Tránh Hòa Lẫn Bản Ngã với Việc Tu Tập Pháp

Alexander Berzin
Berlin, Đức, tháng Mười 2004

Sự Khác Biệt giữa một Bản NgãLành Mạnh và Không Lành Mạnh

Phật giáo nói về sự khác biệt giữa cái “tôi’ quy ước và cái “tôi” sai lầm. Cái “tôi” quy ước là cái “tôi” có thể được quy gán vào các kinh nghiệm không ngừng thay đổi trong dòng tương tục của mỗi cá nhân. Nói cách khác, những khoảnh khắc thuộc về kinh nghiệm cá nhân của chúng ta tiếp nối từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác theo luật nhân quả của hành vi (nghiệp). Trên căn bản của sự tương tục của những khoảnh khắc này, ta có thể định danh “tôi.” Cái “tôi” theo quy ước này có tồn tại và dựa vào cái “tôi” này mà ta có thể nói, “tôi đang ngồi; tôi đang ăn; tôi đang hành thiền.” Tuy nhiên, cái “tôi” quy ước chỉ đơn thuần là điều gì có thể được quy gán lên dòng tương tục tinh thần của chúng ta: ta không thể tìm ra điều gì từ phía cái “tôi” quy ước ấy, bằng năng lực của chính nó, khiến cho cái “tôi” tồn tại như cái “tôi”. Một cái “tôi” thật sự tồn tại với điều gì đó mà ta có thể tìm ra từ chính phía nó, thiết lập sự tồn tại của nó, là điều bất khả dĩ. Một cái “tôi” thật sự tồn tại mà ta có thể tìm thấy không hề hiện hữu; đó là cái “tôi” sai lầm, cái “tôi” phải được bác bỏ.
Trái lại, phương Tây nói về một bản ngã lành mạnh và không lành mạnh. Một bản ngã lành mạnh là cảm giác về một cái “tôi” căn cứ trên cái “tôi” quy ước; trong khi bản ngã không lành mạnh là cảm giác về một cái “tôi’ dựa vào cái "tôi" giả mạo. Bản ngã không lành mạnh có thể là một bản ngã phô trương hay yếm thế. Một bản ngã phô trương căn cứ trên sự tin tưởng vào cái “tôi” thật sự tồn tại mà ta có thể tìm thấy; trong khi bản ngã yếm thế căn cứ vào sự tin tưởng rằng thậm chí cái “tôi” quy ước cũng không hề tồn tại, hay căn cứ vào một cảm giác rất yếu ớt về một cái “tôi” quy ước.
Đối với việc tu tập lành mạnh, chúng ta cần có một bản ngã lành mạnh, vì thế ta sẽ chịu trách nhiệm cho những gì mình trải qua trong đời sống. Trên căn bản của việc nhận lãnh trách nhiệm ấy, ta sẽ quy y Tam Bảo (tạo phương hướng an toàn cho đời sống của mình), hướng đến giải thoát và/hay giác ngộ, đi theo một phương thức tu tập hướng về những mục tiêu này, căn cứ trên sự vững tin vào Phật tánh của chính mình và luật nhân quả nghiệp báo. Tuy nhiên, cho đến khi trở thành những vị A La Hán đã giải thoát, ta vẫn sẽ phải bám chấp vào một sự tồn tại thật sự, có thể tìm thấy được của một cái “tôi”. Vì vậy, việc tu tập của ta bị trộn lẫn với một bản ngã không lành mạnh mà không thể nào tránh khỏi. Nếu ý thức về cách mà điều này xảy ra, ta có thể cố gắng giảm thiểu sự tổn hại bằng cách thiền tập và áp dụng các phương pháp tạm thời. Tuy nhiên, phương pháp điều trị rốt ráo là sự thấu hiểu về Không tướng của tự ngã.

Những Rắc Rối Phát Sinh từ Bản Ngã Phô Trương Vì sự Đồng Hóa với Cái “Tôi” Thật Sự Tồn Tại

Một số người có liên hệ với Phật pháp vì một số lý do của nghiệp lực, khiến họ tò mò và thích thú đối với giáo pháp, một khi hoàn cảnh nào đó thúc đẩy sự thích thú của họ. Tuy nhiên, một số tiếp cận Phật pháp vì những lý do không ổn định, căn cứ vào bản ngã phô trương. Có ba hình thức thông thường của hội chứng này. Khi nghĩ về chính mình như một cái “tôi” thật sự tồn tại mà ta có thể tìm thấy, chúng ta có thể hướng về Phật pháp:
  • Để được một nhóm thân hữu nào đó chấp nhận, bởi vì Phật giáo thích hợp với trào lưu, và một số tài tử điện ảnh cùng âm nhạc là những người theo đạo Phật;
  • Để tìm một liệu pháp mầu nhiệm cho một số vấn để tình cảm và thể chất sâu sắc mà không có giải pháp nào thỏa đáng; hay
  • Để thỏa mãn sự thích thú của mình về những điều kỳ lạ.
Nói chung, để tránh hiểm họa có thể xảy ra khi chúng ta đến với Phật pháp vì bất cứ lý do nào kể trên, ta cần suy xét và điều chỉnh động cơ của mình. Tuy nhiên, có những bước đặc trưng tạm thời mà ta có thể áp dụng để khắc phục các “thái độ của bản ngã” thông thường hay liên kết với một trong ba hình thức của bản ngã phô trương.

Muốn Là một Thành Phần của "Đám Đông Thịnh Hành"

Với cảm giác phô trương về cái “tôi”, ta có thể cảm thấy tự đắc rằng mình là một thành phần của “đám đông thịnh hành”. Để vượt qua điều này, ta nên phát tâm hoan hỷ rằng mình đã tìm thấy Pháp, hơn là cảm thấy kiêu hãnh vì điều này. Ta có thể thiền quán về lòng bi mẫn đối với những chúng sinh vẫn còn lạc lối. Hơn nữa, so với những người đã tiến xa hơn mình trên con đường tu tập, ta cần nhận thức rằng mình chỉ là những hài nhi trong lãnh vực Phật pháp. Vì thế nên ta không có lý do gì để kiêu hãnh.

Muốn Tìm một Liệu Pháp Mầu Nhiệm

Sự tuyệt vọng cố tìm ra một liệu pháp nhiệm mầu cho nỗi khổ của mình thường dẫn đến một cảm giác phô trương về tầm quan trọng của bản thân. Ta có thể quá bận tâm về chính mình và những vấn đề của bản thân, nên cố chiếm lấy thời giờ của vị thầy hay lớp học bằng cách không ngừng nêu ra những thắc mắc. Ta muốn có được sự chú ý liên tục. Để vượt qua điều này, ta cần nghĩ đến sự bình đẳng của bản thân và người khác. Không ai muốn khổ đau và tất cả mọi người đều muốn được trị liệu.
Với một cảm giác phô trương về cái “tôi,” chúng ta cũng có thể nghĩ rằng mình giống như Milarepa – những hành giả quá chín chắn đến mức ta chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ trong chỉ một vài năm. Kết quả là ta đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ các vị thầy của mình. Để trị liệu cho bản ngã phô trương này, ta cần đọc tiểu sử của các bậc đại sư cao quý trong Phật giáo và học hỏi về con người của các thiền giả này.
Hơn nữa, vì bận tâm đến bản thân, ta có thể quá liều lĩnh và thực hiện bất cứ điều gì vị thầy chỉ bảo. Chúng ta có thái độ: “Chỉ cần ban cho con những ngôn từ mầu nhiệm để trì tụng hay pháp tu thần diệu, con sẽ thực hành chúng.” Với tâm trạng như thế, chúng ta có thể lễ lạy 100 000 lần hay trì tụng 100 000 thần chú Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), nhưng khi không có kết quả nhiệm mầu xảy ra, ta sẽ rơi vào tâm trạng chán chường sâu sắc. Để khắc phục điều này, ta nên nghĩ rằng mình cần tạo ra một số lượng nguyên nhân to lớn dường nào, để mang lại kết quả cho việc tu tập.
Ta cũng có thể chạy đi tham dự mỗi một lễ quán đảnh Mật tông, vì quá quan tâm đến một cái “tôi” có vẻ như thật sự tồn tại, ta không muốn thiếu sót bất cứ điều gì. Ta có thể chạy điên cuồng như vậy, bởi vì ta muốn được một nhóm người chấp nhận, hay vì đam mê với những điều kỳ lạ. Nhưng dù vì bất cứ lý do không chính đáng nào đi nữa, ta cần nhớ rằng một lễ quán đảnh để đi vào một hệ thống Hộ Phật chỉ dành cho những ai thật sự mong muốn tu tập về vị Phật đặc thù ấy, và có thời gian để thực hành. Ta cần phải thực tế về thời gian mà ta dành cho việc tu tập hằng ngày. Lời khuyên này cũng áp dụng cho những người chạy đến hết thầy này đến thầy kia rồi bị rối trí, hay những người chạy đi thọ giới mà không quan tâm đến việc mình có thể trì giới được hay không.

Đam Mê Những Điều Kỳ Lạ

Với sự đam mê những điều kỳ lạ, chúng ta có thể tích lũy thật nhiều các pháp khí, tranh thờ thangka và vân vân một cách tối đa, rồi thì sắp xếp một phòng thiền tập trong nhà bằng những vật thờ phượng này như cảnh trí trong Hollywood, hay Disneyland. Sau đó, ta đặt thời khóa biểu hằng ngày cho việc cúng dường puja với chày kim cương, chuông, trống, đèn bơ và nhang. Để vượt qua hình thức bản ngã phô trương này, chúng ta cần nhớ rằng mục tiêu và tinh túy của hành trì Phật pháp là để chuyển hóa tâm thức, chứ không phải sắp đặt một màn trình diễn lạ mắt.

Những Rắc Rối Phát Sinh Từ Một Bản Ngã Yếm Thế

Chúng ta cũng có thể đến với Phật pháp vì một bản ngã yếm thế, bắt nguồn từ việc thiếu một cảm giác vững vàng về cái “tôi” quy ước. Với một cảm giác yếu đuối về cái “tôi”, ta có thể bị lôi cuốn vào những giáo phái Phật giáo vì một vị lãnh đạo tâm linh đầy sự thu hút, người đã hứa hẹn với chúng ta rằng:
  • Dòng truyền thừa mà họ giảng dạy và vị tổ của họ là nhất hạng, và bất cứ hình thức tâm linh nào khác là không tốt
  • Họ là những vị thầy nhất hạng, và tất cả những vị thầy khác thì không tốt
  • Ta sẽ trở nên mạnh mẽ nếu ta buông bỏ sự yếu đuối, suy nghĩ sai lầm của mình, hoàn toàn vâng lời họ như vị thầy và sự diễn dịch của họ về giáo pháp là không thể sai lầm, và
  • Nếu chúng ta đi theo một vị hộ pháp tâm linh mạnh mẽ, vị hộ pháp siêu phàm này sẽ đập tan tất cả những kẻ thù của giáo phái họ, vì tất cả những truyền thống và những vị thấy khác là kẻ thù.
Những vị thầy như thế đòi hỏi một sự trung thành tuyệt đối và sử dụng yếu tố sợ hãi về địa ngục, nơi mà ta sẽ rơi vào nếu ta không vâng lời họ. Các đệ tử bị những điều này thu hút thường có cá tính yếu đuối, không có tự tin, và bị lôi cuốn vì những hứa hẹn về việc có được sức mạnh bằng con số và sức mạnh từ vị thầy, từ giáo huấn, dòng truyền thừa, vị khai sáng dòng truyền thừa ấy và vị hộ pháp. Các đệ tử sẽ khoác lấy bản sắc tự ngã của đoàn thể.
Hội chứng này đưa đến sự cuồng tín tôn giáo, căn cứ trên sự sợ hãi, mong ước được trở nên thiện hảo chứ không xấu ác, ước muốn làm hài lòng cũng như được vị thầy và đoàn thể chấp nhận, và cảm giác tội lỗi nếu ta không tu tập một cách toàn hảo. Tất cả những điều này dựa trên sự vô cảm, hay một cảm giác rất yếu đuối về một cái “tôi” cá thể quy ước, và một sự bám víu vào một “cái tôi – tập thể” sai lầm. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể gọi hội chứng này là “chủ nghĩa phát xít tâm linh.” Nó có thể xảy ra dù vị thầy có lừa bịp hay không, dù ta có liên hệ với một giáo phái đạo Phật hay không.
Nhiều triệu chứng khác nhau là đặc thù của hội chứng này. Thí dụ, ta là người cứng nhắc và thiếu uyển chuyển trong việc tu tập, hay là thiết lập thời khóa mỗi ngày quá dài, vì thế nó trở thành một gánh nặng và không có sự hỷ lạc trong đó. Nên nhớ rằng một trong những điều hỗ trợ cho sự hoan hỷ nhẫn nại là biết thư giãn và nghỉ ngơi vào đúng lúc – và không cảm thấy tội lỗi khi làm như thế. Nếu tự thúc đẩy mình quá trớn, ta chỉ chuốc lấy điều mà người Tây Tạng gọi là “lung” (năng lượng thất vọng trong cơ thể ta) và đó là điều phản tác dụng. Một triệu chứng khác là sự cố chấp đối với những hình thức hay phong cách tu tập khác nhau. Để chống lại điều này, ta cần nhận ra rằng Đức Phật đã dạy nhiều pháp môn khác nhau bằng phương tiện thiện xảo, để thích ứng với những chúng sinh khác nhau. Nếu như bác bỏ và xem thường chúng, thì ta đang từ bỏ giáo pháp.

Những Hình Thức Hòa Lẫn Bản Ngã với Giáo Pháp Nhẹ Hơn

Có thể những hội chứng được nêu ra ở trên không quấy nhiễu ta một cách quá nghiêm trọng, nhưng nhiều người trong chúng ta có thể vẫn có những hình thức hòa lẫn bản ngã với việc tu tập Pháp nhẹ hơn. Thí dụ, ta có thể tiếp cận việc “tích lũy công đức” giống như đang nỗ lực để thắng một cuộc thi mà ta đang thi đua với những hành giả khác. Hay ta có thể hành động để ‘tích lũy công đức” nhằm để “mua” con đường đi đến giải thoát và giác ngộ, hoặc để dành dụm cho mùa đông, như những con sóc tích trữ các loại hạt để bảo vệ bản thân.
Trên phương diện khác, ta có thể tránh liên hệ quá nhiều với giáo pháp, bởi vì ta sợ phải bỏ đi một số thói quen thường ngày – dù chúng là những thói quen của bản ngã lành mạnh hay không lành mạnh. Vì vậy, ta có thể sợ hãi về việc thọ giới hay nhận lễ quán đảnh. Đối với điều này, ta cần phát triển nhận thức đúng đắn để phân biệt những hành vi và mối quan tâm nào của mình là lành mạnh và hữu ích, những điều nào là không lành mạnh và tạo ra thiệt hại.
Hơn nữa, ta có thể có những chướng ngại khi tiếp cận với Pháp trên phương diện trí thức, cảm xúc hay sùng mộ. Điều này phát sinh khi ta đồng hóa mình một cách riêng biệt với một hay một số cách tiếp cận này, hoặc nhận ra mình là một cá thể không thể có một hay một vài cách tiếp cận này. Để khắc phục điều này, ta cần nhận ra lợi ích của mỗi một trong ba phương cách tiếp cận này, và nỗ lực trau giồi công phu tu tập một cách quân bình tối đa.
Những vấn đề khác có thể nảy sinh vì chúng ta không dành cho Phật pháp vị trí ưu tiên khá cao trong đời sống của mình. Vì vậy mà ta không công phu hằng ngày, hay không coi trọng việc tu tập hằng ngày và cam kết hành trì của mình. Ta bỏ việc tu tập khi cảm thấy không thích việc hành trì, và vắng mặt trong lớp học khi cảm thấy không hứng thú đi học Pháp, hay vì có một tiệc sinh nhật, một bộ phim hay hoặc một buổi hòa nhạc trùng hợp với lớp học. Điều này có thể xảy ra vì ta cảm thấy rằng nếu tu tập hay tham dự lớp Phật pháp, tức là phải từ bỏ một số sinh hoạt quan trọng của “bản thân”. Đối với điều này, ta cần phân biệt giữa những gì quan trọng và những gì không quá quan trọng trong đời sống, giữa việc ta thật sự không thể hành thiền hay đến lớp, và việc ta chỉ viện cớ vì lười biếng hay chấp thủ. Ta cần khẳng định lại kiếp người quý giá ra sao, nghĩ về cái chết và vô thường.
Ta có thể tránh một số vấn đề bắt nguồn từ sự hòa lẫn bản ngã với việc tu tập, nếu ta áp dụng những phương pháp này.