Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Nhiều hoạt động mê tín dị đoan tại các chùa chiền

Người dân đắp tiền cầu may lên thân tượng Phật Di lặc ở chùa Bái Đính.
Dọc theo đường lên đền Bà Chúa Kho - làng Cổ Mễ, Bắc Ninh có gần chục chiếc bàn nhận ghi sớ, xem bói, xem tướng, xem chỉ tay… bàn nào cũng chật ních người đứng vòng trong, vòng ngoài. Chen chúc trong dòng người về "vay mượn tiền" là "đội quân" hàng chục người, chủ yếu là phụ nữ đứng tại sân đền sẵn sàng phục vụ nhu cầu khấn vái thuê của khách.

Tại điện thờ chính, một người đàn ông đứng tuổi đang chắp tay vái lia lịa, mắt không nhìn vào ban thờ mà quay sang nhìn một người phụ nữ được anh ta thuê khấn. Thỉnh thoảng người phụ nữ lại dừng lại hỏi tên, tuổi, địa chỉ rồi tiếp tục lẩm nhẩm khấn vái. Khấn xong, chị ta hỏi người đàn ông có tung đồng tiền âm dương lấy may không, nếu đồng ý xin âm dương sẽ phải đưa thêm cho chị ta 5.000 đồng. Người đàn ông đồng ý, nhưng phải tung đến lần thứ 3, đồng tiền mới nẩy mặt dương lên trên. Như vậy, ngoài 2.000 đồng/lượt khấn thuê, người khách nọ phải trả thêm cho người khấn thuê 15.000 đồng tiền tung đồng xu xin lộc thánh.
Chưa đầy một tiếng, người phụ nữ khấn thuê này, đã khấn cho hơn 10 người. Khấn xong, chị ta rút trong túi áo ra một xấp sách tử vi 12 con giáp, các tờ thẻ nài nỉ khách mua. Chỉ trong khoảng sân chưa đầy 50m2, chúng tôi đếm được gần 20 người cầm đĩa khấn thuê. Mặc dù Ban quản lý đền đã đề ra những quy định nghiêm cấm mọi hành vi mê tín dị đoan, nhưng do lượng khách quá đông nên những người khấn vái, rút thẻ vẫn lén lút hành nghề.
Đền Sái (xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) cũng là một trong những điểm đền chùa có nhiều người hành nghề bói toán. Cứ đầu năm, đền Sái lại tụ tập gần chục "thầy" bói dựng cả lều, lán để giải quẻ thẻ kiêm xem bói vận hạn cả năm cho khách. Quãng đường chưa đến 500m dẫn vào đền chật kín người, nhiều người nhẹ dạ, cả tin đứng ngơ ngác buồn rầu sau khi rút phải quẻ thẻ "độc". Họ hỏi các "thầy" cách cúng giải hạn, có người còn tuyên bố sẵn sàng bán cả mảnh đất đang ở để mua chỗ đất khác vì được quẻ "phán" là đất dữ, ở thì sinh bệnh tật, làm ăn lụi bại…
Được người quen giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà thầy S. ở Hà Nam. Dù mới 8h sáng mà khoảng sân rộng nhà “thầy” đã chật cứng xe, biển số từ khắp nơi: Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định… nghe tiếng “thầy” bói tú lơ khơ mà cứ đọc vanh vách chuyện trong nhà, trong dòng tộc, chuyện đất cát, mồ mả và tính cách của từng người.
Giữa tiếng người đến xem tán chuyện xôn xao, rồi con cháu, họ hàng đến chúc Tết mà “thầy” S. vẫn nói sang sảng, khiến những cái đầu cứ gật gật thán phục. Nhất là khi “thầy” S. vừa xếp bài vừa phán ngay chồng sắp cưới của một cô gái ở Hưng Yên làm nghề gì khiến cả bố mẹ và người cô đi cùng phục sát đất. Thực ra, do vừa nãy nghe được câu chuyện của mấy mẹ con nhà cô gái về chuyện cưới xin, trong đó bà mẹ có nhắc đến nghề nghiệp của con rể tương lai, “thầy” đã nghe lỏm được.
Bên cạnh vấn nạn bói toán là thực trạng sách tử vi, mê tín dị đoan được bày bán tràn lan. Quanh các chùa lớn như chùa Quán Sứ, chùa Hà, Phủ Tây Hồ luôn có hàng chục mẹt, sạp bán "hàng" di động. Thoáng thấy bóng Công an, các quán hàng di động này chạy vào chùa để… trốn.
Tại chùa Hà, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến hàng chục sạp hàng bày bán các loại sách mê tín dị đoan công khai trước cửa chùa. Năm nào cũng chỉ ngần đấy loại sách, thậm chí có cả các cuốn được xuất bản trước năm 1975 nhưng vẫn bán chạy. Điều lạ là các sạp bán sách mê tín dị đoan đã tồn tại từ rất nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn không dẹp được (?!).
Ngọc Yến - Tố Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét