Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Phân tích về các Cõi-Giới

Trích từ: Đường vào Thắng pháp

Tỳ khưu Chánh Minh

Cõi

(Bhūmi).

198 – Hỏi. Cõi là gì? Có bao nhiêu cõi?
Đáp. Chữ bhūmi xuất nguyên từ ngữ căn bhū nghĩa là “nổi lên”.
Bhūmi là nơi có chúng sinh sinh sống. Như có Pāli giải thích:
“Bhavanti sattā etthāti bhūmi: Chúng sinh hiện khởi nơi nào, nơi đó gọi là cõi”.
Nói gọn có ba cõi là: Cõi Dục giới, cõi  Sắc giới và  cõi Vô sắc giới.
Nếu phân tích rộng thì có 31 cõi: Dục giới có 11 cõi, Sắc giới có 16 cõi, Vô sắc giới có 4 cõi.
199 – Hỏi. Hãy kể ra 11 cõi Dục?
Đáp. Mười một cõi Dục là: 4 cõi khổ + cõi người + 6 cõi trời Dục.
Có Pāli như sau: Tāsu, nirayo, tiracchānayoni, pettivisayo, asurakāyo apāyabhūmi catubidhā hoti:
Có bốn cõi “bất hạnh (apāya)” là: Địa ngục, thú (tiracchāna), ma đói (peta) và “thần quỷ (asura)”.
Manussā, cātummahārājikā, tāvatiṃsā, yāmā, tusitā, nimmānarati, paranimmitavasavattī c’āti kāmasugatibūmi sattavidhā hoti:
“Có 7 cõi vui Dục giới (kāmasugatibhūmi) là: Cõi người (manussa), cõi Tứ đại vương(catummahārājā), cõi Ba mươi ba (tāvatiṃsa), cõ iDạma (yāmā), cõi Hóa lạc thiên (nimmānarati), cõi Tha hóa tự tại (paranimmitavasavattī) ” [25].
200 – Hỏi. Vì sao gọi là”cõi bất hạnh”( apāyabhūmi).
Đáp. Apāyabhūmi = apa (lìa bỏ, tách rời) + aya (công đức, công hạnh – kusalakamma) + bhūmi.
Pāli giải thích chữ aya (vacanattha) như sau:
“Tividhasampattiyo ayanti gacchanti pavattanti etenāti = ayo:
“Thành tựu được hạnh phúc nhân, thiên và Nípbàn, gọi là aya (công đức).
Ayati vaḍḍhātīti = ayo: Sự an lạc, gọi là aya (hạnh phúc).
Ayitabbo sāditabboti = ayo: Sự an lạc đáng hài lòng, gọi là aya.
Ayato apagato = apāyo: Lìa bỏ sự đi đến hạnh phúc, gọi là “bất hạnh – apāya”.
Apāyo eva būmi = apāyabhūmi: Nơi chúng sinh sống không có hạnh phúc, gọi là cõi bất hạnh[26].
Cõi bất hạnh (apāyabhūmi) là chỉ chung cho bốn cõi khổ.
Chúng sinh sống trong bốn cõi này, tuy có tâm thiện khởi lên, nhưng rất khó.
Ngay cả chúng sinh cõi nhân loại tuy tâm thiện khởi lên dễ dàng, nhưng phần nhiều lại có khuynh hướng tạo ác nghiệp, còn nói chi đến chúng sinh đang sống nơi khổ cảnh. Đức Phật có dạy:
“Sududdasaṃ sunipuṇaṃ; yatthakāmanipātinaṃ
Cittaṃ rakkhetha medhavī; cittaṃ guttaṃ sukhāvahaṃ
“Khó nắm giữ, khinh động; theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm; tâm điều an lạc đến” (HT. TMC dịch)[27].
Hay:
“Abhittharetha kayāne; pāpā cittaṃ nivāraye.
Dandhaṃ hi karoto puññaṃ; pāpasmiṃ ramati mano.
“Hãy gấp làm điều lành; ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm điều lành, ý ưa thích việc ác” (HT. TMC dịch)[28].
Một từ khác chỉ cho 4 cõi bất hạnh này là duggati.
Duggati theo nghĩa đen là “đi đến khổ”.
Có Pāli giải thích từ duggatibhūmi (cõi khổ) như sau:
*-Du (xấu, bất hạnh)+ gati (đi đến, nơi đến) + bhūmi = duggatibhūmi.
Dukkhassa gati paṭisaraṇanti = duggati:
Đi đến nơi khổ đề nương tựa, gọi là “khổ cảnh”.
*- Dukkhena gantabbāti = duggati:
Đã đi đến nơi khổ, gọi là “khổ cảnh”.
Có 3 trường hợp gọi là “đi đến khổ cảnh”:
Āgāriyapaṭipatti = duggati:
Đời sống ác hạnh của người cư sĩ, gọi là “đi đến khổ”.
Tức là người cư sĩ không giữ gìn 5 giới, hay tạo ác nghiệp do mãnh lực của phiền não.
- Anagāriyapaṭipatti = duggati:
“Đời sống tà vạy của người xuất gia, gọi là “đi đến khổ”.
Tức là bậc xuất gia nuôi mạng không chân chính, nuôi mạng theo 21 cách sống tà mạng được ghi trong tạng Luật, hay là người phá hoại niềm tin của Phật tử.
- Gatiduggati. Chỉ cho 4 cõi bất hạnh[29].
201 – Hỏi. Cõi địa ngục (nirayabhūmi) ra sao?
Đáp. Chữ niraya phân tích thành: Ni (không có) + aya (an lạc).
Niraya (địa ngục) là nơi chúng sinh sống hoàn toàn không có sự an lạc, luôn bị sự khổ thiêu đốt thân tâm.
Chúng sinh sống trong địa ngục là loại chúng sinh hóa sinh, do đó cõi địa ngục cũng là sắc tế.
Theo bộ Sớ giải Người và cõi thì chúng sinh sống trong địa ngục có 3 hạng: Hạng tội nhân, hạng quỷ sứ (nirāyapāla) và Diêm vương (yamarāja).
*- Hạng tội nhân: Là những chúng sinh tạo ác nghiệp, khi mệnh chung phải sinh ra tại chính cảnh giới ấy.
*- Hạng quỷ sứ (nirayapāla). Đây là những chúng sinh không phải sinh ra tại cảnh giới địa ngục, vì tâm tục sinh của họ không phải là tâm Quan sát thọ xả quả bất thiện, mà là quả của tâm đại thiện thấp.
Hạng chúng sinh này là chư thiên tùy chúng của Tứ Đại vương, là những Rakkhasa (Lasát).
Trong địa ngục có những con kên kên, quạ, diều hâu … đó chính là những Dạxoa có thân hình kỳ dị, chứ trong địa ngục không có súc sinh.
*- Diêm vương (yamarāja). Chính là vua của hạng ngạ quỷ vemānika, khi thì sống an lạc như chư thiên cõi Ba mươi ba, khi thì phải chịu khổ trong cảnh giới địa ngục.
Bồtát cũng có lần tái sinh làm Diêm vương  [30].
Theo Sớ giải Tăng chi kinh, pháp 3 chi (Tikaṅguttara – atthakathā); Diêm vươnglà người lạc vô nhân cũng có, là người nhị nhân cũng có, là người tam nhân cũng có.
Khi còn là phàm nhân thì thọ hưởng như đã nói; khi chứng được Thánh quả thì không còn xuống địa ngục nữa, chỉ thọ hưởng quả an lạc như chư thiên mà thôi.
Cõi địa ngục bao gồm 8 đại địa ngục, nằm sâu trong lòng địa cầu, mỗi đại địa ngục cách nhau 15 ngàn do tuần (yojana), nằm chồng lên nhau theo thứ tự, mỗi đại địa ngục có 32 tiểu địa ngục hay “đa khổ địa ngục (ussada)”.
Diêm chúa là người cai quản tiểu địa ngục, mỗi đại địa ngục có 8 vị Diêm chúa, như vậy có tất cả là 256 Diêm chúa (xin xem  thêm Chú giải người và cõi do Đại Đức Thiện Phúc dịch, hay Chúng sinh và sinh thú do Đại Đức Giác Nguyên dịch).
2o2 – Hỏi. Do nhân nào tái sinh làm quỷ sứ (nirayapāla)?
Đáp. Đây là hạng chúng sinh khi là người, thích hành hạ chúng sinh khác, nhưng cũng biết tạo phước lành.
Nhờ phước lành ấy giúp họ sinh vào cõi Tứ đại vương, nhưng loại phước lành này có khuynh hướng (nikantitaṅhā) thích hành hạ người khác.
Chính bản tính hung dữ ấy khiến các Lasát (rakkhita) này xuống địa ngục hành hạ tội nhân để tiêu khiển, các quỷ sứ hành hạ tội nhân không biết chán, tội nhân càng nhiều đau khổ họ càng thích thú.
203 – Hỏi.  Hãy giải thích về cảnh giới thú (tiracchānabhūmi).
Đáp. Có Pāli giải thích từ tiracchāna như sau:
*- Tiro añjantīti = tiracchāna: Đi ngang hàng, gọi là thú”
Câu giải tự trên đây có 2 ý:
- Nhân loại hay các chúng sinh khác, khi đi thường đầu cao hơn thân mình và đầu ngẫng lên cao. Còn những chúng sinh nào, khi đi đầu cúi xuống ngang với thân mình, gọi là thú.
- Khi đã sinh vào sinh chủng này, cho dù là Bồtát Chánh giác cũng không có đủ trí để chứng đắc Đạo – quả. Thánh trí đã bị ngăn lại, chí đến thiền định cũng không chứng đắc, nên gọi là “ngang hàng”.
Loài thú rất đa dạng với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung gom vào 4 loại:
*- Loài không chân (apadatiracchāna). Như cá, rắn, trùn (giun)… Cao nhất trong loài không chân là loài rồng (nāga).
Bồtát cũng có những kiếp làm Long vương, như Long vương Bhūridatta khi Ngài thực hành trì giới Balamật[31].
*- Loài hai chân (dvipadatiracchāna): Như chim, gà, vịt…
Những loài này tuy có 2 chân như người, nhưng khi đi đầu chúi xuống, thân không đứng thẳng  gần như ngang hàng với đầu, nên xếp vào loài thú.
Cao nhất trong loài thú 2 chân là chim Kim xí điểu (garuda – Đại bàng).
*- Loài bốn chân (catuppadatiracchāna): Như, nai, cọp… Cao nhất trong loài bốn chân là sư tử và voi.
Bồtát cũng có lúc làm voi như voi Chaddanta có hiếu với mẹ, hay làm sư tử chúa…[32]
*- Loài nhiều chân (bahuppadatiracchāna): Như rết, châu chấu…
Loài thú có hai loại: Loại thấy được bằng mắt và loại quá nhỏ đến nổi mắt thường không thấy được.
Loài thú dưới nước nhiều hơn loài thú sống trên cạn.
Chỗ trú của loài thú ở khắp nơi, nhưng không lên đến cõi Tứ đại vương, tuổi thọ của chúng bất định.
204 – Hỏi. Hãy giải thích về cảnh giới “ma đói” (petabhūmi)?
Đáp.  Chữ Peta là hợp từ của pa + ita.
Theo nghĩa của ngữ nguyên thì peta là “những chúng sinh đã chết” hay “những chúng sinh không có hạnh phúc”[33].
Chúng sinh “ma đói – peta” thuộc hạng hóa sinh, nên thân xác họ là sắc tế, mắt thường không thể thấy được.
Chỗ ở của hạng chúnng sinh này thì bất định, chúng ở cùng khắp như  rừng, núi, đảo, ven biển, vực thẳm, ở quanh nhà…
Trong dãy Hy mã lạp sơn, có khu rừng tên là Vijjhaṭavī, là thành phố của 12 loại ngạ quỷ[34]; chúa của nhóm ngạ quỷ là loài ngạ quỷ Mahiddha.
Trong bộ Lokapaññatti (Thế gian chế định) có ghi nhận:
Yattha petanagare petamahiddhiko sabbapetānam issoyādhipaccaṃ karoti:
“Bất luận nơi nào là thành phố ngạ quỷ, ngạ quỷ Mahiddhika là chúa của tất cả ngạ quỷ ở nơi ấy”.
Nói gọn thì có bốn hạng ngạ quỷ:
*-Paradattupajīkapeta: Ngạ quỷ sống bằng thực phẩm của người khác.
*- Khuppipāsikapeta: Ngạ quỷ luôn luôn đói khát.
*- Nijjhāmataṅhikapeta: Ngạ quyên thường xuyên bị lửa đốt.
*- Kāḷakañcikapeta: Atula ngạ quỷ .
Bồtát khi được Đức Chánh giác thọ ký, chỉ có thể sinh làm ngạ quỷ Paradattupajīkapeta, không sinh vào 3 hạng ngạ quỷ kia.
Tuổi thọ của ngạ quỷ bất định, tùy thuộc vào ác quả nặng hay nhẹ tuổi thọ lâu dài hay ngắn hạn.
205 – Hỏi. Hãy giải thích về cõi “Atula” (asurabhūmi).
Đáp. Có Pāli định nghĩa về asura (atula) như sau:
“- Na suranti issariyakilaadihi na dibbhantīti = asurā:
“Chúng sinh nào không sáng chói về quyền lực, không hân hoan, gọi là Atula”.
- “Asurānaṃ kāyo = asurakāyo: Tập hợp những Atula, gọi là nhóm Atula”[35].
“Sáng chói”,  ở đây không mang ý nghĩa “hào quang sáng chói”, mà chỉ cho cuộc sống cơ cực. Như những người nghèo khổ, do kiếp trước có tâm bỏn xẻn không tạo phước bố thí, kiếp này may mắn sinh làm người nhưng nghèo khổ, cuộc sống vất vả.
Không hân hoan”, cho dù những người này có được vật thực để nuôi mạng sống, nhưng là loại vật thực kem cõi, đời sống luôn ưu tư về “chen cơm manh áo”, tâm trí không có sự hân hoan vui thích như những người có phước khác. Đức Phật có dạy:
- Người ví như  chúng sinh địa ngục. Là hạng người phạm quốc luật, bị giam cầm trong ngục…
- Người ví như loài thú. Là hạng nô lệ.
- Người ví như ngạ quỷ. Là hạng hành khất, cô lão… thường bị đói khát.
- Người ví như Atula. Là hạng người vất vả trong cuộc sống.
- Người ví như người. Là hạng người tâm trí hân hoan, vui thích trong cuộc sống.
- Người như chư thiên. Như vua, quan, Hoàng hậu…
Cảnh giới khổ Atula, ám chỉ cho nhóm Kāḷakañcikapeta (có giải thích ở trên). Chỗ ở của nhóm Atula (asurakāyo) này bất định.
Atula ngạ quỷ (petti asura) có 3 loại là:
- Kāḷakañcikapeta-asura. Là nhóm asura ngạ quỷ được trính bày ở trên.
- Vemānikapeta-asura.
- Āyuvaddhikapeti-asura. Là loại Atula trang bị vũ khí để tìm đánh nhau.
Tuổi thọ nhóm Atula này bất định tùy theo ác nghiệp nặng nhẹ mà tuổi thọ dài ngắn khác nhau. Có Pāli  như sau:
“Tesu catummaṃ apāyānaṃ manussāṃ vinipātikāsurānañ ca āyuppamāāgaṇanāya niyamo natthi:
“Không có cố định tuổi thọ đối với những chúng sinh trong khổ cảnh, Atula đọa lạc và người”[36].
206 – Hỏi. Hãy giải thích 7 cõi vui Dục giới?
Đáp. Bảy cõi vui Dục giới là:
1- Cõi người (manussabhūmi).
Cõi người bao gồm những chúng sinh sống ở bốn châu là: Nam thiện bộ châu (Jampūdīpa), Bắc cưu lư châu (Uttarakurudīpa). Đông thắng thần châu (Pubbavidehadīpa) và Tây ngưu hóa châu (Aparagoyānadīpa).
Nhưng chữ Manussa (nhân loại) thường chỉ cho người ở Nam thiện bộ châu.
Có Pāli giải thích manussa như sau:
Mano ussannaṃ etesanti = mamussa:
“Có tâm chói sáng và dũng cảm, gọi là manussa (người)”.
Người Nam thiện bộ châu có tâm dũng cảm với 2 tính cách: Thiện và ác.
- Về thiện. Người Nam thiện bộ châu khi tu tiến,  có khả năng thành tựu được Chánh đẳng giác, Bích chi, Thượng thủ thinh văn, Đại thinh văn, bậc Alahán thường, thành tựu Thiền định, Thắng trí hay có bậc Chuyển luân vương xuất hiện.
- Về ác. Có thể phạm vào 5 tội đại nghịch : Giết cha, giết mẹ, giết vị Thánh Alahán, làm chảy máu Phật và chia rẻ Tăng chúng.
Người ba châu kia không có được tâm dũng mãnh cả tốt lẫn xấu như người Nam thiện bộ châu.
Tuổi thọ người Nam thiện bộ châu bất định, có khi sống rất lâu, có khi sống rất ngắn.
Như trong thời Đức Phật Vipassī, chúng sinh có tuổi thọ là 80.000 tuổi; trong thời Đức Phật Sikhī, tuổi thọ loài người là 70.000 tuổi, trong thời Đức Phật của chúng ta, tuổi thọ loài người là 100 tuổi[37].
Người Đông thắng thần châu có tuổi thọ ổn định là 700 năm; người Tây ngưu hóa châu có tuổi thọ ổn định là 500 năm; người Bắc cưu lư châu có tuổi thọ ổn định là 1000 năm.
2- Cõi Tứ đại vương (Catummahārājabhūmi).
Cõi này có bốn vị chúa mỗi vị hộ trì một châu:
*- Thiên vương Dhataraṭṭha (Trì quốc thiên vương), ở hướng Đông, cai quản nhóm Hương thần (gandhabba – Cànthátbà), hộ trì Đông Thắng thần châu.
*- Thiên vương Viruḷhaka (Tăng trưởng thiên vương), ở hướng Nam, cai quản nhóm Kumbhaṇḍa (Thế quỷ – Cưubàntrà, là hạng chư thiên có bụng to), hộ trì Nam thiện Bộ châu.
*- Thiên vương Virūpakkha (Quảng mục thiên vương), ở hướng Tây, cai quản loài rồng, hộ trì Tây ngưu hóa châu.
*- Thiên vương Kuvera hay Vessavana (Đa văn thiên vương), ở hướng Bắc, cai quản nhóm Dạxoa (yakkha), hộ trì Bắc Cưu lư châu.
Một ngày đêm ở cõi Tứ đại vương bằng 100 năm cõi nhân loại.
Chư thiên cõi Tứ đại vương có tuổi thọ là 500 năm, tính theo nhân loại là 9 triệu năm[38].
Cõi Tứ Đại vương ở nửa núi Tudi (Sineru), cách xa cõi nhân loại là 42 ngàn do tuần, cách xa cõi Đao lợi là 42 ngàn do tuần.
3- Cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsabhūmi).
Cõi này có 33 vị thiên chủ, đứng đầu là vua Trời Đế Thích (sakka). Cõi Ba mươi ba cách xa cõi Tứ Đại vương là 42 ngàn do tuần.
Từ cõi này trở lên là khoảng hư không; chư thiên cõi Ba mươi ba có 2 hạng là:
*- Địa cư thiên (bhummaṭṭhadevatā). Là những vị chư thiên có thiên cung trên mặt đất.
*- Không cư thiên (ākāsaṭṭhadevatā). Là những vị chư thiên có thiên cung lơ lửng giữa hư không.
Kể từ cõi này trở lên chỉ có một hạng chư thiên là “không cư thiên”.
Một ngày đêm cõi Ba mươi ba bằng 100 năm cõi nhân loại, tuổi thọ chư thiên cõi Ba mươi ba là 1.000 năm, tính theo nhân loại là 36 triệu năm (sđd).
4- Cõi Dạma (Yāmābhūmi).
Chữ yāma xuất nguyên từ ngữ căn YAṂ, nghĩa là “tiêu diệt”.
Yāma là “tiêu diệt nóng bức, khó chịu”.
Cõi này dành cho những người làm việc lành với tâm mát mẻ; chư thiên ở cõi này không có sự nóng bức.
Vị chúa cõi này có tên là Suyāma hay Yāma
Cõi Dạma cách cõi Ba mươi ba là 42 ngàn do tuần; một ngày đêm trên cõi này tương đương với 200 năm cõi nhân loại. Tuổi thọ chư thiên cõi Dạma là 2.000 năm, tương đương với 144 triệu năm cõi nhân loại (sđd).
5- Cõi Đẩu-suất (Tusitabhūmi).
Cõi này dành cho những người tạo phước thiện balamật (pāramī). Bồtát Chánh đẳng giác, Bồtát Bích chi (paccekabodhisatta) Bồtát Thượng thủ thinh văn, kiếp áp chót thường tái sinh về cõi này.
Chúa cõi này có tên là Santusiya, cõi này cách cõi Dạma là 42 ngàn do tuần, một ngày đêm cõi này bằng 400 năm cõi người; tuổi thọ chư thiên cõi này là 4.000 tuổi, tương đương với 516 triệu năm cõi nhân loại (sđd).
6- Cõi Hóa lạc (Nimmānarati).
Đây là quả của sự tu tập thiền tịnh còn non kém, nhưng cũng đạt đến chi hỷ của thiền.
Chúa cõi này có tên là Sunimmita, cõi này cách cõi Đẩu-suất là 42 ngàn do tuần.
Một ngày đêm ở cõi này bằng 800 năm cõi người, tuổi thọ chư thiên ở cõi này là 8.000 tuổi, tương đương với 2064 triệu năm cõi nhân loại (sđd).
7- Cõi Tha hóa tự tại (paranimmitavasavatti).
Đây là quả phước của sự tu tập thiền chỉ đạt đến cận định.
Chúa cõi này có tên là Paranimmita, cõi này cách cõi Hóa lạc 42 ngàn do tuần.
Một ngày đêm ở cõi này bằng 1.600 năm cõi nhân loại; tuổi thọ chư thiên ở cõi này là 1600 năm, tương đương với 8256 triệu năm cõi nhân loại (sđd).
207 – Hỏi. Cõi Sắc giới (rūpavacarabhūmi) ra sao?
Đáp. Cõi Sắc giới là chỗ nương trú của các vị Phạm thiên. Như Pāli  giải thích:
-“Rūpabrahmanaṃ avacarā bhūmi =  rūpavacarabhūmi:
“Nơi Phạm thiên nương trú, gọi là cõi Sắc giới”.
Phạm thiên là “người thành tựu ân đức thù diệu, như ân đức thiền…”
Có câu giải thích về Phạm thiên (brahmana) như sau:
“Brūhanti vaḍḍhanti adhipanītehi jhānādiguṇehīti = brahmāno:
“Những vị chứng đạt, phát triển các pháp tính ưu việt như ân đức thiền.., gọi là Phạm thiên”.
Nói cách khác, vị chứng đạt được thiền định, không bị hoại thiền, sau khi mệnh chung tái sinh về một cảnh giới tương ứng với tầng thiền chứng đạt, vị ấy được gọi là Phạm thiên.
208 – Hỏi. Có bao nhiêu cõi Sắc giới? Hãy kể ra.
Đáp. Có tất cả là 16 cõi Sắc giới, như sau:
*- Tầng Sơ thiền có 3 cõi là: Cõi Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjabhūmi), cõi Phạm phụ thiên(Brahmapurohitabhūmi) và cõi Đại phạm thiên (Mahābrahmābhūmi).
Có Pāli như sau: Brahmapārisajjā, brahmapurohitā, mahābrahmanā c’āti pathamajjhābabhūmi:
“Cõi Sơ thiền là: Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại phạm thiên”[39].
*- Tầng Nhị thiền có 3 cõi là: Cõi Thiểu quang thiên (Parittābhābhūmi), cõi Vô lượng quang thiên(Appamāṇābhābhūmi) và cõi Quang âm thiên (Ābhassarābhūmi).
Có Pāli như sau: Parittābhā, appamāṇābhā, ābhassarā c’āti dutiyajjhānabhūmi:
“Cõi Nhị thiền là: Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên và Quang âm thiên” (sđd).
*- Tầng Tam thiền có 3 cõi là: Cõi Thiểu tịnh thiên (Parittasubhābhūmi), cõi Vô lượng tịnh thiên(Appamāṇasubhābhūmi) và cõi Biến tịnh thiên (Subhākiṇṇābhūmi).
Có Pāli như sau:
“Parittasubhā, appamāṇasubhā, subhakiṇnā c’āti tatiyajjhānabhūmi:
“Cõi Tam thiền là: Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên.”(sđd)”.
*- Tầng Tứ thiền có 7 cõi là: Cõi Quảng quả (Vehappalābhūmi), cõi Vô tưởng (Asaññasattabhūmi) và 5 cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa). Có Pāli như sau:
-“Vehapphalā, asaññasattā, suddhāvāsā c’āti catutthajjhaanabhūmī’ti:
“Cõi Tứ thiền là: Quảng quả, Vô tưởng và Tịnh cư” (sđd).
Năm cõi Tịnh cư là nơi dành cho bậc Thánh Anahàm và bậc thánh Alahán.
Phàm nhân hay bậc Thánh Sơ quả, Nhị quả không thể tái sinh về nơi này, nên 5 cõi này còn được gọi là Thánh cư (ariyavāsa).
Đó là: Cõi Vô phiền (Avihābhūmi), cõi Vô nhiệt (Atappābhūmi), cõi Thiện kiến (Sudassābhūmi, cõiThiện hiện (Sudassī bhūmi) và cõi Sắc cứu cánh (Akaniṭṭhabhūmi).
Có Pāli như sau: “Avihā, atappā, sudassī, sudassā, akaniṭṭhā c’āti suddhāvāsabhūmi pañcavidhā hoti:
Cõi Tịnh cư có năm là: Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến và Sắc cứu cánh”.
“Puthujjhanā na labbhanti suddhāvāsesu sabbattā. Sotāpannā ca sakadāgāmino cāpi puggalā:
“Phàm nhân, bậc Dự lưu, bậc Nhất lai không sinh vào Tịnh cư thiên trong mọi trường hợp”(sđd).
209 – Hỏi. Ba cõi tầng Sơ thiền ra sao?
Đáp.Tầng Sơ thiền có 3 cõi là:
*- Cõi Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjabhūmi).
Có Pāli như sau:Parisati bhavā = pārisajjā:
Trong nhóm đồ chúng, gọi là pārisajjā.
Tức là hạng Phạm thiên thông thường, không có quyền lực gì đáng kể.
Gọi là Phạm chúng thiên, nghĩa là Phạm thiên tùy tùng của Đại Phạm thiên. Ví như “dân chúng” trong một nước.
“Brahmānaṃ pārisajjā = brahmapārisajjā: Phạm thiên đồ chúng, gọi là “Phạm chúng thiên”.
Tên gọi “Phạm chúng thiên” là do nương theo chỗ trú của các Phạm thiên mà định danh như thế.
Như các Ngài dẫn ra:
“Brahmapārisajjānaṃ nibbātāti = brahmapārisajjā:
“Chỗ trú của Phạm thiên đồ chúng, gọi là Phạm chúng thiên”.
Vị Thánh Anahàm không đắc thiền, khi mệnh chung sinh về cõi này, do mãnh lực diệt trừ được tham dục và sân hận.
*- Cõi Phạm phụ thiên (Brahmapurohitabhūmi).
“Pure ucce tīhāne chanti tiṭṭhantīti = purohitā:
Người phụ giúp, có chức vụ cao, gọi là cố vấn”.
Hay: Brahmānaṃ purohita = brahmapurohitā:
“ Phạm thiên cố vấn, gọi là Phạm phụ thiên”.
Các vị Phạm phụ thiên ví như các quan đại thần trong quốc độ.
Chỗ nương trú của các Phạm phụ thiên, gọi là cõi Phạm phụ thiên.
Như có Pāli sau: Brahmapurohitānaṃ nibbattāti = brahmapurohitā:
“Chỗ trú của Phạm thiên cố vấn, gọi là Phạm phụ thiên.
*- Cõi Đại Phạm thiên (mahābrahmābhūmi).
“Mahanto brahmā = mahābrahmā: “Phạm thiên lớn nhất, gọi là Đại phạm thiên.”
Đại Phạm thiên là vị cai quản cõi Sơ thiền, giống như vua của một nước.
Khi vũ trụ này mới hình thành, vị Phạm thiên sinh ra trước nhất trong tầng Sơ thiền, vị ấy được gọi là Đại Phạm thiên[40].
Như vậy, Đại Phạm thiên chỉ có một vị, điều này được tìm thấy qua đoạn Phật ngôn trong bộ Tương ưng kinh, phẫm ương ưng Phạm thiên (brahmasaṃyutta) như sau:
“Tatra sudaṃ bhikkhave brahmā (mahābrahmā) ca brahmaparisā ca brahmapārisajjā ca ujjhāyanti khīyanti…”
Theo đoạn Pāli trên, từ chỉ vị Đại Phạm thiên dùng số ít, còn từ chỉ Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên thì dùng số nhiều[41].
Có 3 hạng Đại Phạm thiên:
*- Đại Phạm thiên có hào quang chói sáng cả 1.000 vũ trụ (cakkavāla), gọi là Sahassabrahma.
*- Đại Phạm thiên có hào quang chói sáng cả 2.000 vũ trụ, gọi là Dvisahassabrahma.
*- Đại Phạm thiên có hào quang chói sáng cả 3.000 vũ trụ, gọi là tisahassabrahma.
Tuy gọi là 3 cõi Sơ thiền, thật ra ba cõi này nằm ngang hàng nhau, cách cõi Tha hóa tự tại 5.508.000 do tuần.
Các Phạm thiên có những phạm cung xinh đẹp (Kinh Phạm Võng), nằm lơ lửng, trôi nổi giữa hư không, nền bằng 7 loại ngọc báu, có vườn hoa, ao hồ…
Trong tầng Sơ thiền ấy có ranh giới để phân chia khu vực của 3 bậc Phạm thiên trong tầng ấy.
Các Phạm thiên tầng Sơ thiền tục sinh bằng tâm quả Sơ thiền Sắc giới.
Tuổi thọ của Phạm Chúng thiên là một phần ba kiếp trái đất, tuổi thọ của Phạm phụ thiên là nửa kiếp trái đất, tuổi thọ vị Đại Phạm thiên là một kiếp trái đất.
Đây là tính kể từ vũ trụ hình thành cho đến khi vũ trụ bị hoại, nếu vị Phạm thiên sinh lên vào lúc tuổi thọ trái đất là một nửa thì tuổi thọ ngắn lại. Vì khi vũ trụ bị hoại thì cả tầng Sơ thiền cũng bị hoại theo.
Có Pāli như sau: Tesu brahmapārisajjānaṃ devānaṃ kappassa[42] tatiyo bhāgo āyuppamāṇaṃ:
“Ở các cảnh giới này, thọ mạng của các chư thiên Phạm chúng thiên là một phần ba kiếp trái đất (kappa)”.
“Brahmapurohitānaṃ upaddakappo, mahābrahmānaṃ eko kappo:
Phạm phụ thiên là nửa kiếp, Đại Phạm thiên là 1 kiếp”[43].
210 – Hỏi. Ba cõi tầng Nhị thiền ra sao?
Đáp. Tương tự như tầng Sơ thiền, tầng Nhị thiền cũng có 3 cõi và tên gọi do nương theo chỗ ngụ và tính chất của các vị Phạm thiên ấy.
*- Cõi Thiểu quang thiên (Parittasubhābhūmi).
Là những vị Phạm thiên có hào quang tỏa ra ít hơn so với những Phạm thiên cao hơn.
Có Pāli giải thích như sau:
Parittā ābhā etesanti = parittābhā:
Hào quang ít hơn, gọi là parittābhā (thiểu quang)”.
Parittābhāvaṃ nibbattāti = parittābhā:
Trú xứ của các Phạm thiên ít hào quang, gọi là Thiểu quang thiên.
Các Phạm thiên này giống dân chúng  trong “xứ nhị thiền”.
*- Cõi Vô lượng quang thiên (appamāṇābhūmi).
Là những vị Phạm thiên có hào quang tỏa ra nhiều vô số.
Có Pāli giải thích như sau:
Appamāṇā ābhā etesanti = appamāṇābhā:
“Hào quang nhiều vô số, gọi là vô lượng quang.
Appamāṇābhānaṃ nibbattāti = appamāṇābhā:
Trú xứ của Phạm thiên có hào quang tỏa ra vô số, gọi là cõi Vô lượng quang thiên.
Các vị Phạm thiên ở cõi này ví như các quan đại thần trong xứ “Nhị thiền”.
*- Quang âm thiên (ābhassarābhūmi).
Là những Phạm thiên có hào quang tỏa ra từ thân rất xinh đẹp.
Có Pāli giải thích như sau:
Sarati nissaratīti = sarā:
Hào quang có chỗ chiếu ra, gọi là sarā (tia sáng).”
Ābhāsarā etesanti = ābhassarā:
Phạm thiên có hào quang từ thân xẹt ra, gọi là “Quang âm ”.
Ābhassarā nibbattāti = ābhāsarā:
Trú xứ của các Phạm thiên Quang âm, gọi là Quang âm thiên.
Các Phạm thiên Thiểu quang có vai trò như Phạm chúng thiên tầng Sơ thiền.
Các Phạm thiên Vô lượng quang có vai trò như các Phạm phụ thiên ở tầng Sơ thiền.
Các Phạm thiên Quan âm có vai trò như Đại phạm thiên ở tầng Sơ thiền.
Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggañña suttanta) trong Trường bộ kinh, thủy tổ loài người chính là những vị Phạm thiên cõi Quang âm này.
Các vị Phạm thiên Quang âm, có tâm tràn đầy hỷ lạc sung mãn rất tinh khiết, nên tạo ra sắc tâm tinh khiết, chính do sắc tâm này làm duyên cho sắc thời tiết sinh lên rồi hiển lộ thành hào quang rất xinh đẹp.
Các Phạm thiên ở tầng Nhị thiền tục sinh bằng tâm quả Nhị thiền Sắc giới và tâm quả Tam thiền Sắc giới.
Với tâm quả Nhị thiền Sắc giới làm việc, các vị Phạm thiên này là Phạm thiên Thiểu quang, hay Phạm thiên Vô lượng quang.
Với tâm quả Tam thiền Sắc giới làm việc tục sinh, các vị Phạm thiên này là Quang âm phạm thiên
Tầng Nhị thiền cách xa tầng Sơ thiền 5. 508.000 do tuần, cấu trúc tầng Nhị thiền giống như tầng Sơ thiền nhưng chói sáng hơn.
Tuổi thọ các vị Phạm thiên tầng Nhị thiền như sau:
- Tuổi thọ các vị Phạm thiên Thiểu quang thiên là 2 kiếp trái đất.
- Tuổi thọ các vị Phạm thiên Vô lượng quang là 4 kiếp trái đất.
- Tuổi thọ các vị Phạm thiên Quang âm là 8 kiếp trái đất.
Có pāli như sau:
Parittābhānaṃ dve kappāni; appamāṇābhānaṃ  cattāri kappāni; ābhassarānaṃ aṭṭha kappāni:
“Thiểu quang thiên có (tuổi thọ) 2 kiếp trái đất; Vô lượng quang thiên là 4 kiếp trái đất; Quang âm thiên là 8 kiếp trái đất” (sđd).
Sự hoại vũ trụ được ghi nhận là: 7 lần hoại do lửa có một lần hoại do nước.Khi vũ trụ bị hoại do nước sẽ hủy diệt hết cõi Nhị thiền.
Do đó số lượng tuổi thọ các vị Phạm thiên Quang âm là 8 kiếp trái đất.
Nhưng nếu các vị ấy sinh sau hơn thì tuổi thọ không đến 8 kiếp trái đất.
211 – Hỏi. Ba cõi tầng Tam thiền ra sao?
Đáp. Tương tự như tầng Sơ hay Nhị thiền, tầng Tam thiền cũng có ba cõi là:
*- Cõi Thiểu tịnh thiên (parittasubhābhūmi).
Là trú xứ của những vị Phạm thiên có hào quang kém xinh đẹp nhất trong tầng Tam thiền.
Tuy các Phạm thiên ở tầng Sơ thiền, Nhị thiền đều có hào quang chói sáng, nhưng không được xinh đẹp so với hào quang của những Phạm thiên tầng Tam thiền.
Có Pāli  giải thích như sau:
Parittā subhā etesanti = parittashubhā:
Hào quang kém xinh đẹp, gọi là thiểu tịnh.
Parittasubhānaṃ nibbattāti = parittasubhā:
Trú xứ của những Phạm thiên có hào quang kém xinh đẹp, gọi là Thiểu quang thiên”.
*- Cõi Vô lượng tịnh thiên (appamāṇasubhābhūmi).
Là trú xứ của những Phạm thiên có hào quang vô cùng xinh đẹp.
Có Pāli giải thích như sau:
Appamāṇā subhā etesanti = appamāṇasubhā:
Hào quang vô cùng xinh đẹp, gọi là vô lượng tịnh.
Appamāṇasubhānaṃ nibbattāti = appamāṇasubhā:
“Trú xứ của những vị Phạm thiên có hào quang vô cùng xinh đẹp, gọi là Vô lượng tịnh thiên.”
*- Cõi Biến tịnh thiên (subhakiṇṇābhūmi).
Là cõi của những vị Phạm thiên có hào quang rất xinh đẹp bọc quanh thân. Có Pāli giải thích như sau:
Subhāti ākiṇnāti = subhakiṇṇā (subhakiṇhā):
“Có hào quang xinh đẹp khắp châu thân, gọi là biến tịnh.
Subhakiṇṇānaṃ nibbattāti = subhakiṇṇā:
“-Trú xứ của các vị Phạm thiên Biến tịnh, gọi là Biến tịnh thiên.
Các phạm thiên Thiểu tịnh có vai trò như các Phạm chúng thiên.
Các phạm thiên Vô lượng tịnh có vai trò như các Phạm phụ thiên.
Các phạm thiên Biến tịnh có vai trò như Đại phạm thiên.
Tầng Tam thiền cách tầng Nhị thiền là 5.508.000 do tuần, cấu trúc giống như tầng Nhị thiền nhưng xinh đẹp hơn.
Các Phạm thiên tầng tam thiền tục sinh bằng tâm quả Tứ thiền Sắc giới. Tuổi thọ các vị Phạm thiên ở tầng này như sau:
- Phạm thiên Thiểu tịnh có tuổi thọ là 16 kiếp trái đất.
- Phạm thiên Vô lượng tịnh có tuổi thọ là 32 kiếp trái đất.
- Phạm thiên Biến tịnh có tuổi thọ là 64 kiếp trái đất.
Có Pāli như sau:
Parittasubhāṇaṃ soḷasa kappāni; appamāṇasubhānaṃ dvattiṃsa kappāni; subhakiṇhānaṃ catusaṭṭhi kappāni:
“Thiểu tịnh thiên có (tuổi thọ) là 16 kiếp trái đất; Vô lượng tịnh thiên là 32 kiếp trái đất; Biến tịnh thiên là 64 kiếp trái đất” (sđd).
Sở dĩ có số 64 kiếp trái đất là vì: Sau 7 lần vũ trụ bị hoại do nước, đến một lần hoại do gió; bấy giờ tầng Tam thiền cũng bị hoại theo.
Cách lý giải tương tự như trên.
212 – Hỏi. Bảy cõi tầng Tứ thiền ra sao?
Đáp. Tầng Tứ thiền có hai lãnh vực: Hữu tưởng và Vô tưởng.
Cõi Vô tưởng là nơi trú của những vị Phạm thiên không có tâm.
Trong lãnh vực hữu tưởng có cõi Quảng quả có cả phàm nhân lẫn bậc thánh.
Riêng 5 cõi Tịnh cư chỉ dành riêng cho bậc Thánh Anahàm và Thánh Alahán.
Tức là bậc Anahàm chứng đắc được ngũ thiền Sắc giới, có được một quyền (indriya) vượt trội so với 4 quyền kia, sẽ sinh về cõi tương ứng với quyền vượt trội. Tại một trong 5 cõi này vị Thánh chứng đắc Alahán rồi viên tịch.
Nếu 5 quyền ngang nhau thì vị ấy sinh về cõi Quảng quả và vị Thánh hữu học ấy sẽ viên tịch tại chính cõi này.
213 – Hỏi. Cõi Quảng quả và cõi Vô tưởng ra sao?
Đáp.*- Cõi Quảng quả (vehapphalabhūmi).
Là nơi trú của những vị Phạm thiên có quả phước vô cùng rộng lớn.
Sở dĩ gọi là Quảng quả vì không bị tiêu hoại bởi lửa, nước, gió như các tầng thiền bên dưới.
Trong các tâm thiền, tâm thiền xả thọ là tâm thiền thù thắng bất động so với các tâm thiền thọ hỷ, nên có quả phước vô cùng rộng lớn.
Có Pāli giải thích như sau:
Vipulaṃ phalaṃ etesanti = vehapphalā:
Có quả (phước) rộng lớn, gọi là quảng quả.
Vehapphalānaṃ nibbatīti = vehapphalā:
Trú xứ của Phạm thiên Quảng quả, gọi là Quảng quả thiên”.
Các Phạm thiên cõi Quảng quả tục sinh bằng tâm quả Ngũ thiền Sắc giới, có tuổi thọ là 500 kiếp trái đất.
Trong cõi Quảng quả có cả phàm nhân lẫn bậc Thánh.
* – Cõi Vô tưởng (asaññasattabhūmi).
Là cõi của những Phạm thiên không có tâm thức.
Có Pāli giải thích như sau:
Natthi saññā etesanti = asaññā:
Không có tưởng, gọi là vô tưởng.
Natthi saññāmukhena cattāro arūpakkhandhā etesanti = asaññā:
“Không có tưởng trong bốn vô sắc uẩn, gọi là vô tưởng”.
Asaññasattānaṃ  nibbattāti = asaññāsattā:
“Trú xứ của Phạm thiên Vô tưởng, gọi là cõi Vô tưởng”.
Tuy các Phạm thiên này không có tâm thức nhưng vẫn được gọi là “chúng sinh – satta”, vì có sắc Mạng quyền.
Các Phạm thiên này tục sinh bằng nhóm sắc Mạng quyền[44].
Đời sống các Phạm thiên Vô tưởng là 500 kiếp địa cầu.
Có Pāli như sau: Vehapphalānaṃ asaññasattānañ ca pañcakappasatāni:
“Phạm thiên cõi Quảng quả và cõi Vô tưởng có (tuổi htọ) là 500 kiếp trái đất”(sđd).
Hai cõi này nằm ngang nhau, Phạm thiên cõi Quảng quả có thể thấy Phạm thiên Vô tưởng, khác với các Phạm thiên ở 3 tầng thiềp thấp, các Phạm thiên thấp không thể thấy Phạm thiên bậc cao dù nằm ngang nhau. Như Phạm chúng thiên không thể thấy Phạm phụ thiên… chỉ có thể thấy được Phạm thiên bậc cao khi vị ấy hóa thân thô tướng.
214 – Hỏi. Năm cõi Tịnh cư (suddhāvāsā) ra sao?
Đáp. *- Năm cõi Tịnh cư.
Là cõi dành riêng cho Bậc Thánh Anahàm và Thánh Alahán.
Có Pāli như sau:
- Suddhānaṃ anāgāmi arahantānameva āvāsāti = suddhavāsā:
“Trú xứ thanh tịnh của bậc Anahàm và Alahán, gọi là tịnh cư”.
Không như những cõi của tầng thiền bên dưới nằng ngang nhau, các cõi Tịnh cư nằm xếp chồng lên nhau từ thấp đến cao.
1 – Cõi Vô phiền (avihābhūmi).
Vị Thánh Anahàm có tín quyền mạnh (saddhindrya), chứng đạt Ngũ thiền Sắc giới, sau khi mệnh chung tái sinh vể cõi này.
Gọi là cõi Vô phiền, vì các Phạm thiên Anahàm ở cõi này sống hết tuổi thọ của mình, không như những cõi Tịnh cư cao hơn.
Ở cõi Tịnh cư cao hơn, các Phạm thiên Anahàm không sống hết tuổi thọ có được nơi cõi ấy.
Đồng thời những thiên sản mà các Ngài có được cũng không hề bị tổn giảm bất cứ loại nào.
Các Giáo thọ sư có giải thích như sau:
Appakena kālena attano ṭhānaṃ na vijjahantīti = avihā
“Không lìa bỏ trú xứ của mình dù chỉ khoảnh khắc, gọi là Vô phiền.
Nghĩa là “không chết trước tuổi thọ có được trong cõi ấy”.
Hay “Attano sampattiyā na hāyantīti = avihā:
“Giữ nguyên sự thành đạt của mình, không bị hư hoại, gọi là vô phiền”.
Avihānaṃ nibbattāti = avihā:
“Trú xứ của Phạm thiên “không thất thoát”, gọi là Vô phiền thiên.
2- Cõi Vô nhiệt (atappābhūmi).
Vị Thánh Anahàm có tấn quyền (viriyindriya) vượt trội, chứng đạt Ngũ thiền Sắc giới, sau khi mệnh chung tái sinh về cõi này.
Gọi là “Vô nhiệt” vì các Ngài không có sự “nóng bức” ở nội tâm.
Nguyên nhân là do “các Ngài thường xuyên nhập “Quả định  – phalasamādhi”, nên các phiền não trong nội tâm khó có cơ hội dấy lên, nội tâm của các Ngài luôn an tịnh mát mẻ.
Có Pāli như sau:
Na tappantīti = atappā : Không có nóng bức, gọi là vô nhiệt”.
Atappānaṃ nibbattāti = atappā:
Trú xứ của các Phạm thiên không có nóng bức, gọi là Vô nhiệt thiên”.
*- Cõi Thiện kiến (sudassābhūmi).
Vị Thánh Anahàm có niệm quyền (satindriya) mạnh, chứng đạt Ngũ thiền Sắc giới, sau khi mệnh chung tái sinh về cõi này.
Gọi là “Thiện kiến” vì khi người khác nhìn thấy các vị Phạm thiên ở đây, đều phát sinh tâm hoan hỷ, do vì thân tướng của các Ngài rất xinh đẹp.
Có Pāli giải thích như sau:
Sukhena dissantīti = suddassā:
Nhìn thấy phát sinh an lạc, gọi là thiện kiến.
Và: “Parisuddhehi pasādadibbadhammapaññā cakkhūhi sam pannattā suṭṭhu passantīti = sudassā:
“Thấy mọi vật rất rõ ràng, do có nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn và tuệ nhãn thanh tịnh, gọi là thiện kiến”.
Nghĩa là các vị Phạm thiên ở cõi này có đủ bốn loại nhãn là: Mắt thịt (nhục nhãn), mắt chư thiên (thiên nhãn), mắt pháp (pháp nhãn) và mắt trí tuệ (tuệ nhãn), nên nhìn thấy mọi vật rất dễ dàng.
Sudassānaṃ nibbattāti = sudassā:
“Chỗ ở của Phạm thiên Thiện kiến, gọi là cõi Thiện kiến”.
*- Cõi Thiện hiện (sudassībhūmi).
Vị Thánh Anahàm có định quyền (samādhindriya) mạnh, chứng đắc Ngũ thiền Sắc giới, sau khi mệnh chung tái sinh về cõi này.
Gọi là cõi Thiện hiện vì các vị Phạm thiên ở đây khéo thấy trọn vẹn mọi vật hơn các Phạm thiên cõi Thiện hiện.
Các Phạm thiên ở cõi này tuy vẫn có 4 loại nhãn như Phạm thiên cõi Thiện hiện, nhưng  ba loại nhãn: Nhục nhãn, thiên nhãn và pháp nhãn thì vượt trội hơn, còn Pháp nhãn thì ngang nhau.
Có Pāli giải thích như sau:
Sukhena passantīti = sudassī:
“Nhìn thấy mọi vật dễ dàng, gọi là Thiện hiện”.
Sudassīnaṃ nibbattāti = sudassī:
“Chỗ trú của Phạm thiên Thiện hiện, gọi là Thiện hiện thiên”.
*- Cõi Sắc cứu cánh (akaniṭṭhābhūmi).
Vị Thánh Anahàm có tuệ quyền (paññidriya) mạnh, chứng đắc Ngũ thiền Sắc giới, sau khi mệnh chung tái sinh về cõi này.
Gọi là cõi Sắc Cứu cánh, vì đây là trú xứ của các vị Phạm thiên có ân đức Giới – định – tuệ cao nhất so với bất cứ vị Phạm thiên nào trong cõi Sắc, kể cả 4 cõi Tịnh cư thấp.
Vị Phạm thiên Anahàm cõi Sắc Cứu cánh sẽ viên tịch ngay chính chỗ ấy, tức là trong kiếp Phạm thiên ở Sắc cứu cánh vị ấy sẽ chứng quả Alahán.
Nơi cõi Sắc Cứu cánh có Bảo tháp Cūḷamanī tôn trí bộ vương phục cùng tóc của Bồtát Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).
Khi Bồtát xuất gia, Đại Phạm thiên Ghaṭikāra từ cõi Sắc Cứu cánh xuống, dâng cho Bồtát 8 món y cụ của bậc xuất gia và mang bộ vương phục cùng tóc cắt bỏ của Bồtát mang về tôn trí trong Bảo tháp Cūḷamanī, Bảo tháp này cao 12 do tuần.
Có Pāli  giải thích như sau:
Natthi kaṇiṭṭho etesanti = akaniṭṭhā:
“Không có nhỏ nhoi, dù chút ít, akaniṭṭhā”.
Natthi rūpīnaṃ sattānaṃ majjhe kenaci guṇena kaniṭṭhabhāvo etesanti = akaniṭthā:
“Ân đức pháp tánh không nhỏ nhoi, dù chút ít so với những chúng sinh bình thường, gọi là akaniṭṭhā(sắc Cứu cánh)”.
Akaniṭṭhānaṃ  nibbattāti = akaniṭṭhā:
“Trú xứ của Phạm thiên Sắc cứu cánh, gọi là Sắc Cứu cánh thiên.
Tuổi thọ các Phạm thiên cõi Tịnh cư.
Các Phạm thiên cõi Tịnh cư đều tục sinh bằng tâm quả Ngũ thiền Sắc giới.
- Chư Phạm thiên cõ Vô phiền có tuổi thọ là 1.000 kiếp trái đất.
- Chư Phạm thiên cõi Vô nhiệt có tuổi thọ là 2.000 kiếp trái đất.
- Chư Phạm thiên cõi Thiện kiến có tuổi thọ là 4.000 kiếp trái đất.
- Chư Phạm thiên cõi Thiện hiện có tuổi thọ là 8.000 kiếp trái đất.
- Chư Phạm thiên cõi Sắc Cứu cánh có tuổi thọ là 16.000 kiếp trái đất.
Có Pāli như sau:
- Avihānaṃ kappasahassāni:(Cõi) Vô phiền là 1.ooo kiếp trái đất.
- Atappānaṃ dve kappasahassāni:(Cõi) Vô nhiệt là 2.000 kiếp trái đất.
- Sudassānaṃ cattāri kappasahassāni: (Cõi) Thiện kiến là 4.000 kiếp trái đất.
- Sudassīnaṃ aṭṭhakappasahassāni: (Cõi) Thiện hiện là 8.000 kiếp trái đất.
- Akaniṭṭhānaṃ soḷasa kappasahassāni āyupamāṇaṃ: (Cõi) Sắc Cứu cánh là 16.000 kiếp trái đất”[45]
215 – Hỏi. Bốn cõi Vô sắc ra sao?
Đáp. Bốn cõi Vô sắc tuy gọi là cõi, nhưng không hiện rõ bất luận với dạng thức nào, vì chỉ khoảng “chân không” bao la.
Vị Phạm thiên Vô sắc chỉ có bốn danh uẩn: Thọ, tưởng, hành và thức uẩn.
Các Ngài không có sắc pháp, nên chỗ trú của các Ngài cũng không có sắc pháp.
Sở dĩ gọi là cõi, vì có “lời nói sai” rằng: “Chúng sinh có danh, nhưng không có sắc thì không gọi là cõi”.
Để xóa bỏ quan điểm sai lầm này, Ngài Anuruddha nêu lên “cõi Không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatanabhūmi)…”.
Lại có quan điểm sai lầm khác là: “Vị Phạm thiên Vô sắc cũng có thiên cung, ao hồ …”.
Thật ra, các Phạm thiên Vô sắc là những vị tu tiến thiền chỉ tịnh (samādhijhāna), có ý lìa bỏ sắc pháp, do mãnh lực thiền khi mệnh chung vị ấy tái sinh trở thành chúng sinh vô sắc[46], Thiên cung, ao hồ, vườn tược … là sắc pháp, làm sao có thể có trên cõi Vô sắc.
Lại nữa, nếu có thiên cung, ao hồ… thì làm sao gọi là “cõi Vô sắc” được.
Có Pāli như sau:
Arūpabrahmānaṃ avacarā bhūmi = arūpavacarabhūmi:
“Cõi lui tới của Phạm thiên Vô sắc, gọi là cõi Vô sắc .”
Vô sắc giới có bốn cõi là:
*- Cõi Không vô biên xứ (ākāsānañcāyatanabhūmi).
Là trú xứ của vị Phạm thiên thành tựu thiền Vô sắc với đề mục “không vô biên xứ”, khi mệnh chung sinh về cõi này.
Vị Phạm thiênKhông vô biên xứ tục sinh bằng tâm quả Không vô biên xứ.
*- Cõi Thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatanabhūmi).
Là trú xứ của vị Phạm thiên thành tựu thiền vô sắc với đề mục “thức vô biên xứ”, khi mệnh chung tái sinh về cõi này.
Vị Phạm thiên cõi Thức vô biên xứ tục sinh bằng tâm quả Thức vô biên xứ.
*- Cõi Vô sở hữu xứ (ākiñcāyatanabhūmi).
Là trú xứ của vị Phậm thiên thành tựu thiền vô sắc với đề mục “Vô sở hữu xứ”. Khi mệnh chung, tái sinh về cõi này.
Vị Phạm thiên Vô sở hữu xứ tục sinh bằng tâm quả Vô sở hữu xứ.
*- Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana bhūmi).
Là trú xứ của vị Phạm thiên thành tựu thiền Vô sắc với đề mục “phi tưởng phi phi tưởng xứ”, khi mệnh chung tái sinh về cõi này,
Vị Phạm thiên phi tưởng phi phi tưởng xứ tục sinh bằng tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tuổi thọ của các vị Phạm thiên ấy như sau:
- Phạm thiên cõi Không vô biến xứ có tuổi thọ là 20.000 kiếp trái đất.
- Phạm thiên cõi Thức vô biên xứ có tuổi thọ là 40.000 kiếp trái đất.
- Phạm thiên cõi Vô sở hữu xứ có tuổi thọ là 60.000 kiếp trái đất.
- Phạm thiên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có tuổi thọ là 84.000 kiếp trái đất.
Như có Pāli sau:
“Tesu pama ākāsānañcāyatanūpagānaṃ devānaṃ vīsati kappasahassaani āyuppamāṇaṃ:
Trong các cảnh giới này, tuổi thọ những vị Không bô biên xứ là 20.000 kiếp trái đất.
Viññānañcāyatanūpagānaṃ devānaṃ cattāḷisakappasahassāni:
Các vị Thức vô biên xứ là 40.000 kiếp trái đất.
Ākiñcaññāyatanūpaganaṃ devānaṃ saṭṭhikappasahassasāni.
Các vị Vô sở hữu xứ là 60.000 kiếp trái đất.
Nevasañānāsaññāyatanūpagānaṃ devānaṃ caturāsītikappasahassāni āyuppamānaṃ:
Các vị Phi tưởng phi tưởng xứ là 84.000 kiếp trái đất” (sđd).
Phụ chú.
- Khoảng cách từ Địa ngục Vô gián đến cõi nhân loại là 120 ngàn do tuần.
- Nhân loại cách cõi Tha hóa tự tại là 252 ngàn do tuần.
- Nhân loại cách cõi Phi tưởng phi tưởng xứ là 71 triệu 856 ngàn do tuần.
-Địa ngục Vô gián cách cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ là 71 triệu 876 ngàn do tần.
216 – Hỏi. Người được phân bố theo cõi như thế nào? Có bao nhiêu hạng người tính theo cõi?
Đáp. Người được phân bố theo cõi như sau.
*- Bốn cõi khổ, mỗi cõi chỉ có 1 hạng người khổ => có 4 hạng người khổ.
*- Cõi nhân loại  và cõi  Tứ đại vương, mỗi cõi  có 11 hạng người (trừ người khổ) => 22 hạng người.
*- Năm cõi trời Dục giới (từ cõi Ba mươi ba đến cõi Tha hóa tự tại), mỗi cõi có 10 hạng người (trừ người khổ và người lạc vô nhân) =>  5 cõi x 1o hạng người = 55 hạng người.
*- Ba cỏi Sơ thiền, ba cõi Nhị thiền, ba cõi Tam thiền và cõi Quảng quả; mỗi cõi có 9 hạng người (trừ người khổ, người lạc vô nhân và người nhị nhân) =>  10 cõi x 9 hạng người = 90 hạng người.
* Cõi Vô tưởng, chỉ có người Lạc vô nhân.
*- Năm cõi Tịnh cư, mỗi cõi có ba hạng người: Người Tam quả, người Tứ đạo và người Tứ quả => 5 cõi x 3 hạng người = 15 hạng người.
*- Bốn cõi Vô sắc, mỗi cõi có 8 hạng người là: Phàm Tam nhân, 3 người Đạo (trừ người Sơ đạo) và 4 người Quả => 4 cõi x 8 hạng người = 32 hạng người. Như vậy tổng cộng có 218 hạng người (tính theo cõi).
217 – Hỏi. Mỗi cõi có được bao nhiêu tâm?  
Đáp. *- Bốn cõi khổ mỗi cõi có được 37 tâm.
*- Bảy cõi vui Dục giới, mỗi cõi có 112 tâm là: 54 tâm Dục giới +18 tâm thiền hiệp thế[47] + 40 tâm Siêu thế.
*- Ba cõi Sơ thiền Sắc giới, mỗi cõi có 97 tâm là: Tâm quả Sơ thiền (tâm hữu phần) + 38 tâm Dục giới[48] + 18 tâm thiền Đáo đại hiệp thế + 40 tâm Siêu thế.
*- Ba cõi Nhị thiền, mỗi cõi có 93 tâm là: Tâm quả Nhị thiền (tâm hữu phần) + tâm quả Tam thiền + 38 tâm Dục giới + 18 đổng lực Đáo đại + 35 tâm Siêu thế (trừ 4 tâm Đạo Sơ thiền và tâm Tứ quả Sơ thiền)[49].
*- Ba cõi Tam thiền, mỗi cõi có 82 tâm là: Tâm quả Tứ thiền (hữu phần) + 38 tâm Dục giới + 18 đổng lực Đáo đại + 25 tâm Siêu thế  [50].
*- Cõi Quảng quả có được 77 tâm là: Tâm quả Ngũ thiền (tâm hữu phần) + 38 tâm Dục giới + 18 đổng lực Đáo đại + 20 tâm Siêu thế[51].
*- Cõi Vô tưởng không có tâm nào cả.
*- Năm Cõi Tịnh cư, mỗi cõi có được 55 tâm là: Tâm quả Ngũ thiền (tâm hữu phần) +33 tâm Dục giới[52] + 18 tâm đổng lực Đáo đại+ tâm Tam quả Ngũ thiền + tâm Tứ đạo ngũ thiền và tâm Tứ quả Ngũ thiền.
*- Cõi Không vô biên xứ có được 43 tâm là: Tâm quả Không vô biên xứ (tâm hữu phần), 10 tâm bất thiện (trừ 2 tâm sân) + tâm Hướng ý môn + 8 đại thiện + 8 Đại tố + 8 tâm đổng lực thiền Vô sắc +7 tâm Siêu thế Ngũ thiền (trừ tâm Sơ Đạo ngũ thiền).
*- Cõi Thức vô biên xứ có được 41 tâm là: Lấy 43 tâm ở cõi Không vô biên xứ trừ đi 3 tâm Không vô biên xứ,  rồi cộng thêm tâm quả Thức vô biên xứ ( tâm hữu phần).
* -  Cõi Vô sở hữu xứ có được 39 tâm là: Lấy 41 tâm ở cõi Thức vô biên xứ trừ đi 3 tâm thức vô biên xứ , rồi cộng thêm tâm quả Vô sở hữu xứ (tâm hữu phần).
*- Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có được 37 tâm là: Lấy 39 tâm ở cõi Vô sở hữu xứ trừ đi ba tâm Vô sở hữu xứ, rồi cộng thêm tâm quả Phi tưởng phi phi tưởng xứ (tâm hữu phần).
218 – Hỏi. Tâm sinh được trong mấy cõi?
Đáp. *- Bốn tâm quả Vô sắc, mỗi tâm chỉ cho trong một cõi.
*-Tâm quả Sơ thiền chỉ có trong 3 cõi Sơ thiền.
*- Tâm quả Nhị thiền, tâm quả tam thiền chỉ có trong cõi Nhị thiền.
*- Tâm quả Tứ thiền chỉ có trong cõi tam thiền.
*- Tâm quả Ngũ thiền có trong 6 cõi: Cõi Quảng quả và 5 cõi Tịnh cư.
*- Tâm Đạo và tâm Quả Siêu thế không thiền[53]  chỉ có trong 7 cõi vui Dục giới.
*- Ba đôi thức (tỷ, thiệt, thân thức) + 2 tâm sân có trong 11 cõi Dục giới.
*- Bốn tâm Đạo Sơ thiền + tâm Tứ quả Sơ thiền có trong 10 cõi là : 7 cõi vui Dục giới + 3 cõi Sơ thiền.
*- Bốn tâm Đạo Nhị thiền + 4 tâm Đạo Tam thiền + tâm Tứ quả Nhị thiền + tâm Tứ quả Tam thiền, có trong 13 cõi là: 7 cõi vui Dục giới + 3 cõi Nhị thiền + 3 cõi Tam thiền.
*- Bốn tâm Đạo Tứ thiền + tâm Tứ quả Tứ thiền, có trong 16 cõi là: & cõi vui Dục giới + 3 cõi Sơ thiền + 3 cõi Nhị thiền + 3 cõi Tam thiền.
*- Tâm Sơ đạo Ngũ thiền, có trong 17 cõi là: 7 cõi vui Dục giới + 10 cõi Sắc giới phàm hữu tưởng (3 cõi Sơ thiền + 3 cõi Nhị thiền + 3 cõi Tam thiền = cõi Quảng quả).
*- Năm tâm Sơ quả ngũ thiền, 5 tâm Nhị quả ngũ thiền , tâm Nhị đạo ngũ thiền , tâm Tam Đạo ngũ thiền, có trong 21 cõi là: 7 cõi vui Dục giới + 10 cõi Sắc giới phàm hữu tâm + 4 cõi Vô sắc.
*- Năm tâm thiền thiện Sắc giới, năm tâm thiền Duy tác Sắc giới, tâm Sinh tiếu, có trong 22 cõi vui ngũ uẩn là: 7 cõi vui Dục giới+ 15 cõi Sắc giới hữu tưởng.
*- Tâm thiện Không vô biên xứ, tâm Duy tác Không vô biên xứ, có trong 23 cõi là : 22 cõi vui ngũ uần + cõi Không vô biên xứ.
*- Tâm thiện Thức vô biên xứ, tâm Duy tác Thức vô biên xứ, có trong 24 cõi là: 22 cõi vui ngũ uẩn + cõi Không vô biên xứ + cõi Thức vô biên xứ.
*- Tâm thiện Vô sở hữu xứ, tâm Duy tác Vô sở hữu xứ, có trong 25 cõi là: 22 cõi vui ngũ uần + cõi Không vô biên xứ, cõi Thức Vô biên xứ, cõi Vô sở hữu xứ.
*- Tâm thiện Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm duy tác phi tưởng phi phi tưiởng xứ, có trong 26 cõi là: 22 cõi vui ngũ uẩn + 4 cõi Vô sắc.
*- Bốn tâm tham hợp tà kiến + tâm si hợp hoài nghi, có trong 25 cõi phàm hữu tâm là: 31 cõi trử (5 cõi Tịnh cư + cõi Vô tưởng).
*- Bốn tâm ly tà + tâm si hợp phóng dật, có trong, tâm Hướng ý môn, 8 tâm đại thiện, có trong 30 cõi hữu tâm.
*- Hai tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, tâm Hướng ngũ môn, 2 tâm Tiếp thu, 3 tâm Quan sát, có trong 26 cõi ngũ uẩn = 11 cõi Dục giới + 15 cõi Sắc giới hữu tưởng.
*- Tám tâm đại tố, 5 tâm Tam quả Siêu thế (có thiền), 2 đổng lực Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm Tứ đạo ngũ thiền, tâm Tứ quả ngũ thiền, có trong 26 cõi vui hữu tâm = 7 cõi vui Dục giới + 15 cõi Sắc giới hữu tưởng + 4 cõi Vô sắc.
219 –  Hỏi. Các bậc Thánh Hữu học đối với các cõi như thế nào?
Đáp. Theo quy luật, bậc Thánh Hữu học không bao giờ tái sinh vào cõi thấp hơn cõi mà vị ấy đang sống, vị Thánh hữu học chỉ tái sinh lại ngay chính cõi ấy hoặc cõi cao hơn.
Vị Thánh hữu học ở cõi Dục, chứng đắc thiền chỉ tịnh (samādhi), xem như trở thành bậc Bất lai, vì các Ngài không còn trở lại cõi Dục cho dù vị ấy là Thánh Sơ quả.
Đối với các cõi vui phàm thì như vậy, riêng bậc Thánh ở cõi 4 Tịnh cư thấp không còn tái sinh lại chính cõi cũ, mà tái sinh lên cõi cao hơn theo từng cấp, như vị Thánh Anahàm cõi Vô phiền, khi mệnh chung sẽ tái sinh lên cõi Vô nhiệt… cho đến cõi Sắc Cứu cánh thì kiếp ấy sẽ viên tịch ngay tại cõi ấy.
220 – Hỏi. Các vị Thánh hữu học nơi cõi Quảng quả và cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì như thế nào?
Đáp. Trong 31 cõi, có 3 cõi được gọi “kết thúc (bhavagga)” đối với bậc Thánh hữu học, đó là cõi Quảng quả, cõi Sắc Cứu cánh và cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Vị Thánh Anahàm chắc chắn sẽ viên tịch ở cõi Sắc Cứu cánh trong kiếp ấy.
Riêng vị Thánh hữu học ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng, nếu chưa chứng quả Alahán thì chỉ tái sinh lại cõi ấy cho đến khi viên tịch.
Vị Thánh hữu học ở cõi Quảng quả cũng như thế ấy, cho dù vị ấy có chứng thiền Vô sắc giới, khi mệnh chung vẫn phải tái sinh lại cõi Quảng quả, cho đến khi vị ấy viên tịch.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét