Gampopa Đã Đạt Được Những Thành Tựu Tâm Linh Như Thế Nào
Geshe Ngawang Dhargyey
Lobsang Gyeltsen thông dịch tại Dharamsala, Ấn Độ, năm 1979
Samaya Hart và Alexander Berzin hiệu đính,
tháng Mười Một, 2003
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên, Lozang Ngodrub hiệu đính
Bảo Châu Trang Nghiêm của Giải Thoát được gọi là những dòng kết hợp của các truyền thống
Kadam và Đại Thủ Ấn (Mahamudra) (
bka’-phyag chu-bo gnyis-‘dres). Tác giả của nó là Gampopa (
sGam-po-pa bSod-nams rin-chen) (1079-1153), đã được nhiều đạo sư Kadampa giảng dạy các
hành trì và quan điểm của dòng truyền thừa của các ngài. Sau khi Gampopa thọ nhận các giáo huấn và
truyền thống Đại Thủ Ấn từ bổn sư (guru) của ngài, Milarepa (
Mi-la Ras-pa bZhad-pa’i rdo-rje) (1040-1123), ngài đã kết hợp hai dòng giáo huấn thành
một.
Để nhận thức giá trị và nghiên cứu tác phẩm này, ta cần có một ít hiểu biết về Gampopa, tác giả
của nó. Nếu không có tiểu sử của tác giả, các giáo huấn sẽ không có nhiều ý nghĩa. Ta cần phải quen
thuộc với Gampopa và tìm hiểu Gampopa như một người đã thực sự sống một cuộc đời của một người bình
thường và là người mà nhờ sự tu tập, đã đạt được những thành tựu tâm linh đích thực. Những giáo
huấn này là kết quả từ kinh nghiệm và sự hành trì Pháp của ngài.
Trước khi đạo sư Milarepa thâu nhận những đệ tử của ngài, bổn tôn Vajrayogini hiện ra trong một
linh ảnh và tiên đoán rằng trong tương lai gần đây, ngài sẽ thâu nhận một đệ tử tựa như mặt trời,
một đệ tử tựa như mặt trăng, và nhiều đệ tử khác giống như những vì sao trên trời. Đệ tử tựa như
mặt trời chính là Gampopa, người cũng được biết như vị Y Sĩ Vĩ Đại của Dagpo (
Dvags-po lha-rje). Ngài trở thành một trong các đệ tử chính của Milarepa, cùng với
Rechungpa (
Ras-chung-pa rDo-rje grags-pa) (1084-1161) và nhiều vị khác.
Gampopa không phải là một người bình thường. Sự hiện diện của ngài trong thời kỳ này và thế giới
này đã được tiên tri trong nhiều kinh điển, đặc biệt là
Kinh Hoa Sen Trắng, trong đó có một sự tiên tri rõ ràng về sự xuất hiện của ngài như
sau:
Một hôm, vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật quay sang đệ tử của ngài là ông A Nan
và nói: “A Nan, sau khi ta nhập niết bàn, ở phương Bắc của bán cầu này có một vị đại tăng (fully
ordained monk) sẽ được biết đến như Tỳ Kheo Y Sĩ.” Gampopa là một Tỳ Kheo, một y sĩ hoàn hảo có
năng khiếu tự nhiên về y học. “Ngài là người đã trải qua nhiều kiếp hoàn toàn tận tụy với việc hành
trì Pháp, và là người có nhiều vị thầy tâm linh.”
Gampopa sinh trong một ngôi làng nhỏ ở Tây Tạng, thuộc miền Nam của Dagpo (
Dvags-po), gần biên giới Nepal. Cha ngài là một thầy thuốc lừng danh của làng đó. Cha mẹ
ngài có hai con trai, và Gampopa là con trai cả. Khi còn là một đứa trẻ, Gampopa cực kỳ thông minh.
Ngài học nghề của cha và cũng trở thành một thầy thuốc vĩ đại. Vào khoảng mười lăm tuổi, ngài
nghiên cứu nhiều kinh điển của phái Nyingma và vì thế, đã có kiến thức rộng lớn về truyền thống
này. Ngài theo đuổi nhiều nghiên cứu tâm linh và khi hai mươi hai tuổi, ngài kết hôn với Chogme (
mChog-med), con gái của một gia đình rất giàu có ở làng bên cạnh. Sau cuộc hôn nhân, họ có
một con trai và một con gái.
Vài năm sau, con trai ngài chết bất ngờ. Gampopa mang xác con tới nghĩa địa và làm những gì phải
làm theo tục lệ của miền đó. Khi trở về nhà sau tang lễ, ngài thấy con gái ngài cũng đã chết. Không
lâu sau cái chết của người con gái, vợ ngài suy sụp vì nhiều bệnh tật. Là một y sĩ, Gampopa cho vợ
uống nhiều loại thuốc, hội ý với những thầy thuốc khác và nỗ lực làm các puja (lễ cúng dường) khác
nhau để vợ được bình phục, nhưng không có phương pháp nào mang lại hiệu quả tốt đẹp. Khi bệnh của
vợ ngài càng lúc càng trở nặng, họ trở nên tuyệt vọng. Cuối cùng, Gampopa ngồi bên giường bệnh và
đọc cho bà nghe một quyển kinh để chuẩn bị cho cái chết của bà. Nhưng vợ ngài không chết.
Gampopa lấy làm lạ vì sao vợ ngài không thể chết. Điều gì đã khiến bà không chết? Bà không thể
từ bỏ điều gì trong cuộc đời này, một cuộc đời vô vọng, chỉ hứa hẹn nỗi đau đớn và khổ sở triền
miên? Cảm thấy vô cùng thương xót người vợ phải nằm liệt giường vì bệnh tình trầm trọng, Gampopa
dịu dàng hỏi bà: “Tôi đã làm mọi sự để chữa trị cho bà. Tôi đã thử nhiều y sĩ, thuốc men và mọi
cách cầu nguyện và nghi lễ để bà được bình phục, nhưng tất cả đều thất bại. Những biện pháp đó
không có hiệu quả vì những nghiệp trước đây của bà. Nghiệp lực và những lời cầu nguyện trong những
đời trước của chúng ta đã kết hợp bà và tôi. Nhưng giờ đây, mặc dù tôi vô cùng thương yêu bà, tôi
phải hỏi bà điều gì thật sự giữ bà ở lại đây? Nếu bất cứ tài sản nào chúng ta có trong nhà, hay bất
cứ của cải vật chất nào mà chúng ta đã cùng nhau tích lũy đang giữ bà lại, hoặc nếu như bà vô cùng
quyến luyến bất kỳ thứ nào trong đó thì tôi sẽ cho đi tất cả. Tôi sẽ bán chúng hay cúng dường cho
tu viện, hoặc sẽ đem cho người nghèo. Tôi sẽ tống khứ tất cả những gì khiến bà không ra đi được.
Tôi sẽ làm tất cả những gì bà muốn tôi làm.”
Chogmey trả lời: “Tôi không quyến luyến của cải hay bất kỳ thứ gì trong nhà. Đây không phải là
điều đang giữ tôi lại. Mối bận tâm lớn nhất của tôi là tương lai của ông, chính vì điều này mà tôi
không thể chết. Sau khi tôi chết, ông sẽ dễ dàng tái hôn và có nhiều con trai, con gái, nhiều hơn
những đứa con mà chúng ta đã có với nhau nữa. Tuy nhiên, tôi thấy rằng lối sống này không có chút ý
nghĩa nào đối với ông. Đó là lý do tại sao tôi hết sức bận tâm về ông. Nếu ông hứa với tôi là thay
vì sống một cuộc đời như thế, ông sẽ trở thành một hành giả tận tụy với Pháp – đó là cách hữu hiệu
nhất để thành tựu hạnh phúc của riêng ông và của tất cả chúng sinh, như thế thì tôi có thể yên lòng
lìa bỏ cuộc đời này. Nếu không thì tôi sẽ ở trong tình trạng này trong một thời gian dài.”
Gampopa nói: “Nếu là như vậy thì tất nhiên, tôi sẽ hứa danh dự với bà là tôi sẽ trở thành một
hành giả hết lòng với Pháp và từ bỏ lối sống này.”
Chogmey trả lời: “Mặc dù tôi tin ông, nhưng để tôi có thể hoàn toàn vui vẻ và yên tâm về lời hứa
của ông, hãy đem một người làm chứng tới đây.”
Gampopa xin chú của ngài làm chứng cho lời thề của mình. Đứng trước người vợ thân yêu của ngài,
có người chú làm nhân chứng, Gampopa phát nguyện hiến dâng đời mình cho Pháp. Điều này làm cho
Chogmey rất sung sướng, và bà nói: “Ngay cả sau khi tôi chết, tôi vẫn sẽ chăm sóc ông.” Bà cầm tay
ngài nói như thế, rơi lệ và từ giã cõi đời.
Ngài đã chuẩn bị một lễ hỏa thiêu thật công phu cho người vợ. Từ tro, xương và đất sét, ngài làm
nhiều bài vị tạ ơn, cùng những bản in pho tượng của các Đấng Giác Ngộ. Ngài đã xây dựng bảo tháp
(stupa) để tỏ lòng tôn kính bà, “Bảo Tháp Chogmey” (
mChog-med mchod-rten), vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở Tây Tạng.
Giờ đây, Gampopa còn lại một mình, ngài phân chia tất cả tài sản của mình thành hai phần bằng
nhau. Ngài bán đi một phần, lấy tiền cúng dường Tam Bảo và bố thí cho người nghèo khó. Phần còn
lại, ngài dùng để duy trì cuộc sống và thực hành Pháp. Một hôm, chú của ngài, người đã từng làm
nhân chứng khi Gampopa thề với Chogmey, tới thăm Gampopa, nghĩ rằng ngài vô cùng tiếc thương người
vợ yêu quý. Ông tới để khuyên bảo ngài, bảo ngài đừng lo lắng và an ủi ngài bằng cách giải thích
hoàn cảnh của ngài bằng ánh sáng của định luật nghiệp quả.
Gampopa trả lời rằng ngài không lo lắng gì hết. Trái lại, ngài rất vui mừng là bà đã chết. Hết
sức giận dữ khi nghe điều này, người chú nhặt một nắm đất ném vào mặt Gampopa. Ông la lên: “Ý anh
muốn nói gì? Anh không thể tìm được một người vợ tốt hơn, một người xinh đẹp như thế đâu!”
Ngạc nhiên vì cơn giận của chú, Gampopa hỏi ông: “Chú là loại nhân chứng gì đây? Không phải là
chú đã có mặt ở đó khi cháu thề là sẽ theo đuổi việc thực hành Pháp hay sao? Chú không nghe thấy
sao?” Trước lời nói này, người chú hết sức ngượng ngùng và nói: “Điều này là sự thật. Mặc dù chú là
một ông già, chú chẳng bao giờ nhớ đến việc thực hành Pháp, trong khi cháu còn rất trẻ mà lại can
đảm như thế trong việc theo đuổi con đường tâm linh. Chú rất sung sướng nếu có thể giúp đỡ cháu
bằng cách nào đó.”
Một hôm, Gampopa sắp xếp nhiều thực phẩm và quần áo dự trữ, quyết định sống một cuộc đời cô
tịch. Không một lời từ giã người thân hay bạn bè, ngài rời bỏ quê hương, đi đến vùng Penpo (
‘Phan-po) để tìm một vị bổn sư (guru).
Không lâu sau đó, ngài gặp Shawa-lingpa (
Sha-ba gling-pa), một vị thầy từ bi thuộc truyền thống Kadam và xin được thọ các giới Sa
di và Tỳ kheo. Ngài nhận pháp danh xuất gia Sonam-rinchen (
bSod-nams rin-chen). Là một nhà sư, ngài đã tu tập một cách sâu sắc với nhiều Kadampa
Geshe, hành thiền và nghiên cứu với những đạo sư vĩ đại này. Ngài thường trải qua nhiều ngày không
có thức ăn hay một giọt nước, miệt mài trong lạc thọ của thân và tâm trong thiền định viên mãn.
Gampopa đã đạt được một mức độ thành tựu định lực khiến ngài có thể tĩnh tọa bảy ngày hoàn toàn an
trú trong thiền định.
Vì thế, Gampopa đã có nhiều nội quán và sự xác tín trong việc thực hành Pháp trước khi bắt đầu
tìm kiếm bổn sư của ngài là Milarepa. Ngài đã thông thạo toàn bộ giáo lý Kadam và có những giấc mơ
lạ thường, chẳng hạn như ngài là một bồ tát thập địa. Ngài thường mơ thấy một hành giả du già
(yogi) màu xanh với một cây tích trượng, đặt bàn tay phải trên đầu ngài và đôi khi phỉ nhổ ngài.
Cho rằng giấc mơ kỳ lạ này là một dấu hiệu cho thấy một vong linh ác ý đang cố tạo sự ngăn trở và
chướng ngại cho việc thực hành Pháp của mình, ngài đã thực hiện một kỳ nhập thất sâu sắc về Achala
(
Mi-g.yo-ba), Bậc Bất Động. Achala là một nhân vật có dáng vẻ phẫn nộ, được thiền quán đặc
biệt trong truyền thống Kadam để giải trừ các chướng ngại trong việc tu tập. Tuy nhiên, sau kỳ nhập
thất, giấc mơ tương tự vẫn thường xuất hiện mạnh mẽ hơn và sống động hơn bất kỳ lúc nào. Ngài không
ngờ rằng giấc mộng này là một dấu hiệu cho thấy chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ gặp vị thầy tương lai
của mình là đại hành giả du già Milarepa.
Lần đầu tiên Gampopa nghe danh hiệu của Milarepa là lúc ngài đang đi nhiễu quanh một bảo tháp
trên đường và tình cờ nghe được một cuộc trò chuyện giữa ba người hành khất. Một người luôn miệng
phàn nàn về nạn đói đang hoành hành trong xứ và việc ông ta chưa được ăn trong một thời gian dài.
Một người khác trả lời rằng họ nên biết xấu hổ và không nên nói mãi về thức ăn, kẻo vị Tỳ Kheo đang
đi nhiễu quanh bảo tháp này nghe thấy thì thật là xấu hổ. Ông ta nói: “Hơn nữa, chúng ta không phải
là những người duy nhất không có gì để ăn. Có một đại thánh giả du già lừng danh là Milarepa, người
chẳng bao giờ có thực phẩm và hoàn toàn hiến mình cho việc tu tập Pháp trong núi non. Ngài không
bao giờ phàn nàn về thực phẩm. Tất cả chúng ta cần phải cầu nguyện để có thể phát khởi ước nguyện
chân thành, được sống một cuộc đời giản dị như ngài.”
Khi nghe danh hiệu của Milarepa, Gampopa đã kinh nghiệm đại lạc và hạnh phúc. Ngài thuật lại
điều này cho thầy của ngài và vị thầy nói: “Ngay từ đầu, ta đã biết con có duyên nghiệp gần gũi với
một vị thiền sư như thế. Hãy đến với ngài và mọi sự sẽ thành công mỹ mãn.”
Đêm hôm đó, Gampopa khó mà ngủ được. Hầu như cả đêm, ngài dâng những lời cầu nguyện và ước
nguyện mãnh liệt để có thể lập tức gặp được đại hành giả du già Milarepa. Cuối cùng, khi chập chờn
trong giấc ngủ, ngài có một giấc mơ thật đặc biệt, trong đó ngài nghe âm thanh thật lớn từ một con
ốc xà cừ trắng, âm thanh lớn nhất trên trái đất. Ngài cũng thuật lại chuyện này cho thầy của ngài
nghe và vị thầy nói: “Đây là một điềm lành. Con nên lập tức đi tìm Milarepa.”
Gampopa chạy tới chỗ những người hành khất đang cắm trại và hỏi họ có quen biết Milarepa không,
và nếu họ biết Milarepa đang ở đâu, thì họ có thể dẫn ngài tới gặp vị thầy đó hay không. Ngài nói
với họ rằng ngài có mười sáu aoxơ (ounce) vàng cát và sẽ tặng cho họ một nửa, còn một nửa sẽ dùng
làm lễ vật cúng dường cho bổn sư Milarepa vĩ đại khi gặp được ngài. Người hành khất già nhất nói
ông biết Milarepa và đồng ý dẫn Gampopa tới hang động của vị này.
Người hành khất già đã lừa bịp. Trên đường đi, ông thú nhận mình không biết đường tới hang động.
Ông ta nói mình không được khỏe và không thể tiếp tục dẫn đường cho Gampopa nữa. Họ tới một nơi
hoàn toàn hoang vắng, không có người, không có nhà cửa hay thú vật gì cả. Người hành khất bỏ đi và
Gampopa hoàn toàn trơ trọi một mình. Ngài tiếp tục lang thang trong nhiều ngày, không có gì để ăn,
rồi cuối cùng, ngài gặp một nhóm thương gia. Gampopa hỏi một người trong nhóm là liệu ông ta có
biết Milarepa ở đâu không. Người thương gia trả lời là ông ta biết Milarepa rất rõ và ngài là một
thiền giả vĩ đại và một đại hành giả du già. Ông ta bảo Gampopa rằng Milarepa thường thay đổi chỗ
ở, di chuyển từ động này sang động khác, từ thị trấn này tới thị trấn khác, nhưng hiện nay ngài
đang ở tại thị trấn này và hang động ấy. Người thương gia chỉ về phía cái hang và cho những lời chỉ
dẫn rõ ràng để người đệ tử đầy lòng khát khao đi đến nơi trú ngụ của vị đại hành giả du già. Lòng
tràn ngập niềm vui, Gampopa ôm chầm lấy người thương gia với sự biết ơn và mãi một lúc lâu mới chịu
buông ông ra.
Đó là một cuộc hành trình kéo dài vài ngày, và ngài đã du hành mà không có thực phẩm. Cuối cùng,
ngài té xuống đất và bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ngài nghĩ rằng mình không có duyên nghiệp để được gặp
vị đại hành giả này và bây giờ, chắc chắn là ngài sắp chết. Vì thế ngài chắp tay lại, với lòng biết
ơn và tôn kính sâu sắc nhất, ngài cầu nguyện thật mãnh liệt để có thể tái sinh làm người và được
làm đệ tử của Milarepa.
Trong khi Gampopa đang nằm dưới đất chờ chết, một trong những đạo sư Kadampa đã nhìn thấy ngài.
Thấy Gampopa ngã xuống trên nền đất cứng, vị đạo sư chạy đến để giúp đỡ. Vị đạo sư hỏi: “Anh đang
làm gì ở đây?” Gampopa trả lời: “Con đang tìm kiếm vị đạo sư vĩ đại Milarepa. Con đã du hành nhiều
ngày không có lương thực và nước uống. Giờ đây con cảm thấy mình sắp chết và rất tiếc là không có
nhân duyên để gặp vị bổn sư này.” Vị thầy Kadampa đi tìm thực phẩm và nước, sau đó hướng dẫn
Gampopa tới thị trấn Milarepa đang trú ngụ.
Khi Gampopa tới trị trấn, ngài hỏi nhiều người làm thế nào để gặp vị bổn sư này và làm thế nào
để nhận được những loại giáo lý đặc biệt mà ngài đang tìm kiếm. Cuối cùng, ngài gặp một người là
một vị thầy vĩ đại và là đệ tử của vị hành giả du già thành tựu. Gampopa nói với ông rằng ngài khát
khao mãnh liệt, muốn gặp vị bổn sư này và thọ nhận những giáo huấn của ngài. Vị thầy nói với ngài
là ngài không thể gặp vị đại hành giả du già ngay lập tức. Ông nói ngài phải chờ đợi vài ngày và
được khảo nghiệm trước khi có thể thực sự thọ nhận giáo huấn.
Vài ngày trước, Milarepa có một cuộc gặp gỡ với các đệ tử, và ngài nói với họ về việc Gampopa
sắp đến. Ngài nói ngài đang trông chờ một Tỳ Kheo y sĩ tới, và sau khi tu học với ngài, người này
sẽ nhận lãnh toàn bộ giáo lý, và sẽ truyền bá giáo pháp khắp mười phương. Milarepa kể cho họ nghe
đêm hôm trước ngài có một giấc mơ, trong đó vị Tỳ Kheo y sĩ mang tới cho ngài một cái bình thủy
tinh trống không. Milarepa đổ nước đầy bình, điều đó cho thấy Gampopa sẽ đến với một tâm thức hoàn
toàn cởi mở và dễ lãnh hội để thọ nhận giáo huấn, và Milarepa sẽ rót đầy bình tâm thức của Gampopa
bằng nước cam lồ, đó là toàn bộ giáo huấn và nội quán của ngài.
Rồi Milarepa cười sảng khoái và nói: “Giờ đây, ta tin chắc rằng Phật pháp sẽ chiếu sáng như vầng
thái dương tỏa sáng muôn phương.” Sau đó ngài hát cho những người tụ hội quanh ngài nghe, “Sữa của
một con sư tử trắng chắc chắn là bổ dưỡng, nhưng nếu một người không uống sữa thì sẽ không có được
lợi lạc gì từ chất dinh dưỡng này. Các con phải tự mình nếm nó, cho dù chỉ một giọt, rồi thì các
con sẽ cảm nhận được hiệu lực dinh dưỡng của sữa này. Giáo huấn của ta giống hệt như thế. Trước
hết, các con phải phát triển kinh nghiệm về nó, nếm trải nó, và rồi thì giáo huấn đó sẽ hết sức lợi
lạc.”
“Không có gì phải nghi ngờ về giá trị và sự sâu sắc của những giáo huấn xuất phát từ dòng truyền
thừa của Tilopa và Naropa. Nhưng nếu các con không thiền quán về những giáo huấn này, các con sẽ
không hiểu được sự thâm thúy của chúng. Chỉ sau khi thiền quán về chúng và phát triển kinh nghiệm
chân chính, các con mới có thể hiểu được chiều sâu của những giáo huấn này. Đạo sư vĩ đại Marpa như
người cha thân yêu của ta, đã mang những giáo huấn này về từ Ấn Độ, và ta, một hành giả du già, đã
thiền quán về chúng. Ta đã khảo nghiệm giá trị của những giáo huấn ấy và đã phát triển những kinh
nghiệm phù hợp với giáo pháp.”
“Sữa của một con sư tử trắng phải có một bình chứa đặc biệt. Không thể đựng nó trong một chiếc
bình tầm thường. Chẳng hạn nếu như đổ sữa vào một chiếc bình bằng đất sét, ngay khi sữa chạm vào
bình, chiếc bình sẽ rạn nứt. Đối với những giáo huấn bao la và sâu xa của dòng truyền thừa này,
phải có môt loại hành giả đặc biệt. Ta từ chối giảng dạy truyền thống này cho những ai đến nhận
giáo huấn của ta mà chưa sẵn sàng. Ta sẽ chỉ giảng dạy cho những người có tâm thức hoàn toàn phát
triển và thích hợp, những người đã sẵn sàng đối với giáo huấn này và hành trì của nó.”
Các đệ tử hỏi Milarepa: “Bao giờ người mà thầy thấy trong giấc mơ sẽ tới?” Milarepa trả lời: “
Người ấy có thể sẽ tới đây vào ngày mốt. Anh ta bị ngất xỉu và đã kêu cầu ta cứu giúp. Ta đã dùng
thần thông của mình để hướng dẫn anh ta tới đây.”
Ngày hôm sau, trong khi thiền định, thỉnh thoảng Milarepa lại phá lên những tràng cười. Một nữ
thí chủ thành tín lo sợ vì những trận cười này, nên đã vào thăm ngài và xin ngài giải thích. “Điều
gì đã khiến ngài cười như vậy? Đôi khi ngài rất nghiêm cẩn và đôi khi ngài lại cười đùa. Ngài phải
giải thích về hành động này, bởi vì người ta có thể nghĩ rằng ngài đã phát điên. Điều gì đang xảy
ra với ngài vậy? Ngài không thể giữ bí mật về chuyện này!”
Milarepa trả lời rằng: “Ta hoàn toàn khỏe mạnh. Tinh thần của ta hoàn toàn bình thường và ta
không có điều gì bí ẩn. Ta thấy những điều khôi hài đang xảy ra cho một đệ tử của mình, người sẽ
tới gặp ta. Trước tiên, anh ta ngất xỉu và bây giờ thì đau nhức khắp thân thể, nhưng anh ta rất
dũng cảm và đang dồn hết sức lực để đến gặp ta. Nhìn thấy điều này, khiến ta phải bật cười. Ta sung
sướng và đồng thời nghĩ rằng điều đó rất khôi hài.”
“Chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ tới thị trấn này, và bất kỳ ai mời anh ta vào nhà mình trước nhất
sẽ đạt được giác ngộ trong một thời gian ngắn nhờ phước báo của anh ta. Người chủ nhà hào phóng sẽ
đạt được rất nhiều nội quán và năng lực để thành tựu những mục đích của họ thật nhanh chóng.”
Vài ngày sau, Gampopa đến, rất yếu ớt và bệnh hoạn. Thật ngẫu nhiên là cánh cửa đầu tiên mà
Gampopa đi tới là ngôi nhà của nữ thí chủ đã đặt câu hỏi với Milarepa. Bà có ý trông chờ Gampopa,
nên khi ngài đến thì lập tức bước ra. Bà hỏi ông là ai và ông cần gì. Gampopa giải thích chi tiết
của cuộc hành trình tìm kiếm Milarepa. Nữ thí chủ lập tức hiểu rằng đây chính là vị đệ tử mà
Milarepa đã nói với bà. Nhớ đến lời tiên tri của Milarepa, bà mời Gampopa vào nhà và dâng cho ngài
nhiều thức cúng dường.
Nữ thí chủ khiến cho Gampopa thích thú vì những câu chuyện tiên tri của Milarepa. Bà nói: “Vị
lama của thầy đang chờ thầy và đã nói rõ về thầy cho tất cả chúng tôi biết. Ngài nói rằng thầy bị
ngất xỉu và ngài đã gởi cho thầy sự trợ giúp kỳ diệu, và bây giờ ngài đang nóng lòng chờ thầy tới.
Thầy có thể đi gặp ngài lập tức và thầy sẽ được đón tiếp nồng hậu.” Nghe những điều này, Gampopa
trở nên tự mãn với những lời tán tụng và nghĩ rằng: “Ồ, ta hẳn phải là một người vô cùng vĩ đại,
thầy ta đã chờ đợi ta từ bấy lâu nay.” Thấy được vẻ kiêu ngạo mà Gampopa biểu lộ ra, Milarepa đã
không thèm nhìn tới ngài trong nửa tháng. Ngài cố ý bỏ mặc và phớt lờ Gampopa, và Gampopa phải tìm
một nơi khác để ở.
Cuối tuần lễ thứ hai, nữ thí chủ dẫn Gampopa tới nhà của Milarepa và hỏi ngài có thể tiếp
Gampopa hay không. Milarepa đồng ý. Khi Gampopa tới nơi, Milarepa đang ngồi ở giữa; Rechungpa ngồi
ở một bên ngài, trên ghế cao bằng ghế của Milarepa, và ở bên kia là một đệ tử khác, cũng ngồi trên
ghế cao như thế. Tất cả đều mặc y phục trắng giống hệt nhau. Trông họ thật giống nhau và cùng ngồi
trong một tư thế. Nét mặt của mỗi người đều giống nhau. Milarepa chờ xem Gampopa có nhận ra ngài
không. Gampopa thông minh có lẽ đã nhận thấy Rechungpa khe khẽ gật đầu, ra dấu là Milarepa ngồi ở
giữa ba người. Gampopa lễ lạy Milarepa, mang tất cả những vật cúng dường tới và xếp đặt trước mặt
ngài. Ông nói về khát vọng nung nấu mong gặp được vị bổn sư, để thọ nhận giáo huấn và đạt được giác
ngộ.
Milarepa nhập thiền trong ít giây, sau đó đưa tay về phía tụ vàng cát mà Gampopa đã cúng dường,
nhặt một ít lên và ném lên không trung. “Ta cúng dường vàng này cho bổn sư Marpa của ta,” ngài
tuyên bố. Ngay lập tức, không gian vang vọng lại tiếng sét và sấm chớp nổ tung bầu trời. Một cầu
vồng lớn xuất hiện, cùng với nhiều dấu hiệu cát tường khác.
Milarepa đang uống chang, một loại rượu nặng. Rượu được đựng trong một tách sọ người đặt trên
bàn. Một lát sau, ngài nâng tách rượu lên và đưa nó cho Gampopa. Thoạt đầu Gampopa lưỡng lự, bởi
ngài là một đại tăng với giới nguyện không uống rượu. Ngài bối rối, ngồi đó trước sự hiện diện của
tất cả các đệ tử khác. Milarepa nói: “Đừng suy nghĩ thêm nữa. Hãy uống những gì ta đưa cho ông.”
Thế là Gampopa uống hết tách rượu không chút do dự.
Sau đó, Milarepa hỏi tên của ngài, ngài trả lời là Sonam-rinchen, là tên mà vị đạo sư Kadampa
của ngài đã ban cho. Milarepa nghĩ rằng đó là một cái tên hết sức tốt lành: Sonam có nghĩa là “năng
lực tốt lành,” và Rinchen nghĩa là “viên ngọc cao quý.” Vì thế, Gampopa là Viên Ngọc Cao Quý của
Năng Lực Tốt Lành. Milarepa âu yếm lập lại một lời kệ tán thán có tên của Gampopa trong đó ba lần.
Gampopa cảm thấy danh hiệu mà ngài được ban cho thật trọng đại và đầy ý nghĩa.
Rồi Milarepa nói: “Trước tiên, ta sẽ kể cho con nghe chút ít tiểu sử của ta. Nhưng trước đó, tất
cả chúng ta sẽ tỏ lòng tôn kính và đảnh lễ bổn sư Marpa vĩ đại của chúng ta, cội nguồn của dòng
truyền thừa của truyển thống tu tập mà tất cả chúng ta đều đang nối dõi.” Sau khi họ tỏ lòng tôn
kính và đảnh lễ xong, Milarepa thuật lại tiểu sử của ngài:
“Hiện nay, ở Ấn Độ, những đại thành tựu giả hiện thực lừng danh nhất là Naropa và Maitripa.
Marpa là trưởng tử tâm linh vĩ đại của hai đại thành tựu giả Ấn Độ vĩ đại và lừng danh này. Và vị
đạo sư vĩ đại Marpa của chúng ta là cội nguồn và người nắm giữ tất cả những giáo huấn mà chúng ta
đang tu học thật kỹ càng. Các daka (không hành nam), dakini (không hành nữ) và các Hộ Pháp đã làm
cho danh tiếng của ngài lan truyền khắp muôn phương. Sau khi được biết danh tiếng lẫy lừng của ngài
Marpa, cho dù gặp khó khăn tới đâu chăng nữa, ta cũng quyết tâm tìm kiếm ngài. Khi gặp được Marpa,
ta chẳng có gì để cúng dường, nhưng ta đã cúng dường thân khẩu ý của mình. Để đáp lại lời khẩn cầu
chân thành của ta, Marpa đã ân cần thừa nhận rằng ngài có những phương pháp hữu hiệu để đạt được
giác ngộ trong một đời người ngắn ngủi, đó là những phương pháp mà đạo sư vĩ đại Naropa đã truyền
thụ cho ngài.”
“Ta trải qua vài năm ở đó, nhận lãnh các giáo huấn và hành trì sâu sắc từ vị đạo sư của ta, sống
một cuộc đời khiêm tốn, hoàn toàn tận tụy, có động lực thanh tịnh, đầy lòng can đảm và quyết tâm to
lớn để đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ta đã nhận được toàn bộ giáo huấn của
ngài Marpa. Đạo sư của ta đã thề rằng ngài chẳng còn điều gì khác để ban cho ta. Ta đã rót tràn đầy
chiếc bình tâm thức của ta bằng toàn bộ nước cam lồ giáo huấn của Marpa, vị bổn sư của ta.”
“Đây là điều ngài Marpa nói với ta, đó là lời khuyên vô cùng quan trọng: ‘Bây giờ là thời ngũ
trược, và đặc biệt là vào thời gian này, thọ mạng của con người đang suy giảm. Nó đang trên đà suy
giảm chứ không tăng trưởng. Đừng khao khát kiến thức về mọi sự. Hãy nỗ lực thấu suốt tinh túy của
việc tu tập Pháp và cố gắng hoàn thiện tinh túy ấy. Chỉ có cách này, con mới có thể đạt được giác
ngộ trong một đời người ngắn ngủi. Đừng cố gắng tinh thông mọi lãnh vực.’”
“Với quyết tâm phi thường, theo đúng những lời dạy của bổn sư Marpa của ta, và với sự hoàn toàn
thấu suốt về lẽ vô thường, sau khi đóng yên cương năng lực của lòng nhẫn nại, ta đã thành tựu và
kinh nghiệm nhiều nội quán lợi lạc từ những giáo huấn này. Ta đã có một chứng ngộ rõ ràng về Tam
Thân (Three Kayas), các thân của chư Phật: một sự hoàn toàn xác quyết và chứng ngộ Tam Thân bằng
kinh nghiệm, thực hành và thiền định của ta. Ta có niềm tin trong việc thành tựu Tam Thân này.
Giống như ta đã phát triển những nội quán và kinh nghiệm này từ sự tu tập của mình, ta sẵn sàng ban
cho con tất cả những giáo huấn mà ta đã thọ nhận từ bổn sư Marpa nhân từ của ta. Con cũng đừng xem
những giáo huấn này như một lý thuyết, như sự hiểu biết đơn thuần trí thức về giáo pháp. Con phải
phát triển kinh nghiệm thực sự về chúng như ta đã làm.”
Rồi Milarepa nói với Gampopa rằng: “Hãy lấy lại món cúng dường vàng cát của con, bởi một lão già
như ta không sử dụng vàng. Và hãy lấy lại trà mà con đã cúng dường – một lão già như ta không có
bình trà và bếp để nấu trà. Ta không sử dụng vàng hay trà; hãy lấy lại toàn bộ vật cúng dường của
con. Nếu con tự thấy mình đã sẵn sàng để giao phó hết bản thân cho ta, sống với sự dẫn dắt và giáo
huấn của ta, thì con phải sống như ta. Con phải sống một cuộc đời giản dị và noi theo cách sống và
cách tu tập của ta.”
Gampopa trả lời: “Nếu Thầy không nhận trà của con vì Thầy không có bình trà và không có bếp thì
con sẽ tới nơi nào đó để pha trà.” Rồi Gampopa tới một căn nhà gần đó, pha trà và trở lại với bổn
sư cùng món cúng dường của mình. Milarepa rất hài lòng. Ngài gọi những đệ tử khác và cùng với họ
thưởng thức món trà thơm ngon mà Gampopa đã chuẩn bị.
Milarepa hỏi về những giáo huấn và hành trì mà Gampopa đã thọ nhận. Gampopa miêu tả đầy đủ về
tất cả những vị thầy và giáo huấn mà ngài đã có, cùng những pháp thiền mà ngài đã hành trì.
Milarepa nhận xét rằng tất cả những giáo huấn này đều là những giáo huấn tuyệt hảo, và Gampopa đã
có toàn bộ nền tảng cho giáo huấn Tummo (
gtum-mo), nội hỏa, một phương tiện thiện xảo để chứng ngộ chân tánh của thực tại là Không
tướng.
Milarepa tiếp tục: “Mặc dù tất cả các lễ quán đảnh, giáo huấn và lực gia trì mà con đã nhận lãnh
từ những đạo sư trước đây của con hoàn toàn có thể chấp nhận được trong truyền thống của ta, ta
phải ban cho con một lễ điểm đạo khác, chỉ để bảo đảm rằng tất cả những lễ điểm đạo mà con đã thọ
nhận sẽ không mất đi hiệu lực vì hoàn cảnh sống của con. Ta sẽ ban lễ điểm đạo hành trì của
Vajrayogini cho con." Sau lễ quán đảnh, Milarepa ban cho ngài tất cả giáo huấn trong một khoảng
thời gian ngắn. Gampopa lập tức đắm mình trong việc tu tập và nhanh chóng phát triển những kinh
nghiệm và nội quán của những giáo huấn này. Các nội quán của ngài tiến triển mỗi ngày, như một chồi
non vươn lên từ mặt đất. Ngài hết sức hài lòng và vô cùng sung sướng với sự tiến bộ của mình.
Gampopa hành thiền về Tummo và mỗi ngày, đều có một kinh nghiệm mới mẻ. Một đêm mùa đông cực kỳ
giá lạnh, ngài đã hành thiền hoàn toàn trần trụi trong một hang động để khảo nghiệm về nội hỏa mà
ngài đã phát triển. Ngài thấy ấm áp suốt đêm, nhưng vào buổi sáng, khi ngưng thực hành Tummo, ngài
cảm thấy vô cùng lạnh giá. Ngài đã thực hành pháp thiền này trong một tuần và đến cuối tuần, ngài
có các linh kiến về năm vị Phật Thiền Định (Dhyani Buddhas). Khi ngài đi gặp sư phụ để thuật lại
tất cả những kinh nghiệm và linh kiến của mình, Milarepa nói: “Điều này không tốt mà cũng không
xấu. Hãy nỗ lực hơn nữa để chứng đắc nó. Đừng bị lôi cuốn vì những linh kiến như thế, hãy hoàn
thiện năng lực của nội hỏa.”
Gampopa thiền định mãnh liệt trong ba tháng, và vào cuối thời gian này, ngài cảm thấy toàn thể
vũ trụ đang quay tròn như một bánh xe khổng lồ. Sau khi cảm nhận điều này trong một thời gian dài,
ngài tới gặp Milarepa để xin lời chỉ dạy. Bổn sư của ngài trả lời: “Điều này không tốt mà cũng
không xấu. Đó là một dấu hiệu cho thấy các tư tưởng và năng lượng khác nhau đi vào những kinh mạch
của năng lượng vi tế khác nhau và hiện giờ, chúng đang đi vào kinh mạch trung ương. Con phải nỗ lực
hơn và thiền định thêm nữa.”
Sau khi tu tập thêm nữa, ngài có một linh kiến Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) thấm nhập qua
đỉnh đầu và hòa tan, hợp nhất với ngài. Khi ngài hỏi Milarepa về điều này, vị đạo sư nói: “Điều này
không tốt mà cũng không xấu. Đó là một dấu hiệu cho thấy luân xa đỉnh đầu của con đang khai
mở."
Khi hành thiền, Gampopa trải qua một loạt những biến đổi vật lý bên trong. Ngài cảm thấy một
luồng khí mạnh mẽ và một luồng hơi nóng đi lên và đi xuống dọc theo xương sống. Khi ngài thuật lại
điều này cho Milarepa, vị thầy đáp: “Điều này không tốt mà cũng không xấu. Đó là một dấu hiệu cho
thấy các kinh mạch của năng lượng vi tế đang nối kết với nhau trong thân thể. Khi con kiểm soát
được những kinh mạch vi tế này và chúng nối kết với nhau thì con sẽ trải qua những cảm giác này.
Bây giờ con phải trở về và hãy hành thiền thêm nữa.”
Vào lúc khác, ngài có một linh kiến đầy đủ về tất cả những trạng thái khác nhau của các thần
thánh, chư Thiên. Ngài có một linh kiến thanh tịnh về chư Thiên cao cấp hơn đang rưới cam lồ trắng
lên các chư Thiên thuộc các tầng trời thấp hơn và điểm đạo cho họ. Milarepa giải thích rằng: “Điều
này không tốt mà cũng không xấu. Đó là một dấu hiệu cho thấy sự khai mở của luân xa cổ họng. Các
nguồn gốc và vị trí khác nhau của cực lạc hiện đang phát triển tại mỗi vị trí này trong thân thể
con.”
Vào thời điểm này, Milarepa ban cho Gampopa nhiều bài tập du già để thực hành, các thủ ấn và
động tác của thân thể nhằm khai mở những trung tâm năng lượng vi tế khác trong thân. Ngài bảo
Gampopa: “Đừng bị những điều này lôi cuốn thái quá. Hãy coi chúng như những dấu hiệu của sự tiến bộ
của con, nhưng đừng bị phân tâm vì chúng. Thay vì vậy, hãy tiếp tục và hoàn thiện những hành trì
này.”
Ở cấp độ thiền định này, điều tối quan trọng là đệ tử phải sống gần gũi với vị bổn sư, bởi vì
người đệ tử phải nhận được sự hướng dẫn thật đặc biệt. Nếu đệ tử sống quá xa vị bổn sư thì ngài
không thể ban cho đệ tử sự hướng dẫn cá nhân kịp thời rất trọng yếu cho sự tiến bộ của đệ tử. Và
nếu bản thân vị bổn sư không có kinh nghiệm cá nhân về những điều đệ tử của mình đang trải qua thì
đây quả là một vấn đề lớn. Tất cả những tiến bộ của đệ tử sẽ ngưng lại vào lúc đó. Vì thế, điều
thiết yếu là phải có một vị bổn sư có sự chứng ngộ và trải nghiệm tột đỉnh, và hàng ngày, người đệ
tử phải nhận được sự hướng dẫn cho mỗi bước trong kinh nghiệm hành thiền.
Vào giai đoạn này, Gampopa đã có thể hoàn toàn sử dụng thiền định làm thực phẩm, chứ không cần
tới thực phẩm thông thường nữa. Một đêm, Gampopa mơ thấy một hiện tượng nguyệt thực và nhật thực.
Trong khoa chiêm tinh của Tây Tạng, người ta tin rằng khi một hiện tượng thiên thực xảy ra thì mặt
trời và mặt trăng bị một con quỷ ăn. Ngài cũng mơ thấy có hai loại chúng sinh ăn ngấu nghiến mặt
trời và mặt trăng: một loại bằng kích thước một sợi lông đuôi của một con ngựa, và loài kia có vẻ
là những mảnh nhỏ của các côn trùng. Khi Gampopa tìm đến Milarepa để xin lời chỉ dạy về giấc mơ,
Milarepa nói Gampopa đừng lo là mình có thể đi lầm đường, và điều đó không tốt mà cũng chẳng xấu.
Giấc mơ là một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trong việc thiền định của Gampopa. Điều đó có nghĩa là
hiện giờ, những khí vi tế từ hai kinh mạch phụ đang bắt đầu chảy vào kinh mạch trung ương.
Milarepa khuyến khích Gampopa tiếp tục hành trì, bởi ngài nhận ra đây là tất cả các dấu hiệu
thành tựu của đệ tử. Khi một hành giả có thể đưa hơi thở và các khí vi tế từ những kinh mạch phụ
vào kinh mạch trung ương thì người đó đã tiến bộ rất nhiều. Hệ thống năng lực vi tế trong tất cả
chúng sinh đều giống nhau. Thông thường, chúng sinh chủ yếu thở bằng kinh mạch bên phải và vì thế
có tâm luyến mạnh mẽ, hoặc chủ yếu họ thở bằng kinh mạch bên trái và kết quả là có rất nhiều sân
hận. Chúng ta hiếm khi nào phát triển những tư tưởng có tính chất xây dựng, là những gì bắt nguồn
từ kinh mạch trung ương, bởi kinh mạch này bị khóa bằng những nút thắt.
Khi các hành giả du già nhiều kinh nghiệm có thể thở bằng kinh mạch trung ương là họ đã tháo gỡ
những nút thắt. Họ có thể điều khiển hơi thở và những năng lực vi tế từ hai kinh mạch phụ đi vào
kinh mạch trung ương, do đó chỉ phát khởi những chủ ý tích cực.
Sau đó, khi Gampopa viếng thăm sư phụ, Milarepa có vẻ rất hài lòng. Nhưng tất cả những gì ngài
nói với Gampopa sau khi lắng nghe về mỗi nội quán hay kinh nghiệm mới mẻ là: “Và rồi sau đó (
de-nas), rồi sau đó, rồi sau đó,” có nghĩa là khi các kinh nghiệm diễn biến, Gampopa phải
đi tới kinh nghiệm kế tiếp cho tới khi đạt được giác ngộ. Milarepa không dám nói thẳng với Gampopa
về tiến bộ của ông, sợ rằng Gampopa có thể trở nên kiêu hãnh, điều đó sẽ ngăn trở Gampopa tiến bộ
hơn nữa trên đường tu.
Sau đó, Gampopa thiền định trong một hang động trong một tháng. Vào cuối kỳ nhập thất, ngài có
một linh kiến đầy đủ về Hevajra cùng với mạn đà la (mandala) và đoàn tùy tùng của Bổn Tôn Hevajra.
Ngay khi Gampopa thấy linh kiến này, ngài nghĩ rằng đây là điều mà Lama ám chỉ tới khi ngài nói, “
rồi sau đó, rồi sau đó, rồi sau đó.” Đây là những gì mà việc tu tập của ngài đã mang lại vào chung
cuộc. Nhưng tiếp theo linh kiến đó là những linh kiến khác về các mạn đà la và các bổn tôn khác.
Một hôm, ngài có một linh kiến về một thân tướng của Heruka bao gồm toàn bộ mạn đà la làm bằng
xương của vị Hộ Phật này. Milarepa cảnh báo Gampopa chớ nên xem đây là một thành tựu vĩ đại, rằng
điều này không tốt mà cũng không xấu. Nó chỉ là một dấu hiệu cho thấy luân xa rốn đang khai mở. Khi
luân xa rốn của bạn hoàn toàn khai mở, bạn sẽ thấy mọi thứ màu trắng, trắng như xương bị mặt trời
tẩy trắng, bởi vì năng lượng của bồ đề tâm màu trắng đã hoàn toàn phát triển.
Sau đó ngài có một kinh nghiệm mà không phải là một giấc mơ. Ngài cảm thấy mình trở nên to lớn,
một người khổng lồ. Ngài cảm thấy mọi loài chúng sinh từ những dạng tái sinh khác nhau đang bò trên
tứ chi, ngón chân và những bộ phận khác nhau trên thân ngài. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngài đã
phát triển một hệ thống năng lượng vi tế hoàn toàn thành tựu. Từ đầu cho đến giai đoạn đó, ngài chỉ
mới hành trì thiền định tổng quát về Tummo, thiền định nội hỏa. Giờ đây, ngài có thể thọ nhận những
chỉ giáo cao cấp nhất của pháp Tummo.
Các bản văn có ghi chép rằng bất kỳ khi nào Milarepa nghe Gampopa thuật lại những gia đoạn kinh
nghiệm khác nhau của mình, ngài luôn luôn nói: “Không tốt mà cũng chẳng xấu. Hãy thiền định thêm
nữa.” Ngài giảng giải đầy đủ cho đệ tử về ý nghĩa của những kinh nghiệm này, nhưng không bao giờ
khen ngợi Gampopa. Và sự việc cần phải như thế, đây là cách một vị bổn sư cần phải hướng dẫn đệ tử
của mình. Nếu vị bổn sư ngợi khen thái quá và ban cho quá nhiều lời khích lệ như ‘Điều này cực kỳ
quan trọng’ hay ‘Giờ đây con đã có một kinh nghiệm vĩ đại,’ người đệ tử sẽ cảm thấy phấn khởi, và
điều đó sẽ là một trở ngại to lớn. Anh ta sẽ không tiến bộ thêm nữa và sẽ bị dính mắc vào những
kinh nghiệm của mình và bị chúng khống chế.
Mặc dù tiểu sử của ngài chỉ được mô tả trên vài trang giấy, Gampopa đã phải thiền định tháng này
qua tháng khác. Việc phát triển những kinh nghiệm này không dễ dàng chút nào, mà phải mất bao nhiêu
năm trời trong thiền định thâm sâu. Ở giai đoạn này, Gampopa đã có ba mươi ba giấc mơ đặc biệt liên
tục, nhưng vì sẽ mất quá nhiều thì giờ để đề cập mỗi một giấc mơ, chỉ có giấc mơ cuối cùng sẽ được
thuật lại theo chi tiết.
Khi Milarepa bảo ba đệ tử chính của ngài là Gampopa, Rechungpa and Lingrepa (
Gling ras-pa) thuật lại những giấc mơ của họ. Lingrepa kể lại giấc mơ về một cảnh mặt trời
mọc. Ông nói với bổn sư rằng trong giấc mơ, ngay khi mặt trời mọc trên đỉnh núi, những tia sáng mặt
trời tập trung nơi tim ông và trái tim ông chuyển hóa thành ánh sáng vĩ đại. Rechungpa kể lại với
Milarepa là ông mơ thấy mình đi qua ba thị trấn phát ra âm thanh rất ồn ào.
Gampopa không chịu kể cho Milarepa nghe giấc mơ của mình. Ngài chỉ đảnh lễ, khóc và đặt đầu mình
trên gối Thầy. Ngài than rằng giấc mơ không đáng để kể lại. Nó quả là một giấc mơ khủng khiếp, điều
đó hẳn có nghĩa là ngài là một kẻ cực kỳ kinh khủng. Ngài sợ rằng điều đó có nghĩa là ngài sẽ gặp
rất nhiều chướng ngại và cầu xin Milarepa đừng bắt ngài thuật lại giấc mơ. Milarepa bảo Gampopa
rằng ngài biết một giấc mơ là tốt hay xấu, nên cứ kể lại giấc mơ cho ngài nghe.
Trong tất cả những giấc mơ này, giấc mơ của Lingrepa có vẻ tốt đẹp nhất, nên Lingrepa cho rằng
mình là người vĩ đại nhất trong ba đệ tử, bởi vì dường như giấc mơ của ông đầy những dấu hiệu cát
tường. Milarepa giải thích rằng đây là giấc mơ xấu nhất. Ngài nói nó ngụ ý rằng lòng bi mẫn của
Lingrepa rất nhỏ bé và sự lợi lạc mà ông mang lại cho chúng sinh sẽ hết sức giới hạn. Những tia
sáng mặt trời tập trung nơi trái tim ông có nghĩa là ông sẽ đi tới cõi Phật của Dakini Vajrayogini
trong đời này. Ngài giải thích rằng giấc mơ của Rechungpa cho thấy ông không thể đạt được giác ngộ
trong một đời. Rechungpa phải chờ đợi thêm ba đời nữa, vì ông đã ba lần thất hứa, không làm điều gì
đó cho Milarepa.
Đối với Gampopa, điều khiến cho giấc mơ giống như một cơn ác mộng là vì ngài thấy mình ở trên
một cánh đồng trống với rất nhiều thú vật và ngài đang đi vòng quanh chặt đầu những con vật ấy.
Gampopa ngạc nhiên khi Milarepa hài lòng với giấc mơ hiển nhiên là quá khủng khiếp này. Sau khi
Gampopa kể xong giấc mơ, Milarepa nói: “Đưa tay của con cho ta,” và ngài cầm tay Gampopa một cách
âu yếm. Ngài nói ngài rất tin tưởng Gampopa và ông đã đáp ứng được những kỳ vọng của ngài. Ngài nói
với các đệ tử rằng việc chặt đầu những con vật có nghĩa là Gampopa sẽ có thể giải thoát nhiều chúng
sinh khỏi sự trói buộc của luân hồi sinh tử.
Milarepa nói: “Giờ đây, việc làm lợi lạc chúng sinh, việc bảo tồn và truyền bá giáo pháp của ta
đã hoàn tất. Đã có người có thể thay thế ta.”
Gampopa đã đạt đến giai đoạn không còn thở như những chúng sinh bình thường nữa. Ngài chỉ hít
vào và thở ra một lần duy nhất trong ngày. Ngài đang kinh nghiệm một giòng nội quán và linh kiến
liên tục về chư Phật trong chân tướng của các ngài, kể cả Tám Đức Phật Dược Sư và Ba Mươi Lăm Đức
Phật Sám Hối.
Milarepa nói với các đệ tử rằng giờ đây Gampopa đã sẵn sàng để thọ nhận giáo huấn từ một Báo
thân – một trong những thân Phật trong dạng vi tế mà chỉ các bồ tát thánh nhân, những bậc có tri
giác vô niệm về Không tướng, mới có thể nhìn thấy. Chẳng bao lâu, Gampopa sẽ có thể kinh nghiệm
được Pháp thân – thân của một tâm toàn trí mà chỉ có những bậc giác ngộ mới đạt được.
Một hôm, Milarepa nói với Gampopa: “Ta già lắm rồi và ta muốn sống những ngày còn lại với con,
nhưng vì năng lực của một vài lời cầu nguyện trước đây, chúng ta phải xa nhau và con phải đi tới
miền Trung của tỉnh U (
dBus).”
Milarepa ban cho Gampopa nhiều lời khuyên dạy, đặc biệt cảnh cáo Gampopa về tánh tự phụ, bởi
Gampopa có rất nhiều thần thông. Ngài bảo Gampopa đừng bị choáng ngợp vì kiến thức về quá khứ và
tương lai, hay vì thần túc thông của mình; những điều này có thể trở thành những chướng ngại to lớn
cho Gampopa. Ngài đặc biệt khuyên Gampopa chớ tìm kiếm lỗi lầm của người ở bên trái hay bên phải,
nghĩa là Gampopa nên thận trọng, chớ tìm lỗi lầm của những người ở chung quanh mình. Ngài dạy
Gampopa rằng một người chẳng bao giờ biết được người khác thực sự ra sao, họ chỉ có thể tự xét đoán
mình. Gampopa sẽ không có cách nào phán đoán một cách chính xác về họ, dù cho hành động của họ là
tốt hay xấu.
Sau đó, Milarepa bảo Gampopa đi tới một nơi để thiết lập một tu viện. Ngài giải thích rằng
Gampopa sẽ tìm thấy tất cả các đệ tử của mình ở đó, tất cả những người mà Gampopa có duyên nghiệp
để phát triển Phật pháp. Ngài cảnh báo Gampopa chớ sống gần những người làm nô lệ cho tam độc,
tham, sân si, vì chúng sẽ khiến Gampopa bị nhiễm độc. Ngài cũng cảnh cáo Gampopa đừng sống gần
những người có quá nhiều thương và ghét. Ngài nói thêm rằng Gampopa nên tránh những người keo kiệt,
và giải thích rằng nếu ông sống lâu dài với họ, cuối cùng Gampopa sẽ tiết kiệm ngay cả những mảnh
gỗ nhỏ. Ngài khuyên Gampopa phải hết sức nhẫn nại và đừng bao giờ xem thường các vị lama của mình,
dù ông có thấy chính mình là bậc giác ngộ chăng nữa. Gampopa phải sống trong sạch, giản dị và hòa
nhã với tất cả mọi người. Cuối cùng, Milarepa bảo Gampopa hãy gia tăng mãnh lực thành tựu của mình
bằng cách tiếp tục thiền định và tu tập cho tới khi đạt được mục tiêu tối hậu là giác ngộ.
Milarepa đưa tiễn Gampopa giống như cách bổn sư Marpa của ngài đã làm. Ngài chuẩn bị nhiều thứ
cùng với lương thực và cùng với hai đệ tử khác, đi cùng với Gampopa một quãng xa. Trước khi cáo
biệt bổn sư, Gampopa tụng nhiều bài kệ tán thán, thừa nhận rằng ông đã rất may mắn gặp được
Milarepa trong đời này. Gampopa hát một bài ca về việc ngài chỉ có một khát khao duy nhất là được
gặp Milarepa và ngài rất biết ơn vì không chỉ được tu học theo truyền thống của Milarepa, ngài còn
có thiện nghiệp để kết hợp sự hiểu biết này với những giáo huấn mà ngài đã thọ nhận từ những đạo sư
Kadam. Gampopa cảm thấy yên tâm là ngài đã tận dụng tối đa kiếp người quý báu của mình.
Họ đi tới một chiếc cầu và Milarepa nói: “Bây giờ thì con đi một mình. Hãy từ biệt ta. Vì những
lý do cát tường, ta sẽ không qua cầu.” Rồi ngài ban phước để Gampopa đi qua cầu. Khi Gampopa đã qua
cầu, ngài gọi ông trở lại: “Trở lại đây một lần nữa, ta có một giáo huấn rất đặc biệt để ban cho
con. Nếu ta không cho con lời khuyên này thì ta sẽ ban cho ai?”
Gampopa hỏi: “Con có cần cúng dường một mạn đà la cho thầy để có được giáo lý và lời khuyên đặc
biệt này không?” Milarepa nói không cần có một vật cúng dường. Ngài cảnh báo Gampopa chớ làm uổng
phí lời khuyên dạy này, mà hãy giữ nó trong tận đáy lòng. Rồi Milarepa quay lưng lại với Gampopa,
kéo chiếc y lên để cho Gampopa thấy mông đít trần trụi của ngài. Gampopa nhìn thấy mông đít của
thầy hoàn toàn chai sần, giống như miếng da đã chai cứng.
Milarepa nói: “Đối với việc hành trì thì không có gì vĩ đại hơn thiền định, miễn là con biết
phải thiền định về điều gì và cách thức thiền định về nó. Ta, kẻ đã có được kiến thức và sự hiểu
biết về nhiều phương pháp hành thiền khác nhau, đã thiền định cho tới khi mông ta chai cứng như
miếng da. Con cần phải thực hành như thế. Đây là giáo lý cuối cùng của con.”
Rồi ngài nói rằng đã tới lúc Gampopa phải ra đi. Người đệ tử từ giã thầy và đi tới miền Nam
Lhasa. Ở đó, Gampopa thiết lập tu viện của mình theo lời tiên tri của Milarepa.
Bảo Châu Trang Nghiêm của Giải Thoát là kết quả của những kinh nghiệm mà Gampopa đã phát
triển từ những giáo huấn và thiền định của các đạo sư Kadampa và truyền thống của Milarepa. Khi
sáng tác bản văn này, ngài là một bậc chứng ngộ theo cả hai truyền thống, và đã kết hợp trí tuệ của
cả hai trường phái trong bản văn này.
Theo truyền thống của các luận văn thì một tiểu sử vắn tắt của vị đạo sư đã sáng tác quyển sách
luôn luôn được trình bày, để những lời giảng dạy của tác giả có thể mang lại hiệu quả to lớn hơn
cho các đệ tử. Nếu bạn chỉ đọc một quyển sách hay chỉ nghiên cứu điều gì đó mà không hiểu biết về
tác giả, thì việc này sẽ không có ý nghĩa bằng. Tôi đang noi theo truyền thống này.
Thật ra, không có gì khác biệt giữa chúng ta với Gampopa và Milarepa. Lúc ban đầu, Milarepa là
một người bình thường, có đầy mãnh lực tiêu cực từ tất cả những ác nghiệp của ngài. Nhưng ngài đã
cật lực tu hành để loại trừ các phiền não và ảo tưởng, dần dần phát triển các kinh nghiệm và nội
quán. Gampopa cũng thế, ngài đã phải tu tập rất khó nhọc để đạt được những thành tựu tâm linh. Khi
bắt đầu tu tập, các ngài không là những bậc giác ngộ vĩ đại, và việc thiền định và phát triển trí
tuệ cùng những thành tựu không phải là điều dễ dàng đối với các ngài. Trong trường hợp của
Milarepa, thậm chí ngài còn tệ hơn hầu hết chúng ta, điều đó chứng minh rằng ta luôn luôn có khả
năng thành tựu nếu ta sẵn sàng chăm chỉ tu hành. Khi ta phát triển được lòng nhẫn nại và can đảm
của các đạo sư vĩ đại, thì bản thân ta có thể giống như Milarepa và Gampopa.
Bảo Châu Trang Nghiêm của Giải Thoát là một tác phẩm của một đạo sư vĩ đại như thế, là
người vì lợi lạc của chúng ta, đã hợp nhất hai dòng truyền thống Kadampa và Đại Thủ Ấn thành một
con đường rõ rệt.