Đường sanh tử - Đường bất tử
Muốn ra khỏi luân hồi, giải thoát sanh
tử thì nơi mình có sẵn cái không, tựa vào đó rồi dùng cái biết sẵn chưa
từng sanh chưa từng diệt làm tâm, sử dụng hai thứ thân và tâm không
sanh diệt này thì nhắm mắt thân thênh thang, tâm cũng thênh thang.
Hôm rồi tôi có giảng kinh Bát-nhã, hôm
nay tôi sẽ bổ túc thêm những ý hay trong kinh Bát-nhã mà lần trước tôi
chưa nói hết, kế đó tôi sẽ nói về kiến giải điên khùng của tôi.
Trước hết là phần giảng kinh. Ở đây
không giảng từng câu, từng chữ trong Bát-nhã vì tôi đã giảng kinh này
đôi ba lần rồi. Những từ ngữ, những ý nghĩa thông thường quí vị đã nghe,
bây giờ tôi nói những ý nghĩa vượt ngoài sự thông thường.
Nói đến kinh Bát-nhã ai cũng thuộc
lòng. Bát-nhã Tâm Kinh thuộc hệ thống Bát-nhã. Chúng ta thử đặt lại câu
hỏi: “Trong Ngũ thừa Phật giáo, hệ thống Bát-nhã thuộc thừa nào?” Nắm
được chỗ đứng của Bát-nhã, chúng ta mới hiểu Bát-nhã. Ngũ thừa Phật giáo
gồm có: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và
Bồ-tát thừa. Nhân thừa, Thiên thừa dạy chúng sanh tu để được trở lại làm
người hay sanh lên cõi trời. Thanh văn thừa, Duyên giác thừa dạy chúng
sanh tu chứng Tứ quả A-la-hán, quả Duyên giác. Kinh Bát-nhã thuộc về
Bồ-tát thừa, qua cả Thanh văn, Duyên giác đi thẳng tới Bồ-tát, cao như
thế.
Hiểu vậy khi học kinh chúng ta mới
thấy ý nghĩa cao siêu của kinh. Kinh Bát-nhã có sau hệ thống kinh A-hàm.
Mở đầu bài Bát-nhã, Phật nói: - Bồ-tát Quán Tự Tại hành thâm Bát-nhã
ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ
ách.Đối với Bồ-tát thừa, Phật nói thẳng ngũ uẩn giai không. Để cho quí
vị dễ hiểu, chúng tôi nhắc lại hệ thống A-hàm. Kinh A-hàm, Phật tùy
thuận chư thiên mời thỉnh dùng phương tiện giáo hóa. Bởi vì khi thành
đạo rồi, Ngài do dự không muốn đi giảng. Ngài tự than giáo lý của ta
thấy, ta ngộ, nói ra không ai hiểu nên không muốn giáo hóa. Do đó chư
thiên hiện ra, đảnh lễ cầu Phật dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh.
Đức Phật nhận lời, sau đó Ngài quán sát những chúng sanh nào có duyên
với Ngài thì hóa độ.
Hội ban đầu ở vườn Lộc Uyển, Phật nói
kinh Tứ đế. Đó là Ngài dùng phương tiện giáo hóa, chớ chưa phải chỉ lẽ
thật Ngài đã thấy. Chúng ta nhớ, trong giáo lý Tứ đế Phật nói Khổ đế đầu
tiên. Tại sao Phật lại nói khổ? Bởi vì chúng sanh mê lầm cho thế gian
là vui. Thế gian cho năm dục: tài, sắc, danh, thực, thùy là vui. Tài là
tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh lợi, thực là ăn ngon, thùy ngủ
kỹ. Năm thứ này thế gian cho là vui thích. Đối lại năm thứ vui ấy, Phật
nói bốn thứ khổ của thân là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Kế
nữa Phật nói bốn thứ khổ của tâm là ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ,
cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Ái biệt ly khổ là những người mình
thương mến phải xa lìa, như mất cha, mất mẹ, mất anh em, mất người
thân. Oán tắng hội khổ là kẻ mình thù ghét cứ gặp mặt, làm việc chung
hoài nên khổ. Cầu bất đắc khổ là những gì mình mong muốn nhưng không
được như ý nên khổ. Ngũ ấm xí thạnh khổ là thân năm ấm này sanh ra chứng
tật, đủ thứ bệnh hoạn nên khổ. Thế gian thấy ngũ dục là vui, trong khi
đạo Phật nói tới tám thứ khổ. Đó là vì muốn đối trị lại tâm mê lầm,
tưởng thế gian vui rốt cuộc chỉ toàn đau khổ.
Quí vị thấy thân này thật không? Nếu
thấy thân thật là đang ở trong vô minh. Tại sao? Vì ai cũng biết thân
này nhiều lắm bảy, tám chục năm cũng phải hoại. Có rồi hoại, làm sao
thật được. Thật thì không hoại, còn hoại thì không thật. Cho nên thấy
thân thật là thấy sai sự thật. Do thấy sai sự thật nên đắm mê nó, Phật
gọi là vô minh. Chúng ta được mấy người ra khỏi vô minh? Rất ít. Bởi
vậy, tiếp nối sanh tử không cùng. Đó là chỗ chư Phật thương xót, chúng
sanh chìm trong sanh tử không biết lối ra.
Đức Phật dùng lý nhân duyên để giải
thích thân này do nhân duyên hòa hợp mà thành, nó không tự có. Bắt đầu
từ vô minh lần lần tiếp nối cho đến sanh lão bệnh tử, khiến chúng sanh
đi mãi trong luân hồi sanh tử. Chúng ta thấy thân thật là nắm tay nhau
mà đi trên đường luân hồi sanh tử. Chừng nào thấy thân này hư giả không
thật, ai chửi cũng cười, mắng cũng cười, đó là ta chuẩn bị ra khỏi vòng
vô minh.
Lâu nay người ta bảo giới xuất gia là
giới tu để giải thoát sanh tử, như vậy tại sao chúng ta lại đồng ý đi
trong sanh tử? Đó là điểm yếu của mình. Chúng ta nguyện thoát ly sanh tử
mới cạo đầu xuất gia, bỏ cha bỏ mẹ, tất cả quyến thuộc, đi vào đạo với
mục đích vạch một con đường giải thoát để cứu mình và những người thân
đang trầm luân. Ta đã nguyện như thế mà bây giờ cứ tiếp tục đi trên
đường trầm luân thì chừng nào cứu được?
Qua lý nhân duyên chúng ta thấy thân
này do duyên hợp tạm bợ, không thật nên không có vấn đề gì quan trọng.
Bản thân ta không thật thì việc khen chê, thương ghét cũng không thật.
Chúng đã không thật tại sao ta bị quay trong đó, không ra khỏi? Như có
người phê bình thầy hay cô tu dở quá, quí vị giận không? Người ta nói sự
thật để mình tỉnh mà lại giận, có phải vô minh không? Chúng ta nói tu
mà không dám nhận sự thật, cứ ôm ấp mê lầm, rồi cùng dẫn nhau đi trong
luân hồi không có ngày ra. Đó là chỗ hết sức quan trọng. Vì vậy Phật nói
Tứ đế, Thập nhị nhân duyên để phá chấp cho cuộc đời là vui, phá chấp
cho thân này là thật.
Tất cả giáo lý của Phật đều xoay quanh
con người, chỉ cho chúng ta thấy thế nào là duyên hợp, thế nào là khổ
để mình biết mà thức tỉnh, không say mê trong đó nữa. Ai tu theo pháp Tứ
đế đến nơi đến chốn sẽ chứng Tứ quả Thanh văn, gọi là Thanh văn thừa.
Ai tu theo pháp Thập nhị nhân duyên chứng được lý nhân duyên gọi là
Duyên giác thừa.
Kế đến Bồ-tát thừa. Bồ-tát lấy giác
ngộ làm chân, chớ không đối trị như Thanh văn, Duyên giác. Vì vậy nói
tới Bồ-tát là nói tới giác ngộ. Kinh Bát-nhã, Phật nói với Bồ-tát, Ngài
dạy chỉ cần chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách,nghĩa
là soithấy năm uẩn đều không liền qua hết khổ nạn. Ở đây Phật không nói
khổ, không nói duyên hợp gì hết, chỉ biết thân năm uẩn là không thì qua
hết tất cả khổ. Tại sao? Phàm những gì có hình tướng do nhân duyên hợp
thành đều vô thường, mà cuối cùng của vô thường là không. Như nói cái
nhà vô thường, bởi vì khi nó gãy mục hết sẽ thành không. Con người cũng
vậy, vô thường nên cuối cùng tan rã thành không. Như vậy không là kết
quả cuối cùng của tất cả sự vật có hình có tướng. Phật dạy soi thấy năm
uẩn đều khônglà đi tới kết thúc, không còn phân biệt khổ, phân biệt nhân
duyên quanh co, mà đi thẳng vào không, thấy rõ ràng là không. Thấy như
thế nên hết khổ.
Chúng ta đọc chiếu kiến ngũ uẩn giai
không mà thấy toàn là giai hữu. Phật dạy một đường mình hiểu một ngả,
không hiểu theo Phật, nên không qua khổ nạn được. Khổ nạn nào chúng ta
cũng mắc kẹt. Tăng Ni ở các Thiền viện, lấy kinh Bát-nhã làm cơ bản tụng
niệm hằng ngày. Đó là quí vị đang đi trên con đường của ai? Của Bồ-tát,
chớ không phải của Thanh văn, Duyên giác. Hiểu như vậy, mới biết rõ
được chỗ đứng của mình.
Bồ-tát thừa thì không có thứ bậc, đi
thẳng đến chỗ cuối cùng. Như Tứ đế nói thân này sanh, già, bệnh, chết,
Bát-nhã nói thân này là không, nghĩa là chết rồi trở về không. Như vậy
nói không là nói chỗ kết thúc của thân này. Tất cả tâm duyên theo cảnh
cũng là không. Như vậy Bát-nhã thấy tột lẽ thật ngũ uẩn là không, do
thấy tột ngũ uẩn là không nên hết khổ.
Mở đầu Bát-nhã Tâm Kinh, Phật nói
Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Trí tuệ Bát-nhã thấy năm uẩn là không, bởi
giác ngộ nên Ngài qua hết tất cả khổ nạn. Chúng ta không ai quên câu này
nhưng lại không thấy như Bồ-tát Quán Tự Tại. Phật giải thích từng phần
cho ngài Xá-lợi-phất nghe. Trước hết Phật nói Sắc uẩn là không, vì Sắc
uẩn là tứ đại. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa trong thân chúng ta. Da
thịt gân xương là đất. Nước mắt, mồ hôi máu mủ là nước. Thở ra, hít vào
là gió. Hơi ấm trong người là lửa. Tứ đại hòa hợp thành Sắc uẩn, Phật
nói nó là không. Tại sao? Vì cái gì do duyên hợp thì phải tan. Tan thì
thành không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế, đều là không. Câu chót
Phật nói thị chư pháp không tướng, chỗ này là điểm quan trọng trong
buổi giảng hôm nay.
Thị chư pháp không tướng nghĩa là
tướng không của các pháp. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không sanh, không
diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Hồi xưa tôi không
dám nói tướng không của các pháp là không, mà tôi nói thân do duyên hợp
nên không có chủ thể, không có chủ thể nên gọi là không. Gọi không như
thế là tánh không chớ không phải tướng không. Đó là chỗ trước kia tôi bị
kẹt. Một buổi khuya ngồi thiền chừng một giờ, bất chợt tôi nhớ lại, tại
sao tướng không mà mình lại giảng tánh không? Vừa đặt câu hỏi xong tôi
tự trả lời, tự giải quyết ngay. Giải quyết được rồi tôi rất vui.
Sở dĩ trước kia tôi giảng các pháp
duyên hợp không chủ thể gọi là không, vì tôi nghe quí Hòa thượng dạy:
“Thà chấp có bằng núi Tu-di, không nên chấp không bằng hạt cải.” Tôi
nghĩ nếu mình nói không trơn, không trống rỗng, sợ người ta chấp không
thì mang tội, vì vậy tôi nói các pháp duyên hợp không chủ thể nên gọi là
không, để tránh cái chấp không. Tôi không ngờ cái chấp không của các
bậc Tôn túc dạy là chấp không có thiện, không có ác, không tội, không
phước, không nhân, không quả, không nghiệp báo luân hồi. Đó gọi là chấp
không.
Còn kinh Bát-nhã thấy triệt để được
tướng không của các pháp, thấy bằng trí tuệ tướng không của các pháp,
chớ không phải chấp không. Tự giải quyết xong điều này, tôi vui quá. Giờ
ngồi thiền còn lại trở về sau, toàn là những kiến giải điên khùng nổi
dậy, hết cái này tới cái kia, suốt luôn tới sáng không quên. Vì vậy phần
giảng kinh tới đây dừng, tôi sẽ nói sang phần kiến giải điên khùng.
Lâu nay tôi cứ sợ nói không là chấp
không, nhưng sự thật không phải vậy. Ở đây nói không là đối với những
vật có hình, do sắc chất kết tụ thành nên có sắc. Những thứ đó gọi là
tướng có, vì có hình thể, có sắc chất. Còn cái không có hình thể, không
có sắc chất gọi là tướng không. Một bên tướng có, một bên tướng không.
Nếu không có tướng không, làm gì có tướng có, vì hai thứ đối đãi nhau.
Cho nên nói tới tướng có thì phải chấp nhận tướng không.
Tướng không là tướng thế nào? Hồi xưa
tôi cứ mắc kẹt chỗ này. Tôi nghĩ không thì không có tướng, vì có tướng
phải có hình thức, có vật thể. Không hình thức, không vật thể làm sao
nói có tướng được. Nhưng Phật xác định tướng không đối với tướng có. Có
sắc chất, có hình thể là tướng có. Không sắc chất, không hình thể là
tướng không. Cho nên cái không là cái thực hữu. Nói thế có điên không?
Tướng có như thân này, như cái nhà, như cây cối trước mắt chúng ta nhìn
thấy, những tướng đó là tướng thật hay tướng giả? - Tướng giả. Như vậy
tướng nào tướng thật? Đó là điều chúng ta mắc kẹt.
Phàm những gì duyên hợp mà thành đều
là giả tướng, còn tướng không không có duyên hợp. Có khi nào nó thay đổi
không? Muôn đời không vẫn là không. Chúng ta đọc kinh thấy chữ thật
tướng, mà không biết tướng thật là tướng nào. Chỉ nhớ những tướng mắt
thấy, tay sờ mó được cho là tướng thật, không ngờ tất cả những tướng ấy
là tướng duyên hợp, hư giả. Còn tướng không mới là tướng thật muôn đời
không thay đổi.
Chúng ta lâu nay nghe nói không là sợ,
đâu ngờ cái không đó lại là cái thật, cái có tướng mới là cái giả. Tôi
nói cái không là thật, cái có là giả, như vậy có điên không? Điên rồi.
Cả trăm, cả triệu người thấy các tướng của sự vật là thật, tướng không
là không có gì. Bây giờ tôi lại thấy tướng không là thật, các tướng kia
là giả, không phải điên là gì?
Kinh Bát-nhã nói thật tướng là vô
tướng, không có tướng mới là tướng thật. Chúng ta chú ý tới câu không
tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, cái
tướng không đó không sanh, không diệt, đời đời không bao giờ thay đổi,
còn cái gì sanh diệt luôn luôn thay đổi. Không nhơ, không sạch, không
thêm, không bớt là không có hai bên, không có đối đãi. Như vậy nói tới
tướng không là cái không sanh diệt, không đối đãi. Chúng ta tu nhập
Niết-bàn là nhập cái gì? Niết-bàn là vô sanh, nên nhập Niết-bàn là nhập
vô sanh. Chúng ta có cái không ấy chính là vô sanh mà lại bỏ qua, chạy
theo cái sanh diệt.
Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp.
Tứ đại là đất, nước, gió, lửa, ai cũng biết rồi. Các kinh A-hàm chỉ nói
tới chừng đó thôi, nhưng qua Bát-nhã thì thêm một đại nữa, đó là không
đại. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật còn nói thêm thức đại, kiến đại, tổng
cộng là bảy đại. Đất, nước, gió, lửa dễ hiểu rồi, nhưng không đại thì
thế nào? Bây giờ quí vị tự kiểm lại trong thân mình, phần hư không nhiều
hay ít? Hai lỗ mũi trống tức là không, lỗ tai trống là không, cổ họng
trống là không. Trong con người chúng ta, cái không luồn sẵn khắp hết.
Bao tử chứa được cơm cũng nhờ trống, những mạch máu trống mới dẫn máu
chạy khắp thân, lá phổi nở tóp cũng nhờ trống. Cả thân mình từ đầu đến
chân, mỗi lỗ chân lông đều trống, đều thưa hở hết. Kiểm lại phần trống
trong thân rất nhiều.
Trong tứ đại, thiếu một đại nào chúng
ta còn giải quyết chậm một chút, chớ không đại mà thiếu thì sao? Lỗ mũi,
cổ họng bít lại thì sao? - Thì chết. Như vậy không đại hệ trọng đối với
sự sống của chúng sanh đến cỡ nào? Vậy mà chúng ta đâu thèm biết tới
nó, cứ lo bồi bổ mấy thứ có. Thiếu nước, thiếu đất liền lo đem vô, còn
cái không thì quên mất.
Kế đến thức đại. Chúng ta có sáu căn:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mỗi căn đều có thức phân biệt. Thức trùm
hết cả người nên gọi là thức đại. Cuối cùng là kiến đại, đại này nghe
hơi lạ, tôi sẽ nói sau. Bây giờ quí vị nhìn lại không đại trong con
người chúng ta với hư không trống rỗng bên ngoài, là một hay khác? -
Không hai. Giả sử thân này rã ra, cái không trong người chúng ta sẽ nhập
với hư không. Không không có hai, không có ranh giới. Ở trong người
mình, cái không ít nhưng thân này rã ra, nó hoà nhập với hư không bên
ngoài, chớ không riêng khác. Hư không thì không hai. Chúng ta có sẵn cái
không ấy ở trong con người mình.
Kiểm lại đất, nước, gió, lửa, bốn thứ
đó là vô tri. Đến cái không là vô tri hay hữu tri? - Cũng vô tri. Như
vậy phần vô tri của thân là tứ đại và không đại. Thức đại thì hữu tri,
vì thức là tâm thức phân biệt nên hữu tri. Thức phân biệt là thức sanh
diệt. Đến kiến đại, nói đủ là kiến văn giác tri tức thấy, nghe, cảm xúc
và biết. Cái đó hằng hữu, không tướng mạo, không sanh diệt mà thường
biết. Như lỗ tai hay nghe, cái hay đó có tướng mạo gì không? Con mắt hay
thấy có tướng mạo gì không? Như vậy cái nghe, cái thấy v.v… không có
tướng mạo, thường hằng hữu, nó thuộc phần kiến đại. Nhưng thấy mà khởi
niệm phân biệt là qua thức rồi.
Chúng ta có hai phần:
1. Thân và tâm sanh diệt. Thân sanh
diệt là thân tứ đại. Tâm thức sanh diệt bám theo tứ đại phân biệt hơn
thua, phải quấy, thương ghét v.v… gọi là thức. Nó đi theo con đường của
tứ đại, duyên hợp sanh diệt. Nếu chúng ta cho thân tứ đại là thật thì
cũng cho thức phân biệt là thật. Cho thức là tâm mình, tứ đại là thân
mình. Khi tứ đại này mất nhất định sẽ bám vào tứ đại khác, do tâm thức
mang nghiệp lành dữ. Như vậy tâm thức mang nghiệp lành dữ để đi tới thân
tứ đại khác, tốt xấu tùy theo nghiệp lành hay dữ. Đó là chúng ta đi
trong con đường sanh tử không có ngày dừng.
2. Thân và tâm không sanh diệt. Không
đại là cái bất sanh bất diệt, dùng kiến đại để hoà nhập với không đại.
Kiến đại hằng hữu không sanh, không diệt mà thường giác, thường tri. Lấy
cái thường giác, thường tri, không sanh, không diệt đó làm tâm mình,
nhà Phật gọi là Chân tâm hay Phật tánh. Tâm bất sanh bất diệt là Tánh
giác. Lấy tướng không vô tri không sanh không diệt làm thân. Thân và tâm
không sanh không diệt hòa nhập nhau, gọi là nhập Pháp thân. Pháp thân
bao lớn? Trùm khắp hết. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Như vậy nơi chúng ta có đủ hai phần:
Phần tướng sanh diệt là tứ đại, tâm sanh diệt là thức đại. Sống với
tướng và tâm sanh diệt thì đi một chùm trong luân hồi. Phần tướng không
sanh diệt là không đại, đi chung với tâm bất sanh bất diệt là kiến đại.
Sống với tướng và tâm bất sanh bất diệt thì đi theo đường giải thoát.
Cho nên giải thoát và trầm luân nơi chúng ta có đủ hết.
Người tu chọn đường nào? Chọn đường
trầm luân hay giải thoát? Chúng tôi bắt quí vị ngồi thiền để làm gì? Để
dẹp tâm sanh diệt. Nó lặng hết mới sống với tâm vô sanh được. Sống với
tâm vô sanh mới hòa nhập với thân hư không vô sanh. Nếu chúng ta cứ buồn
thương, giận ghét thì sống với thức sanh diệt, hòa nhập với tứ đại sanh
diệt, do đó đi mãi trong luân hồi sanh tử. Đó là chỗ thấy điên khùng
của tôi.
Tới đây tôi mới thấy lâu nay mình tu
hời hợt quá, nên con đường giải thoát rất lờ mờ. Cứ chạy tìm cái bên
ngoài mà quên cái sẵn ở trong. Phật xác định tướng không của các pháp là
không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch… rõ ràng như vậy. Đọc Tín
Tâm Minh tôi thấy Tổ Tăng Xán nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản
trạch, đản mạc tắng ái, đổng nhiên minh bạch.” Nếu không có thương ghét
thì đại đạo rõ ràng trước mắt.
Bây giờ chúng ta thương ghét nhiều ít?
Quá nhiều! Thương ghét quá nhiều thì chắc chắn đời sau đi nữa, nhưng
không biết đi đâu? Thượng tầng là cõi trời, trung tầng là dân gian, hạ
tầng là thấp nữa. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ thức phân biệt là tâm, bám
vào đó để phân biệt chia chẻ, khôn dại, hơn thua, phải quấy, tốt xấu… cả
ngày cái đầu không dừng suy nghĩ. Tâm thức là một dòng sanh diệt, thấy
đó rồi mất đó, tìm lại không có mà chúng ta lấy nó làm tâm, lấy tứ đại
làm thân. Tứ đại vô thường sanh diệt, thức cũng vô thường sanh diệt, lấy
hai cái sanh diệt làm mình thì muôn kiếp đi trong luân hồi, không thể
nào ra khỏi.
Muốn ra khỏi luân hồi, giải thoát sanh
tử thì nơi mình có sẵn cái không, tựa vào đó rồi dùng cái biết sẵn chưa
từng sanh chưa từng diệt làm tâm, sử dụng hai thứ thân và tâm không
sanh diệt này thì nhắm mắt thân thênh thang, tâm cũng thênh thang.
Hồi xưa tôi nghĩ hơi dốt một chút. Tôi
nói hư không trong người mình ít xịu, có chút thôi mà hư không bên
ngoài quá lớn, làm sao hòa nhập được. Nhưng bây giờ thấy rõ hư không
không có giới hạn, không lớn nhỏ. Nhỏ lớn là tại cái khung đóng nó lại,
chớ hư không là hư không, giở cái khung ra thì hư không chỉ có một. Hư
không của thân hòa nhập với hư không của vũ trụ là một, không phải hai.
Nếu lấy hư không làm thân thì cả vũ trụ là thân mình. Tu như vậy thân
tâm mới trùm hết, nên nói trùm pháp giới. Tâm suy nghĩ, so lường thì có
hình tướng, có sanh diệt, còn tâm hằng tri hằng giác, không suy nghĩ mà
hằng biết, không lúc nào vắng mặt. Tâm này không có tướng, không sanh
diệt. Sống với tâm không sanh diệt, chúng ta sẽ hòa nhập được với thân
không sanh diệt. Đó là Pháp thân.
Chúng ta muốn giải thoát sanh tử phải
đi con đường bất sanh bất diệt. Hồi xưa tôi cứ thắc mắc, nhập Niết-bàn
là vô sanh, mà cái gì vô sanh? Về Cực Lạc ngồi tòa sen, vui vẻ đi chơi
nước này nước nọ, hái hoa cúng dường rất vui. Còn nhập Niết-bàn vô sanh
không có gì hết, buồn chết. Nhưng bây giờ tôi thấy không phải vậy. Chính
thể nhập được Pháp thân rồi mới có Ứng thân, Hóa thân, Báo thân. Từ Báo
thân, Ứng hóa thân muốn độ chúng sanh ở đâu cũng được. Nhập được thể
không rồi thì sau này diệu dụng vô cùng.
Như chúng ta thường lạy mỗi đêm đức
Phật Thích-ca, với danh hiệu “Nam-mô Thiên Bá Ức Hóa thân Thích-ca
Mâu-ni Phật”. Đức Phật đã nhập Niết-bàn mà Ngài còn có trăm ngàn muôn ức
thân, chớ không phải hết. Còn chúng ta sanh trở lại hiền lành cũng chỉ
một thân thôi. Bao giờ thể nhập được Pháp thân sẽ ứng hóa vô lượng vô
biên, độ hết chúng sanh. Như vậy thì đừng nói nhập Pháp thân sẽ buồn
hiu, không có gì nữa. Chừng ấy tùy ứng tùy hóa, ai có duyên thì mình hóa
độ để đền trả ân xưa hoặc công đức của họ.
Đó là một chặng điên khùng của tôi.
Đến cái điên khùng khác, tôi nhớ hiện
tại mình sống đây, bước vô nhà người ta thì nhìn bàn ghế, tranh ảnh, chớ
không ai nhìn hư không trong nhà. Nhìn bàn ghế, tranh ảnh rồi khen chê,
toàn là nhìn cái có. Ra vườn thấy cây này cây kia, hoa này hoa nọ, ít
ai nói khung cảnh vườn trống trải. Đa số nhìn vào tất cả sự vật và ngoại
cảnh có hình tướng. Cho nên cả ngày mắt chúng ta đeo theo các thứ sắc
tướng, âm thanh, còn hư không tràn trề lại không nhớ.
Hôm trước tôi có nói, bây giờ tôi mang
ơn hư không quá chừng. Nói vậy không phải điên là gì, hư không mà mang
ơn? Nhưng sự thật như thế. Cả ngày có lúc nào chúng ta rời hư không đâu,
kể cả giờ ngủ cũng phải có hư không trống để hít thở. Hư không mang lại
cho chúng ta bao nhiêu điều tốt lành để chúng ta sống. Thế mà mình
không thèm biết, chỉ biết cơm, bánh, cây cối, hoa quả… toàn các thứ sanh
diệt.
Đặt câu hỏi thêm nữa, trước khi cha mẹ
chưa sanh ta là gì? Thân này có không? Không có, do cha mẹ sanh mới có.
Sau khi thân này chết rồi sao nữa? Cũng là không. Trước không, sau
không, giữa thì ở trong không, ở ngoài không bao bọc. Vậy mà mình không
thèm nhớ cái không, chỉ nhớ toàn những thứ sanh diệt, đeo theo nó mà bỏ
quên hẳn cái không mênh mông. Như vậy chúng ta biết ơn biết nghĩa không?
Bây giờ tôi đặt câu hỏi tiếp: “Cây cối
sống được, có hoa có quả cho mình ăn cũng nhờ cái gì?” Nhờ hư không nó
mới sống. Cả quả đất này quay vòng vòng ở đâu? Trong hư không. Tóm lại,
tất cả đều được sự bảo bọc của hư không, xoay bề này bề kia đều nhờ hư
không, nên ở đâu cũng sống được. Từ người đến muôn vật sống là nhờ hư
không, vậy mà không biết hư không, sợ hư không nhất.
Từ đó tôi suy luận ra, nếu đặt câu
hỏi: “Trong bầu trời đất này cái gì có trước nhất?” Quả địa cầu chúng ta
thành hình cũng duyên trong hư không tụ lại mà thành, ngày nào hết
duyên nó hoại cũng trở về không. Con mắt của Phật nhìn thấy các loài
động vật đều trải qua bốn tướng sanh, già, bệnh, chết; các loài thực vật
trải qua bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt; còn đối với quả địa cầu là
thành, trụ, hoại, không. Con người có bốn tướng sanh, già, bệnh, chết,
sau cái chết là không. Cây cối thực vật là sanh, trụ, dị, diệt, sau diệt
cũng trở thành không. Đến quả địa cầu là khoáng chất, khi nó nát rồi
cũng trở thành không. Như vậy từ không mà thành, rồi hoại trở về không.
Cái không là chỗ tuyệt đối, không còn gì đối đãi nữa, cùng tột là không.
Lý Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy không là cái tột cùng của muôn vật. Vì vậy ngài Huyền Giác nói trong Chứng Đạo Ca:
Pháp thân giác liễu vô nhất vật,
Bản nguyên tự tánh thiên chân Phật.
Giác ngộ Pháp thân rồi thì không có
một vật. Bản nguyên là nguồn gốc của tất cả các pháp, tự tánh là tánh
chân thật sẵn có của mình, tức là Phật tánh. Cái không tột cùng này mới
là nguồn gốc, là chỗ cho chúng ta tựa. Chúng ta tu cũng để giác ngộ chỗ
tột cùng này. Chính ngài Huyền Giác cũng nói:
Chư hạnh vô thường nhất thiết không,
Tức thị Như Lai đại viên giác.
Thấy các hạnh là vô thường, tất cả đều
không, đó là đại viên giác của Phật. Khi nói về Bồ-tát, về Phật là nói
về giác ngộ. Một sự giác ngộ tràn đầy, thấy tất cả đều là không, bao
nhiêu thế giới trong hư không này đều trở về không. Chúng ta tu nhập
được Pháp thân là trở lại chỗ tột cùng tuyệt đối đó, ngoài ra mọi thứ
khác đều là tương đối sanh diệt. Vậy tu khó hay dễ?
Mục đích tu của chúng ta như vậy, cho
nên mỗi ngày mỗi đêm phải ngồi thiền để dẹp bớt tâm sanh diệt. Tâm đó
chạy theo nghiệp lành dữ dẫn mình đi trong sanh tử. Con đường hiện giờ
chúng ta tu theo Thiền tông có liên hệ tới Bát-nhã hay không? Hồi xưa
tôi hơi lấy làm lạ, tại sao Ngũ Tổ đem kinh Kim Cang Bát-nhã giảng cho
Lục Tổ nghe mà không giảng bốn cuốn Lăng-già? Sau này mới thấy rõ, chính
Bát-nhã là con đường đi thẳng, trong nhà thiền gọi là “điểu đạo” tức
đường chim. Cho nên chúng ta phải hiểu rõ Bát-nhã. Lục Tổ ngộ cũng từ
kinh Kim Cang Bát-nhã, sau này đệ tử là ngài Huyền Giác cũng ngộ từ
Bát-nhã. Ngài Huyền Giác nói: Hữu nhân vấn ngã giải hà tâm, báo đạo
ma-ha Bát-nhã lực. Tức là nếu có ai hỏi ta hiểu tâm nào thì đáp rằng
ma-ha Bát-nhã. Lý này hết sức rõ. Đó là những chặng thấy điên khùng của
tôi.
Bây giờ trở lại kinh. Kinh Bát-nhã
nói: “Trong cái không không có năm uẩn, không có sáu căn, không có sáu
trần, không có sáu thức, không có mười tám giới. Kế đến không vô minh,
không vô minh tận, không khổ tập diệt đạo, không trí, không đắc.” Trong
cái không không có mười tám giới dễ hiểu rồi, nhưng tại sao Mười hai
nhân duyên, Tứ đế là pháp tu của hàng Thanh văn, Duyên giác cũng không
có nữa?
Như tôi đã nói, Bát-nhã vượt qua đối
đãi của Nhị thừa, không còn đối đãi của Thanh văn, Duyên giác, nên nói
là Bồ-tát. Qua hết đối đãi nên cái không này là chót. Hồi xưa giảng tới
đây tôi hơi lúng túng, tại sao Tứ đế, Thập nhị nhân duyên mà cũng không
có nữa. Bây giờ mới thấy rõ Tứ đế, Thập nhị nhân duyên là dùng những
phương tiện đối đãi để đối trị, nó còn hai bên. Cái không này không có
hai bên, nên vượt qua tất cả.
Bồ-tát là vô trí vô đắc, nếu còn có
trí, có đắc là còn đối đãi, chưa phải đúng chỗ của Bồ-tát. Nếu không tất
cả thì đi tới đâu? Vô sở đắc là không còn cái để ngộ, để được nữa,
chừng đó Bồ-tát y theo Bát-nhãkhông còn bị chướng ngại chút nào hết.
Không còn nằm trong đối đãi, trong sanh diệt nên không còn bị chướng
ngại, vì vậy nói vô quái ngại. Không có đối đãi thì còn gì sợ sệt, vì
vậy nói vô hữu khủng bố.
Không những riêng Bồ-tát mà ba đời chư
Phật cũng nương Trí tuệ Bát-nhã mà được giác ngộ viên mãn. Nói tới
Bát-nhã là nói tới Phật, nói tới Bồ-tát chớ không phải nói tới Thanh
văn, Duyên giác. Cuối cùng của Bát-nhã là đoạn mà nhiều người nghi ngờ
nhất, vì nói thần chú. Điểm này có lẽ tại các nhà phiên dịch, thời xưa ở
Ấn Độ rất trọng thần chú. Họ thường dùng thần chú trị quỉ thần, trị
những con rắn độc, cọp sói v.v… vì vậy nói Bát-nhã trị được tất cả bệnh
cũng như thần chú linh thiêng nhất. Trí tuệ Bát-nhã rất mạnh, có giá trị
bằng tất cả các thần chú. Các nhà phiên dịch muốn cho linh thiêng, họ
để nguyên câu chữ Phạn. Chớ thật ra câu “yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế,
ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha”, có nghĩa là qua bờ kia, qua bờ kia,
qua đến bờ kia.Bờ kialà bờ giác ngộ. Đứng bên bờ mê qua tới bên kia là
bờ giác ngộ vậy thôi. Hiểu vậy mới thấy tinh thần Bát-nhã rất sâu, rất
kỳ đặc chớ không phải thường.
Chúng ta tụng Bát-nhã hằng đêm để nhắc
tới nhắc lui, nhớ mình đang đi con đường đó, chớ không phải tụng cho
Phật nghe. Bây giờ tôi thấy nhiều vị tụng kinh cho hay, cho Phật nghe.
Thật ra tụng kinh là lặp đi lặp lại lời Phật dạy cho thâm nhập vào tâm,
nhớ điều mình nguyện làm, đang hướng đến. Đó là chỗ rất quan trọng, rất
thiết yếu. Chúng ta phải thâm nhập được lý kinh thì việc tụng kinh mới
có giá trị.
Kinh Bát-nhã bên chữ Hán có sáu trăm
quyển. Lúc trước tôi ngồi đọc sáu trăm quyển đó, mới thấy Bát-nhã Tâm
Kinh cô đọng lại toàn bộ sáu trăm quyển kinh Bát-nhã. Cho nên chữ Tâm
Kinh có thể dịch là kinh tim. Bởi vì trong sáu trăm quyển Bát-nhã, bài
kinh này rút hết trọng tâm, cô đọng lại toàn bộ ý chánh của kinh. Con
người mình tim nằm giữa cung cấp máu khắp châu thân. Chữ tâm là tim, một
bộ phận quan trọng bậc nhất trong cơ thể con người. Nếu nói tâm kinh là
kinh ruột thì không diễn đạt được hết tầm vóc trọng yếu của nó. Vì ruột
đâu có cung cấp máu lên xuống khắp châu thân như tim. Cho nên chữ tâm
dịch là tim, quả tim của sáu trăm quyển Bát-nhã.
Ngày 21 tháng 7 nhuần, mùa an cư năm
1968, buổi khuya tôi ngồi thiền sáng được lý sắc không bất nhị, sắc
không không hai, sắc tức thị không không tức thị sắc. Sáng được lý này
tôi vui gần ba ngày. Sau đó tôi đọc Tạng kinh, nhất là những bài kinh về
thiền thấy hiểu không khó như ngày xưa nữa. Tôi nghĩ mình có duyên với
thiền, ngang đây dạy tu thiền được, nên mở cửa thất thành lập Tu viện
Chân Không dạy Tăng Ni tu thiền. Nhưng đến bây giờ tôi mới thấy được
tướng không này. Từ ngày đó đến giờ xa bao nhiêu?
Nói thế để quí vị thấy tu thiền mà
không đạt được lý Bát-nhã thì không thấu đáo. Vì sao? Ngày xưa tôi
thường nhắc câu Thiền sư Huyền Giác hay nói: Chứng thực tướng vô nhân
pháp, sát-na diệt khước A-tì nghiệp. Nhược tương vọng ngữ cuống chúng
sanh, tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp. Nghĩa là người nào chứng được
thực tướng rồi thì không còn nhân, pháp. Người đó chỉ trong chớp mắt
diệt hết tội dưới địa ngục A-tì. Nếu tôi nói dối chúng sanh xin chịu tội
bị cắt lưỡi dưới địa ngục trải vô số kiếp. Câu này làm tôi hơi rùng
mình. Tại sao Thiền sư dám khẳng định và dám chịu tội tới như vậy? Bây
giờ tôi mới thấy rõ. Thực tướng là không còn ngã, không còn có cái ta,
bấy giờ nhận cái thể không là mình, thể không thì còn tướng gì? Cho nên
không có mình, không có người. Không có mình, không có người thì cái gì
dẫn xuống địa ngục. Nếu còn thấy mình mới bị nghiệp dẫn, mình không có
thì còn gì mà dẫn? Cho nên chỉ trong chớp mắt qua khỏi địa ngục A-tì. Đó
là một lẽ thật.
Chúng ta thấy con đường này rất kỳ đặc, đi sâu vô lý Bát-nhã mới nhận ra điều đó.
Dưới đây là biểu đồ tôi phác họa để
chỉ cho quí vị thấy rõ đầu đuôi, gốc ngọn của hai con đường: Con đường
trầm luân sanh tử và con đường giải thoát sanh tử.
HT. Thích Thanh Từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét