“Pháp Nhẹ Nhàng” so với “Pháp Thực Thụ”
Alexander Berzin
Tháng Ba, 2002
Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đính
Tháng Ba, 2002
Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đính
Tầm Quan Trọng của Tái Sinh
Phật giáo Tây Tạng tiếp nối truyền thống của Phật giáo Ấn Độ, và tất cả các truyền thống Ấn Độ đều xem niềm tin về sự tái sinh là điều hiển nhiên. Thậm chí, nếu một hành giả Phật giáo truyền thống không có sự hiểu biết sâu xa về việc tái sinh diễn ra như thế nào và cái gì đi tái sinh, thì họ vẫn lớn lên với ý tưởng về sự tái sinh như một khái niệm văn hóa sẵn có. Sự hiểu biết của họ về tái sinh chỉ cần được tinh lọc lại, chứ không ai cần phải thuyết phục họ về sự hiện hữu của tái sinh. Vì vậy, các bản văn về trình tự đường tu giác ngộ thậm chí không đề cập đến việc làm thế nào để phát khởi niềm tin vào sự hiện hữu của tái sinh.Nếu không có tái sinh, khái niệm về dòng tâm thức vô thủy và vô chung sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu không có một dòng tâm thức vô thủy và vô chung, toàn bộ lý luận về nghiệp đều tan rã. Lý do là hầu hết nghiệp quả do hành động chúng ta tạo ra thường không chín muồi trong cùng một kiếp mà ta đã thực hiện hành động ấy. Nếu không có khái niệm về nhân quả trải qua nhiều đời nhiều kiếp, việc thảo luận về tánh Không của nhân quả và lý duyên sinh cũng đều tan rã.
Hơn nữa, xét trên khía cạnh động lực ở ba phạm vi trong trình tự đường tu giác ngộ, làm thế nào chúng ta có thể phát tâm tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, nếu ta không tin tưởng vào sự tồn tại của chúng? Làm sao ta có thể phát tâm cầu giải thoát khỏi vòng sinh tử bất tự chủ, nếu không có niềm tin vào tái sinh? Làm thế nào chúng ta có thể phát tâm cầu giác ngộ và có được khả năng giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi luân hồi, mà không tin là tái sinh có thật?
Trên phương diện thiền quán về bồ đề tâm, làm sao chúng ta có thể công nhận tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ hiền của ta trong những kiếp quá khứ, nếu ta không tin vào tiền kiếp? Xét trên quan điểm của Vô Thượng Du Già Mật Điển, nếu chúng ta không tin rằng sự tái sinh và cõi trung ấm hiện diện, làm sao ta có thể thiền quán về cái chết, cõi trung ấm và tái sinh, nhằm tịnh hóa bản thân và thoát khỏi sự trải nghiệm những hiện tượng này một cách bất tự chủ?
Vì vậy, đó là bằng chứng rõ ràng về việc tái sinh là nền tảng của một phần rộng lớn và quan trọng của giáo lý nhà Phật.
“Pháp Nhẹ Nhàng” và “Pháp Thực Thụ”
Hầu hết người phương Tây đến với Phật pháp mà không có sẵn niềm tin vào tái sinh. Nhiều người tiếp cận với việc tu học và thực hành Phật pháp để cải thiện chất lượng của đời sống trong kiếp này, đặc biệt là để vượt qua những vấn đề tâm lý và cảm xúc. Thái độ này khiến cho Phật pháp suy giảm thành một dạng tâm lý trị liệu của người Á châu.Tôi dùng thuật ngữ Pháp Nhẹ Nhàng để chỉ cách tiếp cận này đối với Phật pháp, cũng giống như “CocaCola Không Có Đường” vậy. Đây là một dạng giáo pháp suy yếu hơn, không mạnh mẽ như Pháp Thực Thụ. Cách tiếp cận truyền thống đối với Phật giáo – vốn chứa đựng không chỉ những thảo luận về tái sinh, mà bao gồm cả khái niệm về địa ngục và những cõi luân hồi khác của sự hiện hữu – tôi gọi điều này là Pháp Thực Thụ.
Hai Cách Thực Hành Pháp Nhẹ Nhàng
Có hai cách thực hành Pháp Nhẹ Nhàng:- Chúng ta có thể thực hành với sự thừa nhận tầm quan trọng của tái sinh trong đạo Phật, và thành tâm mong muốn học hỏi những giáo lý chính xác về đề tài này. Do đó, ta mong muốn cải thiện cuộc sống này bằng những phương tiện của Phật pháp, đơn thuần như một bước tiếp nối trên con đường cải thiện những kiếp sống tương lai, để thành tựu giải thoát và giác ngộ. Như vậy, Pháp Nhẹ Nhàng trở thành bước sơ khởi trong giai trình của đường tu giác ngộ, bước dẫn đến phạm vi sơ căn. Cách tiếp cận như vậy hoàn toàn công bằng đối với truyền thống Phật giáo. Nó không cho rằng Pháp Nhẹ Nhàng là Pháp Thực Thụ.
- Chúng ta có thể thực hành nó bằng cách công nhận rằng Pháp Nhẹ Nhàng không những là Phật pháp đích thực, mà còn là hình thức phù hợp và thiện xảo nhất dành cho đạo Phật phương Tây. Cách tiếp cận này là một sự gian lận và vô cùng bất công đối với truyền thống Phật giáo. Nó dễ dàng đưa đến thái độ kiêu mạn.
Tóm Tắt về Pháp Nhẹ Nhàng
Đạo Phật là Pháp Nhẹ Nhàng khi:-
mục tiêu chỉ nhằm cải thiện cho kiếp sống này;
-
người tu học có rất ít hoặc không hiểu biết gì về tái sinh trong giáo lý nhà Phật;
-
kết quả là người tu học không tin và cũng không quan tâm đến những kiếp tương lai;
-
thậm chí nếu người tu học tin vào tái sinh, họ vẫn không chấp nhận sự tồn tại của sáu cõi luân
hồi;
-
vị thầy giảng dạy giáo pháp tránh việc bàn luận về tái sinh, thậm chí, nếu có nói về đề tài này,
cũng sẽ tránh đề cập đến địa ngục. Vị thầy hạ thấp sáu cõi luân hồi thành những trải nghiệm tâm lý
của con người.
Tóm Tắt về Pháp Thực Thụ
Pháp Thực Thụ là truyền thống thực hành đích thực của đạo Phật, trong đó:-
người tu học ít nhất thừa nhận tầm quan trọng của tái sinh trên con đường tâm linh, và thành tâm
mong muốn có sự hiểu biết đúng đắn về tái sinh;
-
người tu học đặt mục tiêu giải thoát khỏi vòng sinh tử thiếu tự chủ, hoặc mục tiêu giác ngộ và
khả năng giúp cho chúng sinh thoát khỏi luân hồi;
-
thậm chí nếu người tu học đặt mục tiêu cải thiện kiếp sống tương lai, đây cũng chỉ là một bước
tạm thời trên con đường tiến tới giải thoát và giác ngộ;
-
thậm chí nếu người tu học đặt mục tiêu cải thiện cuộc sống trong kiếp này, đây cũng chỉ là bước
tạm thời trên con đường cải thiện những kiếp tương lai, tiến tới giải thoát và giác ngộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét