2500 năm sau, tuy Phật giáo có khoảng 700 triệu Phật tử trên toàn thế giới nhưng lại biến mất trên đất nước Ấn Độ, nơi mà trước đó Phật giáo từng là một trào lưu tinh thần chính yếu, suốt cho đến thế kỷ thứ X.
Chú thích của người dịch: Ông Philippe Cornu là chủ tịch Đại
học Phật giáo Âu châu, giảng sư tại Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh
Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây Tạng, Trung Hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật giáo. Một trong những công trình đáng kể
của ông là Tự điển bách khoa Phật giáo.
Bài phỏng vấn của ký giả Cathérine Golliau với ông, đăng trên tạp chí lớn của nước Pháp là Le Point.
Le Point: Phải định nghĩa Phật giáo như thế nào?
P. Cornu: Đó là con đường tâm linh nhắm mục đích tự
giải thoát khỏi vô minh và lầm lẫn, nguồn gốc đưa đến khổ đau, và giúp
đạt được Giác ngộ, tức một thể dạng lột trần được mọi ảo giác, và từ thể
dạng đó sự thực tối thượng sẽ hiển hiện. Người ta
thường xem Phật giáo là một tôn giáo, trong chiều hướng Phật giáo chủ
trương một con đường đạo đức, một luận thuyết triết học, đề nghị những
nghi lễ và cách thức tu tập tinh thần trong mục đích giải
phóng con người : vì thế cần phải đặt lòng tin nơi Đức Phật để bước vào con đường ấy. Tuy
nhiên Đức Phật không phải là một vị trời, và Đạo Phật, còn gọi là
Bouddha-darma (Đạo Pháp của Đức Phật) không phải là một tôn giáo thờ
trời, theo ý nghĩa một vị trời sáng tạo.
Le Point: Có phải đấy là một phản ứng chống lại Đạo Bà-la-môn hay không?
P. Cornu : Đức Phật xuất hiện vào một thời điểm mà
các bản kinh Vệ-đà của Đạo Bà-la-môn bị chỉ trích là chỉ biết chú trọng
đến nghi lễ, một số người không chấp nhận khía cạnh ấy của Đạo Bà-la-môn
đứng ra soạn thảo các kinh điển mới gọi là Upanisad, các kinh này quan
tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân. Con đường của
Đức Phật nằm trong bối cảnh diễn tiến đó của kinh điển Upanisad, tuy
nhiên tính cách đặc thù trong luận lý và kinh nghiệm của
Đức Phật khác hẳn các hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn qua các
kinh điển Upanisad như vừa kể.
Đức Phật chủ trương giải thoát các khổ đau bằng các diệt dục
Le Point: Đâu là những khác biệt chính yếu cho thấy những điểm trái ngược giữa hai trào lưu đó?
P. Cornu : Trọng tâm trong những lời giáo huấn của Đức Phật là tính cách vô thường của tất cả mọi sự vật, sự kiện không hề có một “cái ngã” trường tồn, và những gì mà thông thường người
ta gọi là sự tương liên hay là sự tương tạo dựa vào nhiều điều kiện,
nguyên tắc ấy cho thấy mọi hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên
đới với nhau, những hiện tựng này làm điều kiện giúp cho những hiện
tượng
khác hiện hữu.
Tham vọng muốn kiểm soát mọi vật thể và lòng ước mong chận đứng, bằng
bất cứ giá nào, những chuyển động của vô thường, sẽ làm phát sinh những
hiểu biết sai lầm về thế giới này và do đó chỉ đem đến khổ đau mà thôi.
Tại sao lại như thế? Bởi vì tất cả những hành vi của chúng ta đều nhắm
vào ý đồ kiểm soát thế giới này và mọi sự hiện hữu, và sự căng thẳng đó
nhất thiết sẽ tạo ra một hố sâu khổng lồ ngắn cách một bên là những gì
chúng ta mong muốn được nhìn thấy và tin rằng những thứ ấy là hiện thực,
và bên kia là bản thể đích thực của hiện thực.
Le Point: Tuy thế Phật giáo và Ấn Độ giáo đôi khi lại sử dụng một số ngôn từ giống nhau...
P. Cornu : Đúng thế, nhưng ý nghĩa thì lại khác nhau. Hãy lấy thí dụ chữ “karma”
(nghiệp). Trong Đạo Bà-la-môn thuộc hệ thống kinh điển Vệ-đà, karma
tượng trưng cho một hành vi mang tính cách nghi lễ giúp hội nhập với thế
giới thiêng liêng. Đối với Đạo Bà-la-môn cải tiến
trong hệ thống kinh điển Upanisad, thì chữ karma lại mang ý nghĩa về
luân lý : tùy theo hành vi mang phẩm tính thiện hay ác, sẽ tạo ra
một loại khả năng tiềm tàng, và chính khả năng ấy sẽ chín muồi khi tái
sinh trong một kiếp sống thuận lợi hay bất thuận lợi về sau.
Ngoài ra, Ấn độ giáo lại chủ trương một hình thức định mệnh: chẳng hạn
khi rơi vào một giai cấp nào thì phải tùy thuộc vào giai cấp ấy và
không thể nào thoát ra được, bởi vì karma đã quyết định như thế.
Trong khi đó đối với Phật giáo, karma là một hành vi, và trước hết là một ý đồ trong tâm thức. Phật
giáo phân biệt rõ rệt karma nguyên thủy làm nguồn gốc và hậu quả phát
sinh sau đó từ karma, đấy là hai thứ khác nhau không thể lầm lẫn được. Sự
phát sinh của hậu quả không thể tránh khỏi, nếu ta không làm gì cả để
hoá giải nó, và hơn thế nữa ta còn có thể tinh khiết hoá cả karma trước
khi nó chín muồi.
Mặt khác, karma không ép buộc con người phải sống một cách thụ động trong một cấu trúc xã hội đã quy định sẳn : mỗi cá nhân phải tự nắm lấy vận mệnh của mình để tự
giải thoát cho chính mình ra khỏi karma, vì đó là một thứ động cơ thúc
đẩy gây ra khổ đau, cần phải được khắc phục. Người ta cũng có thể tìm hiểu theo phương cách tương tợ đối với chữ “samsara” (luân hồi). Chữ samsara mang
một ý nghĩa giống nhau trong cả hai nền triết học Bà-la-môn và Phật giáo, tức có nghĩa là sự hiện hữu dựa vào nhiều điều kiện.
Nhưng đối với Ấn Độ giáo, con người chỉ có thể thoát ra khỏi samsara
khi nào linh hồn hay “cái ngã” (atman) được giải thoát để hội nhập với
thể dạng Nhất nguyên vĩ đại.
Trong khi đó đối với Phật giáo, samsara trước hết là một sự quán nhận,
phát sinh từ nhiều điều kiện, về một sự hiện hữu do karma và dục vọng
của chính mình tạo tác, vì thế mỗi cá nhân phải tự giải thoát chính mình
ra khỏi cảnh giới luân hồi.Vì vậy, cần phải định nghĩa trở lại các ngôn từ trong từng trường hợp một.
Le Poìnt : Phật giáo có thu nạp các vị trời của Ấn giáo hay không ?
P. Cornu : Có. Toàn bộ hậu cảnh huyền thoại của Ấn giáo đã được thu nạp vào Phật giáo. Nhưng ở đây cũng phải nhắc lại thêm một lần nữa, tuy Phật giáo đã thu nạp nhưng thu nạp với ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Thật vậy, theo Phật giáo các vị trời đều được xem là thuộc vào cảnh giới samsara (luân hồi). Vi chính các vị trời vẫn còn vướng mắc trong sự lầm lẫn. Dù cho họ có một đời sống lâu dài đi nữa,
nhưng khi karma đã cạn, họ sẽ rơi vào một cảnh giới khác của samsara. Họ không thể thoát khỏi bản chất có tính cách toàn diện của khổ đau.
Le Point : Nhưng tại sao nền triết học ấy chủ trương tìm kiếm sự giải thoát, lại còn cần đến các vị trời?
P. Cornu : Đức Phật không hề tìm cách bài bác bất cứ một thứ gì. Ngài chỉ đơn giản đặt mọi sự vật vào đúng vị trí của chúng. Các
vị trời không phải là mục đích cũng không phải là những nhu cầu của
Ngài, và đương nhiên không hề là một đối tượng cho sự nương tựa.
Trong Phật giáo người ta nương tựa vào nguyên tắc của Giác ngộ, vào
những lời giáo huấn đưa đến Giác ngộ, và vào tập thể những người đã chọn
những lời giáo huấn ấy. Đấy là những gì mà người ta gọi là Tam Bảo: Đức Phật, Dharma (Đạo Pháp) và Sangha (Tăng đoàn).
Đức Phật là nguyên tắc của Giác ngộ, vì thế Ngài là một vị hướng dẫn;
Dharma là những lời giáo huấn và cách thức tu tập mà Đức Phật đã khuyên
bảo để giúp đưa đến Giác ngộ ; Sangha là tập thể Tăng đoàn, nhất thiết
họ là những tu sĩ, những vị hiền nhân.
Các vị trời được xem như những gì mang tính cách truyền thống lâu đời:
người ta kính trọng các vị ấy như những người láng giềng và xem họ là
những biểu hiện mang tính cách dân gian, những vị ấy rồi sẽ tự xoá mờ,
dần dần từng chút một, trước một mục đích cao rộng hơn. Chính sự bao dung đó đã giải thích sự thành công của Phật giáo. Đó là một nền triết học thật mềm dẻo đủ sức để thích ứng với
tất cả mọi nền văn hoá.
Le Point: Phật giáo không chấp nhận giai cấp trong xã hội. Vậy có
phải Phật giáo chống lại trật tự xã hội của Đạo Bà-la-môn hay chăng ?
P. Cornu : Từ nguyên thủy, chủ đích của Đức Phật không phải là thay đổi trật tự xã hội. Nhưng
chỉ để thiết lập một dòng tu sĩ, nhưng vì vị thế tự đứng ra bên ngoài
thế giới này, nên dòng tu sĩ ấy đã mở cửa đón nhận tất cả mọi cá nhân,
thuộc tất cả mọi nguồn gốc và giai cấp, đúng hơn phải nói là Đức Phật đã
tạo ra một sự dứt bỏ.
Le Point : Phật giáo sau đó đã phát triển thật mạnh mẽ trong đế
quốc của vua A-Dục. Tại sao Phật giáo đã chủ trương niềm tin về “vô ngã”
lại có thể phù hợp được với sức mạnh của uy quyền?
P. Cornu : Nền triết học đó không hề tìm cách thay
đổi một xã hội, nhưng chỉ chủ trương sự biến cải cá nhân trong lòng của
mỗi cá nhân: nhưng nếu vì thế mà xã hội có thay đổi đi nữa, thì đó chính
là nhờ từng cá nhân đã tu tập để tự biến cải tận đáy lòng của chính họ.
A-Dục là một vị đế vương xuất thân từ dòng dõi võ bị ; triều đại khởi
sự bằng chém giết : và chính vào thời điểm đó ông ấy đã ý thức được khổ
đau là gì và đã quy y.
Nhưng chúng ta cũng không nên lầm lẫn: quả thật có một huyền thoại mạ
vàng về sự kiện vua A-Dục quy y làm một Phật tử, và đã đem đến thanh
bình và hạnh phúc cho toàn cõi vương quốc của ông. Trong đó có một phần sự thật, vì thực tế không hoàn toàn chỉ có màu hồng, dù sao đi nữa vua A-Dục cũng là một vị vua độc đoán...
Le Point :Làm thế nào để giải thích Phật giáo đã chinh phục được
cả Á châu lại biến mất ở Ấn Độ, trong khi Ấn giáo gần như không bành
trướng ra khỏi Ấn Độ nhưng vẫn tiếp tục sinh động trên bán lục địa này?
P. Cornu : Phật giáo đối đầu với Ấn giáo, giống như
là một hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn khi Phật giáo tiếp xúc với
Đạo này, Phật giáo ăn sâu vào các cấu trúc xã hội và được chính quyền
nâng đỡ. Nhưng về sau Phật giáo đã bị các đạo quân Hồi giáo tiêu diệt khi xâm chiếm lãnh thổ Ấn Độ. Phật giáo chủ trương thiết lập những Đại học to lớn, chẳng hạn như Na-lan-đà, gồm hàng ngàn tu sĩ, đấy là nhưng nơi tập trung
đông đảo về nhân sự nên dễ bị tiêu diệt. Ấn giáo dựa vào cấu trúc gia đình vì thế khó bị hủy diệt hơn.
Cũng nên thẳng thắn mà nói: chính những đạo quân Hồi giáo đã làm cho
Phật giáo biến mất ở Ấn Độ giữa buổi bình minh của thế kỷ XIII.
Hoàng Phong (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét