Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

PHẬT HỌC CHỈ NAM - BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG LUẬN (Phật Giáo)

Chương 4
BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG LUẬN (Phật Giáo)
 
Chúng ta trở lại dùng nhãn quan Phật Giáo, từ ngữ Phật Giáo để trình bày lại vấn đề BẢN THỂ và HIỆN TƯỢNG.
Các triết gia Phật giáo đều chủ trương thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ.
Đã đành vũ trụ này từ một BẢN THỂ là CHÂN NHƯ sinh xuất ra, nhưng các triết gia Phật Giáo thường đặt mấy vấn đề sau đây:
1. Thực tướng của Chân Như Bản Thể ra sao?
2. Vạn Pháp = Hình ảnh biến thiên của Chân Như.
3. Chân Như Bản Thể làm thế nào mà sinh hóa ra vũ trụ, vạn pháp.
4. Tương quan giữa Bản Thể và Hiện Tượng. 
Dưới đây xin lần lượt trình bày các cách trả lời cho ba câu hỏi trên:

1. THỰC TƯỚNG CỦA CHÂN NHƯ BẢN THỂ RA SAO?
a. Có nhiều môn phái cho rằng Chân Như Bản Thể vì siêu việt, nên không thể nào bàn cãi được, đoán định được.
Trong chiều hướng này Pháp Tướng Tông dùng chữ: Phế thuyên, đàm chỉ (miễn bàn, miễn nói).
Tam Luận Tông dùng chữ: Ngôn vong, lự tuyệt (quên lời, bỏ nghĩ).
Thiền Tông dùng chữ: Bất lập văn tự.
Chân Ngôn Tông dùng chữ: Bất quá ngôn ngữ đạo (vượt trên ngôn từ).
Tịnh độ Tông dùng chữ: Bất khả xưng, bất khả thuyết, bất khả tư nghị (không thể gọi, không thể nói, không thể nghĩ bàn).
b. Có môn phái thời muốn nhấn mạnh về tính cách không tịch, tĩnh lãng của Chân Như Bản Thể, nên đã dùng những chữ như: Không tịch, Hư Vô, Không, Chân Không để mô tả Bản Thể. Nhưng Hư Vô đây không phải là hư không, hư ảo, mà chính là Chân Không, Diệu Hữu, Căn Nguyên sinh xuất vũ trụ.
Lục Tổ Huệ Năng viết trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Bát Nhã Phẩm đệ nhị: «Hư Không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật, bao gồm nhật nguyệt, tinh cầu, sông núi, đất đai, suối nguồn, khe lạch, cây cối, bụi rừng, người lành, kẻ dữ, cái hay, cái dở, tất cả mọi núi Tu Di cũng đều ở trong Hư Không. Tính người ta cũng ở trong Hư Không. Tất cả đều như vậy.»
Suzuki, một thiền sư Nhật Bản viết: «KHÔNG là một trong những vấn đề quan trọng nhất của triết học Đại Thừa, và là chữ rắc rối nhất, khó hiểu nhất cho những người không phải là Phật Tử. 'KHÔNG' không có nghĩa là tương đối, tương đãi hay là sắc tướng, hay là hư vô, hư không mà chính là Tuyệt Đối, Tuyệt Đãi, siêu việt, bất khả tư nghị. Đó chính là Chân Như Bản Thể.» (DT Suzuki, Manuel of Zen Buddhism, p. 29.
c. Có môn phái thời nhìn về phía tích cực hiện hữu, khi Bản Thể đã sinh hóa ra vũ trụ, cho nên gọi Bản Thể ấy là Chân Như.
Chân Như Bản Thể, tuy sinh xuất vạn hữu, nhưng vẫn viên dung, bất biến, nên còn được gọi là:
Nhất Như, Như Như, Nhất Tâm Pháp Giới.
Vì Chân Như Bản Thể là cốt lõi, là Chân Thân, là Thực Thể của vũ trụ hình tướng này, nên còn được gọi là:
Trung đạo, Pháp Thân, Như Lai, Pháp Thể, Thực Tánh, Thực Tại, Chân Tâm...  
Vì Bản Thể vũ trụ là Chân Tướng vũ trụ, minh linh, viên giác, hoàn thiện, tuyệt đối, nên còn được gọi là:
Thực Tướng, Chân Thực Tướng, Thực Tế, Chân Thực Tế, Chân Như Bổn Tánh, Chân Như Tánh, Chân Đế, Chân Thiện, Viên Giác, Niết Bàn.
Và cuối cùng để cho Bản Thể đượm mầu Phật Giáo, các triết gia Phật Giáo cũng còn gọi nó là: PHẬT TÍNH.
Kết quả là hiện nay có không biết cơ man nào là danh từ dùng để chỉ CHÂN NHƯ. Xin ghi lại bằng mấy vần thơ sau:
Niết Bàn, Nguyên Thanh Tịnh Thể, Như,
Bản Lai Diện Mục, A Lại Da,
Thực Tướng, Pháp Thân, Bản, Bát Nhã,
Yểm Ma La Thức, A Đà Na,
Trung Đạo, Phật Tính, Tâm Bình Đẳng,
Đại Viên Cảnh Trí, Chân Tính, A,
Chân Thiện Diệu Sắc, Hàm Tàng Thức,
Không, Như Lai Tạng, Tâm, Chân Như,
Thường Trụ Chân Tâm, Nguyên Thường, Pháp,
Viên Thành Thực Tính, Bản Tâm, Hư,
Lý, Tất Cảnh Không, Vô Ngã Tạng,
Thường Trụ Chân Như Tâm, Thực Tế,
Chánh Pháp, Nhãn Tàng, Tánh, Chân Như...  
Lăng Già Kinh cũng cho ta vô số tên của Chân Như.
Nơi Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, Phật dạy: «Như thế, Đại Huệ! Ta ở thế giới Ta Bà này, trải ba a tăng kỳ có trăm ngàn danh hiệu. Kẻ ngu thảy đều nghe, mỗi người nói tên ta mà không hiểu ta, ấy là dị danh Như Lai. Đại Huệ! Hoặc có chúng sinh biết ta là Như Lai, có chúng sinh biết ta là Nhất Thiết Trí, có chúng sinh biết ta là Phật, có chúng sinh biết ta là Tự Giác...  có chúng sinh biết ta là Tự Tại,...  có chúng sinh biết ta là Vô Sanh, có chúng sinh biết ta là Vô Diệt, có chúng sinh biết ta là Không, có chúng sinh biết ta là Như Như, có chúng sinh biết ta là Đế, có chúng sinh biết ta là Thực Tế, có chúng sinh biết ta là Pháp Tánh, có chúng sinh biết ta là Niết Bàn, có chúng sinh biết ta là Thường, có chúng sinh biết ta là Bình Đẳng, có chúng sinh biết ta là Bất Nhị, có chúng sinh biết ta là Vô Tướng, có chúng sinh biết ta là Giải Thoát, có chúng sinh biết ta là Đạo... Đại Huệ! Trải qua ba a tăng kỳ có trăm ngàn danh hiệu như thế, chẳng thêm, chẳng bớt, thế giới này và thế giới khác, thảy đều biết ta, như mặt trăng trong nước, chẳng ra chẳng vào...»
Nhờ sự thay đổi danh từ, danh hiệu của Chân Tâm, Chân Như thành muôn vàn danh hiệu khác nhau, tự nhiên ta sẽ hiểu rõ đạo Phật, triết học Phật giáo dễ dàng hơn.
Ví dụ: Trong quyển Thiền đạo Tu Tập, nơi trang 422, Chang Chen Chi viết: «Tất cả chúng sinh xưa nay có TÍNH...  cái TÍNH ấy, từ thời vô thủy tới nay, không sinh, không diệt, vô sắc, vô hình, thường trụ, bất biến. Đó gọi là cái TỰ TÍNH BỔN HỬU...  Cái TỰ TÍNH này cùng với tất cả chư Phật, có một vị bình đẳng, cho nên gọi là PHẬT TÍNH. Tất cả Tam Bảo, Lục Đạo chúng sinh đều lấy cái TÍNH này làm căn bản, thành tựu hết thảy các pháp môn...»
Vì thế nơi trang 432, Chang Chen Chi có thể viết: «Thiên địa với ta đồng căn, vạn vật với ta một thể vậy.»
Ví dụ Đại Đức Nerada Maha Thera, trong những bài thuyết giảng tại chùa Kỳ Viên Tự, Saigòn, vào năm 1964, có luận về Niết Bàn như sau: «Niết Bàn không phải là một trạng thái hư vô. Nếu Niết Bàn là hư vô, thì Đức Phật đã không miêu tả bằng những danh từ: Vô Tận, Vô Lậu, Tối Cao, Chỗ Nương Tựa tối thượng, Chân Toàn, Hạnh Phúc, Bỉ Ngạn, Duy Nhất, Phi Nhân, Bất Khả Diệt, Hoàn Toàn Thanh Tịnh, Vĩnh Cửu, Giải Thoát, Vắng Lặng v.v... Niết Bàn là Tuyệt Đối.»
Như trên ta đã thấy NIẾT BÀN chính là CHÂN NHƯ BẢN THỂ, CHÂN TÂM, CĂN NGUYÊN sinh xuất vũ trụ và cũng là CÙNG ĐÍCH cho muôn loài trở về, thì ta thấy ngay Niết Bàn chính là Chân Thể của chúng ta...

2. VẠN PHÁP = HÌNH ẢNH BIẾN THIÊN CỦA CHÂN NHƯ
 Ngoài Chân Như hằng cửu, tế vi, mà chỉ các bậc thượng trí, thượng nhân mới biết, còn có vạn vật hữu hình, sinh sinh, hóa hóa, còn có muôn ngàn trạng thái tâm hồn, còn có muôn giòng tư tưởng đổi đổi, thay thay. Các triết gia Phật giáo gọi đó là Vạn Pháp.
Ngày nay, người ta gọi VẠN PHÁP là HIỆN TƯỢNG.
Nói cách khác, Vạn Pháp là những gì biến thiên, sinh diệt. Nó bao quát tất cả những gì ta hình dung được, nhận thức được, cảm giác được, kể từ những tâm tư bí ẩn, những tư tưởng, những hoài bão, cho đến thất tình lục dục, cho đến xác thân, cho đến muôn loài muôn vật hữu hình, hữu tướng.
Phật giáo gọi HIỆN TƯỢNG là TƯỚNG và dùng Thập Tướng để bao quát mọi hiện tượng.
Thập tướng là: 1. Sanh, 2. Lão, 3. Bệnh, 4. Tử, 5. Sắc, 6. Thanh, 7. Hương, 8. Vị, 9. Xúc, 10. Vô Thường.
Hoặc theo Niết Bàn Kinh là: 1. Sanh, 2. Trụ, 3. Hoại, 4. Sắc, 5. Thinh, 6. Hương, 7. Vị, 8. Xúc, 9. Nam, 10. Nữ.
Vạn Pháp chẳng qua là những trạng thái nhất thời, những hình hiện nhất thời, những biến hóa nhất thời của Bản Thể vô biên. Chúng không có Bản Thể riêng biệt, và không thể nào vĩnh cửu.
Vì thế nói:  Chư Pháp vô ngã, chư Hạnh vô thường.  
Vạn Pháp tuy biến thiên lưu chuyển, nhưng vẫn tuân theo những định luật vĩnh cửu, cố định, như:
Tụ, Tán. Biến thiên. Thăng Trầm. Ly, Hợp. Tinh, Tạp. Sinh, Trụ, Hoại, Không. Nhân Quả. Tuần Hoàn...  

3. CHÂN NHƯ BẢN THỂ LÀM THẾ NÀO MÀ SINH HÓA RA VŨ TRỤ, HIỆN TƯỢNG 
a. Chân Như duyên khởi
Thuyết này chủ trương vạn hữu đều do một BẢN THỂ duy nhất, tuyệt đối, là CHÂN NHƯ sinh xuất ra. CHÂN NHƯ này đồng thể với TÂM LINH con người, nên cũng có thể nói:
Nhất thiết chúng sinh giai do tâm tạo.
Vũ trụ này có hai phương diện:
Một phương diện vĩnh cửu bất biến, hay là CHÂN NHƯ MÔN (tuyệt đối giới, bình đẳng giới).
Một phương diện biến thiên sinh diệt, hay là SINH DIỆT MÔN (tương đối giới, sai biệt giới).
b. Nghiệp cảm duyên khởi 
Thuyết này chủ trương Chân Như sinh hóa ra vũ trụ do nghiệp lực (Karma) cảm triệu.
Thuyết Nghiệp cảm (Karma), nếu áp dụng cho quần sinh thì có phần đúng; nhưng nếu áp dụng cho Bản Thể tuyệt đối, thì không ổn, vì chẳng lẽ Bản Thể Tuyệt Đối còn mắc vòng duyên nghiệp hay sao?
Hay ta có thể hiểu là vũ trụ này được sinh hóa ra sau khi từ điện lực đã hình hiện.
c. A Lại Da duyên khởi 
Long Thọ Bồ Tát (Nagarjurna) (thế kỷ 2 C.N.) cho rằng: Chân Như là tuyệt đối; vạn pháp là tương đối. Tuyệt đối không trực tiếp tạo ra tương đối, mà phải qua trung gian A Lại Da. A Lại Da hay Hàm Tàng Thức gồm đủ mọi chủng tử của chúng sinh, của mọi biến hóa chuyển dịch.
Thuyết này cũng na ná như thuyết Logos hay Logos spermatikos của Heraclitus (thế kỷ 6 trước C.N.) hay Plotinus (205-270) bên trời âu, hay như thuyết Vô Cực sinh Thái Cực của Chu Liêm Khê (1017-1073) thời Tống.
d. Lục đại duyên khởi 
Phái Chân Ngôn thì cho rằng: Vạn hữu này do Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) (Đại Nhật Như Lai) phân hóa ra. Phật thân Đại Nhật Như Lai gồm Lục Đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức), nên vạn hữu từ tinh cầu đến nhân loại, đến vi trần đều gồm đủ Bản Thể của Đại Nhật Như Lai.
Thuyết này cũng tương đương như huyền thoại ấn Độ giáo: Prajapati hay Purusa phân thân thành vũ trụ.
e. Pháp giới duyên khởi 
Thuyết này chủ trương Bản thể khi tĩnh thì là Chân Như, khi động thì là Vạn Hữu. Như vậy, Bản Thể tức là Hiện Tượng; Hiện Tượng tức là thiên biến vạn hóa của Bản Thể.
Bản Thể và Hiện Tượng không thể nào tách rời nhau, như sóng không tách rời khỏi nước.

4. TƯƠNG QUAN GIỬA BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG 
Khi chúng ta có cái nhìn phân biệt, ta sẽ thấy:
Chân Như thời trường tồn, bất sinh, bất diệt, tuyệt đối, vừa là Nguyên Nhân, vừa là Cứu Cánh, là lý tưởng, là thanh tịnh, là Niết Bàn.
Vạn Pháp là vô thường, là sinh diệt, là khổ ải, là uế tạp.
Chân Như là Không; Vạn Pháp là Sắc. Chân Như là Vô vi, vô lậu; Vạn Pháp là Hữu vi, hữu lậu. Chân Như là Lý, Vạn Pháp là Sự; Chân Như là Thực, Vạn Pháp là Giả...  Chân Như là Bồ Đề, Vạn Pháp là Khổ não; Chân Như là Niết Bàn, Vạn Pháp là Luân Hồi v.v...
Nhưng nếu chúng ta có cái nhìn viên dung, vô phân biệt, ta sẽ thấy Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Phiền Não tức Bồ Đề; Luân Hồi tức Niết Bàn.
Phật Giáo có TAM BẢO là Phật, Pháp, Tăng.
Thiên Thai Tông gọi Phật Bảo là Bản Thể.
Pháp Bảo là Hiện Tượng.
Tăng Bảo là Diệu Dụng của Bản Thể và Hiện Tượng. 
Như vậy, hiểu rành Bản Thể và Hiện Tượng tức là trong tay ta nắm được ba vật quí giá nhất của đất trời.
- Thứ nhất: Biết mình có Chân Như, Phật Tính, tức là biết mình chính là Chân Tâm, là Phật, đồng hóa với Căn Nguyên vĩnh cửu của đất trời.
- Biết mình có các hiện tượng biến thiên, tức là nắm được nhẽ biến hóa của trời đất, nên sẽ luôn luôn sống ảo diệu khinh khoát.
- Biết mình có đủ cả hai phương diện Biến Hằng của trời đất, thế là biết mình có cả vũ trụ trong thân, như vậy sẽ có cả một kho tàng mênh mông của trời đất, tha hồ dùng không bao giờ hao cạn. Thế tức là «Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng». Hiểu được rằng trong mình có Chân Như Bản Thể, tức là biết mình có Pháp Thân,
Biết rõ về các hiện tượng nơi mình, tức là biết mình có Báo Thân.
Biết rằng mình sinh ra đời cốt để độ mình, độ người, tức là biết mình có ứng Thân.
Thế tức là nhờ hiểu rõ Bản Thể và Hiện Tượng, ta thấy trong thân, có đủ TAM THÂN PHẬT.
Biết rằng Niết Bàn là Bản Thể, là Chân Tâm,
Biết rằng Hiện Tượng là Vọng Tâm, thì sự Diệt Ngã để trở về với Chân Tâm tưởng cũng không mấy khó khăn.
Tóm lại chủ trương của Phật giáo chính là:
Từ Vọng Ngã nhỏ hẹp, ta sẽ cố phát huy Đại Ngã mênh mông. Từ sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy Pháp Thân siêu việt. Từ phàm thân dễ bị hủy diệt ta sẽ phát huy Kim Cương Thân bất khả hủy diệt. Từ u minh mê vọng của lục thức, lục trần, ngũ uẩn, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc Chân Tâm...  
Chữ Diệt Ngã, chữ Giải Thoát, hiểu cho đứng đắn, sẽ là phá tan mọi hình tướng để tìm ra Chân Tính (khiển tướng chứng tính); làm lu mờ tan biến mọi nhỏ nhoi ti tiện, cho quang minh chính đại hiển hiện ra (ẩn liệt, hiển thắng). Mục đích tối hậu là khế hợp nhất như với Chân Như Tuyệt Đối, Bản Thể tuyệt đối...

5. BẢN THỂ & HIỆN TƯỢNG với HỌC THUYẾT HỮU VÔ của Đạo Lão, và với HỌC THUYẾT BỔN TÍCH của Phật Giáo Trung Hoa và Nhật Bản 
Thay vì dùng hai chữ Bản Thể và Hiện Tượng như ngày nay, Đạo Lão, từ thời nhà Hán (206 trước C.N. - 25 C.N.) trở về trước, thường dùng hai chữ Vô (Bản Thể - Tuyệt đối) và Hữu (Hiện Tượng - Tương đối) để chỉ Bản Thể và Hiện Tượng.
Nên các bậc Thánh Nhân, Chí Nhân bao giờ cũng bao giờ cũng muốn vượt Hữu, tức là thế giới Hiện Tượng, để trở về với Vô là thế giới Bản Thể.
Từ thời Tam Quốc trở đi, họ mới bắt đầu dùng hai chữ Thể và Dụng để chỉ Bản Thể và Hiện Tượng [1].
Phật Giáo thời Tam Quốc (220-64) chẳng ít thì nhiều cũng chịu ảnh hưởng những tư tưởng trên, và họ sánh Vô, hay Thể với Chân Đế (absolute truth) và Hữu hay Dụng với Tục Đế (conventional Truth). [2]
Tăng Triệu (Seng Chao 374-414), một đồ đệ của Đại Sư Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), khi bình giải Đại Thừa Đỉnh Vương Kinh (Vimalakirti nirdesa Sutra), bắt đầu dùng chữ Bổn để chỉ Bản Thể và chữ Tích để chỉ Hiện Tượng, tức là để chỉ Tuyệt đối và Tương đối. [3]
Đối với Tăng Triệu, thì Bổn hay Thể là Pháp Thân Phật (Dharmakaya), hay Bổn Phật; còn Tích là Báo thân Phật, hay Tích Phật.
Bổn Phật thời không sinh không diệt; Tích Phật thời có sinh có diệt (về phương diện nhục thể). Bổn Phật là Phật tính hằng cửu; Tích Phật là Chư vị Phật, chư vị Bồ Tát giáng trần... [4]
Về phương diện triết học Tăng Triệu cho rằng Bổn sinh ra Tích,; Tích là sự hiển dương của Bổn. Không Bổn, thì không có Tich; nhưng không Tích, thì chẳng làm sao biết được Bổn.[5]
Sau này đại sư Trí Khải (531-597), người khai sáng ra Thiên Thai Tông bên Trung Hoa, đã dùng học thuyết Bổn Tích, để giải kinh Pháp Hoa.
Nửa đầu của Kinh Pháp Hoa, ông gọi là Tích Môn (The Manifested and the Provisional):
1. Vì muốn giảng Chân Lý, nên dùng phải phương tiện (Vị Thật thi Quyền).
2. Bửa banh phương tiện, cho thấy Chân Lý (Khai Quyền hiển Thực).
3. Bỏ phương tiện, giữ nguyên Chân Lý (Phế Quyền lập Thực).  
Nửa sau kinh Pháp Hoa, ông gọi là Bổn Môn (The Origin and the Truth):
1. Có Căn Bản rồi mới có Vết tích (Tòng Bản thùy Tích).
2. Bửa banh Vết tích cho thấy Căn Bản (Khai Tích hiển Bản).
3. Bỏ Vết tích, giữ nguyên Căn Bản (Phế Tích lập Bổn).  
Nói nôm na, thì kinh Pháp Hoa nói riêng, và đạo Phật nói chung có mục đích cho chúng ta thấy hai phương diện của một con người của chúng ta: Chân Tâm và Vọng Tâm.
1. Chân tâm sinh ra Vọng Tâm.
2. Banh bửa Vọng Tâm sẽ thấy Chân Tâm.
3. Vứt bỏ Vọng Tâm giữ nguyên Chân Tâm.  
Nói cách khác:
1. Cái Vô Cùng, bất biến sinh ra cái Hữu Hạn biến thiên.
2. Banh bửa cái Hữu Hạn biến thiên, sẽ thấy cái Vô Cùng bất biến.
3. Bỏ cái Hữu Hạn biến thiên, giữ lấy cái Vô Cùng bất biến [6]
Viết đến đây tôi liên tưởng đến mấy vần thơ của đạo Lão:  
«Nhất kiếm tạc khai Hỗn Độn,
Lưỡng thủ phách liệt Hồng Mông.»
(Tham Đồng Khế phát huy, tr. 9a)  
Dịch:
Một kiếm phanh phui Hỗn Độn,
Hai tay banh bửa Hồng Mông. 
Nhập Dược Kính cũng có câu:
«Cẩu bất phách liệt Hồng Mông,
Tắc hà dĩ kiến thiên địa chi chí bảo?» 
Dịch: 
Chẳng phanh phui Hỗn Độn, Hồng Mông,
Sao thấy được bảo châu trời đất?
Học thuyết trên của Trí Khải đại sư được Ganjin đem vào Nhật năm 754, và đến năm 805 học thuyết trên được chính thức quảng bá.
Nhật bản gọi học thuyết Bổn Tích này là Hon-Jaku. Họ cũng còn gọi đó là học thuyết Bổn Địa Thùy Tích. Lúc ấy họ gọi là Honji-Suijaku.
Người Nhật cho rằng Bản Môn Thân, hay Pháp Tính, Pháp Thân (Dharma-kaya), hay Bổn Phật là Phật thường hằng vĩnh cửu, mà họ gọi là Đại Nhật Như Lai (Dainichi Nyorai - Vairocana), còn các vị Phật, hay Bồ Tát đã thấy trong lịch sử, là những ứng thân, hóa thân, hay là những Phương tiện Pháp thân những 'Gia trì thân' của Đại Nhật Như Lai, hay là những vị Tích Phật.
Tóm lại, Bổn Phật là Chân Lý Tuyệt đối, là Bản thể tuyệt đối; Tích Phật là những hiện thân, những Phật, những Bồ Tát đã xuất hiện trên dòng thời gian lịch sử, trong các cõi Ta Bà...  
Quan niệm Bổn Tích cũng tương tự như hai quan niệm khác của Phật Giáo: Đó là Chân Đế (Chân Lý Tuyệt Đối), và Tục Đế (Chân Lý tương đối); hay Bát Nhã, và Phương Tiện [7].
Họ cho rằng Kinh Pháp Hoa cũng giống như Thai Tàng Giới Mạn Đà La (Gharba-kosa-dhatu mandala. Taizokai mandara) trong đó Đại Nhật Như Lai, từ tâm điểm Mạn Đào La – tức là Tâm điểm vũ trụ), đã phóng phát ra thành vũ trụ, vạn hữu bên ngoài. Và thay vì nói Bản Thể đã phóng phát tán phân thành thế giới hiện tượng hữu hình bên ngoài, họ đã dùng thuật ngữ: «Tự Bản Thùy Tích». [8]

8. LƯỢC THUẬT QUAN NIỆM CHÂN NHƯ BẰNG TỪ NGỮ CỦA NGƯỜI XƯA 
Vì quan niệm Chân Như Bản Thể là một quan niệm tối ư quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa, vì đa số Phật tử nghĩ mình không có Chân Tâm, Chân Ngã, vì e rằng có người tưởng là những điều tôi bàn về Chân Như nói trên là do tôi bày vẽ ra, không đủ tin cậy, nên sau đây tôi sẽ lược dịch những lời mà các vị cao tăng xưa bình giải về Chân Như, mà học giả Léon Wieger đã sưu tập trong quyển Textes Philosophiques, in tại Hiến Huyện năm 1930, nơi các trang 362-365:
«– Chân Như là Bản thể của vũ trụ, nên không sinh, không diệt; không tăng, không giảm; vô thủy, vô chung.
– Vũ trụ về phương diện 'hiện tướng', thời có sinh, có diệt; có tăng giảm; có đầu có cuối. Hiện tướng là Vạn Pháp.
– Gọi là CHÂN vì không hư vọng; gọi là Như vì bất biến. Vạn pháp đều do Chân Như hiện xuất ra, cho nên nói: Chân Như tức Vạn Pháp. - Chân Như vì bất sinh, bất diệt, nên không có gì có thể sánh được với nó, vì thế nên nó tuyệt đối.
– Vì vô thủy vô chung, nên không có giới hạn; vì thế nên Chân Như vô hạn.
– Tuyệt đối nên bình đẳng, vô hạn nên tự do. Những gì hình hiện bên trên cái Bản Thể tự do, bình đẳng, vô hạn, tuyệt đối đó, gọi là Vạn Pháp.
– Vạn Pháp vì sinh diệt nên không phải là MỘT. Không phải là Một, nên có giới hạn, nên sai biệt, tương đối, và không tự do.
Tóm lại, Bản Thể của Vũ Trụ, ví như NƯỚC: tuyệt đối, bình đẳng, vô hạn, tự do, độc nhất.
Hình tướng (hiện tượng) của Vũ Trụ, ví như muôn vạn SÓNG: tương đối, sai biệt, hữu hạn, không tự do, và đa tạp.
– Tuy nhiên, Hiện Tượng và Bản Thể vẫn có liên lạc với nhau, như Sóng với Nước.
– Cho nên Tương Đối tức là Tuyệt Đối; Sai Biệt tức là Bình Đẳng; Bất Tự Do tức là Tự Do; Đa Tạp tức là Độc Nhất; Hữu Hạn tức là Vô Hạn. Đó là Đạo lý chủ trương rằng Chân Như tức là Vạn Pháp.
– Người xưa khi bàn về Tính Thể quảng bác, vô lượng của Chân Như đã cho rằng Chân Như có 10 nghĩa:
1. Vô chướng ngại nghĩa: Tính thể của Chân Như bao quát, thông thấu Vạn Pháp, nên chắc chắn phải Vô Chướng Ngại, chắc chắn không thể có gì cản ngăn.
2. Chu biến nghĩa (ở khắp nơi): ự nói Chân Như ở cùng khắp vũ trụ.
3. Bình đẳng nghĩa: Chân Như tiềm ẩn trong lòng vạn hữu, duy nhất bất phân, không có phân biệt cao thấp, sang hèn.
4. Quảng đại nghĩa: Chân Như bản thể rộng vô biên; lớn trùm vũ trụ, không chi có thể ở ngoài.
5. Vô tướng nghĩa: Chân Như vô hình tướng, viên minh tịch tuyệt, vượt trên mọi sắc tướng.
6. Thanh tịnh nghĩa: Chân Như Bản thể trạm nhiên, oanh triệt, trong vắt lưu ly, không có gì làm ô nhiễm được.
7. Bất động nghĩa: Chân Như tính thể viên thường, ngưng tĩnh, không thiên, không biến.
8. Hữu Không nghĩa: Chân Như có nghĩa là Không, vì Chân Như Tính thể vốn không tịch, và có thể tiêu hủy mọi hình tướng hữu vi.
9. Không Không nghĩa: Chân Như tính thể bản lai không tịch; dẫu ta siêu xuất lên trên mọi hình danh, sắc tướng cũng khó mà hiểu biết Chân Như.
10. Vô Đắc nghĩa: Chân Như tính thể dẫu chư Phật hay chúng sinh đều hoàn toàn có đủ Chân Như. Tuy nói là ta có thể dùng trí huệ để chứng cái Lý Thể tuyệt diệu đó, nhưng thực ra không thể gọi là 'được' nó.
- Không sinh, không diệt; không đến, không đi; không dơ, không sạch; không thêm, không bớt; vĩnh cửu thường hằng; không hư vọng; không biến dịch, nên gọi là Chân Như.»
Nói tóm lại, dưới các lớp lang hiện tượng biến thiên, sinh tử, phân biệt, da dạng, uế tạp, còn có Bản Thể Chân Như bất biến, trường tồn, duy nhất, bất phân, thanh tịnh tuyệt đối. Suy ra, thì ở ngay nơi con người chúng ta, cũng y thức như vậy: Dưới lớp Vọng tâm, dưới lớp Thức thần, còn có Chân Tâm, Chân Như vĩnh cửu...
Chân Như có thể ở trong 7 trạng thái:
1. Lưu chuyển Chân Như: Chúng sinh thời tạo tác ra mọi hành nghiệp, và luân chuyển sinh tử, còn Chân Như bản thể thời không hề dao động, không hề bị nhân duyên bên ngoài làm biến thiên, chuyển dịch.
2. Thực tướng Chân Như: Chân Như Bản Thể ẩn khuất sau những giả tướng của nhân sinh (ngã) và vạn hữu (pháp). Nếu trừ diệt được những giả tướng 'ngã, pháp' nói trên, Thực Tướng Chân Như sẽ hiển lộ ra.
3. Duy Thức Chân Như: Thức Thần (Vọng Tâm) nơi con người là căn do sinh ra mọi hành nghiệp. Nhưng Thức thần, Thức tâm đó lại do Chân Như biến hiện ra, vì thế gọi là Duy Thức Chân Như.
4. An lập Chân Như: Theo lời Phật dạy, thì tất cả các sắc thân đều lao mình vào trong cõi hữu vi mà tạo nghiệp cho mình; mê chân trục vọng (bỏ thực, theo giả), tạo nên sinh tử, khổ đau. Nhưng các sắc thân đó đều phải y cứ vào Bản Thể Chân Như.
5. Tà hạnh Chân Như: Phật cũng dạy rằng, tất cả mọi phiền não, tất cả những nghĩ sai, làm bậy, tuy là sai là trái, nhưng cũng không xa lìa được Chân Như Bản Thể.
6. Thanh tịnh Chân Như: Theo lời Phật dạy, thì lẽ Niết Bàn thanh tịnh tịch thể, không nhơ, không bợn cũng được gọi là Thanh Tịnh Chân Như.
7. Chính hạnh Chân Như: Phật cũng dạy rằng tất cả các chuyện đạo phẩm, chính hạnh, tất cả các điều nhân đức đều được xây trên nền tảng Chân Như Lý Thể, nên gọi là Chính Hạnh Chân Như.
Nói tóm lại: Dưới lớp lang mọi hình thức sắc tướng, tốt xấu bất phân, đều có Chân Như Lý Thể thanh tịnh vô nhiễm tiềm ẩn bên trong, để làm chủ chốt.
Sau khi viết xong bài này, tôi thấy đối với tôi, cái nhìn về Vũ trụ quan, về Nhân sinh quan của Phật giáo trở nên sáng tỏ.
Vũ trụ cũng như con người đều có hai phần: Bản thể và Hiện tượng.
1. Bản thể thời duy nhất, bất phân, bất biến, hằng cửu. Đó là Chân Tâm ta; đó là Niết Bàn mà ta hướng về. Ta có thể gọi nó là Vô, vì nó vốn vô hình, vô tướng, vô xú, vô thanh. Ta có thể gọi nó là Bổn, là Căn, vì đó chính là căn nguyên sinh xuất ra vũ trụ vạn hữu. Ta cũng có thể gọi đó là Chân Như, hay Chân Như Lý Thể.
2. Hiện tượng thời biến thiên, sinh tử. Đó là nguồn gốc khổ đau, đó là cõi luân hồi sinh tử. Đó là Vọng Tâm, Vọng Ngã nơi ta. Đó là Ngũ Uẩn, Lục Trần, Lục Căn, Lục Thức. Ta có thể gọi nó là Hữu, vì nó hữu hình, hữu tướng, hữu sinh, hữu diệt. Ta cũng có thể gọi là là Tích, vì hiện tượng chính là Vết Tích, là Hình Hiện, là Hiển Dương của Bản thể vô biên tế.
Đây chính là cảnh giới Vô Minh, chịu sự chi phối của nhân duyên, triền phược.
Ta cũng có thể gọi đó là Hiện Tượng, hay Chúng sinh, hay Vạn Pháp.
Khi đã phân biệt rõ ràng như vậy, chúng ta có toàn quyền lựa chọn. Và lựa chọn thế nào, lựa chọn bên nào sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào căn cơ và quyết định của mỗngười chúng ta.

CHÚ THÍCH
[1] For generations the Taoists had been viewing the universe as a dichotomy betwen eternal being (yu = Hữu) and eternal non-being (wu = Vô) with the former considered to be a derivative of the latter. The ideal for thew sage (sheng-jen = thánh nhân) or Ultimate Man (chih-jen = Chí Nhân) was the embodiment of wu within himself or in other words, to transcend the phenomenal world for a higher sphere. During the neo-Taoist period following thew fall of the Later Han dynasty, the dichotomy came to be seen in terms of substance (t'i = thể)... and its function or manifestations (yung = dụng).
[2] The early forms of Buddhism during the Three Kingdoms (220-264) generally known as the Six Houses (lu-chia = lục gia) and Seven Schools (ch'i tsung = thất tông) had all been more or less imbued with these neo-Taoist concepts, and they tended to equate them with the Mahayana dichotomy between the absolute truth (paramartha satya) and conventional truth (samvrti satya). In Mahayana thought, technically, the absolute truth should be considered equal to the relative since they are interdependent, the very existence of the one depending upon the other. The Taoist dichotomies, on the other hand, contained a superior aspect and an inferior with the ultimate religious goal being transcendence to the superior world. In keeping with the neo-Taoist understanding, the early Chinese Buddhist schools understood the dichotomy between the Absolute truth (chen-ti = chân đế) and conventional truth (su-ti = tục đế) also as having a superior and inferior aspect, feeling the goal was to transcend the conventional or phenomenal for the absolute. Seng-Chao resolved this Buddhist-Taoist confusion by explaining that the problem was not a dichotomy between existence (yu = hữu) and non-existence (wu = vô) since both concepts were conditioned products existing in the phenomenal world or sphere of relative world. Since everything in the phenomenal world was illusory from the beginning, both existence and non-existence alike could be considered as unreal and the same. There was, however, a constrast between the relative truth and the absolute, with the latter consisting simply of the knowledge that the nature of phenomena is unreal (sunya). To Seng-chao, reality was the world based upon this understanding of the nature of phenomena as sunyata. Also, since absolute truth was merely the recognition of the illusory nature of phenomena, the absolute was necessary dependent upon the relative and identical to it, the difference between the two merely depending upon the viewpoint...  -- Ib. pp. 105-106.
[3] Những điều tôi nói về Học Thuyết Bổn Tích, hay Bổn Địa Thùy Tích này đã được lấy ra từ quyển The Buddhist Philosophy of Assimilation, The Historical Development of the Honji-Suijaku Theory của Alicia Matsunaga, Sophia University, Tokyo, in cooperation with Charles E. Tuttle Company, Ruthland, Vermont & Tokyo, Japan, 1969 nhất là nơi các trang 104- 107, 116, 211-230. Thư viện Huntington Beach tàng bản.
Có điều nên ghi nhận là học thuyết này chưa thấy đề cập đến trong các kinh sách Phật ở Việt Nam. Hai chữ Bổn Tích không thấy có trong Phật Học Từ điển Đoàn Trung Còn...  
[4] In applying the pen-chi (Bổn tích) theory to this chapter, the Eternal Buddha Prabhutaratna (lit., 'many-jewels'= Đa Bảo) is the Original Buddha (Bổn Phật) symbolic of Absolute Truth or the Dharma-kaya and the various Buddhas teaching throughout the myriads of worlds are the manifestation (Tích Phật) of the Absolute Truth appearing in the phenomenal world taking various names or designations in keeping with the conditions of the times. -- Ib. 110 .
[5] Philosophically, this concept can be reduced to Sheng-chao's thesis set forth in his Commentary on the Vimalakirti-nirdesa-Sutra, that without the origin (Bổn), there is no manifestations (Tích), and without the manifestation there is no origin -both being different but unthinkable oneness. -- Ib. 224.
[6] Chih-i (Trí Khải) applied the same analogy to the terms 'provisional' (ch'uan Jap. gon = quyền) and 'true' (shih, Jap. jitsu = Thực) in the first half of the Lotus Sutra and to 'manifestation' (Tích) and 'origin' (Bổn) in the latter half of the text. To illustrate::
The Lotus:
1. For the sake of the fruit there is the flower (vị liên cố hoa);
2. Open the flower and reveal the fruit (hoa khai liên hiện).
3. The flower drops and the fruit is established (Hoa lạc liên thành).
A. The first half of the Lotus Sutra (chi-men = Tích môn)
1. For the sake of the truth there is the provisional (Vị thực thi quyền).
2. Open the provisional and reveal the true (khai quyền hiển thực).
3. Abandon the provisional and establish the true (Phế quyền lập thực).
B. The second half of the Lotus Sutra (pen-men = Bổn môn).
1.From thew origin there is the trace manifestation (Tòng bổn thùy tích).
2. Open the manifestation and reveal the origin (Khai tích hiển bổn).
3. Abandon the manifestation and establish the origin (Phế tích lập bổn).
Ib. p. 116.
[7] The distinction between honji (true nature) and suijaki (manifestations) can be considered analogous to two other Buddhist conceptions:
1. Dichotomy between the absolute truth (paramartha satya) and the relative truth (samvrti satya).
2. The division between wisdom (prajna) amnd skilful means (upaya= phương tiện). The Buddhist Philosophy of Assimilation, p. 224.
[8] Also in Mikkyo teachings, generally the Lotus Sutra is considered symbolically identical to the Taizokkai mandara with the Maha-vairocana residing in the center being the honji-hosshin (Bản địa thân, Pháp thân). From this original conception of Dainichi Nyorai (Vairocana) as the honji (Bổn địa) or Origin of everything in the universe, represented by the mandara (Mạn Đà La), gradually the relationship between the various deities and their origin was considered. For instance, in the commentary on the Dainichikyo (Đại Nhật kinh) there is also mention made of the term jihon-suijaku (Tự Bản thùy tích) applied to the description of the process of manifestation from the central honjishin (Bổn địa thân) to the peripheral area of the mandara (Mạn Đà La). -- Ib. 213-214.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét