Xin chị cho biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với đạo Phật?
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền
thống đạo Phật. Bà ngoại tôi tuy không hiểu nhiều về giáo lý nhưng rất
siêng niệm Phật. Mỗi tối bà đều lần chuỗi niệm Phật rất chí thành. Mẹ
tôi từng là huynh trưởng Gia đình Phật tử. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ
tôi đã dắt đi chùa, đến các cô nhi viện của Phật giáo chơi với các trẻ
em mồ côi được các sư cô nuôi dưỡng. Lớn lên, tôi cũng đi chùa nghe
pháp, tụng kinh nhưng thú thật là tôi không có hứng thú gì nhiều nên
cũng không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của Phật pháp.
Phải đến khi tôi bị tai nạn năm 25 tuổi,
mới ngộ ra được nhiều điều. Trước tiên là sự đối mặt với cái chết. Tôi
bị xe cán đứt lìa 2 chân, mất máu rất nhiều, được đưa vào bệnh viện
trong tình trạng nguy kịch, tưởng chừng như không qua khỏi. Lần đó, tôi
đã trải qua kinh nghiệm cận tử (near death experience). Tôi thấy mình
bỗng dưng bị cuốn hút vào đường hầm đen ngòm, sâu hun hút. Tôi đến nơi
có ánh sáng mờ ảo với nhiều âm thanh lạ, nghe giọng đọc bên tai những
hành vi tốt, xấu mà tôi đã làm trong đời mình – chính xác như cuốn phim
quay lại quãng đời tôi trước đó. Từ đó, tôi biết rằng dù mình làm bất cứ
việc gì, có người khác biết hay không, không thể che giấu được thế giới
vô hình và luật nhân quả. Vì vậy tốt hơn hết là sống trung thực, ngay
thẳng trong mọi suy nghĩ và việc làm của mình.
Lúc
tôi ở trong trạng thái cận tử đó, đã vô cùng hoảng hốt và lo sợ vì
không có bất cứ sự hiểu biết nào trước về tình huống này nên không biết
phải ứng xử ra sao. Sau này, tôi tìm đọc Tạng thư sống chết của ngài
Sogyal Rinpoche do Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải dịch, Sống hạnh phúc chết
bình an của ngài Dalai Lama để tìm hiểu về giai đoạn cận tử. Tôi hiểu ra
rằng: Ai rồi cũng phải chết, nếu mình không tận dụng Bardo tự nhiên của
đời này để tu tập và chuyển nghiệp thì thật là uổng phí cho kiếp người.
Tôi luôn tâm niệm theo lời dạy của ngài Dalai Lama: “Ta cần sống sao
cho có ý nghĩa. Cuộc đời vô thường như đám mây mùa Thu. Sinh tử của
chúng sinh cũng như những diễn viên ra vô sân khấu. Bạn nhìn thấy họ
trong bộ áo mão này hoặc bộ y trang khác. Trong thời gian ngắn, họ thay
đổi y phục nhiều lần. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, đời ta sẽ chấm dứt cho
dù ta không nhận ra điều đó. Những người chấp nhận giá trị của sự thực
tập tâm linh có thể nghĩ tới những kiếp tương lai, bình thường, ta chỉ
để ý đến mục tiêu trong cuộc đời này. Đó là lý do khiến ta bối rối và
vướng mắc vào luân hồi.
Sau khi tai nạn xảy ra, chắc hẳn chị đã rất đau khổ. Chị đã làm gì để vượt qua nỗi khổ ấy?
Tôi bị sốc khi tỉnh lại trong bệnh viện
khi nhìn thấy 2 chân được băng bó, thấm đầy máu. Tôi chỉ biết khóc và
khóc thật nhiều. Lúc đó tôi thật thấm thía lời nói của Đức Phật: “Nước
mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả”. Sau 2 tháng, các bác sĩ đã chữa lành
những vết thương trên thân thể tôi nhưng vết thương lòng quá lớn thì bác
sĩ cũng đành bó tay. Tôi luôn khóc lóc, u sầu, than thân trách phận tại
sao mình lại bất hạnh như vầy. Cha mẹ tôi đã vỗ về an ủi, đồng thời lên
chùa thỉnh những quyển sách Phật pháp về cho tôi đọc trong thời gian
tôi nằm dưỡng thương ở nhà, đợi ngày đi gắn chân giả. Thật kỳ diệu làm
sao, những lời dạy của Đức Phật qua từng trang sách như liều thuốc mầu
nhiệm chữa lành nỗi đau trong tâm thức tôi. Tôi nhận thức ra rằng chính
sự đau khổ này là “Đại sự nhân duyên” để cho tôi làm cuộc chuyển hóa tâm
linh – điều mà trước đây tôi không hề nghĩ tới. Sự đau đớn, buồn phiền,
mất mát đã đánh thức tôi dậy, kéo ra khỏi trạng thái mơ hồ, không xác
định được mục đích của cuộc đời, để thực sự “Viễn ly điên đảo mộng tưởng
cứu cánh Niết Bàn”. Phải đến lúc lâm vào hoàn cảnh bi đát, tôi mới chịu
suy ngẫm, chiêm nghiệm và hiểu được ý nghĩa thâm sâu của Phật pháp.
Giáo pháp của Đức Phật chính là chiếc bè đưa tôi vượt qua biển khổ trầm
luân tìm đến bến bờ giác ngộ.
Được biết sau khi gắn 2 chân
giả để có thể đi lại được, chị đã đến với các em trường mù Nguyễn Đình
Chiểu và Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù đã ra đời từ ý tưởng của
chị. Chị có thể nói rõ hơn về công việc này không?
Khi đến thăm các em ở trường mù Nguyễn
Đình Chiểu, tôi thấy mình vẫn còn may mắn nhiều lắm. Tuy mất đi đôi chân
nhưng gắn chân giả vào tôi vẫn còn đi lại được và còn đôi mắt để nhìn
thấy vạn vật xung quanh. Các em phải sống trong bóng tối suốt cả cuộc
đời, không một lần nhìn thấy ánh sáng. Đồng thời, tôi cũng phát hiện ra
một điều là các em rất thính tai và có trí nhớ rất tốt, thích nghe kể
chuyện, đọc sách và các em cứ tha thiết yêu cầu tôi đọc sách cho các em
nghe. Qua trao đổi với một số thầy cô ở trường Nguyễn Đình Chiểu đã có
dịp đi tham quan nước ngoài kể về loại hình sách nói (audio book) rất
phổ biến và tiện lợi cho người mù, tôi quyết định phải làm sách nói cho
các em mù ở Việt Nam.
Thời gian đầu, chị có gặp
khó khăn gì không và làm cách nào vượt qua những khó khăn đó để đến ngày
nay, sau 12 năm hoạt động Thư Viện Sách Nói đã sản xuất và phát hành
gần 1.000 tựa sách với hàng trăm ngàn cuốn băng sách nói, phục vụ cho 84
Hội Người Mù và trường mù cả nước?
Tôi bắt đầu mọi việc bằng con số 0,
không ai truyền đạt kinh nghiệm hay chỉ dẫn, tôi tự mày mò và làm. Tôi
đã thành tâm cầu nguyện chư Phật và Bồ-tát gia hộ tôi vượt qua khó khăn
ban đầu và trong suốt quá trình làm việc. Quả đúng là “Năng lễ, sở lễ
tánh không tịch; cảm ứng đạo giao nan tư nghì”, chư Phật và Bồ-tát đã
đưa đẩy cho tôi có nhân duyên gặp được những người có tấm lòng vàng,
nhiệt tình đóng góp công sức và tài chính cho Thư Viện Sách Nói ngày
càng phát triển.
Năm 2009 với sự tài trợ của Quỹ Từ Thiện
Việt Nam, Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù đã đưa được sách nói lên
mạng Internet sachnoionline.com để phục vụ rộng rãi hơn cho người mù.
Đến nay, trang web này đã có hơn 6 triệu lượt người truy cập và nhận
được sự tán thành, ủng hộ của nhiều người, kể cả người sáng mắt. Số lượt
truy cập vẫn tăng lên hàng ngày, hàng giờ. Tôi nghiệm ra một điều là
chỉ cần mình giữ cái tâm thật trong sáng, không vụ lợi và làm việc hết
mình thì chư Phật và Bồ-tát sẽ gia hộ.
Sang năm 2011 chị đã sống được gần nửa đời người rồi. Chị thấy mình được gì và mất gì?
Bước qua tuổi 40, người ta không còn trẻ
nữa nhưng chưa phải già. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy mình chỉ mất
đi đôi chân – một phần của thân xác tạm bợ – nhưng lại được rất nhiều
thứ. Cái được lớn nhất là tuy phải đi bằng chân giả nhưng tôi đã tìm
thấy đường đi cho cả cuộc đời mình. Vâng, thà là như vậy còn hơn có đôi
chân lành lặn mà “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi; đi đâu loanh quanh
cho đời mỏi mệt” (1) để rổi cứ luẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử luân hồi
đáng sợ. Giờ đây tôi đang bước đi trên con đường của Tứ diệu đế, Bát
chánh đạo, Tứ vô lượng tâm với tất cả lòng tin tưởng và nhiệt thành. Tôi
thấy mình đúng như con rùa mù bơi giữa đại dương bao la 100 năm mới
trồi lên mặt nước một lần, tròng đầu được vào bọng cây trôi bất định
trên biển. Nhờ sự khiếm khuyết của cơ thể mà tôi đã bớt chấp thân rất
nhiều để hướng về con đường tu tập tâm linh, cầu giác ngộ giải thoát.
Cái được nữa là lòng yêu thương và tình
cảm chân thành của người mù dành cho tôi. Có người mù đã nói với tôi:
“Chị Hướng Dương ơi, chị bị tai nạn như vậy là cái xui của chị nhưng lại
là cái hên cho người mù vì nhờ vậy mới có Thư Viện Sách Nói Dành Cho
Người Mù như ngày nay”.
Giờ đây, nhìn sắc thái chị rất vui tươi. Xin chị cho biết làm cách nào để được như vậy?
Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy: “Trong kiếp
người, thế nào chúng ta cũng phải chết một lần, phải chết thật thì chúng
ta mới có thể sinh ra lại được với sự an lạc. Đau khổ sơ sơ thì chưa
nhằm nhò gì! Phải đau khổ cho cùng cực. Khi đụng tới cái đáy của khổ
đau, chết đi sống lại mới thấy được niềm an lạc chân thật nảy sinh ra”.
Nhờ đã chạm đến cái đáy của khổ đau mà giờ đây, tôi không còn gì để đau
khổ nữa cả, chỉ có bình an và tự tại với sự tu tập hàng ngày mà thôi.
Tôi rất tâm đắc với mấy câu thơ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
Mười lăm năm về trước, lúc bị tai nạn,
tôi đâu ngờ có ngày hôm nay lại vui tươi, yêu đời như thế này. Làn sương
lạnh lẽo của tuyệt vọng và ê chề đã tan, đám mây xám đã trôi qua trên
bầu trời, nhường chỗ cho những tia nắng chan hòa, tươi sáng. Mười lăm
năm trước, tôi tưởng đâu cuộc đời mình như vậy là đã tàn rồi, không ngóc
đầu lên được nữa. Nhờ có ánh sáng Phật pháp hoa lại tươi, rạng rỡ,
trăng lại sáng.
Được biết ngoài sách nói cho người mù, chị còn thực hiện những CD sách nói Phật pháp. Động lực nào đã thúc đẩy chị làm việc này?
Nhận thấy sự mầu nhiệm của Phật pháp đối
với bản thân mình, tôi phát tâm làm pháp thí để chia sẻ lợi ích đó với
nhiều người. Khi biết được tâm nguyện đó của tôi, thầy Thích Nhật Từ đã
nhiệt tình ủng hộ. Sách nói Phật pháp hiện đang được phát hành tại chùa
Giác Ngộ, quận 10 và chùa Dược Sư – Bình Thạnh. Bổn sư của tôi – Ni
trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện – rất tán thán việc làm này. Trong những
chuyến đi về các chùa ở các tỉnh, thành phía Bắc – những nơi ít khi có
các vị giảng sư đến thuyết pháp, Sư bà luôn đem theo những CD sách nói
này tặng cho các Tăng Ni, Phật tử ở những nơi đó.
Giờ đây, mong ước lớn nhất của chị là gì?
Hơn 10 năm qua, tôi đã thực hiện khoảng
60 tác phẩm sách nói Phật pháp nhưng chỉ phát hành dưới dạng CD, Mp3.
Tôi mong ước có một trang web sách nói Phật pháp để phục vụ miễn phí cho
quý Tăng Ni, Phật tử ở khắp mọi nơi có thể truy cập và thưởng thức qua
mạng Internet. Đồng thời, tôi cũng mong muốn qua trang web này đưa ánh
sáng Phật pháp đến cho người mù, giúp họ giác ngộ ra con đường giải
thoát. Người mù đã phải chịu bất hạnh rất lớn, sống trong bóng tối suốt
cả cuộc đời, nỗi bất hạnh ấy sẽ tăng lên gấp bội khi họ phải sống trong
bóng tối của vô minh và phiền não. Khi nào người mù được học hỏi và thực
hành giáo pháp của Đức Phật thì mới có thể thoát ra khỏi bóng tối đó,
vươn tới chân trời mới, tràn đầy ánh sáng của từ bi và trí tuệ.
Vậy còn cho bản thân mình thì chị mong ước điều gì?
Ồ, tôi chỉ mong “Tôi thu tôi bé lại, làm
mưa tan giữa trời” (2). Thật thú vị làm sao khi được làm giọt mưa bé
nhỏ tưới tẩm cho cỏ cây, hoa lá xanh tươi.
Chị có điều gì nhắn gửi với những người khuyết tật – người đồng cảnh ngộ với chị không?
Người ta sống trên đời, luôn muốn mình
lành lặn, đẹp đẽ. Người khuyết tật có nỗi khổ rất lớn là khiếm khuyết về
thân thể, khéo léo một chút, có thể tận dụng cơ hội này để tu tập chứ
đừng vì thế mà gục ngã luôn. Chúng ta sẽ dễ dàng hiểu về vô thường, khổ,
vô ngã, có thể quán Tứ niệm xứ và chiêm nghiệm về giáo lý Bát nhã,
không bị mắc kẹt vào cái tướng của mình, hướng về đời sống tâm linh
phong phú, tràn đầy an lạc.
Văn sĩ Pháp Malebranche đã nói: “Điều
duy nhất chúng ta chủ động được - ấy là làm sao cho những khổ đau của
mình trở nên sáng giá”. Phải, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được.
Hãy cố gắng lên bạn nhé, chư Phật sẽ luôn gia hộ cho chúng ta!
Xin cảm ơn chị. Chúc chị luôn có sức khỏe để hoàn thành những tâm nguyện của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét