Giáo Pháp Trong Đời Sống Hàng Ngày

Alexander Berzin
Morelia, Mễ Tây Cơ, tháng Sáu, 2000
Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đính

Pháp là Biện Pháp Ngăn Ngừa

Tôi đã được yêu cầu nói về việc thực hành Pháp trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cần biết thế nào là Pháp. Pháp là một từ ngữ tiếng Phạn, có nghĩa đen là “biện pháp ngăn ngừa.” Nó là điều mà ta thực hiện để tránh những rắc rối. Để có hứng thú trong việc thực hành Pháp, ta cần thấy rằng có những vấn đề tồn tại trong cuộc sống. Việc này thật sự đòi hỏi nhiều can đảm. Nhiều người không xem xét bản thân và cuộc đời họ một cách nghiêm túc. Họ làm việc vất vả suốt ngày dài và sau đó vì mệt mỏi, họ phân tâm trong các trò giải trí hay những thứ tương tự vào buổi tối. Họ không thật sự nhìn vào bên trong để xem xét các vấn đề trong cuộc sống. Thậm chí, nếu như có xem xét vấn đề, họ thật sự không muốn thừa nhận rằng cuộc sống này bất toại nguyện, vì điều đó quá đau buồn. Ta cần có can cảm để thật sự kiểm tra chất lượng đời sống của mình, và thừa nhận một cách trung thực, khi nhận ra rằng đời sống này bất toại nguyện.

Hoàn Cảnh Bất Toại Nguyện và Nguyên Nhân

Tất nhiên, có nhiều mức độ bất toại nguyện. Chúng ta có thể nói, “Đôi khi, tâm trạng của tôi không tốt, và đôi khi mọi việc diễn tiến tốt đẹp, nhưng không sao hết. Đời là vậy.” Nếu chúng ta thỏa mãn với điều này thì tốt thôi. Nếu ta hy vọng có thể làm cho sự việc khả quan hơn một chút, điều này sẽ thúc đẩy ta tìm cách thực hiện ước vọng ấy. Để tìm ra phương cách cải thiện chất lượng đời sống, chúng ta cần phải xác định nguồn gốc của các vấn đề của mình. Hầu hết mọi người tìm kiếm nguồn gốc vấn đề của họ ở bên ngoài. “Tôi có khó khăn với anh là tại vì anh! Anh không cư xử theo ý tôi muốn.” Ta có thể đỗ lỗi cho tình hình kinh tế hay chính trị đã gây ra những khó khăn của mình. Theo một số trường phái tâm lý học, ta có thể xem những sự kiện gây tổn thương tâm lý trong thời thơ ấu của mình là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề của bản thân. Bắt người khác chịu trách nhiệm về nỗi bất hạnh của mình thì rất dễ dàng. Đổ lỗi cho người khác, cho xã hội hay yếu tố kinh tế thật sự không dẫn tới một giải pháp nào cả. Nếu theo khuôn khổ khái niệm này, ta có thể trở nên khoan dung và điều này có thể mang đến lợi ích, nhưng hầu hết mọi người nhận ra rằng nếu chỉ hành động như thế thì những vấn đề tâm lý và bất hạnh của họ chưa được xoa dịu.
Đạo Phật cho rằng mặc dù người khác, xã hội, v.v... góp phần gây ra vấn đề của chúng ta, các yếu tố này không phải là nguồn gốc sâu xa nhất của vấn đề. Ta cần phải nhìn vào bên trong để tìm ra nguồn gốc sâu xa nhất, tạo ra khó khăn cho mình. Sau cùng, nếu cảm thấy bất hạnh thì đó là phản ứng của ta đối với hoàn cảnh. Con người có phản ứng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Thậm chí, nếu chỉ xem xét bản thân, ta sẽ thấy rằng phản ứng hàng ngày của ta đối với những khó khăn cũng khác nhau. Nếu nguồn gốc của vấn đề chỉ là ngoại cảnh thì lúc nào ta cũng phải phản ứng như nhau, nhưng không phải vậy. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách ta phản ứng, ví dụ như khi đang có một ngày làm việc suôn sẻ, nhưng những điều này chỉ là yếu tố nông cạn. Chúng không có đủ chiều sâu ảnh hưởng.
Nếu chịu quan sát, ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng thái độ của mình đối với cuộc đời, đối với bản thân và hoàn cảnh đóng góp rất nhiều vào cảm xúc của ta. Ví dụ như không phải lúc nào ta cũng thấy tủi thân, như khi ta đang có một ngày tốt lành; nhưng khi không có một ngày tốt đẹp, cảm giác tủi thân sẽ quay trở lại. Thái độ căn bản của chúng ta đối với cuộc đời có ảnh hưởng lớn đối với cách ta trải nghiệm cuộc đời. Nếu xem xét vấn đề sâu xa hơn nữa, ta sẽ thấy rằng thái độ của mình dựa trên sự vô minh.

Vô Minh là Nguồn Gốc của Mọi Vấn Đề

Nếu tìm hiểu về vô minh, ta sẽ thấy rằng một khía cạnh của nó chính là sự lầm lạc về hành vi nhân quả. Chúng ta không biết nên làm gì hay nói gì, và hệ quả gì sẽ xảy ra. Ta có thể rất bối rối về việc sẽ chọn công việc nào, có lập gia đình hay không, nên sinh con hay không, v.v… Nếu ta kết hôn với một người nào đó, kết quả sẽ như thế nào? Chúng ta không biết. Ý tưởng về kết quả của sự lựa chọn của mình thật ra chỉ là sự tưởng tượng. Ta có thể nghĩ rằng nếu ta có quan hệ sâu đậm với một người nào đó, ta sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau, như một chuyện thần tiên. Nếu cảm thấy khó chịu trong một tình huống, ta nghĩ rằng nếu mình la hét thì sẽ giúp cho tình hình khả quan hơn. Ta có một ý tưởng rất lầm lạc về cách người kia sẽ phản ứng đối với hành động của mình. Ta nghĩ rằng nếu ta la hét và nói lên những cảm nghĩ của mình, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và mọi chuyển sẽ ổn thỏa, nhưng mọi chuyện sẽ không ổn thỏa. Ta muốn biết điều gì sẽ xảy đến. Trong tuyệt vọng, ta đi xem chiêm tinh hay gieo quẻ theo Quyển Sách về Những Sự Thay Đổi (The Book of Changes), hay I Ching. Tại sao ta lại làm như vậy? Bởi vì ta muốn kiểm soát những gì sẽ xảy ra.
Đạo Phật nói rằng mức độ sâu hơn của vô minh là sự lầm lạc về cách ta và người khác tồn tại ra sao, thế giới tồn tại như thế nào. Chúng ta hoàn toàn lầm lạc về vấn đề kiểm soát sự việc. Ta nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát những gì xảy ra với mình. Chính vì vậy mà ta thất vọng. Ta không thể luôn luôn kiểm soát được tình hình. Điều đó không thực tế. Thực tế rất phức tạp. Có nhiều yếu tố quyết định điều gì sẽ xảy ra, không chỉ riêng hành động của ta. Điều này không có nghĩa là ta hoàn toàn mất kiểm soát hay bị thế lực bên ngoài chi phối. Chúng ta có góp phần quyết định việc gì sẽ xảy đến, nhưng ta không phải là yếu tố duy nhất quyết định điều gì sẽ diễn ra.
Vì vô minh và bất an, chúng ta thường hành động một cách tiêu cực mà thậm chí không biết rằng đó là hành vi tiêu cực. Đó là vì ảnh hưởng của những cảm xúc, thái độ phiền não và xung động thôi thúc, xuất phát từ thói quen của mình. Ta không chỉ có hành động tiêu cực đối với người khác, mà còn cho bản thân mình. Nói cách khác, ta tự tạo thêm nhiều vấn đề cho bản thân mình. Nếu muốn giảm thiểu vấn đề, hay thoát khỏi rắc rối, hoặc xa hơn nữa là có khả năng giúp người khác giải quyết vấn đề của họ, ta cần phải thừa nhận nguồn gốc của những giới hạn của mình.

Thoát Khỏi Vô Minh

Giả sử ta có thể nhận diện được nguồn gốc vấn đề của mình là vô minh. Việc này không quá khó. Nhiều người tới mức phải thốt lên, “Tôi thật sự rất bối rối. Tôi cảm thấy quá rối rắm.” Rồi gì nữa? Trước khi tham gia và trả tiền cho khóa học này hay khóa tu nọ, ta nên xem xét một cách rất nghiêm túc rằng ta đã thật sự tin chắc là mình có thể thoát khỏi vô minh hay không. Nếu như ta không nghĩ điều này khả dĩ, thì cố gắng làm gì? Nếu ta chỉ tham gia khóa tu học với hy vọng may ra có thể thoát khỏi vô minh thì ý tưởng này không thật bền vững. Đó là sự mơ tưởng.
Ta có thể nghĩ rằng mình sẽ có tự do bằng vài cách. Ta có thể nghĩ rằng ai đó sẽ cứu độ ta. Đó có thể là một nhân vật siêu phàm, cao cả hơn ta, như Thượng Đế chẳng hạn, nhờ vậy mà ta có được đức tin một lần nữa. Theo cách khác, ta có thể trông chờ một vị thầy tâm linh, một người bạn đời hay người nào khác giúp ta thoát khỏi vô minh. Ta rất dễ phụ thuộc vào người khác và hành động thiếu chín chắn trong những tình huống này. Ta thường quá tuyệt vọng, mong tìm ra một ai đó có thể cứu độ mình, đến nỗi ta nương tựa vào người khác mà không có sự chọn lựa chín chắn. Ta có thể chọn phải một người mà bản thân họ chưa thoát khỏi vô minh, hoặc một người nào đó, vì cảm xúc và thái độ phiền não của riêng mình mà lợi dụng lòng tin ngây thơ của ta. Đây không phải là cách hành xử ổn thỏa. Ta không thể mong đợi một vị thầy tâm linh hay một mối quan hệ nào giúp ta xóa sạch tất cả vô minh. Ta phải tự xóa sạch vô minh của mình.
Mối quan hệ với một vị thầy tâm linh hay người bạn đời có thể mang đến hoàn cảnh thuận lợi, chỉ khi nào đó là một mối quan hệ lành mạnh. Nếu nó không lành mạnh, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nó sẽ dẫn tới nhiều sự mê mờ hơn nữa. Ban đầu, ta có thể chìm sâu trong tâm trạng phủ nhận, cho rằng vị thầy là hoàn hảo, người bạn đời là hoàn hảo, nhưng cuối cùng, sự ngây thơ của ta tan biến đi. Khi bắt đầu nhìn thấy khuyết điểm của người kia và nhận ra rằng họ không thể cứu vớt ta ra khỏi mọi sự vô minh của mình, ta sẽ bị suy sụp tinh thần. Ta sẽ cảm thấy mình bị lừa dối. Đức tin và lòng tín nhiệm của ta đã bị lừa gạt. Đó là một cảm giác khủng khiếp! Điều rất quan trọng là nên cố tránh tình huống này ngay từ ban đầu. Ta cần phải thực hành Pháp, đó là biện pháp phòng ngừa. Ta cần thấu hiểu điều gì khả dĩ và điều gì bất khả dĩ. Một vị thầy tâm linh có thể làm gì và không thể làm gì? Chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp ngăn ngừa để tránh sự suy sụp tinh thần.
Ta cần phải phát triển một tâm thái vắng bóng vô minh. Sự thông hiểu, yếu tố đối lập với vô minh, sẽ ngăn chận, không cho vô minh phát khởi. Công việc của chúng ta trong khi thực hành Pháp là quán sát nội tâm và chú tâm vào thái độ của mình, vào những phiền não, hành vi bốc đồng, thúc bách hay loạn trí. Điều này có nghĩa là sẵn sàng nhìn nhận những điều không thật tốt đẹp trong bản thân mình, thay vì phủ nhận chúng. Khi nhận ra những điều gây rắc rối cho mình, hoặc những gì là dấu hiệu của rắc rối, ta nên áp dụng các biện pháp đối trị để khắc phục chúng. Tất cả những điều này dựa trên việc tu học và hành thiền. Ta phải học cách nhận diện những cảm xúc, thái độ phiền não và nguồn gốc của chúng.

Thiền

Thiền có nghĩa là tập áp dụng các biện pháp đối trị khác nhau trong một bối cảnh có sự kiểm soát, để ta quen dần với cách áp dụng chúng, và sau đó, thực hiện chúng trong đời sống thật. Ví dụ, nếu ta nổi giận với người khác khi họ không hành động như ta muốn, trong khi hành thiền, ta sẽ nghĩ về tình huống này và cố xem xét chúng dưới nhiều góc độ khác nhau. Người kia hành động trái ý ta bởi nhiều lý do. Chỉ vì họ không thương yêu ta, không nhất thiết là họ đã hành động bằng lòng thù hận. Trong thời thiền, ta cố làm tan rã thái độ này: “Bạn tôi không thương tôi nữa, vì hắn không gọi điện thoại cho tôi.”
Nếu ta có thể tập trải qua tình huống này với một tâm trạng thư giãn hơn, hiểu biết và kiên nhẫn hơn, rồi nếu người bạn không gọi điện thoại trong suốt một tuần thì ta cũng không quá buồn. Khi bắt đầu thấy buồn, ta sẽ nhớ rằng người bạn này có lẽ rất bận rộn và nếu ta cho rằng mình là người quan trọng nhất trong đời họ thì thật là ích kỷ. Điều này sẽ giúp ta nguôi ngoai nỗi buồn phiền.

Pháp Là một Công Việc Toàn Thời

Thực hành Pháp không phải là một sở thích. Đó không phải là điều chúng ta làm như một môn thể thao hay để thư giãn. Ta sẽ không đến trung tâm Phật giáo chỉ để làm thành viên của một nhóm nào đó, hay để có được không khí xã hội. Có lẽ nếu ta đến đó thì tốt lắm, nhưng đó không phải là mục đích của mình. Hơn nữa, ta không đến trung tâm Phật giáo theo kiểu một người nghiện đi tìm sự thỏa mãn – thỏa mãn về cảm hứng từ một vị thầy lôi cuốn và thú vị, khiến ta cảm thấy thoải mái. Nếu làm như vậy, ta sẽ mau chóng cảm thấy chán chường khi về nhà, rồi ta lại cần một sự thỏa mãn khác. Pháp không phải là thuốc phiện. Vị thầy không phải thuốc phiện. Thực hành Pháp là một công việc toàn thời. Ta đang nói về vấn đề chuyển hóa thái độ của mình đối với mọi việc trong cuộc sống. Ví dụ, nếu đang thực hành việc phát triển tình thương đối với tất cả chúng sinh hữu tình, ta cần phải ứng dụng nó trong gia đình mình. Nhiều người ngồi trong phòng để thiền quán về tình thương, nhưng lại không thể hòa hợp với cha mẹ hay người bạn đời của họ. Điều này thật đáng buồn.

Tránh Các Cực Đoan

Ta cần phải tránh những cực đoan trong khi cố áp dụng Pháp vào những hoàn cảnh thực tế ở nhà hay công sở. Một cực đoan là đổ lỗi hoàn toàn cho người khác, còn cực đoan kia là trút mọi tội lỗi lên bản thân mình. Những gì xảy ra trong cuộc sống rất phức tạp. Cả hai bên đều góp phần trong đó: những người khác đóng góp một phần; chúng ta cũng vậy. Ta có thể cố gắng khiến người khác thay đổi hành vi và thái độ của họ, nhưng tôi chắc rằng với kinh nghiệm bản thân, chúng ta đều biết điều này không mấy dễ dàng – nhất là nếu ta nhập cuộc bằng cách cho là mình đúng, mình thánh thiện và buộc tội cho người khác. Thay đổi bản thân mình thì dễ dàng hơn nhiều. Mặc dù ta có thể khuyên răn người khác nếu họ chấp nhận và không trở nên hung hăng hơn khi nghe lời khuyên của ta, công việc chính vẫn là nơi bản thân mình.
Trong khi làm việc với bản thân, ta phải quan sát một cặp cực đoan khác nữa: đó là hoàn toàn bận tâm với cảm xúc của mình và không nhận thức được chúng. Cực đoan đầu tiên là thái độ ngã ái. Ta chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân và có khuynh hướng thờ ơ với cảm xúc của người khác. Ta có khuynh hướng nghĩ rằng cảm xúc của mình quan trọng hơn nhiều, so với cảm xúc của người khác. Mặt khác, ta có thể hoàn toàn không nhận thức được cảm xúc của mình, hoặc hoàn toàn không cảm nhận được gì, như thể cảm xúc của ta đã bị tê liệt vì thuốc gây tê. Việc lánh xa những cực đoan này đòi hỏi sự quân bình khéo léo. Điều này không mấy dễ dàng.
Nếu ta luôn quan sát bản thân mình, điều đó tạo ra một ảo tưởng nhị nguyên – bản thân ta và những gì ta đang hành động hay cảm nhận – do đó, ta không thật sự liên hệ với một người nào, hay hiện diện với một ai. Nghệ thuật thật sự là ở chỗ hành động và liên hệ với người khác một cách tự nhiên, chân thật, trong khi một phần tâm ý của ta hướng vào động cơ của mình, v.v... Tuy nhiên, ta nên cố gắng làm việc này mà không hành động một cách đứt đoạn vì không hiện diện với người kia. Tôi cũng nên nêu ra rằng khi chúng ta xem xét động cơ và cảm xúc của mình trong quá trình liên hệ với người khác, đôi khi chia sẻ với người kia cũng có ích. Tuy nhiên, nếu như ta nghĩ rằng mình phải nói ra thì quá ích kỷ. Thường thì người khác không để tâm đến cảm xúc của ta. Nếu cho rằng họ muốn biết cảm xúc của ta ra sao thì đó là việc quan trọng hóa bản thân mình. Khi nhận ra mình bắt đầu hành động một cách ích kỷ, ta chỉ việc dừng lại mà không cần phải nói ra.
Một cặp cực đoan khác là cho rằng mình hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt. Nếu quá chú tâm vào những khó khăn, vấn đề và phiền não của mình, ta có thể bắt đầu cảm thấy rằng mình là một người xấu. Điều này rất dễ thoái hóa thành mặc cảm tội lỗi. “Tôi nên thực hành Pháp. Nếu không, tôi sẽ là một người xấu.” Trên cơ bản, đây là cách tu tập rất điên rồ.
Ta cũng cần tránh cực đoan kia, tức là quá chú trọng vào mặt tích cực. “Chúng ta đều hoàn hảo. Chỉ cần thấy Phật tánh của bạn thôi. Mọi sự thật tuyệt vời.” Điều này rất nguy hiểm, vì nó ngụ ý rằng ta chẳng cần buông bỏ điều gì cả, ta không cần phải chấm dứt bất cứ sự tiêu cực nào, bởi vì tất cả những gì ta cần phải làm là thấy được Phật tánh của mình. “Tôi thật tuyệt vời. Tôi hoàn hảo. Tôi không cần chấm dứt hành vi tiêu cực của mình.” Chúng ta cần có một sự quân bình. Nếu cảm thấy mình quá thấp kém, nên nhắc nhở bản thân về Phật tánh của mình. Nếu cảm thấy hơi lãnh đạm, nên chú tâm vào mặt tiêu cực của mình.

Nhận Lãnh Trách Nhiệm

Về cơ bản, đối với việc phát triển bản thân và loại bỏ vấn đề, ta phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Tất nhiên, ta cần có sự hỗ trợ. Không dễ gì tự mình thực hiện việc này. Ta có thể nhận sự giúp đỡ từ những vị thầy tâm linh hay tăng thân của mình, đó là những người có cùng chí hướng, đang cải thiện bản thân và không đổ lỗi cho kẻ khác về những vấn đề của họ. Đó là lý do vì sao trong một mối quan hệ, điều quan trọng là có cùng chung một thái độ, cụ thể là không đổ lỗi cho người kia về bất cứ vấn đề nào có thể xảy ra. Nếu cả hai người đều đổ lỗi cho nhau thì sẽ không xong. Nếu chỉ có một người tự cải thiện bản thân, còn người kia chỉ đổ lỗi cho đối phương thì cũng không được. Nếu ở trong một mối quan hệ mà người kia luôn buộc tội ta, trong khi ta đang tìm hiểu xem mình đã đóng góp những gì trong vấn đề này, không có nghĩa là hai người phải chia tay, nhưng trường hợp này khó khăn hơn. Ta phải tránh tình trạng làm người chịu sự hành hạ trong mối quan hệ này. “Tôi đang chịu đựng tất cả những việc này. Thật là khó khăn.” Mọi việc có thể rất căng thẳng.

Đón Nhận Nguồn Cảm Hứng

Đôi khi, hình thức hỗ trợ mà ta có thể nhận được từ vị thầy tâm linh, từ tăng thân hay bạn bè được gọi là “nguồn cảm hứng.” Giáo lý của Đức Phật đặt nặng trọng tâm vào việc đón nhận nguồn cảm hứng từ Tam Bảo, từ đạo sư, v.v… Từ ngữ Tây Tạng là "jinlab” (byin-rlabs), thường được dịch là “lực gia trì,” vốn là một cách phiên dịch không phù hợp. Chúng ta cần có nguồn cảm hứng. Chúng ta cần một loại sức mạnh nào đó để tiếp tục tu hành.
Đường tu theo Phật pháp không phải là một con đường dễ dàng. Nó đương đầu với những điều tệ hại của cuộc sống. Chúng ta cần một nguồn cảm hứng vững chắc. Nếu nguồn cảm hứng của ta là những câu chuyện huyền hoặc về phép mầu và những điều đại loại mà vị thầy kể về bản thân họ hay các nhân vật khác trong lịch sử Phật giáo, đó không phải là một nguồn cảm hứng thật bền vững. Chắc chắn chúng rất thú vị, nhưng ta phải xem xét chúng ảnh hưởng ta như thế nào. Đối với nhiều người, chúng củng cố một thế giới tưởng tượng, trong đó ta mong ước sự cứu rỗi của phép mầu. Ta tưởng tượng rằng một vị ảo thuật gia lỗi lạc sẽ cứu giúp ta bằng quyền năng kỳ diệu của vị ấy, hoặc bỗng nhiên ta có thể tự mình phát triển những điều kỳ diệu này. Ta phải vô cùng thận trọng đối với những câu chuyện huyền hoặc này. Chúng có thể truyền cảm hứng cho niềm tin của ta, v.v..., và điều này có thể hữu ích, nhưng nó không phải là nền tảng vững chắc của nguồn cảm hứng. Chúng ta cần có một nền tảng vững bền.
Một ví dụ hoàn hảo là trường hợp của Đức Phật. Đức Thế Tôn đã không cố “truyền cảm hứng” hay gây ấn tượng với người khác bằng những câu chuyện huyền hoặc. Ngài đã không ra vẻ là một bậc thầy bằng cách đi khắp nơi ban lực gia trì cho mọi người, hay làm những chuyện tương tự. Điểm tương đồng mà Đức Phật đã sử dụng, được lặp đi lặp lại trong toàn bộ giáo lý nhà Phật, là một vị Phật giống như mặt trời. Mặt trời không cố gắng sưởi ấm con người. Do bản chất tự nhiên của mặt trời, nó tự động mang đến hơi ấm cho mọi người. Mặc dù ta có thể thấy lâng lâng khi nghe một câu chuyện kỳ bí, được chạm đầu vào một tượng Phật, hay có một sợi dây đỏ để đeo quanh cổ, nhưng chúng không vững chắc. Nguồn cảm hứng vững chắc là cách một vị thầy thể hiện những phẩm chất tự phát và tự nhiên của một con người, cá tính của họ, cách vị ấy thể hiện bản thân từ kết quả của việc thực hành Pháp. Đây mới chính là nguồn cảm hứng, chứ không phải những hành động mà người ta tạo ra để chúng ta giải trí. Mặc dù điều này có thể không thú vị bằng những mẫu chuyện huyền hoặc, nó sẽ mang đến cho ta một nguồn cảm hứng bền vững.
Khi có tiến bộ trong việc tu tập, ta có thể nhận được nguồn cảm hứng từ chính sự tiến bộ của mình, không phải từ những quyền năng kỳ diệu, mà là từ sự thay đổi chậm rãi trong tâm tính. Giáo pháp luôn nhấn mạnh việc tùy hỷ đối với những thiện hạnh của mình. Điều vô cùng quan trọng mà ta nên nhớ là sự tiến bộ trong việc tu tập không bao giờ là một đường thẳng tiến. Nó không đơn thuần tiến triển tốt hơn mỗi ngày. Một trong những tính chất của luân hồi là tâm trạng của ta liên tục thay đổi lên xuống, cho đến khi ta hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi, và đó là một trạng huống tiến bộ vượt bực. Ta phải tiên liệu rằng sẽ có những lúc ta cảm thấy hạnh phúc, đôi khi thì bất hạnh. Đôi khi, ta có thể hành động một cách tích cực, và khi khác thì những thói quen điên rồ lại chiếm ưu thế. Sự việc sẽ lên xuống như thế. Thường thì phép lạ không xảy ra.
Giáo lý về việc lánh xa bát phong nhấn mạnh việc không tự mãn khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, và không chán chường khi chúng không tiến triển thuận lợi. Cuộc sống là vậy. Ta cần phải nhìn vào những hiệu ứng lâu dài, chứ không phải những hiệu ứng nhất thời. Ví dụ, nếu đã tu tập được 5 năm thì so với 5 năm về trước, ta có rất nhiều tiến bộ. Mặc dù đôi khi bị rối trí, nếu ta nhận ra rằng mình có thể giải quyết tình huống bằng lý trí và tình cảm một cách bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, điều này cho thấy ta đã có tiến bộ. Đây chính là nguồn cảm hứng. Nó không có chất kịch tính, mặc dù ta muốn nó như vậy và cảm thấy lâng lâng đối với những vở tuồng đầy kịch tính. Đó là nguồn cảm hứng vững chắc.

Hãy Thực Tế

Chúng ta cần phải khá thực tế và thiết thực. Khi tu tập pháp tịnh hóa như Kim Cương Tát Đỏa, điều quan trọng là không nghĩ rằng vị Thánh Kim Cương Tát Đỏa đang tịnh hóa ta. Đó không phải là nhân vật bên ngoài nào, một vị thánh vĩ đại sẽ cứu rỗi và ban lực gia trì cho chúng ta bằng sự tịnh hóa. Nó hoàn toàn không phải là tiến trình như vậy. Kim Cương Tát Đỏa biểu hiện cho tánh thanh tịnh tự nhiên của tâm quang minh, vốn không bị cấu nhiễm vì vô minh. Vô minh có thể được loại trừ. Điều này được thực hiện bằng cách nhận diện tánh thanh tịnh tự nhiên của tâm bằng sự nỗ lực, khi biết rằng ta có thể buông bỏ mặc cảm tội lỗi, những tiềm năng tiêu cực và v.v… Điều này cho phép tiến trình tịnh hóa làm việc.
Hơn nữa, trong khi thực hành tất cả những pháp tu này và cố gắng đưa Phật pháp vào đời sống hàng ngày, ta cần nhận rõ và thừa nhận trình độ hiện tại của mình. Điều cốt yếu là không được khoe khoang hay cho rằng lẽ ra mình phải ở một trình độ cao hơn mức hiện tại.

Tiếp Cận Giáo Pháp từ Bối Cảnh Công Giáo

Hầu hết chúng ta ở đây đều xuất xứ từ bối cảnh Công giáo. Khi tiếp cận với Phật pháp và bắt đầu học hỏi, chúng ta không cần phải nghĩ rằng mình phải từ bỏ Công giáo để theo Phật giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng là không trộn lẫn hai lối thực hành này. Chúng ta không đảnh lễ ba lần tại bàn thờ trước khi an tọa trong nhà thờ. Tương tự như thế, khi thực hành Phật pháp, ta không quán tưởng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria (Virgin Maria), mà sẽ quán tưởng các Bổn Tôn (yidam). Chúng ta sẽ thực hành mỗi tôn giáo một cách riêng biệt. Khi đến nhà thờ, ta chỉ đến nhà thờ; khi hành thiền Phật giáo, chúng ta chỉ hành thiền Phật giáo. Có rất nhiều điểm tương đồng, như việc nhấn mạnh vào lòng yêu thương, giúp đỡ người khác, v.v… Ở mức độ cơ bản, không hề có sự mâu thuẫn. Nếu ta thực hành lòng yêu thương, làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác, chúng ta đều là những tín đồ Công giáo và Phật tử tốt. Tuy nhiên, cuối cùng, ta sẽ phải chọn lựa, nhưng điều này chỉ cần thiết khi ta đã sẵn sàng đặt toàn bộ nỗ lực vào sự tiến triển tâm linh lớn lao. Nếu muốn đi lên tầng cao nhất của một tòa nhà, ta không thể đi trên hai cầu thang cùng một lúc. Tôi nghĩ rằng đây là một ẩn dụ rất có ích. Nếu chỉ tu tập ở trình độ căn bản, ở hành lang thì được. Ta sẽ không phải lo lắng về điều này. Ta có thể được lợi lạc từ cả hai tôn giáo.

Tránh Việc Đặt Lòng Trung Thành Sai Chỗ

Khi áp dụng Pháp vào đời sống, ta phải cẩn thận, tránh việc từ bỏ tôn giáo bản địa của mình, xem nó là xấu xa hay thấp kém. Đó là một sai lầm lớn. Thế rồi ta có thể trở thành một Phật tử cuồng tín và người chống đạo Công giáo cuồng tín chẳng hạn. Người ta cũng hành động như vậy đối với chủ nghĩa cộng sản và chế độ dân chủ. Một cơ chế tâm lý được xem là lòng trung thành đặt không đúng chỗ sẽ chiếm vị trí. Đây là khuynh hướng trung thành với gia đình mình, với bối cảnh của mình, v.v…, nên ta muốn trung thành với Công giáo, dù đã từ bỏ nó. Nếu không trung thành với bối cảnh của mình và hoàn toàn chối bỏ nó như một điều xấu xa, ta sẽ cảm thấy mình rất tệ bạc. Bởi vì điều này vô cùng khó chịu, trong vô thức, ta cảm thấy cần phải tìm kiếm và trung thành với một điều gì đó trong bối cảnh của mình.
Khuynh hướng trong vô thức là trung thành với một khía cạnh ít lợi lạc nào đó trong bối cảnh của mình. Ví dụ, ta có thể từ bỏ Công giáo, nhưng lại mang theo nỗi sợ hãi mạnh mẽ đối với địa ngục khi đến với Phật giáo. Một người bạn của tôi đã từng là một tín đồ Công giáo rất thuần thành, sau đó, cô theo Phật giáo một cách mạnh mẽ, rồi bị khủng hoảng về vấn đề hiện sinh. “Tôi đã bỏ đạo Công giáo, nên sẽ rơi vào địa ngục của Công giáo; nhưng nếu tôi bỏ Phật giáo và trở lại với Công giáo, tôi sẽ rơi vào địa ngục của Phật giáo!” Mặc dù điều này nghe có vẻ khôi hài, nó thật sự là một vấn đề nghiêm trọng đối với cô ấy.
Trong vô thức, chúng ta thường mang theo một số quan điểm nhất định từ Công giáo sang Phật giáo. Các quan điểm thông thường nhất là mặc cảm tội lỗi, tìm kiếm phép mầu và mong ai đó cứu rỗi mình. Nếu không tu tập thì ta cảm thấy rằng mình nên tu tập, nếu không thì sẽ cảm thấy tội lỗi. Những quan điểm này chẳng có ích lợi gì. Ta cần phải nhận ra điều này khi suy nghĩ như vậy. Ta cần phải xem xét bối cảnh của mình và thừa nhận những khía cạnh tích cực để trung thành với những mặt tích cực, thay vì tiêu cực. Thay vì nghĩ rằng “Tôi đã thừa hưởng mặc cảm tội lỗi và sự tìm kiếm phép mầu,” ta có thể nghĩ rằng “Tôi đã thừa hưởng lòng thương yêu, bác ái và giúp đỡ những người bất hạnh của truyền thống Công giáo.”
Chúng ta có thể làm như vậy đối với gia đình mình. Ta có thể chối bỏ họ và trung thành với những tập tục tiêu cực của họ trong vô thức, thay vì có ý thức trung thành với những điều tích cực. Ví dụ, nếu như thừa nhận rằng ta rất biết ơn bối cảnh Công giáo mà mình đã có được, ta có thể đi trên con đường riêng của mình mà không hề có sự mâu thuẫn với quá khứ, cũng như không để cho cảm xúc tiêu cực liên tục gây tổn hại cho tiến bộ tâm linh.
Điều quan trọng là cố gắng thấu hiểu giá trị tâm lý của điều này. Nếu ta nghĩ quá khứ của mình, trong đó có gia đình, tôn giáo của mình từ khi chào đời, hay bất cứ điều gì, là tiêu cực, ta sẽ có khuynh hướng có thái độ tiêu cực đối với bản thân mình. Mặt khác, nếu có thể thừa nhận những điểm tích cực trong bối cảnh và quá khứ của mình, ta sẽ có khuynh hướng có thái độ tích cực về bản thân. Điều đó giúp ta trở nên vững vàng hơn rất nhiều trên con đường tâm linh.

Nhận Xét Sau Cùng

Ta cần phải tiến bước một cách chậm rãi, đi từng bước một trong việc tu tập. Khi lắng nghe các giáo lý rất cao cấp, khi dự lễ quán đảnh Mật điển, v.v…, mặc dù những đạo sư vĩ đại trong quá khứ có nói rằng, “Khi vừa lắng nghe một giáo lý, hãy thực hành nó ngay lập tức,” chúng ta cần xem xét giáo lý đó có quá cao cấp đối với trình độ của mình hay không, hay đó là điều mà ta có thể thực hành ngay lập tức. Nếu đó là giáo lý quá cao cấp, ta cần phải nhận thức rõ những bước cần thiết để chuẩn bị bản thân khi thực hành nó, rồi làm theo những bước ấy. Nói tóm lại, như một vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey, đã từng dạy, “Nếu ta thực hành những phương pháp ảo tưởng, ta sẽ có những kết quả ảo tưởng; nếu ta thực hành những phương pháp thực tiễn, ta sẽ gặt hái được những thành quả thực tiễn.”