai Tàng. Ba cái cửa Vô, Vô Tướng, Vô Tác để nhập vào  “Thành Niết Bàn”, ngộ nhập Bát Nhã, ngộ nhập Như Lai Tàng của Tổ Long Thọ - tuy 3 mà là 1, tuy 1 nhưng lại là 3. Vì vào 1 cửa cũng như đã vào 3 cửa ; chỉ cần 1 cửa ( bất luận cửa nào) là đã nhập “Thành Niết Bàn”.   
   *Cửa Vô            
                                       VÔ
Vô tợ Hư Vô thể bổn Không
Tướng đồng Vô Tướng cõi Rỗng ,Trong.
Mịt mù thế giới màn sương ảo
Lấp lánh Càn Khôn ,bọt nước sông
Trăng chiếu trăm sông, ngàn ánh Rõ
Nhựt soi vạn núi, Rực trời hồng
Gương trong, sắc tướng như bào huyễn
Soi chiếu muôn chiều, vạn pháp KHÔNG
 *Cửa Vô Tướng   
                                 VÔ TƯỚNG
Đại địa quần sanh, Thực Tướng : Vô,
Bổn mê sắc tướng bóng ngũ hồ
Du du sinh tử, lai thiên địa
Ám muội Vô Minh, lạc tam đồ
Biển mộng chập chùng, say sắc sóng
Quê Nhà tĩnh tịch, ánh Tỳ Lô
Trong gương nhìn ảnh soi Chân Tướng
Sạch bụi phong trần, thẳng cửa VÔ. 
*Cửa Vô Tác 
                                   VÔ TÁC
Tuyệt gốc Vô-Vi liễu Tánh Chân
Hữu-Vi vọng động lạc thức thần
Trùng trùng duyên khởi hà sa giới
Kiếp kiếp trầm luân vạn lý trần
Vô-Niệm, Vô-Tâm, vô sở trụ
Vô-Hành, Vô-Pháp diệc Vô-Nhân
Quán Không, Tự Tánh phi nhất vật
Phi Phật, phi Phàm, thị PHÁP THÂN.
 (Ngộ Thâm). 
       Chỉ cần Vô Tác  là thế giới Mê đang dậy Sóng hiện Tướng thế gian sẽ tỉnh thức trở về Biển Tánh Chân Không, Niết Bàn vắng lặng, Bát Nhã thanh tịnh. Cái  (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) và cái ( Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác) là hai mặt THỂ và DỤNG,  là Chân Không và Diệu Hữu, như hai cánh tay Mặt và Trái của Một cái Thân duy nhất là “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”. Tuy MA HA BÁT NHÃ hay TỰ TÁNH thì  “tự thanh tịnh” (Vô, Vô Tướng, Vô Tác), nhưng lại “hay sanh muôn Pháp” (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác). Mê và Ngộ là Một, cũng như Sóng và Nước là Một. Phật và Chúng Sanh là Một chỉ khác là ở Mê hay Ngộ:  Mê thì có thế giới của (Hữu, Hữu Tướng, Hữu Tác). Ngộ thì hòa nhập cái (Vô, Vô Tướng, Vô Tác) trở về cái Chân Không vi diệu, cái (Hư Không Rỗng Rang - Emptiness), cái “Rỗng Thênh Không Thánh”: không có một vật, không phàm, không thánh, không chúng sanh thọ giả, không tăng không giảm, không sinh không diệt và trùm khắp…là Kim Chỉ Nam cho hành giả đi tìm Chân Lý Giải Thoát.  
       Tóm lại, Bức Tường Mẹ Rỗng Rang- Emptiness mà thế gian bỏ quên không để ý tới lại là cái Gốc của Chân Lý, là Chân Không, là Hư Không, là cái Không, là Cánh Cửa Giải Thoát của Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư. 
       *Đó là cánh cửa TỔ mà tất cả thiền sinh phải vượt qua để vào căn nhà Bát Nhã . Là cửa “VÔ”, cửa “VÔ VI”, cửa Không , cửa không cửa, hay cái cửa Ca Diếp thể  hiện cái Ánh Rõ của Chân Tâm Gốc Tánh lẫn lộn trong cái thấy của nhãn thức phàm  phu ,chỉ có Tổ Ca Diếp với Tâm không tương ưng rốt ráo mới nhận ra và ngộ nhập cái  của Bát Nhã với bầu trời trong “Rỗng  Thênh Không Thánh” mà Tổ ĐẠT MA đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế. Cái  ẩn hiện nơi cái thấy của phàm phu như cò trắng trong truyết , như nước với sữa chỉ có con ngỗng chúa mới lược ra được .Cái Ánh Rõ Bát Nhã ẩn hiện trên Cành Hoa Sen ,trên giọt nước ,ở tàng cây ,ở đám mây ,ngọn núi và trùm khắp cả Hư Không …nhưng với nhãn thức phàm phu với Tâm Mê đầy vọng tưởng nghiệp chướng thì không thể nào nhận ra được .   
“Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
  Mịch tức tri quân bất khả kiến”.
 (Không rời trước mắt vẫn thường nhiên
  Tìm kiếm đã hay không thấy được).
       Kẻ phàm phu không sao nhận ra được,vì phải có cái Tâm tương ưng cùng tần số là Không  tức Tâm Không. Đi suốt cả đường Tâm đến tận gốc tận đầu nguồn Tâm với Tâm Không rốt ráo, thấy Tánh thành Phật, ngộ nhập Bát Nhã.
       Đây là  Chánh Pháp Nhãn-Tạng ,Niết Bàn Diệu Tâm ,Vi Diệu Pháp Môn, Thật Tướng Vô Tướng ,Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự” mà Đức Phật Thích Ca đã truyền cho Tổ thứ nhất là Ca Diếp . Đây cũng là “Giáo ngoại biệt truyền ,bất lập văn tự,trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” mà Tổ thứ 28 là tổ Bồ Đề Đạt Ma đã du nhập vào Trung Quốc là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa cho đến Lục Tổ Huệ Năng ,Thiền Sư Huyền Giác và vô số Thiền Sư ngoại hạng sau nầy … 
       Tổ Đạt Ma đã thay mặt Phật đã chỉ rõ ràng tức Tâm là Phật ,trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật :  
“Ngã bổn cầu Tâm bất cầu Phật
  Liễu tri tam giới không vô vật
  Nhược dục cầu Phật, đản cầu Tâm
  Chỉ giá Tâm Tâm ,Tâm thị Phật”.
 (Ta thà cầu Tâm chẳng cầu Phật
  Rõ ra ba cõi không một vật
  Nếu muốn cầu Phật thà cầu Tâm
  Chỉ Tâm Tâm ,Tâm ấy tức Phật). 
       Tổ còn chỉ rõ chính cái Tâm Gốc thanh tịnh là cái cửa “VÔ” vi diệu nhảy vào đất Như Lai ngộ nhập Bát Nhã. Đó cũng là cái Tâm “Vô Niệm” mà Lục Tổ Huệ Năng đã nhận ra Tự Tánh .Giống như mặt nước yên lặng như gương ,không một đợt sóng ,hoặc bụi mờ che khuất soi thấu cả bầu trời trong vô tận.  
       Tổ Đạt Ma chỉ rõ:  
“Đạt Đạo do Tâm bổn
  Tâm tịnh thời hoàn đa
  Như liên hoa xuất thủy
  Đốn giác đạo nguyên hòa
  Thường cư tịch diệt tướng
  Bát Nhã chứng nan qua
  Độc  siêu tam giới ngoại
  Cách bất luyến Ta Bà”.
       Đạt được ĐẠO là ở cái TÂM GỐC. Cái Tâm Gốc cũng là cái Tâm Không, hoàn toàn thanh tịnh. Đạt được Tâm Không giống như mặt nước yên lặng hay tấm gương trong không một chất bụi ám che mờ sẽ có lợi ích vô cùng soi thấu được bầu trời trong vô tận, hay soi thấu được Phật Tánh, làm cho Phật Tánh hiển bày ngay nơi Thân Tứ Đại nầy. Giống như Hoa Sen vươn khỏi mặt nước hiện bày trong Hư Không. Đốn ngộ cái đạo lý siêu việt, thoát vòng sinh tử và thường sống trong Cái Không tịch diệt vô tướng. Đó cũng là chứng ngộ Bát Nhã,là căn nhà Niết Bàn vô sanh, vượt qua khỏi Tam giới, không còn luyến tiếc hoặc ràng buộc bởi cõi Ta Bà đầy ngũ trược và phiền não.   
       Đối với chúng sanh còn đang mê muội Vô Minh, càng cầu xin cúng tế, lễ bái,van xin trong  đường mê thì càng lún sâu vào bể khổ luân hồi. Bởi vì chúng sanh với cái Tâm (Tham, Sân ,Si) làm cho lửa bát thức: (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân ,Ý , Mạt Na, A-Lại-Da) phun trào, lại gặp bão táp lục trần : (Sắc, Thinh ,Hương,Vị ,Xúc , Pháp)  ập đến cuồng quay trong lốc xoáy điên đảo. Ma ngũ ấm : (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) quyến rũ mê lầm, Thân Tứ Đại :(Đất, Nước, Gió, Lửa) luôn luôn nhiễu loạn quấy phá . Dây ái xích xiềng trói chặt ,tham dục cuốn hút  đắm chìm trong biển sâu đen tối .Nội công ngoại kích làm cho Thân Tâm vẩn đục ,trí tuệ lu mờ. Giữa trận đồ bát quái với vòng vây Vô Minh dầy đặc, phải rơi vào biển khổ sanh tử trầm luân không lối thoát. Không có lối thoát bởi vì Nghiệp chồng lên Nghiệp, Nghiệp cũ chưa thọ báo xong, lại tạo thêm Nghiệp mới, nợ cũ chưa trả xong lại vay thêm nợ mới, biết bao giờ mới trả cho xong. Trong vô số kiếp làm “khách phong trần” ngao du lãng tử khắp 6 ngã luân hồi : khi là loài Người, khi là loài Trời rồi lại rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…mỗi ngày lại càng đi xa, quên mất  “Căn Nhà Xưa”, con mắt Huệ bị nghiệp chướng của 6 ngã luân hồi trong vô số kiếp viễn du làm cho bị mù, chỉ nhìn đời, nhìn đạo bằng con mắt của phàm phu đầy tham dục và mê muội. Giống như (con thiêu thân) thấy ánh lửa dục vọng, danh lợi của thế gian tưởng là hào quang thật, nghe nói phép lạ thần quyền vội tin ngay tưởng là thiên đường thật, nhìn thấy hào nhoáng bên ngoài của ngoại đạo tưởng là ánh sáng thật vội xông vào, không ngờ bị thiêu đốt trong lửa Vô Minh không lối thoát.   
“Vi vi lãng đãng phong trần khách,
  Nhật viễn gia hương vạn lý trình ”.
 (Lang thang làm khách phong trần mãi
  Ngày một thêm xa chốn Quê Nhà). 
       Phật, Tổ và Thiền Sư ra đời để cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ
mê lầm đến bờ giác yên vui nơi Niết Bàn : thường, lạc, ngã ,tịnh .Các Ngài đã trao cho chúng ta tấm bản đồ chỉ đường để hồi hương- trở về Căn Nhà Xưa : căn nhà “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”
       Tấm bản đồ “Chứng Đạo Ca” với cánh cửa “VÔ VI” và căn nhà “BÁT NHÔ của Thiền Sư Huyền Giác không khác với tấm bản đồ “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, cũng không khác với tấm bản đồ “VÔ NIỆM và Bổn Lai Vô Nhất Vật” của Lục Tổ Huệ Năng. Nó cũng không khác với tấm bản đồ “Niêm Hoa Vi Tiếu” chỉ cái Rõ - cái Ánh Bát Nhã của Đức Phật Thích Ca trao cho Tổ Ca Diếp ở Pháp hội Linh Sơn .
 Vậy chúng sanh nào đã tỉnh cơn Mê, có bản lĩnh ,có trí tuệ thì đây là lời nhắc nhở của Đức Phật : “Các ngươi hãy tự đốt đuốc lên mà đi ,đi với Chánh Pháp”. Chánh Pháp ở đây là tấm bản đồ mà Chư Phật ,Tổ ,Thiền Sư trao cho.
        Các Ngài đã chỉ cho chúng ta biết thế gian nầy là MỘNG ,do TÂM mê ,điên đảo nên tưởng là thật .Cả 6 căn đều điên đảo chấp dính vào 6 trần và bị trói buộc vào sinh tử luân hồi :  
“Mộng lý minh minh hữu lục thú
  Giác hậu không không vô đại thiên”.
                              (Thiền Sư  Huyền Giác). 
       Vậy khách bể dâu trong 6 cõi ,ai là người tỉnh Mộng ,biết được Mộng,  đã chán với cảnh luân hồi vô số kiếp ,hãy lên đường ,độc hành độc bộ với tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”.     
“Thường độc hành thường độc bộ
  Đạt giả đồng du Niết Bàn lộ”.
       Hãy vượt cho đến đỉnh Tuyết Sơn ,nơi có Pháp Giới Chư Phật mà Phật, Tổ và Thiền Sư từng nếm vị “ĐỀ HỒ” chứng Niết Bàn Diệu Tâm: 
“Tuyết Sơn Phì Nhị cánh vô tạp
  Thuần xuất Đề Hồ ngã thường nạp”.  
       Đường lên đỉnh Tuyết Sơn phải  đi bằng cả Thân Tâm với 6 căn hổ dụng đồng loạt, mút cả đường TÂM ,vượt khỏi “đầu sào trăm trượng” của Thiền Sư Cảnh Sầm , cho đến tận đầu nguồn MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA cũng là cái Rõ hiển bày nơi Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn mà Tổ Ca Diếp  đã nhận ra và cũng trong sát na đó nhảy thẳng vào ĐẤT NHƯ LAI  ngộ nhập BÁT NHÃ. 
 “Đường đi lên có Thích Ca Văn Phật
  Pháp hội Linh Sơn mở Đạo mầu 
  Một cánh hoa trao ngàn thuở ngát
  Lời Kinh vô tự vút từng câu
  Đường đi lên ôi tuyệt vời minh triết
  Có cái không bàn nghĩ được đâu
  Ngã ư Chánh Giác vô sở đắc
  Có cái Tâm nầy vạn pháp thâu
  Đường lên hỡi khách bể dâu
  Ngắn bằng một niệm dài đâu chớp lòe
  Ai ai những khách đi về
  Đường lên nẻo Giác đường về nẻo Tâm”.(Trúc Thiên)
       TÂM nầy là TÂM KHÔNG ,TÂM ở huốt tận đầu nguồn là phi TÂM mà Tổ Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa ) đã truyền chánh pháp nhãn tạng cho Tổ thứ 4 là Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) :   
“Phi pháp diệc phi Tâm
  Vô Tâm diệc vô Pháp
  Thuyết thị Tâm Pháp thời
  Thị Pháp phi Tâm Pháp”.  
       TÂM nầy cũng chính là cửa “VÔ” của Triệu Châu, cửa “Vô Môn Quan” của HUỆ KHAI ,cửa “VÔ VI” của Huyền Giác hay cái cửa Ca Diếp với cái RÕ BÁT  NHàẩn hiện nơi Cành Hoa Sen, nơi tàng cây ,đám mây, sông núi hay cả vạn pháp và Hư Không .
        Tâm nầy là Tâm  “ BA LA MẬT ĐA” ở  bờ bên kia và ngay đó ngộ nhập “MA HA BÁT NHÔ thấy Tánh thành Phật. 
“BÁT NHàthanh tịnh hải
  Lý mật nghĩa u thâm
  BA LA ĐÁO BỈ NGẠN
  Hướng đạo kỳ do Tâm”. (Bồ Đề Đạt Ma).  
        Rõ ràng Niết Bàn Diệu Tâm hay “MA HA BÁT NHÃ LỰC” của Thiền Sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca đồng thuyền, đồng bộ ,đồng hành, đồng điểm ,đồng tâm với Chư Phật ,Chư Tổ và Thiền Sư .Các Ngài sánh vai cùng đi ,nhìn cùng một con mắt ,nói cùng một giọng lưỡi :   
“Tông diệc thông, thuyết diệc thông
  Định huệ viên minh bất trệ không
  Phi đản Ngã kim độc đạt liễu
  Hằng sa Chư Phật thể giai đồng”.
                             (Thiền Sư Huyền Giác). 
(Tông cũng thông ,thuyết cũng thông
Định huệ sáng tròn chẳng trệ không
 Nào phải mình ta riêng đạt đấy
 Hằng sa Chư Phật thể giai đồng).          
       Điều lạ lùng cần suy gẫm tham cứu cho tới tận đầu nguồn ,tận gốc rễ dù cho phải mất suốt 5 năm ,10 năm ,20 năm ,30 năm hay trọn một kiếp người cũng phải cho xong .Đó là việc phải tham cứu PHÁ VỠ  cái  “HƯ KHÔNG Rỗng Rang” vô biên đang trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới là gì? Cái Hư Không  nầy có điều gì bí mật mà Chư Phật, Chư Tổ và Thiền Sư đều chú ý tới một cách trân trọng :    
       * Tổ Sư  thứ 7  BÀ TU MẬT (Vasumitra)  khai thị :
“Tâm đồng HƯ KHÔNG giới
  Thị đẳng HƯ KHÔNG pháp
  Chứng đắc HƯ KHÔNG  thời
  Vô thị vô phi pháp”.     
       * Thiền Sư Chân Ngôn cũng nhắc tới nó :
“Diệu bản HƯ VÔ nhật nhật khoa
  Hòa phong xuy khởi biến Ta Bà
  Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc
  Nhược đắc Vô Vi thủy thị gia”.
 (Hư Không lẽ  ấy rất sâu xa
  Thổi dịu nơi nơi ngọn gió hòa
  Vô Vi tận biết ,người an lạc
 Đạt đến Vô Vi mới là nhà).
       * Thiền Sư Lương Giới Động Sơn - Khai Tổ Tông Tào Động, khi sắp tịch cũng khai thị cho các Chư Tăng về cái “Không” vi diệu này, là con đường tắt nhất để tìm Đạo: 
 “Học giả hằng sa vô nhất Ngộ
   Quá tại tầm tha thiệt đầu lộ
   Dục đắc vong hình dẫn tung tích
   Nỗ lực ân cần “Không” lý bộ”.

  (Kẻ học hằng sa, ngộ mấy người
   Lỗi tại tầm y trên đầu lưỡi
   Muốn được quên thân bặt dấu vết
   Nỗ lực trong “Không” bước ấy ngươi).
        * Bàng Long Uẩn thì luôn luôn sống với cái Không nầy .Dù đi đứng nằm ngồi cũng ở trong cái Không, cái Không rốt sáo ngự trong nhà ông, cái Không là kho tàng chân thật, cái Không cũng là chỗ ngồi của Chư Phật .
       * Triệu Châu thì  nói xa nói gần về nó với cái  cửa “VÔ”. 
       * Đức Phật thì chỉ thẳng về nó qua cái Rõ  ẩn hiện nơi Cành Hoa Sen ở Pháp hội Linh Sơn cho Tổ CA DIẾP cũng gọi là cánh cửa Ca Diếp .
       *Thiền Sư Huyền Giác cũng chỉ thẳng qua cửa “VÔ VI”.
       *Tổ Thiền Tông thứ 14 Long Thọ cũng diễn đạt nó qua thành Niết Bàn: “Niết Bàn thành hữu tam môn sở vị :Vô,Vô Tướng ,Vô Tác” (Thành Niết Bàn có 3 cửa : cửa Vô ,cửa Vô Tướng ,cửa Vô Tác). Hư Không vẫn sờ sờ trước mặt ,vô biên trùm khắp ,nhưng lấy chẳng được, bỏ chẳng cũng được ,không sinh không diệt ,không tăng cũng không giảm,  nhìn thì chẳng thấy ,chỉ thấy Rỗng không :    
“Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
  Mịch tức tri quân bất khả kiến”.   
        Nó rỗng mà linh ,không mà diệu ,ứng cơ sinh ra vạn pháp: “Không tức thị Sắc” như Thiền Sư Chân Nguyên khai thị :     
“Một điểm Hư Vô thể  bổn không
  Vạn ban tạo hóa giá cơ đồng
  Bao la thế giới CÀN KHÔN ngoại
  Trạm tịch hàn quang sát hải trung”.  
       Nó là  “Thánh Đế  Đệ Nhất Nghĩa” mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế : “ Rỗng Thênh Không Thánh”. Rốt  ráo lại ,Hư Không là cái đích cuối cùng mà tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” của Phật,Tổ ,Thiền Sư đã trao cho những ai thực sự đi tìm Chân Lý ,tự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.  
“Đạt Ma sừng sững giữa Hư Không
  Đứng giữa Trời trong vẫn u huyền”.     
        Thật khó khó thay ! Đúng là “10 tạ dầu mè trên cây vuốt”. Nhưng có một điều lạ lùng là Phật ,Tổ và Thiền Sư vừa trao tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT DA” lại vừa hé mở  cánh cửa “MỘNG” như là điều thực chứng những lời khai thị của các Ngài !
         LẠ LÙNG thay giấc MỘNG BAN ĐÊM khi thức dậy và giấc MỘNG BAN NGÀY  khi đại ngộ sao mà giống nhau như MỘT ! Trong giấc Mộng Ban Đêm, chúng sanh Mộng đang MÊ bởi con mắt Nghiệp Mộng , không thể thấy cái Thân Thật nằm trên giường ,chỉ thấy toàn là Hư Không Rỗng Rang vô biên . Chỉ khi thức dậy mới biết cái thân trên giường là HƯ KHÔNG trong Mộng.   
       Đối chiếu lại, cái Thế Gian Thực Tại có phải là MỘNG BAN NGÀY hay không ? Nếu đây cũng là Mộng thì rõ ràng cái HƯ KHÔNG RỖNG RANG vô biên nầy cũng chính là cái THÂN THẬT của mọi chúng sanh và cả Càn Khôn vũ trụ vạn vật ….là PHÁP THÂN  ,là BÁT NHÃ ,là NHƯ LAI , là NIẾT BÀN…. mà biết bao lời khai thị của Phật ,Tổ ,Thiền Sư đã nhắc nhở chỉ đường cho chúng sanh MÊ đang sống trong thế gian Mộng, với con mắt Nghiệp Mộng có tấm bản đồ chính xác để tự giải thoát ra khỏi cơn Mộng và 6 ngã luân hồi. 
       Thật vậy ,Phật ,Tổ và Thiền Sư đã nhắc nhở chúng sanh nhiều lần : Cái thế gian hữu tướng nầy thực sự là Mộng , không phải là thực, đừng bám víu vào nó để bị luân hồi !         
       *Trong Kinh Kim Cang,Đức Phật chỉ rõ:  
“Nhất thiết Hữu Vi pháp
  Như Mộng huyễn bào ảnh
  Như lộ diệc như điện
  Ưng tác như thị quán”.
       (Tất cả pháp Hữu Vi của thế gian đều là mộng, ảo, bọt,bóng,giống như sương mai điện chớp hãy nghĩ chúng như chiêm bao).   
       *Thiền Sư Huyền Giác nói :  
“Mộng lý minh minh hữu lục thú
  Giác hậu không không vô đại thiên”.
 (Còn mộng thì còn 6 ngã luân hồi  
  Giác ngộ rồi thì 3 ngàn thế giới cũng không có).     
       *Trong Kinh Lăng Già, Bồ Tát Đại Huệ cũng cho biết :  
“Viễn ly đoạn thường
  Thế gian hằng như Mộng
  Tri bất đắc hữu vô
  Nhi hưng đại bi Tâm”.     
*BỒ ĐỀ ĐẠT MA cũng khai thị:  
“Thân tận Vô Minh tận
  Thọ báo khước lai kỳ
  Trí thân như huyễn hóa
  Cấp cấp ngộ “Vô Vi”
 (Không có thân thì Vô Minh tận diệt,
  Không có thân thì thọ báo ,nghiệp chướng cũng không đến được
  Ngươi hãy biết rằng ,thân ngươi là mộng ,là huyễn ảo
  hãy mau ngộ cái “VÔ VI”tức là cái không vi diệu nầy).    
        Như vậy, Chư Phật, Tổ và Thiền Sư đã phát lộ cái “bí mật” chỉ rõ cho chúng sanh biết cuộc đời của tất cả chúng sanh trong 6 cõi đều là Mộng cả. Tất cả Pháp HữuVi đều là Mộng đều là Huyễn không có thật. Bởi vì Tâm Mê mà hiển ra sắc tướng đủ hình thù và các cõi: từ tam giới lục đạo luân hồi tam thiên đại thiên. Tất cả là từ cái Không, từ cái Bát Nhã Chân Như mà hiển ra Sắc Tướng; và từ Sắc Tướng lại nhập về Không, về Bát Nhã Chân Như: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.  Chỉ cần một niệm Vô Minh khởi động thì niệm niệm duyên khởi trùng trùng, Bản Thể Chân Như liền ẩn khuất nơi Hiện Tượng, giống như Nước ẩn nơi Sóng. Tâm Mê hiện tướng Thế Gian sinh diệt với cái Ngũ Uẩn ( Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) và Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị , Xúc, Pháp) trôi lăn vào sáu cõi Luân Hồi. Trong vòng Luân Hồi vô số kiếp lại tạo ra nhiều Nghiệp Chướng càng ngày càng sâu dầy. Hành trang Nghiệp Chướng càng nặng thì càng khó giải thoát càng chịu nhiều phiền não nặng nề trong cái Đại Bệnh Sinh Tử. Tuy nhiên chỉ cần một sát na khi Chứng Ngộ thì bao nhiêu Nghiệp Chướng đều rũ sạch như Ngài Huyền Giác đã chỉ: 
“Đàn chỉ viên thành bát vạn môn
  Sát na diệt khước tam kỳ kiếp”.
 (Búng tay tám vạn Pháp Môn thành
  Nháy mắt rũ xong ba kỳ kiếp).  
       Lúc đó thì: “Tùy duyên tiêu Nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo Xiêm” và Thế Giới Mê tan hoại: Sắc tức thị Không.      
SẮC TỨC THỊ  KHÔNG 

Sắc Không, gốc thị “Như Không”
Vô Minh một niệm bập bồng nổi trôi
Mộng du sáu ngã luân hồi
Hành trang nghiệp chướng đắp bồi Mê Cung
Mịt mù vô thủy vô chung
Sắc Không bào ảnh trùng trùng khởi duyên
Lục trần, bể khổ dong thuyền
Tử sinh , sinh tử đảo điên ngục tù

Ngũ hồ dừng bước viễn du
Buông chèo , soi nước hồ thu an lành
Sóng yên , gió lặng , Trời thanh
Ngàn sao, hiển lộ ngọn ngành tươi trong
Sắc hòa mặt nước mênh mông
Không hoà theo Sắc vào lòng biển khơi
Sắc Không tỉnh thức Mộng Đời
Bọt tan theo nước sáng ngời gương trong
Sắc Không Diệu Hữu Chân Không
Không Không, Sắc Sắc, Gương Lòng soi “Không”.
        (Ngộ Thâm).      
        Một khi đã đạt được Lý “Sắc Không” cả Thân Tâm đều tương ưng với cái Không vi diệu này, thì xem như xong hết mọi việc Thế Gian, an nhiên
 tự tại, thảnh thơi việc đời không còn phiền não, tùy duyên mà cứu độ chúng sanh với lòng Từ Bi và Trí Tuệ Bát Nhã. 
 “Niên thiếu hà tằng liễu Sắc Không
   Nhất Xuân Tâm tại bách hoa trung
   Như kim khám phá Ðông hoàng diện
   Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”.
                                        (Trần Nhân Tông).
 (Thuở nhỏ chưa tường lẽ Sắc Không
  Xuân sang,hoa nở, rộn tơ lòng,
  Chúa Xuân nay đã thành quen mặt
  Nệm cỏ ngồi  thiền ngắm rụng hồng).
       Tô Đông Pha, văn hào nổi tiếng trong Văn Chương Trung Quốc vào cuối đời Đường đầu đời Tống, tinh thông sâu sắc Khổng Học, Lão Học, cuối cùng kế thừa Thiền Sư Đông Lâm Thường Tổng ngộ nhập cái “Vô Tình Thuyết Pháp” với cái Lý : “Sắc Không”:  
 “Quá nhãn vinh khô điện dữ phong
   Cửu trường na đắc tự hoa hồng
   Thượng nhân yến tọa Quán Không các
   Quán sắc quán không, Sắc tức Không”.
(Nghĩa là:Chuyện thịnh suy thành bại lướt qua trước mắt;
 nhanh như tia điện chớp hoặc như ngọn gió bay.
Sự lâu bền của nó chẳng được như màu hồng của đóa hoa.
Bậc thượng nhân ngồi yên lặng trên căn gác quán Không;
Quán tưởng Sắc, quán tưởng Không, rồi ngộ ra rằng Sắc chính là Không).
  
       Còn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Thầy của Tổ Sư Thiền Trúc Lâm Trần Nhân Tông, một khi đã nhận ra và ngộ nhập cái Lý Sắc Không này, thì cái Thân Tâm nhỏ bé như Cây Gậy bỗng dưng hóa thành Cọp thành Rồng: tung lên Sơn Hà sụp đổ, cắm xuống Trời Đất lung lay…an nhàn tự tại, sống giải thoát ngay trong cái sinh diệt của Thế Gian Mê:      
“Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung
  Hốt nhiên như Hổ hựu như Long
  Niêm lai khước khủng sơn hà toái
  Trác khởi hoàn phương Nhật Nguyệt lung
  Tam xích Song Lâm hà xứ hữu
  Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng
  Túng nhiên thế đạo kỳ khu thậm
  Bất nại tòng tiền bột tốt ông”.
 (Cây gậy ngày ngày nắm dạo rong
   Bỗng nhiên như Cọp dữ  như Rồng
   Tung lên chỉ sợ sơn hà lở
   Cắm xuống càng e Nhật Nguyệt rung
   Ba thước Song Lâm tìm mỏi mắt
   Sáu vòng Địa Tạng kiếm hoài công
   Dẫu cho đường tục chông gai mấy
   Lão chẳng như  xưa bước ngại ngùng).  
        Tại sao Cây Gậy hay cái Thân Tâm này của Cư Sĩ Tuệ Trung lại có “Thần Thông” làm tan hoại Núi Sông, che mờ Nhật Nguyệt? Tại sao Thân Tâm Ông vô tung tích, tìm mỏi mắt không ra, cả Phật Địa Tạng đi giáp vòng  cả sáu cõi Luân Hồi mà cũng chẳng thấy…? Vì Ông đã đạt Đạo, tự xem  cái “Thân Tứ Đại” hay cái “Hòn Bọt” này không phải là “Thân” nữa, mà nó đã tan hoại hòa nhập vào cái “Không” vô Tướng, cái Nhất Chân, là Pháp Thân, là Biển Lớn…trùm khắp cả Hư Không. Còn Tâm thì là “Tâm Không” nhập vào Tánh, vào Bát Nhã vi diệu biến hóa như Rồng. Thân và Tâm đồng là “Một” là cái “Không” bình đẳng, là “Bát Nhã”, là “Bổn Lai Vô Nhất Vật”: Phi Tâm phi Vật, phi Phật, phi Phàm…vô Tướng vô Hình, đồng với cái “Rỗng Thênh Không Thánh”… thì làm sao Phật Địa Tạng tìm ra! 
       Lý Sắc Không này là lý Bát Nhã siêu việt là Đại Thần Chú chiếu kiến Ngũ Uẩn Giai Không, dứt trừ mọi phiền não. Bát Thức chuyển thành Tứ Trí cuồn cuộn sóng vô tận, lộ hết Thần Uy là Trí Tuệ Bát Nhã; đèn Tâm rực sáng, soi khắp 10 phương Chư Phật, đạt cứu cánh Niết Bàn Vô Sinh:  
 “Bát Nhã vi Thần Chú                 
   Năng trừ Ngũ Uẩn nghi              
   Phiền não giai đoạn tận               
   Thanh tịnh tự phân ly                 
   Tứ Trí ba vô tận                          
   Bát Thức hữu Thần Uy             
   Tâm đăng minh Pháp Giới      
   Tức thử thị Bồ Đề”.    
(Bồ Đề Đạt Ma).   
  (Bát Nhã là Thần Chú
   Trừ dứt năm Uẩn nghi
   Phiền não cũng mất trọn
   Thanh tịnh tự phân ly
   Bốn Trí cuồn cuộn sóng
   Tám thức lộ thần uy
   Ðèn Tâm soi Pháp Giới
   Ðó tức là Bồ Đề ).                 
        Lý “Sắc Không”, tuy Đức Phật gởi gắm nhiều “Mật Nghĩa” bí truyền trong Bát Nhã Tâm Kinh hay trong nhiều Kinh liễu nghĩa khác, nhưng Đức Phật, Tổ và Thiền Sư đôi lúc dường như hé mở cánh cửa Mộng như là điều “Thực Chứng” cái Lý: “Sắc tức thị Không” siêu huyền cực lý này để cho những ai có Tâm Bồ Đề thực lòng cầu Đạo đi tìm Chân Lý Giải  Thoát có niềm tin vững chắc. Thật vậy không có một Thí Dụ hay một Phương Tiện nào nhanh gọn, dễ hiểu hay dễ nhận ra Lý “Sắc Không” bằng giấc “Chiêm Bao” khi “Thức Dậy”. Kể cả cái Thuyết Tương Đối lừng danh của Nhà Bác Học Einstein với con Tàu Vũ Trụ vượt Không Gian bằng vận tốc ánh sáng cũng không nhanh gọn và rõ ràng bằng. Trong giấc Chiêm Bao mọi thế giới Hữu Vi có Sắc Tướng bao gồm Vũ Trụ Càn Khôn : Đất đá sơn hà đại địa nhà cửa cầu đường, chúng sanh muôn loài…cho đến âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tiền bạc, châu báu, danh vị, chức tước, giàu sang, nghèo hèn…đều là Hư Vọng hay là Bóng Ảo không có thật. Cũng như Kinh Kim Cang có nói : Phàm sở hữu tướng giai thị Hư Vọng”. Lời Kinh được chứng minh rất rõ ràng là khi “Thức Dậy”, Thế Giới Hữu Vi trong Chiêm Bao hoàn toàn mất, không để lại một dấu vết : “Sắc tức thị Không”. Khi ngủ Mộng một người Bình Thường hay một người Bệnh đang lên cơn Mê, thấy Cảnh Giới Địa Ngục hiện ra y “Như Thật” với đầy đủ chúng sanh đang thọ Nghiệp : “Không tức thị Sắc”. Như vậy thì Kinh nói Thế Gian “Thực Tại” này cũng là Chiêm Bao, nhưng “Mở Mắt Chiêm Bao” thì cũng không khác với cái “Nhắm Mắt Chiêm Bao”. Do đó cái Thế Giới Hữu Vi “Thực Tại ” này cũng là Hư Vọng vì đang ở trong Cơn Mê “Mở Mắt Chiêm Bao” nên thấy “Có” như  “Thật”. Khi “Chứng Ngộ” hay “Thức Dậy” thì rõ ràng : “Sắc tức thị Không” và cái “Không” này là cái Không của người Chứng Đạo, là Chân Không, là Chân Tông, là Chân Lý tuyệt đối, là Như Lai, là Thực Tướng, là Bát Nhã, là Niết Bàn Vô Sanh thoát khỏi Luân Hồi. Còn cái “Sắc”, con mắt thấy Sắc là con mắt ở trong Nghiệp hay trong Mê, trong Mộng nên thấy có Sắc Tướng Như Thật. Cái Sắc chỉ là cái Bóng của Tâm Mê không có thật, chỉ là “Huyễn Có”. Nghĩa là Mê là thấy Sắc, Ngộ là thấy Không và Không này không phải là Ngoan Không (tức là hoàn toàn không có gì), mà là cái Không vi diệu của Phật, Tổ và Thiền Sư.  
        TÓM LẠI, Rõ Ràng Chân Lý “Sắc Không” đã hiển bày .Đảo qua đảo lại giữa thế gian Mộng Ban Đêm và khi “Thức Dậy” với cái “Thân Thật” nằm trên giường giải thích được rốt ráo lời khai thị siêu huyền cực lý của Phật,Tổ và Thiền Sư kể cả Kinh Liễu Nghĩa của Đức Phật như Hoa Nghiêm Kinh ,Bát Nhã Tâm Kinh…ta có tấm bản đồ chính xác .Đối chiếu thế gian Mộng Ban Đêm với thế gian Mộng Ban Ngày ,ta có chính xác phương hướng để đi. Chồng tấm bản đồ Mộng Ban Đêm lên Thế Gian Mộng Ban Ngày ,ta có một tấm bản đồ Chân Lý thực sự và tấm bản đồ nầy lại trùng với tấm bản đồ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” mà Phật, Tổ và Thiền Sư đã trao! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét