Bốn Niệm Xứ’ có bốn (phạm trù) liên quan đến những đối tượng của chánh niệm, đó là, thân, thọ, tâm, và pháp.
Tại sao Đức Thế Tôn chỉ dạy bốn chỗ thiết lập niệm (bốn niệm xứ), không hơn không kém? Bởi vì nó được dạy theo những gì được xem là thích hợp đối với những người có khả năng tu tập (nó).
Liên quan đến cặp người học chậm và người học nhanh trong số những người có thể tu tập thuộc tánh tham và tánh [tà] kiến[1], đang thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana), lời này được tuyên bố; Với người học chậm thuộc tánh tham việc thiết lập niệm qua quán thân thô là con đường để thanh tịnh.
Theo Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) có ba loại thân (kāya), chữ thân ở đây chỉ có nghĩa là ‘một nhóm’: thân hơi thở vô – và hơi thở ra (assāsapassāsa kāya), thân nghiệp sanh (karaja kāya-nghiệp sanh thân) và danh thân (nāma kāya). Hai loại thân đầu là sắc thân (rūpa kāya). Vì thế chúng ta có thể nói rằng chỉ có hai loại thân, đó là sắc thân và danh thân.
Nếu quý vị phân biệt hay quán tứ đại trong hơi thở của quý vị một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy những phân tử (kalāpa – tổng hợp sắc) rất nhỏ. Nếu quý vị phân tích chúng thêm, quý vị sẽ thấy ít nhất chín loại sắc trong mỗi kalāpa. Chín loại sắc đó là: địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại, màu, mùi, vị, dưỡng chất, và âm thanh. Sự tập hợp của chúng được gọi là thân hơi thở vô-và-ra.
Có bốn loại sắc (thân): sắc do nghiệp sanh (kammaja rūpa), sắc do tâm sanh (cittaja rūpa), sắc do thời tiết sanh (utuja rūpa), và sắc do vật thực sanh (āhāraja rūpa).
Danh cũng khởi sanh như các nhóm. Tâm và các tâm sở sanh cùng nhau như một nhóm trong một sát-na tâm.
Có một loại thân khác, đó là ba mươi hai hay bốn mươi phần (bộ phận) của thân, như tóc, lông, móng, răng…Sở dĩ chúng cũng được gọi là thân là vì chúng là một nhóm các sắc tối hậu.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna), thân nói đến các nhóm danh và sắc.
Với người học chậm thuộc tánh tham thiết lập niệm qua quán thân vật lý thô là con đường để thanh tịnh. Với người học nhanh thuộc tánh tham đề mục thiền vi tế trên cảm thọ là con đường để thanh tịnh. Và đối với người học chậm thuộc tánh kiến con đường để thanh tịnh là thiết lập niệm qua một đề mục thiền không quá nhiều sự phân biệt, đó là quán tâm. Với người học nhanh thuộc tánh này, đề mục thiền có nhiều sự phân biệt, đó là quán pháp là con đường để thanh tịnh.
Với người học chậm, tánh tham hành thiền chỉ (samatha), quán thân là con đường để thanh tịnh, bởi vì người ấy có thể có được nimitta (tướng hay ấn chứng thiền chỉ) dễ dàng. Với người học nhanh thuộc tánh này quán thọ là con đường để thanh tịnh, bởi vì người ấy không thể an trú với một đề mục thô.
Với người học chậm thuộc tánh kiến đang hành minh sát (vipassana), đề mục thiền không có nhiều sự phân biệt, như quán tâm chẳng hạn, là con đường để thanh tịnh. Với người học nhanh thuộc tánh này, đề mục thiền nhiều phân biệt, như quán pháp là con đường để thanh tịnh.
Hay cũng có thể nói rằng bốn niệm xứ (bốn chỗ thiết lập niệm) này được dạy để trục xuất những ảo tưởng liên quan đến thường, lạc, ngã và tịnh (đẹp).
Có bốn loại quán (anupassanā) được dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta): quán thân (kāyānupassanā); quán thọ (vedanānuāssanā), quán tâm (cittānuāssanā), và quán pháp (dhammānupassanā).
Thân của chúng ta đầy những bất tịnh. Quý vị có nghĩ như vậy không? Trong thân của chúng ta có ba mươi hai phần, đều là bất tịnh, như tóc và lông… Đây là lý do vì sao thân lại được xem là xấu xí. Có những người bị ảo tưởng cho rằng thân là một vật đẹp đẽ dẫn đi lầm lạc. Để chỉ cho những người như vậy thấy sự xấu xa của thân và để làm cho họ từ bỏ quan niệm sai lầm của mình đi, quán thân (kāyānupassanā) đã được Đức Phật dạy.
Thọ là khổ. Có những người bị ảo tưởng cho rằng nó đem lại sự vui thú hay lạc. Để chỉ cho những người như vậy thấy cái khổ của cảm thọ và để làm cho họ từ bỏ ý niệm sai lầm của mình đi, quán thọ (vedanānuāssanā) được dạy.
Tâm là vô thường. Có những người tin rằng nó là thường do một ảo tưởng nào đó. Để chỉ cho những người như vậy thấy tính chất vô thường của tâm và để làm cho họ từ bỏ niềm tin sai lầm của mình đi, quán tâm (cittānuāssanā) được dạy.
Các pháp là không bền, vô ngã, và không có thực thể. Do một ảo tưởng nào đó, có những người tin rằng các pháp là bền vững, có một cốt lõi thường trú, một cái ngã trú, hay chúng tạo thành một phần của cái ngã, một cái tôi hay có một sự chắc chắn nào đó ở bên trong nó. Để những người như vậy nhận ra sự thật về vô ngã hay thấy ra tính chất không bền của các pháp và để huỷ diệt ảo tưởng vốn che đậy tâm họ, quán pháp (dhammānupassanā) được dạy.
Sớ giải (phụ chú giải) giải thích: thân và thọ là nguyên nhân của sự hưởng thụ. Để loại trừ sự hưởng thụ đó của thân, đối với những người học chậm tánh tham, thấy tính chất bất tịnh, xấu xí của thân được Đức Phật chỉ dẫn. Thân là một đối tượng thô vốn là căn bản cho tham ái. Cho nên loại người trên quán thân, niệm xứ thứ nhất, là con đường để thanh tịnh. Đối với người học nhanh tánh tham, để đoạn trừ sự hưởng thụ đó, thấy cái khổ trong cảm thọ được chỉ dẫn. Thọ là một đề mục vi tế vốn là căn bản cho tham ái, nên quán thọ, niệm xứ thứ hai, là con đường để thanh tịnh, đối với loại người học nhanh tánh tham.
Với người học chậm tánh [tà] kiến, quán tâm theo cách tương đối đơn giản được đưa ra trong kinh là tiện nhất. Ở đây tâm được quán qua tính chất vô thường và qua cách phân chia như tâm có tham, tâm không tham, v.v… để loại trừ quan niệm về thường đối với tâm. Tâm là một duyên đặc biệt cho tà kiến nảy sanh do sẵn có một niềm tin căn bản nơi sự thường hằng. Như vậy quán tâm (cittānuāssanā), niệm xứ thứ ba, là con đường để thanh tịnh đối với một người thuộc tánh này.
Với người học nhanh thuộc tánh kiến được hướng dẫn để thấy các pháp theo cách đa dạng đã được đưa ra trong kinh này. Ở đây các pháp phải được thấy qua tưởng, xúc và v.v…, và qua các triền cái v.v…, để loại trừ khái niệm về tự ngã đối với các pháp. Các pháp là những duyên hay điều kiện đặc biệt cho tà kiến do sẵn có một niềm tin căn bản nơi tự ngã. Với người tánh này quán pháp, niệm xứ thứ tư, là con đường để thanh tịnh. Tâm và pháp tạo thành các duyên nổi bật cho kiến. Sở dĩ tâm được xem là một duyên nổi bật bởi vì nó là yếu tố quyết định cho niềm tin nơi sự thường hằng. Các pháp cũng là những duyên nổi bật như vậy bởi vì chúng là những yếu tố quyết định cho sự tin tưởng nơi một cái ngã.
Tâm và pháp là những yếu tố quyết định của tham ái cũng như tà kiến. Thân và thọ là những yếu tố quyết định của tà kiến cũng như tham ái. Tuy nhiên để chỉ ra cái nào là mạnh hơn trong thân và thọ, đó là tham ái, và cái nào là mạnh hơn trong tâm và pháp, đó là tà kiến, mà những phân biệt đã được đưa ra.
Chú giải tiếp tục: Bốn niệm xứ được Đức Phật dạy không chỉ nhằm mục đích trục xuất bốn ảo tưởng (thường, lạc, ngã và tịnh) thôi, mà cũng còn để loại trừ bốn bộc lưu, bốn ách phược, bốn lậu hoặc, bốn kết, bốn thủ, bốn tà đạo, và sự xâm nhập của bốn loại thức ăn[2].
Liên quan đến sự nhớ lại và gặp gỡ trong một pháp, Niết-bàn (Nibbāna), chú giải nói rằng các niệm xứ chỉ là một pháp. Do nhân hay do tính chất giống nhau của sự nhập vào một, Niết-bàn (Nibbāna), các niệm xứ cũng được nói là chỉ có một pháp. Nhưng khi được xem như một đề mục thiền thì nó có bốn loại (thân, thọ, tâm và pháp).
Để đến một đô thị có bốn cổng thành, người từ hướng đông với những hàng hoá sản xuất từ phương đông đi vào (đô thị) bằng cổng đông…người đến từ hướng nam…người đến từ hướng tây…người đến từ hướng bắc với những hàng hoá sản xuất từ phương bắc đi vào từ cổng bắc. Niết-bàn cũng giống như đô thị. Bát Thánh Đạo siêu thế giống như cổng thành. Thân, thọ, tâm và pháp giống như bốn hướng chính trong không gian. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán thân đã hành theo mười bốn cách giống như những người đến từ hướng đông với những hàng hoá sản xuất từ phương đông. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán thọ đã hành theo chín cách giống như những người đến từ hướng nam với những hàng hoá sản xuất từ phương nam. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán tâm đã hành theo mười sáu cách giống như những người đến từ hướng tây với những hàng hoá sản xuất từ phương tây. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán pháp đã hành theo năm cách giống như những người đến từ hướng bắc với những hàng hoá sản xuất từ phương bắc vậy.
Phụ chú giải nói rằng bởi vì tất cả chúng đều nhập vào một, đó là nhập vào Niết-bàn, vì vậy bốn niệm xứ chỉ là một. Và vì lẽ các niệm xứ có khác nhau nhưng cuối cùng chỉ dẫn đến Niết-bàn, nên chúng được nói là ‘gặp nhau trong một’.
Quý vị không nên hiểu lầm về sự giải thích vừa đưa ra. Ở đây tôi muốn giải thích thêm một chút cho dễ hiểu. Trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) có hai bài kinh Aparijānana (Aparijānana Sutta). Trong hai kinh đó, Đức Phật nói: ‘Này các Tỳ kheo, nếu các vị không tuệ tri tất cả danh và sắc với ba loại đạt tri, các vị không thể thoát khỏi khổ.’ Ba loại đạt tri (pariññā) là trí đạt tri (ñāta pariññā), thẩm đạt tri (tīraṇa pariññā) và trừ đạt tri (pahāna pariññā). Trí đạt tri bao gồm Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa-paricchedañāṇa) và Phân Biệt Nhân Duyên Trí (paccaya-pariggaha-ñāṇa). Thẩm đạt tri bao gồm Thẩm Sát Tam Tướng Trí (sammasana ñāṇa), và Sanh Diệt Trí (udayabbā ñāṇa). Hai loại minh-sát trí này phân biệt sự sanh và diệt của danh-sắc cũng như các nhân của chúng, vì thế chúng được gọi là thẩm đạt trí (tīraṇa pariññā). Trừ đạt tri bao gồm các minh sát trí cao hơn từ Hoại Diệt Trí (bhaṅgañāṇa) đến Đạo Trí (maggañāṇa). Ngoại trừ Đạo Trí, trí đoạn trừ các phiền não một cách hoàn toàn, các minh sát trí còn lại đoạn trừ phiền não chỉ tạm thời mà thôi. Vì thế theo kinh Aparijānana, nếu chúng ta muốn chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna), để thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi và khổ đau, chúng ta phải biết rõ năm uẩn, các nhân của chúng và quán tất cả như vô thường, khổ và vô ngã với ba loại đạt tri.
Hơn nữa, chú giải Abhidhamma (Vi-diệu-Pháp) còn giải thích: Do quán chỉ một mình sắc hay chỉ một mình danh người ta không thể nào chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế, người hành thiền có lúc phải quán sắc và có lúc phải quán danh. Trong khi quán sắc và danh, nếu người ấy quán chúng chỉ bên trong hoặc chỉ bên ngoài thôi thì cũng không đủ để chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế người hành thiền đôi khi phải quán danh-sắc bên trong, và đôi khi phải quán danh-sắc bên ngoài nữa.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), Đức Phật dạy bốn niệm xứ hay bốn chỗ thiết lập quán niệm: quán thân (kāyānupassanā), quán thọ (vedanānuāssanā), quán tâm (cittānupassanā) và quán pháp (dhammānupassanā). Trong quán thân hành giả phải nhấn mạnh sắc. Tuy nhiên, quán một mình sắc thôi không đủ. Hành giả cũng phải quán danh nữa. Trong quán thọ Đức Phật nhấn mạnh cảm thọ. Cảm thọ là một loại danh. Trong trường hợp này cũng vậy, quán một mình thọ thôi không đủ. Hành giả phải quán sắc và các danh khác nữa. Trong quán tâm Đức Phật nhấn mạnh tâm. Tuy nhiên, quán một mình tâm không đủ. Hành giả cũng phải quán sắc và các danh khác nữa. Trong quán pháp Đức Phật dạy quán năm uẩn theo những cách khác nhau. Vì thế quý vị không nên hiểu lầm rằng chỉ cần thực hành một trong bốn niệm xứ này là đủ để chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna).
Trong bài kinh ấy Đức Phật nói như sau:
‘Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo sống quán thân là (trên) thân với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian. Vị ấy quán các cảm thọ là các cảm thọ với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian. Vị ấy quán tâm là tâm với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian. Vị ấy quán các pháp là các pháp với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian.[3]
Chú thích:
Chú thích:
[1] *Trong thiền định, căn tánh (carita, cariyā), hay khuynh hướng nội tâm của mỗi chúng sinh, được phân ra sáu loại:
1. Tánh tham (rāgacarita); 2. Tánh sân (dosacarita); 3. Tánh si (mohacarita); 4. Tánh tín (saddhācarita); 5. Tánh trí (buddhacarita, ñāṇacarita); và 6. Tánh tầm (vitakkacārita).
*Trong thiền minh sát (vipassana) chỉ có bốn:
1. Tánh tham ái + tuệ mạnh (ở đây dùng người học nhanh-fast learner); 2. Tánh tham ái + tuệ yếu (người học chậm-slow learner); 3. Tánh [tà] kiến (diṭṭhicarita) + tuệ mạnh; 4. Tánh [tà] kiến (diṭṭhicarita) + tuệ yếu.
[2] Bốn bộc lưu (cattāro oghā): Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu. Bốn phược (Cattāro ganthā): tham ái thân phược, sân độc thân phược, giới thủ thân phược, ngã kiến thân phược. Bốn lậu hoặc (cattāro āsava): Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu. Bốn kết (cattāro yogā): Dục kết, hữu kết, kiến kết và vô minh kết. Bốn thủ (cattāro upādāna): dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ. Bốn loại thức ăn: đoàn thực, xúc thực, thức thực, tư niệm thực (xem thêm trong Dây Trói Buộc, câu hỏi 59 tr 141. tỳ-kheo Pháp Thông 2009).
[3] Thông thường trong các Bài Kinh Đại Niệm xứ khác câu này được dịch là: ‘Quán thân trên thân …quán thọ trên thọ…quán tâm trên tâm… và quán các pháp trên các pháp. Nhưng ở đây ngài Pa Auk dịch, ‘quán thân là thân (contemplating the body as the body), thọ là thọ, tâm là tâm, và pháp là pháp’ với những giải thích đặc biệt, mà quý vị sẽ thấy ở sau. ND
Theo: Đại Niệm Xứ tường giải
Chuyển ngữ: Tỳ kheo Pháp Thông
Theo: rungthienvienkhong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét