TƯ
TƯỞNG PHẬT HỌC &
SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM
Nhân tử
Nguyễn Văn Thọ
Xem bài liên quan:
Tư tưởng Nho học |
Tư tưởng Lão học
Đạo Phật là một
đạo giải thoát. Nó muốn giải thoát con người cho khỏi bức màn Vô Minh,
che lấp Chân Như Bản Thể con người, để con người nhìn thấy Bản Lai diện
mục của mình, thoát khỏi mọi đau khổ, tìm ra được Niết bàn trường tồn
hạnh phúc vô biên, vốn tiềm tàng sẵn trong con người mình.
Nói thế có nghĩa
là chúng ta sống mà chưa hiểu gì về con người chúng ta. Chúng ta chỉ mới
sống một phần nào của con người chúng ta, chứ chưa thực sống toàn diện,
chúng ta chỉ mới biết những hiện tượng về con người, chứ chưa biết về
Bản Thể, về Tính con người.
Dưới đây, xin
trình bày cách Phật và các tiên hiền Việt Nam giải quyết các vấn đề
trên.
SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT
Khảo sát cuộc
đời đức Phật, ta học được với Đức Phật nhiều bài học:
- Trước hết là
sức mạnh tinh thần phi thường, để có thể rũ bỏ được mọi công danh, lợi
lộc, quyền quí, địa vị và mọi lạc thú gian trần để phát tâm cầu đạo giải
thoát vô thượng.
- Thứ nữa là
trước khi thành đạo, Ngài đã học hỏi với nhiều thày. Như vậy ta đừng nên
ngại chuyện: Tầm sư, học đạo.
- Trong khi cầu
đạo, tu đạo, Ngài cũng thấy cần phải có bạn đạo.
- Ngài cũng có
thể lầm lẫn, Ngài cũng có thể tu lầm đường, cũng đã hành hạ thân thể quá
mức. Nhưng khi đã biết mình lầm, ngài lập tức sửa sai.
- Ngài cũng đã
được rất nhiều người trợ giúp.
- Sau cùng Ngài
cho chúng ta thấy rằng, muốn tìm cho ra chân lý, cần phải biết tập trung
tinh thần, và mài miệt suy tư.
Theo tôi sau khi
đắc đạo, Ngài đã đạt tới Chân tâm hằng cửu của vũ trụ và của Con Người.
Ngài gọi đó là cảnh giới Niết Bàn.
Như vậy, Ngài cho
thấy rằng: Dưới những lớp lang hiện tượng biến thiên của vũ trụ và của
tâm thân con người, sinh sinh diệt diệt, khổ ải lao lung, biến thiên
chất chưởng, còn có Chân Tâm hằng cửu của trời đất, bất sinh, bất diệt.
Chân Tâm ấy, Niết
Bàn ấy không ở đâu xa, mà đã khuất lấp ngay sau hình hài con người, tâm
tư con người.
Con đường đưa tới
Chân tâm đó chính là Trung Đạo; phương tiện để thực hiện Lý tưởng đó là
Chính đạo, hay Bát Chính đạo.
Con đường
Trung Đạo của Phật là tránh cực đoan: Không phóng túng nhưng cũng không
hành xác.
Đến đây tôi liên
tưởng đến Đạo Khổng với hai chữ TRUNG, CHÍNH của Dịch Kinh và của Nho
giáo:
TRUNG là luôn
luôn sống cho hay cho phải, cho hợp lý, hợp định luật thiên nhiên, thực
hiện tinh hoa Trời, hằng giây, hằng phút. CHÍNH là CHỈ NHẤT, là CHỈ Ư
CHÍ THIỆN: Luôn luôn vươn lên cho tới TINH HOA HOÀN THIỆN. Đem Tinh Hoa
trời đất vào trong lòng mình (TRUNG), sau đó làm cho người khác trở nên
giống mình (THỨ).
Có thể Đức Phật,
tuỳ căn cơ tùng đệ tử đã tiến hành song song hai phương pháp giảng giáo:
Đối với quần chúng Ngài dạy Hiển Giáo hay Quyền Giáo, tức là dạy về phần
Hình, Danh, Sắc, Tướng của vũ trụ và của con người.
Còn đối với những
đệ tử có thượng căn, Ngài dạy Mật Giáo hay Thực Giáo, tức là dạy về Chân
Tướng vũ trụ và con người.
[1]
Muốn hiểu rõ giáo
lý của Đức Phật, ta cũng nên bàn qua về bối cảnh lịch sử tư tưởng Ấn Độ
đương thời.
Phan
Văn Hùm viết trong quyển Triết Học Phật Giáo, Phật Học Viện quốc
tế xuất bản năm 1984 như sau: «Trước thời Phật giáo ra đời ở Ấn Độ có
những nền triết học sâm si chẳng đều nhau, cùng chủ trương phiếm thần
luận như nhau. Brahma là căn bản vũ trụ. Nhất thiết sự vật đều là hình
thái của Brahma. Vạn hữu đều ở Brahma mà sinh ra. Lúc trụ thời ở tại
Brahma. Lúc diệt trở về Brahma. Brahma như thế nó vô thỉ vô chung. Sống
đây là sống gởi. Chết sẽ trở về Brahma, đời đời khoái lạc.» (sách trích
dẫn, tr. 135).
Đại
Thừa Phật giáo tư tưởng luận,
tác giả là Bác Sĩ
Nhật Bản Kimura Taken, dịch giả là Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Phật Học
viện quốc tế xuất bản năm 1986, nơi trang 148, có ghi như sau: «...Đối
với vạn hữu, đặc biệt là tự thân con người, người ta cảm thấy cần phải
so sánh đối chiếu giữa cái chân tướng và giả tướng của vạn vật. Và do
cái ý hướng muốn xa lìa giả tướng để trở về với chân tướng, mà đã phát
sinh ra tư tưởng giải thoát. Song tại Ấn Độ, cái thời đại mà sự đối
chiếu giữa chân tướng và giả tướng được bộc lộ một cách rõ ràng, đồng
thời vấn đề giải thoát được luận cứ một cách rộng rãi, dĩ nhiên là thuộc
thời đại U Ba Ni Sát Đàm (Upanishads). Do đó, vấn đề giải thoát được
thiên hạ đặc biệt chú ý và đưa ra thảo luận vẫn là thuộc thời đại
Upanishads (800-500 trước kỷ nguyên). Đến thời này, giải thoát quan mới
thật sự được qui định thành hình. Upanishads nói: «Cái bản tính của
Tự Ngã cùng với Thật Tại của vũ trụ tức Phạm Thiên (Brahman) là đồng
nhất, bản lai thanh tịnh, không nhơ nhớp, là cảnh giới diệu lạc, vĩnh
viễn bất biến. Nhưng vì mê mờ không thấy được cái chân tướng ấy, nên con
người bị tách khỏi cái tính đồng nhất kia để rồi phải lăn lộn trôi dạt
trong bể khổ sinh tử, bị đắm chìm và trói buộc mất hết tự do». Cũng
vì thế mà cái lý tưởng cứu cánh của con người là làm thế nào để thoát ly
được cảnh giới sinh tử trói buộc này, để trở về với bản tính đồng nhất
của Phạm Thiên. Nền giáo lý Upanishads tuy rất mông mênh, nhưng cái qui
kết tối hậu thì không ngoài tư tưởng này...»
Đem những tư
tưởng trên soi rọi vào đời sống Đức Phật, ta có thể suy ra được khi Ngài
giác ngộ, Ngài đã chứng được những gì?
Phật Học Tinh
Yếu,
Thích Thiền Tâm soạn, Phật Học Viện quốc tế xuất bản 1984, nơi trang
142-143 có ghi: «...Và đến lúc sao mai mọc lên, Ngài chứng được lậu tận
minh, dứt sạch phiền não, rõ hết đầu mối nghiệp duyên, tâm thể lặng yên
sáng suốt. Bấy giờ Ngài đã thành Phật.
Nội dung của sự
giác ngộ chân chính này, có thể giải đáp vấn đề nhơn sanh một cách mỹ
mãn. Trước kia Ngài thắc mắc về hai yếu điểm:
1– Già, bịnh,
chết và tất cả sự ràng buộc của kiếp người do đâu mà có?
2– Làm thế nào để
giải thoát những điều ấy?
Và đây là lời
giải đáp:
1– Do vô minh
làm mê mờ bản thể, nên mới có sanh, già, bệnh, chết, lo thương buồn
rầu.
2– Muốn được giải
thoát phải có chính kiến, dứt trừ phiền não, trở về bản tính, tức là
phải tu theo con đường Bát chánh...»
Sau khi Đức Phật thành đạo, điều mà Ngài muốn đem truyền dạy cho
các đệ tử và cho thiên hạ chính là Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và
Bát Chính Đạo.
Ngài chú trọng dạy người phương pháp tu trì, khuyên mọi người tìm cho ra
những định luật tự nhiên vĩnh cửu của đất trời để mà theo mà giữ, dạy
tăng chúng sống một cuộc đời thanh thản, trang nghiêm, kỷ luật và hòa
hiệp. Ngoài ra Ngài không thích bàn cãi những vấn đề triết học ngoài tầm
hiểu biết của quần chúng. Tôi vẫn nghĩ rằng ngay từ khi đức Phật còn
sinh tiền, giới luật được coi trọng hơn cả. Các đẳng cấp trong hàng tăng
chúng được xác định bằng số giới luật mà mỗi người tình nguyện giữ.
Ví dụ thiện nam
(ưu bà tắc), tín nữ (ưu bà di) muốn tu tại gia, thì thọ ngũ giới (chẳng
sát sinh, chẳng trộm đạo, chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, chẳng uống
rượu); hoặc bát giới (năm giới trên cộng với chẳng dùng hoa phấn dầu;
chẳng xem hát xướng, kỹ nhạc; chẳng nằm giường cao, nệm rộng). Ngày nay
gọi thế là thọ bát quan trai, hay bát giới trai.
Sa di giữ 10
giới.
Sa di ni giữ Thập
giới.
Tỳ kheo (tăng)
Đại thừa giữ 250 giới (Cụ túc giới); Tiểu thừa 227 giới.
Tỳ Kheo ni (ni)
giữ 348 giới (Cụ túc giới).
Ngoài ra muốn tu
hành Bồ Tát Giới tại gia thì giữ 6 giới trọng, 28 giới khinh.
Muốn tu hành Bồ
Tát xuất gia, thì tăng ni nguyện giữ 10 giới trọng, 48 giới khinh.
Muốn tường các giới luật đó, xin đọc Phật học từ điển Đoàn Trung Còn
nơi các chữ Ưu Bà Ni giới, Ưu Bà Tắc giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni
giới, Bồ tát ưu Bà tắc giới; Bồ tát giới v.v...
Chính Đức Phật đã
qui định các vật sở hữu mà một tì kheo có thể có:
1– Giày.
2– Bồ đoàn, hay
tọa cụ (giống như chiếu).
3 & 4– Hai khăn
mặt trắng.
5– Y(ba áo: áo
trong, áo ngoài, áo choàng)
6– Bình bát.
7– Trượng.
8– Một cái lọc
nước.
9– Dao con.
10– Chỉ
11– Kim.
12- Cái chuông.
13– Quạt.
(Tối thiểu là 8
vật dụng, tối đa là 13 vật dụng nói trên).
[2]
Khi Đức Phật nhập
diệt rồi, hai lần kết tập đầu tiên đều bàn cãi về giới luật, chứ không
bàn cãi về giáo lý, và cũng vì có những chủ trương khác nhau về cách
hành trì giới luật mà Phật giáo nguyên thủy chia thành Thượng Tọa bộ và
Đại Chúng bộ, như sau ta sẽ đề cập đến...
Tóm lại vì đạo
Phật mới đầu mở rộng để đón mọi hạng người, mọi căn cơ, mọi giai cấp,
nên dạy trọng giới luật, dạy tu hành là điều phổ cập nhất, thực tế nhất,
dễ cho đại chúng thi hành nhất.
Để giản dị hóa
vấn đề giới luật, ta có thể toát lược như sau:
Con người sinh ra
ở đời, phải giữ cho tròn Thân Khẩu Ý
Thân là hành động
cho hay (good deeds).
Khẩu là nói lời
cho hay (good speeches).
Y là có tư tưởng
cho hay (good thoughts).
Phật giáo còn có
kệ:
«Chư ác mạc tác,
Chư thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.»
Dịch:
Không làm ác,
Cố làm lành.
Giữ lòng
thanh,
Phật dạy thế.
Có một điều lạ là
trong suốt đời Đức Phật, Ngài đã tránh né không trả lời, hoặc không đưa
ra một lập trường dứt khoát về những vấn đề triết học trọng đại như:
- Vũ trụ vô cùng
hay hữu hạn;
- Vũ trụ vô thủy
chung, hay hữu chung thủy;
- Như Lai sau khi
nhập Niết Bàn, có còn hay không còn;
- Con người có
ngã hay không có ngã.
Đối với những vấn
đề trên, Ngài thường hoàn toàn yên lặng, khi có người chất vấn.
[3] Sự yên lặng của Đức Phật, suy cho cùng,
rất cao siêu, vì «nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy». Vả lại, càng ngày
chúng ta càng thấy rằng cuộc đời này có rất nhiều vấn đề hết sức là tế
nhị, bàn xuôi cũng được, tán ngược cũng hay. Ta gọi thế là « bất khả tư
nghị». Chữ Sanskrit dùng để chỉ bất khả tư nghị là Avyakata hay
avyakrtavastuni.
Yên lặng sẽ tránh
được tranh chấp.
Tuy nhiên yên
lặng không có nghĩa là phủ nhận, cũng không có nghĩa là tán đồng.
Càng đi xuôi dòng
thời gian, ta càng thấy sự yên lặng tuyệt vời của đức Phật dần dần được
thay thế bằng sự ồn ào của các học thuyết, của các môn phái...
Nhiều người học
Phật đã cho rằng đạo Phật có chủ trương hoàn toàn trái ngược với
Upanishads, tức là Thánh Thư Bà La Môn, nên đã chủ trương một cách thiên
chấp rằng tất cả đều vô thường, vô định, tất cả đều là khổ ải biến
thiên, tất cả đều là hư ảo. Chẳng làm gì có bản thể bất biến của Vũ Trụ,
chẳng làm gì có Bản thể bất biến nơi con người.
Ngày nay các học
giả chân chính không còn có cái nhìn thiên chấp như vậy.
Trong quyển
Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, nơi 199-200, ta thấy bác sĩ Kimura
Taken nhận định như sau:
«Bây giờ nếu đem
tất cả những điều đã trình bày ở trên mà nghiên cứu một cách thấu triệt,
thì ít nhất mọi người phải thừa nhận những sự thực sau đây:
a/ Vạn hữu tuy là
lưu chuyển, song trong cái lưu chuyển đó vẫn có cái phép tắc thường
hằng.
b/ Trong lưu
chuyển giới này vẫn có Niết Bàn giới thường hằng bất biến.
c/ Dù là Lưu
chuyển giới hay Niết Bàn giới, nếu truy nguyên ra, thì rốt ráo cũng chỉ
là cái tâm của chúng ta.
d/ Sau hết cái
chân tướng kể trên chỉ được nhận ra khi nào chính trí và chính niệm đã
xa lìa sự thiên kiến và chấp kiến...»
Bên phía trời Âu,
bà Rhys Davids, một học giả lỗi lạc về Tiểu Thừa, và thông thạo tiếng
Pali, đã chứng minh rằng Đức Phật không bao giờ dạy rằng Chân Tâm là hư
ảo, hay Atman là hư ảo, mà chỉ dạy rằng không thể tìm thấy được Chân
Thường Hằng Cửu, hay Chân Tâm, Chân Ngã, trong cái tâm thân phiến diện,
kết cấu bởi Ngũ Uẩn. Bà Rhys Davids, và ông Humphreys đã chứng minh rằng
trong Tạng Kinh viết bằng tiếng Pali, nhất là trong Pháp Cú
Kinh (Dhammapada), Đức Phật đã dạy con người có hai thứ Ngã: Đại
Ngã và Tiểu Ngã, và không hề dạy rằng Đại Ngã hay Atman là hư ảo. Bà
Rhys Davids và ông Humphreys cho rằng thuyết An-atta (không có Ngã = Not
Self) là do một sự hiểu lầm của nhiều người theo Tiểu Thừa, hay Nguyên
Thủy.
[4]
Bà Rhys Davids
chủ trương dứt khoát rằng:
1– Đức Phật không
nói rằng không có Đại Ngã, mà chỉ nói rằng Đại Ngã không phải do Ngũ Uẩn
cấu tạo nên, Đại Ngã không phải là thân là ý, mà Đại Ngã siêu xuất lên
trên Ngũ Uẩn, lên trên thân ý.
2– Đức Phật chấp
nhận cái tinh hoa của Bà La Môn giáo, chấp nhận Đại Ngã (Atman) nội tại
là lý tưởng cuộc đời, và dạy làm thế nào để đạt tới Atman nội tại, thực
hiện Atman nội tại. Ngài cho rằng phương pháp để đạt tới Atman nội tại
là giới, định, tuệ, chứ không phải là hình thức lễ nghi bên ngoài.
Bà dịch mấy câu
quan trọng sau đây trong kinh Mahaparanibbana Sutta (Đại Niết
Bàn) 11-13:
Attadipa
viharatha attapatisarana.
Dhammadipa viharatha, dhamma patisarana, n'anna patisarana
như sau:
«Các thày hãy lấy
Đại Ngã là đuốc sáng, lấy Đại Ngã làm nơi nương tựa, hãy lấy Giáo luật
(các định luật thiên nhiên, vĩnh cửu) làm đuốc sáng, làm nơi nương tựa,
chứ đừng cậy trông chi khác.»
[5]
Nhiều học giả không ưa quan điểm của bà Rhys; riêng tôi, tôi hoàn toàn
tán đồng.
Tôi thấy các cách
dịch khác nó lơ mơ làm sao:
Đức Nhuận dịch:
«Hỡi các tì khưu, các thày hãy là ngọn đuốc và nơi nương tựa cho chính
mình. Các thày đừng phó thác vào một chốn dung thân nào khác. Các thày
hãy cương quyết chủ định vào chân lý. Hãy lấy chân lý làm ngọn đuốc và
nơi nương tựa cho mình.» (Đức Nhuận, Phật học tinh Hoa, Phật học
viện Quốc tế xuất bản, 1983, tr. 176)
Phạm Kim Khánh
dịch:
«Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, như chỗ nương tựa. Hãy ẩn náu
nơi giáo pháp như một hải đảo, như chỗ nương tựa. Không nên tìm ẩn náu
từ bên ngoài.»
(Narada Maha
Thera, Đức Phật và Phật pháp, người dịch: Phạm Kim Khánh, Chùa
Pháp Vân, 850 W. Phillips Blvd, Pomona California 91766, 1982, p. 300.)
Tôi nghĩ rằng Đức
Phật không bao giờ lại có thể tự mâu thuẫn như vậy.
Không khi nào
Ngài vừa chủ trương con người bị Vô Minh che mờ, rồi lại dạy con người
phải lấy mình làm đuốc soi cho mình. Không lẽ nào Ngài vừa dạy rằng con
người là biến thiên, vô thường vô ngã, rồi lại dạy con người phải dựa
nương vào cái vô thường vô ngã ấy...
Đến
đây tôi nhớ lại một lời Phật dạy hết sức quan trọng ghi trong kinh
Udana (Tự Thuyết):
«Hỡi các tì khưu, có một thực trạng bất sinh, bất
thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải
thoát được cái sinh thành, ỷ tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có
đường thoát cho cái sinh thành, ỷ tạp».
[6]
Và tôi cũng liên
tưởng đến chủ trương của Môn Phái Giác Ngộ mà họ đã đúc kết lại như sau:
«Người theo môn phái Giác Ngộ không theo ai, mà
chỉ theo Ánh Sáng vĩnh cửu trong tâm họ; họ không tin cậy một đấng Cứu
Thế ngoại tại nào, mà chỉ tin cậy và Nguồn Năng Lực cứu rỗi ở sẵn ngay
trong lòng họ. Họ không phải là người Công Giáo thường mà chính là một
đấng Kitô khác.»
[7]
Càng suy tư về
giáo lý Phật giáo, càng đọc kinh sách Phật giáo, tôi càng thấy rằng
quan điểm trên (tất cả đều biến thiên, không có
gì là hằng cửu) là của những kẻ hạ căn đã gán cho Phật. Theo tôi nếu
đúng là mọi sự đều vô thường, vô ngã, mọi sự đều là biến thiên, khổ ải,
mọi sự đều là không tịch hư ảo, mọi sự đều không có thực thể, thì dĩ
nhiên không làm gì có con đường nào để giải thoát con người, không còn
có chi là lý tưởng để con người vươn lên, không còn có chi để con người
dựa nương, và Niết Bàn cũng chỉ là mội danh từ suông.
Đối với tôi, sau
khi đã khảo sát tư tưởng của tất cả các bậc đại giác, đại ngộ Đông Tây
kim cổ, tôi đã toát lược nhãn quan của Đức Phật như sau:
Vũ trụ cũng như
con người thật ra có hai chiều hai mặt, nhưng vẫn luôn luôn là một thực
thể duy nhất:
1– Về phương diện Bản thể, thì tất
cả đều là đồng nhất, bất khả phân, siêu không gian thời gian, siêu xuất
trên mọi hình danh, sắc tướng. Chính vì siêu xuất trên mọi hình danh sắc
tướng, nên mới vô cùng vô tận, vô thủy vô chung, mới có những khả năng
vô biên, vô tận, mới khinh khoát tự do, vô quải ngại.
Bà La Môn gọi cái
đó là Brahman-Atman, Niết Bàn. Phật giáo cũng gọi đó là Niết Bàn. Sau
này còn dùng những chữ Chân Tâm, Chân Như. Có thể gọi đó là KHÔNG vì
không hình danh sắc tướng, không lệ thuộc không gian, thời gian, chứ
không phải đó là NGOAN KHÔNG. Cái KHÔNG nơi đây chính là CHÂN KHÔNG,
DIỆU HỮU, linh minh, huyền diệu, an lạc tuyệt vời.
Có thể gọi Đó là
VÔ NGÃ, vì Cái Đó vô biên tế, vô cùng tận, không còn là của riêng ai.
Nhưng cũng có thể gọi đó là ĐẠI NGÃ, vì là cái NGÃ ĐẠI ĐỒNG của vũ trụ
và của quần sinh. Nó DUY NHẤT, nên không hề pha phách, bác tạp. Chính vì
thế Ngũ Uẩn, Tứ Đại, Hồng Trần không sao vươn lên tới Nó được.
2– Về phương diện hiện tượng, về
phương diện hình danh, sắc tướng, thì tất cả đều là sai biệt, đều chỉ là
phiền tạp. đều trôi nổi trên triền không gian thời gian, đều bị hạn hẹp,
đều bị giam hãm trong những hình danh sắc tướng. Đó là những gì hữu hạn,
những gì biến thiên, những gì vô thường vô định. Đó chính là những bức
tranh vân cẩu, những cảnh tang thương được vẽ vời trong khoảnh khắc trên
bức khung bao la, vô tận của Bản Thể. Đó chính là những cái mà ta gọi là
NGŨ UẨN, LỤC TRẦN, VỌNG TÂM, VỌNG NGÃ. Chúng hoàn toàn chịu những định
luật của sinh tử, luân hồi (luân hồi đây nên hiểu là biến thiên vô
thường, vô định); đây chính là địa bàn hoạt động của mọi tục lụy, khổ
đau, tranh chấp, THAM, SÂN, SI dưới mọi hình thức.
Có thể gọi chúng
là VÔ NGÃ, vì đây chính là những tập hợp biến thiên, của Tứ Đại, Ngũ
Uẩn, Lục Trần. Chúng chính là những phiên chợ đời, tập hợp nhau trong
khoảnh khắc, ồn ào trong khoảnh khắc, bả lả, mặn nồng trong khoảnh khắc,
nhưng rồi ra lại sẽ chia tay, để «Anh đi đường anh, tôi đường tôi».
Gọi chúng là
KHÔNG, vì chúng không có thực thể. Gọi chúng là VÔ THƯỜNG vì nằm trong
ảnh hưởng biến hóa của không gian, thời gian, và các nhân duyên đa tạp
của hồng trần. Gọi chúng là TIỂU NGÃ vì chúng là hình hiện của những gì
thấp hèn, ti tiểu. Gọi chúng là VỌNG NGÃ, vì chúng chẳng qua chỉ là
những bộ mặt nạ hóa trang, đeo lên trên BẢN LAI DIỆN MỤC, khi đóng những
tấn kịch đời...Đó là thế giới của VẠN, của ĐA TẠP.
Bản thể và Hiện tượng luôn luôn ở trong thế cài
răng lược.
Không Bản Thể,
Hiện Tượng không chỗ dựa nương. Không Hiện Tượng, Bản Thể sẽ u tịch,
không thể tìm cho ra vết tích.
Bản thể và Hiện
Tượng nơi con người, theo nhãn quan Phật giáo sẽ là Niết Bàn và Khổ Hải;
Niết Bàn và Luân Hồi; Thường và Vô Thường.
Con người sinh ra
ở đời này phải theo những định luật thiên nhiên vĩnh cửu, và một trong
những định luật đó là phải vươn từ HỮU HẠN, lên tới VÔ HẠN; vươn từ TỐI
TĂM lên tới ÁNH SÁNG; vươn từ PHÙ SINH lên tới TRƯỜNG SINH, vươn từ KHỔ
HẢI lên tới NIẾT BÀN.
Và như vậy NIẾT
BÀN, hay CHÂN TÂM hay BẢN THỂ đều thực sự đã chẳng hề lìa xa con
người...
Con đường dẫn từ
LUÂN HỒI lên tới NIẾT BÀN chính là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.
GIỚI là đi tìm
những định luật thiên nhiên vĩnh cửu mà theo mà giữ.
ĐỊNH là biết tập
trung TINH THẦN để càng ngày càng có thêm THẦN THÔNG, THẦN LỰC.
TUỆ chính là phát
được ĐẠI GIÁC, ĐẠI HUỆ. Mở TUỆ GIÁC để nhìn thấy cái BẢN THỂ. NIẾT BÀN
xét về phương diện LUÂN LÝ, NGHỆ THUẬT thì chính là Lý Tưởng mà con
người cần phải liễu đạt. Cho nên nếu BÁT CHÍNH ĐẠO là con đường đưa tới
NIẾT BÀN, thì BÁT CHÍNH ĐẠO có thể tóm tắt lại bằng lời khuyên sau:
Luôn luôn hãy
sống cho hay, cho đẹp, cho tuyệt vời, bất kỳ trong giây phút nào, trong
hoàn cảnh nào. Nho giáo gọi thế là THỜI TRUNG...
Phật giáo gọi thế
là QUI Y PHẬT, lấy Phật làm lý tưởng tối cao để qui định hành vi của
mình.
Nếu chúng ta học đạo Phật không phải là để thỏa mãn cái trí tò mò,
mà cốt là theo gương Phật, bắt chước Phật, mong trở thành Phật, tu trì
tinh tiến, mong sớm được đại giác, đại ngộ, đem lòng từ bi vô lượng,
thương xót chúng sinh, nguyện làm lợi ích cho nhân quần, cho xã hội, nếu
mọi người ai cũng quyết tâm như vậy, thì Tịnh Thổ, Cực Lạc, Niết Bàn,
trước sau cũng sẽ hình hiện để thay thế cho trần ai tục lụy này.
Thực ra thì tùy
trình độ, tùy căn cơ, tùy công phu thiền định, tùy sự tập trung tinh
thần của mỗi người, tùy công phu suy cứu của mỗi người, mà mỗi người lại
có một quan niệm khác, suy tư khác về những lời Phật dạy.
Đã từ ngót 40 năm nay, tôi đã cố gắng đi tìm cái lẽ NHẤT QUÁN trong
các đạo giáo thiên hạ, sau khi đã đi sâu vào đáy lòng mình để tìm ra
thân thế, giá trị và định mệnh con người. Nói cách khác, tôi khảo sát
các đạo giáo, các triết học Đông Tây, kim cổ cốt là để kiểm chứng những
điều tôi đã quán chiếu và chiêm nghiệm mà thôi. Tôi đã đến với Phật giáo
sau khi đã thâm cứu Khổng giáo, Lão giáo, Bà La môn giáo, Do Thái giáo,
Cơ Đốc giáo, Hồi Giáo v.v... Năm 1965, tôi đã viết một tiểu luận nhan đề
là TINH HOA PHẬT GIÁO.
Đi vào đạo Phật,
tôi đã giữ một thái độ thành khẩn, lễ độ nhưng đồng thời cũng không đánh
mất cái tính tự tín, tự cường, tự lập của mình.
Trước hết cái
điều mà tôi rất kính phục ở nơi Đức Phật chính là thái độ hiên ngang của
Ngài đã dám gạt bỏ mọi thần thánh, mọi lễ nghi van vái, mọi kinh sách ra
một bên, để chỉ vẽ cho mọi người thấy rằng:
1– Cái gì vô
thường, cái gì biến thiên, cái gì ở trong vòng Sinh Diệt, là nguồn gốc
mọi sự khổ đau.
2– Ngài lại dạy
thêm rằng đừng có tin suông vào lời Ngài, mà hãy tự mình kiểm nghiệm lại
những điều Ngài nói, xem có đúng sự thực không.
3– Ngài dạy
chúng ta hãy hồi quang quán chiếu vào tận đáy lòng mình, để
trực giác được rằng mình cũng chính là Phật.
[8]
Với những lời
khuyên đó như chỉ nam, chúng ta liền hiểu được vi ý của Tứ Diệu Đế; Ngũ
Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, và Bát Chính Đạo.
TỨ DIỆU ĐẾ
1– Khổ đế: Đời là khổ.
2– Tập đế: Nguồn gốc sự khổ: Tham
3– Diệt đế:
Cách Diệt khổ: Vào Niết Bàn.
4– Đạo đế:
Đường đưa tới giải thoát, tới Niết Bàn: Bát chính
đạo.
[9]
1–
Cái nhận xét đầu tiên: Đời là khổ, thì hầu như ai cũng chịu là
đúng.
2–
Cái nhận xét thứ hai cho rằng Tham dục là nguồn gốc sự khổ như
dân gian thường nghĩ chưa đủ sâu sắc:
Đức Phật khi
giảng về Ngũ Uẩn -Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức- đã cho biết thêm:
Ngũ uẩn do nhân
duyên sinh ra, nên đều là những gì bị chi phối. Chúng có những đặc tính
sau đây: Vì chúng do nhân duyên huân tập mà nên, và chịu định luật sinh,
trụ, hội (tử), cho nên căn bản chúng là biến thiên, vô thường, vô ngã...
Ngũ Uẩn là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.
[10] Tóm lại, cái gì
biến thiên là khổ, và vô ngã. Nhận xét này mới thật phong phú, Suy ra
thì không được theo đuổi, không được cưu mang cái gì biến thiên, dù nó ở
ngoại cảnh, ở hình hài, ở trí lự, hay tâm tư ta.
Cảnh giới vô
thường, vô ngã, biến thiên chính là cảnh giới của Lục Căn, Lục Trần, Lục
Thức; của Ngũ Uẩn; của Thập Nhị Nhân Duyên. Dần dần chúng ta sẽ duyệt
lại từng vấn đề.
3– Theo dân gian, nhận xét thứ ba là muốn thoát
khổ phải trừ diệt nguồn gốc sự khổ. Mà nguồn gốc sự khổ là Tham Dục.
Vậy muốn thoát khổ, phải diệt dục. Dẹp xong tham dục sẽ vào
cảnh giới Niết Bàn.
Tôi giải Diệt Đế
như sau: Nếu sống trong vòng biến thiên, hiện tượng, là sống trong vòng
Ngũ Uẩn, trong vòng sinh diệt, khổ đau, thì muốn thoát khổ, phải đạt
được cảnh giới Bản thể, cảnh giới Chân tâm. Chỉ có cảnh giới này mới gọi
được là cảnh giới Niết Bàn.
Đức Phật không
bình giải về cảnh giới này, chắc là để ta tự chứng ngộ lấy.
Nhưng ta có thể
dễ dàng luận ra được cảnh giới Niết Bàn.
Trước hết, vì
cõi Ta Bà chúng ta là bể khổ, thì dĩ nhiên Niết Bàn phải là cảnh giới
Hạnh Phúc.
Chúng ta ở trong
cõi BIẾN THIÊN, SINH DIỆT thì dĩ nhiên Niết Bàn phải là cảnh giới BẤT
SINH, BẤT DIỆT, VĨNH CỬU, THƯỜNG HẰNG.
Nếu cảnh giới Ta
Bà là cảnh giới Vô Ngã, Vọng Ngã, thì NIẾT BÀN phải là cảnh giới của
CHÂN NGÃ.
Nếu Hồng Trần
Tục Lụy là cõi ngoại giới, cõi hình hài, tâm tư trí lự, thì Niết Bàn
phải là cõi nội giới, nằm sau lớp trí lự, tâm tư. Sở dĩ chúng sinh không
tìm ra được CHÂN TÂM, hay NIẾT BÀN chính là vì ĐỊNH, TUỆ chưa đủ, nên
chưa xuyên thấu được bức màn VÔ MINH ngăn cách giữa hai cảnh giới CHÂN
và VỌNG.
Tóm lại như trên đã chứng minh rằng Đức
Phật đã cho thấy KHỔ ĐAU nằm gọn trong Ngũ Uẩn, mà Ngũ Uẩn chính là hình
hài ta, trí lự ta, tâm tư ta. Nếu vậy thì Niết Bàn chắc chắn cũng đã nằm
sẵn trong tầng sâu cùng tột của tâm hồn ta, mà chỉ vì ta ngu si, ta phù
phiếm xốc nổi, ta không chịu thu thần định trí mà quán chiếu, nên mới
nhìn chẳng ra, hiểu chẳng nổi mà thôi. Đối với tôi, chúng ta dù là trong
muôn kiếp, bao lâu còn thở than rằng chúng ta khổ, chúng ta hèn, chúng
ta sống phù du như bèo trôi, mây nổi, thì bấy lâu chúng ta vẫn lạc lõng
trong Luân Hồi, Sinh Tử. Nhưng nếu có một ngày nào, một phút nào, ta
bừng mở được con mắt tâm linh để nhìn thấy Chân Tâm, Chân Bản Thể của
chúng ta, một Chân tâm vô biên tế như vũ trụ, một Chân tâm quang minh
hơn nhật nguyệt, một Chân tâm thanh tịnh hơn nước hồ thu, thì ngay lúc
ấy ta sẽ lập tức triển dương được thần uy, thần lực tiềm tàng từ muôn
thủa trong ta, và ngay lúc ấy có một sự chuyển biến vô hạn trong ta, làm
cho chúng ta từ hữu hạn trở thành vô biên, từ u minh trở thành nguồn
sáng, và ta sẽ cảm nghiệm được sự tĩnh lãng siêu tuyệt của đất trời hiện
tiền trong tâm linh ta.
Thực ra, Đức
Phật không định nghĩa Niết Bàn, nhưng thường xuyên nói đến một vài đặc
tính của nó. Ngài quả quyết rằng các vị La Hán đã đạt được hạnh phúc
không tả xiết (Udana- Tự Thuyết- 8. 10); rằng Niết Bàn là hạnh
phúc (Anguttara-Tăng nhất A Hàm- 4. 414; rằng Ngài đã đạt tới Bất
Tử, và các tì kheo cũng có thể đạt tới như vậy: «Các bạn có thể chứng
kiến chuyện này ngay khi còn sống, các bạn sẽ sống và mang Bất tử trong
mình» (Majjhima N. -Trung A Hàm- 1. 172). Bậc La Hán ngay trong kiếp
này, đã rũ bỏ mọi phiền trược, nhập Niết Bàn, hưởng hành phúc nơi mình,
và sống với Brahman... (Anguttara-Tăng Nhất A Hàm- 1. 206; Majjhima
Nikya-Trung A Hàm-1. 341).
Những câu trên
đã được học giả Pháp là Vallée-Poussin sưu tầm.
Ông
Vallée-Poussin luôn tiện còn so sánh những tư tưởng trên của Đức Phật
với một câu trong thánh kinh Bhagavad Gita của Ấn Giáo:
«Một vị đạo
sư mà không tìm thấy được hạnh phúc, nguồn vui và ánh sáng ở đâu khác
ngoài tâm mình, vị đó đồng hóa mình với Brahman, đạt tới Niết Bàn, mà
Niết Bàn là Brahman.»
[11]
Nhân đọc những câu kinh sách trên do học giả Vallée-Poussin sưu
tầm tôi chợt nhớ lại một sự nhận định của tôi về chữ Niết Bàn như sau:
Số là năm 1956, khi tôi khảo về đạo Khổng và đạo Lão -lúc ấy tôi chưa
khảo về đạo Phật- tôi thấy Trung Dung chương XXVI có câu:
«Cao
minh phối Thiên», và Đạo Đức Kinh chương 68 có câu:
Thị vị Phối thiên cổ chi cực
(Sống kết hợp với Trời là cực điểm của người xưa), tôi liền suy
luận ra rằng nếu Khổng, nếu Lão chủ trương Phối thiên là đạt đích của
con người, thì chữ Nirvana của Ấn Giáo, Phật giáo cũng phải hiểu được là
Phối Thiên. Để kiểm chứng sự suy luận của tôi, tôi hỏi một Thiếu Tá
người Ấn Độ, thời ấy làm trong ủy Hội Đình Chiến xem trong tiếng Ấn Độ
chữ
Nirvana nghĩa là gì? Ông trả lời tôi là
«Union
with God» (Phối Thiên).
Tôi liền suy ra
rằng xưa nay thánh hiền tiên phật, lúc đắc đạo đều có một luận điệu như
nhau và đều cho thấy rằng các Ngài đã thể nhập với Bản thể của Vũ Trụ,
Căn Nguyên và Cùng Đích của vũ trụ...
Thế là chưa vào
Bà La Môn giáo và Phật giáo, mà đã suy ra được cái đạt đích thâm viễn
của hai tôn giáo nói trên. Cái hay của khoa Tôn Giáo đối chiếu chính là
ở chỗ đó...
Tối hôm 4/6/89,
nhân muốn tìm lại xuất xứ của hai chữ Phối Thiên trong Lão Trang, tôi dở
quyển Les Pères du Système Taoiste, của Léon Wieger, thì tự nhiên
một đoạn của Nam Hoa Kinh (Chương Tại Hựu 11) đập vào mắt tôi: Đó
là cuộc đối thoại giữa Quảng Thành Tử chân nhân với Hoàng đế. Đoạn đó
như sau:
Theo ta đến
Cực Dương,
Lại theo đến
Âm Cực.
Cùng ta vượt
Âm Dương,
Nhập vào
trong Thái Nhất.
Âm Dương có
gốc nguồn,
Đất trời có
chủ chốt.
Để ý gìn bản
thân,
Tự nhiên sẽ
khỏe mạnh.
Ta sống trong
Thái Hòa,
Ấp ôm gìn
Thái Nhất.
Nên dẫu nghìn
năm qua,
Ta đây vẫn
tươi tắn.
Hoàng đế khen
Quảng Thành:
Ngài chính là
Trời vậy.
Quảng Thành
vẫn điềm nhiên,
Truyền Hoàng
đế nghe tiếp:
Cái đó vốn vô
cùng,
Con người
tưởng hữu hạn.
Cái đó khó tư
lường,
Con người lầm
có cực.
Nếu hiểu nổi
đạo ta,
Vua chúa làm
như bỡn.
Như không
hiểu đạo ta,
Chẳng qua
sống phàm tục.
Căn bản mà
quên đi,
Bụi đất hoàn
bụi đất.
Nay ta tương
biệt ngươi,
Vào cửa Vô
Cùng Cực.
Ta chơi trong
Vô Biên,
Ta sáng như
nhật nguyệt.
Đời ta sẽ vô
cùng,
Vĩnh cửu như
trời đất.
Người theo
hay không theo,
Riêng ta ta
không chấp.
Mọi người đều
chết đi,
Riêng ta vô
cùng cực...[12]
Tôi ghi lại đoạn
này để giúp hiểu thêm về đời sống trong cõi Niết Bàn của các vị Chân
Nhân...
Sau khi suy tư
về những nhận định của Đức Phật về Niết Bàn, tôi suy tư tiếp:
Niết Bàn như vậy
là Bản Thể chân thực của ta, của quần sinh và vũ trụ.
Niết Bàn là hạnh
phúc.
Niết Bàn ở sẵn
trong tâm khảm con người.
Niết bàn là Chân
Thường, Hằng Cửu.
Niết Bàn là một
trạng thái tĩnh lãng, bất biến.
Niết bàn có thể
thực hiện ngay trong cõi đời này.
Như vậy Niết Bàn
là trạng thái mà ta có thể tự tạo cho ta, ban bố cho ta, chứ không do
một vị Thần Phật ngoại tại nào. Tại sao vậy? Thưa chính là vì ta đã nhập
thể với Bản Thể vũ trụ, nguồn sinh xuất ra vũ trụ, và chư Phật, chư
Thần.
Đến đây tôi sực
nhớ lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, câu 276:
«Các ngươi hãy nỗ lực lên. Như Lai chỉ dạy
cho con đường giác ngộ, chứ không giác ngộ thế cho ai được.
Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của ngươi mà được cởi
mở.»
Mới hay công
trình tu trì, giải thoát của con người cũng đã chịu một định luật thiên
nhiên chi phối. Đó là: LINH TẠI NGÃ, BẤT LINH
TẠI NGÃ (Hay tại ta, dở cũng tại ta).
Nếu Niết Bàn là
hạnh phúc, là bất biến, là trạng thái có thể thực hiện ngay ở đời này,
thì dĩ nhiên là nếu có được hạnh phúc bây giờ, thì hạnh phúc ấy cũng
không thua kém hạnh phúc hưởng được sau khi nhắm mắt tắt hơi. Nhận định
này hết sức quan trọng, và làm cho chúng ta hết những mơ ước viển vông
về những thiên đường mai hậu, bởi vì ngay từ trong cuộc sống hiện tiền
của chúng ta, chúng ta có thể đạt được một trạng thái cao siêu nhất mà
trời đất có thể dành để cho chúng ta.
4– Nhận định thứ tư là: Có nẻo vào Niết Bàn,
có phương pháp để thực hiện Niết Bàn: Đó là Bát Chính Đạo.
Khi tôi suy tư
về những nhận định trên của Đức Phật, tôi thấy ngay được mạch lạc tư
tưởng của Ngài, mà tôi tóm lại như sau:
Nếu cái gì là
hiện tượng, cái gì là hình danh sắc tướng, cái gì là suy tư, niệm lự,
cái gì là thất tình lục dục, tất cả những cái đó đều là những gì biến
thiên (vô thường), vô ngã, sinh diệt, và là nguồn gốc khổ đau.
Muốn chữa bệnh
Sinh, Lão, Bệnh, Tử thì phải có cái gì bất sinh, bất bệnh, bất lão, bất
tử.
Muốn vượt khổ
hải, tất nhiên phải có Niết Bàn, là nơi vô ưu, vô khổ, có vậy công trình
ta mới có ý nghĩa.
Muốn vượt qua
các cảnh giới biến thiên, ắt phải có cảnh giới trường cửu, như vậy sự
vươn vượt của chúng ta mới có ý nghĩa.
Nếu tu mà muốn
diệt Vọng Tâm, thì ắt là phải muốn đạt tới Chân Tâm.
Tôi chứng minh
những điều tôi nói bằng những lời của Đức Phật.
Phật cho rằng
sống trong biến thiên, chất chưởng, tương đối, dĩ nhiên là sẽ phải lệ
thuộc, sẽ không thể nào được hạnh phúc bền bỉ. Như vậy muốn được tự do,
hạnh phúc trường tồn, tất nhiên phải tìm cho ra tuyệt đối, hằng cửu, bất
biến.
Phật nói: «Hỡi
các tì khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì
nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được cái sinh, thành,
ỷ, tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho cái: Sinh,
Thành, Ỷ, Tạp.»
[13]
Khi Đức Phật mới
ra giảng giáo, có 30 chàng thanh niên nhân đi tìm một cô bạn gái, đến
hỏi thăm đức Phật xem Ngài có thấy cô bạn gái đó không? Đức Phật hỏi
lại: «Theo ý các con thì nên tìm một người
phụ nữ hay nên tự tìm ra mình là hơn?»
- Bạch Ngài
tự tìm ra mình hẳn là hơn
- Vậy hãy
ngồi lại đây Như Lai sẽ giảng giáo lý cho các con.
- Chúng con
xin vâng.
... Sách kể ba
mươi thanh niên đó đều đã xuất gia theo Phật.
Đọc truyện này,
dĩ nhiên phải hiểu là Đức Phật dạy tìm Chân Ngã hằng cửu nơi con người.
Chứ chẳng nhẽ ngài lại dạy chúng thanh niên đó đi tìm Con người hư ảo,
biến thiên trong người họ hay sao. Nếu một
mặt Ngài dạy đi tìm Tự Tâm, Tự Tính, rồi một mặt khác Ngài lại dạy rằng
cái Tự Tâm, Tự Tính ấy cũng chẳng hằng cửu,
thì chung qui Ngài không thể giúp họ giải thoát, và như vậy Ngài đã làm
một chuyện vô ích...[14]
Sau khi thành
đạo, Đức Phật tuyên bố:» Cửa Vô Sanh, Bất
Diệt đã mở cho chúng sinh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe, đặt trọn niềm
tin tưởng.»
[15] Tôi hiểu VÔ SINH BẤT DIỆT là VĨNH CỬU
TRƯỜNG TỒN, và lại càng tin chắc là Đức Phật vừa thấy Biến Thiên, vừa
thấy Hằng Cửu.
Tôi hết sức ngạc
nhiên vì thấy Phật Giáo Tiểu Thừa từ trước tới nay luôn luôn chủ trương
rằng theo Đức Phật, thì trong thế giới này tất cả
đều biến thiên. Bản thể vũ trụ này
biên thiên, Chân tâm, Đại Ngã nhất nhất đều biến thiên.
Tôi không bao
giờ đồng quan điểm với Tiểu Thừa được, vì nếu tất cả đều biến thiên, thì
tất cả là khổ lụy, và con người không còn có cõi nào để mà giải thoát,
và Niết Bàn cũng chỉ là hư danh, vì cũng vẫn luẩn quẩn ở trong vòng biến
thiên sinh diệt.
Có lẽ Tiểu Thừa
đã làm như vậy để tôn vinh Đức Phật và cho rằng Ngài đã hoàn toàn không
có vay mượn gì của Bà La Môn. Đối với Bà La môn, thì Bản Thể của Vũ trụ,
Bản thể của con người, Bản thể của quần sinh là một. Bản thể của vũ trụ
là BRAHMAN, bản thể của con người là ATMAN. Và con người tu luyện cốt là
trở thành ATMAN vô biên tế. Chúng ta biết rằng
ATMAN, BRAHMAN đây không còn là những vị tối thượng thần hữu ngã,
mà chính là Nguồn sinh của vũ trụ quần sinh.
Kinh Bà La Môn là Áo Nghĩa Thư chuyên giảng về ATMAN; nên Tiểu Thừa đã
chủ xướng ANATMAN (hay Nairatmya). Nói thế có nghĩa là đối với Áo
Nghĩa Thư, dưới các lớp lang biến ảo của vũ trụ quần sinh, còn có một
căn cơ bất biến vĩnh cửu làm chủ chốt. Cái căn cơ đó được hài danh là
ATMAN. Còn đối với Tiểu Thừa thì nói như vậy là điều tối ư sai lạc, vì
trong vũ trụ này không có gì là cốt lõi, không có gì là vĩnh cửu không
có gì là Chân Tâm.
[16]
Là người đứng bên ngoài Phật giáo, tôi nhận định lại một lần nữa
về vấn đề Atman/Anatman như sau:
Đức Phật đúng là
một vị đại cách mạng: Ngài coi thường những thần thánh Ấn Độ vì cho rằng
nếu các vị thần thánh đó mà có ngôi, có vị, có danh, tướng, thì cũng
chưa thể nào bất diệt được (có nghĩa là cũng còn ở trong vòng luân hồi).
Ngài không lệ thuộc vào các Thánh Kinh Veda, Upanishads. Ngài
chống lại sự phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ. Ngài coi thường các
lễ nghi hình thức bên ngoài. Nhưng Ngài vẫn còn dùng những danh từ của
Bà La Môn, như Vô Minh, như Nghiệp Báo, như Luân Hồi, như Giác Ngộ. như
Giải Thoát, như Niết Bàn. Nói như vậy, tức là Ngài đã loại trừ hết
mọi tệ đoan, mọi ô trọc của Bà La Môn mà chỉ giữ lấy tinh hoa.
Tôi nghĩ rằng
bất kỳ ai, bất kỳ một Phật tử nào, nếu vô tư, vô chấp cũng sẽ tán đồng
đường lối lý luận của tôi.
Bây giờ tôi tiến
thêm một bước nữa, và cho thấy rằng từ lâu đã có những học giả Âu Mỹ,
những Phật tử Âu Mỹ lỗi lạc như bà Rhys Davids cũng đã có một quan điểm
như tôi.
Bà Rhys Davids
là một người rất giỏi tiếng Pali, và đã để cả đời nghiên cứu về Phật
Giáo Nguyên Thủy (Theravada) mà chủ trương chính yếu là không làm gì có
«hồn vĩnh cửu». Bà đã lẩy ra rất nhiều đoạn kinh Tiểu Thừa để chứng minh
rằng Đức Phật không hề dạy rằng Chân Ngã con người là hư ảo, mà chỉ dạy
rằng không thể tìm thấy Chân Ngã đó, không thể tìm thấy được Chân Thường
hằng cửu, trong cái thân phiến diện kết cấu bởi Lục Căn, Lục Trần, Lục
Thức, bởi Ngũ Uẩn biến thiên.
Bà Rhys Davids
và ông Humphreys đã chứng minh rằng trong Kinh Tạng viết bằng
tiếng Pali, nhất là trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada), Đức Phật đã
dạy rằng con người có hai thứ Ngã: Đại Ngã và Tiểu
Ngã, và không hề dạy rằng Đại Ngã là hư ảo.
Bà Rhys và ông Humphreys cho rằng thuyết An-Atman (không có Ngã =
Not-Self) là do một sự hiểu lầm của nhiều người theo Tiểu Thừa.
Bà Rhys Davids
tóm tắt sứ mạng của Đức Phật như sau:
«Ngài bắt đầu
sứ mạng Ngài bằng cách khuyên mọi người tìm cho ra Chân Tâm, Chân Ngã
(Atman), sau đó kết thúc bằng lời chỉ dạy con người phải lấy Chân Tâm,
Chân Ngã mình, làm đèn soi, và làm nơi nương tựa cho mình.» Và bà
dẫn chứng bằng hai câu kinh Pháp Cú: «Đại Ngã là Chúa của tiểu
ngã, và là mục đích của nó.»
[17]
Tôi đã trình bày
vấn đề này một lần trước đây, khi bàn về Luân Hồi, Chuyển Kiếp trong tạp
chí Hoa Sen, số 6: tháng 1&2. 1989.
Quí vị nào muốn
biết thêm chi tiết về vấn đề quan trọng này, xin đọc:
The Central
Philosophy, Buddhism
T.R.V. Murti, Mandala Books, Unwin Paperbacks, London, Boston, Sydney,
1980, pp. 18, 20ff v.v...
Joseph Heads &
S.L. Cranston, Reincarnation, The Phænix Fire Mystery, Julian
Press, New York, 1977, p. 436.
Hoa Sen, số 6; Tháng 1 & 2. 1989. tr. 52, 72, 73.
Những nhận định
của tôi trở thành chân lý, khi chúng ta đọc các kinh sách của Đại Thừa
như Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già, Kim Cương, Diệu Pháp Liên Hoa,
Hoa Nghiêm, Pháp Bảo Đàn Kinh v.v...
Trong bộ Phật
Học Phổ Thông, Phật Học Viện Quốc tế xuất bản, 1982, nơi Khóa X, XI,
có một bài nhan đề: Tâm Chân Như; Tâm sinh diệt; Trở về Chân Tâm.
Như vậy, vấn đề
tôi bàn trên đã trở thành một vấn đề của đi chúng từ lâu...
NGŨ UẨN = SÀO HUYỆT CỦA KHỔ ĐAU
Một vị tướng
soái, trước khi muốn đánh địch cần phải biết rõ vị trí của địch, nội
tình của địch. Đức Phật cũng vậy, trước khi dạy ta «diệt khổ», cần phải
cho ta biết rõ khổ đau nằm tại nơi đâu. Nếu như dùng từ ngữ bình dân mà
nói, thì có lẽ Đức Phật đã nói: Đau khổ nằm sẵn trong:
1– Ngoại cảnh.
2– Hình hài thân
xác ta.
3– Trí lự ta.
4– Tâm tư ta.
5– Cách thức ta
đối phó với ngoại cảnh.
Thay vì nói nôm
na như vậy, Đức Phật đã dạy: Ngũ uẩn là địa bàn của đau khổ, vì Ngũ uẩn
có đủ những đặc tính sau đây là: biến thiên, vô ngã, và đau khổ (xem chú
thích 2 nơi trên).
Ngũ Uẩn hay Ngũ
âm (Skandas, - Five Aggregates) được hiểu là Năm món tích tụ, hòa hiệp
lại thành thân, tâm con người, và chúng sinh.
Ngũ Uẩn gồm có:
Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức.
- Sắc
(rupas- Forms or corporeality): Sắc là cái gì hữu tướng hữu hình, được
cấu tạo bởi Tứ Đại (the four great elements: Đất, Nước, Gió, Lửa), bởi
Ngũ Trần (Sắc, thanh hương, vị, súc), Ngũ Căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt,
thân).[18]
Như vậy Sắc là
ngoại cảnh, và xác thân ta.
- Thụ
(Vedana– Sensations– Feelings): 'Thụ' bao gồm tất cả những cảm giác được
sinh ra khi ngũ quan (ngũ căn) tiếp xúc với ngoại cảnh (ngũ trần).
- Tưởng
(Sanjna– Perceptions– Cognitive phenomena– Notions): 'Tưởng' là tri giác
bao quát tất cả những hình ảnh, những dữ kiện mà tâm tư, trí não đã thu
thập được từ ngoại cảnh.
- Hành
(Samskaras– Psychic constructions, including both conscious and
unconscious activity– Volitions– Impressions): 'Hành' bao gồm tất cả
những hoạt động của trí lự, tâm tư hữu ý hay vô tình.
- Thức
(Vijnana– thoughts– Knowledge), Thức có 6 loại: Nhãn thức, nhĩ thức, Tị
thức, Thiệt thức, thân thức, ý thức.
Như vậy: Sắc bao
quát ngoại cảnh và thân xác, ngũ quan con người.
Thọ, Tưởng,
Hành, Thức bao quát tâm tư, trí lự con người.
Ngũ uẩn vẽ ra hình ảnh một con người hướng ngoại,
chỉ lo ứng phó với ngoại cảnh. Ngũ uẩn làm tôi liên tưởng đến bộ máy
computer hiện giờ. Sắc Thụ là giai đoạn thu
thập dũ kiện; hành là giai đoạn biến
hóa dữ kiện; tưởng là giai đoạn áp dụng dữ
kiện để giải quyết công việc thường nhật.
Nếu hiểu Ngũ Uẩn
như vậy, thì bất kỳ ai nếu chỉ sống bằng Ngũ Uẩn, trong Ngũ Uẩn, người
ấy chỉ mới là một con người dung phu, dung tục, hướng ngoại, hết sức lệ
thuộc vào ngoại cảnh, tùy nghi độ nhật, mưu sinh, chưa có gì là cao đại.
Vô Cấu Tử có kệ:
Ngũ Uẩn sơn đầu
nhất đoạn không,
Đồng môn xuất
nhập bất tương phùng.
Vô kượng kiếp lai
nhẫm ốc trú,
Đáo đầu bất thức
Chủ Nhân Ông.
Tạm dịch:
Đầu non Ngũ
Uẩn một vừng Không,
Vào ra cùng
cửa chẳng tương phùng.
Từ bao nhiêu
kiếp thuê nhà ở,
Tới nay, nào
biết Chủ Nhân Ông.
Ngũ Uẩn chính là
con người phù du, hư ảo, chính là cái Vọng Tâm, tà ngụy, biến
thiên, chính là nguồn gốc sinh tử, khổ đau. Khi đã rõ bộ mặt thực của nó
là biến thiên, sinh tử, giả tạo, khổ đau, thì nhất định chúng ta không
thể nào còn muốn ôm ấp, chắt chiu, tu sửa, dùi mài gì nó được. Nó chính
là giặc cướp hóa trang làm con cái trong nhà. Chỉ có một giải pháp là
vứt bỏ nó cho mau, để vươn vượt tới Con Người Chân Thực, tới Chân tâm
quang minh, hằng cửu, tĩnh lãng, hạnh phúc. Thế chính là Diệt Ngã để
nhập Niết Bàn, để khế hợp với Chân tâm...
Phật Học Từ
Điển,
Đoàn Trung Còn, nơi chữ Bổn Ngã, cũng ghi nhận đại khái rằng 'Bổn Ngã',
hay Ngã, hay Cái ta, tức là Ngũ Uẩn tạm hiệp, và luận tiếp rằng: Nhà
đạo học chân chánh phải cho rằng cái bổn ngã tức thân tâm là giả, vốn
không. Tưởng quyết như vậy mới dứt các mối tríu mến, phiền não, mới dễ
bề đắc đạo...
Kinh Tạp A
Hàm -
Samyutta Nikaya - bình về Ngũ uẩn như sau: «Giả sử sông Hằng chảy
xuôi với những bọt nước bồng bềnh trôi nổi bên trên, lại giả sử có một
người biết nhận xét tinh tế đứng quan sát cảnh tượng đó, người đó sẽ
thấy bọt nước là rỗng không, không có thực tướng. Cũng như thế, thể xác
vì là sắc tướng nên là giả tạo, không có thực chất. Bốn uẩn kia cũng
vậy:» Sắc là bọt nổi; Thọ là bong bóng nước; Tưởng là ảo ảnh; Hành như
cây chuối xốp; và Thức như bóng ma. Đã hẳn rằng cái gì có sinh tất phải
có diệt...[19]
Ngũ uẩn như vậy
là những hiện tượng biến thiên, nên nhất định là bị hủy hoại. Muốn
trường sinh, bất tử chắc chắn chúng ta phải vượt lên trên cảnh giới của
Ngũ Uẩn, nghĩa là phải vào cảnh giới Niết Bàn.
Nếu thật
sự Ngũ Uẩn nó xấu xa như vậy, tại làm sao mà con người lại không chịu
vứt bỏ nó, tại làm sao con người lại cứ ôm ấp nó để mãi mãi luân lạc
trong cảnh luân hồi sinh tử?
Phật giải câu
hỏi trên bằng Thập Nhị nhân duyên, và cho rằng sở dĩ thế chính là vì con
người ngu dốt.
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
(Doctrine of
Dependent Origination, which stressed the conditionality, relativity and
interdependence of all the factors that compose what we call man): CĂN
DO CỦA LUÂN HỒI SINH TỬ.
Dưới đề mục Thập
Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đại khái luận về cái thế giới hiện tiền, biến
thiên sinh diệt, cái thế giới của các nhân duyên tương liên, tượng hợp;
tương giao, tương tùy; tương hô, tương ứng; tương khắc, tương thừa;
tương sinh, tương diệt. Cái thế giới này bao quát cả ngoại cảnh, đến
hình hài, đến tâm tư, trí lự con người. Cái thế giới biến thiên ảo hóa
ấy chung qui vẫn là ở trong vòng luân hồi, sinh tử...
Con người bị
luân hồi sinh tử, chính là vì chỉ biết nhìn thấy cái Hiện Tượng nhãn
tiền, phiến diện bên ngoài, mà không nhìn thấy cái Bản Thể vi diệu bên
trong, chính là vì NGU SI, DỐT NÁT.
Con người bị
luân hồi sinh tử chính là vì tham luyến, vì ôm ấp trần ai, tục lụy,
chính là vì đã chạy theo giả cảnh, biến thiên bên ngoài, mà bỏ quên mất
cái Chân thường Vi Diệu bên trong.
Đức Phật trình
bày quan niệm trên bằng Thập Nhị Nhân Duyên.
Thập
Nhị Nhân Duyên (Pratitya samutpada– dvadasanga
pratityasamutpada) là:
1. Vô Minh - 2.
Hành - 3. Thức - 4. Danh Sắc - 5. Lục Nhập - 6. Xúc - 7. Thụ - 8. Ái -
9. Thủ - 10. Hữu - 11. Sinh - 12. Lão, Tử.
Các sách thường
giải Thập Nhị Nhân Duyên chính là căn do làm cho con người luân lạc
trong cõi sinh tử luân hồi. Họ giải Vô Minh, Hành là nhân trong kiếp
trước; Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu là quả trong
kiếp này; còn Sinh, và Tử là hậu quả cho kiếp sau.
Tôi thấy giải
thích kiểu này có vẻ bất ổn, nhất là chỉ cho nó có ảnh hưởng trong ba
kiếp.
Ngoài ra
ta còn thấy Phật giáo Tây Tạng thường vẽ Thập Nhị Nhân Duyên chung vào
một hình cùng với Tham Sân Si, và Lục Đạo, Tam Đồ.
Vòng
tròn trong cùng là Tham, Sân Si, tượng trưng bằng hình con Gà (Tham);
Con Rắn (Sân), Con Lợn (Si). Ba con cắn đuôi nhau. Tham Sân si chính là
Vọng Tâm.
Vòng
tròn giữa có hình Lục đạo: Thiên (Tiên)– Atula (Thần)– Nhân (Người)– Địa
Ngục– Ngạ quỉ (Ma đói)– Súc sinh– Súc vật.
Vòng
ngoài cùng là vòng Thập Nhị Nhân Duyên: Có 12 hình vẽ: 1. Bà lão mù (Vô
Minh)– 2. Hình thợ gốm (Hành)– 3. Hình con khỉ (Thức)– 4. Hình chiếc
thuyền (Danh Sắc)– 5. Hình cái nhà (Lục Nhập)– 6. Hình trai gái ngồi với
nhau (Xúc)– 7. Hình một người bị tên (Thụ)– 8. Hình người đang uống rượu
(Ái)– 9. Hình người hái quả (Thủ)–10. Hình trai gái yêu nhau (Hữu)– 11.
Hình người đang sinh con (Sinh)– 12. Hình bà lão chống gậy hay hình hai
người khiêng cái xác (Lão, Tử).
Ngoài
cùng có hình Ma Vương (Mara– Tử Thần).
Ngụ ý toàn hình:
ôm ấp Vọng tâm, coi đó là Mình; Ngu muội ám tâm, luyến trần, luyến cảnh
đó chính là duyên do đưa con người vào cảnh sinh tử, luân hồi.
Cắt nghĩa như
vậy, thật hết sức sáng tỏ.
Trở
lại Thập Nhị Nhân Duyên (Pratityasamutpada – The formula of Dependent
Origination – Doctrine of Causality – Dependently Coordinated
Origination):
1.
Vô Minh (Avidya – Ignorance): Sự ngu dốt chính là nguồn gốc, là
căn do đưa con người vào trần ai tục lụy. Ngu dốt chính là vì đã không
nhìn thấy Bản Thể vi diệu, sang cả của con người, nên đành dấn thân vào
con đường trần ai, tục lụy.
2. Hành (Samskara – Karnic Formations –
Action – Activity – Conceptions – Dispositions). Con người sinh ra vốn
có khuynh hướng hoạt động, nên nếu không hướng nội, sẽ hướng ngoại, nếu
không biết được cái cao siêu, vĩnh cửu, thì sẽ dồn nỗ lực vào công cuộc
mưu sinh bên ngoài.
3. Thức (Vijnana): Rồi ra sẽ tò mò tìm
hiểu ngoại cảnh.
4.
Danh sắc (namarupa – Names and forms). Danh sắc là Hình, Danh,
Sắc, Tướng bên ngoài, tức là ngoại cảnh. Từ đây con người bắt đầu ứng
đối, giao tiếp với cảnh trí bên ngoài.
5. Lục nhập (Sadayatana – The six
sense-organs – The six bases of Consciousness). Lục nhập là ngũ quan và
ý của con người.
6– Xúc (Sparsa – contact) Xúc là sự tiếp
xúc giữa con người và ngoại cảnh.
7–
Thụ (Vedana – Feelings, sensations): Ảnh hưởng ngoại cảnh bắt đầu
xâm nhập vào ý thức tâm tư con người qua lối đường cảm giác.
8– Ái (Trsna. Yêu, ước muốn). Do đó nảy ra
lòng ham muốn, thèm khát.
9– Thủ (Upadana – laying hold of,
grasping). Tức thời sinh ra lòng muốn chiếm đoạt.
10– Hữu (Bhava – being, existing, becoming
– life i. e. various conscious activities): Chiếm đoạt để làm của sở
hữu, và cuộc đời cứ thế chảy trôi. Hết danh, đến lợi, đến tình, lặn ngụp
mãi trong vòng hưởng thụ. Và cứ như thế, tầm nhìn lối nghĩ hẹp mãi dần,
thần trí hôn quyện dần...
11– Sinh (Jati – Birth) và cứ thế
sinh sinh...
12– Lão, Tử (Jana – Marana – old age and
dealth) rồi lão, tử.
Đối với tôi,
Thập Nhị Nhân Duyên
chính là một cuốn phim chiếu chậm lại để mô tả hình ảnh một con
người, vì mê lạc, nên đã chạy theo hình danh sắc tướng bên ngoài, chạy
theo biến thiên, ảo hóa. Mà gieo gì sẽ gặt nấy, những người xốc nổi phù
phiếm như vậy sẽ gặt hái được phù du, hư ảo. Hướng đi của Thập Nhị Nhân
Duyên là hướng đi ra TRẦN CẢNH, TỤC LỤY bên ngoài. Cứu cánh sẽ chỉ là
toàn sinh, với diệt, toàn là những khổ với đau.
Sau khi đã luận về Niết Bàn, về Vô Minh, về Ngũ Uẩn, về Chân tâm,
Vọng tâm, về Tứ Diệu Đế, về Thập Nhị Nhân Duyên, ta thấy Đức Phật hoàn
toàn khảo sát về con người và về các tầng lớp trong con người, nên tới
đây tôi thiết nghĩ nên vẽ ra một sơ đồ về con người, để cho thấy đâu là
Chân Tâm, đâu là bức màn Vô Minh, đâu là Vọng tâm, đâu là Ngũ Uẩn, Lục
Trần, Lục Căn, đâu là Thập Nhị Nhân Duyên, đâu là Luân Hồi, đâu là Niết
Bàn v.v...
Sơ đồ đó như
sau:
- Vòng tròn trong
cùng là Chân tâm, là Cảnh giới Niết Bàn, là Ba La Mật Tâm.
- Giữa Vòng
trong cùng, và vòng thứ 2, có một vòng đen, tượng trưng cho bức màn Vô
Minh. Nó ngăn cách Chân Tâm và Vọng Tâm. Nó cũng thường được ví như là
một biển khơi, có hai bờ: Bờ Mê, và Bến Giác. Bờ phía Chân Tâm là Bờ Bên
Kia, là Bến Giác. Bờ phía Vọng Tâm (vòng thứ 2) là Bờ Bên Này, là Bờ Mê.
Muốn vượt biển Vô Minh phải dùng «Tuệ Giác» tức là Con Thuyền Bát Nhã,
nói theo tiếng Phật Giáo.
- Vòng thứ 2 là
Vọng Tâm, gồm đủ thất tình, lục dục, trí lự, tâm tư.
- Vòng ngoài
cùng là xác thân, với Ngũ Quan.
- Vòng tròn 2 và
3 (vọng tâm, thân xác) cộng với Ngoại Cảnh sẽ tạo thành Ngũ Uẩn.
- Cảnh giới Luân
Hồi chính là ở trong ngoại cảnh đó. Thập Nhị Nhân Duyên cũng hoạt động ở
trong các môi trường Ngũ Uẩn, và Lục Trần (Ngoai cảnh).
Vậy muốn vào
Niết Bàn, chỉ có một phương thế duy nhất là biết rõ hướng đi dẫn tới
Niết Bàn (tức là đi sâu vào nội tâm); lặng lẽ vượt qua được các trạm
kiểm soát, các chướng ngại ngoại cảnh, xác thân, ý thức, tâm tư; tìm ra
được tới bờ biển Vô Minh; sắm được một con thuyền Bát Nhã, và làm một
cuộc hải trình tâm linh đơn độc; cố sang tới Bờ Bên Kia. Sang tới Bờ Bên
Kia tức là thoát Luân Hồi, vào tới Chân Tâm, tới cảnh giới Niết Bàn.
Chúng ta có thể
áp dụng kinh nghiệm «Vượt Biên», để thoát Luân Hồi mà vào Niết Bàn.
Còn như nói theo
từ ngữ triết học, Phật học thì ta sẽ rằng: Muốn tìm ra con đường giải
thoát, tìm ra lối vào cảnh giới Niết Bàn, con người phải thay đổi, tầm
nhìn, lối nghĩ, thay đổi chiều hướng, thay đổi lối sống thường nhật. Đó
là BÁT CHÍNH ĐẠO
BÁT CHÍNH ĐẠO = CON
ĐƯỜNG DẪN TỚI NIẾT BÀN
Bát
Chính Đạo (Aryastangamarga – The Eight Fold Paths) là:
- Chính kiến
(right view): Hãy có cái nhìn cho đúng.
Phật giáo xưa
nay đặt nặng chữ Giác Ngộ, chữ Huệ. Nên Đức Phật dạy muốn vào Niết Bàn
điều kiện tiên quyết là phải nhìn nhận cho đúng.
Nếu chúng ta cho
rằng cuộc đời này là vô thường, là biến thiên, là vô ngã, là khổ đau,
ngoài ra chẳng có cái gì gọi là chân thường, là bất sinh bất tử, thì
chúng ta sẽ kết luận rằng: Sống trên đời, hưởng thụ được gì, cứ việc
hưởng, rồi ra buông hai tay xuôi, thế cũng là xong.
Nhưng nếu chúng
ta nhìn thấy rằng ngoài cái biến thiên, sinh tử, còn có cái gì bất sinh
bất tử; Ngoài con người phù phiếm bên ngoài của chúng ta, một con người
đang bềnh bồng trên trùng dương thời khắc, còn có một con người vĩnh cửu
mà ta có thể thực hiện được; ngoài cái khổ đau, sinh tử bên ngoài, chúng
ta còn có thể tìm được cõi Niết Bàn ẩn áo bên trong, thì dĩ nhiên ta sẽ
có hành động khác.
Cái đau khổ,
biến thiên, chất chưởng bên ngoài chúng ta ai cũng nhìn thấy. Nhưng cái
con người vĩnh cửu, chân thực vô biên tế trong ta, cõi Niết Bàn vĩnh cửu
trong ta thì không ai nhìn thấy. Chúng ta tránh né không dám dùng những
chữ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, mà chỉ dám coi Niết Bàn như là cái gì Tịch
Diệt. Chúng ta hãy thay đổi tầm nhìn lối nghĩ, và hãy nhận định rõ ràng
rằng Niết Bàn chính là hạnh phúc trường tồn, là trạng thái thoát vòng
Sinh, Lão, Bệnh, Tử, thoát vòng biến thiên, thoát vòng lệ thuộc của thời
gian. Đức Phật đã thấy như vậy, đã dạy như vậy. Thánh, Hiền, Tiên, Phật
xưa nay đều tin như vậy, đều dạy như vậy. Không nhận định, không tin
tưởng như vậy, sẽ không có đủ hùng tâm, dũng chí mà tiến tới.[20]
2– Chính Tư
Duy (Right Thought– Right Resolve– Right purpose or aspiration). Có
học giả dịch chính tư duy là suy nghĩ cho đúng; có học giả lại dịch là
quyết định cho đúng. Tôi cũng hiểu là quyết định cho đúng.
Tôi nghĩ rằng
muốn nhìn cho đúng, tất nhiên là đã phải nghĩ cho đúng rồi. Nên đối với
tôi, muốn vào Niết Bàn, phải quyết tâm, phải lập
đại nguyện. Đó là một điều kiện tiên quyết để làm nên những đại công,
đại nghiệp.
Đức Phật đã hạ
quyết tâm nếu không tìm ra được chân lý rốt ráo, sẽ không đứng dậy, sẽ
không rời gốc Bồ Đề.
3– Chính ngữ
(right speech): Nói năng cho hẳn hoi.
4– Chính
nghiệp (right action– right conduct): Hành vi cho hẳn hoi.
5– Chính mệnh
(right livelihood): Sống một cuộc sống hẳn hoi.
Các thánh hiền
xưa nay đều giảng dạy mọi người phải có tư tưởng hay, phải có lời nói
cho hay, phải có hành động cho hay.
Bái Hỏa Giáo cho
rằng nghĩ hay, nói hay, hành hay là như ba lớp lông của cánh chim
thần. Nhờ chúng mà con người có thể bay về với Tối Thượng Thần Ahura
Madza.
Trung Hoa xưa có
thơ:
Minh kính chỉ
thủy dĩ tồn tâm,
Thái sơn kiều
nhạc dĩ lập thân,
Thanh thiên bạch
nhật dĩ ứng sự,
Thanh phong,
minh nguyệt dĩ đãi nhân.
Dịch:
Lòng
như nước lắng, gương trong,
Thân
như non Thái, phong long cao vời,
Thanh
thiên bạch nhật đối đời,
Trăng
trong gió mát với người ở ăn.
Trung Dung
chương 29 có câu:
Mỗi
động tác quân tử đều nên như mẫu mực,
Mỗi
hành vi là khuôn phép chúng dân theo.
Mỗi lời
nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,
Người
xa ngưỡng vọng, người gần không hề chán...
Mượn ý đó, nên
trong tập Trung Dung Yếu Chỉ, tôi đã viết:
Mỗi
động tác phải nên gương mẫu,
Mỗi
hành vi nên dấu, nên khuôn.
Nhời
nhời ngọc nhả châu phun,
Lưu cho
hậu thế muôn ngàn dài lâu...
Hệ Từ Thượng,
khi bình giải Hào Cửu Nhị quẻ Trung Phu, cũng đã viết:
Khi
người quân tử nói lời,
Nói ra
ảnh hưởng đến đời, đến dân.
Hành vi
phát động tuy gần,
Nhưng
mà ảnh hưởng dần dần lan xa.
Việc
nhời ấy chính động cơ,
Động cơ
đã phát, hãy chờ nhục vinh.
Mới hay
quân tử ngôn hành,
Làm cho
trời đất rung rinh mấy hồi.
Cho nên
trong việc, trong lời,
Cố sao
thận trọng đáng người hiền nhân.
6– Chính tinh
tiến: (right effort). Cố gắng vươn vượt. Không cố gắng, không vươn
vượt, sẽ không tiến tới được.
Trung Dung
chương
XX viết:
Còn
những kẻ cố công nên thánh,
Gặp
điều lành, phải mạnh tay co.
Ra công
học hỏi thăm dò,
Học cho
uyên bác, hỏi cho tận tường.
Đắn đo
suy nghĩ kỹ càng,
Biện
minh thấu triệt, quyết mang thi hành.
Đã định
học, chưa thành chưa bỏ,
Đã hỏi
han, chưa tỏ chưa thôi.
Đã suy,
suy hết khúc nhôi,
Chưa ra
manh mối chưa rời xét suy.
Biện
luận mãi tới khi vỡ lẽ,
Chưa rõ
ràng, không thể bỏ qua.
Đã làm
làm tới tinh hoa,
Tinh
hoa chưa đạt, việc ta còn làm.
Người
một chuyến, thâu toàn thắng lợi,
Ta tốn
công, dở dói trăm khoanh.
Người
làm mười bận đã thành,
Ta làm
nghìn thứ ta ganh với người.
Đường
lối ấy, nếu ai theo được,
Dẫu u
mê, sau trước sẻ thông.
Dẫu
rằng mềm yếu như không,
Sớm
chầy, cũng sẽ ra lòng sắt son.
7– Chính niệm
(right kind of awariness or mindfulness: You must think about it
incessantly). Tôi giải chữ Niệm theo từ nguyên là «kim tâm»: Lúc nào
cũng sẵn có trong tâm, và tôi giải chính niệm là: Muốn thành Phật, muốn
vào Niết Bàn, thời ngày đêm phải luôn luôn tâm niệm đến công trình đó,
có thể đến quên ăn, quên ngủ. Có vậy mới thành công!
8– Chính định
(right concentration): Tôi hiểu chính định là biết định tĩnh tâm thần;
biết thu thần định trí; là giữ cho tâm thần tĩnh lãng, an nhiên, tự tại.
Có định mới phát
huệ, có phát huệ mới nhìn ra được Bản thể siêu việt nơi mình, mới thấy
Niết Bàn là gần kề trong gang tấc!
Nhìn ra được nẻo
về, lập đi nguyện thành Thánh, thành Phật ngay từ kiếp này, luôn luôn
giữ gìn cho thân, khẩu, ý được toàn hảo, cố gắng vươn lên siêu tuyệt,
vươn tới lý tưởng; không lúc nào ngừng nghỉ, luôn luôn canh cánh bên
lòng, nhất định thực thi đi nghiệp; giữ cho tâm hồn, điềm đạm hư vô, an
nhiên định tĩnh, thì làm sao mà không đạt được tới Niết Bàn, ngay từ
kiếp này.
Thế
là lời Phật dạy không có ngoa vậy.
Có một điều ta
nên chú ý là Đạo Phật đề cao sự Giác ngộ của con người. Phật giáo tuy
hay, nhưng nếu con người không Giác ngộ được nó, và thể nhập được nó vào
trong mình, thì ảnh hưởng cũng không được bao lăm.
Thế nào là Giác
ngộ: Giác ngộ là phá được bức màn vô minh che phủ con người thực tại và
con người giả tạo của chúng ta để trở thành con người viên mãn, toàn
diện..
Giác ngộ là một
sự chuyển hóa tâm hồn hết sức thần kỳ, xảy đến hết sức thình lình, không
sao biết trước được. Richard Maurice Bucke, M. D. tác giả quyển
Cosmic Consciousness xác định nó thường xảy ra vào khoảng từ 30 tới
50 tuổi. (Xem Sđd., tr. 81). Cũng có người sớm hơn hay muộn hơn. Đó là
1, vài ngoại lệ. Vì thế Đạo Khổng, Đạo Lão gọi khi đó là Hoạt Tí Thời.
Tuy nó chỉ xảy
ra trong phút giây nhưng sẽ hoàn toàn thay đổi con người chúng ta. Khi
chúng ta chưa giác ngộ, khi còn là chúng sinh, còn là một thiền sinh,
theo lời Suzuki, «thực chẳng khác nào một con chó quèn, lang thang đầu
đường xó chợ, nguẩy đuôi, ăn mày đầu tôm, xương cá và cả tình thương, và
bị trẻ con đánh đuổi không tiếc tay, giờ đây biến thành sư tử lông gáy
vàng, một khi rống lên là khiếp đảm tất cả các tâm hồn hèn yếu...(Thiền
Luận
bản dịch Trúc Thiên, quyển thượng tr. 392. – Hoa sen số 8, Nguyễn
văn Thọ, Suy Tư về Thiền, tr. 16-48. – Hoa Sen, số 23,
Mạn đàm về Thiền, của Nguyễn Văn Thọ, tr.129-164)
TỐI THƯỢNG THỪA PHẬT
GIÁO
A. Những nguyên
tắc tu thân căn bản.
1. Băng qua Vạn
Pháp biến thiên, trở về với Chân Như Bản Thể.
Khi
nhận thấy rằng chỉ có một Bản Thể duy nhất bao trùm không gian và thời
gian, bao trùm cả vạn hữu, khi đã chấp nhận rằng
Bản Thể ví như Đại Dương, hiện tượng và quần sinh ví như muôn nghìn sóng
cả, hay như những bọt nước bồng
bềnh trên mặt, thì điều kết luận dĩ nhiên sẽ là:
a. Bản Thể thì
trường tồn, vĩnh cửu.
b. Hiện Tượng,
quần sinh thì phù du, hư ảo.
c. Cho nên, phải
bỏ phù du, để trở về với vĩnh cửu; bỏ hiện tượng để tìm về Bản Thể Chân
Như.
[21]
Phật
xưa đã ba lần chuyển Pháp Luân:
Lần thứ Nhất:
Giảng kinh Hoa Nghiêm, để chỉ vẽ gốc rễ, căn bản
con người.
Lần thứ hai:
thuyết kinh A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng, để chỉ vẽ
chi mạt, ngọn ngành con người.
Lần thứ ba:
thuyết kinh Pháp Hoa, Niết Bàn để dạy đời thu
nhiếp ngọn ngành để trở về cội gốc, bỏ Hiện Tượng để trở về với
Bản Thể, Chân Như. Đó là thành Phật, thành Đạo, đó là vào Niết
Bàn.[22]
2.
Tìm ra Chân Tâm, Chân Như Bản Thể dưới lớp Vọng Tâm, Vọng Ngã.
Sau
khi đã dùng hai chữ Bản Thể và Hiện Tượng để bao quát hết mọi lớp lang
đại vũ trụ từ vô hình đến hữu hình, ta trở lại tiểu vũ trụ là con người
chúng ta.
Như trên đã nói,
trong vũ trụ, một Bản Thể Duy Nhất phát sinh muôn ngàn hiện tượng, nay
trở lại con người, ta cũng thấy vẫn một Bản Thể Duy Nhất, Tuyệt đối ấy
phát sinh ra muôn vàn hiện trạng, điều động mọi suy tư, hướng dẫn mọi
hành động. Bản thể ấy, theo từ ngữ Phật Giáo, chính là Phật Tính, làm
căn cốt cho mọi người, cũng như làm căn cốt cho vũ trụ và muôn vật, vì
thế nói: Chúng sinh đều có Phật Tính (Nhất
thiết chúng sinh giai hữu Phật Tính).
Cũng như vũ trụ
có hai phương diện Biến Thiên và Hằng Cửu, mỗi một người chúng ta cũng
có hai bộ mặt, hai con người. Bộ mặt bên ngoài, con người bên ngoài thì
nhem nhuốc, biến thiên chịu định luật thành, trụ, dị, không của thời
gian; một bộ mặt, một con người bên trong thì uy nghi, rực rỡ, siêu
thoát trên mọi hình, thức, sắc, tướng, và không điêu tàn với quang âm,
tuế nguyệt.[23]
Vì thế mà Phật
giáo mới phân Chân Tâm, Vọng Tâm, Chân Ngã, Vọng Ngã.
Vọng Tâm, Vọng
ngã gồm tất cả những trạng thái biến thiên của tâm hồn, gồm thất tình,
lục dục, tri giác, cảm giác, hoài bão, lý luận, tư tưởng, sinh sinh,
diệt diệt với các hiện tượng bên ngoài.
Còn Chân Tâm,
Chân Ngã thời tế vi, huyền diệu, bất biến trường tồn.
Chân Tâm, Chân
Ngã còn gọi là Đại Ngã. Vọng tâm, Vọng Ngã gọi là Tiểu Ngã. Đại Ngã
là có. Tiểu Ngã là không.[24]
Con người tưởng
chừng hữu hạn, tưởng chừng lao lung, tưởng chừng tảo vong, yểu tử, mà kỳ
thực đã chứa đựng sẵn vô biên, vô tận, đã sẵn có hạnh phúc, đã sẵn có
trường sinh, bất tử.
Có như vậy, mới
cắt nghĩa được con người tại sao luôn mơ ước vô biên, luôn tìm cầu hạnh
phúc, luôn mong mỏi trường sinh bất tử.
Tìm ra được Chân
Tâm tiềm ẩn dưới lớp Vọng Tâm, các hiền triết Phật Giáo mới chủ trương
con người thay vì có ngũ quan và ý thức, lại còn có đến tám thức: nhãn
thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt Na thức, A
lại Da thức.[25]
Ý thức là Vọng
Tâm, mà A Lại Da chính là Chân Tâm. Còn Mạt Na ở giữa đóng vai môi giới.
Khi mê thì Mạt na
đóng vai vô minh chỉ liên lạc được một chiều từ Chân Tâm ra Vọng Tâm,
thành thử Vọng Tâm không bao giờ nhìn nhận ra được Chân Tâm. Khi Ngộ thì
Mạt Na đóng vai Bát Nhã, thành con thuyền đưa người từ bến bờ Vọng Tâm
cho tới bờ bến Chân Tâm, lúc ấy sự liên lạc sẽ hoàn tất cả hai chiều,
không còn Sâm Thương đôi ngả.
Duy thức Tông có
thơ:
Đệ huynh bát cá, nhất nhân
si,
Độc hữu nhất cá, tối linh
lại,
Ngũ cá môn tiền tố mãi mại,
Nhất cá gia trung tác chủ
y.[26]
(Tu tâm, tr. 21)
Anh em
tám kẻ, một người si (mạt na = Ngã si)
Duy có
một chàng rất linh ly. (ý thức)
Năm
người buôn bán ngoài cửa ngõ (Ngũ quan)
Một vị
trong nhà đứng chỉ huy. (A Lại Da)
Các sách thường
chủ trương khi giác ngộ, Thức sẽ biến thành Trí. Và A Lại Da sẽ biến
thành Đại Viên Cảnh Trí. Chủ trương này xét ra cũng chính xác, vì nếu
trong A Lại Da thức còn có chút tì ố nào, thì chưa phải là Chân Tâm.
Có sách lại chủ
trương còn có Đệ Cửu Thức gọi là Bạch Tịnh Thức, mà Đệ Cửu Thức mới là
Căn Nguyên Tuyệt Đối.
[27]
Khám phá ra được
rằng, sau những lớp lang tâm tư biến ảo, còn có Tuyệt Đối Chân Tâm, sau
bộ «mặt nạ» tiểu ngã hóa trang, còn có «bộ mặt Bản lai diện mục», «bộ
mặt Đại Ngã»; khám phá ra được rằng: dưới làn sóng vô thường, vô ngã,
tràn ngập vũ trụ, tràn ngập lòng mình, dưới lớp ba đào trùng điệp ấy,
còn có Giác Hải Chân Như tĩnh lãng, ấy là Giác ngộ.
Đại
Ngã là Phật Tính, là Chân Như, là căn cốt của tạo vật và của con người;
vĩnh cửu, trường tồn, chân thường, bất biến, bất hoại.
Còn Tiểu ngã là vọng tâm của mỗi người, kết cấu
bằng những tầng lớp hình ảnh, tư tưởng, dục tình, biến thiên, vô thường,
vô định.[28]
«Lạc
trong muôn tứ, nghìn tình,
Soi
gương, nào biết tướng mình thế nao?»
Trở về Đại Ngã
Đại Đồng, Chân Ngã vô tướng, tức là không còn cái mình nhỏ nhoi, hèn mọn
nữa, và sẽ trở thành Pháp Thân uy nghi, trang trọng, phổ biến, phổ quát.
Đạt tới Đại Ngã là đạt tới Niết Bàn. Vì thế Niết Bàn được định nghĩa là
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Bà Blavatsky
viết: «Bao giờ Thần con người hoàn toàn không còn tơ vương chút vật
chất nào, không còn chút hình tượng nào, sẽ trở thành Linh Khí hoàn
toàn. Khi ấy, nó mới vào được Niết Bàn vĩnh cửu, bất biến, trường tồn,
đó là Niết Bàn vĩnh cửu thật sự. Linh Khí ấy là Thần, là Không, vì nó là
mọi sự. Nó hoàn toàn vô hình tướng; nhưng về phương diện thuần Thần, thì
nó là chính Bản Thể. Khi hồn con người đã thành thần thì được gọi là
Nhập vào Bản Thể Đại Đồng, hay là phối hợp với Bản Thể chứ không bao giờ
có nghĩa là hủy diệt, vì hủy diệt là vĩnh cửu chia ly.»
[29]
Nhiều người theo
Phật giáo chỉ chú trọng đến vô thường, vô ngã mà quên biến mất Chân
Thường, Chân Ngã. Như vậy mới là biết Biến Thiên chưa biết Hằng Cửu, mới
biết hiện tượng chưa biết Bản Thể, mới biết Luân Hồi chưa biết Niết Bàn.
[30]
Biết Vô Thường,
Vô Ngã mới là biết Biến Thiên, Khổ Ải, Luân Hồi, mà chưa biết Niết Bàn.
[31]
Biết Vạn Pháp là
Vô Thường, Vô Ngã mới là biết hiện tượng phù phiếm, biến thiên; chưa
biết Bản Thể bất biến, chưa biết được Thực Tại trường tồn.
[32]
Biết Hiện Tượng,
chưa biết Bản Thể gọi là Mê; thấy Bản Thể mà không thấy hiện tượng cũng
chưa gọi được là Ngộ.
[33]
Giác Ngộ là phải
thông suốt lẽ biến hằng, thông suốt hai phương diện thể dụng trong trời
đất và lòng người.
[34]
Người theo đạo
Phật mà chỉ nói Vô Ngã, Vô Thường, mà không biết Chân Ngã, Chân Thường,
thì cũng y như người học Dịch mà chỉ biết hào quải bên ngoài, chưa biết
Vô Cực, Thái Cực bên trong...
Nhiều người khảo
cứu về Đạo Phật rất bạo dạn khi nói về thuyết vô ngã Anatta,[35]
Anatman,[36]
nhưng không dám đả động đến Chân Ngã. Nhưng may thay, cũng còn có nhiều
người dám bàn về Chân Ngã,[37]
nhưng may thay trên nhiều cổng chùa, còn có viết bốn chữ đại tự: Thường,
Lạc, Ngã, Tịnh.
Kinh Thủ Lăng
Nghiêm viết: «Thất nhữ Nguyên Thường, cố thụ luân
chuyển.» 失 汝 元 常 故 受 輪 轉 (Không biết căn nguyên vĩnh cửu nên bị
luân chuyển).[38]
Kinh Đại Niết Bàn
viết: «Kiến nhất thiết Không, bất kiến bất Không, bất danh Trung Đạo,
nãi chỉ kiến nhất thiết Vô Ngã, bất kiến Ngã giả, bất danh Trung Đạo.
Trung Đạo giả, danh vi Phật Tánh.» 見 一 切 空, 不 見 不 空, 不 名 中 道. 乃 只 見 一 切
無 我, 不 見 我 者, 不
名 中 道. 中 道 者, 名 為 佛 性.
«Thấy
tất cả đều là 'Không', mà chẳng thấy cái 'chẳng Không', thì chẳng gọi là
Trung Đạo, thấy tất cả là 'Vô Ngã' mà chẳng thấy có 'Ngã' thì cũng chẳng
gọi là Trung Đạo. Trung Đạo ấy gọi là Phật Tánh.»
[39]
Không hiểu trong
con người có hai thứ Ngã (Đại Ngã, Tiểu Ngã), có hai thứ căn nguyên
(Niết Bàn, Sinh Tử), có phân ngôi Chủ khách (Hằng, Biến), thì không sao
hiểu được giáo lý đạo Phật, không sao thành Phật được, dù tu luyện mấy
muôn kiếp.
Kinh Thủ Lăng
Nghiêm viết:
«Phật bảo A
Nan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh bị lao lung, điên đảo, các nghiệp
chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng
thành được vô thượng Bồ Đề lại thành ra bực thanh văn, duyên giác, và
các thứ ngoại đạo, các Trời và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết
hai thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát thành
cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.
Thế nào là hai
thứ căn bản, hỡi A Nan! Một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp, y như nay
ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) làm tự tính.
Hai là căn bản
« vô thủy Bồ Đề Niết Bàn Nguyên Thanh Tịnh Thể» đó ở nơi ngươi, chính là «Thức Tinh Nguyên Minh«có thể sinh ra vạn
duyên, vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã bỏ
mất cái căn nguyên sáng láng ấy, cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn luôn
dùng mà chẳng tự biết được nó, rồi ra lăn lộn, đắm đuối vào các thú vui,
uổng phí cả cuộc
đời.
[40]
Bỏ cái «nguyên
thường» trường cửu, mà theo cái vô thường biến dịch, coi vọng tưởng mà
lầm là «chân tính» thì có khác gì nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi
Luân Hồi, khổ ải?
Phật bảo A Nan:
«Cái đó là vọng tưởng do lục trần bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng
tưởng; nó làm hoặc loạn chân tíng ngươi. Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi
nhận giặc làm con, bỏ mất tính chân thường của ngươi, nên ngươi bị luân
chuyển, luân hồi.»
[41]
Làm sao phân
biệt được Chân Tâm, Vọng Tâm nơi con người?
Phật cho rằng;
cái gì từ bé đến già mà chẳng đổi thay là Chân Tâm. Theo đà thời gian,
đầu ta tuy bạc, mặt ta tuy nhăn, nhưng cái Tính Thấy ấy chẳng hề nhăn,
chẳng hề bạc,[42]
mà đã không nhăn, không biến thì làm gì có sinh, có
diệt?
[43] Suy ra, trong con người, cái gì bất
động, bất biến là Chân Tâm.
Đã bất biến,
thường trụ thời là Chủ Nhân, đã trừng tịch bất động thời là «Không».[44]
Trái lại, cái gì
thay đổi, biến thiên trong con người, cái gì giao động thì là Vọng Tâm.
Mà
đã giao động, biến thiên, thì chẳng qua là trần ai, hay khách qua đường
mà thôi.
Cho nên Vọng Tâm
chính là hiện tượng sẽ bị sinh, diệt; còn Chân Tâm mới là Bản Thể bất
sinh, bất diệt.[45]
Bỏ mất bản tâm,
mà lại nhận lầm duyên trần, nhận vật làm mình, nhận giao động biến thiên
làm Chân Tâm, Chân Cảnh, thì làm sao mà chẳng bị quay cuồng trong ngọn
lốc Luân Hồi lưu chuyển.[46]
Không ý thức
được quan niệm căn bản ấy, đã mất Chân Tâm, bản tâm rồi, thì dẫu «có
đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo, chẳng khác nào đứa con bỏ
cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế, làm sao mà chứng quả
được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm sao mà no được.»
[47]
Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn bảo Lục Tổ Huệ Năng: «Kẻ nào chẳng biết Bổn Tâm, thì học đạo vô
ích. Nếu ai biết Bổn Tâm, thấy Bản Tánh tự nhiên, tức thị là Trượng Phu,
là thày của Trời, Người, là Phật.»
[48]
3.
Bỏ Vọng Tâm để sống theo Chân Tâm, hay diệt ngã để khế hợp với Chân Như
Bản Thể.
Nếu
không phân biệt Chân Tâm, Vọng Tâm, thì không sao hiểu được đạo Phật.
Phật giáo chủ trương Vô Ngã, rồi lại dạy Diệt Ngã. Nếu chỉ có Vọng Tâm,
mà không có Chân Tâm, thì chủ trương như vậy rất vô lý, vì đã Vô Ngã thì
còn gì mà diệt; vả lại tu mà đi đến tận diệt, thì tu để làm gì? Nhưng
trái lại, nếu biết sau Vọng Ngã, còn có Chân Ngã, thì vấn đề sẽ sáng tỏ
ngay.
Chủ trương Phật
giáo chính là: con người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như
vậy, phương châm và mục đích tu luyện sẽ được vạch rõ:
Từ Vọng Ngã nhỏ
hẹp ta sẽ phát huy Đại Ngã rộng lớn, mênh mông;[49]
trong sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy pháp thân siêu việt; trong
phàm thân dễ bị hủy hoại, sẽ cố phát huy kim cương thân bất khả tiêu
diệt; trong u minh, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc Chân Tâm.
Chữ Diệt Ngã, hiểu cho đứng
đắn, là phá tan mọi hình tướng để tìm ra Chân Tính (khiển tướng, chứng
tính);[50]
làm lu mờ tan biến mọi nhỏ nhen, ti tiện cho quang minh chính đại hiện
ra (ẩn liệt, hiển thắng).[51]
Mục đích tối hậu là khế hợp với Tuyệt Đối,[52]
là hoà hợp với Bản Thể Tuyệt Đối.
Thế là đi từ Hữu Vi, Hữu lậu
trở về Vô Vi, Vô lậu; rũ bỏ hết mọi phiền trược, buộc ràng, mà sống ung
dung tự tại; vất bỏ hết mọi giả tạo, để tìm ra Chân Thực trường tồn
(khiển hư, tồn Thực);[53]
rũ bỏ mọi tạp thù, để giữ nguyên thuần tuý (xả lạm, lưu thuần);[54]
bỏ ngọn nghành, chi mạt, để trở về gốc gác, căn nguyên (nhiếp mạt, lưu
bản).[55]
Đạo Nho gọi thế
là Khử Nhân Dục, tồn Thiên Lý, vì theo qui luật «phục, khởi» của Kinh
Dịch, thì «Nhân dục thắng, Thiên Lý vong» và ngược lại «Nhân dục tận,
Thiên Lý hiện», hay Âm tận thì Dương thuần. Nhân dục và Thiên Lý không
thể lưỡng lập.
Đạo Lão gọi thế là «tâm tử,
thần hoạt» (tâm
có chết đi, thần mới sống được.)
Suy ra thì nhẽ
Phản Bản, Qui Nguyên trước sau chỉ là một, từ ngữ tuy thay đổi, cách
diễn tả tuy không đồng nhất, nhưng tinh thần muôn đời vẫn chẳng có hai.
B. Con đường giải Thoát: Tìm Chân Tâm ở đáy
lòng.
Hướng ngoại mà
tìm cầu,
Tất cả đều
ngoan si.
Hướng nội mà
tùy xứ tiện nghi,
Tất cả đều là
chân thật.
(Lâm tế
lục thị chúng,
ĐĐ Thiên Ân,
Triết học Zen, tr.103)
Tất cả các kinh
sách Phật Giáo, các môn phái Phật Giáo đều có mục đích chỉ vẽ Chân Tâm.
Như trên đã nói:
Chân Tâm là Phật Tánh, là Chân Như bất biến, hằng cửu lồng ngay trong
vạn hữu và trong tâm hồn ta, chẳng ở đâu xa.
Kỳ lạ thay là
thân thế con người: thân thế con người, tuy lao lung, chất chưởng, nhưng
chính đã được gắn liền vào trường sinh, tuyệt đối, như sóng gắn liền với
nước.[56]
Như vậy, con
đường giải thoát không phải là đường sông, đường biển, đường Tây Trúc xa
xăm, mà chính là con đường nội tâm của mỗi người.
Phải đi sâu vào
đáy lòng mới tìm ra Chân Tâm, mới tìm ra Niết Bàn, mới tìm ra hạnh phúc,
tự do, giải thoát.
Lục Tổ Huệ Năng
nói: «Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp Thân của mình, thấy Phật ở Tự
Tâm mình, độ lấy mình mới được.»
[57]
Như vậy châm
ngôn để đi tìm chân lý sẽ là:
Con đường
hướng nội tiến cho sâu,
Càng sâu,
càng thấy lắm nhiệm mầu.
Tâm khảm bao
la không bờ bến,
Vũ trụ mênh
mông đã thấm đâu.
Tâm
con người càng tìm hiểu, càng thấy kỳ diệu. Phiến diện, thì lao lung,
chất chưởng, biến thiên,[58]
đầy tràn trần ai, nghiệp chướng, mà trái lại, căn cốt thì vô biên, tuyệt
đối.
Như vậy, mỗi
người đã sẵn có bảo châu vô giá
giấu trong vạt áo, sao không cố tìm kiếm cho ra, mà cứ an phận sống một
cuộc đời khổ ải.[59]
Như vậy, mỗi
người có thể ví như một hoàng tử lưu vong, mà bụi phong trần đã phủ kín
hết các nét hào hoa, phong nhã, mà cuộc đời luân lạc đã làm cho lầm
than, chìm nổi, cho đến quên khuấy cả dòng dõi sang cả mình, quên hết
căn nguyên huy hoàng, quên hết cả đến định mệnh siêu việt đang chờ đón
mình trong những bước đường tương lai.[60]
Phật
đã nhắc nhở con người về dòng dõi sang cả, cũng như về định mệnh cao quí
cuả con người.
Phật khi đắc đạo
đã nhận định rằng: «Đạo quả chân thật giải thoát không phải do hành
hạ xác thân, không thể nương vào kẻ khác và cũng không phải tìm kiếm đâu
xa ngoài chính mình.»
[61]
Vậy
muốn tìm Chân Tâm, muốn tìm Phật Tính, phải tìm ngay trong người mình,
trong lòng mình.
Phật bảo A Nan:
Chân Tính đã ở nơi ngươi mà ngươi chẳng tin, lại theo nơi miệng ta mà
tìm Chân Tính, vậy ngươi đã lầm chưa?
[62]
Tây Du Ký cũng
đã vạch rõ đâu là động phủ để tầm sư học Đạo: Muốn tìm Chân Đạo, muốn
gặp Chân Sư, Tề Thiên Đại Thánh phải tìm về Phương Thốn Sơn, vào Tà
Nguyệt Tam Tinh Động; Mà Phương Thốn Sơn là Tấc Vuông, hay Tấc Lòng, còn
Tà Nguyệt Tam Tinh Động, chính là chữ TÂM, viết bằng nửa vành trăng
khuyết và ba sao rực rỡ.
[63]
Trong Hồi 85 của
Tây Du, tác giả còn nhắc lại: Tìm Phật phải tìm ở đáy lòng:
«Phật ở Linh
Sơn, vốn chẳng xa,
Linh Sơn kỳ
thực, tại lòng ta.
Người người
đều có Linh Sơn tháp,
Tu tại Linh Sơn, mới
khéo là.»
[64]
Thiền Tông tha
thiết chủ trương: «Trực Chỉ Nhân Tâm, kiến Tính thành Phật.»
[65]
Các tổ sư thiền
học giúp các đệ tử đả thông vấn đề này bằng câu thoại đầu:
«Bính
Đinh đồng tử lai cầu hỏa.» (Thần lửa Bính Đinh đến xin lửa.)[66]
Lục Tổ Huệ Năng
thường đề cập tới bí quyết: «tìm Phật ở đáy lòng.» Ngài nói:
«Phật tự Tính
trung tác,
Mạc hướng thân
ngoại cầu.»
Phật do
trong Tính khởi lên,
Chớ đừng vất
vả, kiếm tìm ngoài thân.[67]
Trong Phẩm Sám
Hối, Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ lại nói: « Qui y Phật, thì Phật ở nơi
đâu? Nếu không thấy Phật, thì không biết nơi nao tìm về.
Hoa Nghiêm Kinh
viết: «Quy y với Phật của mình, chớ chẳng quy y với Phật khác.»
[68]
Bồ Đề Đạt Ma Sư
Tổ, vị sáng lập Thiền Tông tại Trung Quốc, là người tha thiết nhất với
vấn đề đi vào nội tâm để tìm Phật Tính, tìm Bồ Đề, Niết Bàn.[69]
Quyển Đạt Ma
Huyết Mạch Luận[70]
đã ký thác hoài bão Ngài. Ngài chủ trương:
Bất lập
văn tự,
Trực
chỉ nhân tâm,
Kiến
Tính thành Phật.
Lĩnh hội vi ý
sách Đạt Ma huyết mạch luận,[71]
ta có thể thâu tóm tư tưởng của Ngài Bồ Đề Đạt bằng mấy vần thơ sau:
Chân tâm
bao quát đất Trời,
Xưa nay,
chư Phật chẳng ngoài Chân Tâm.
Chẳng
cần lập tự, lập văn,
Xưa nay
chư Phật, tâm tâm tương truyền.
Tâm ta
gồm mọi nhân duyên,
Mọi đời
sau trước, mọi miền gần xa.[72]
Tâm ta
là chính Phật Đà,
Phật Đà
ở tại tâm ta chẳng rời.
Niết
Bàn, Viên Giác, Như Lai,
Ngoài
tâm tìm kiếm, công toi, ích gì?
Ngoài
tâm, tìm kiếm được chi?
Niết Bàn
đâu có lối về ngoài tâm.
Tự Tâm
trí chính, chí chân,
Tự Tâm
là Phật, Tự Tâm, Niết Bàn.[73]
Ngoài
tâm, tìm kiếm đa đoan,
Tay
không bắt gió, mơ màng hư vô.
Tâm ta
tạo Phật cho ta,
Bỏ tâm
tìm Phật, hỏi là tìm đâu,
Phật
tâm, tâm Phật trước sau,
Ngoài
tâm, tìm Phật, hỏi sao chẳng lầm.
Cho nên
phải biết hồi tâm,
Nội
quan, quán chiếu mà tầm siêu linh.
Bản Lai
Diện Mục của mình,
Muốn tìm
thì phải ly hình, nhập tâm.[74]
Khi đã biết rõ
căn bản cao siêu của mình, khi đã nhận thức được Pháp Thân trường tồn
trong mình; khi đã biết rõ bộ mặt thật của vọng tâm, biết rõ thân phận
mây trôi, bèo nổi của vọng tâm, các bậc Chân Tu mới ra công «diệt ngã».
«Diệt Ngã» là «diệt Tiểu Ngã», cho Chân Như Đại Ngã hiện ra.[75]
«Diệt Ngã» đây
cốt là để:
-Hoà hợp với Bản
Thể tuyệt đối.[76]
- Nhất trí với
thực tại.
[77]
- Đồng thể với
Di Đà.[78]
- Khế hợp với
Chân Như tuyệt đối.
[79]
Diệt Ngã là cốt
diệt trừ hết những vọng tưởng, vọng niệm, diệt trừ hết mọi dây rợ luyến
ái bên ngoài, thoát ly hết mọi giây triền phược, trói buộc mình vào hoàn
cảnh và vật chất. Đây là một thái độ tinh thần trừu tượng, chứ không
phải là một sự trốn tránh, thoát ly vật chất cụ thể. Cho nên, ta có thể
Diệt Ngã ngay giữa lòng đời, ngay trong chốn phồn hoa, đô hội. Đó tức là
sự thanh tịnh, tự do, tự tại về tinh thần, đó tức là«đắc thiên hạ nhi
bất dự yên.»
[80]
Diệt ngã là vén
mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thủa hiện ra, bỏ Sắc Thân mà hiển
«Pháp Thân»;[81]
bỏ Phàm Thể mà mặc Thánh Thể.
[82]
Như trên đã nói:
Chân Như là Bản Thể, là Như Lai siêu xuất trên hình thức, sắc tướng,
siêu xuất trên mọi vọng tưởng, vọng niệm, cho nên muốn thấy Bản Thể phải
lìa bỏ hình tướng, đi ngược lại dòng tư tưởng, niệm lự; đi sâu vào chỗ
dục tình chưa phát xuất; chỗ tư tưởng chưa manh nha; hư không, trạm tịch
mới chứng quả được.
[83]
Mượn ý kinh Kim
Cương và Đạt Ma Huyết Mạch Luận, ta phác họa phương pháp Tu thân Kiến
Tính, Thành Phật như sau:
Hãy
rũ bỏ phù vân sắc tướng,
[84]
Hãy cố
tìm vô thượng Bồ Đề,
Niết
Bàn muốn rõ nẻo về,
Đừng
nên chấp trước, đam mê lụy trần.
Con
đường giải thoát nội tâm,
Cố suy,
cố nghĩ, cố tầm cho ra.[85]
Vọng
Tâm cố vén mây mù,[86]
Băng
qua hình tướng, vào toà Như Lai,[87]
Nơi Vô
Trụ là nơi an lạc,
[88]
Pháp Vô
Vi là Pháp Thánh Hiền.
[89]
Chớ
đừng dính líu sự duyên,
Đừng
đem thanh sắc mà phiền Như Lai.
[90]
Hãy nhớ
kỹ hình hài, sắc tướng,
Đều là
tuồng mộng tưởng, mau qua.
Đều là
bào ảnh, quang hoa,
Sương
vương ngọn cỏ, chớp loà chân mây.
[91]
Như Lai
chẳng ở đây, ở đó,
Chẳng
đi đâu, chẳng có đến đâu.
[92]
Như Lai
ở sẵn lòng sâu,
Vào sâu
tâm khảm mà cầu Như Lai.
Tóm lại, trước
sau, chư vị Phật, chư vị Đạt Trí, Đại Giác đều công nhận rằng: Không thể
nào tìm ra được Bản Thể Tuyệt Đối ngoài vũ trụ và ngoài tâm mình. Bản
Thể ấy, Chân Tâm ấy đã lồng ngay trong lòng vũ trụ, và trong lòng con
người. Sự giác ngộ cũng bắt đầu từ đó, và sự chứng quả cũng tận cùng ở
đó.
Cho nên ta có
thể mượn lời Đạt Ma tổ sư mà kết thúc như sau:
Tâm,
tâm, tâm,
Tâm kia
sao khó, khó sao tầm,
Khi
rộng, rộng trùm muôn pháp giới,
Khi thu,
thu nhỏ, khó lọt châm.
Ta chỉ
tìm tâm, không tìm Phật,
Rũ không
tam giới, mới hết lầm.
Phật
kia, muốn chứng, muốn tầm,
Muốn tầm
ra Phật, ngoài tâm chớ hòng.
Tâm ấy
Phật, chớ không đâu nữa,
Phật
tính nào, đời thủa ngoài tâm
Tâm
sinh, sinh cả cát lầm,
Tâm
sinh, tội cũng âm thầm sinh theo.[93]
SỰ BẢN ĐỊA HOÁ PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM
(Trích
sách Con Đường Tam Giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng, Nxb Tp HCM, 1999, từ tr. 8 đến tr. 10)
Phật giáo đã có ở
Việt Nam khá sớm. Gần cuối thế kỷ II, Việt Nam có một trung tâm Phật học
lớn ở vùng Dâu (Hà Bắc). Bấy giờ Việt Nam đang bị nhà Hán xâm chiếm, tên
nước bị giặc đổi là Giao Chỉ Bộ. Năm 203, Hán Hiến đế lại đổi là Giao
Châu.
Phật học vào Việt
Nam trước tiên bằng đường biển, từ phương Nam lên, do các nhà sư Ấn Độ
theo thuyền buôn. Luy Lâu (vùng Dâu, Hà Bắc) có thể là cửa ngõ để từ
Việt Nam, các nhà sư, nhà buôn viễn xứ mượn đường đi vào đất Hán.
Theo Thiền uyển
truyền đăng tập lục, Pháp sư Đàm Thiên trong khi đàm đạo với vua nhà Tùy
(thế kỷ VI? VII) cho biết Giao Châu có đường thông thương với Ấn Độ, nên
khi ở Giang Đông (Trung Quốc) đạo Phật hãy còn xa lạ thì tại thủ đô Luy
Lâu của Giao Châu đã có trên hai mươi chùa Phật, hơn năm trăm nhà sư, đã
biết đến mười lăm bộ kinh.
Có lẽ Phật giáo
đã từ Việt Nam vào Trung Quốc trước khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền
sang Việt Nam. Thế kỷ III, Ngô Tôn Quyền ở Giang Đông đã được sư Khương
Tăng Hội từ Giao Châu sang truyền đạo, Tôn Quyền đã cho cất chùa Kiến sơ
vào dịp này.
Đại Việt sử ký
toàn thư
và Ngô chí (viết vào thế kỷ IV) chép lại lá thư của một người Hán
là Viên Huy, gửi cho Thượng thư lịnh Tuân Úc năm 207, trong thư kể rằng
Thái thú Sĩ Nhiếp ở Giao Châu mỗi khi ra đường đều có các nhà sư Ấn Độ
theo xe, xông trầm đốt hương, đánh chuông khánh, thổi kèn sáo.
Do miền Bắc sớm
trực tiếp gặp Phật giáo Ấn Độ nên người người miền Bắc có từ bụt. Bụt do
gốc tiếng Ấn buddha (phật đà, giác giả: người đã giác ngộ).
Về sau, việc
truyền đạo trực tiếp từ Ấn sang giảm bớt dần, trong lúc theo đường bộ
đạo Phật từ phương Bắc du nhập chiếm ưu thế hơn. do ảnh hưởng từ phương
Bắc xuống, hay Bắc tông, Phật giáo Việt Nam chủ yếu thuộc ngành đại
thừa. Trái lại, do ảnh hưởng từ phương Nam lên, hay Nam tông, các lân
bang như Lào, Căm Pu Chia, Thái thuộc ngành tiểu thừa.
I. TỪ THẾ KỶ III
ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIII
Trong các hệ phái
Phật giáo ở nước Nam, Thiền tông phát triển mạnh nhất và có nhiều đặc
sắc, khởi đầu với sư Khương Tăng Hội (đầu thế kỷ III). Sư có công khai
sáng Thiền học Việt Nam và là người đầu tiên đem đạo Phật từ Việt Nam
truyền sang người Hán. Phật giáo Việt Nam lúc này đã là đại thừa vì Sư
đã cùng các cao tăng khác dịch kinh Bát nhã, rồi sư Chi Cương Lương Tiếp
dịch kinh Pháp hoa tam muội.
Tư liệu về thế kỷ
IV còn khiếm khuyết.
Thế kỷ V, theo
Tục cao tăng truyện, có Thiền sư Huệ Thắng, là môn đồ của sư Đạt Ma Đề
Bà. Sư Huệ Thắng nhiều lần sang Trung Quốc hoằng giáo.
Từ thế kỷ VI đến
hết triều Lý, Việt Nam có ba dòng Thiền lớn.
1. Phái
Tỳ-ni-đa-lưu-chi
Năm 580 sư
Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Việt Nam, trụ trì mười bốn năm ở chùa Pháp vân (Bắc
Ninh), liễu đạo năm 594. Phái này truyền được mười chín đời. Đời chót có
Thiền sư Y Sơn (liễu năm 1213).
2. Phái Vô
Ngôn Thông
Năm 820 sư Vô
Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam, trụ trì chùa Kiến sơ (Bắc Ninh),
liễu năm 826. Phái này truyền được mười bảy đời. Vua Lý Thái tông
(1028-1054) là môn đệ đời thứ tám.
3. Phái Thảo
Đường
Sư Thảo Đường từ
Trung Quốc sang Chiêm Thành. Năm 1069, vua Lý Thánh tông đánh thắng quân
Chiêm, đưa Sư về Thăng Long, phong làm Quốc sư. Sư trụ trì chùa Khai
quốc.
Phái này truyền
được sáu đời. Trong hàng đệ tử có chín nhân vật đáng kể như: vua Lý
Thánh tông (1054-1072), đời thứ hai; quan Tham chính Ngô Ích, đời thứ
ba; vua Lý Anh tông (1138-1175) và quan Thái phó Đỗ Vũ, đời thứ tư; quan
Thái phó Đỗ Thường, đời thứ năm; vua Lý Cao tông (1176-1210) và quan
Quản giáp Nguyễn Thức, đời thứ sáu.
II. PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỜI TRẦN
Đầu thế kỷ XIII,
ba phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dần dần sáp nhập,
đưa tới sự lớn mạnh của phái thiền Yên tử để thành một phái duy nhất đời
Trần là phái Trúc Lâm.
Phái Yên tử xuất
hiện từ núi Yên tử. Tổ khai sơn là Thiền sư Hiện Quang (liễu năm 1220).
Tổ thứ hai là thầy của vua Trần Thái tông, được tôn là Trúc Lâm Quốc sư,
pháp hiệu Đạo Viên, có tên khác là Viên Chứng.
Trong hai mươi ba
vị tổ của phái Trúc Lâm, tổ đời thứ sáu là vua Trần Nhân tông, pháp hiệu
Trúc Lâm Đầu đà.
Trong hoàng tộc
có một thiền sư lẫy lừng là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ngài tên thật là Trần
Quốc Trung, tước Hưng ninh vương, con cả của An sinh vương Trần Liễu, và
là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Khóa hư lục của vua
Trần Thái tông và Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ là hai kiệt tác trong
thiền học đời Trần.
Đời Trần cũng noi
theo Lý, mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài ra giúp nước (đời Lý:
1195; Trần: 1247).
III. TỪ THẾ KỶ XV ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX
Nhà Hồ
(1400-1407) rồi nhà Hậu Trần (1407-1413) mất, quân Minh xâm chiếm Việt
Nam (1413-1427). Loạn lạc liên miên, đạo Phật suy yếu. Đuổi xong giặc,
vua Lê Thái tổ (1428-1433) tổ chức khảo sát trình độ các sư, đạo sĩ. Ai
kém phải hoàn tục.
Nhà Hậu Lê suy;
ngoài Bắc, chúa Trịnh thao túng; trong Nam, chúa Nguyễn tung hoành. Phật
giáo suy. Đầu thế kỷ XVIII, thống nhất xong đất nước, vua Quang Trung
(1788-1792) theo gương đời Lê, lo chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn lại việc
cất chùa, chỉ đạo cất các chùa lớn có quy củ, gạn lọc các phần tử kém
phẩm chất ra khỏi cửa thiền, buộc hoàn tục.
Từ thế kỷ XV trở
đi tuy không còn rực rỡ như hai triều Lý, Trần nhưng đời nào cũng có cao
tăng, chân tu xuất hiện. Một số dòng thiền khác được ghi nhận như: phái
Tào động, gốc từ Trung Quốc, triều Lê Thế tông (1573-1599); phái Liên
tông, triều Lê Hy tông (1676-1705). Hai phái này ở miền Bắc. Miền Trung
có phái Liễu Quán và phái Nguyên Thiều. Phái Nguyên Thiều có từ triều Lê
Huyền tông (1663-1671), gốc từ Trung Quốc, là hệ phái của dòng thiền Lâm
Tế...
Ngày 01.9.1858,
phát súng đầu tiên của hải quân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu
cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh loạn lạc, đạo Phật
bị ảnh hưởng, suy thoái dần.
Đầu thế kỷ XX,
phong trào chấn hưng Phật giáo đã lần lượt dấy lên ở nhiều nơi. Lúc này,
ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số tôn giáo mới, chẳng hạn như đạo Cao
đài. Các hội nghiên cứu Phật học, các giảng khóa lần lượt được tổ chức.
Các cao tăng bấy lâu ẩn dật đến lúc nhập thế hoằng dương Phật pháp. Các
tạp chí nghiên cứu đạo Phật nhờ phương tiện in tiến bộ đã có thể phổ
biến rộng rãi hơn. Có những cư sĩ trí thức đã đổi mới lại cách giảng dạy
cổ truyền của nhà thiền. Các ông Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (chùa Quán
sứ, Hội Phật học Bắc Kỳ), Chánh Trí Mai Thọ Truyền (chùa Xá lợi, Hội
Phật học Nam Việt)... đều có nhiều công lao đóng góp. Sau này, việc đào
tạo tăng ni tại Việt Nam đã có quy củ với các hệ cao đẳng, đại học cũng
nhờ sự quật khởi từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
CHÚ THÍCH
[1]
1. Historically, it must be said that Buddha preached his
phenomenological doctrines in an «Exoteric Form» to the people and
his ontological doctrine in the «Esoteric Form» was reserved only
for advanced or brilliant. Teachings on both these lines proceeded
simultaneously without implying any periodical or chronogical
divisions. However, from the doctrinal point of view, the former is
the more expedient (upaya) doctrine, while the latter is the real
doctrine. This order equates well with the inherent natural law in
the spiritual domain. Here the former or «exoteric» must come first
and the later or «esoteric» would come next.
The terms Hinayana and Mahayana etc,
p. 60, T.R.V. The Central
Philosophy of Buddhism, Mandala Books, Unwin Paperbachs, London,
Boston, Sidney, p. 50 note 1.
[2]
Edited by Heinz Bechewart and Richard Gombrich, The World of
Buddhism,, Facts on File Publications, Mew York, Bicester,
England, 1985, pp. 14-41; 56-57.
[3]
Xem T.R. V. Murti, The Central Philosophy of Buddhism,
Mandala Books, Unwin paperbacks, London, Boston, Sidney 1980, pp.
36-54, Chapter II: The Silence of the Buddha and the beginning of
the Dialectics
Xem thêm Narada Maha Tera, Đức Phật và Phật Pháp. Người dịch:
Phạm Kim Khánh, Chùa Pháp Vân, 850 W. Phillips Boulevard, Pomona, CA
91766, nơi các trang 305-308.
[4]
In the article «Buddhism teaches rebirth», Humphrey relates
that Mrs. Rhys Davids, in her day, the leading Pali scholar in the
West, once made a list of «ten things which the Gautama the Buddha
would not have taugh.» The first is «that the man, the very man;
self, spirit, soul, purusa is not real.»Mrs Rhys Davids, a life
student of Theravada Buddhism –the very school that lay so much
stress on No Soul Idea-adds that in reality Buddha begins his
mission by advising man to seek thouroughly for the Atma, and ended
by bidding Men lives as having Atma for their lamp and refuge. The
Buddha concerns, she said, was with the wayfarer upon the way. «How
to waufare from this to That; here was life problem.» And this was a
long journey. Mr. Humphrey asks:
Are there
then two types of self in the Pali Canon. Ms. I. B. Horner, a pupil
of Mrs Rhys Davids and the present president of the Pali Text
Society, shows that this is so..In the famous article
reprinted in «The Middle Way» (Vol. 27, p. 76),she lists some
seventeen passages from the Pali Canon which make this clear. The
«lesser self» and the «greater Self» are clearly distinguished, and
the «grater self» is described as «a dweller in the
incommensurable». But the Dhammapada, the most famous text in
the Canon, will itself suffice.»Self is the lord of self, what
other lord could there be,»Anh again «Self is the lord of
self, and self «bourn» i. e. the very goal of all endeavour. If
it is possible to lift the Buddha teaching nearer still to the Hindu
original, look at: «The Self in thee knows what is true and what
is false.»Every mystic since the world began would agree.
«If «,
Humphreys continues, «the Buddha then taugh Atta, as his brilliant
predecessors in the field of Indian thought, what did he says was
Not-Self, An-Atta? He is quite specific. It is the five skandhas,
the constituents of personality in which there is no permanent self
to be found...But the monks would not leave the statement alone.
Attacking the concept of Atman as degraded in the Buddha’s day to a
thing...the size of a thumb, in the human heart, they swung to far.
«No self, no self, they cried, and in time, produced the joyless,
cramping doctrine, a drearily proclaimed to day, «especially in
Theravada Buddhism».
Elsewhere
Humphreys concedes that the attacks of the Thersavada monks, or
bhiskkus, is legimately «directed against the concept of unchanging
individuality, a separate self, distinct from the vast totality of
Life, and its illimitable forms. « However, he adds, «the Bhikkus
ignore the «Unborn, Unoriginated, Unformed» of their Scriptures, as
inherent in every manifested thing.»Clearly the phenomenal self,
whether called ego, shadow, or the evolving soul, is changing all
the time,» but this does not means «no soul, no self at all.» –
Joseph Head & S. L. Cranston, Reincarnation, the
Phœnix Fire Mystery,
Juylian Press, New York, 1977 pp. 63;
75-76)
[5]
Buddha, according to Mrs Rhys Davids, did not deny the soul or self
outright, but only that the body, the sense-organs etc., were the
self.:The words’ body is not the self,’ can not rationally be said
to imply that there is no self or soul or’realman’. As soon might I
be held to be denying the existence of the captain, if I said on
looking at two sailors,’you are not the skipper’.Yet this is just
the inference that Buddhism has come to draw from this monition!
This belongs to the after- history...
«...Gautama
was both teaching and expanding the Immanent Cult of his day.» Accepting
the Upanishadic ideal of the self as the ultimate value, Buddha
taugh how to release it, how to become that. He insisted on
conduct (sila), works, concentration (samadhi) and insight (panna)
and dependence on oneself than on the ritual or knowlegde...
Mrs.
Rhuys
Davids quotes...the ‘Mahaparinibbana (Kinh Đại Niết Bàn)
passage «attadipa attasarana» etc...and translates it:»Live as they
who have the self for a lamp, the self for a refuge; as they who
have dharma for a lamp, dharma for a refuge, and none other’
T.R. V. Murti, The Central Philosophy of Buddhisn,Mandala
Books, Unwind Phperback, London, Boston, Sydney, 1989, p. 21 and
note 1 page 23.
[6]
His (Buddha’s) position was not Nihilism, even in an implicit form.
Neither Buddha nor any Buddhistic system ever took this to be so.
Buddha avers in the most explicit terms the existence of Nirvana as
an implication of his doctrine and the spiritual discipline.
Numerous are the passages in which Nirvana is spoken of in positive
terms as a reality beyond all suffering and change, as unfading,
still, undecaying, taintless, as peace, blissful. It is an island,
the shelter, the refuge and the goal. In a celebrated Udana (Tự
Thuyết) passage, Buddha says:»There is a not-born, a
not-become, a not-created, a not-formed. If there were not this
not-born, not-become...there would not be the escape, the way out of this bondage.
Buddha did not doubt the reality of Nirgvana
(Absolute), only he would not allow us to characterize and clothe it
in empirical terms as being, non-being etc...His silence can only be
interpreted as meaning the consciousness of the undescribable nature
of the Unconditioned Reality. Professor Radhakhrishnan unerringly
indicates the nature of Buddha’s silence in his works thus: «If the
Buddha declined to define the nature of the Absolute or if he
contended himself with negative definitions, it is only to indicate
that absolute being is above determinations. Why then, did Buddha
not admid in express terms the reality, the legitimacy of which he
was the first to contest in others. The absolute is not a matter of
empirical observation. The world of experience does not reveal the
Absolute anywhere within its limits.»
(Ib. pp. 47-48)- Udana pp.
80-81.)
[7]
He follows no one, save the eternal life within his own heart; he
trusts no other Saviour except the saving power resident within his
soul. Thus in the words of the Gospel of Phillip, the Gnostics
become not only a Christian, but a Christ,
Robert’s Ellwood Jr. Religious and Spiritual Groups in Modern
America, Prentice Hall Inc. Englewood Cliffs, New Jersey, 1973,
pp. 120-121.
[8]
Much of Buddhism's powerful influence may have had its source in the
deliberate avoidance and claims to exclusive Truth, adherence to
inflexible dogma, or the authority of any final, sacrosaint,
theocratic hierarchy. The «Come and see for yourself» attitude of
the original Great Teacher, Siddhartha Gautama, who became the
Buddha, the Enlightened One, his pragmatic insistence on «Don't take
my work for it. Try it yourself!» the unswerving challenge of his
famous aphorism, «Look within, thou art the Buddha.»
Nancy Wilson Ross, Buddhism A Way of Life and Thought,Alfred
A. Knopf New York 1980, p.4.
[9]
The Dharma, that is, the Buddhist Doctrine, is condensed in the Four
Noble Truths (Aaryasatya) expounded by the Buddhas, and especially
by Sakyamuni in his Discourse at Benares (Vinayapitaka
-Luật tạng- ed. H. Oldenberg, 5 vols,
London 1879-83, I. 10; The Gilgit Manuscript of the
Sanghabhedavastu ed. R. Gnoli, 2 vols, Rome 1977-78, I, 137-8):
(1) Everything is suffering (duhkha).
(2) The origin of suffering (duhkhasamudaya) is desire (trsna).
(3) There exists a Nirvana, an end to suffering (duhkhanirodha).
(4).- A Path, defined by the Buddha, leads to Nirvana.
The World of Buddhism,
Ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts On File
publications, New York, 1984, p.47.
[10]
The Five Aggregates, inasmuch as they arise from causes and
conditions, are conditioned things (Samskrta dharma), also referred
to as Formations (samskara). They are endowed with the three or four
characteristics of conditioned things (samskrta laksana)- arising
(upada), disappearance (vyaya), duration-and-change
(sthity-anyathatva) - by the terms of which they arise, endure and
disappear (A. I, 152; S, III, 37; NidSa. 139).
Each
Formation (samskara) has its own essential nature (svabhava) or
particular characteristic (svalaksana), but all are marked by the
seal of impermanence, suffering and impersonality (M. I,
138,9; S. II,244-6; M. III, 271-3)...
A.
=
Anguttara-Nikaya (Tăng Nhất A Hàm) ed. R. Morris and E. Hardy, 5 vols, London 1885-1900.-
S.
= Samyutta-Nikaya (Tạp A Hàm) ed. L. Feer, 5 vols, London
1884-98).
NidSa. =
C. Tripathi Funfundzwanzig Sutra des Nidana-samyukta Berlin
1962.
M. =
Mijjhima Nikaya (Trung A Hàm) ed. V. Trenckner and R. Chalmers 3
vgol, London 1888-99.
The World
of Buddhism, ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts On
File Publications, New York, Bicester, England, p.49-50.
As we shall
see, the Buddha reduces the «self» to a combination of five
aggragates(shandhas) of the physical and psychic forces. And he
states that dukkha is, in the last analysis, the five aggregates.
Mircea Eliade, A History of Religious Ideas, Vol.2: From
Gautama to the Triumph of Christianity, pp. 93-94.
[11]
The Buddha does not put forth a definition of nirvana, but he
constantly returns to some of its attributes. He affirms that the
arhats (the delivered Saints) «have attained unshakable happiness»
(Udana 8. 10); that nirvana is bliss» (Anguttara 4.
414); that he, the Blessed One, has attained the Immortal»
and that the monks can attain it too: «You will make yourselves
present even in this life; you will live possessing this Immortal»
(Majjhima N. 1. 172). The arhat, even in this life, cut
off, nirvanaized (nibbuta), feeling happiness in himself, spends his
time with Brahman.»
...Texts cited by Vallée-Poussin, who compares Bhagavad Gita
5. 24: «He who finds no happiness, joy, light except within, the
yogin identified with brahman.» Another Buddhist text thus describes
the delivered saint: «Of this monk I say that he will go neither
east nor south nor west...; even in this life he is detached,
nirvanized, chilled, identified with Brahma (Brahma-Bhutta) (cited
by VallÍe-Poussin, p. 73, n. 1).
[12]
Ngã vị nhữ toại ư đại minh chi thượng hĩ, chí bỉ chí Dương chi
nguyên dã; vị nhữ nhập ư ảo minh chi môn hĩ; chí bỉ chí Âm chi
nguyên dã. Thiên địa hữu quan, Âm Dương hữu tàng. Thận thủ nhữ thân,
vật tương tự tráng. Ngã thủ kỳ Nhất, dĩ xử kỳ hoà. Cố ngã tu thân
thiên nhị bách tuế hĩ, ngô hình vị thường suy. Hoàng đế tái bái kê
thủ viết: Quảng Thành Tử chi vị Thiên hĩ. Quảng Thành Tử viết: Lai,
Dư ngữ nhĩ: Bỉ kỳ vật vô cùng, nhi nhân giai dĩ vi chung. Bỉ kỳ vật
vô trắc, nhi nhân giai dĩ vi cực. Đắc Ngô Đạo giả, thượng vi Hoàng,
hạ vi vương. Thất Ngô đạo giả, thượng kiến quang, nhi hạ vi thổ. Kim
phù bách xương giai sinh ư thổ, nhi phản ư thổ. Cố Dư tương khứ nhĩ,
nhập vô cùng chi môn, dĩ du Vô Cực chi dã. Ngô dữ nhật nguyệt tham
quang, Ngô dữ thiên địa vi thường.Đương Ngã dân hồ, viễn Ngã hôn hồ.
Nhân kỳ tận tử, nhi Ngã độc tồn hồ. –
Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, Catharsia, 35 Rue
de Sèvres, Paris, VIe, 1913, pp. 287-289.
[13]
«Ô moines, il y a un état non-né, non devenu, non-conditionné, non
composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non-né, non-devenu,
non-conditionné, non-composé, il n’y aurait aucune évasion possible
pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné et ce
qui est composé. Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion de ce
qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné et de ce
qui est composé.» –
Udana,
p. 139, Colombo 1929. – Présence du Bouddhisme, p. 238.
[14]
Narada Mara Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh
dịch, Ký Viên Tự Saigon, 1982, tr. 127.
[15]
Ib. tr. 80.
[16]
For the Upanishads, the self is a reality; for the Buddha it is a
primordial wrong notion, not real...
The
fundamental difference between Buddhism and the Upanishads seems to
be about the metaphysical reality of an immutable substance, which
is the true self of man as well...It is true that Buddha finds no
centre of reality or principle of permanence in the flux of life and
the whirl of the world, but it does not follow that there is nothing
real in the world at all except the agitation of forces...
The
Upanishads and Buddhism belong to the same spiritual genus, they
differ as species; and the differentia are the acceptance or
rejection of the atman (permanence substance). –
T.R.V. Murti, The Central Philosophy, Buddhism, Mandala
Books, Unwin Paperbacks, London, Boston, Sydney, 1980, pp. 19, 20.
[17]
In reality Buddha begins his mission by advising men to seek
thoroughly for the Atma, and ended by bidding men live as having
Atma for their lamp and refugee...». - «Self is the lord of self, and
self's bourn». –
Joseph Head and S. L. Cranston, Reincarnation, the Phœnix
Fire Mystery,
Julian Press, New York, 1077, pp. 63, 75, 76.
[18]
Xem Phật học từ điển Đoàn Trung Còn nơi chữ Ngũ Uẩn.
Xem The World of Buddhism, Ed. by Heinz Bechert and Richard
Gombrich, Facts On File Publications, New York, 1984, p. 47).
[19]
Let us suppose the Ganges sweeps long a mass of foam and that a man
with keen sight perceives, observes and attentively examines it. He
will find that the ball of foam is empty and insubstantial, with no
real essence. In the same way, if it is observed, corporeality will
be seen to be empty and insubstantial, with no real essence, and it
is the same with the other four Aggregates: 'Form is like a mirage,
volition is like the trunk of a banana tree [i.e. without a core,
like an onion] and consciousness is like a ghost' (S. III, 140-2).
It is undeniable that all that is subject to arising is also subject
to destruction (S. IV, 47).
[20]
Nirvana is supreme happiness (param sukha). Secure from birth,
disease, old-age-and-death, Nirvana is supreme happiness (M. I,
508)... Nirvana is unconditioned (asamskrta). Free from arising,
disappearance, endure and change, aggregates which arise, disappear,
endure and change. Earthly Buddhism accepted the reality of
conditioned things and hence deduced the reality of the
unconditioned, especially Nirvana - which led to the saying: «There
is an unborn, unarisen, uncreated, unconditioned; if there were no
unborn, there would be no release for what is born, arisen, created,
conditioned» (It. 37).
M.=
Majjhima-Nikya ed. V. Trenckner and R. Chalmers, 3 vols,
London 1888-99.
It. =
Itivuttaka ed. E. Windisch, London 1899.
Cf. The
World of Buddhism, ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich,
Facts on File Publications, New York, 1984, p.52.
So the
Buddha teaches that Nirvana is «visible here below,» «manifest,»
«actual,» or «of this world.» But he emphasizes the fact that
only he among the yogins «sees» and possesses nirvana (by this we
must understand that he means both himself and those who follow his
path, his method). «Vision,» called in the canon «the eye
of the saints» (ariya cakkhu), allows «contact» with the
unconditioned, «the non-constructed» with nirvana. Now this
transcendental «vision» is obtained by certain contemplative
techniques, that were practiced even from Vedic times and parallels
to which are found in ancient Iran...
(A
distinction must, however, be made between the 'visible' nirvana,
the one that is accessible during life, and the paranirvana,
which is realized at death.)
Mircea
Eliade, A History of Religious Ideas, Vol. 2: From
Gautama Buddha to the Triumph of Christianity, translated by
Willard R. Trask, The University of Chicago Press, Chicago and
London, 1982 pp. 99-100 and note 9, p. 99.
[21]
La formule «se tirer de l'impermanence, obtenir la permanence» avait
été le point d'orgue final de tous les discours du Bouddha
Sakyamuni. –
Léon Wieger, Histoire des Croyances religieuses... p. 438.
[22]
Tam chuyển Pháp Luân: 1 Căn Bản Pháp Luân: thuyết Hoa Nghiêm. 2 Chi
mạt pháp luân: Thuyết A Hàm chí Phương Đẳng; 3 Nhiếp mạt qui bản:
Thuyết Pháp Hoa.
Phật Học Chỉ Nam, tr. 11.
[23]
Phân biệt Nhất Tâm Chân Như, Nhất Tâm Sinh Diệt là chủ đích của kinh
Lăng Già.
[24]
Đại Ngã the greater self, or the true personality 真 我 (chân
ngã). Hinayana (tiểu thừa) is accused of only knowing and
denying the common idea of a self, or soul, whereas there is a
greater self, which is a nirvana self. It specially refers to the
Great Ego, the Buddha, but also to any Buddha... Trung Anh
Phật Học từ điển, tr. 89.
[25] 阿
賴 耶 識 A Lại Da Thửc Alaya Vijnana «The receptacle intellect or
consciousness; «the originating of receptacle intelligence»; basic
consciousness (keith)... It is called 第 一 識 Đệ Nhất Thức the prime
or supreme mind or consciousness... 無 垢 識 Vô Cấu Thức
unsullied consciousness when considered in the absolute i. e. the
Tathagata and đệ bát thức 第 八 識 as the last vijnana. There has been
much discussion as to the meaning and implication of the Alaya-
Vijnana. It may be also termed the unconscious, or unconscious
absolute, out of whose ignorance or unconsciousness arises all
consciousness. –
Trung Anh Phật Học Từ Đỉển, tr. 292.
[27]
Xem Bát thức qui nguyên đồ, Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. I,
tr, 41.
[28]
Phật tính thị thường, thiện ác chư pháp nãi chí Bồ Đề Tâm, giai thị
vô thường.
(Niết Bàn kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn
trong Còn phiên dịch), Đốn tiệm phẩm, tr. 118.
[29]
Lorsque l’Entité Spirituelle s’affranchit pour toujours de toute
particule de matière, de substance ou de forme et redevient un
souffle spirituelle. C’est alors seulement qu’elle entre dans le
Nirvana éternel qui ne change jamais et qui dure, aussi longtemps
que le cycle de vie a duré: une éternité vraiment. Et ce souffle qui
existe en Esprit, n’est rien, parce qu’il est tout; comme forme ou
comme apparence quelconque, il est complètement anéanti; mais comme
Esprit Absolu, il Est, car il est devenu l’Être même. Lorsqu’il
s’agit de «l’ââme», prise dans le sens d’Esprit, l’expression :
«absorbée dans l’Essence Universelle», signifie «union avec»...il ne
peut jamais être question d’annihilation, car cela voudrait dire
séparation éternelle. –
H. P. Blavatsky. La Clé de la Théosophie, p. 162.
[30]
Soit dit en passant que pour avoir ignoré l’importance de la
connexion de ces deux ordres (le phénoménal et le transcendant, le
samsara et le Nirvana) qu’on a si mal compris le Bouddhisme. Car il
faut noter que si le Bouddha a jeté l’anathème sur l’existence
terrestre dans son ensemble (tout est douleur, tout est impermanent,
tout est sans-soi Sarvam Duhkha, sarvam anita, sarvam anatman), il
s’est tout entier tendu vers ce qu’il appelait l’Autre Rive, le
Nirvana. –
Nguyễn Văn Trung, La Conception Bouddhique du
devenir, p. 66.
[31]
Toutes les choses conditionnées sont impermanentes...toutes les
choses conditionnées sont dukka (khổ)... tous les dhammas sont sans
soi... –
Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha, p. 84.
[32]
Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 177-178.
[33]
Chấp trước vũ trụ chi hiện tướng nhi bất kiến Bản Thể giả vị chi Mê.
Kiến Bản Thể nhi bất kiến hiện tướng giả, diệc bất đắc vị chi Ngộ. –
Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa.
[34]
Hải tín cư sĩ, Quán thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 36.
[35]
Walpola Rahula, l’Enseignement du Bouddha, Chapitre 6:
La doctrine du Non-Soi.
[36]
Nguyễn Văn Trung, La Conception bouddhique du devenir,
article 3, L’Anatman, ou l’explication bouddhique du devenir.
... Thuyết Vô
Ngã đã được bàn cãi sâu rộng trong «Na tiên tì kheo kinh» (khoảng
thế kỷ V sau công nguyên). đó là đề tài đối thoại giữa vua Di Lan
(Milanda) và tì khưu Na Tiên (Nagasena).
–
Cf. Léon
Wieger, L’Histoire des Croyances et des opinions philosophiques en
Chine, pp. 445, 446.
[37]
«Cái ta» có nhiều nghĩa là «giả ta», «cái ta» không có tới 2 nghĩa
là «Thật ta»...Nhờ đứng trên cái thuyết vô ngã này, mà người tu giải
thoát được những tướng khổ của «Giả ta». Bởi cớ sao? Nhận được cái
«ta chân thật bất diệt» là không còn bám víu chạy theo những cái «Ta
giả và sinh diệt» nữa. –
Cư sĩ Hải Tín, Quán Thế Âm Bồ tát tín luận,
tr. 42.
[38]
Thủ Lăng Nghiêm kinh. Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 65.
[39]
Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 119-120.
[40]
Thủ Lăng Nghiêm kinh quyển I. (Việt Nam Phật Tử hội
xuất bản, tr. 22-23); Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn phật
học nghiên cứu hội, tr. 55-56.
[41]
Phật cáo A Nan:»Thử thị tiền trần hư vọng tướng, tưởng hoặc nhữ Chân
tính; do nhữ vô thuỷ chí ư kim sinh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên
thường, cố thụ luân chuyển.
Thủ Lăng Nghiêm kinh,
q. I, Việt
Nam Phật Tử Hội xb, tr. 25.
Thủ Lăng Nghiêm Kinh,
Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 55-56.
[42]
Phật ngôn: «Đại Vương, nhữ diện tuy trứu, nhi thử kiến tính vị tằng
trứu; trứu giả vi biến, bất trứu phi biến, biến giả thụ diệt, bỉ bất
biến giả nguyên vô sinh diệt. –
Thủ Lăng Nghiêm kinh
q. II, tr. 5. hoặc Linh Sơn, tr. 75.
[43]
Trụ danh chủ nhân. 住 名主 人. – Thủ Lăng Nghiêm kinh, Việt
Nam Phật Tử Hội xb, tr. 33, hoặc Linh Sơn, tr. 75.
[44]
Trần chất giao động, hư không tịch nhiên. Như thị tư duy: trường
tịch danh Không, giao động danh trần.
Thủ Lăng Nghiêm,
Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 34. và Linh Sơn tr.
75-76.
[45]
Nguyện văn Như Lai hiển xuất thân tâm, chân vọng, hư thực, hiện tiền
sinh diệt dữ bất sinh diệt nhị phát minh tính. –
Thủ Lăng Nghiêm kinh q. 2, Việt Nam Phật Tử Hội xb,
tr. 1. - Linh Sơn, tr. 80.
[46]
Dĩ động vi thân, dĩ động vi cảnh...tính tâm thất chân, nhận vật vi
kỷ, luân hồi thị trung, tự thủ luân chuyển.
–
Thủ Lăng Nghiêm,
q. I, Việt Nam Phật Tử Hội xb, 36; & Linh Sơn, tr. 80.
[47]
Thất ngã Bổn Tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo, thí như cùng
tử, xả phụ đào thệ, kim nhật nãi từ. Tuy hữu đa văn, nhược bất tu
hành, dữ bất văn đẳng, như nhân thuyết thực, chung bất năng bão.
–
Thủ Lăng Nghiêm,
Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 28-29; Linh Sơn, tr. 66-67.
[48]
Tổ chi ngộ Bản tính vị Huệ Năng viết: « Bất thức Bản Tâm, học pháp
vô ích, Nhược thức tự Bản Tâm, kiến tự Bản Tánh, tức danh Trượng
Phu, Thiên, Nhân sư, Phật.»
[49]
Thích Đạo Quang, Đại cương Triết học Phật Giáo, tr.
55.
[50]
Ibidem, tr. 93-94.
[51]
Ibidem, tr. 94.
[52]
Ibidem, tr. 56 - tr. 94.
[53]
Ibidem, tr. 93.
[54]
Ibidem, tr. 93.
[55]
Ibidem, tr. 93.
[56] 現
相 之 我 與 本 體 之 佛, 猶 如 水 與 波. 此 本 體 謂 之 真 如, 亦 謂 之 佛. Hiện tượng
chi Ngã dữ Bản Thể chi Phật do như thuỷ dữ ba. Thử Bản Thể vị chi
Chân Như, diệc vị chi Phật. (Ngã hiện
tượng với Phật Bản Thế là như sóng và nước. Phật Bản Thể ấy gọi là
Chân Như, là Phật.) –
Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des opinions
philosophiques en Chine, p. 546.
[58]
Tam điểm như tinh tượng, 三 點 如 星 象
Hoành
câu tự nguyệt tà 橫 鉤 似 月 斜
Phi
mao tòng thử đắc 披 毛 從 此 得
Tác Phật
cánh vô tha. 作 佛 更 無
他
Long
lanh ba chấm tựa sao,
Mình cong vầng nguyệt, tiêu hao xế tà.
Muông chim nguồn ấy phát ra,
Duyên do Thần Phật cũng là đấy thôi.
[59]
Diệu Pháp liên hoa quyển thứ 4. Phẩm ngũ bá đệ tử thụ
ký, kệ của A Nhã Kiều Trần Như. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,
Liên Hải Phật Học đường, tr. 243.
[60]
Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Tín Giải. Kệ của Ma Ha Ca
Diếp. Người cùng tử của Ông Trưởng giả). Diệu Pháp Liên Hoa,
Liên Hải Phật Học đường, từ tr. 145 đến 153.
[61]
ĐĐ Thiên Ân, Triết Học Zen I, tr. 162.
[62]
云 何 自 疑 汝 之 真 性, 性 汝 不 真, 取 我 求 實. Vân hà tự
nghi nhữ chi Chân Tính, Tính nhữ bất chân, thủ Ngã cầu thực. –
Thủ Lăng Nghiêm kinh
(V.N. P. T.
hội xuất bản), q. II, tr. 16-17.- Thủ Lăng Nghiêm, -Linh Sơn,
Phật Học, tr. 113-114.
...O Ananda, soyez des lampes pour vous-même, soyez un refuge pour
vous-même; ne cherchez pas d’autre refuge. Prenez la vérité comme
lampe, prenez la vérité comme refuge. Ne cherchez pas d’autre refuge
qu’en vous-même. (Mahaparinibhana sutta- Niết Bàn kinh - Présence
du Bouddhisme, p. 539.)
[63] 十
箇 大 字 乃 是 : 靈 檯 方 寸 山, 斜 月 三 星 洞. Giá cá Thập Đại Tự nãi
thị: Linh Đài Phương Thốn Sơn, Tà Nguyêt Tam Tinh Động. (Tây
Du, hồi 1)
[64]
Phật tại Linh Sơn, mạc viễn cầu 佛 在 靈 山 莫 遠 求
Linh
Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. 靈 山
只 在 汝 心 頭
Nhân
Nhân hữu cá Linh Sơn tháp, 人 人 有 箇 靈 山 塔
Hảo
hướng Linh Sơn tháp tự tu. 好 向 靈 山 塔 自 修.
Tây Du ký, hồi 85.
[65]
Không nên hướng ngoại mà tìm cầu, trái lại, cần phải hướng về nội
Tâm để tìm Phật Tính. (Truyền Tâm Pháp của Hoàng Bích Thiền Sư.
ĐĐ. Thích Thiên Ân, Triết học Zen II, tr. 25)
...Tự Tâm của
ngươi là Phật, Phật là tự tâm của ngươi. Tâm và Phật không sai biệt,
vì thế cổ nhân nói: Tự Tâm tức Phật. (Truyền Tâm Pháp Yếu.
Cf. ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 54.)
...Trong Tâm
Tính của mọi loài chúng sinh vốn đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như
Lai. Nhưng nếu không thật tu, thì không bao giờ hiển hiện, không
thật chứng, không thể nào hoạch đắc.
Chánh Pháp Nhãn Tàng, Biện Đạo thoại.
ĐĐ. Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 87.
...Giáo Lý đã
nói: Chân ở trong Vọng. Vậy tìm Chân Tâm ở ngoài thân và tư tưởng
của mình, là không thể được. –
Hải Tín Cư Sĩ, Quan thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.
本 性 是 佛, 離 性
無 別 佛. –
Pháp Bảo Đàn Kinh, Bát Nhã Phẩm,
Đoàn trung Còn dịch, tr. 28.
[68]
Nhược nhiên qui y Phật, Phật tại hà xứ? Nhược bất kiến Phật, bằng hà
sở qui... Kinh văn phân minh ngôn tự qui y Phật, bất ngôn qui y tha
Phật.
若
然 歸 依 佛, 佛 在 何
處. 若 不 見 佛, 憑 何 所 歸. 經 文 分 明 言: 自 歸 依 佛, 不 言 歸 依 他 佛.
–
Pháp Bảo Đàn Kinh, Sám Hối Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 64-65.
[69]
Le Nibbana «doit être réalisé par les Sages au-dedans d’eux-mêmes.
(paccattam veditabbo vinnuhi).- Présence du Bouddhisme,
p. 268.
[70]
Xin xem Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des
Opinions Philosophiques en Chine, p. 524 et ss.
[71]
Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu (phần phiên Âm), và Léon
Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 524 et ss.
[72] 三
界 本 起 同 歸 ㄧ 心. 先 佛 後 佛 以 心 傳 心 不 立 文 字... 從 無 始 曠 大 劫 來, 乃 至 施 為 運 動
ㄧ 切 時 中, ㄧ 切 處 所 皆 是 汝 本 心, 皆 是 汝 本 佛. Tam giới bổn
khởi đồng qui nhất tâm. Tiên Phật, hậu Phật dĩ tâm truyền tâm, bất
lập văn tự...Tòng vô thuỷ khoáng đại kiếp lai, nãi chí thi vi, vận
dộng, nhất thiết thời trung, nhất thiết xứ sở, giai thị nhữ bổn tâm,
giai thị nhữ bổn Phật. –
Đạt Ma huyết mạch luận. (Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu)
... Le monde
tout entier est pensé dans le cœur. Tous les Bouddhas, passés et
futurs ont été et seront formés dans le cœur. La connaissance se
transmet de cœur à cœur, par la parole. A quoi bon, tous les écrits?
Le cœur de chaque homme communie à ce qui fut tous les temps, à ce
qui est tous les lieux. –
Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses...p. 524.
[73] 即
心 是 佛, 亦 復 如 是. 除 此 心 外, 覓 菩 提, 涅 槃 無 有 是處. 自 性 真 實, 非 因 非 果 法, 即 是 心 義. Tức tâm thị
Phật, diệc phục như thị. Trừ thử tâm ngoại, mích Bồ Đề, Niết Bàn vô
hữu thị xứ. Tự Tính chân thật, phi nhân, phi quả pháp, tức thị tâm
nghĩa. –
Đạt Ma huyết mạch luận.
...Le cœur
est le bouddha. Il n’y a pas de Bouddha en dehors du cœur.
Considérer l’illumination et le nirvana comme des choses extérieures
au cœur, c’est une erreur. Il n’y a pas d’illumination en dehors du
cœur vivant. Il n’y a pas de lieux où se trouvent des êtres
nirvanés. Hors la réalité du cœur, tout est imaginaire...Il n’y a
pas de causes, il n’y a pas d’effets. Il n’y a d’activité que la
pensée du cœur, et son repos, c’est le Nirvana. Chercher quelque
chose en dehors de son cœur, serait vouloir saisir le vide. Le
Bouddha, chacun le crée dans son cœur par sa pensée. Le cœur est
Bouddha, Bouddha c’est le cœur.
Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses...p. 524.
[74] 若
言 心 外 有 佛, 求 菩 提 可 得 無 有 是 處. 佛 及 菩 提 皆 在 何 處? 譬 如
有 人 以 手 提虛 空, 得 否 ... 除 此, 心 外 見 佛, 終 不 得 也... 心 即 是 佛, 佛 即 是 心. 心 外 既 無
佛, 何 起 佛 見? 際 相 誑 惑... 若 欲 見 佛, 見 性 即 是 佛 Nhược ngôn tâm ngoại hữu
Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ. Phật cập Bồ Đề giai tại hà
xứ? Thí như hữu nhân, dĩ thủ đề hư không, đắc phủ. .. Trừ thử, tâm
ngoại kiến Phật, chung bất đắc dã...Tâm tức thị Phật, Phật tức thị
tâm, tâm ngoại ký vô Phật, hà khởi Phật kiến? Tế tương cuống hoặc...
Nhược dục kiến Phật, kiến tính tức thị Phật. – Đạt Ma huyết mạch luận.
...Imaginer
un Bouddha en dehors du cœur, se figurer qu’on le voit en un lieu
extérieur, c’est du délire. Donc il faut tourner son regard, non
vers le dehors, mais vers le dedans, il faut le concentrer en
soi-même, et contempler en soi sa bouddhaité. –
Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses, p. 524.
[75]
Ở nơi mỗi người, nếu cái Vọng Tâm sinh, thì cái Chân Tâm phải ẩn,
nhưng nó lại ẩn trong cái Vọng Tâm. Còn khi cái Chân Tâm hiện ra,
thì cái Vọng Tâm phải mất, nhưng nó lại mất trong Chân Tâm. – Hải Tín Cư
Sĩ, Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.
...Trong cái
bản ngã nhỏ hẹp, chúng ta phát huy cái Đại Ngã rộng lớn. –
Thích Đại Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 55.
[76]
Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 56.
[77]
Ibidem, tr. 54.
[78]
Di Đà đồng thể. Ibidem, tr. 54.
[79]
Ibidem, tr. 94.
[80]
Luận Ngữ, Thái Bá đệ Bát, tiết 18.
... Sư viết:
Ký nhược bất biệt, tức thử thân thị nhữ bổn Pháp Thân; tức thử nhữ
bổn Pháp Thân thị nhữ bổn tâm.
Thử tâm tòng
vô thỉ khoáng đại kiếp lai, dử như kim bất biệt; vị thường hữu sinh
tử; bất sinh, bất diệt; bất cấu, bất tịnh; bất hảo, bất ác; bất lai,
bất khứ; diệc vô thị phi; diệc vô nam, nữ tướng; diệc vô tăng tục,
lão thiếu; vô thánh, vô phàm; diệc vô Phật; diệc vô chúng sinh; diệc
vô tu chứng; diệc vô nhân quả; diệc vô cân lực, diệc vô tướng mạo;
do như hư không; thủ bất đắc; xả bất đắc; sơn hà thạch bích, bất
năng vi ngại; xuất một, vãng lai, tự tại, thần thông...
–
Đạt Ma huyết mạch luận.
...Nhược trí
huệ minh liễu, thử tâm hiệu danh Pháp Tính, diệc danh Giải Thoát
Sinh Tử, Bất Câu Nhất Thiết Pháp, Câu Đà Bất Đắc; thị danh Đại Tự
Tại Vương Như Lai, diệc danh Bất Tư Nghị; diệc danh Thánh Thể; diệc
danh Trường Sinh Bất Tử; diệc danh Đại Tiên. Danh tuy bất đồng, Thể
tức thị nhất.
Thánh nhân
chủng chủng phân biệt, giai bất ly Tự Tâm. –
Đạt Ma huyết mạch luận.
[83]
Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến
chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. .. (Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm
cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chảng phải tướng,
tức là thấy Như Lai.) –
Kim Cương Kinh,
Đoạn V.
...Ly nhất
thiết tướng, tức danh chư Phật. (Thoát ly mọi hình thức, sắc tướng
tức gọi chư Phật.) – Kim
Cương Kinh, đoạn XIV.
...Như Lai
bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. –
Kim Cương kinh,
XX.
[84]
Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.
[85]
Tự tâm thị Niết Bàn. Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả
đắc, vô hữu thị xứ.
–
Đạt Ma Huyết Mạch Luận.
[86]
Minh tâm kiến Tánh, nhược bất kiến Tánh, đắc thành Phật Đạo, vô hữu
thị xứ.
–
Đạt Ma Huyết Mạch Luận.
[90]
Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà đạo bất
năng kiến Như Lai.
–
Kim Cương Kinh,
XXVI.
[91]
Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như
điện, ưng tác như thị quán. (Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn,
bọt bóng, như sương và như chớp, nên quan sát như thế.)
–
Kim Cương Kinh,
XXXII.
[92]
Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. (Như
Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. = Pháp
Thân là Bản Lai Thường Trụ, không chỗ xuất hiện, không chỗ nhập
diệt) Kim Cương Kinh, XXIX.
[93]
心 心 心
心 難 可 尋
寬 時 遍 法 界
隙 也 不 容 針
我 本 求 心 不 求
佛
了 知 三 界 空 無
物
若 欲 求 佛 但 求
心
只 這 心 這 心 是
佛
我 本 求 心 心 自
知
求 心 不 得
待 心 知
佛 性 不 從 心 外
得
心 生 便 是 罪 生
時
Tâm,
tâm, tâm,
Tâm nan khả
tầm,
Khoan thời
biến pháp giới,
Khích dã bất
dung châm.
Ngã bổn cầu
tâm, bất cầu Phật,
Liễu tri tam
giới, không vô vật.
Nhược dục
cầu Phật, đãn cầu tâm,
Chỉ giá tâm;
giá tâm thị Phật.
Ngã bổn cầu
Tâm, tâm tự tri,
Cầu Tâm bất
đắc, đãi Tâm tri,
Phật tính
bất tòng tâm ngoại đắc,
Tâm sinh
tiện thị tội sinh thì.
Đạt Ma huyết mạch luận.
Đoạn kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét