Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

MỤC ĐÍCH HÀNH TRÌ VÀ KẾT QUẢ CỦA VIỆC TU

MỤC ĐÍCH HÀNH TRÌ VÀ KẾT QUẢ CỦA VIỆC TU
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.170)
***

DÀN BÀI
I. NHẬP ĐỀ: Tu là một đề tài có từ lâu đời. Tu là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, tu trong đạo Phật nhằm đạt an lạc, giải thoát ngay đây và chào vĩnh biệt luân hồi.
II. THÂN BÀI:
            A. Mục đích hành trì và kết quả của các lối tu ngoài đạo Phật để được sống dai:
                        a) Định nghĩa tu chung chung: Tu là sửa đổi, cải tạo cái hư, cái xấu thành cái tốt. Tu là cải hóa hành vi xấu ra hành vi tốt. Tu là luyện có tính cách chuyên môn: tu tiên luyện khí, tu Yoga, tu khổ hạnh. Tu Phật là sửng hồn nhìn lại mình.
                        b) Các lối tu luyện nổi tiếng như tu luyện tiên đơn, Yoga, khổ hạnh ở Ấn Độ, luyện khí công. Tu luyện cầu thần thông biến hóa, đi mây về gió, hàng phục rắn hổ ác thú…
                        c) Tu tâm dưỡng tánh, ăn hiền ở lành, giữ đạo trời ( nhân quả).
            B. Mục đích chính của việc tu Phật giáo:
            Giác ngộ, giải thoát mọi trói buộc, mê lầm trần giới, đạt an lạc, hạnh phúc ngay đây, đắp nối con đường thanh tịnh, chào vĩnh biệt luân hồi từ bây giờ.
                        a) Bắt đầu từ chỗ bắt đầu đúng hướng của lối tu Phật chân chính đó là: Hồi Đầu Thị Ngạn, sửng hồn nhìn lại mình, chuyển hóa tâm hồn, giữ tỉnh sáng chánh niệm mãi mãi.
                        b) Các lối tu: Tu chợ, tu rừng, tu núi, tu chùa. Tùy theo hoàn cảnh, ý thích của mỗi người, tu thiền, tịnh, mật.
                        c) Những cộng đồng cần thiết cho tu học Phật giáo: A Lan Nhã, Tòng lâm. Sơn môn.
            C. Nhiệm vụ vinh quang không dứt của người tu Phật giáo:
                        a) Lần đầu tiên sáng lại tự tâm, thấy lại mình trong vô lượng kiếp.
                        b) Đi giáo hóa mọi loài trong tinh thần vô nhiễm, vô úy, nuôi dưỡng truyền năng tục diệm cho chánh pháp tươi nét trên đường trần.
III. KẾT LUẬN: Nhận rõ được thời gian trôi mau, mọi vật tan biến, lo chuyển hóa tâm hồn vô nhiễm, giải thoát, an lạc. Tu quán chiếu tỉnh sáng, tu hành trì chuyên nhất Thiền, Tịnh, Mật, mục đích chào vĩnh biệt luân hồi ngay đây, ở tâm niệm, đi hoằng truyền Đạo Phật cao cả, đưa con người, xã hội tiến đến an lạc.
MỤC ĐÍCH HÀNH TRÌ VÀ KẾT QUẢ CỦA VIỆC TU
I- NHẬP ĐỀ: Từ nghìn xưa khi trí hóa nhân loại phát triển thì các vấn đề lớn của con người đặt ra, trong đó tu là một ý niệm cũng ra đời rất sớm, đối với con người, nhất là con người phương Đông có đời sống bên trong sâu sắc. Nói đến tu là vì qua phán đoán, suy luận trên nền tảng trí huệ phát triển, người ta đã cảm nhận ra còn nhiều thiếu sót về những hành vi, đức hạnh tốt đẹp nên vấn đề tu trì, tu dưỡng mới được đặt ra, và trong đời sống thường trực chứng kiến bao cảnh tan thương đổ nát với mọi công trình, đời sống, con người cảm nhận ra tính chất mong manh chóng tàn của kiếp sống người ta, thế nên người ta đi tìm một cái gì bất tử, làm thế nào để sống mãi vượt qua bên kia bức tường chết chắn ngang mọi kiếp số, phá tan hoang mọi dự định, ước mơ. Từ đó, tu trở thành một nhu cầu cho người ta. Tu để đem lại an vui cho linh hồn, cho xã hội và vượt qua biên giới của thần chết. Tùy hoàn cảnh, sự cảm nhận ý nghĩa cuộc đời mà người ta lần hồi tìm ra được nhiều cách làm thay đổi hoàn cảnh, thay đổi tánh xấu, để trở thành con người đầy thánh thiện. Các lối tu ấy dần dần biến thành một lề lối chuyên môn gọi là Đạo và sau này gọi là tôn giáo. Ở tôn giáo thì việc tu hành có tính cách chuyên môn mới phát triển mạnh vì đạo Phật thờ phụng một lý tưởng, một thần linh, lấy đó làm đối tượng cho sự thanh hóa tâm hồn rất dễ và rồi phép mầu cũng xuất hiện, tức là những hiện tượng vượt trên cảm nhận thông thường của hiểu biết phàm trí. Phép mầu sống lâu, vượt mọi trở ngại, hàng phục ma quỷ, cọp beo ác thú, thần thông biến hóa, niệm chú khiến cây đổ, mưa rơi, đá bay, sóng dậy và còn biết bao nhiêu phép lạ khác vượt trí hiểu biết thông thường càng gieo vào tâm trí con người biết bao ham thích và tu luyện để có những tiềm năng vô biên ấy. Ở Tây Tạng, Ấn Độ, Trung Quốc từ xưa nổi tiếng về các phép tu luyện bí mật, Yoga, tiên đơn. Những lối tu luyện ấy cho đến bây giờ vẫn còn biết bao nhiêu người có óc hiếu kỳ ham thích. Toàn cuộc mọi lối tu luyện để biểu diễn thần thông biến hóa ấy đều nhằm mục đích duy nhất là sống dai, gọi là trường sinh bất tử.
            Nhưng những vị sống dai như ông Bành Tổ ở Trung Quốc đến 800 tuổi cuối cùng cũng phải chết. Họ không hiều một điều vô cùng đơn giản rằng mọi hữu vi trong gọng kềm của không gian, thời gian ắt phải theo nguyên lý sinh, trụ, dị, diệt, thân xác ta được cấu tạo bởi cát bụi thì làm sao không về với cát bụi được? Những lối khổ luyện ấy, kết quả chỉ nghe tên vài ba người nào đó thôi, hóa ra không có lợi ích rộng lớn. Tu Phật chỉ có mục đích là giác ngộ, ra khỏi mê muội đau khổ trong đời sống, chấm dứt vòng tái sinh vô tận, việc làm ấy nhiều người có thể làm thành công, là chuyển hóa tâm hồn, hành động ngay đây cho mãnh liệt, từ phàm biến thành thánh, giải thoát, an lạc, chết biết mình chết với cõi lòng thảnh thơi. Lối tu của Phật giáo có giá trị cao nhất về phổ biến và chuyên môn.
II. THÂN BÀI:
            A- Mục đích hành trì và kết quả của các lối tu mong sống dai ( ngoài đạo Phật):
                        a) Định nghĩa chung về tu: Ta thường nghe nói tu là tu cải hành vi, là chế biến cải tạo mọi cái xấu trong con người cho nó trở nên tốt có giá trị hơn. Chữ tu thông thường trong Hán ngữ có nghĩa là tân trang, sửa lại. Có danh từ đại tu, trung tu, tiểu tu, nhất là đối với xe cộ là sửa chữa lại toàn bộ từ máy đến khung giàn, buồng lái, tay lái… Trung tu là sửa phân nửa các bộ phận, tiêu tu là sửa nhẹ, gõ lại vè bị móp méo thay kiếng bể… Từ ý niệm sửa chữa vật cụ thể, người ta đưa ra khái niệm sửa chữa lại cơ ngơi tinh thần bên trong vì khát vọng vươn lên cái gì thanh qúi hơn, nên khi nhìn lại tâm tính, người ta thấy tâm tính mình còn nhiều xộc xệch, lỏng bù loon hư đốn, cần phải điều chỉnh lại cho tốt hoặc khi đã phóng ra hành tác gây thiệt hại cho ai đó chợt sửng hồn nghĩ lại, người ta thấy tội lỗi bèn ăn năn hối cải, tự hứa xin chừa lối làm tội lỗi ấy.
            Đó là sự chiếu hắt gay gắt của ánh sáng bên trong là lương tâm, đó cũng là tu tỉnh đáng qúy. Có những người sống đời thiếu trật tự, bê tha, nhưng khi vào quân ngũ, họ buộc phải tuân hành kỷ luật quân đội, thế nên thời gian sau họ trở nên rắn rỏi chí khí, sống có trật tự hơn, tốt hơn, sau khi họ trở về đời dân thường góp phần làm lợi ích cho gia đình, xung quanh thấy rõ. Nhờ tu luyện bởi kỷ luật gắt của chốn quân ngũ mà anh nọ khá tiến bộ về tánh khí và hành vi. Đó cũng là lối tu sửa thông thường. Ngoài những tu luyện ấy, dần dần có những lối tu luyện có tính chất chuyên môn để nhằm mục đích là trường sinh bất tử, như tu luyện tiên đơn, là lấy thủy ngân, châu sa và một vài món nữa nấu luyện công phu theo bí truyền để có món thuốc uống vào là sống mãi, trong khi đó người luyện phải luyện lối sống trên núi cao, hớp khí trời làm món ăn cho nhẹ thân, uống tiên đơn vào là có thể bay chơi chốn này xứ kia. Ở Ấn Độ nổi tiếng có lối tu Yoga, tu khổ hạnh cũng nhằm mục đích nói lên khả năng siêu việt của tâm linh, cầu phước báu mai sau sống cõi trời Phạm thiên.
                        b) Các lối tu luyện ấy đòi hỏi ý chí bền bỉ, kiên cường như tu định cầu thần thông biến hóa, hay tu Yoga là một kỹ thuật điêu luyện về khả năng nắm giữ, làm chủ hơi thở của mình vì hơi thở là thần khí, là sự sống. Sự sống nghĩ cho cùng chỉ là hơi thở. Hết thở là bỏ mạng. Nhữn người tu Yoga không còn thở vẫn sống nhăn một cách nhiệm mầu. Thật sự là các ông ấy đã điều tức đến độ tuyệt kỹ, nghĩa là làm chủ trọn gói hơi thở, cho thở hay không tùy ý lực,có thể nói hạ sống mà không cần thở theo thông thường, mà là thở với một kỹ thuật đặc biệt nào đó. Họ cho chôn ba tháng, đào mồ, cạy nắp hòm thì trong hòm họ bước ra tỉnh bơ. Hằng năm ở thủ đô Hà Lan đều có biểu diễn phép lạ Yoga. Họ ngồi xếp bằng vận khí công nín thở tự nhiên thân mình bay lên cao 2 mét, ngồi lơ lửng giữa hư không trong 20 phút rồi từ từ hạ xuống. Sự kiện ấy làm các nhà khoa học thực nghiệm bối rối vì sự việc ấy phá vỡ định luật về sức hút của trái đất. Sự biểu diễn năng lực khó nghĩ bàn của lối luyện Yoga ấy chứng tỏ rằng ý chí con người có năng lực sâu kín, bí mật mà thường nghiệm không thể tìm ra manh mối.
            Người tu thiền định ngoại đạo cũng được nhiều phép lạ bay đi hàng phục ác thú, hô phong hoán vũ, khả năng ấy chỉ nghe nói và do óc tưởng tượng phong phú của nhà văn thêm vào. Còn việc biểu diễn Yoga kia thì hằng năm, hiện hay  vẫn cón tiến hành ở Hà Lan.
                        c) Người bình dân phổ biến thì tu tâm dưỡng tánh đối với họ là thiết thực quan trọng là ăn ở hiền lương theo đạo trời để khỏi hoặc chuốc lấy tai họa. Đó là lối tu rất hay. Trời trong ý nghĩa họ có nhiều quyền năng, quyền năng về công lý như quan tòa luật sư, quyền năng về vật lý như trời đổ mưa xuống… Thật sự là xét xử của trời kia chính là luật nhân quả tự tâm chứ không chi lạ. Luật nhân quả biến dạng ấy chính là một cái gì cao cả, như một nguyên lý thuần khiết chỉ huy cách ăn thói ở cho người ta. Tu là làm theo luật cao cả ấy, vì con mắt của trời ấy, luật nhân quả ấy, người phàm không lấy gì che kín mọi tội lỗi của mình được mà trời kia không dòm thấy bao giờ. Hay đối với nhân quần xã hội, người ta tu nhân tích đức là làm lợi ích xây cầu đắp lộ, thí nước, mở rộng tình thương giúp đỡ mọi kẻ yếu hèn đối với kẻ đói nghèo, bơ vơ. Đó cũng là lối tu rất bổ ích, thiết thực, làm tốt nết người, làm xã hội bớt khổ, ngàoi lối tu ấy, còn tiến xa hơn nữa trên đường chuyển hóa tâm hồn hành động.
            B- Mục đích của việc tu:
Mục đích chính của việc tu trong Phật giáo  là giác ngộ, là hiểu biết sáng tỏ về chân tướng mọi hiện tượng trong thế gian này, để từ đó khôn ngoan cắt bỏ được mọi sự trói buộc thảm họa đen tối bởi u mê nên mắc kẹt vào vòng tội lỗi. Với sự từ bỏ được thói quen hành tác đầy chấy u mê mà người ta đạt được nguồn an lạc ngay đây. Từ đó liên tục làm sáng mãi ngọn đèn tỉnh biết mà gở ra khỏi sự quản lý của những tâm lý xấu nó cứ dồn nén ta vào vòng cuốn hút bi thảm nhịp đập của tái sinh quay lăn trong bánh xe luân hồi buồn tênh ảm đạm. Thế là ta có sức mạnh chào vĩnh biệt luân hồi, rong chơi trên bờ vĩnh lạc ngay đây.
            a) Bắt đầu từ chỗ bắt đầu đúng hướng của lối tu Phật giáo là Hồi Đầu Thị Ngạn,  là sửng hồn nhìn lại mình, chuyển hóa tâm hồn, giữ tỉnh biết chánh niệm bền bỉ. Ta sống có nghĩa là ta bị cuốn hút, chiều theo thói quen hàng ngàn năm đã thao tác quá thành thạo, đó là ham hố mọi đối tượng của 5 giác quan. Luôn chạy tìm nó để thỏa mãn sự khát khao ham hố của 5 giác quan,. Ấy là ta sống có thói quen sức mạnh chi phối ở sự nghiệt ngã của linh hồn mình. Thói quen ấy như một dòng sông cuốn trôi ta vào trong ấy, cuốn mãi cho đến một ngày tắt thở, nó đưa ta vào họng cá sấu luân hồi. Thói quen phản xạ nhạy đến mãnh liệt của bản ngã ta là giận dữ và ham hố tham lam. Đó là 2 thói quen chủ cán. Ham hố gom về mọi cái gì mà bản ngã ham thích, dễ bị cản trở, bác khước đi thì bản ngã nổi giận nã trọng pháo là mắng nhiếc nhục mạ bằng thái độ giận dữ hay thân nổi lửa vô minh hành động, điên cuồng sát hại. Hai tâm lý ham hố và giận dữ đi nhau liền liền. Ta sống là sống với thói quen tức là ta bị đặt trong tọa độ của trọng pháo sân hận giận dữ, nó cứ nã đạn vào đất tâm lặng yên, làm đui mù lý trí. Suốt 45 năm, trong các buổi nói pháp, Đức Phật nhắc lại mãi nhất là đối với các chư vị khất sũ tu tập chuyên môn là phải đoạn ái, ly sân nghĩa là cắt gỡ mình ra khỏi mọi ham hố dương trần và lìa gỡ mình ra khỏi vòng bao vây đốt cháy của lửa sân hận. Do đó, chỗ tu tập căn bản tối cơ mang chất nguyên thỉ thì phải thắp sáng cái Biết. Một chữ Biết là đủ. Đó là tỉnh hồn sáng biết mãi mãi về mọi móng động, cục cựa của tâm ý mình. Tâm ý ta có thói quen là cứ tuôn bay cuồn cuộn, túa khắp chân trời mặt đất, ta số với vô số tâm là thế. Ta có ánh sáng Biết nó nên khi móng động là biết và từa cái biết quý hiếm đó mà ta có cơ hội tốt nhất để chuyển hóa tâm. Quên Biết  là ta lãng quên mình, là vọng niệm, thất niệm, là chạy theo kích động luân hồi của trần tục, của ham hố, dẫn ta đi mãi trong gió cuốn mây bay của trần sa tâm, sanh tử tâm. Giữ mãi chánh niệm, cột tâm Biết vài cái tâm móng động, khiến nó phải chuyển lui đường mà đi theo chí hướng an lạc, thanh tịnh của ta. Đó là pháp tu rất hay.
            b) Các lối tu, nơi tu: Người ta thường nói tu chợ, tu núi, tu rừng, tu chùa bao gồm nhiều biện pháp cho việc tu. Tu chợ là ở giữa nơi ồn náo với bao chướng ta gai mắt, bao kích động xúi giục ta làm ta nói, thế nhưng ta sáng lòng, biết lại mình, thấy tâm mình, nên ta nhẫn chịu không phát giận dữa, nói càn. Lối tu nhẫn chịu ấy cũng là cao tay, chịu đựng hoàn cảnh mà phản ứng theo chiều thanh tịnh, là đã có định ý sáng biết thường xuyên nên mới lách mình khỏi hố sân hận chựt giựt cho ta sụp hầm vào nó. Tu núi, tu rừng, tu chùa là được khung cảnh thuận lợi, sống một mình, không bị va chạm bởi môi trường cọ xát với ma quân phiền não. Nhưng nếu không có chí, không quyết tâm quán chiếu để viễn ly trần cấu thì tâm ta vẫn tối thui, mới chỉ tu kỉ niệm, tu lai rai, tu lần hồi qua lớp sự tướng ở bên ngoài, quên mất tỉnh sáng, hăng hái gỡ mình ra khỏi mọi đắm nhiễm thì ta vẫn đi quanh bên bờ hồ luân hồi vì đường lên tự tâm chuyển hóa ta không biết lối.
            Tu sự tướng vô cùng dễ gây khí hậu ảo giác cho ta. Từ chỗ vọng niệm, lãng quên mình, lãng quên chí hướng, lãng quên không còn nghe nỗi giục giã của Sinh Tử Sự Đại, nên ta an nhàn trong sự tướng mà tưởng mình, đồng hóa mình là Bồ tát rồi. Ta lắc lư trên ảo giác cho đến một ngày quỷ vô thường đến thì ta sụp đổ cơ ngơi, hỡi ơi đáng tiếc muôn phần.
- Tùy hoàn cảnh, chí nguyện mà có người thích tu Thiền, tu Định, tu Mật. Tu Thiền là rèn tính khí mình trên đe dưới búa liên hồi của tỉnh sáng quán chiếu sâu thẳm, không giờ phút lơ đễnh. Đó là nói đến tu Thiền, nặng vào chuyên môn với buông xuống hết thảy mọi sự, kể cả quên ăn, chỉ biết có mổi một tâm, sống với một tâm là thuần khiết vô niệm, còn tu Thiền phổ biến là tu quán chiếu, Biết để đưa vô số tâm lo toan bực bội về tâm trong một việc làm. Làm cái gì biết rằng ta đang làm cái ấy đó là thấy tâm ta rất rõ. Thế giới bên ngoài và bên trong ý ta luôn luôn cấu tạo nên cái biết ấy. Ta biết là biết về một cái gì. Khi nhìn ngọn núi phủ tuyết trắng phau tuyệt đẹp, thì tâm ta lúc ấy là ngọn núi trắng phau nọ, ta biết điều ấy rồi tâm chuyển tích tắc qua cái khác, ta liền biết ngay và đuổi theo để Biết, chuyển hóa nó rất dễ. Tâm ta trôi nổi có dính vào cái gì đâu. Thế nên khi nó thấy, nghe, cảm giác tiếp xúc với đối tượng, thì đối tượng ấy là nó đó. Cái Biết bật sáng lên để hướng dẩn nó. Tu Tịnh cũng vậy, có mục đích vãng sinh cực lạc. Thì phải khôn ngoan rằng không phải chờ chết để vãng sanh như thế nào đó, mà vãng sanh ngay bây giờ như đạt an lạc, giải thoát, là đạt từng phút ngay đây và bây giờ chứ không phải đợi đến lúc chết. Vãng sanh ngay bây giờ là đem hết ý chí lắng trụ tuyệt vời là câu niệm A Di Đà Phật đó thôi. Ngoài ra, không còn nghe biết đến bất cứ cái gì khác. Hành công khóa như vậy mỗi ngày nửa giờ chí cốt. Ngoài thì giờ đó thì nuôi dưỡng chí tha thiết sinh về cực lạc như kẻ sống cù bơ cù bất tha hương thiết tha về cố hương. Muốn thiết tha về cực lạc thì động tác tối quan trọng là phải quán chiếu, thấy không thiết tha với cõi đời này mà phải ra đi và ra đi vội vã thôi, với thẳng tắp một đường, ái bất trọng bất sinh ta bà vậy. Do nhất tâm cao độ chí thiết như vậy, ngay đây hoa lòng đốn phát là hoa hồng rực cháy sáng lên, thấy Phật DiĐà từng lúc bên cạnh ta. Thiền đốn ngộ, Tịnh Độ đốn tu là như vậy. Sanh về cực lạc tương đối dễ vì chỉ cần chí thiết, nhất tâm. Nhất tâm bất loạn mới sanh về được mà muốn nhất tâm bất loạn thì ngay đây, bây giờ phải thao tác kỹ thuật, thực tập nó bằng công khóa và quán chiếu để lập chí hăng hái ra đi,coi mọi thứ dương trần đều là huyển mộng không có gì chắc lâu, không còn ham hố mọi chân trời.Tu Mật giáo thì cũng đòi hỏi sự nhiếp tâm cao cả, miệng đọc thần chú vang dội vào óc não, tay bắt ấn để giữ thế hùng mạnh của nhiếp tâm. Tâm được cấy vào âm thanh, vào ấn khế và chính nó. Nhờ sức hỗ trợ, gia trì như thần, chư Phật mà mau lắng lòng, sạch ý phát sáng huệ nhãn, đạt thần biến, có nhiều khả năng bí mật làm cho ngoại giới phải nghe theo, hàng phục nhiều ma chướng. Lối ấy có tính cách chuyên môn cho người xuất gia. Lối tu Tịnh Độ là phổ biến nhất. Chào nhau bằng câu A Di Đà Phật mãi chính là nhắc hãy làm sáng tâm bằng tỉnh biết, nhất tâm. Mọi lối tu nào của Phật giáo cũng đòi hỏi ở nhất tâm, trụ tâm thiện trụ tâm.
            c) Những cộng đồng tu học nổi tiếng của Phật giáo: A Lan Nhã, Tòng Lâm, Sơn môn có hoàn cảnh thuận lợi, cùng đồng lữ cộng cư như thế thì dễ được thúc đẩy tiến lên, những cộng đồng như vậy rất cần cho cả người tại gia, cần nương nhờ pháp lữ, thiện tri thức gần sớm trao đổi nhau tu học về giáo lý, về kinh nghiệm. Pháp lữ thiện tri thức đóng vai trò quan trọng nuôi sáng huệ mạng ta.
C- Nhiệm vụ vinh quang không dứt  của người tu Phật giáo là làm một việc kỳ diệu:
            a) Là lần đầu tiên trong vô lượng kiếp, hôm nay ta thấy lại tâm mình, thấy lại từ cái biết hết sức nhiệm mầu cao quí. ra khỏi khối lượng đau khổ trùng trùng trong biển trầm luân mê muội cũng chính là từ chỗ biết ấy. Biết tâm, chuyển tâm, đạt an lạc bây giờ.
            b) Làm nhiệm vụ dẫn dắt cho người xung quanh với tinh thần, lối sống vô nhiễm, vô úy. Mỗi người tu tập Phật giáo đều là những nét bút rắn rỏi, làm cho chánh pháp luôn tươi nét trên dương trần là truyền nới nhau ánh lửa giác ngộ tuyệt qúi của Phật cho ta mãi mãi không tắt mất. Sống làm việc ngay ở cõi đời ô trọc mà tâm không bị lấm bụi trần, đ1o là đạt chỗ tu cao, tu giỏi. Ta phải tiến đến định mức ấy đối với cán bộ hoằng pháp. Quán chiếu lắng sâu lâu bền thì khám phá ra dương trần huyễn mộng, không còn ham hố, ánh sáng ấy giúp ta vô nhiễm luôn luôn giữ mình ra đi theo tiếng gọi giục giã của hương hoa đường lên thánh triết.
III. KẾT LUẬN:
 Tu là sửng hồn nhìn lại mình, và qua công năng quán chiếu tự cứu vớt đời mình, ta phải làm hăng hái vì thời gian vùn vụt trôi qua, thân người là cơ hội quí nhất cho ta hành trì đạt giải thoát. Tu trong đạo Phật nhằm đến chỗ cao nhất là chấm dứt trò tái sanh ê ẩm bầm dập trong cổng trại luân hồi. Tu Thiền, Tịnh, Mật và nhiều lối. Lối nào cũng đòi hỏi nhất tâm, chuyển hóa cho ra trò.
Nhân quả tự tâm là ta cứ hỏi lòng mình, ta đã cố y chuyển hóa nhiếp tâm, đoạn ái, ly sân tới chân thật cỡ nào thì ta có an lạc từ chổ đó. Tu thật khác với tu kỷ niệm bên ngoài. Tu kỷ  niệm, tu hiền chỉ có phước rất nhỏ. Tu là sửng hồn nhìn lại mình, thắp sáng mãi ngọn đèn cẩn thân biết việc ta đang làm trong mỗi lúc là ta bắt đầu thấy lại tâm mình. Hạnh phúc an lạc tự tâm ngời sáng phải làm lại mỗi ngày cho thành thói quen, không phải được chút ánh sáng rồi thả trôi.
Tu là một động tác hết sức cần thiết cho đời sống Phât tử, nó bao gồm phản tỉnh, ăn năn, tiến lên. Mỗi ngày phải có công khóa dù âm thầm vẫn phải có. Ngồi một nơi yên ắng hết mọi sự, coi như ta nhập diệt. Nhờ lắng sâu chuyên nét ấy mà thần trí ta bỗng tươi nét trở lại. Các giám đốc người Nhật Bản, khi làm việc, thỉnh thoảng họ đóng cửa phòng, ngồi tĩnh niệm 15 phút, nên họ luôn luôn tươi tắn làm việc dường như thoải mái, không thấy mệt lảng vảng bên họ. Nhờ tâm ý kiên định, hơi thở yên định mà tâm lắng sâu, từ đó thấy được bản thân, không còn ham hố dương trần mê muội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét