Trước hết chúng ta sẽ xem lại cho xác đáng trong giáo pháp (dhamma) của Đức Phật đã dạy khổ là gì vàhòn đá là gì nhé ?
1. Trước hết chúng ta sẽ đi về sự Khổ. Đạo Phật ra đời được đánh dấu bằng 2 bài kinh liên tiếp của Đức Phật khi tuyên bố về sự KHỔ đó là kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân chỉ độ được 5 anh em ông Kiều Trần Như chứng Thánh Dự Lưu, mỗi ngày có một ông chứng Thánh Dự Lưu và lâu nhất là ông Assaji đế ngày thứ 5 mới chứng Thánh Dự Lưu. Tức là bài Chuyển Pháp Luân được thuyết từ ngày 15/6 đến ngày 19/6, mỗi ngày một ông đắc Thánh Dự Lưu với Khổ Đế được tuyên thuyết như sau:
”Hỡi này các Tỳ Khưu, bây giờ, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự : Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ ”
Với Khổ Đế này người ta thường gọi là Bát Khổ (4 khổ về thân: sinh-già-bệnh-chết và 4 khổ về tâm: oán tắng hội khổ-ái biệt ly khổ-cầu bất đắc khổ-ngũ ấm xí thạnh khổ). Bài kinh này được gọi là PHÁP HIỆP THẾ.
Bài thứ 2 là kinh Vô Ngã Tướng được thuyết vào ngày 20/6 để độ tiếp cả 5 ông cùng lúc chứng đạo quả A La Hán mới việc Đức Phật tuyên thuyết 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Bài kinh này gọi là PHÁP SIÊU THẾ như sau:
”Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Tất cả các sắc, dầu ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, phải được nhận thức theo thực tướng của nó —- Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.”
*Ghi chú: Đến đây cũng có thể hiểu ngay rằng HÒN ĐÁ LÀ SẮC, NÓ LÀ SẮC NGOẠI CẢNH, NÓ VÔ THƯỜNG, BIẾN HOẠI NÊN NÓ KHỔ, NÓ KHỔ NÊN NÓ CHẲNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN TÔI HAY CỦA TÔI CẢ.
Như vậy ở 2 bài kinh diễn ra từ thấp đến cao. Ở bài kinh đầu tiên Đức Phật dùng khái niệm tục đế để phá sự chấp thủ có một cái TÔI hiện hữu thông qua cái CỦA TÔI (thân) có sinh-già-bệnh-chết với các phiền não (tâm) cũng CỦA TÔI đi kèm là oán hận, ái biệt ly, cầu mong, ngũ uẩn thủ (chấp thủ vào 5 căn môn).
Các bạn lưu ý là Đức Phật nói trong bối cảnh 5 anh em ông Kiều Trần Như đang chìm sâu trong thiền định với một cái tâm sâu lắng trải nghiệm sự chứng đắc thiền. Với tâm thiền nhu nhuyễn dễ sử dụng, KHỔ ĐẾ này dễ dàng nhận ra và được các ông chấp nhận ngay lập tức. Sự chấp thủ vào CÁI TÔI và CÁI CỦA TÔI lập tức tan rã, không còn sự bám víu nào vào cái tôi thật sự đã xảy ra trong tâm của mỗi ông từ thô đến vi tế. Tại sao nó thô đến vi tế vì có ông chứng Dự Lưu ngay lập tức như ông Kiều Trần Như, còn 4 ông kia lần lượt mỗi ông sau 1 ngày mới chứng Thánh Dự Lưu. Bài kinh Chuyển Pháp Luân được gọi là bài kinh phá NGÃ CHẤP, tức là chấp thủ một cái tôi hiện hữu thì đồng nghĩa sinh-già-bệnh-chết và phiền não sẽ có mặt. Còn buông bỏ, xả bỏ cái tôi thì đồng nghĩa sự vắng mặt của sinh-già-bệnh-chết và các phiền não. Kiết sử THÂN KIẾN được đoạn trừ ngay lúc này cùng với 2 pháp đồng sinh với nó là Giới cấm thủ và Hoài nghi.
NHƯNG TẠI SAO VỚI BÀI PHÁP NÀY 5 THÁNH DỰ LƯU ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO PHẬT KHÔNG THẾ ĐẮC A LA HÁN CHO DÙ 5 NGÀY ĐÃ TRẢI QUA ?. Đó là vì các ngài còn thấy có cái cách thức, phương pháp để đoạn trừ THÂN KIẾN, tức là còn PHÁP CHẤP.
Đức Phật liền kê tiếp bài thuốc thứ 2 là Kinh Vô Ngã Tướng phá nốt chấp PHÁP bằng việc đưa ra rằng ngay cái gọi là PHÁP hay phương pháp, cách thức phá cái tôi ấy cũng là KHỔ để các ông buông xả nốt. Nếu bám vào cái cách thức và phương pháp đoạn trừ NGÃ hay THÂN KIẾN thì cũng gây ra KHỔ ĐAU. Sự buông xả của các Thánh Dự Lưu này đến cùng tột, các ngài liền chứng đạo quả A La Hán.
Đến đây tôi nghĩ có đến 1/3 trong số các bạn đã thấy được KHỔ ĐẾ thật sự là gì rồi. Bài kinh 1 Chuyển Pháp Luân là Đức Phật nói đến sự chấp thủ về cái tôi hiện hữu trong các chúng sinh hữu tình. Bài thứ 2 kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật mở rộng ra cho tất cả các pháp hữu vi (từ hữu tình đến vô tình, hữu tức là có sự hiện hữu dù nhỏ như vi trần cho đến vô số thế giới).
2. Trở lại với câu hỏi Hòn đá có khổ không ? Hòn đá là sắc nên nó biến đổi sinh diệt (gọi là vô thường), vì biến đổi sinh diệt nên khi đã sinh lên nó sẽ có sự diệt nên gọi là khổ, nó trống rỗng và không cốt lõi nên gọi là vô ngã.
Cho dễ hiểu, bây giờ tôi lấy ví dụ cái bình gốm . Trước khi ra lò thì bình gốm là đất, khi ra lò gọi là cái bình (đi theo hình dáng và công năng của nó gọi là THÂN KIẾN hay còn gọi là sắc bên ngoài thân), khi tan vỡ thì nó là mảnh sành, rồi lâu dần nó lại là đất. Vậy cái bình gốm hiện hữu (sắc) nó đã chứa đựng sự DIỆT tiềm ẩn sẵn trong nó rồi. Người dùng nó luôn phải tạo cho nó nhưng duyên sinh tương ưng để gìn giữ THÂN KIẾN của nó. Nếu lỡ rơi vỡ hay để bên đường bị đá vỡ thì cái duyên để có cái bình ko còn nữa mà là duyên DIỆT cái bình đã xuất hiện.
Cái thân chúng ta cũng vậy. Khi ở trong bụng mẹ gọi là bào thai. Khi ra khỏi bụng mẹ là em bé. Khi lớn lên là người và chết gọi là tử thi. Khi hình thành mỗi thân kiến trong từng giai đoạn này thì luôn luôn phải có các DUYÊN để gìn giữ nó không bị DIỆT nhưng thực ra DIỆT luôn tiềm ẩn và chờ sẵn khi cái THÂN của chúng ta có mặt trong đời. Sự DIỆT trở nên bức bách làm chúng ta KHỔ và nó luôn thường trú trên thân và tâm của chúng ta. Ví như khi thở hít vào (Sinh-Diệt)) là sự bức bách của Diệt khiến chúng ta phải thở ra, rồi sự thở ra (Sinh-Diệt) lại bức bách chúng ta hít vào, Vì nó sinh lên rồi phải diệt là bản chất của các pháp hữu vi. Dạ dày ta trông rỗng, nó bức bách chúng ta đưa thức ăn vào (SINH). Thức ăn vào nó lại bức bách đẩy ra (DIỆT) khỏi dạ dày. Nên chúng ta ăn sáng rồi lại bị bức bách phải ăn trưa. Trong đi, đứng, nằm, ngồi, chớp mắt mở mắt đều bị bức bách như vậy mà chúng ta không thể ra lênh và không thể làm chủ nó được nên chúng ta KHỔ.
Hòn đá cũng vậy. Vì nó hiện hữu (SINH) nên nó cũng bị bức bách để DIỆT. Khi duyên diệt đến nó sẽ bị tan hoại. Như vậy cái KHỔ của hòn đá là cái KHỔ của CHÂN ĐẾ, cái KHỔ của các pháp hữu vi vì Sinh lên nên sẽ đến lúc phải Diệt. Sự bức bách DIỆT được gọi là KHỔ ĐÊ. Cái khổ này không phải cái khổ của CẢM THỌ trong ngũ uẩn vì cảm thọ này cũng là pháp hữu vi nên cũng bị Sinh-Diệt. Nếu chấp thủ vào cảm Thọ của ngũ uẩn để tuyên bố về KHỔ đế thì hết sức mê mờ và buồn cười vì nó không phải là điều Đức Phật tuyên bố về Khổ đế, nghĩa là đang tu cái không phải là đạo Phật. Chínnh vì vậy Đức Phật đã từng nhắc nhở:”Này các tỳ kheo ! Khổ đế cần phải được nhận ra, Tập đế phải nhận ra thì con đường đưa đến Khổ Diệt, Tập diệt mới được nhận ra.”
———————————————————————-
1. Hỏi: Sự ” bức bách” từ đâu mà có? phải chăng cũng do cái trí của chúng ta nó khởi tạo ý niệm. Nói bức bách là nói đến đối tượng, vậy hòn đá có bị “cảm thấy” bức bách không khi tự thân nó không có cảm thọ. Rốt ráo cũng là chấp cái Ta là thật mới có “Khổ”? Bạn nói một phần đúng, bài kinh đầu để phá được cái thân kiến, nhưng vẫn chưa từ bỏ được cái biết “Ta đã trừ bỏ được thân kiến”.
Trả lời: Nói đến hòn đá là đất nên mọi người khó hiểu chứ lấy ví dụ về gió, nước, lửa thì thấy rất dễ. Như bài viết trên tôi lấy ví dụ ngọn lửa là do sức nóng của các dòng khí nối tiếp nhau sanh diệt không ngừng. Dòng khí bức bách nhau để sinh-diệt liên tiếp. Nói thô hơn nữa là các hiện tương thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa đều rơi vào trạng thái bức bách vốn chỉ để diệt.
Để gần gũi hơn, ta lấy ví dụ tay ta cầm cái ly. Ta cầm lâu và tiếp tục cầm ta sẽ thấy mỏi tay. Trang thái mỏi tay này là trạng thái bức bách đòi ta phải đặt cái ly xuống bàn (diệt trang thái cầm ly). Bây giờ cái ly trên mặt bàn, nó tiếp tục bức bách trạng thái diệt nên cái bàn làm nhiệm vụ thay cái tay của ta. Bản thân cái bàn cũng bức bách trạng thái diệt của nó. Giả sử cái bàn bị kênh, ai đó di ngang qua va phải cái bàn, cái bàn nghiêng lệch (diệt so với trang thái chưa nghiêng lệch) và cái ly bị rơi trên mặt đất vỡ tan (cái ly bị diệt).
Ngay như thân chúng ta khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng luôn tìm trạng thái duyên sinh để giữ cho trạng thái cái thân này nguyên vẹn mà không bị diệt, một chỗ trú, một chỗ nghỉ chân, một chỗ nằm để thân này không đau mỏi, bệnh tật (là trạng thái diệt của trạng thái khỏe mạnh, không bệnh tật). Như vậy phàm cái gì có hình tướng thì phải có chỗ trú cho nó, nếu không có chỗ trú cho trạng thái sinh lên hình tướng đó thì nó sẽ bị diệt. Trạng thái gìn giữ cho hình tướng đó xuất hiện gọi là duyên sinh. Trạng thái không gìn giữ cho hình tướng đó tồn tại nữa gọi là duyên diệt. Tất cả các duyên sinh diệt này không phụ thuộc vào cái gì gọi là ta hay tâm cả.
2. Hỏi: Điều bạn nói có phải khởi từ Tâm chấp mà ra, bạn đã nói là Đức Phật bốc thuốc chữa bệnh, thuốc đâu phải chân lý.
Trả lời: Thuốc là chân lý đối với người bệnh. Cũng ví như người mù thì cần chữa để mắt sáng chứ không thể tuyên bố mặt trời là chân lý vì anh ta không thấy mặt trời là cái gì cả. Chúng ta đang là người bệnh vì chúng ta đang ở gềnh thác mà chưa ra đến biển cả như ngài Bồ tát Quán tự tại. Chúng ta cần bám vào cái thuyền, cái bè để xuôi dòng sao cho không bị mắc kẹt ở hai bên bờ. Lúc này với chúng ta cái bè là chân lý để ra biển cả. Chân lý có chân lý gần chân lý xa. Bước ra khoi nhà thì cái bậc cửa là cái ta nhìn thấy đầu tiên, là chân lý gần. Nhờ thấy cái bậc cửa này bước qua mà không vấp ngã thì ta mới đi được nhưng bước tiếp theo. Muốn đi xa vạn dặm thì cách thức cũng cùng vậy.
Để dễ hiểu hơn nữa bạn ra các bệnh viện nhất là các bệnh viện nan y sẽ thấy bệnh nhân cần thuốc đến mức nào để khỏi bệnh. Chân lý gần của các bệnh nhân là thuốc để khỏi bệnh chứ không thể nói như bạn với ngườii bệnnh là thân này là do cái tâm chấp trước của người bệnh mà có.
Khi Đức Phật chứng ngộ ngồi lại 21 ngày dưới cội bồ đề cũng chỉ vì điều này. Rất khó để lãnh hội giáo lý của ngài vi diệu, thâm sâu. Rồi Phạm thiên thưa thỉnh ví nhân loại như 3 loại hoa sen trong nước mà ngài chỉ có thể độ cho loại nổi lên mặt nước. Tức là cứ 3 người nghe ngài thuyết pháp thì một người được độ nếu tính bình quân. Đó là vào thời Đức Phật tại thế và giáo pháp được thuyết trực chỉ nhân tâm tức là vào ngay thân tâm người nghe trực tiếp với Đức Phật. Ngày nay mạt pháp, giáo pháp qua chữ điện tử Intenet đã chứa đựng vọng tưởng và nhưng kinh nghiệm cá nhân thiên về cái biết trong quá khứ., chấp thủ cái biết đó sâu dày. Cho nên Đức Phật đã từng nói: ” Ta không tranh chấp với thế gian mà chỉ có thế gian tranh chấp với ta”. Cái Thấy và Biết của ngài bao trùm khắp thế giới trong cả 3 thời quá khứ, hiện tạ, vị lại. Mọi người đến hỏi đạo ví như người mù chưa thấy mặt trời, ngài phải bốc thuốc từng phần tức là chữa khỏi dần dần, cho thấy chân lý từ gần đến xa. Ngày nay để chữa ai bị mù lâu ngày cũng phải tập cho quen dần với ánh sáng, nếu lập tức nhìn ngay vào anh sáng thì mắt sẽ bị lóa và mù trở lại. Trong thiền Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy quán Pháp trong các Pháp là vậy. Thấy chân lý trong chân lý, thấy chân lý gần và xa, thô đến vi tế…
Người học đạo như bạn thường cố định một hệ quy chiếu nào đó đã được xây đắp trong tâm. Cái gì khác với hệ quy chiếu đó thì không dễ dàng chấp nhận vì đó là Kiến Thủ (thành lũy kiên cố trong 12 nhân duyên). Kinh Hoa Nghiêm đã tứng nói:” Tâm như họa sĩ khéo. Vẽ bức tranh muôn màu”. Với tâm bạn có thể vẽ bất cứ hệ quy chiếu nào nhưng điều đó có mang lại sự an lạc và giải thoát cho bạn hay không mà thôi.
3. Hỏi: Cái bình hay hòn đá nó có thân kiến không ?
Trả lời: Như đã trình bày ở phần đầu, tôi nói lại như sau:
Phần 1 nói về Chân Đế : 2. Trở lại với câu hỏi Hòn đá có khổ không ?Hòn đá là sắc nên nó biến đổi sinh diệt (gọi là vô thường), vì biến đổi sinh diệt nên khi đã sinh lên nó sẽ có sự diệt nên gọi là khổ, nó trống rỗng và không cốt lõi nên gọi là vô ngã. Đến đây xong phần nói hòn đá là khổ
Phần 2 nói về Tục Đế: Cho dễ hiểu, bây giờ tôi lấy ví dụ cái bình gốm . Trước khi ra lò thì bình gốm là đất, khi ra lò gọi là cái bình (đi theo hình dáng và công năng của nó gọi là THÂN KIẾN hay còn gọi là sắc bên ngoài thân), khi tan vỡ thì nó là mảnh sành, rồi lâu dần nó lại là đất. Vậy cái bình gốm hiện hữu (sắc) nó đã chứa đựng sự DIỆT tiềm ẩn sẵn trong nó rồi. Người dùng nó luôn phải tạo cho nó nhưng duyên sinh tương ưng để gìn giữ THÂN KIẾN của nó. Nếu lỡ rơi vỡ hay để bên đường bị đá vỡ thì cái duyên để có cái bình ko còn nữa mà là duyên DIỆT cái bình đã xuất hiện. Đoạn này giúp đọc giả phá ảo tưởng bình gốm là bình gốm, hòn đá là hòn đá. Còn bạn hỏi này đang hiểu nhầm là tôi nói Hòn đá có Thân Kiến
Bất cứ sắc nào gọi ra tên đều rơi vào Thân Kiến vì Danh đã được thiết lập. Trong Chân Đế như ở trên, hòn đá vốn chỉ là sắc nhưng vì gọi là hòn đá nên chúng ta liền rơi vào Thân Kiến. Cái nhìn một vật có thực thể và cốt lõi nên gọi là THÂN KIẾN. Để tiếp tục giúp bạn đọc nhìn ra cái Thân Kiến nó biến chuyển, snh diệt ra sao và tên gọi bị thay đổi như thế nào nên phải lấy cái quan sát ví dụ từ cái bình. Ở đây ví dụ cái bình thay cho hòn đá cho dễ hiểu từ khi nó chuyển các hình tướng từ sinh đến diệt (trong lò – ra lò – tan hoại). Sắc lúc này gọi là ngoại sắc. Bất cứ cái gì nhìn thấy bên ngoài thân ta đều là ngoại sắc và khi ta đặt tên cho nó thì rơi vào Thân Kiến. Cái sắc ấy bị chấp như một vật có ngoài ta nhưng thực ra không phải như vậy vì nó còn đang biến đổi sinh diệt. Chỗ này là chỗ Lão Tử đã từng nói: ”Tên mà đặt được tên chẳng thật là tên”. Chính vì thế Kinh Vô Ngã Tướng , Đức Phật không gọi bất cứ vật gì mà gọi là sắc trong và sắc ngoài, sắc thô và sắc vi tế, sắc xa và gần…
Khi gọi tên hòn đá là hòn đá đã là chấp có hòn đá, chấp có một cái gì đó cố định trong hòn đá, có cốt lõi và có tên cho nó rồi. Đây là khái niệm THÂN KIẾN trong pháp hành Minh Sát không phải lý thuyết suông, vấn đề có được thiện tri thức chỉ bảo hay không mà thôi. Việc vào trường thiền ngồi 10 ngày ai cũng có thể làm được nhưng chưa thể qua nổi phần phân biệt Danh và Sắc gọi là tuệ Danh Sắc đầu tiên. Sắc có Sắc trong và Sắc ngoài như đã nói ở trên.
4. Hỏi: Biết hòn đá khổ vậy làm sao để nó hết khổ ? Thế huynh, bạn & chúng ta đều khổ vậy làm sao để hết khổ ? Làm sao để diệt khổ ?
Trả lời: Xin trao đổi với bạn như sau:
Bước 1: Bản chất pháp hữu vi là khổ vì thế đất, nước, gió, lửa là sắc pháp nên khổ.
Bước 2: Đất, nước, gió, lửa được nhào nặn ra cái bình gốm, ta cho nó một cái tên khái niệm là ”bình gốm”, trong tâm thức ta bắt đầu có ý niệm về cái bình gồm, cái bình trở thành VẬT THẬT, CÓ CỐT LÕI trong ta.
Bước 3: Ta sử dụng cái ”bình gồm” và yêu quý nó nhưng không hề biết SỰ KHỔ đã tiềm ẩn trong cái bình gốm này rồi. Vì nó là pháp hũu vi, nó bị bức bách để diệt khi duyên diệt đến.
Bước 4: Khi duyên diệt đến nó vỡ vì bất cứ nguyên nhân gì, ta đau khổ với nó. Nếu bình gốm đó là bình cổ giá trị càng lớn thì ta càng khổ hay là vật ky niệm của người thân thì ta cũng khổ. Sự KHỔ của ta được gia tăng hay cộng thêm vào cái gọi là ”Bình Gốm” mà bản chất của nó cũng là sự Diệt tiềm ẩn mà thôi.
Bước 5-Kết luận: Bình Gốm (Khổ) + Ái Thủ Hữu (Khổ Tập) = Khổ Tâm vì Bình Gốm.
* Bạn có thể thay thí dụ bình gốm bằng bất cứ thứ gì mà ta yêu nhất thì sẽ thấy sự nổi bật trong thân và tâm lúc này, khi đọc bài này.
Cổ nhân nói ta khổ là vì ta quên mình theo vật. Khi vật sinh diệt mà ta cứ lao theo. Ta lao theo vì ta bị nhận lầm nó là một vật có có lõi, bên chắc và là của ta. Sự nhận lầm này gây ra mọi tai họa nên gọi là Vô Minh. Tức là không sáng suốt để nhận ra sự thật về Khổ Đế và Tập Đế.
CÁC PHÁP HỮU VI (KHỔ ĐẾ) + ÁI THỦ HỮU (TẬP ĐẾ) = NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI.
* Pháp Hữu Vi có Danh và Sắc.
Sắc bên ngoài là vạn vật quanh ta. Sắc bên trong là thân ta và các bộ phận trên cơ thể.
Danh bao gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng có bên ngoài và bên trong ta.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức có từ bên ngoài là tư tưởng, tình cảm, yêu ghét, sự chấp trước…từ người khác (cái này vô hình tướng nhưng cảm nhận được).
Thọ, Tưởng, Hành, Thức có bên trong là tư tưởng, tình cảm, yêu ghét, sự chấp trước…của chính ta.
Như vậy các pháp hữu vi như hòn đá thì không thể hết Khổ được vì nó sinh diệt liên tục không lúc nào ngừng khi nào nó còn hiện hữu.
Thân của chúng ta cũng là Sắc Pháp cũng là pháp hữu vi nên nó cũng KHỔ. Cái KHổ này thường trú và nằm ngoài ý muốn của ta. Khổ này chỉ chấm dứt khi THÂN này chấm dứt.
Tâm của ta có 2 loại tâm: Tâm Vương và Tâm Sở. Tâm Vương là cái Thấy Biết không bị khái niệm hay bị thân kiến. Tâm Sở là Tâm khái niệm và bị thân kiến nặng nề. Chính Tâm này mới tạo Ái, Thủ, Hữu, tạo ra sự nhận lầm Thân là thật và là của ta để khi chết nó lại đi tìm một duyên sinh mới là một thân mới để ghá vào. Tâm Sở này là pháp đồng sanh. Tức là khi bắt lấy sắc pháp qua năm căn môn thì nó liền lập tức sinh ra và suy đạc sắc pháp ấy là loại gì, ra sao…
Việc chấp dứt Tâm Sở được thực hành bằng thiền Tứ Niệm Xứ với việc loại trừ ảo tưởng về một vật hay một người có cốt lõi bằng việc hành thiền lấy thân, thọ, tâm, pháp làm dối tượng thiền đây là pháp hiệp thế.Sau đó khi đến mức nhu nhuyễn thì hành giả sẽ thấy trở lại Danh pháp và Sắc pháp chỉ đơn thuần là sự Sinh Diệt không ngừng, bức bách (Khổ) và không có cốt lõi , vô chủ (vô ngã). Đến được chỗ này gọi là pháp siêu thế
Nhờ hành thiền như vậy, tâm sở thấy sự thật về Danh và Sắc và nó chán nản không muốn nắm bắt bất vật gì trong hay ngoài thân nữa. Trong kinh nói vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Vì lúc này hành giả đã thấy được sự thật bằng sự Thấy và Biết rõ ràng , ở đây và bây giờ, trên thân và tâm. Lúc này tâm Sở trở thành tâm Vương – tâm thấy biết Niết bàn và tâm Vương là tâm không bị bất cứ Danh hay Sắc nào khái niệm hóa nữa. Tâm Vương lúc này được gọi là Tâm Giải Thoát (Vô Tham, Vô Sân, Vô Si). Do tâm này không còn ảo tưởng và nhận lầm Danh và Sắc nữa nên nó không nhận Luân Hồi hay bất cứ cảnh giới nào hiện hữu để tìm đến nữa. Vì thế khi hỏi về trạng thái của Niết Bàn, Đức Phật không trả lời, vì bất cứ cái Thấy Biết nào bằng Ngũ Uẩn hay Danh và Sắc đều rơi vào vô minh, cảnh giới của luân hồi.
5. Hỏi: Hòn đá từ đâu mà có ?
Trả lời: Tận cùng vô thủy vô chung thì hòn đá chỉ là đất nước gió lửa qua lại với nhau mà thành gọi chung là sắc pháp. Sắc pháp tự nó sinh và diệt liên tục không lúc nào ngừng. Khi chúng ta chia cẻ phân tích đây là hòn đá, kia là hòn gạch tức là chúng ta cho nó một khái niệm, một quy ước, một định nghĩa, một hệ quy chiếu. Cái này gọi là TƯỞNG trong Ngũ Uẩn. Khi tưởng được thiết lập thì Thân Kiến được thiết lập và Luân Hồi được thiết lập. Chúng ta sinh ra và chết đi trong khái niệm mà không biết sự thật sinh diệt tan hoạt của khái niệm bản chất cũng đã chứa Khổ trong đó. Tranh chấp hòn đá, rồi tranh chấp tư TƯỞNG… tất cả đều do không nhận thấy sự thật Sinh-Diệt và bức bách diệt (Khổ) của bất cứ cái gì hiện hữu. Tức là không nhìn thấy Khổ Đế và Tập Đế.
Vậy hòn đá từ đâu mà ra ? Từ Vô Minh mà ra. Vô Minh là gì ? Là do không thấy sự thật về Khổ Đế và Tập Đế của các pháp hữu vi. Thé nào là Khổ Đế ? Các pháp hữu vi bị sinh diệt tan hoại nên Khổ. Do không biết sự thật này nên ưa thích nó, chấp thủ nó, sở hữu nó (ái , thủ, hữu) nên gọi là Tập Đế.
Làm sao loại trừ được Khổ Đế và Tập Đế ?. Phải thực hành Bát Chánh Đạo mà cụ thể là pháp hành Thiền Tứ Niệm Xứ vì khi hành thiền Tứ Niệm Xứ thì đã đầy đủ cả 8 chi phần trong Bát Chánh Đạo với 3 nhóm cơ bản là Giới- Định -Tuệ.
6. Hỏi: Hòn đá có Khổ, vậy Khổ Tập của hòn đá từ đâu mà ra ?
Trả lời: Hòn đá không có Khổ Tập mà nó chỉ có Khổ vì nó là sắc pháp. Cái này tôi nói ở phần cuối trang 3.
Bạn đang hiểu nhầm là đi tìm gốc rễ của vũ trụ. Gốc rễ của vũ trụ là vô thủy vô chung (ko có bắt đầu và ko có kết thúc). Chính vì thế tôi đã nói hòn đá là sắc pháp nên nó khổ và không bao giờ hết khổ vì nó sinh diệt không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Do việc hiểu nhầm tìm cội rễ vũ trụ nên bạn không thể lãnh hội được bài ngay phía trên tôi viết. Bản chất các pháp hữu vi hay hiện hữu là Khổ. Bây giờ con người cứ lao đầu vào nó bởi không biết nó đang sinh diệt, nó khổ. Đặt tên nó là hòn đá ,hòn gạch rồi ái luyến nó , đau khổ khi nó mất…Đây là TẬP ĐẾ.
Ví như một đứa trẻ nhỏ, nó nhìn hòn đá, hòn gạch, kim cương, vàng là như nhau. Với nó chỉ là đồ chơi. Lớn lên khái niệm hình thành đây là hòn đá quý, kìa là hòn gạch thường. Lúc này TẬP ĐẾ xuất hiện và tên gọi là hòn đá , hòn gạch xuất hiện, từ đó mà ra.
7. Hỏi: Tại sao Bát Nhã Tâm Kinh nói ”không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí tuệ và không có chứng đắc”. Hơn nữa kinh cũng nói tận cùng các pháp vốn là Không ?
Trả lời: Khi một hành giả sa vào chấp không, luôn lấy tánh không của vạn pháp ra để nói tức là giai đoạn bệnh nặng và rất khó chữa. Chấp có thì có thể cứu được chứ chấp không thì rất khó cứu. Ngay cả Đức Phật khi đi vào các tầng thiền Vô Sắc ngài rất khó khăn mới thoát ra được, thậm chí suýt mất mạng. Cái trạng thái Không Vô Biên Xứ làm cho hành giả thấy tính rộng lặng của cả thế giới này bao trùm vạn pháp. Thật ra Không nhưng chẳng thật là Không, mà Có chẳng thật là Có vì các pháp Sanh lên rồi Diệt ngay. Ví như ngọn lửa, mới nhìn ta tưởng nó là liên tục nhưng thật ra là từng dòng khí nóng phát sáng nối tiếp nhau để Sanh và Diệt không ngừng.
Việc chấp tánh Không rất khó để sửa vì nó giống như người bị nghiện. Nghiện rượu, nghiện thuốc có thể bỏ được nhưng nghiện tánh Không thì rất khó bỏ. Nên có câu : ”Thà chấp có như núi tu di còn hơn chấp không như hạt cải”. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã từng có câu:
Có thì có tự mảy may
Không thì đến cả thế giới này đều không
Xin đừng chấp có cùng không
Có không đều là trăng đáy nước.
Đã chấp Không thì cái gì cũng phải Không hết (Không thì đến cả thế giới này đều không), nhưng thực tế về lý thì nói Không nhưng vẫn thấy có Ta, có người, có sự tu chứng… thì sao lại nói lý là Không. Thô hơn là thấy mình có cái máy tính, có cái điện thoại, có cái xe máy…lỡ mất một cái hay hỏng vỡ thì cũng đã thấy tiếc rồi.
Vì sao Có và Không đều là trăng đáy nước, vì nó là duyên sinh diệt. Sinh lên rồi diệt nên có đó mà mất đó giống như mặt trăng in trên đáy hồ nước. Bảo bóng mặt trăng in trên đáy nước không có cũng không đúng vì không có sao thấy mặt trăng ở đáy nước, nhưng thử thò tay xuống lấy thì nó tan ra vì mặt nước lay động. Tức là cái Duyên cho mặt trăng hiện lên trên đáy nước đã tan rồi, đã Diệt rồi nên không thấy được nữa.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh chỉ có Bồ tát Quán Tự Tại mới có quyền tuyên bố: ”Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Không có trí tuệ và không có chứng đắc, cũng như Không có già chết và Không có hết già chết”. Vì sao như vậy ? Vì ngài thấy Ngũ Uẩn đều Không. Tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều thấy là Không hết thì mới được tuyên bố điều này. Điều này chính là trạng thái Niết Bàn mà trạng thái đó ngũ uẩn tịch diệt. Điều này thường được nói đến khi các vị A La Hán nhập thiền thứ chín (thiền diệt thọ, tưởng, định), các ngài có thể ngồi 7 ngày 7 đêm mà không bị chi phối bởi ngũ uẩn.
Trở lại với ngài Bồ tát Quán Tự Tại, ngài được ví như người đã ra được biển cả (giải thoát) và đứng đó để tuyên bố sự chứng đắc (qua hết thảy khổ ách). Còn các hành giả chúng ta thì đang đứng trên gềnh, trên thác, trên sông mà chưa ra được đến biển cả. Còn bị mắc kẹt lại ở hai bên bờ bởi chính ngũ uẩn níu kéo, giữ lại.
Nói như vậy để bạn nào đang học đạo mà chấp Không thì tự suy xét. Mỗi người đều có nhưng ba-la-mật phải trải qua mà không ai làm thay được. Giả sử một hành giả nào đó rơi vào chấp Không thì với duyên lành, anh ta gặp bạn lành, thiện tri thức chỉ bảo và thoát ra được. Thực ra việc chấp Không thì hành giả nào học đạo cũng đi qua giai đoạn này nhưng càng ở lâu trong đó càng nguy hiểm, cũng giống như gặp chi Hỷ trong thiền định mà ở lâu trong Hỷ thì tâm sẽ quen dần rồi không bao giờ vượt qua chi Hỷ trong thiền để đi tiếp. Nếu không nhận thức đúng và không gặp thiện tri thức chỉ bảo thì sẽ tiếp tục phải trôi lăn trong dòng chảy của chấp Không ở đời này và đời sau thập chí còn tạo tác nghiệp đến không thể ngừng. Người chấp Không chúng ta rất dễ nhận ra vì lý sự thì anh ta luôn bảo Không còn duy nhất cái Có chính là cái lý chấp Không của anh ta là có mà thôi.
8. Kết luận:Tôi xin tóm tắt lại bài viết như sau:
Bài kinh 1 Chuyển Pháp Luân: Nói lên con người là khổ và sự khổ là do có chấp thủ cái tôi, cái của tôi và tham ái cái tôi. Bài này sau này được Đức Phật giảng kỹ hơn bằng vòng 12 Nhân Duyên ở đoạn Ái-Thủ-Hữu là nguyên nhân đi tái sinh trong luân hồi.
Bài kinh 2 Vô Ngã Tướng: Nói lên ngay chủ thể hay đối tượng (sắc trong là thân, sắc ngoài là đối tượng hay vật bên ngoài) là pháp hữu vi nên bị vô thường hoạt diệt nên khổ. Sau này Đức Phật dạy thiền Tứ Niệm Xứ để thấy và biết rõ các đối tượng Danh và Sắc sinh diệt ra sao khi đang hành thiền.
Khi tôi đặt câu hỏi: Hòn đá có khổ không ? Nghĩa là tập trung đi sâu vào bài kinh số 2 Vô Ngã Tướng, vì bài kinh này có Pháp Hành Thiền để đi sâu bóc tách và phá vở ảo tưởng phơi bày sự thật của tất cả các pháp hữu vi. Nhờ bài kinh này mà 5 anh em ông Kiều Trần Như mới đăc đạo quả A La hán.
Bài kinh 2 làm rõ ràng từng phần trong vòng 12 Nhân Duyên mà căn bản nhất là Vô Minh. Tôi cũng đã viết ”Cổ nhân nói ta khổ là vì ta quên mình theo vật. Khi vật sinh diệt mà ta cứ lao theo. Ta lao theo vì ta bị nhận lầm nó là một vật có có lõi, bên chắc và là của ta. Sự nhận lầm này gây ra mọi tai họa nên gọi là Vô Minh. Tức là không sáng suốt để nhận ra sự thật về Khổ Đế và Tập Đế.”.
Khi nhận ra được các pháp hữu vi là khổ tức là bất cứ đối tượng nào hiện hữu đều chứa đựng sự Diệt tiềm ẩn sẵn có. Nhưng ta bị thân kiến nặng nề tức là cái nhìn đã bị che khuất sự Diệt tiềm ẩn hay Khổ tiềm ẩn của nó. Ta ưa thích nó, chấp thủ nó, muốn nó là ta hay của ta (Ái, Thủ, Hữu) nên tạo ra động lực để đi trong luân hồi: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức.
Như tôi đã nói có 1/3 các bạn ở đây vượt qua được bài kinh số 1 để vào bài kinh số 2, pháp hỷ sinh lên trong các bạn. Phần lớn chúng ta gần như không có khái niệm về Vô Minh là do không nhận ra được Khổ Đế và Tập Đế. Khổ Đế tận gốc của nó là các pháp hữu vi. Tập đế là sự Tham Ái đối tượng là các pháp hữu vi. Nói đến Khổ chỉ thấy con người hay hữu tình là khổ nghĩa là chưa thấy được tận gốc, chưa thấy được tận gốc của Vô Minh. Điều này rất dễ hiểu vì chúng ta có 10 kiết sử để níu giữ chúng ta trong luân hồi mà THÂN KIẾN là nên tảng. THÂN KIẾN là cái nhìn bị che khuất bởi NGHIỆP (vì sinh ra đã nhìn như vậy). Mọi người và vật sinh diệt liên tục nhưng tưởng thường còn. Mọi người và vật trống rỗng không có cốt lõi nhưng tưởng có cốt lõi. Mọi người và vật đều khổ bởi bị bức bách bởi sự Diệt nên Khổ.
Nhiều khi sự Khổ được nói là sự bất toạn nguyện nên sau này rất nhiều người khắc ghi vào tâm là chỉ có vật hữu tình là bất toại nguyện, còn cho là vật vô tình thì không. Bất toại nguyện là KHỔ TÂM. Chỉ có hữu tình mới có. Còn KHỔ THÂN vì bị bức bách sinh diệt thì bất cứ vật hữu tình hay vô tình đều KHỔ. Do chúng ta bị THÂN KIẾN thêm KIẾN THỦ tức là cái thấy biết theo kinh nghiệm của con người nên cho rằng phải có TÂM mới có Khổ. Điều này lại rơi vào bài kinh số 1 Chuyển Pháp Luân. Nên bài kinh số 1 gọi là Pháp Tục Đế, còn bài kinh số 2 là Pháp Chân Đế (cội nguồn của vạn pháp). Cái KHỔ của bài kinh số 2 là cái KHỔ của sự Sinh-Diệt mà bất cứ cái gì có hiện hữu thì sẽ khổ bởi Duyên Diệt tiềm ẩn trong nó. Khổ trong bài kinh số 2 Đức Phật nói không phải là cái Khổ của cảm thọ con người. Cái Khổ của cảm thọ con người được nói đến trong bài kinh số 1 nhưng đến bài kinh số 2 nó cũng bị Sinh-Diệt nên Khổ Thọ hay Lạc Thọ cũng bị Sinh-Diệt. Lấy cái cảm thọ này mà tu tập thì sẽ sai lạc với giáo huấn của Đức Phật.
Sưu tầm bởi thayvabiet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét