Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

38 tri kiến xấu ác

38 tri kiến xấu ác

Những gì mô tả dưới đây là những tri kiến xấu ác. Những tri kiến này không chỉ mang tính ngoại đạo mà còn rất tồi tệ.
1. Tri kiến cho rằng thánh thần và ma quỷ là những bậc đạo sư dẫn tới giải thoát.
Những người rơi vào tri kiến này tôn kính ma quỷ và thánh thần như là bậc thầy cho họ nương tựa vào để giải thoát, như những người dẫn dắt họ có thể nương tựa vào để đạt được thành tựu trong Pháp. Những người có tri kiến này kiên quyết tin rằng ma quỷ và thần tiên có thể cứu họ thoát khỏi những khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử. Một người giữ tri kiến này tin rằng quỷ thần là những bậc thầy duy nhất có thể cứu họ thoát khỏi luân hồi sinh tử. Trên thực tế, ma quỷ và thần tiên thậm chí còn không thể chấm dứt luân hồi sinh tử của chính bản thân họ. Vì vậy họ chắc chắn không phải là bậc thầy giải thoát cho những người tu tập Phật giáo.
2. Tri kiến cho rằng đạt được những năng lực siêu nhiên là mục tiêu thành tựu trong Pháp.
Những người có tri kiến này nghĩ rằng mục đích của việc tu tập và học Phật pháp là đạt được những ăng lực siêu nhiên và có khả năng thay hình đổi dạng. Họ nghĩ rằng có được những năng lực siêu nhiên là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta nên theo đuổi. Họ nghĩ rằng đạt được những năng lực siêu nhiên là đồng nghĩa với đạt được thành tựu hay giải thoát. Các con phải hiểu rằng những năng lực siêu nhiên và thành tựu hay giải thoát là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bất luận thần thông có vĩ đại đến thế nào thì chúng cũng không thuộc về bản chất của thành tựu hay giải thoát. Vì vậy, mục tiêu của thành tựu là sự viên mãn của phước huệ, thực chứng được tính Không của Chân như, và làm chủ cuộc sống và cái chết của mình. 
3. Tri kiến cho rằng một người có thể vi phạm những giới luật của ba thừa - Phật giáo Nguyên thuỷ, Đại thừa và Kim Cương thừa.
Những người có tri kiến này cho rằng họ được phép vi phạm giới luật của ba thừa mà họ đã thọ nhận. Họ nghĩ rằng trong một số điều kiện về duyên nghiệp hay với một thực hành giáo pháp đặc biệt thì có thể xa rời giới luật của Tam thừa. Các con phải nhớ rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì giới luật của ba thừa đều không được phép vi phạm. Tất cả mọi người, bao gồm các cao tăng, pháp vương đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ giới luật. Nếu không thì họ đều là những kẻ ngoại đạo đội lốt hành giả Phật giáo. 
4. Tri kiến cho rằng tu tập tách biệt với Bồ-đề tâm.
Trong Phật pháp có rất nhiều pháp tu. Bất luận người ta sử dụng pháp tu nào đều không được tách rời Bồ-đề tâm. Bất kỳ sự tu tập nào tách rời Bồ-đề tâm đều là việc thực hành xấu átc. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong tu tập là không bao giờ được tách rời Bồ-đề tâm. Ngoài ra, chúng ta không nên chấp thuận với những ai tu tập nhưng xa lìa Bồ-đề tâm.
5. Tri kiến cho rằng không cần tuân thủ tất cả giới luật đã thọ nhận.
Khi con đã thọ nhận một giới luật thì phải tuân theo nó đầy đủ. Con phải tuân thủ theo mỗi một và tất cả giới luật con đã thọ nhận. Nghĩ rằng con có thể chỉ tuân theo một hoặc một vài trong số những giới luật đó mà không cần tuân theo một số những giới luật khác là điều không thể chấp nhận. Bất kỳ suy nghĩ nào cho rằng không cần phải thọ giữ toàn bộ các giới luật đều là những quan niệm không những sai lầm mà còn xấu ác.
6. Tri kiến cho rằng một người có thể mạo danh một vị Phật hoặc vị Bồ Tát để truyền bá giáo Pháp.
Những người có tri kiến này nghĩ rằng để truyền bá Phật pháp và mang mọi người đến với Phật pháp thì có thể sử dụng phương tiện thiện xảo nâng cao uy tín của mình bằng cách tự xưng là một vị Phật hay một vị Bồ Tát nào đó. Họ bảo với đệ tử và bạn bè của họ tuyên truyền họ là một vị Phật hay một vị Bồ Tát. Những ai tham gia hoặc chấp thuận hình thức này đều bị xem là rơi vào tri kiến xấu ác.
7. Tri kiến của chủ nghĩa duy thực cho rằng, các hiện tượng thế gian thực sự tồn tại và không phải là huyễn ảo.
Điều này chạm đến chân lý tối hậu. Những người có tri kiến này cho rằng vạn pháp là thật sự tồn tại, không phải huyễn hóa, và có thực. Họ nghĩ rằng tất cả những gì tồn tại trong con người, trong mọi vật, trong mọi sự kiện là có thực. Đối với họ, tất cả các pháp thế gian không phải là vô thường mà là thật sự tồn tại và có thực. Họ xem mọi thứ là thật và không ảo huyễn. Đây là một tri kiến xấu ác. 
8. Tri kiến rằng tính Không tách biệt khỏi và độc lập với các hiện tượng thế gian.
Những người có tri kiến này cho rằng tính Không và tất cả những điều thường thấy của pháp thế gian không có quan hệ với nhau. Họ nghĩ rằng chỉ cần thâm nhập vào tính Không thì tất cả hiện thực đều không tồn tại. Họ nghĩ rằng các pháp hữu vi không tồn tại trong tính Không và tính Không là độc lập với các pháp hữu vi. Đây là tri kiến xấu ác. Các con phải hiểu rằng tính Không không tách biệt với các hiện tượng thế gian. Khi đã chứng ngộ được tính Không, các con sẽ hiểu được Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Hai điều này không xung khắc với nhau. Sự thật cơ bản rằng cả hai là một và như nhau. Đó là Chân như, là Phật tính mà từ đó mọi diệu dụng sinh khởi. 
9. Tri kiến cho rằng một người có thể đạt giải thoát chỉ bằng cách thực hành một pháp nào đó và không cần tu dưỡng bản thân.
Những người có tri kiến này nghĩ rằng một khi họ học được một pháp nào đó thì họ đã thành công. Chẳng hạn họ nghĩ thật tuyệt vời vì bây giờ họ có thể thực hành pháp thiền Thế thân kim cương, họ nghĩ rằng họ có thể thực hiện pháp và kiểm soát vận mệnh của họ theo ý muốn. Hay họ nghĩ rằng “Tôi có thể thực hành pháp tập trung nội nhiệt (tummo) để tiêu trừ các chướng ngại của nghiệp. Tại sao tôi cần phải tu dưỡng bản thân? Không cần tu dưỡng tôi vẫn sẽ thành tựu và được giải thoát." Đó là một tri kiến xấu ác.
10. Tri kiến cho rằng, Pháp thân là thân có hình tướng.
Như Lai tạng, chân tâm của chúng ta tức là Pháp thân, Pháp thân là một trong ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Những người có tri kiến này mô tả Pháp thân có hình tướng, kích thước, màu sắc hay có một cảm giác yên tĩnh, bình hòa hay an lạc. Bất kỳ tri kiến nào cho rằng Pháp thân là một đối tượng có hình dạng hoặc có nhận thức về cảm xúc là một tri kiến xấu ác. 
11. Tri kiến cho rằng, con có thể làm những điều xấu mà vẫn thoát khỏi tội lỗi bằng cách nương tựa vào năng lực của chư Phật.
Những người theo tri kiến này nghĩ rằng nhờ năng lực tu tập của họ, họ đã được chư Phật và chư Bồ Tát mười phương gia hộ. Họ nghĩ rằng họ có thể làm điều xấu mà vẫn thoát khỏi tội lỗi bởi chư Phật và chư Bồ Tát sẽ tới và tiêu trừ tội lỗi của họ ngay lập tức.
12. Tri kiến cho rằng, cắt đứt khỏi sự bám chấp vào bản ngã đồng nghĩa với việc cắt đứt tình cảm dành cho cha mẹ mình.
Để cắt đứt bám chấp vào bản ngã, có những người nam và người nữ thậm chí còn không thừa nhận cả quan hệ của họ với cha mẹ mình. Cũng có những người con lờ đi cảm xúc của cha mẹ mình khi họ khóc lóc vì buồn bã trước quyết định xuất gia của con mình. Những người nam và nữ đó thậm chí còn nghĩ rằng làm như vậy là họ đang cắt đứt bám chấp vào bản ngã. Trên thực tế, sự bất tuân đạo làm con ấy chính là một tri kiến xấu ác. Cắt đứt bám chấp vào bản ngã là để làm lợi lạc cho chúng sinh, chăm sóc chúng sinh và đặt lợi ích của chúng sinh lên trên lợi ích bản thân mình. Điều này không có nghĩa là bất chấp những cảm xúc của cha mẹ mình và cắt đứt quan hệ với họ.
13. Tri kiến cho rằng một người có thể đạt tới Niết-bàn linh thánh chỉ bằng cách làm những việc thiện.
Những người có tri kiến trên nghĩ rằng miễn là họ làm việc thiện và mọi thứ họ làm đều vì lợi ích của chúng sinh, điều này là đủ để đạt tới niết bàn của các bậc thánh nhân và trở thành một vị Phật hoặc Bồ Tát. Một người phải biết rằng, làm việc thiện là hành bố thí có điều kiện. Theo luật nhân quả, việc bố thí như thế sẽ đưa tới quả báo trong cõi người hoặc cõi trời. Tuy nhiên, việc chứng đạt Niết-bàn linh thánh đòi hỏi một sự chứng ngộ trạng thái linh thánh. Điều này đồng nghĩa với việc đạt trạng thái không điều kiện mà trong đó, một người đã chấm dứt luân hồi sinh tử và có sự tự chủ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là đạt tới miền đất thánh không sinh, không diệt. Do đó, việc nghĩ rằng, một người có thể đạt tới Niết-bàn linh thánh đơn thuần chỉ bằng cách làm việc thiện là một tri kiến xấu ác. Con phải hiểu rằng, bên cạnh cách đó, người tu tập còn phải thực hành cả pháp thánh linh và không điều kiện. Chỉ khi đó, họ mới có thể đạt được Niết-bàn linh thánh. Không có con đường nào khác ngoài con đường này
14. Tri kiến cho rằng một người nào đó không hành động xuất phát từ Bồ-đề tâm đại bi là một vị Bồ Tát.
Trong xã hội, có nhiều kiểu pháp vương, rinpoche, đạo sư và đại giảng sư. Một số người trong số họ không có Bồ-đề tâm và không hành động vì Bồ-đề tâm. Tuy nhiên, một số phương tiện đại chúng lại miêu tả họ như là những vị đại Bồ Tát. Trên thực tế, họ là những bậc đạo hạnh giả mạo. Do đó, người nào không có Bồ-đề tâm của lòng đại bi thì không phải là Bồ Tát cho dù kẻ đó có mang địa vị gì đi chăng nữa. Tri kiến nhìn nhận những kẻ không hành động vì Bồ-đề tâm đại bi là Bồ Tát chính là một tri kiến xấu ác.
15. Tri kiến không tin chắc vào nhân quả mà lại mê tín vào bói toán và vận may.
Những ai theo tri kiến này không thực sự tin luật nhân quả. Họ không tin vào luật nhân quả một chút nào. Họ phủ nhận luật nhân quả. Thay vào đó, họ tin vào sự bói toán và vận may. Đây là một tri kiến xấu ác. Con phải hiểu rằng vạn pháp đều nằm trong luật nhân quả
16. Tri kiến cho rằng, việc chỉ truyền bá giáo lý tính Không mà không nói về việc tu tập thực sự thông qua các hành vi cụ thể là có thể chấp nhận được.
Loại trường hợp này tồn tại ở Phật giáo Hiển thừa nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại trong Phật giáo Mật thừa. Một số người nổi tiếng hiện thời trong xã hội đặc biệt thích truyền bá những nguyên lý của tính Không. Họ nói về phương pháp Thiền đề thâm nhập vào chân lý. Họ giải thích rằng mọi hiện tượng đều không có tự tính và vốn trống rỗng, rằng một người nên có một trạng thái tâm không bám chấp vào bất cứ điều gì, rằng tâm của một người nên trống rỗng và an tĩnh. Họ nói về bản tính nguyên thủy không đến và không đi. Họ nói về những ngyên lý này bằng những ngôn từ phức tạp, khoa trương, bí hiểm và khó hiểu. Họ đặc biệt thích nói về Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Kim Cương và Bát nhã. Họ nói liên tục về nguyên lý của tính Không mà không bao giờ đề cập đến sự tu tập thực sự thông qua việc thực hành cụ thể. Họ không dạy tu tập thực sự là thế nào. Họ không dạy chúng sinh làm thế nào để thực hành con đường dẫn tới giác ngộ bằng những hành động cụ thể. Có quá nhiều người như vậy. Họ vi phạm nghiêm trọng luật nhân quả. Một người có thể nói về nguyên lý và sự thực về tính Không như một điều có trong Phật pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết và không thể giải quyết được vấn đề chấm dứt vòng luân hồi sinh tử. Điều này giải thích tại sao đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy chúng ta làm thế nào để tu dưỡng bản thân. Chỉ có thông qua sự tu dưỡng và chuyển hóa nhân và quả mà một người mới có thể thực chứng được trạng thái mà những lý thuyết đó mô tả. Do đó, người nào chỉ truyền bá những nguyên lý của tính Không mà không giảng về sự tu dưỡng thực sự thông qua thực hành cụ thể là người xấu ác. Tri kiến này là một tri kiến xấu ác.
17. Tri kiến cho rằng, sự tồn tại của sáu cõi luân hồi chỉ là truyện cổ tích, không có thực.
Những ai theo quen điểm này nhìn nhận sáu cõi luân hồi: trời, a-tu-la, người, địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ chỉ tồn tại trong truyện cổ tích. Họ nghĩ rằng những cõi này không tồn tại. Họ nghĩ rằng không có ma cũng như chẳng tồn tại sáu cõi luân hồi. Liệu quan niệm này sẽ không dẫn tới kết luận rằng tất cả nhân và quả là vô nghĩa và sai lầm, và rằng luật nhân quả là không đúng đắn? Con phải hiểu và suy nghĩ cho thấu đáo về việc này. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy rằng sáu cõi luân hồi là có thật. Ngài nói về sự đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử và ngũ trược của thời mạt pháp … Tất cả các con đang sống trong thực tại đó. Làm sao điều này lại có thể không tồn tại? Những điều đó là sự thật.
Việc một người phủ nhận sự tồn tại của luân hồi là đang đối lập với đức Phật. Những người này có thể mô tả cõi giới loài người với những nỗi khổ của sự sinh, lão, bệnh và tử như là cõi Tịnh độ của phương Tây. Ta sẽ cho con một ví dụ. Thực sự có những người muốn thay đổi thế giới đầy khổ đau này thành cõi tịnh độ của loài người. Những người này làm những việc tốt, khuyến khích lòng nhân ái với người khác, và hướng dẫn người khác rằng trở thành một người tốt và làm việc thiện là đang thực hành tứ vô lượng tâm. Tuy nhiên, nếu con tin rằng thế giới này có thể biến thành cõi Tịnh độ thực sự của loài người, thì con đang tin vào một điều đi ngược lại với giáo lý của đức Phật. Không có phương pháp nào có thể thay đổi luật nhân quả và luân hồi đã tồn tại trong một thế giới. Cho dù bất kỳ phương pháp nào được áp dụng để tạo ra một kết quả như kỳ vọng, kết quả đó cũng không phải là một cõi tịnh độ. Cõi người vẫn là cõi người. Cõi Tịnh độ vẫn là một cõi Tịnh độ. Sự khác nhau đó như thể là giữa thiên đường và mặt đất vậy. Một bên là thế giới linh thánh và bên còn lại là thế gian thông thường. Cõi tịnh độ là một thế giới ở đó không có sự sinh và diệt. Chúng sinh ở đó mặc những gì họ muốn và ăn những gì họ nghĩ tưởng tới. Không có hình bóng của sự vô thường ở đó. Ngược lại, cái gọi là cõi tịnh độ trong thế giới loài người sẽ đầy rẫy sự đau khổ của sinh, lão, bệnh, và tử.
Con người không thể có áo quần hay thức ăn chỉ bằng cách nghĩ tưởng tới quần áo mặc hay thức ăn. Họ phải làm việc, kiếm tiền để có được những thứ đó. Họ không thể dựa vào trí tưởng tượng để có được chúng. Trong thế giới này, chúng sinh không muốn chịu đau khổ của sinh lão bệnh tử nhưng sự đau khổ này thực sự vẫn tồn tại. Việc thế gian này đầy ắp sự đau khổ là không thể tránh khỏi. Cho dù bất kỳ phương pháp nào được áp dụng, kết quả vẫn chỉ là sự kế thừa những thuộc tính của vô thường vốn gắn với một cõi giới trong phạm vi của vòng luân hồi. Không ai có thể thay đổi được sự vô thường, vốn được tạo ra bởi sinh và diệt, đang tồn tại trong thế giới này. Không bất kỳ người thường nào, cho dù thông thái bao nhiêu, có thể trốn tránh khỏi sự đau khổ của ngũ trược bởi vì đó là quy luật không thể tránh khỏi của vô thường đã tồn tại trong sáu cõi luân hồi. Do đó, sáu cõi luân hồi có tồn tại.
18. Tri kiến cho rằng, một vị đạo sư hoặc một bậc thánh tăng nổi tiếng chắc chắn là những bậc đạo hạnh linh thánh.
Bất kỳ khi nào, người theo tri kiến này khi gặp một đạo sư hoặc tăng sĩ nổi tiếng, đều kết luận rằng, đó là bậc thánh tăng hay bậc đạo hạnh linh thánh. Vậy cụm từ “đạo sư hay tăng sĩ nổi tiếng” có ý nghĩa thế nào? Họ thuộc loại những cao tăng đã có tên tuổi hoặc được xem là tuyệt vời trên khắp thế giới. Những người theo tri kiến này kết luận rằng, những tăng sĩ như vậy đều là bậc đạo hạnh linh thánh vĩ đại. Trên thực tế, những tăng sĩ trên có thể có và cũng có thể không là những bậc đạo hạnh linh thánh. Thậm chí có một số vị pháp vương cực kỳ nổi tiếng trong Phật giáo thực chất chỉ là những người bình thường.
19. Tri kiến cho rằng, những lợi ích cá nhân còn quan trọng hơn cả Phật pháp.
Khi có sự xung đột giữa lợi ích cá nhân của con và Phật pháp, con chọn Phật pháp hay lợi ích của bản thân mình? Nếu con coi lợi ích của riêng con cao hơn Phật pháp, thì tri kiến đó của con là xấu ác. Con phải không được nhìn nhận lợi ích cá nhân cao hơn Phật pháp. Phật pháp là kho tàng tối cao. Một người từ bỏ mạng sống của mình thì còn tốt hơn là anh ta từ bỏ Phật pháp.
20. Tri kiến cho rằng, một người có thể giết chết một sinh mạng mà không phạm tội chỉ nhờ việc người đó tụng thần chú để nâng đỡ sinh linh đã chết lên cõi giới cao hơn.
Những người theo tri kiến này nghĩ rằng, bằng việc tụng thần chú để nâng đỡ sinh linh đã chết, họ có thể đưa thần thức của sinh linh này lên cõi giới cao hơn, bao gồm cả những chúng sinh mà họ giết hoặc bất kỳ chúng sinh bị chết nào khác. Họ nghĩ rằng miễn là một sinh linh đã chết, họ có thể nâng đỡ sinh linh đó lên cõi giới cao hơn bằng cách tụng thần chú để nâng đỡ sinh linh đã chết. Làm như thế, họ nghĩ rằng sẽ không còn vấn đề gì nữa. Tuy nhiên, nếu con tụng thần chú nâng đỡ thần thức của sinh linh đã chết trong khi con lại cố ý giết hại một sinh linh sống, con sẽ không thể nâng thần thức của họ lên cõi giới cao hơn mà còn phạm vào một tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, những người nào tụng thần chú nâng đỡ thần thức sinh linh đã chết mà lại giết hại một sinh linh đang sống sẽ không tăng trưởng được một chút công đức nào. Kết quả duy nhất là nghiệp xấu của người đó sẽ còn nặng thêm.
21. Tri kiến cho rằng, việc đối kháng với những vấn đề được quyết định bởi bậc đạo sư gốc của mình, người đã có cả sự chứng ngộ linh thánh và Bồ-đề tâm là chấp nhận được.
Thuật ngữ đạo sư gốc đề cập tới bậc đạo sư gốc có sự chứng ngộ linh thánh và Bồ-đề tâm; đó là, một người có đạo hạnh cao cả và sự chứng ngộ linh thánh và hành động với Bồ-đề tâm. Hơn thế, một đạo sư như vậy không mắc phải bất kỳ điều nào của 128 tri kiến xấu ác và sai lầm. Con thực hành pháp Ngài truyền như giáo pháp căn bản của con. Ví dụ, vị Bổn tôn của con đến từ việc thực hành pháp ngài truyền cho con, con dự định thực hành cả đời Pháp ngài đã trao truyền cho con cho tới khi đạt thành tựu. Đó là ý nghĩa của bậc đạo sư gốc. Nếu một đệ tử nghĩ rằng đối kháng hoặc bỏ qua những vấn đề được đạo sư gốc quyết định là có thể chấp nhận được, thì đây là một tri kiến xấu ác. Tuy nhiên, nếu bậc đạo sư gốc mắc phải một vài điều trong 128 tri kiến này, thì ông ấy có thể đã trở thành một đạo sư xấu ác bất chấp rằng ông ấy là một pháp vương, một tôn giả, hay một vị thầy. Trong trường hợp này, con tuyệt nhiên có thể không làm theo và thực hiện điều ông ấy quyết định, vì làm vậy là hỗ trợ cho điều xấu ác. Nếu con tiếp tục theo một đạo sư với những tri kiến xấu ác và sai lầm, con sẽ không nhận được bất kỳ kết quả lợi lạc nào từ việc bạn thực hành bất kỳ Pháp nào.
22. Tri kiến cho rằng, việc kính trọng chư Phật và bậc đạo sư của con nhưng lại không hiếu thảo với cha mẹ là chấp nhận được.
Một vài người rất kính trọng vị đạo sự của họ cùng các vị Phật và Bồ Tát. Tuy nhiên, họ cãi lại hoặc nói một cách ngang ngược với cha mẹ và đối kháng với ước nguyện của cha mẹ họ. Họ không thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ và thậm chí bỏ rơi cha mẹ của họ để đi đến những nơi xa xôi, nơi họ hoàn toàn bỏ mặc cha mẹ. Điều này phản ánh một tri kiến xấu ác.
23. Tri kiến tin tưởng vào một địa vị và thân thế của ai đó hơn là chân lý tối hậu.
Có một vài vị pháp vương, rinpoche và pháp sư có địa vị rất cao. Họ có thể thậm chí xếp hạng nhất nhì trong những vị pháp vương, rinpoche và pháp sư vĩ đại. Khi chúng ta nghe họ giảng giải sai lạc giáo pháp, chúng ta không vận dụng chân lý đúng đắn và tối hậu để nhận ra những lỗi như vậy, và chúng ta không áp dụng những nguyên lý Phật pháp để xét đoán xem lời họ nói có đúng hay không. Chúng ta nghĩ rằng pháp họ diễn giải chắc chắn phải chính xác đơn giản bởi vì họ có địa vị là pháp vương cao quý hay những địa vị khác. Tri kiến như thế là một tri kiến xấu ác.
24. Tri kiến cho rằng, những chúng sinh đã từng là những vị Phật sau này lại bị đọa xuống làm chúng sinh bình thường.
Có một vài người thường miêu tả những chúng sinh như là những vị Phật. Họ nói rằng từ khởi thủy những chúng sinh đã từng là những vị Phật nhưng sau đó bị đọa xuống thành những chúng sinh do sự vô minh và phiền não tăng trưởng. Đây là một học thuyết xấu ác được thêu dệt bởi những người không hiểu gì về Phật pháp. Chúng sinh luôn là chúng sinh và từ khởi thủy chưa bao giờ là những vị Phật. Chúng sinh bị chi phối bởi những nghiệp chướng, như là những nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Họ có thể trở thành những vị Phật nhờ việc học Phật giáo, tu tập, và thực hành theo Pháp. Các con phải hiểu rằng những chúng sinh tuyệt đối không phải là bị đoạ từ những vị Phật trở thành chúng sinh. Những chúng sinh là những chúng sinh. Không có chuyện các vị Phật bị đọa thành chúng sinh. Nếu những vị Phật có thể bị đọa thành những chúng sinh, thì khi nào Phật Thích-ca Mâu-ni sẽ đọa thành một chúng sinh đây?
25. Tri kiến cho rằng việc kết hợp pháp thực hành ngoại đạo với pháp thực hành của Phật pháp là chấp nhận được.
Kiểu trường hợp này là rất nhiều. Mọi người thực hành kết hợp Phật pháp và những phương pháp ngoại đạo. Đây là do có số lượng lớn và đa dạng các phương pháp hay thực hành ngoại đạo, như là việc chọn một giờ tốt hay ngày lành cho một sự kiện, âm dương, phong thủy, lá số tử vi hay bùa chú, gọi hồn, bói toán bằng các ký tự Trung Hoa và những phương pháp khác, lên đồng, nuôi âm binh, và v.v… Tất cả những điều này là thực hành ngoại đạo. Thực hành kết hợp những cách đó cùng với Phật pháp là xấu ác.
26. Tri kiến cho rằng, luật nhân quả chỉ là do tưởng tượng và không có thực.
Một vài người nghĩ rằng luật nhân quả không tồn tại. Họ nghĩ rằng chẳng cần phải e ngại vì chẳng có nghiệp báo gì cả. Họ nghĩ rằng vẫn ổn khi làm điều tồi tệ mà không ai phát hiện ra. Nói ngắn gọn, với họ không có điều gì là nghiệp báo cả. Hãy nhớ rằng, cho rằng luật nhân quả chỉ là tưởng tượng và không có thực là một tri kiến xấu ác.
27. Tri kiến cho rằng, mọi hiện tượng phi thường kỳ lạ là biểu hiện của những năng lực siêu nhiên đến từ Phật pháp.
Trong thế giới này, có nhiều dạng hiện tượng huyền bí và lạ thường. Ngoại đạo sử dụng những hiện tượng như vậy để lừa gạt và làm rối loạn chúng sinh. Khi làm việc đó, họ đã tạo mọi loại nghiệp xấu. Tất cả các hiện tượng kỳ lạ này không phải là biểu hiện của những năng lực siêu nhiên đến từ Phật pháp mà chỉ là những việc làm của ma quỷ.
28. Tri kiến cho rằng, một bậc đạo sư đã học những Pháp cao cấp chắc chắn là một bậc thánh nhân vĩ đại.
Một vài người nghĩ rằng vì một vị thầy đã nhận một quán đảnh vĩ đại hay đã học một Pháp cao cấp, người đó phải là một thánh nhân vĩ đại. Điều đó không đúng. Nếu bạn có một cái nhìn như vậy, bạn đã rơi vào tà đạo. Một vị thầy đã học một pháp cao cấp không nhất thiết đã thành tựu trong thực hành pháp cao cấp đó. Một vị thầy đã học pháp cao cấp không nhất thiết đã tuân thủ đúng giới luật theo pháp cao cấp đó. Các con phải xác định xem vị thầy này có mắc phải bất kỳ điều nào trong 128 quan điểu xấu ác và sai lầm không. Bởi vậy, các con không nên nghĩ rằng một người nào đó đã học những Pháp cao cấp chắc chắn là một bậc thánh nhân vĩ đại. Một người trở thành một thánh nhân vĩ đại thông qua chính sự tu tập cụ thể của họ.
29. Tri kiến cho rằng, con có thể trì hoãn sự tu tập của mình đến ngày mai.
Mọi người thường nghĩ, “Hôm nay tôi mệt quá, nên tôi sẽ không thực hành pháp, tôi sẽ tập vào ngày mai.” Hay họ nói, “Mình sẽ tận hưởng ngày hôm nay. Ngày mai mình sẽ thực hành pháp. Ngày mai mình sẽ tu dưỡng tâm và những hành động của mình." Ngay khi những suy nghĩ như vậy xuất hiện trong tâm thức, họ đã gieo một hạt giống nghiệp dẫn đến đọa vào luân hồi mà không được giải thoát. Hãy nhớ trong tâm rằng đây là một hạt giống nghiệp dẫn đến sự suy đồi. Sự tu tập không thể bị hoãn đến ngày mai. Làm như vậy là rơi vào tri kiến xấu ác này.
30. Tri kiến cho rằng, một bậc đạo sư có thể nói những điều sai trái và lừa dối chúng sinh là chấp nhận được.
Một vài vị đạo sư nói điều sai trái để lừa dối chúng sinh và những đệ tử của họ. Họ nói rằng làm như vậy họ đang sử dụng phương tiện thiện xảo. Tuy nhiên, những vị đạo sư làm điều này đang theo một tri kiến xấu ác. Những người nghĩ cách cư xử như vậy là có thể chấp nhận được cũng đang nuôi dưỡng một tri kiến xấu ác.
31. Tri kiến cho rằng, con có thể được hưởng những kết quả lợi lạc từ sự thực hành mặc dù con cố tình nói dối bậc đạo sư gốc của con.
Có những người cố ý nói dối với đạo sư gốc của họ, hoặc là khi được đạo sư hỏi, họ giấu đi một nửa sự thật, và nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng gì lớn cả, thậm chí họ còn thấy điều đó là tự nhiên và đúng đắn. Thế là họ cư xử như thể chẳng có gì là sai cả. Đây là một tri kiến xấu ác. Thật vậy, khi nào con còn nói dối với đạo sư của con, thì con sẽ không nhận được những thành quả tốt từ việc thực hành Pháp. Không chút lợi ích nào có thể có được, bất kể con thực hành Pháp nào, vì các vị bổn tôn và hộ pháp sẽ không gia trì cho con.
32. Tri kiến ủng hộ những người có năng lực siêu nhiên nhưng không hành động xuất phát từ Bồ-đề tâm.
Có một số hành giả hay yogi đạt được những năng lực siêu nhiên nhưng không hành xử xuất phát từ Bồ-đề tâm, nếu một người nào ủng hộ cho những người có năng lực siêu nhiên nhưng không hành động bằng Bồ-đề tâm, thì người đó đã bị rơi vào tri kiến xấu ác này.
33. Tri kiến ủng hộ những giảng sư, rinpoche và cư sĩ mà phẩm hạnh của họ không phù hợp với giới luật.
Có những rinpoche, giảng sư, và cư sĩ chưa bao giờ thọ một giới nào. Thậm chí có những người đã nhận giới luật nhưng lại không giữ giới mà họ đã thọ nhận. Đó là những giảng sư, rinpche và cư sĩ dởm, họ chỉ mang hình thức bề ngoài nhưng không hề thực sự là như vậy. Vì vậy, mỗi rinpoche, giảng sư hoặc cư sĩ phải thọ nhận những giới luật phù hợp với họ và phải tuân theo những giới luật này theo đúng với Pháp.
34. Tri kiến cho rằng việc giúp đỡ những đạo sư xấu của con làm những điều xấu lại là hành động bảo vệ Pháp.
Có những đệ tử mà đạo sư gốc hoặc đạo sư của họ tham gia vào những hành vi xấu vi phạm các giới luật của Phật giáo. Những đệ tử này không những không chịu rời bỏ thầy mình, mà còn có những nỗ lực lớn lao để giúp thầy mình làm những điều nằm trong 128 tri kiến xấu ác và sai lầm này. Họ cho rằng họ đang bảo vệ Pháp. Đây là một tri kiến xấu ác.
35. Tri kiến cho rằng việc chấp nhận và đi theo một bậc thầy truyền bá sai lầm hoặc không hiểu về Phật pháp thì hơn là việc đi theo một bậc thầy tốt.
Những môn đồ mắc tri kiến này chấp nhận và đi theo một vị thầy dù ông ta giảng dạy sai lạc và không hiểu biết đúng về Phật pháp. Khi thấy ra sự sai phạm của thầy mình, họ không chịu mau rời bỏ để tìm kiếm một bậc thầy Phật giáo có thể thực sự giảng những giáo lý đúng đắn theo đúng với Pháp; họ cứ tiếp tục đi theo người thầy giảng sai về Pháp. Điều này gieo nhân dẫn đến một đời sống suy thoái. Một đệ tử như vậy nên ngay lập tức tìm một vị thầy tốt có đức hạnh cao cả, nếu không, người đó sẽ bị đọa xuống một trong ba cõi thấp.
36. Tri kiến ủng hộ việc bố thí không trong sáng mà trong đó người bố thí ghi nhớ và bám chấp vào hành động bố thí.
Khi làm bất cứ điều tốt nào, chúng ta không nên có suy nghĩ của một người bố thí không trong sáng, luôn ghi nhớ và bám chấp vào hành vi bố thí của mình. Sau khi làm một điều tốt, ta nên buông xả nó. Chúng ta đã làm điều đó xong rồi và nó đã trôi qua. Ta chỉ đơn giản quên chúng đi ngay sau đó. Lòng từ và bi của ta nên đến tự nhiên như là bản năng. Hành động với lòng từ bi không nên là điều gì mà chúng ta phải cố ý mới làm được. Vì vậy, khi con có suy nghĩ của một kẻ bố thí không trong sáng, luôn ghi nhớ điều mình làm và bám chấp vào nó, thì phước báo của con cũng sẽ bị giới hạn trong cõi người hoặc cõi trời. Con chỉ có thể được hưởng phước đức hạn chế và không thể trở thành một bậc thánh. Vì rằng động cơ hay hạt mầm con đã gieo trồng là không trong sáng, thì quả con gặt được cũng sẽ không vững chắc. Những kết quả có được từ động cơ không trong sáng cuối cùng cũng sẽ cạn kiệt. Khi chúng đã hết và con không cố gắng tích lũy thêm những phước đức khác, thì sẽ tới lúc con phải gánh chịu hậu quả của những nghiệp xấu.
37. Tri kiến ủng hộ một người không chịu hối lỗi công khai vì đã truyền bá sai lầm giáo lý trong kinh điển.
Một số người đã truyền bá sai lầm những giáo lý trong kinh điển nhưng vẫn bám chấp vào bản ngã và thể diện. Họ không thể nào buông bỏ được cách nghĩ của một người bình thường. Vì thế mà họ không ăn năn hối lỗi công khai. Họ sẽ tự nói “tôi đã tự mình sửa chữa rồi!" Điều đó là không thể chấp nhận được. Người như vậy không phải là một hành giả thực sự. Các vị hộ pháp sẽ không tha thứ cho họ. Hơn nữa, luật nhân quả không bao giờ sai. Những người truyền bá sai lầm những giáo lý trong kinh điển cần ngay lập tức hối lỗi công khai trước mọi người. Cái họ cần là kết quả trong tu tập chứ không phải là giữ thể diện. Chắc là con sẽ không muốn bị đọa xuống một trong ba cõi thấp nhất để rồi mang lốt của loài vật hay là ma quỷ.
38. Tri kiến cho rằng, việc tự gọi bản thân là một vị Phật hay Bồ Tát trước mặt các đệ tử của con là chấp nhận được.
Người mà, trước các đệ tử, tự tuyên bố mình là tái sinh của một vị đức hạnh cao cả, của một vị Phật hay Bồ Tát, hay một vị thánh nhân vĩ đại ... thì đó là người lừa dối. Tuy nhiên, nếu người ấy có sự chứng nhận danh tính được ban hành theo đúng quy định của Pháp, thì tất nhiên người đó đúng là người trong giấy chứng nhận đã công nhận. Tuy vậy, người ấy vẫn nên khiêm tốn và không được khoe khoang. Bằng không thì người ấy cũng chỉ có tâm thức của một người bình thường mà thôi. Nếu một người không hề có chứng chỉ công nhận theo quy định của Pháp thì họ càng không nên liều lĩnh đi khoe khoang về mình. Điều đó sẽ tạo cho họ nghiệp xấu dẫn đến tái sinh một trong ba cõi thấp. Người liều lĩnh khoác lác về mình sẽ phải bị nghiệp báo to lớn và khủng khiếp. 
Wanko Yeshe Norbu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét