Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Không yêu ai hơn tự ngã

                            Tâm ta đi cùng khắp
                            Tất cả mọi phương trời
                            Cũng không tìm thấy được
                            Ai thân hơn tự ngã
                            Tự ngã đối mọi người 
                            Quá thân thiết như vậy
                            Vậy ai yêu tự ngã
                            Chớ hại tự ngã người.
Mạt Lợi phu nhân và vua Ba Tư Nặc một hôm cùng luận đạo. Vua Ba Tư Nặc hỏi:
- Chẳng hay ái khanh thương ai nhất trên cõi đời này ?

 Phu nhân trả lời:
- Tiện thiếp thương yêu bệ hạ nhất.
 Và phu nhân hỏi lại:
- Chẳng hay bệ hạ thương yêu ai nhất trên cõi đời này?
Nhà vua trả lời:
- Trẫm yêu thương ái khanh nhất chứ còn ai nữa.
 Bà Mạt Lợi lại nói:
- Nếu bệ hạ cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một chút. 
- Được ái khanh cứ nói đi.
- Muôn tâu bệ hạ, thật ra trên cõi đời này, thần thiếp chỉ có riêng yêu thương thần thiếp nhất mà thôi.
 Vua nghe qua chừng khó hiểu:
- Vậy là sao ? Ái khanh hãy nói rõ hơn.
- Muôn tâu bệ hạ, chỉ vì thần thiếp thương yêu mình, nên muốn bệ hạ ban bố cho thân này được hạnh phuc. Muốn cho thân mình có được hạnh phúc, thần thiếp phải thương yêu bệ hạ. Có thế bệ hạ mới thương yêu lại thần thiếp và ban bố cho tình thương, thần thiếp được hạnh phúc. Vì thương yêu mình, mà thần thiếp yêu bệ hạ.
Nhà vua nghe qua sự thật của “yêu thương” qua phu nhân sủng ái nhất của mình, nhà vua bàng hoàng. Một sự thật xem chừng quá trớ trêu.
Bà Mạt Lợi nói tiếp:
- Như bệ hạ, bệ hạ cũng chỉ yêu thương riêng có bệ hạ thôi. Để hiểu rõ việc này, như thần thiếp đây, nay lại đi yêu đương với một người khác thì bệ hạ nghĩ sao? Có phải bệ hạ chém đầu thần thiếp không?
Đến đây nhà vua đã rỏ ý, hiểu được nội vụ vấn đề, Ngài gật đầu:
- Phải chính thế, ái khanh nói rất đúng lý. Trẫm cũng chỉ yêu thương mình trẫm thôi. Ta chỉ có yêu thương tự ngã thôi.
Rồi sau đó vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi cùng đưa nhau đến ra mắt đức Phật. Nhà vua muốn cầu Phật xác minh điều Mạt Lợi phu nhân đã nói.
Qua sự trình bày của nhà vua, đức Phật lắng nghe và gật đầu chấp nhận lời bà Mạt Lợi. Nhân đó Phật mới nói lên lời pháp như vầy.
BÌNH:
Thật là chí lý! Nếu thành thật nhìn lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình nó là như vậy. Cõi lòng thâm sâu, tiếng nói thâm trầm của con tim mình là như vậy.
Tâm ta đã đi cùng khắp, tất cả mọi phương trời, dạo qua mọi nơi, mọi cảnh, mọi người… Nào tìm thấy ai thân thiết hơn chính ta, thân hơn tự ngã.
Trên đời này không gì thiết tha yêu thương bằng ái tình. Cái tình này nó còn có lúc lướt qua tình phụ mẩu. Trong ái tình, việc đầu ấp tay gối giữa vợ chồng đậm đà như vậy, yêu thương hạnh phúc như vậy. Như vợ chồng bà Mạt lợi, cặp tình nhân này thiên hạ mấy ai hơn? Thật tâm đầu ý hợp.
 Việc yêu thương đủ cả hai mặt tinh thần và vật chất, xác thịt và tâm hồn, một cuộc tình thật trọn vẹn. Thế mà để lắng sâu hơn vào tiếng lòng, bà Mạt Lợi đã nghe ra tiếng nói trung thực của mình. Tiếng nói ấy đã núp sâu dưới bao nhiêu lời tình gối chăn với nhà vua qua bao nhiêu năm dài chung sống: “Thần thiếp chỉ yêu thương mình thần thiếp thôi!”. Ta chỉ yêu thương ta thôi!  Một phát giác không kém phần phủ phàng! Sự thật nó là vậy.
Và đến lượt nhà vua cũng thế thôi. Nhà vua nghe được tiếng lòng mình. Từ tiếng lòng đó, nó sẽ thôi thúc nhà vua tàn nhẫn hơn để chém đầu “ái khanh” mình, khi mà đương sự ngoại tình!
Đó là gì ? Cái “tự ngã” mình bị đụng chạm, bị mất mát, thiếu sự vuốt ve, thiếu sự thọ hưởng.
Như vậy sự thật của cái gọi là “yêu thương” trên cõi đời này là gì? Bên dưới, bề trái của tình yêu nó là như vậy, thì hỏi tình yêu là gì ? Và mình có yêu được gì không ?
Và để nói lên một sự khá chua chát như vậy, có thể nói: Tình yêu là một sự lợi dụng lẫn nhau qua thân xác và tâm hồn, chằm thỏa mãn tự ngã mà thôi.
Không ai nhìn ra bộ mặt tình yêu. Không ai rờ đụng đến tình yêu. Vì sao? Vì nó không thật có. Mà nó chỉ là sự phóng hiện của tự ngã. Nói yêu người, tức yêu tự ngã, yêu mình.
Như vậy “tự ngã” là cái duy nhất để mình yêu thương. Nói yêu, nói thương, nói gì gì đó, tất cả đều là tiếng nói vì tự ngã. Nên tự ngã thân thiết hơn bất cứ cái gì trên thế gian này.
Hãy suy cùng nghĩ cạn sẽ thấy cái tự ngã đã quá thân thiết với chính mình. Mình đã yêu “tự ngã” muốn giữ gìn “tự ngã” mình, thì phải tôn trọng “tự ngã” người. Vì người cũng yêu “tự ngã” của họ như mình. Vậy thì chớ có tàn hoại tự ngã người. Một người muốn có đời sống cao thượng thánh thiện phải sống như vâỵ.
Tôn trọng “tự ngã” tức tôn trọng sự tự do, bình đẳng. Đời sống mình và người có được tự do bình đẳng trong nền tảng như vậy thì cuộc đời đáng sống biết chừng nào. Hạnh phúc không cầu mà tự có.
Nếu không như vậy, hạnh phúc trên cõi đời này chỉ là một cái bóng hấp dẫn vậy thôi. Mọi người cùng đổ tìm nó, và rồi chỉ chuốc lấy sự nhọc nhằn ê chề và niềm ngao ngán, bao nhiêu nỗi thống khổ bủa vây.
Đây là một sự thật khá phủ phàng. Dù không đồng ý, chúng vẫn có mặt.
Cuộc đời vì thế có ra lắm chuyện. Và rồi hỏi ai đã đem lại nỗi khổ cho cuộc đời này? Có ai đâu! Chỉ có “cái ta” (tự ngã) làm khổ mình thôi.
Để tạo đời sống tương đối khá dễ chịu cho nhau thì hãy tập sống như lời khuyên này:

                                    Vậy, ai yêu tự ngã
                                    Chớ hại tự ngã người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét