Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Tội tà dâm

Thường thường ta vẫn tự hào là mình không phạm tội tà dâm. Nhưng đa số vẫn thích xem những cuốn phim dâm đãng, trình bầy những câu chuyện trụy lạc.
Các ngươi có nghe lời dạy rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Nhưng ta nói cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người ấy rồi. (Ma-thi-ơ)
Lời dạy của Chúa Giê-xu chú trọng vào tính chất của tội tà dâm hơn là hành động tà dâm. Nói khác đi, Chúa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của tội này, đó là tư tưởng xấu xa trong tâm hồn. Người Pha-ri-si và các lĩnh tụ tôn giáo thời ấy chỉ chú ý đến hành động tà dâm mà không quan tâm đến tư tưởng hư xấu trong đầu óc. Vì vậy, khi nào không hành động, hay là không bị bắt quả tang thì chưa thể nói là có tội. Đây là lối dạy thu hẹp điều răn này, và làm cho nhiều người cảm thấy vô tội, mặc dù tâm hồn tràn đầy tham dục và tội ác.
Trong xã hội loài người ngày nay tội tà dâm gần như không còn bị lên án nữa. Nhiều khi kẻ phạm tội còn được bào chữa là có vấn đề tâm lý hay sinh lý nào đó.
Một phương diện khác, người ta bảo rằng con người tiến hoá từ loài vật nên vẫn còn mang ít nhiều tính khí của loài vật. Vì vậy ý thức về tội hoặc là phủ nhận, hoặc là tránh né đi.
Nhưng đó là lối lý luận của loài người tội ác. Kinh-thánh là lời Chúa lên án rất gắt gao về tội. Một trong những chủ đề quan trọng nhất của Kinh-thánh là Tội. Đó là lý do chúng ta cần học Kinh-thánh xem thử vấn đề tội được trình bầy như thế nào. Nguyên nhân và kết quả của tội, phương pháp giải quyết nan đề tội.
Tất cả các nan đề trong Hội Thánh hay ngoài xã hội ngày nay là người ta đã không hiểu rõ vấn đề tội. Người ta vẫn chủ trương rằng con người càng văn minh thì càng ý thức được vấn đề tội và càng tránh xa tội. Người ta cũng đổ lỗi cho tội là do thiếu giáo dục, và tin rằng nếu phát triển giáo dục sâu rộng, thì tội phạm chắc chắn sẽ giảm đi. Như thế, người ta cho rằng văn minh và giáo dục tốt sẽ thải trừ tội ác và con người sẽ sống trong sạch. Giấc mơ ấy hoàn toàn là ảo giác, vì con người không bao giờ tiến hóa đến chỗ tốt hơn mà chỉ sa vào những vũng lầy tội ác nhơ nhớp hơn mà thôi.
Khi không có ý thức thật chính xác về tội, con người sẽ phủ nhận cả cái chết hi sinh chuộc tội của Chúa Giê-xu.
Tại sao Chúa Giê-xu chịu hi sinh trên thập giá? Tại sao Chúa nhất định tiến về Giê-ru-sa-lem mà không chịu nghe theo lời các môn đệ để đổi hướng đi? Tại sao Ngài nói rằng, nếu Ngài muốn, Ngài có thể gọi 12 đạo thiên sứ đến bảo vệ cho Ngài? Ý nghĩa thật của cuộc hi sinh trên thập tự của Chúa Giê-xu là gì? Câu trả lời ngắn gọn nhất là Tội. Chúa vào đời hi sinh chết trên thập giá không phải vì tội của Chúa, vì Chúa hoàn toàn vô tội, nhưng vì tất cả nhân loại. Tất cả mọi người đều đã phạm tội và chờ đợi để bị trừng phạt. Nhưng Chúa Giê-xu đã thay đổi tình trạng tuyệt vọng ấy bằng cách chết thay cho tất cả.
Đức Chúa Trời đã từng lên án tội, sai các sứ giả của Ngài cảnh cáo tội của nhân loại, nhưng sau cùng, Ngài đã sai chính con Ngài là Chúa Giê-xu vào đời để thể hiện tình thương của Ngài. Cái chết của Chúa Giê-xu là một giải pháp duy nhất cho con người được cứu khỏi tội và khỏi bị trầm luân.
Người tin Chúa sẽ được tái sinh. Nghĩa là cuộc đời thay đổi hoàn toàn hướng đi và lối suy tư. Tâm hồn hướng về những đức độ cao đẹp và noi gương Chúa sống đời thanh sạch, lánh xa tội ác. Đây là điều chỉ có quyền năng tái tạo của Chúa làm được cho con người.
Tin mừng cho nhân loại không phải là tin Chúa để được hưởng phúc lộc, nhưng là để được giải phóng khỏi tội ác, là thứ gông cùm tự con người không phá vỡ được.
Khi Chúa Giê-xu đề cập đến tội tà dâm, Chúa nhấn mạnh vào chiều sâu hay là sức mạnh của tội.
Tội không phải chỉ là hành động hay việc làm, nhưng là những gì tự trong tâm hồn ta đưa đến hành động. Chúa nhấn mạnh về tội tà dâm trong lòng, vì đó là nơi xuất phát hành động. Tội tà dâm chỉ là triệu chứng của một cơn bệnh gọi là tội. Triệu chứng không quan trọng bằng cơn bệnh. Triệu chứng có thể mang nhiều sắc thái. Tôi có thể thấy một người nằm liệt trên giường, úp mặt xuống gối, thở hào hển vì đau đớn và khó thở, tôi bảo rằng người ấy có bệnh sưng phổi hay một bệnh nào đó. Nhưng tôi cũng có thể thấy một người nằm trên giường ngay ngắn, có vẻ không có gì đau đớn cũng không có vẻ khó thở, trông như người ấy thoải mái lắm, nhưng rất có thể trong thân thể người ấy có một tật bệnh nào đang ăn dần sức sống của người ấy, và sẽ đưa người ấy đến chỗ chết nhanh cũng như người có vẻ bệnh nặng kia. Như thế không phải cách đau và triệu chứng đáng cho ta quan tâm, mà là thực sự là cái chết. Triệu chứng không quan trọng bằng bệnh là như vậy.
Chúa Giê-xu dạy rằng: một người chưa có hành động tà dâm không có nghĩa là người ấy vô tội. Phải xét tấm lòng của người ấy. Trong lòng người ấy có căn bệnh tà dâm hay không? Điều quan trọng hơn cả là bản chất tội trong con người, đã từng làm người sa ngã.
Chúa đã tạo dựng con người với bản chất thánh thiện, vô tội, nhưng người vì có lựa chọn, vì được tự do, nên đã chọn việc làm trái ý Chúa và trở thành có tội. Từ đó sức mạnh của tội chiếm ngự tâm hồn người, nên mới tham lam và chỉ mong chiếm đoạt.
Tội rất là tế nhị. Thường thường ta vẫn tự hào là mình không phạm tội tà dâm. Nhưng đa số vẫn thích xem những cuốn phim dâm đãng, trình bầy những câu chuyện trụy lạc. Mỗi khi mở tờ báo thấy có chuyện tình tan vỡ hay là chuyện li dị, ta rất thích đọc. Những ý thích đó chính là đầu mối dẫn ta đến chỗ thèm muốn nhục dục và chỉ còn một bước ngắn là đến chỗ phạm tội tà dâm. Như vậy có tham dục, có lòng tham, muốn chiếm đoạt đã là phạm tội, chứ không đợi cho đến lúc hành động. Hành động chỉ là kết quả của việc un đúc tình dục trong lòng. Như thế, chưa ăn nằm với người mà mình thèm khát dục tình, cũng đã phạm tội rồi.
Tội phát xuất từ khi ta bắt đầu ưa thích một điều trái đạo, muốn bàn cãi về điều ấy, lúc nào cũng hướng về việc ấy và tìm cách nào để được thỏa mãn.
Một điều khác ta cần nói đến là khuynh hướng phạm tội. Nhiều người nói rằng mình sinh ra có các tính xấu như vậy, nên không thể tránh tội được. Các tính như lẳng lơ, mê gái, nhẹ dạ, trai lơ, lãng mạn, đào hoa, v.v. thường bị gán cho là bẩm sinh như vậy. Thật ra đây chỉ là cách giải thích những hành vi xấu xa mà động cơ tham dục đưa đến. Người nào cũng có những tính xấu kể trên cả, chỉ biểu lộ khác nhau mà thôi. Những người càng can đảm bao nhiêu thì càng dễ phạm tội bấy nhiêu. Trái lại những người tính nhút nhát, lần lữa lại nhiều khi tránh được tội. Nhưng trên cân công lý của Chúa, cả hai đều phạm tội như nhau, chỉ khác nhau về trường hợp mà thôi.
Khuynh hướng phạm tội có thể trừ bỏ được. Khuynh hướng ấy luôn luôn cong vẹo, không ngay thẳng. Chúa Giê-xu dạy thêm trong các câu sau đó rằng: "Nếu tay hữu ngươi xui cho ngươi phạm tội thì hãy chắt mà ném nó cho xa ngươi đi". Nghĩa là ta có bổn phận kiềm chế tư tưởng, khuynh hướng của mình. Ta cần minh định tư tưởng trước khi có thái độ và hành động. Nói khác đi, ta cần ngăn chặn tội từ trong tư tưởng. Đừng tạo cho tư tưởng phạm tội, vì trước sau cũng đưa đến hành động.
Tư tưởng là điều Chúa tạo nên trong con người của ta, tư tưởng rất là quý chuộng, nhưng tội ác đã làm tư tưởng ô uế và do đó gây hại cho cả đời một người. Khi ta tin nhận Chúa Giê-xu thì điều đầu tiên ta nhận được là tư tưởng mới trong một con người tái tạo. Khuynh hướng phàm tục tội lỗi sẽ được thay thế bằng khuynh hướng thánh thiện cao đẹp tốt lành. Khi đọc Lời Chúa, tâm hồn ta mở rộng đón nhận và linh hồn ta cảm thấy sung sướng. Vì niềm tin nơi Chúa cho ta ánh sáng trong tâm linh để tránh những tư tưởng hư xấu đồi trụỵ mà hướng về chân lý cao trọng của Chúa, đó là điều mà tâm linh ta khao khát. Như thế Chúa chính là đối tượng của tâm linh.
Tội cũng là một điều tai hại. Chúa Giê-xu dạy: "Nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi. Vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào hỏa ngục." Tội lỗi hủy phá con người, đưa sự chết vào đời người và thế gian. Tội luôn luôn đưa đến chết, và cuối cùng là đau khổ và bị trừng phạt. Tội là một điều Chúa ghét. Vì vậy cửa ngõ đưa tội vào tâm hồn cần phải đóng chặt lại để thà chịu thiệt thòi tạm thời mà không mất cả đời người. Tránh không xem một cuốn phim đồi trụy hay một bài báo dâm dật, có thể làm ta không thỏa lòng hay bất mãn, nhưng bảo vệ được đời sống khỏi sa ngã phạm tội và bị phá hủy trong hỏa ngục.
Trên thực tế, Chúa không bảo ta khoét mắt, chặt tay đi, nhưng chính là dạy ta biết ngăn ngừa tội từ khi nó mới xâm nhập vào tư tưởng ta. Phòng bệnh bao giờ cũng hơn là mắc bệnh rồi mới lo chữa. Tội cũng vậy.
Chúng ta đừng đọc điều răn: "Ngươi chớ phạm tội tà dâm" như là cho người khác, và tự hào là mình vô tội. Hãy đến với Chúa, xin Chúa thanh tẩy tư tưởng và khuynh hướng phạm tội trong ta, xoay hướng cuộc đời ta về phía Chúa để ta thèm khát Chúa tha thiết còn hơn khi ta thèm khát phạm tội nữa.
Cảm tạ ơn Chúa, vì Chúa chấp nhận ta là kẻ phạm tội, bằng lòng chết thay cho ta, tái tạo ta hoàn toàn. Ta có mong được Chúa làm chủ cuộc đời mình hay chăng?
vietchristian.com
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét