Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Chân nhân

 Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật nói có bốn hạng người:
1. Hạng người thứ nhất: Không ai hỏi về cái tốt của mình mà cứ nói, huống là có hỏi.
2. Hạng người thứ hai: Có ai hỏi đến cái tốt của người cũng chỉ nói bập bẹ, nói ngập ngừng, huống là không hỏi (tức chẳng nói).
3. Hạng người thứ ba: Không ai hỏi đến cái xấu của người mà cứ nói, huống là có hỏi.
4. Hạng người thứ tư: Có ai hỏi đến cái xấu của mình thì che giấu, huống là không hỏi (tức chẳng bao giờ nói).
BÌNH:
Thấy lỗi người, che giấu lỗi mình, khoe khoang cái hay của mình và che dấu cái hay của người là căn bệnh trầm kha của con người. Nó là bức tường kiên cố ngăn cách đạo giải thoát. Vì nồng cốt của đạo Phật là “Vô Ngã”. Người muốn giải thoát sanh tử phải phá tan ngã chấp. Nếu tâm chấp ngã còn nặng trĩu thì không mong gì giải thoát được. Sở dĩ che giấu lỗi mình, vạch bày lỗi người v.v...là gốc của si mê chấp ngã. Muốn dứt trừ bệnh si mê chấp ngã, điều kiện trước tiên phải dẹp trừ tâm lỗi lầm “thấy lỗi người, che dấu lỗi mình...”. Lục Tổ dạy: “Người đời nếu thật tu hành, đừng thấy lỗi thế gian. Các việc muốn không ngại, thường phải thấy lỗi mình, như thế mới hợp với đạo”.
Trên bước đường tu tập của chúng ta, muốn khỏi bị chướng ngại thì phải xoay lại chính mình, tự kiểm điểm từng tâm niệm để xét nét những lỗi lầm khi tâm vừa dấy khởi. Nếu tu hành như vậy, chúng ta đâu có thì giờ rảnh rỗi để nghỉ đến lỗi lầm của kẻ khác. Người dụng tâm như vậy tiến đạo không khó. Phật gọi người này là “người chân thật” (chân nhân). Trái lại, người ôm lòng chấp ngã, bươi móc lỗi người che dấu cái hay, cái tốt của kẻ khác, chính là kẻ tà vạy, không phải người chân chính (giả đạo nhân).
Vậy chúng ta nên đem những điều Phật dạy trên để làm cây thước đo lại lòng mình thuộc “chân” hay “giả”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét