Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

NGŨ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT

BÀI 6- NGŨ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.101)
***
I NHẬP ĐỀ:
            Mọi hiện tượng trong đời này, từ thiên hà vũ trụ bao la cho đến con kiến, ngọn cỏ, cơn mưa, làn gió thổi và con người, xã hội, hết thảy đều sinh hoạt trong một cuộc vận hành theo một qui tắc, luật lệ nhất định. Luật lệ hoặc chung hoặc riêng, lớn hay nhỏ, không có sự kiện hay đời sống nào thoát ngoài luật tắc mà tồn tại được, mà thành công được, mà phát triển đến chỗ cao đẹp được.
            Con người từ khi trí khôn phát triển lớn mạnh, họ biết thiết lập ra xã hội để sống na lạc hơn, hạnh phúc hơn thì từ đó đã có luật pháp căn bản làm nần tảng cho xã hội. Con người là sinh vật tối linh hơn mọi loài vì nó có lương tâm, có tàm quí, có phán đoán, suy luận biết được chân giả, phải trái. Đó là những luật pháp tối sơ cho đời sống con người. Ngoài lậut pháp mang tính chất cao quí tối sơ ấy, con người có luật pháp mang tính chất xã hội chung cho ai nấy là luật pháp quốc gia gọi là hiến pháp, là bộ luật mẹ, từ đó sản xuất ra những bộ luật chuyên môn cho từng ngành nghề đặc biệt. Trên bộ luật thành văn mang tính bao quát ấy, con người còn có bộ luật thuộc về tín ngưỡng, thuộc về lòng tin, thuộc về sự tranh đấu trong nội tâm để hướng tâm hồn về với lương thiện sáng giá, loại bỏ đi mọi u tối, mọi mầm gây tội lỗi. Con người sống trong đời là sống với mọi người sống với tha nhân, nên phải có luật pháp để ngăn cấm mọi hành động việc làm gieo tai họa cho người khác. Đây là một sự thật, vẫn có những kẻ phá rào cản luật lệ phóng ra những hành động xuất phát từ bản năng, từ mù quáng mê muội, chúng đã gieo tai họa bi thảm  cho tha nhân. Và luật pháp phải ra tay trừng phạt chúng để đem lại công bằng cho đời sống xã hội. Ở một góc độ nào đó thì luật pháp là cơ sở tạo công bằng, hợp lý cho ai nấy trong cộng đồng nhân loại. Có sự công bằng đúng mức đối với hành động thiện hoặc ác thì xã hội mới có cơ hội tiến lên.
            Nhu cầu thiết yếu của luật pháp trần gian là thế. Đối với công việc chuyển hóa tâm hồn, làm mới lại đời sống hướng đến chân trời an lạc giải thoát thì cũng phải có những luật tắc nhất định, gọi là giới luật, tức là những hạn chế, cấm ngăn không cho người ấy hành động theo hướng xấu cũ, làm lọt trở lại trong tù hãm bi thương. Giới luật này có tính chất khắt khe như luật giao thông. Tài xế lái xe mà vượt luật lệ giao thông thì y sẽ chắc chắn gây thảm khốc cho bao người, và cho chính y. Người tu tập cũng vậy, sau khi nhận lãnh Tam Quy y thì đương nhiên phải tuân giữ Ngũ giới làm nền tảng cho đời sống mới. Ngũ giới là bộ luật đơn giản nhất nhưng là bộ luật sâu sắc nhất mở đầu cho đường lên thánh hạnh ngay đây.
II. THÂN BÀI:
            A- Ngũ giới trong đạo Phật nhằm đến mục đích gì?
                        a) Định nghĩa Ngũ giới: Đó là 5 điều răn cấm có tính chất hướng dẫn mọi hoạt động đời sống của người tin theo đạo Phật, sau khi lãnh thọ Tam Quy y. Đó là nhằm mục đích đưa đến một đời sống đầy thánh hạnh ngay đây. Nó là rào cản ngăn không cho ta lọt xuống sông mê muội đau xót. Chữ Giới có một nghĩa rất rộng là răn cấm đừng làm, tự bó buộc lấy mình, phòng bị như đắp đê ngăn lụt, xây bờ cho chắc để giữ nước lại.. Đó là những hình ảnh cụ thể để hiểu chữ Giới. Khi ta qua cầu cao nghệu bắt ngang sông rộng nước chảy xiết thao thao nếu cầu ấy không có lan can, rào cản hai bên thì ta chóng mặt, e không  cất bước được vì hồi hộp lo âu. Trái lại, nếu có lan can, rào cản hai bên vững chắc thì ta qua cầu mà lòng rất bình yên. Giá trị hiện thực của lan can đã cứu vớt ta, tạo nguồn an ủi cho tâm hồn ta. Giới cũng có giá trị và ý nghĩa như vậy. Giới tạo cho ta trạng thái an ổn tâm hồn. Trong kinh Di Giáo là kinh để lại lời trăn trối của Giáo Tổ Thích ca Mâu Ni, có nói giới luật là chỗ an ổn cho một số tâm hồn hành động người tu tập giải thoát. Cũng trong kinh nói trên bằng hình ảnh khả xúc khác, bảo Giới là con thuyền vững chắc nhất để ta chèo qua sông sinh tử, nghĩa là giới luật giúp ta phương tiện tối yếu để tu tập chấm dứt vòng tái sinh từ vô số đời sống, chịu lầm than khổ lụy bời bời. Trong đạo Phật có hai phương tiện giải thoát lớn nhất là giới luật giải thoát và trí huệ giải thoát nghĩa là ta ra khỏi mọi ngu tối trói buộc mê muội đau khổ bằng hai biện pháp là giữ giới và nhận thức với ánh sáng của hiểu biết bực thánh. Tu tập mà không đắp đê giới luật thì nguồn nước trí huệ bị thấm lọt qua khe hở, chảy đi hết. Cho nên, trong kinh nói từ buổi rạng đông của chánh pháp được lưu truyền là nhân giới sih định, nhận định phát huệ, nghĩa là từ chỗ vững chắc giới luật mà tâm hồn được yên tịnh lắng sâu. Từ đó, nó củng cố thêm, soi sáng thêm cho động tác giữ giới. cứ thế trong thế liên chuyển tác động an ổn để ta đạt tới cõi miền giải thoát thảnh thơi. Năm giới là nền tảng chung nhất, lớn nhất, là mẫu số cho toàn bộ giới luật tại gia cũng như xuất gia.
                        b) Năm giới cấm là:
            + Không được giết hại sinh mạng, sự sống.
            + Không được lấy cắp, ăn trộm ăn cướp.
            + Không được quan hệ bất chính với người ngoài vợ chồng mình.
            + Không được nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời thêu dệt.
            + Không được uốg rượu say sưa.
                        * Không được sát sinh, giết hại mạng sống: Sự sống cụ thể là đời sống của con người, đời sống của động vật. Chủ yếu quan trọng là đời sống con người, vì con người là linh thức cao hết hết mọi động vật khác trong trái đất này. Con người là động vật có khả năng cao nhất để hoàn thành giác ngộ, con người còn cao hơn chư thiên vì đời sống chư thiên hiếm lắm mới có người tu giác ngộ vì họ mãi lo hưởng vui lủng đời, mất ý chí. Con người mới là có ý chí, ý chí quyết định hành động thành Phật. Thế nên sự sát hại mạng người là tội nặng nhất, trong các sinh vật ở đời này. Kế tiếp là phải cố tránh đi sự sát hại mạng sống của các loài động vật vì sự sống của chúng như gia cầm, gia súc, dã thú là sự sống mang tính chất tiến hóa hơn là loài thực vật thảo mộc. Mầm mống của động vật có tính chất hướng lên đời sống con người, dù vẫn còn xa, nhưng mầm mống đó mang Phật chất, là chất tiến hóa lên chỗ cao đẹp, thiện nghiệp. Dù chúng sống gần như trọn vẹn với bản năng, phần trí có lãng vãng đôi chút như liên tưởng (khả năng này ở loài chó, khỉ, voi… phát triển) nhưng chúng cũng biết bảo vệ mạng sống, có cảm giác biết đau đờn, thế nên giết chúng thì cũng mắc quả báo. Thợ săn  đi săn vẫn phải giữ mũi tổ. Phạm mũi tổ là mắc quả báo thảm hại.
                        * Không được lấy cắp, trộm cướp: Con người sống trên đời này có hai sinh mạng là mạng sống tự bản thân với hô hấp này và ngoại mạng là của cải vật chất, tiền bạc, ruộng vườn, tài sản đủ thứ; ăn cắp, ăn cướp,lấy trộm của cải người khác là sát hại ngoại mạng của họ, làm cho họ điêu đứng, khổ não mất tựa căn bản. Tội ăn cắp, trộm cướp nặng là vì thế. Nói theo lối khác thì hành động ăn cắp, trộm cướp là gây một nhân quá xấu mà hậu quả phải trả đôi khi gấp bội vì ai nấy đều ghét kẻ lừa đảo chiếm đoạt, bất công. Có nhiều kẻ ăn trộm gà hàng xóm, bị chủ nhân gài điện và kẻ trộm bỏ mạng. Biết bao nhiêu dội xuống gấp bội cho hành vi ăn cướp, vì nó đi lệch trẹo với lẽ công bằng nên bị phản ứng mạnh. Về phạm vi ăn cắp, ăn trộ, ăn cướp thì hành động đó biến hóa không lường, qua mọi hình thức lừa đảo, giết chóc, thảm hại, đong non cân thiếu, trốn thuế, trốn đò và hàng vạn mánh khóe khác. Kẻ ăn cắp, trộm cướp thì không phải là con người có giá trị tối thiểu, họ sống đời bấp bênh, lo sợ. Đó là một tội lỗi nhơ nhuốc đối với xã hội văn minh. Người Phật tử giữ giới không ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, là tự tạo niềm tin an ổn cho mình và cho xã hội, đó là cái chắc tạo nên nguồn an lạc bền bỉ, nhân cách được củng cố phát sáng lên. Ở đời người ta không ai có chút thiện cảm với kẻ một lần bội tín.
                        * Không được quan hệ bất chính với người ngoài chồng, vợ chính thức: Bốn vấn đề tối quan trọng của nhân loại từ cổ chí kim là: bệnh tật, chiến tranh, tình dục, tôn giáo. Nói đến quan hệ bất chính là nói đến đời sống tình dục nam nữ. Vấn đề này mãi mãi đi theo con người, tình dục có sức mạnh ghe khiếp, là một lửa nguy hiểm, nó giục con người phạm biết bao tội ác, gieo bao thảm họa cho ai nấy. Vì thế, giời bất tà dâm là nhằm bảo vệ nhân cách, bảo vệ sự yên ấm trong gia đình. Đối với người xuất gia tu đạo giải thoát thì đoạn lìa hành động dâm dục. Đối với Phật tử tại gia thì giới bất tà dâm tạo cho ai nấy một tư cách đáng tôn kính, có quyền uy giá trị lớn. Sự tuân giữ giới này vững mạnh, tạo nên đời sống an ổn về tinh thần rất lớn cho cá nhân, không còn tản mác sinh lực, hoang phí tuổi đời ngắn gủi vào mọi đam mê nguy hại, vì những kẻ ưa tánh lăng chạ thì họ làm nẩy sinh bao rắc rối về nhiều thứ, không có được sự tinh khiết của tâm hồn, không có sự lượng thiện phẩm giá đáng tôn kính.
                        * Không được nói láo, nói hai lưỡi, nói độc ác, nói thêu dệt: Lời nói là sản phẩm đặc biệt của loài người, lới nói có mục đích trao đổi, cảm thông. Lời nói là một vũ khí lợi hại cũng không kém bất cứ vũ khí vật chất nào hiện có. Có khi bỏ mạng cũng vì một lời nói, có khi an ổn lâu dài cũng vì một lời nói. Nói láo là nhằm chiếm đoạt quyền lợi vật chất, là nhằm phô bày bản ngã thánh thiện rỗng, là nhằm đè nén kẻ khác để tâng bốc mình lên, là nhằm che đậy bản ngã bẩn thỉu, cũng như mọi ý đồ đen tối khác. Nói láo cũng là một hành động ăn cướp, ăn cắp. Kẻ nói láo thường lo sợ, không yên, không được ai tin cẩn vì sợ bị phát giác bể mặt. Nói láo quen thói thì cành đi sâu vào muôn ma lối quỉ, tráo trở bất chính, vô sĩ. Nói láo cũng gieo tai họa không lường nỗi, tác hại đến nhiều thế hệ con cháu. Nói hai lưỡi là nói láo có mục đích phá tan chân lý, việc không có tự dựng lên mà có và trái lại. Trước mặt khen, sau lưng chê, vu khống đặt điều, bày mưu gian xảo. Tất cả đều nhằm gom về tiền bạc một cách bất chính, vụ lợi riêng, đậy tội lỗi. Cũng là một tội trộm cướp bằng ngôn ngữ, gieo thảm họa đau khổ cho ai nấy. Nói lời độc ác: Lối này phát triển vô hạn độ bao gồm mọi lối mắng nhiếc sỉ mạ, dè bĩu, chê bai, dọa nạt, hạ nhục, hăm dọa, nạt nộ, la hết, bắn nát đầu, đánh bể đầu, chém bay đầu… Người ta sáng tạo ra kho chất nổ ngôn ngữ để mắng chữi thật phong phú, có cả trăm lới chữi rủa ông bà cha mẹ mồ mả dòng họ tổ tiên, kẻ thù, khi quyền lợi bị va chạm nặng là kho thuốc ngôn ngữ nổ hết công suất để hả giận, để trả thù, để bôi đen. Xã hội lại sáng tạo ra kẻ đi chữi mướn, chữi suốt ngày không mệt, hể cần đánh nhau họ cũng sẵn sàng. Chữi đến khi kẻ nợ không chịu đựng nỗi phải đem tiền trả lại mới thôi. Ở phạm vi này, lời ăn tiếng nói mới phát triển biến dạng ghê hồn vì lời ấy cung phụng cho hận thù phải trả nên nó phải huy động hết hang cùng ngõ hẽm bằng vạn thứ lời đay nghiến, dơ dáy, hèn hạ, mọi cái gì dơ bẩn nhất trên đời đều đem ra ví với kẻ thù, với linh hồn kẻ thù. Cuộc chiến thắng binh khí miệng lưỡi này thật ác liệt, khủng khiếp. Nói thêu dệt: Chuyện có ít mà phóng đại ra, con ếch bằng con bò. Thêm mắm dặm muối làm cho câu chuyện bi thảm, ức đoán nói càng, vu oan giá họa. Khi Cao Bá Nhạ bị triều Tự Đức bắt được ( vì ông là cháu Cao Bá Quát dấy binh khởi nghĩa thất bại) trong khi bị giam, ông có làm bài trần tình dài, trong đó có câu:”Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng ,Đặt nên điều nopí bóng ngoài môi”. Kẻ mọc lông trong bụng tức là cầm thú nham hiểm hơn cầm thú. Như thế đại loại, dùng chung trong 4 lối: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, Ác khẩu, Ỷ ngữ. Người tu nói thật tránh được ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt là một lối tu khá giỏi, vì ngôn ngữ vô cùng trực tiếp đến mọi cảm xúc, mọi kích động chạy vào từ 5 giác quan. Nói lời độc ác, hai lưỡi, thêu dệt, láo khoét với toàn bộ triển khai của 4 nhóm ấy là trực tiếp biểu lộ một tâm hồn đầy sân hận, tham đắm, ghét bỏ, hung ác.Trái lại, lời nói nhu hòa từ ái, xây dựng là hợp chiều tiến lên chỗ sáng của tâm hồn. Chứng tỏ một con người hiền lương có giá trị dù mới bước đầu, nhưng qua vang vọng của lời chân thật nó cũng khiến ta tỉnh thức, tự sửa chữa thêm mọi lối ăn nói không hợp sự thanh tịnh cần có của người tu học Phật đạo.
                        * Không được uống rượu say sưa: Từ xưa đến giờ, rượu là chất kích thích làm mù tối tâm trí, ngấm vào máu di truyền qua đời con cháu làm trí tuệ chúng u tối, khờ khạo. Hiện nay, sự ăn nhậu với rượu đã trở thành một thảm trạng xã hội. Tử vong vì rượu, bệnh tật nguy hiểm vì rượu nói không hết. Người say sưa tự làm mất nhân cách cao quý. Những hạng ấy trở thành bợm rượu chuyên nghiệp. Tai hại của rượu đối với bản thân gia đình thật là cụ thể, đắng cay.
            B- Giá trị nhân bản của ngũ giới:
                        a) Người tu tập, Phật tử thực hành 5 giới cấm là tạo dựng cho mình và xung quanh một đời sống có ý nghiã. Không làm trái 5 điều mà còn tích cực hơn là làm 10 điều lành căn bản, nó là pháp hành sát sườn. 10 điều lành bao gồm: Thân có 3 là bất sát, bất đạo, bất tà dâm; Miệng có 4 là không nói láo, hai lưỡi, ác độc, thêu dệt, Ý có 3 là không tham, không sân, không si. Năm giới là nền tảng của địa vị con người, tư cách con người. Đạo ghíao nào cũng có những giáo điều căn bản na ná như thế, là luật pháp ở đời cũng xây dựng nền tảng từ 5 giới ấy. thế nên 5 giới là nguyên tắc sống của chính thật mọi con người có trí thức, có lương tri. Con người là chủ nhân ông, là tài sản số một của xã hội. Nếu con người biết tự chế và giữ 5 giới ấy dù phân nửa thôi thì xã hội cũng đã có những tiến bộ văn minh, đời sống có những tin cậy an lạc dễ thở hơn. 5 giới này mang giá trị nhân bản ở chỗ không ai có thể phủ nhận được khi thẩm định đâu là giá trị cao khiết của con người. Không xã hội nào, không người nào chối bỏ 5 giới ấy mà không kiến tạo xã hội tốt đẹp đáng sống cho được.
            b) Sự hỗ tương tác động giữa 5 giới và không giữ 5 giới ấy thì hành tác cũng liên chuyển tác động gây nguy hại. Người không sát sanh thì có lòng nhân từ, không lừa gạt, không nói dối, không ăn trộm, không tà hạnh lăng chạ và không uống rượu say sưa hư đời. Trái lại, một người chuyên lừa đảo gian dối thì liền phát sinh đủ thứ dối gạt. Ăn trộm và nói dối như hai chị em sinh đôi. Từ đó mọi việc khác chắc chắn đi theo đinh thức ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Say sưa rượu chè bài bạc thì chuyện lăng chạ này nọ phát sinh. Túng thiếu thền thì đưa đến lừa gạt, gian dối, để kiếm tiền chi vào cơn nghiện rượu bài bạc. Người tu Phật có chí nguyện thanh tịnh hóa thân tâm thì phải có ý chí gỡ mình ra khỏi hư đốn của 5 phạm vi ấy là nhờ biết được nguy hại và luôn luôn thắp sáng ngọn đèn thệ nguyện giữ giới trước chư Phật Pháp Tăng.


            C- Lợi ích của viện giữ Năm giới:
                        a) Những hiền nhân minh triết chính là người đã giữ trọn được 5 giới cấm ấy, mà hiền nhân đâu pảhi thời xưa mới có, mà chính ngay đây cũng hiển hiện khối người, nếu họ tự nguyện giữ được từ 2 giới trở lên. Còn đối với người nhập đạo Quy y Tam Bảo, trở thành Phật tử, tu giữ 5 giới thì họ là những bậc minh triết trong đời này. 5 giới là phát lộ nơi họ cái tư cách khả kính, vì công việc lợi tha giúp đỡ cho người khác chí tình. Chân thật chính là hoa trái của tâm hồn thuần hậu, là hoa trái của tuân giữ 5 giới.
                        b) Tu tập mà giữ chắc 5 giới là đạt kết quả hiện tiền về giải thoát giác ngộ. Giác ngộ chính là biết tai hại của không giữ 5 giới, biết mà tránh xa, tạo dựng đời sống an lạc, đó là bước đầu thấy ánh sáng huy hoàng của đạo ở ngay chỗ chuyển tâm. Tối quan trọng là giữ tâm tỉnh sáng cho kiên cố thì giới tự có, sức mạnh của tỉnh sáng ấy là nhờ ờ suy tư, điềm đạm quán chiếu, có trí huệ hiểu biết soi thấu.
            III. KẾT LUẬN:
            Như vừa trình bày trên về tính chất nhân bản cao quý của 5 giới, ta thấy 5 giới là nền tảng cho mọi thứ tu tập, cho các thứ giới của hàng xuất gia. Bài học làm người có tư cách phát sinh từ 5 giưới, ta phải làm mãi, giữ mãi suốt đời. Đạo Nho không đề cập tới 5 giới như tư cách một tôn giáo hoàn chỉnh, nhưng họ cũng có Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Ngũ thường so ra thì cũng nan na như Ngũ giới, chỉ khác là không có giới rượu. Nhân là lòng thương người, thương vật, nghĩa là việc làm không vụ lợi, đem an vui đến cho ai nấy; Lễ là kính trên nhường dưới, vợ chồng đối nhau như khách mới, bè bạn đối nhau hết tình. Trí là nhận thức chân giả, học hiểu mọi nguy hại hư đốn mà tránh xa ra, Tín là lòng tin không bội phản, đó là không trộm. lừa đảo, ăn cắp. Năm giới trong đạo Phật được thực hiện song song với 3 đức Bi Trí Dũng của Bồ tát hạnh để tự mình và kẻ khác đều có an lạc, lợi ích. Bi Trí Dũng bổ sung thêm phần thực hiện tràn đầy tích cực của 5 giới. Giới phải đặt trên nền tảng thực hành kiên quyết mới phát lộ lên tư cách chói sáng của người Phật tử. Từ đó, chính họ là người tiêu biểu cho nền văn minh thanh khiết tinh thần của đạo Phật. Thánh nhân cho chính mình mới là quan trọng vì mình đã chế ngự, dẫn dắt tâm mình theo đời sống thánh hạnh mà 5 giới là nền tảng tối yếu. Giữ giới bắt đầu ở chỗ tỉnh sáng tâm hồn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét