Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Ý NGHĨA VIỆC QUY Y TAM BẢO

Ý NGHĨA VIỆC QUY Y TAM BẢO
(Những bài giảng mẫu- PL 2538-1994 - Gs Trí Không – Tr.81)
***
DÀN BÀI
I. NHẬP ĐỀ: Đời sống là một hoạt trường được se kết bởi hành động ý nghĩ con người từ khi sinh ra cho đến khi chết. Đời sống đó ngoài áo cơm, còn có giá trị đáng tôn kính là đời sống của tâm hồn. Đời sống bên trong ấy phải có nơi nương tựa vững chắc. Quy y Tam Bảo là thiết lập nền móng vững chắc này.
II. THÂN BÀI:
            A-  Thế nào là ý nghĩa của phép Quy Y tam Bảo?
                        a) Định nghĩa 2 chữ quy y: về nương tựa một nơi vững chắc.
                        b) Định nghĩa hai chữ Tam Bảo: ba ngôi quý báu nhất trên đời là Phật Pháp Tăng.
                        c) Quy y Tam Bảo là thiết lập sự an ổn tâm hồn vào ba ngôi báu, mở cửa đầu tiên vào dòng thánh với lời kiên thệ chuyển biến nếp sống cũ ra nếp sống có giá trị ngời sáng.
            B- Hình thức Quy y Tam Bảo và lý tưởng Quy y Tam Bảo:
                        a) Mọi sự ở đời đều phải nương vào hình thức để tạo ấn tượng bền vững cho tâm hồn. Quy y Tam Bảo là hình thức chính thức nhập đạo rất cần thiết.
                        b) Lý tưởng nhắm đến đều là tự quy y, vật tha quy y. Phải tự mình trưởng thành mà xây dựng ngôi nhà hạnh phúc bằng chính vật liệu của tâm trong sạch. Sự hỗ trợ ngoài mình chỉ là phần phụ thuộc.
            C- Tạo nguồn sống mới do Quy y Tam Bảo đem lại:
                        a) Biết quý trọng đời sống tinh thần theo hướng giải thoát an lạc, giữ chắc ánh sáng ấy không bao giờ để mất.
                        b) Tạo sự an ổn tâm hồn trước mọi dâu bể, thấu hiểu mọi hữu vi đều là huyễn mộng, không tha cầu ỷ lại vào ai khác giải cứu đời mình bằng chính mình.
III. KẾT LUẬN: Quy y Tam Bảo là tìm được chỗ nương tựa vô cùng quý báu, quý báu hơn hết mọi thứ trên đời vì nó chỉ đường cho ta chấm dứt khổ lụy bao tỉ khiếp.
Ý NGHĨA VIỆC QUY Y TAM BẢO
I. NHẬP ĐỀ: Đời sống là một hoạt trường bao la, nhưng nó được kết nối bởi vô số hành động, ý nghĩ con người từ khi sih ra cho đến khi chết đi. Đời sống ấy, ngoài mọi nhu cầu cần thỏa mãn như áo cơm, xê dịch, tương giao nơi này chốn nọ, cũng như vui chơi giải trí, cũng như hân hoan vỡ tràn và những buồn thương vời vợi, nó còn lắng đọng lại một chút gì riêng tư, đó là đời sống tâm tinh mỗi con người. Đời sống bên trong ấy bao gồm cả một thái độ, một nhận thức soi sáng cho mọi hành động bên ngoài. Con người dù thấp hèn hay cao sang hết thảy đều có một hệ thống ý thức để chỉ huy cho cuộc sống. Không ai sống mà không có những ý niệm tối thiểu về giá trị thiêng liêng sâu thẳm trong tâm hồn mình. Nếu không có niềm tin với tôn giáo cụ thể thì người ta vẫn có một lẽ Thiện, một lương tâm để chỉ huy đời sống một cách âm thầm. Niềm tin, lẽ thiện và lương tâm là chỗ nương tựa tối cần thiết cho mỗi con người. Quy y tam Bảo mang ý nghĩa là một sự chuyển hướng mạnh mẽ, chuyển hướng tìm thấy một nơi quan trọng có giá trị để tâm hồn mnình nương tựa vào đó. Nói bằng hình ảnh cho dễ nhận thấy thì con người sống giữa đời như con tàu lênh đênh trên biển đầy giông tố. Giông tố thổi tới lắc lư, xô dạt lại khiến cho con tàu ít giữ được bình yên, giông tố ấy có khác gì mọi quyến rũ dữ tợn bên trong bên ngoài con người được dẫn dắt bởi đam mê về mọi thứ. Bên ngoài là những tà kiến, sai lệch về nhận thức đối với mọi thứ trên đời, như sự vật vốn bản thân nó mang dòng máu vô thường biến đổi, chúng ta nhìn thấy nó là hằng còn, nên thình lình nó hoại diệt, ta đau khổ. Cứ thế ta bị cừng cơn sóng dội dập vào bờ đá linh hồn với mọi bi thương khổ lụy. Khi tìm được chỗ trú ẩn bình yên vào một bến, một vịnh che gió bão thì con tàu bình yên. Đó là con tàu đã quy y vào bến đỗ, đã tựa nương vào bến bãi với cây cổ thụ vững chắc để neo thuyền tàu, không còn sợ sóng gió dập tả tơi. Người đem tâm hồn về nương tựa vào Tam Bảo, 3 ngôi báu Phật Pháp Tăng cũng giống như vậy.
            Ở đời, ai cũng cần nơi nương tựa vì tâm hồn con người vốn yếu đuối trước mọi thế lực tàn bạo thiên nhiên. Cái tâm thức tìm nương tựa lưu truyền hàng tỉ kiếp trong vô thức tập thể xã hội con người. Khi sinh ra ta được mẹ che chở, ta đã có nơi nương tựa. Lớn lên, hầu hết ai nấy đều nương tựa vào chỗ gia đình là căn bản, rồi lần hồi nương tựa thêm vào mọi sở hữu khác, định hướng lý tưởng ước mơ. Nhưng hết thảy mọi nương tựa ấy ít khi đem lại hoàn toàn cho con người đời sống trong chiều sâu thẳm. Phật Pháp Tăng 3 ngôi quí báu, quí báu hơn hết mọi thứ quí báu, vì Tam Bảo dạy cho ta mở con mắt tâm hồn thấy lại được gia sản quý giá của mình. Đời ta bổng giàu có vô lượng vì ta biết rõ được bộ mặt thật của con người mình. Do đó, về nương tựa vào tam Bảo là một sự nương tựa đầy thánh trí, có giá trị bất diệt, để từ đó ta đi đến chỗ thấu hiểu hết mọi thứ trên đời, tạo lập đời sống có giá trị đáng tôn kính.
II. THÂN BÀI:
            A- Thế nào là ý nghĩa phép Quy y Tam bảo?
                        a) Định nghĩa hai chữ Quy Y: Quy là về, Y là nương náu. Hai chữ này gieo vào lòng ta một ý tưởng rằng bấy lâu nay ta đã đi hoang đàng, ta đã từ bỏ quê hương yêu dấu, đi mãi vào nơi hun hút tha phương tạm bợ, bị khinh miệt, bị đày đọa, bị dằn vặt bởi bao đau khổ ê chề, giờ chợt nhớ lại cố hương, nhới lại gia sản mà vội quay về hưởng thụ gia sản ấy mà không ai có quyền bác bỏ được vì chính gia sản ấy, hương hỏa ấy là của ta. Cuộc trở về mới có ý nghĩa làm sao! Quyết chí lên đường về nương náu nơi cố hương thì phía trước chân trời ta đi tỏa sáng lòng tin kiên cố. Ta biết bỏ lại những cái gì không phải của chính ta, chí và lòng chỉ một đường trở lại nhà xưa. Ta về kiến tạo cơ ngơi lộng lẫy ngày nào mà ta dại khờ từ bỏ để ra đi theo mọi kích động, ham thích bập bềnh, trôi nỗi. Trong thời gian lưu lạc, ta thiếu thốn rách bươm cả y phục lẫn tâm hồn, tâm hồn bị dày vò bởi bao cay đắng dương trần với mọi phỉnh lừa từ tinh thần đến tình cảm đến mọi thứ. Nói về phương diện tinh thần, nói đến chỗ tối hậu của kiếp sống thì trở về nương náu nơi Tam Bảo là sự trở về đầy vinh quang có giá trị vững chắc nhất trong mọi thứ trở về. Trở về nương náu nơi khác thì ta chuốc lấy thảm bại mà thôi. Vì lần trở về nương náu vào ba ngôi tôn nquý này là một lần trở về có giá trị vượt lên cả tỉ kiếp sống trôi dạt trên biển luân hồi khổ lụy tối bưng. Hôm nay bỗng nhận lại được gia sản tuyệt vời quí báu của mình. Đó là ý nghĩa của việc Quy y Tam bảo.

                        b) Định nghĩa hai chữ Tam Bảo: Tam Bảo là ba ngôi, ba chỗ tựa quý nhấtlà mạng sống rồi đến châu báu vàng bạc, nhưng những thứ báu ấy không thể nào tồn tại vĩnh viễn, không thể nào tạo lập được cho ai nấy hạnh phúc bất hoại. Chỉ có Tam Bảo mới đạt đến chỗ quý báu tuyệt cùng.

            Phật là bậc hiểu biết đến chỗ cao nhất cơ cấu càn khôn vũ trụ, con người. Ngài là một bậc Thầy không còn ai làm thầy Ngài về phương pháp trị liệu bệnh tật cho con người. Do đó, ta nương náu nơi Ngài, quy y nơi Ngài là ta đã chọn được bậc thầy hy hữu nhất chỉ lối, mở đường, cho ta biết được kho tàng quý báu nơi mình. Ngài là bậc thầy liêm khiết số một, không lừa bịp ta, mà vô cùng tha thiết với chí nguyện làm khai hóa mọi u tối cho tâm hồn ta sáng ra. Thế thường ở đời chọn được thấy khai mở  ngu tối cho ta thì ơn ấy đã vô cùng quý báu huống nữa đây là bậc thầy khai hóa cái ngu muội nguyên thể của ta, để ta bước lên cõi thánh thì còn gì quý báu trong đời có thể đem so sánh được? Thế đó, ta quy y Phật là ta nương cậy vào bậc thầy tuyệt vời cao quý mà trong đời này không có bậc thầy thứ hai nào đầy ân tình độ lượng như vậy.
            Pháp là những lời dạy đúng chân lý, đúng sự thật. Nó là sản phẩm của trí giác ngộ của Đức Phật, là những chỉ dẫn tối quan trọng để ta nỗ lực thực hiện đứng mà ta đạt được trí sáng như Phật, chấm dứt mọi khổ lụy trùng trùng từ vô số đời sống và hiện nay.
            Tăng là hòa hợp chúng, nghĩa là những vị xuất gia từ 4 vị trở lên, họ là những vị thấu hiểu và làm theo lời Phật dạy, họ sống đời thanh bạch thánh triết trong tinh thần hòa hợp cao khiết, là người trực tiếp bây giờ tỉnh giác ta trên con đường tu tập để đem lại an lạc hạnh phúc ngay đây. Họ là những người bạn chí cốt vừa là người thầy hiện tại sẵn sàng an ủi, vỗ về cũng như thúc đẩy đạo nghiệp của ta phát sáng lên mỗi ngày ngay đây. Họ là những người trưởng tử lành lặn của Như Lai, thay Phật nối tiếp sự nghiệp khai hóa ai nấy duy trì hình bóng của Phật trong hiện tại, làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài trong đời, nhờ đó Tam Bảo mới tồn tại, là nơi nương náu cho bao linh hồn cần tìm nơi nương náu bình yên.
                        c) Ta về nơi nương náu nơi ba ngôi báu Phật Pháp Tăng chính là ta khôn ngoan và nhờ phước lành kiếp trước nên ngày nay mới có đủ duyên lực khiến ta biết đường tạo lập ngôi nhà hạnh phúc quý báu bằng vật liệu tinh khiết của niềm tin. Nương náu nơi Phật là kiên thệ với mình rằng từ nay ta coi Phật là bậc thầy cao tột nhất đáng tôn kính nhất. Nương náu nơi pháp của Ngài là sinh ra lớn lên trong ánh sáng của giác ngộ của Ngài khiến mọi cái nghe nhìn của ta sạch hết mọi u mê tăm tối cũ. Nương náu nơi Tăng là ta được dẫn dắt đi đến thánh đạo bởi những con người có đức hạnh, có hòa hợp, có đời sống minh triết, đáng làm gương tốt cho ta tin tưởng phát sáng lên sự tu tập chuyển hóa tâm hồn. Sự thúc đẩy của pháp lữ bên cạnh là nhân tố rất cần thiết cho ta. Như vậy quy về nơi đặt ba niềm tin ngơi ba ngôi Phật Pháp Tăng là bắt đầu xóa tan mọi mê lầm cũ, từ đó mở đường đi vào ngả khác, ngả thánh quả nghĩa là ta đặt tâm hồn đời sống có giá trị đáng sống vào dòng nước thánh ngay đây, trong đời này. Ta không còn đi hoang trong dương trần uổng kiếp với mọi ham hố mù tối bấp bênh để rồi hoang mang bơ vơ dựng lên cuối con đường sống. Tất cả sự chuyển hướng quyết liệt ấy, ta làm bằng kiên thệ lấy đó làm áo giáp cho tâm hồn, không còn sợ nọi biến động tả tơi xung quanh.



            B- Hình thức Quy y tam Bảo và lý tưởng Quy y Tam Bảo:
                        a) Mọi sự ở đời khi bắt đầy gây dựng đều trải qua một buổi lễ long trọng, hình thức buổi lễ long trọng với nhiều người tham dự ấy sẽ tạo ra một niềm tin vững bền cho tâm trí ta. Xưa kia, buổi lễ Đức Phật tiếp nhận Kỳ Viên tinh xá được cử hành vô cùng trang nghiêm với sự hiện diện của Đức Phật đầy uy đức tinh thần và bao hàng vua chúa quý tốc cho đến giới bình dân, khiến khí hậu buổi lễ lên cao chói sáng chưa từng có. Không khí trang nghiêm thánh hạnh ấy đã giội ảnh hưởng, gây xúc động sâu xa trong lòng các hoàng tử. Sau đó không lâu, một số các hoàng tử, vương công trí thức của kinh thành Xà Vệ như bị thôi thúc đi tới chân trời ngời sáng ấy, họ đã xuất gia làm tu sĩ, làm đệ tử Phật. Thế nên, lễ Quy y Tam Bảo là lễ quan trọng nhất cho người quay về với Tam Bảo. Nó là lằn mức khởi điểm đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn đầu tiên để luôn luôn nhắc nhở trong mạch ngầm của đời sống là ta chính thức nhập đạo, từ nay không còn sống theo một chiều ham hố ham đắm sân hận với mới tâm lý u tối cũ mà là luôn luôn siêng năng bẫy đời với sức mạnh của niềm tin tưởng đầy hấp dẫm đáng tôn kính. Ánh sáng Tam Bảo chiếu rọi tâm hồn ta, nó như một chân lý thuần khiết trên cao mà ta tiếp nhận được bằng niềm tin và một niềm cảm xúc từ chỗ sâu xa của nhịp đập của một tâm hồn của một trái tim đã lọc sạch bởi máu đỏ của chí nguyện, thơm nồng hương trời thanh tịnh, giải thoát.
            Khi trong buổi lễ, ta phát lớn lời kiên thệ rằng: Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng, ấy là ta long trọng nói lên lời thề nguyện, làm cho tâm hồn ta công khai trào dâng niềm tôn kính lồng lộng, nó làm an ổn tâm hồn,. nó làm rung động đến tầng số cảm thông của mười phương chư Phật, chư Bồ tát, lời kiên thệ ấy dội dập vào tâm hồn khiến ta thấy đời mình công khai to lớn, ta như tìm thấy được ánh sáng cao quý, vui mừng không cầm được rung cảm mà phải kêu to rằng đây là kho tàng quý giá mà chính hôm nay ta mới tìm lại được trong vô lượng kiếp đi hoang trong bến bãi luân hồi khổ lụy bời bời. Và mỗi lần phát lời kiên thệ đầu đời ấy và lạy xuống, ta nghe rung chuyển cả thâm tâm, như được phủ ngập bao vây trong luồng sáng tuyệt vời thanh quý. Lời kiên thệ cao cả ấy được phát lên như một thông điệp ta gởi tới mọi niềm u tối của tâm hồn, lay tỉnh nó, làm cho nó sửng hồn nhìn lại cuộc lên đường đầy vinh quang của ta. Hình thức quy y quan trọng như vậy thế nên ta phải hướng hết tâm hồn vào buổi lễ đón nhận ánh sáng mới đầu tiên soi thấu cõi niềm thanh quý của tâm hồn.
                        b) Lý tưởng nhắm đến chân trời bát ngát của tâm hồn là tự Quy y, vật tha quy y, nghĩa là hãy trở về làm sáng ông Phật mù nơi ta, phải biết nương náu vào chính năng lực, ý chí sức mạnh quyết liệt của chính tâm hồn mình mà chối từ mọi sự nương náu vào thế lực nào bất cứ ở bên ngoài tâm mình. Đó là ta bắt đầu biết cách đến gần bên Đức Phật hiện thực dương trần và Đức Phật pháp thân không còn trong nhịp tới lui của sinh diệt trần giới. Lần nọ, Đức Phật tuyên bố: Thầy Tỳ kheo đi ngay sau ta, nắm áo Tăng Già lê của ta nhưng tâm hồn đầy ô uế thì thầy Tỳ kheo ấy vẫn xa ta mịt mù; trái lại một thầy Tỳ kheo ở cách xa ta nghìn dặm nhưng tâm hồn đã lắng bụi nhơ thì thầy Tỳ kheo ấy vẫn gần ta. Chỉ trong đạo Phật mới mở hết công sức ngời sáng của chân thân, mới bảo rằng sau khi Quy y hình thức, ai nấy phải trang bị sức mạnh hành trì mà vun vút trở về với chân thân bằng biện pháp tu tập cho ra trò. Ta phải tự mình tu tập chuyển hóa tâm hồn sau khi chính thức nhập đạo để lần lượt tự mình xây dựng xây dựng ngôi nhà hạnh phúc chân thật bằng chính vật liệu của sự tôi luyện tâm hồn trong sạch. Mọi sự hỗ trợ của chư Phật Bồ Tát, chỉ là sự hỗ trợ cần thiết bên ngoài. Phật Bồ Tát là người chỉ đường đem lại cho ta niềm tin sâu đậm, chứ quý Ngài không bao giờ hứa cõng ta lên Niết bàn bao giờ. Ta phải nương tựa vào sức mạnh của chánh trí Phật pháp, nương tựa vào thần lực nhiệm mầu của ánh sáng giác ngộ của Phật, của Bồ Tát, nhưng tối quan trọng thiết thân cho đời ta chính là ta phải mạnh dạn làm động tác đi tới trong sự quyết tâm chuyển tay lái tâm hồn mình. Được trang bị đầy đủ bằng hiểu biết chánh tri kiến bằng niềm thâm tín vào Phật Pháp Tăng, ta phải luôn luôn nỗ lực xây dựng ngôi nhà hạnh phúc cho chính mình, không thể mướn thợ trần gian hữu vi nào xây thay cho ta được cả. Lý tưởng tự quy y tuy là nguyên lý thuần khiết, khi còn bám vào sự tướng bên ngoài quá nặng thì ta thấy nó dường như cách ta quá xa, nhưng lại rất gần vì tâm tự biết lấy tâm. Thế nên khi ta bừng tỉnh, sửng hồn là ta bước vào cõi miền bát ngát của vương quốc Tự Quy y rồi ta phài biết khôn ngoan chăm bón thắp sáng mãi ánh sáng lu lu ấy, đừng để nó tắt ngấm. Thắp sáng mãi mãi bởi dầu mỡ của siêng năng tiến tới thì mỗi lúc nguồn sáng ấy phát sáng lên. Ta cảm nhận được chất ngọt đầu tiên của động tác tự trở về. Chấm dứt một thói quen của nhịp sống vô hồn cũ là ta đã bước một bước quá dài vào vương quốc của tự quy y. Tự quy y mới là chỗ sản xuất ra thương hiệu thanh quý tối cần cho đời sống của ta. Như thế trong đạo Phật, với lý tưởng tự quy y này từ ban đầu ta đọc lên lời phát nguyện ấy là đạo Phật đã long trọng chỉ ra con đường biện pháp tự cứu mình, thẳng thắn giao trách nhiệm tự cứu cho mỗi người. Đó là một chân lý có giá trị chân thật đời đời.

            C- Tạo nguồn sống mới cho Quy y Tam Bảo đem lại:
                        a) Quy y tam Bảo là chặng đường đầu tiên để tâm hồn ta bước vào dòng nước Thánh, ta chấm dứt lối sống cũ đầy u ám của mọi tâm ý tối mù mà mở ra chân trời bừng sáng. Ánh sáng mới này như một tiếng gọi thiêng liêng đầy xao xuyến khi ta phải cất mình đi tới. Do đó ta phải biết thân này, nó là cánh cửa để ta có cơ hội qúy hiếm trong ngàn năm mà chào vĩnh biệt. Nhờ thân này mà lần này ta có cơ may duy nhất biết chánh pháp, biết lại toàn triệt vô lượng đời sống thô lỗ nhọc nhằn của ta, để từ đó ta nỗ lực tu tập, không cho trôi qua kiếp đời uống phí trong mê lầm túi bụi như bao kiếp đời đã trôi qua. Đời này không quyết tâm lo, tự cứu, còn chờ đến bao giờ? Một phen mất thân người thì vô cùng khó gặp lại. Đây là cơ may hiếm quý ta phải cảnh giác mãi mãi ý tưởng ấy. Luôn nhớ chắc đây là cơ hội cuối mà ta phải hoàn tất hành trình từ vô số đời sống tù hãm khổ lụy bời bời trong cổng trại khép kín của luân hồi. Tỉnh trí, khôn ngoan để tự gỡ mình ra khỏi cuốn hút của tham đắm, sân hận.
                        b) Quy y Tam Bảo là biết xây dựng một cơ ngơi ổn định vững bền cho tâm hồn giữa sóng gió đời cuồng nộ bốn phía quanh đây. Tam Bảo trở thành hòn đảo kiên cố ở ngay trong tâm hồn ta. Nó làm chỗ trú ẩn quan trọng, thắp sáng mọi nghe nhìn của ta khiến ta không còn lầm lẫn, không còn bị gạt gẫm bởi mọi biến động nhất thời, mọi gian trá của vọng tình lông bông gieo nguy hại cho đời sống trí huệ. Niềm tin Tam Bảo dẫn dắt ta đi tới để thấy mọi cái ngoài Tam Bảo sẽ trôi qua tan biến mất như huyễn mộng. Tam Bảo dạy cho ta bài học không tha cầu ỷ lại ai khác ngoài mình có thể giải cứu tội lỗi cho mình hay làm cho đời ta thánh triết bao giờ. Con người là một trung tâm của tha cầu, ỷ lại, nên từ vô số đời sống ta mới bị roi vọt ê ẩm của tái sinh khổ lụy trùng trùng. Nay ta quay về nương náu nơi Phật Pháp Tăng cũng là tha cầu, nhưng lại là một tha cầu thiết yếu vì tha cầu này không cho phép ta ngủ yên bên bờ hoa mộng nhất thời mà thế lực nội tại hùng vĩ của Tam Bảo luôn giục giã nhắc nhở ta phải nỗ lực đi về trong bến bờ của chính mình. Thành ra chỗ tha cầu này là một đòn bẫy cần thiết cho động tác bắn đời ta đi tới vinh quang không dứt; nó trở thành nhiên liệu quan trọng số một phóng vút đời ta ra khỏi mê lầm u tối. Nó lay tỉnh dạy ta khôn ngoan biết lợi dụng thời hạn ngắn ngủi tạm trú trên hữu vi huyễn mộng này mà nỗ lực khiến thiết sinh mệnh vĩnh hằng bằng quyết chí, thề nguyện bằng sự hỗ trợ thiết cận của thần lực chư Phật, chư Bồ Tát.
III. KẾT LUẬN:
            Nương tựa, nương náu là một tâm lý vô cùng quan trọng. Trong Luận Thành Thật nêu lên rằng: Ngay sau khi chứng ngộ đạo Vô thượng bồ đề, Đức Phật đã trải qua kinh nghiệm nóng hổi mà tuyên bố rằng vậy thì từ nay ta biết nương tựa vào đâu? Vì không ai hiểu biết hơn ta.  Vậy hãy nương tựa vào pháp mà ta vừa chứng ngộ. Nó là gia sản tuyệt quý của ta, là nội dung giác ngộ của ta. Con người không có chỗ nương tựa thì ác pháp dễ sinh. Thế đó, nay ta biết tựa nương vào Tam Bảo chính là ta biết tìm được chỗ nương tựa vô cùng quý hóa. Ta có Tam Bảo trong chính mình từ đó, để nỗ lực  làm cho ông Phật mù trong ta sáng bừng lên. Đó là một nương náu tối yếu. Mọi nương tựa vào cái khác ngoài Tam Bảo, ngoài mình, đều là bèo bọt tan biến, đều là cuộc làm ăn thua lỗ, khổ hận dài dài. Sự nương náu nơi ba ngôi báu Phật Pháp Tăng là sự nương náu vững bền, có giá trị liêm khiết nhất trong mọi sự nương tựa, mà nay ta tới được, biết giá trị nó thì nay ta phải không ngừng không sợ mệt mỏi để lấy đó làm mà hoàn tất chân giá trị tối hậu của mình trong trạm kiếp người này là giác ngộ, chấm dứt mọi lùng nhùng của tái sinh khổ lụy vạn tỉ năm qua. Ý nghĩa cao cả của Quy y Tam Bảo là biết tự quay về bằng sức mạnh của tự tâm chuyển hóa tự cứu mình gấp rút trong thời hạn ngắn ngủi của kiếp người này. Từ đó mở ra cho ta đời sống vĩnh hằng an lạc chân thật nhất./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét