Chùa gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam từ lâu, nên ai cũng gần gũi với chùa, dầu là trong thực tế hay trong nhận thức. Chùa là nơi thờ Phật và các vị Bồ tát, là nơi tu hành của giới xuất gia theo giáo pháp giải thoát của Đức Phật.
Chùa là nơi phật tử quy y Tam Bảo và tu học theo sinh hoạt của chùa. Chùa là nơi thực hành nghi lễ Phật giáo… Còn gì nữa không? Bỗng nhiên tôi nhớ câu nói là lạ “chùa là bệnh viện” của Thượng tọa Bửu Chánh khi TT có nhã ý đưa chúng tôi về thăm thiền viện Phước Sơn tại đồi Lá Giang, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Người ta đến bệnh viện vì đau, vì muốn được điều trị, vậy người ta đến chùa vì đau gì? Chắc chắn là không phải đau thể chất, lục phủ ngũ tạng… mà người ta chỉ đau tâm bệnh, với biết bao nhiêu trạng thái, tình huống, cung bậc, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, các giá trị đạo đức truyền thống bị thử thách, các căn bệnh xã hội phát triển… Các thể hiện của tâm bệnh là đau khổ, sầu não, giận dữ, chán đời, suy sụp tinh thần, hận thù… mà nguyên nhân là phá sản, làm ăn thất bát, con cái hư hỏng, ma túy, rượu chè, nghiện ngập, cha mẹ ly dị, vợ chồng bỏ nhau, bạo hành trong gia đình, người than mất đi, con cái bơ vơ, bị đối xử bất công, thiếu lẽ sống… Mà không những phải chỉ đau trong những biến cố khó vượt qua như thế, con người bình thường vẫn thấy nỗi khổ của kiếp người nên cần tìm bóng mát an lạc.
Nhưng chùa có đời sống tu tập, lễ nghi và hoạt động hoằng pháp của chùa, làm sao có thể lo cho tâm bệnh của biết bao nhiêu người? Nếu có ai được nương cảnh chùa mà tìm được bình an cho tâm hồn để tiếp tục vui sống thì đó là duyên may. Tuy nhiên, cũng có những vị tu hành thực hiện lý tưởng hoằng pháp độ sinh theo cách của mình, nhờ vào những thuận duyên mà mình có được. Chuyến thăm thiền viện Phước Sơn cho tôi cảm nhận “chùa là bệnh viện” dầu chỉ trong khoảng thời gian hai giờ đồng hồ, như cưỡi ngựa xem hoa.
Đất đai của thiền viện rộng hơn 30 héc-ta với đường ven đồi núi cây rừng, dưới chân đồi là con suối róc rách quanh năm. Thiền viên Phước Sơn được cố thượng Giới Nghiêm, nguyên Tăng thống Phật giáo Nam tông Việt Nam, dày công sáng lập từ năm 1970 với mục đích làm nơi tăng gia sản xuất nhằm cung cấp lương thực cho chư Tăng của Phật giáo Nguyên thủy tu học.
Từ năm 1985, TT TS Bửu Chánh có duyên lành về trụ trì ngôi chùa sau một thời gian thiếu vắng bàn tay con người . “Sau 29 năm Thượng tọa về đây và sau 20 năm thành lập trung tâm thiền, thiền viện Phước Sơn đã trở thành một trung tâm thiền – có ngôi chánh điện khang trang có thể dùng để làm nơi hành thiền, hai ngôi thiền đường rộng rải và trên 400 cốc và phòng liền kề có thể đón tiếp hàng trăm thiền sinh cho mỗi khóa tu- Thiền viện Phước Sơn không những chỉ được biết đến ở Việt Nam mà còn mang dấu ấn quốc tế, bằng chứng là thiền viện hiện nay đã mời được nhữngĩ thiền sư nước ngoài về đây để hướng dẫn cho các thiền sinh Việt Nam và đem lại lợi lạc, phước báu tinh thần rất lớn đến cho nhiều người.” [1]
Chưa nói đến chuyện chữa bệnh, quang cảnh bao la, bình yên, rợp cây xanh đã là một nơi di dưỡng tinh thần. Bệnh viện như thế, còn lương y thì chắc chắn là các vị Tỳ kheo rồi; trên hết là Thượng tọa Viện chủ, còn phương pháp điều trị? Đó là thiền Tứ Niệm Xứ (Vipassana) mà thầy đã hướng dẫn người tu suốt 20 năm qua, đã hòa nhập với cách tu thiền này của các nước theo Phật giáo Nam tông, và đã được các vị thầy quốc tế đến hướng dẫn, cũng như các phật tử nước ngoài đến tham dự các khóa tu. Đó là nhập thất trong các khoảng thời gian tự nguyện, đó là nghe giảng Pháp, đó là làm công quả trong chùa, và đó cũng là nhờ không khí trong lành, tình đạo chan hòa giữa mọi người, và nhất là nự cười từ ái và thân giáo của thầy và quý Tỳ kheo trong chùa.
Điều kiện bên ngoài thì có sẵn, nhưng bệnh có lành hẳn hoặc thuyên giảm hay không là do người bệnh, tùy theo tâm mình gạn đục khơi trong theo Giáo pháp vi diệu của Đức Phật, cũng như mình có ý chí thực hành giới và định để gặt hái tuệ hay không. Dầu sao, ai tự nguyện đến đây cũng là bước đầu nương theo bóng từ bi và trí tuệ của Đức Phật, đã tin tưởng vào sự hướng dẫn tu tập của thiền viện. Ở một nơi xa xôi hẻo lánh này, tôi không ngờ người đến tu tập lại đông đến thế. Họ là ai? Họ là những người gặp hoàn cảnh ngang trái trong xã hội, trong gia đình, hoặc bản thân gặp khó khăn về tâm lý và đời sống; họ cũng có thể là những người bình thường nhưng muốn tu tập để gieo phước, hoặc mong tìm được an lạc, họ cũng có thể là các thiếu niên nhi đồng được cha mẹ gửi gắm nơi cửa chùa rồi sau này tùy duyên xuất gia hoặc không…
Từ đầu năm 2013, thiền viện đã tổ chức bốn khóa tu thiền, mỗi khóa kéo dài 10 ngày, do thiền sư Zatila, quốc tịch Myanmar hướng dẫn, số người tham dự lên đến 300 người. Và cũng mới đây, ngày 23/06/2013, thiền viện đã tổ chức lễ xuất gia gieo duyên khóa 5 cho gần 150 giới tử phần lớn là các học sinh, sinh viên, và người lớn có độ tuổi từ bốn đến sáu mươi tuổi, đến từ Đà Nẵng, TP. HCM, Đồng Nai. Thời gian xuất gia là một tháng. Những Phật tử XGGD ấy học tập giáo lý của Đức Phật, thực tập theo lời Phật dạy và sống trong nếp sống thiền môn, nếu sau khóa tu có duyên lành thì sẽ phát nguyện xuất gia trọn đời. Nếu người nào không phát nguyện trọn đời xuất gia thì sau khi mãn kỳ hạn XGGD, họ trở lại cuộc sống đời thường [2].
Chúng tôi đến thiền viện vào buổi trưa, và chỉ biết đến thiền viện qua khung cảnh bên ngoài thiền đường và giảng đường. Cảm nhận đầu tiên của tôi là cửa chùa thênh thang quá. Người ra, kẻ vào cứ tự nhiên, đi đứng tự do, nhiều người ăn mặc thoải mái. Rất nhiều người thuộc đối tượng khác nhau: Kẻ xuất gia thì y vàng, vàng nâu tươi, màu trắng (của nữ), phật tử thì có kẻ tu thiền, có kẻ tham quan, lại có quý Tăng và khách là người nước ngoài. Cảnh ăn trưa cũng thật là tự do, cứ đến nhà ăn là được phục vụ., mọi người như nhau. Người nấu nướng và phục vụ chính là phật tử xem việc nhà bếp là cúng dường. Tự do kể cả cách chọn chay hay mặn ( dĩ nhiên tại hai nơi khác nhau). Người tu thiền nhập thất cũng không sống một mình, cách biệt sinh hoạt với bên ngoài, mà vẫn vào, ra giải quyết nhu cầu căn bản… kể cả giao tiếp, tất nhiên là trong khuôn khổ chương trình tu học. Thất thì không có vẻ gì khổ hạnh, và không ở vị trí chơ vơ mà ngược lại, được xây cất đàng hoàng, có cái rất đẹp, bên trong tiện nghi, có thất trang bị máy điều hòa, các thất liền nhau theo cụm (có thất do thiền viện xây, có thất do phật tử xây).
Tôi cũng bất ngờ khi được biết trong khu đất của thiền viện có cái chợ nhỏ phục vụ nhu cầu của người tu và khách thập phương. Vào ra thiền viện thênh thang như thế thì có vấn đề gì không? Tôi nghĩ là có lực lượng bảo vệ, nhưng tất nhiên thế nào cũng có chuyện. Và đây chỉ là chuyện nhỏ: Môt áp phích yết tại trai đường “Cảnh giác đề phòng mất trộm. Tự bảo quản tài sản”. Tự tay Thượng tọa Viện chủ cũng viết nội dung như thế, yết tại phòng ăn của Phật tử.
Tôi cứ quen hình ảnh mấy chú điệu dễ thương chùa, khi học tập, khi quét sân, làm tạp dịch hay hầu thầy… thật khác xa với cảnh vui đùa của mấy nhóc tì, mấy thiếu niên đi XGGD. Tất nhiên, mấy nhóc, mấy chú này sẽ được lọc qua từng tầng cao hơn theo phát nguyện và ý chí của từng người và theo hiệu quả giáo dưỡng của nhà chùa, tuy thế cửa chùa rộng mở như thế này thì…mấy ai học được chữ ngờ! Như đoán được ý nghĩ của tôi, Thượng tọa viên chủ chia sẻ: Người ta “có vấn đề” nên cần mình, chùa cho người ta nương tựa được chừng nào hay chừng đó, còn hơn là để họ sống buồn chán hoặc bất cần đời ngoài xã hội. Có lẽ “hiệu quả” cách điều trị của “bệnh viện” Phước Sơn thể hiện ở số người đến xin tu tập ngày càng đông, dầu họ biết phải từ bỏ cuộc sống tiện nghi tự do ngoài đời, thay vào đó phải thức dậy từ bốn giờ sáng, theo một thời khóa biểu chặt chẽ đến chin giờ tối, hành thiền, học Kinh… Chúng tôi tin rằng đối với phật tử, ở đây có hai thế giới: Một thế giới sin hoạt bình thường, không khổ hạnh và một thế giới tĩnh tâm của thiền đường, cách ly với lao xao ngoài kia. May mắn, chúng tôi được gặp một chị quen, trước đây đau khổ vì thời xuân xanh đã yêu và nuôi một anh hàn sĩ đang nợ đèn sách. Chị tốn công “xúc tép nuôi cò”, đến khi “cò” đỗi đạt thì bay đi bến bờ mới. Đau khị đã khổ không dễ gì vượt qua, chị đã về tu thiền tại đây, cạo trọc đầu, và cảm thấy an lạc dưới mái chùa.
Qua lần viếng thăm thiền viện Phước Sơn, cảm nghĩ của tôi về ngôi chùa thoáng hơn những gì mà tôi đã nghĩ về ngôi chùa thâm nghiêm lâu nay. Có lẽ đặc điểm của mỗi vùng dân cư, sự phát triển kinh tế xã hội cũng như tính cách của người dân ở mỗi vùng ảnh hưởng đến các sắc thái sinh hoạt của chùa. Ở đây thiền viện Phước Sơn thích hợp với vùng dân cư đô thị Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, với tính cởi mở, dễ chan hòa của người dân Nam Bộ. Nhưng yếu tố quyết định của sinh hoạt thiền viện là Thượng tọa Viện chủ luôn luôn nhẹ nhàng, vui vẻ , không có gì là vướng bận dầu gánh vác nhiều trọng trách, người lãnh sứ mạng hoằng Pháp của Phật giáo Nam tông, người đã biến ngôi chùa hoang vu thành trung tâm thiền rộng lớn như ngày nay. Tuy nhiên, cũng không hẳn thế, nếu không có Hòa thượng Giới Nghiêm dày công khai sinh, nếu không có vùng đất như chờ đợi người khai phá, nếu … nếu… Biết bao nhiêu nhân duyên.
Chú thích
Chú thích
[1] Những thông tin tư liệu trong đoạn này về thiền viện PS được lấy từ website của thiền viện
[2] Như trên
Theo: Văn hóa Phật giáo số 187
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét