Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Hành trình giác ngộ - 5. THANGKA CỦA ĐẠO PHẬT TÂY TẠNG VÀ NHỮNG Ý NGHĨA TÔN GIÁO

Hành trình giác ngộ

Đại sư Tulku Thondup, Tuệ Pháp dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

5. THANGKA CỦA ĐẠO PHẬT TÂY TẠNG VÀ NHỮNG Ý NGHĨA TÔN GIÁO



Hành trình giác ngộ - 5. THANGKA CỦA ĐẠO PHẬT TÂY TẠNG VÀ NHỮNG Ý NGHĨA TÔN GIÁO Trong Phật giáo phổ thông và nhất là trong mật tông, sự tu tập cốt lõi là thấy và kinh nghiệm mọi hiện tượng như cõi tịnh độ, thân Phật, giáo lý và những tư duy giác ngộ. Nếu chúng ta hoàn thiện các thực hành như vậy, sẽ đến lúc toàn thể vũ trụ xuất hiện như những phẩm tánh của đức Phật.

Trong sự tu tập như thế, mọi sắc tướng, diễn cảm, và tư duy đều là một phần của việc tu tập trong sự chứng ngộ. Nhưng ở đây tôi đặc biệt nói về các thangka, những tranh cuộn của Phật giáo Tây Tạng, và lịch sử của nó, như một ví dụ của giáo lý đạo Phật. Các thangka minh họa sống động những cách chuyển hóa khác nhau toàn bộ pháp giới vào giáo lý, cảm hứng và nhận biết.


TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ CỦA THANGKA: CÁC TRANH CUỘN CỦA TÂY TẠNG



Lịch sử nghệ thuật của người Tây Tạng có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu vào thế kỷ bảy và giai đoạn hai vào thế kỷ mười một. Tôi không biết loại nghệ thuật nào thuộc dạng tranh vẽ và điêu khắc ở Tây Tạng có trước thế kỷ bảy.

Vào thế kỷ bảy, Vua Srongtsen Gampo (617 – 698) cưới Công chúa Thritsun, con gái vua Amsuvarman của Nepal và Công chúa Văn Thành, con gái vua Đường Thái Tông, Trung Quốc. Cả hai công chúa này đều sùng kính đạo Phật, và họ đã mang nhiều pháp khí tôn giáo vô giá cùng họ đến Tây Tạng. Một trong những hình tượng đầu tiên và nổi tiếng nhất ở Tây Tạng là Jowo, được Công chúa Văn Thành mang từ Trung Quốc đến Tây Tạng. Nhiều hình tượng và tranh vẽ đạo Phật quý báu khác của nhiều nghệ sĩ tài ba được đem tới Tây Tạng từ Nepal và Trung Quốc. Trong thế kỷ bảy, điện Jokhang ở Lhasa và 108 điện Thadul và Yangdul khác được xây dựng và trang hoàng với những hình vẽ tôn giáo quan trọng. Đáng chú ý nhất là vào cuối thế kỷ tám, Vua Thrisong Detsen (790 – 858) xây dựng tu viện Samye nổi tiếng với thật nhiều mô tả hình tượng đạo Phật bằng tranh. Cho đến đầu thế kỷ mười chín, liên tiếp các vị vua của triều đại Chogyal đã xây dựng nhiều đài kỷ niệm tôn giáo. Phần lớn những nghệ nhân của giai đoạn đầu không phải là người Tây Tạng. Nhưng họ tuyển chọn những người nam và nữ Tây Tạng xinh đẹp làm người mẫu cho các hình tượng và tranh ảnh của những vị thầy, Bổn tôn nam và nữ của đạo Phật. Ngoài ra, theo bản văn có thật trong lịch sử, nhiều hình tượng đạo Phật đẹp đẽ tự nhiên xuất hiện từ đất và đá, và nghệ nhân sử dụng những hình ảnh kỳ diệu này như người mẫu cho nghệ thuật diễn đạt bằng hình ảnh của đạo Phật. Dần dần một loại kiến trúc mới và nghệ thuật tranh vẽ của Tây Tạng nổi lên. Trong bất kỳ trường hợp nào, đều chịu ảnh hưởng lớn của người Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, và Persia. Ví dụ, trong việc xây dựng tu viện Samye, người ta nói rằng, mỗi một trong ba câu chuyện về chánh điện được xây dựng theo cảm hứng từ nghệ thuật và thiết kế của ba nước khác nhau, tầng trệt theo kiểu của Tây Tạng, tầng thứ hai của Trung Quốc, và tầng trên cùng là của Ấn Độ.

Nhưng trong triều đại Vua Lang Darma vào đầu thế kỷ chín, với sự tiêu diệt Phật giáo ở miền trung tâm Tây Tạng, cuộc sống của các nghệ nhân ở vùng đó cũng bị đau khổ và hoàn toàn gián đoạn trong nhiều thập niên.

Điều quan trọng ghi nhận ở đây là không chỉ nghệ thuật dùng cho mắt nhìn mà ngay cả ngôn ngữ viết cũng được phát triển vì mục tiêu thiết lập, thực hành, và truyền bá Phật giáo. Đạo Phật đã trở thành nền tảng và phương tiện của cuộc sống, văn hóa và sự đọc, viết của người Tây Tạng.

Từ thế kỷ mười một, với sự xuất hiện của nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, giai đoạn thứ hai của nghệ thuật Tây Tạng phát triển. Có nhiều trường phái hay truyền thống, nhưng dường như có sáu phái chính là quan trọng và phổ thông trong một giai đoạn này hay giai đoạn khác.

Phái đầu tiên là Kadam (bKa’ gDam). Trong thế kỷ mười một những vị vua của Guge ở phía tây Tây Tạng bảo trợ nghệ thuật đạo Phật của Tây Tạng truyền thống. Với lý do địa lý, trường phái ban đầu này đã bị ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật Kashmir, mà chính nó bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật của vùng phía Đông Ấn Độ phát triển dưới sự cai trị của các vị vua Gupta (Thế kỷ thứ tư – thứ bảy) và các vị vua Pala (Thế kỷ thứ tám – thứ mười hai) của Ấn Độ. Phong cách nghệ thuật này được tìm thấy ở Spiti, Guge, Purang và Tsaparang.

Phái thứ hai là Palri (Bal Ris) hay trường phái của người Nepal, phát triển trong thế kỷ mười bốn và mười lăm. Truyền thống người Nepal chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Pala ở phía Đông Ấn Độ. Nghệ thuật của trường phái này được thấy khắp Tây Tạng và nhất là ở tu viện Tashi Lhungpo và một số tu viện ở phía Đông Tây Tạng. Theo Ngài Kongtrul Yonten Gyatso, trường phái người Nepal là nguồn chính của tranh vẽ Tây Tạng cho đến thế kỷ mười lăm.

Trường phái thứ ba là Menri (sMan Ris). Trong đầu thế kỷ mười lăm, Menlha Thondup, một nghệ sĩ nổi tiếng từ phía Nam Tây Tạng, đặt nền tảng trên trường phái Menri kết hợp chặt chẽ với phong cách Trung Quốc (của Zi’u-than) vào triều Nguyên (Yuan). Đây cũng là truyền thống Menri thứ hai được biết là Menri mới. Vào thế kỷ mười bảy, Choying Gyatso, một người theo phái Menri bắt đầu trường phái của riêng ông. Ông vẽ tranh tường của điện Chokhang Shar và bảo tháp có chứa di thể đức Panchen Lama đệ nhất (Ban Thiền Lạt Ma) (1570 – 1662) ở Tashi Lhungpo.

Trường phái thứ tư là Khyenri (mKhyen Ris). Trong thế kỷ mười sáu, Khyentse Chenmo của Gongkar Gangto bắt đầu một truyền thống nghệ thuật mới. Nhưng sau đó, phái này hòa nhập với truyền thống Menri mới.

Trường phái thứ năm là Karma Gardri (sGar Bris). Trong thế kỷ mười sáu, Namkha Trashi đặt nền tảng trường phái riêng Ngài kết hợp với truyền thống Menri, Ấn Độ, và Trung Quốc (Zi’u-than). Truyền thống này được truyền bá bởi các nghệ sĩ Chưje Trashi và Karma Trashi.

Trường phái thứ sáu là Dưpal (‘Dod dPal). Trong thế kỷ mười bảy, vào triều đại của Dalai Lama thứ năm (1617 – 1682), các nghệ sĩ Epa Kugpa (hay Hordar), và Tulku Pagtro thiết lập truyền thống riêng họ. Một đại học nghệ thuật tên là Dưpal (hay ’Dod ’Jo dPal ’Khyil) tọa lạc tại chân của cung điện Potala ở Lhasa đi theo truyền thống này. Do vậy, truyền thống của hai nghệ sĩ và trường đại học này được biết là trường phái Dưpal.

SỰ ĐA DẠNG CỦA THANGKA



Ở Tây Tạng có nhiều truyền thống nghề thủ công khác nhau, như dệt, điêu khắc, chạm, nghề luyện kim, nghề mộc, v.v... Nhưng ở đây tôi muốn giải thích ý nghĩa của các thangka hay tranh cuộn Tây Tạng như một minh họa của những nghề thủ công này. Thangka là một bức tranh hình chữ nhật được bọc viền và khung bằng lụa hay gấm thêu kim tuyến. Thangka là đối tượng thiêng liêng treo trên tường của đền chùa hay trong điện thờ như những đồ vật được tôn kính và như sự hỗ trợ cho thực hành tâm linh. Nhưng ngày nay chúng ta lại thấy chúng như vật trang trí trong nhà ở và khách sạn.

Có hai loại thangka, một loại được gọi là gưthang, một loại tranh cuộn bằng lụa, và loại kia là trithang, một loại tranh vẽ cuộn. Xét về cách làm thì có bốn loại lụa cuộn:

(1) Tsemtrubma là một dạng nghệ thuật hình ảnh thêu tay dùng chỉ lụa nhiều màu.

(2) Thagtrubma có năm hình dệt bằng tay với chỉ lụa nhiều màu.

(3) Tretrubma có hình ảnh câu thơ, nhiều mảnh lụa nhỏ được cắt thành những hình dạng và được dán với nhau theo những thiết kế khác nhau.

(4) Lhenthabma là một bức lụa cuộn dán bằng keo. Những miếng lụa màu sắc khác nhau được cắt thành nhiều kiểu và dán lại với nhau thành hình ảnh.

Sự đa dạng về kích thước của bức lụa cuộn có thể từ khoảng 30cm x 20cm đến 55m x 47m.

Có bốn loại tranh cuộn chính, phân biệt chủ yếu nhờ màu nền của bức họa:

(1) Tsưnthang là loại tranh cuộn có nền nhiều màu khác nhau.

(2) Serthang là một bức họa có toàn bộ nền vàng. Những hình ảnh và phác thảo được vẽ bằng mực hay màu đỏ son (thần sa) trên nền vàng, và trong một số trường hợp, những hình ảnh được vẽ trên vàng thật.

(3) Tsalthang là một bức họa có nền màu đỏ son, trên đó bản phác thảo được vẽ bằng vàng hay mực. Đôi khi, như với serthang, những hình ảnh được sơn vẽ.

(4) Nagthang là một bức họa có nền màu đen, trên đó hình ảnh được vẽ bằng vàng hay đôi khi với thần sa, và thỉnh thoảng được vẽ với nhiều màu.

Kích thước của tranh cuộn có thể khác nhau từ 30cm x 20cm đến 3m x 2m.

Có ba loại tranh vẽ khác nhau, khác biệt về kiểu mẫu, kích thước và công dụng.

Loại đầu tiên tiếng Tây Tạng gọi là kyilkhor, tiếng Sanskrit gọi là maṇḍala. Nguyên nghĩa của chữ này là “tập hội”. Đây chủ yếu là một bản đồ nền nơi an trụ của các Bổn tôn tantric, chư Phật và quyến thuộc. Đây là một tập hội vì là một nơi ở đó Bổn tôn và quyến thuộc cùng ở trong một tập thể. Mỗi Bổn tôn có một dạng maṇḍala khác nhau, trong đó những chi tiết kiến trúc và màu sắc biểu tượng trí tuệ mật truyền khác nhau. Maṇḍala là một hình thức đa dạng; tròn, vuông, tam giác và bán nguyệt. Phần lớn chúng được vẽ trên vải bạt vuông và được dùng như đối tượng hay sự hỗ trợ cho thiền định, hành lễ và quán đảnh, vì các mục tiêu này chúng được trải trên bàn thờ. Chúng cũng có thể đặt trên núi hay đóng khung treo trên tường.

Loại thứ hai là tsakli. Tsakli là bức họa thu nhỏ của một hình chữ nhật đứng. Chủ đề của chúng chủ yếu là những hình ảnh nhiều Bổn tôn khác nhau và cũng thêm những thuộc tính và đồ vật thiêng liêng. Chúng được sử dụng căn bản trong lễ quán đảnh trao truyền năng lực của Phật giáo Mật tông. Chúng được đặt trên bàn thờ hay trên maṇḍala. Nhưng cũng có thể đặt trong khung và treo trên tường.

Loại thứ ba là kyangla, những bức tranh tường hay vẽ trên tường, và thỉnh thoảng là trên vải bạt và dán trên tường. Phần lớn có hình vuông, một số hình vuông này bao phủ phần lớn khoảng không gian tường của chùa và phòng thờ.

Trong tất cả dạng nghệ thuật của người Tây Tạng, trật tự khuôn mẫu sáng tạo thánh tượng phải thích hợp. Mỗi một hình ảnh khác nhau trong nghệ thuật linh thiêng có một xác định rõ ràng về chiều kích, hình dáng, màu sắc, vị trí, tư thế, biểu tượng và ý nghĩa.

NHỮNG Ý NGHĨA TÔN GIÁO CỦA THANGKA



Giáo lý đạo Phật đã ảnh hưởng sâu sắc trên mười hai thế kỷ và dẫn dắt mọi phương diện của cuộc sống và văn hóa người Tây Tạng. Cuối cùng giới luật của Phật giáo được xem trọng hơn hết trong mọi cấp độ đời sống của người Tây Tạng. Do đó, bất cứ sự trình bày nào của lịch sử, văn hóa, đời sống, văn chương hay mỹ thuật Tây Tạng đều liên quan chủ yếu đến giáo lý và thực hành của Phật giáo. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp nghệ thuật, hội họa, và điêu khắc của người Tây Tạng, vốn có công năng diễn tả và trình bày những chủ đề tôn giáo. Trong nghệ thuật Tây Tạng, người ta hiếm khi tìm thấy những gì không có ý nghĩa tôn giáo.

Ở Tây Tạng mỗi nhà xây dựng đẹp đều có một phòng thờ riêng biệt với những đồ vật tôn giáo phong phú, được cúng dường tôn kính hằng ngày. Thậm chí trong một nhà đơn giản nhất hay trong một căn lều đều thấy có một bàn thờ bày một số đồ vật tôn giáo. Những biểu tượng tôn giáo này là một nguồn hạnh phúc, thanh bình và năng lượng cho người có Pháp nhãn. Mỗi ngày, chủ nhà tụng các bài nguyện trước các đồ vật thiêng liêng trên bàn thờ và cúng dường hoa, hương, thực phẩm, nước uống, và nhất là các chén đầy nước sạch và đèn bơ. Đây là một phương tiện cho người ta phát triển sự rộng lượng, an bình và tâm trong sáng để họ có thể tạo công đức, mà họ tin rằng đó là suối nguồn của một tương lai hạnh phúc.

Để hiểu ý nghĩa của nghệ thuật hội họa Tây Tạng, điều quan trọng là phải có một số quan niệm về ý nghĩa của thực hành quán tưởng đạo Phật. Trong số những hình ảnh mô tả bằng tranh, có những biểu tượng cho chư Phật nam, nữ khác nhau, các nhà hiền triết và chư thiên. Trong Phật giáo, những học giả phân loại các thân của chư Phật thành ba phạm trù – Dharmakya hay “thân tuyệt đối”, Sambhogakya hay “thân hoan hỷ”, và Nirmṇakya hay “thân hóa hiện”.

Dharmakya là trạng thái tuyệt đối, đó là Phật tánh, thoát khỏi mọi khái niệm hóa, và không có hình tướng hay đặc tính. Nhưng trong nghệ thuật hội họa, đôi khi nó được biểu tượng bằng một hình Phật không che đậy, màu xanh dương, biểu thị trạng thái toàn giác, thoát khỏi mọi tạo tác, giống như bầu trời hay không gian trống rỗng.

Sambhogakya là thân tướng siêu phàm, thanh tịnh và vi tế nhất của đức Phật. Sambhogakya chỉ có thể thấy được với những người tối thiểu đạt được Sơ địa trong Thập địa của đạo Phật. Nó có rất nhiều tướng dạng, chi tiết, và ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể phân loại thành hai phạm trù.

Phạm trù đầu tiên bao gồm thân tướng hiền minh với ba mươi hai tướng chính và tám mươi vẻ đẹp phụ. Chúng được trang điểm trong mười ba trang phục của Sambhogakya – năm lễ phục và tám trang sức bằng vật liệu quý, biểu thị sự hoàn thiện hay viên mãn tất cả công đức hay thành tựu. Nhưng một số hình ảnh Sambhogakya mặc trang phục trong y áo tu viện.

Phạm trù thứ hai là tướng phẫn nộ. Có chín diễn cảm phẫn nộ và trang phục trong tám trang điểm mộ địa, biểu tượng hóa sự tiêu diệt mọi thế lực tâm thức ma quỷ và chuyển hóa các cảm xúc nhiễm ô như sân hận thành trạng thái của trí tuệ.

Nirmṇakya là hóa thân của đức Phật trong nhiều loại thân tướng bình thường khác nhau vì lợi ích của chúng sanh. Các hóa thân trong thân tướng và trang phục của chư Phật, Bồ Tát, các vị khổ hạnh, và tu sĩ. Thân tướng của chư Phật xuất hiện trong thế gian này, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni được gọi là Hóa Thân tối cao, và giống như thân tướng Sambhogakya hiền minh, phân biệt bằng một trăm mười hai dấu hiệu tối ưu, nhưng quần áo đều trong y áo tu viện và không trang phục áo lễ hội. Phần lớn chư Bồ tát, như Mađjushri trang phục lộng lẫy một phần hay toàn bộ, giống như lễ phục của thân tướng Sambhogakya hiền minh. Các vị khổ hạnh đi theo thực hành mật truyền trong trang phục của yogi – đơn giản và thảnh thơi. Sự miêu tả các tu sĩ, những người từ bỏ cuộc sống gia chủ, đều trong y áo tu viện, cạo đầu hoặc đội nón của tu viện.

Cũng có những Bồ Tát, nhà khổ hạnh, và tu sĩ không phải Nirmṇakya mà là người thường và hình ảnh trong tranh dành cho họ thì giống hoặc tương tự với Nirmṇakya.

Phạm trù khác của những hình tượng là thần thánh và ma quỷ, những sinh linh hay tinh linh đầy quyền năng này hỗ trợ đạo đức, những thế lực tích cực được gọi là chư thiên hay Hộ Pháp, và những vị xấu hay thế lực tiêu cực được gọi là ma quỷ. Tiếng Tây Tạng gọi thần thánh là lha, hay tiếng Sanskrit là deva. Theo Phật giáo, chư thiên phần lớn ngụ ở cõi trời và hưởng thụ hạnh phúc, người may mắn và quyền năng trong lúc sống. Nhưng họ là những chúng sanh thế gian và chưa giác ngộ. Họ không đạt Niết-bàn, chưa thoát khỏi cảm xúc nhiễm ô và hậu quả của chúng, nên là chủ thể phải lang thang trong thế gian khi công đức nghiệp trước bị cạn kiệt.

Mỗi một hình ảnh và màu sắc khác nhau của các đại diện này trong thangka đều có một ý nghĩa và biểu thị đặc biệt để thiền quán. Tôi sẽ đưa ý nghĩa của hai hình ảnh như một ví dụ biểu tượng hóa của nghệ thuật Phật giáo.

Đầu tiên là hình ảnh Đức Mađjushri (Văn Thù), Bồ Tát của Trí tuệ. Thân Ngài màu cam chiếu sáng như mặt trời mọc, biểu tượng sáng tỏ khỏi những đám mây của hai che chướng – sở tri chướng và phiền não chướng. Năm lễ phục bằng lụa và tám trang sức châu ngọc biểu tượng Ngài được trang hoàng bằng mọi công đức của Sambhogakya. Ngài ngồi trong tư thế xếp bằng, biểu tượng an trụ trong trạng thái thanh thản tuyệt đối không dao động. Mắt Ngài mở rộng và trong sáng, biểu tượng không ngừng thương yêu tất cả và trí tuệ nhất như đối với tất cả hiện tượng đúng thật như chúng đang hiện hữu. Ngài đang mỉm cười, biểu tượng đã thoát khỏi đau khổ và tràn đầy an bình và hoan hỷ. Ngài trẻ trung, biểu tượng Ngài không phải là đối tượng của tuổi già và bệnh tật, cũng không sinh tử. Trong tay phải, Ngài giơ cao khỏi đầu một thanh kiếm màu xanh dương, biểu tượng ngữ của Ngài cắt đứt sự vô minh của chúng sanh tận gốc rễ. Trong tay trái, Ngài cầm một quyển kinh Prajđ-pramit (Bát-nhã ba-la-mật – Trí tuệ siêu phàm) biểu tượng tâm Ngài sở hữu hai trí tuệ – trí tuệ biết tất cả đúng thật như chúng đang hiện hữu (thật tánh) và rõ ràng như vẻ ngoài của chúng (hiện tướng). Thân Ngài có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, biểu tượng công đức viên mãn của một vị Phật.

Ví dụ thứ hai là Chechog, hay Mahottaraheruka, một Bổn tôn phẫn nộ, như đã mô tả trong Palchen Dupa của truyền thống Longchen Nyingthig. Ba đầu của Ngài biểu tượng Ba thân Phật. Sáu tay Ngài biểu thị Sáu viên mãn (Lục ba-la-mật), và bốn chân Ngài biểu tượng Tứ vô lượng tâm.

Đầu chính giữa của Ngài trong tướng phẫn nộ làm sợ sệt biểu tượng sự hủy diệt vô minh bằng việc chuyển hóa nó vào trong của Pháp thân. Đầu bên phải Ngài màu trắng với tiếng gầm như sấm “ha-ha” biểu tượng sự tiêu diệt ái luyến bằng việc chuyển hóa nó vào thân hoan hỷ. Đầu bên trái Ngài màu đỏ trong điệu bộ am-tsig dam-pa nhe nanh, biểu tượng sự tiêu diệt sân hận bằng việc chuyển hóa nó vào Hóa thân Phật. Chày kim cương (vajra) năm chấu trong tay phải đầu tiên của Ngài biểu tượng sự loại bỏ năm nhiễm ô bằng việc chuyển hóa chúng thành ngũ trí. Ngọn chĩa ba trong tay phải thứ hai biểu tượng sự chuyển hóa ba độc thành Ba thân Phật. Ngọn lửa trong tay phải thứ ba của Ngài biểu tượng sự đốt cháy bám chấp vào hiện tượng cho là có thật. Sọ người trong tay trái đầu tiên của Ngài biểu tượng sự chuyển hóa ba độc thành cam lồ trí tuệ. Cái cày trong tay trái thứ hai Ngài biểu tượng sự hàng phục tham lam bằng sự rộng lượng. Con bò cạp trong tay trái thứ ba của Ngài biểu tượng sự loại bỏ mọi thế lực xấu ác. Chim đại bàng trên đầu Ngài biểu tượng sự chiến thắng trên tất cả thế lực tiêu cực. Tám trang phục mộ địa của Ngài biểu tượng Ngài là bậc tiêu diệt bản ngã ma quỷ.

Ở đây, cần phải nói một vài lời về ý nghĩa của hình ảnh đức Phật phẫn nộ. Với chúng ta các hình ảnh hiền hòa dễ hiểu và cảm hứng dễ thấy nhưng các hình ảnh phẫn nộ và hình ảnh hợp nhất tính dục khó nhận thức thấu đáo như một phần của con đường giác ngộ và kết quả. Không có bất cứ nhận thức nào về hình ảnh như vậy trong Phật giáo phổ thông của giáo thừa; nó chỉ có trong truyền thống Mật thừa. Theo Phật giáo Mật tông, điều đó chỉ dành cho những thiền giả đã thành tựu cao hoặc người tinh thông lão luyện, không phân biệt giữa hiền minh hay phẫn nộ, tất cả đều bình đẳng trong cuộc sống như huyễn và là một trong trạng thái tối thượng của sự chứng ngộ. Trong thật tánh, tướng phẫn nộ không bị loại trừ như một sự tiêu cực, vì mọi hiện tượng hiện hữu đều bao gồm nhất như trong sự an bình, hỷ lạc và rộng mở.

Có hai mục đích chính trong việc sử dụng hình ảnh phẫn nộ để thực hành: phát triển năng lượng tích cực và thuần hóa các thế lực tiêu cực. Năng lực hay năng lượng của tướng phẫn nộ là đại phương tiện thiện xảo. Nó tạo ra và tinh luyện khả năng thành tựu của kinh nghiệm mật truyền và đánh thức trí tuệ – trí tuệ của sự hợp nhất hỷ lạc và tánh không hay sự rộng mở, sự hợp nhất của hình tướng và tánh không, và sự hợp nhất của trong sáng và tánh không.

Tướng phẫn nộ là công cụ hùng mạnh trong việc điều phục những thế lực tiêu cực mạnh mẽ. Không có gì khác nhau khi một vị Phật hóa thân trong hình tướng con người giữa chúng ta và khi là một con khỉ giữa loài khỉ. Các hình tướng phẫn nộ không do sự tạo tác hoặc phản ứng với cảm xúc phiền não hay tham lam ích kỷ. Các hình tướng ấy là sự phản chiếu của tâm an bình và giác ngộ trong hình dáng một thân tướng thích hợp.

Điểm quan trọng nhất là dù xuất hiện trong tướng phẫn nộ và âm thanh kết hợp với chúng là của một biểu lộ sợ hãi, các Ngài – hay tâm các Ngài – là sự an bình, quyền năng và lòng bi. Mọi Bổn tôn phẫn nộ đều tiêu biểu cho chín phẩm tánh sau: tự hào, anh hùng, và đáng sợ đối với thân; tươi cười, đe dọa, và hung nộ đối với ngữ; và lòng bi, quyền năng, và an bình đối với ý.

Trong Phật giáo, người ta không thờ phụng hình ảnh như biểu tượng của một đấng sáng tạo thế gian, hay như một bậc ban phát hoặc suối nguồn của hạnh phúc. Thay vào đó, Phật tử sử dụng các đồ vật bên ngoài, chẳng hạn như các pháp khí tôn giáo, như một sự hỗ trợ hoặc nguồn cảm hứng cho thực hành tâm linh. Theo quan niệm của đạo Phật, yếu tố chính trong cuộc sống là tâm, nếu tâm có ý hướng hay nhận thức đúng đắn về những đối tượng vật thể được sử dụng như một hỗ trợ cho thực hành tôn giáo, chẳng hạn như thấy chúng là chư Phật, điều đó sẽ giúp hành giả phát triển niềm tin và công đức tâm linh. Bằng cách này, người sùng đạo sẽ đạt được công đức và sức mạnh tâm linh.

Việc sử dụng các đồ vật thiêng liêng của nghệ thuật như một trợ giúp cho việc thực hành tôn giáo không nảy sinh kết quả từ năng lực của chính đồ vật đó, mà kết quả nảy sinh từ quan điểm tâm thức của hành giả. Dĩ nhiên, sử dụng các đồ vật thích hợp như các dạng nghệ thuật tôn giáo sẽ có ảnh hưởng lớn đến tâm thức hơn một đồ vật thông thường, giống như một cái bàn. Ví dụ, nếu quanh ta đầy dẫy những hình ảnh biểu trưng cho sự dễ cáu giận, do thấy chúng, thù hận hay lòng tham sẽ khởi lên trong tâm thức ta. Tương tự, nếu nơi cư trú của ta tràn đầy những minh họa tôn giáo, và nếu ta đã có một kinh nghiệm tâm linh nào đó, điều này sẽ là một sự nhắc nhở hoặc làm tươi mới kinh nghiệm tâm linh của ta.

Hầu như toàn bộ nền nghệ thuật của người Tây Tạng đều bắt nguồn từ giáo lý đạo Phật. Đó là sự hỗ trợ cho sự thực hành Chánh pháp và là công cụ của sự hoằng pháp. Nghệ thuật này tiêu biểu và bảo tồn tinh hoa của Giáo pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét