...Không phải vì quy y Đức Phật mới
cứu độ vị ấy về Niết-bàn, không quy y sẽ đày xuống địa ngục… Đây chính
là điểm ưu việt của Phật giáo.
Hỏi: Kính thưa Thầy.
Con sinh ra trong một gia đình theo Phật giáo, con rất hâm mộ Phật
Pháp và thường cố gắng sống đúng theo ngũ giới, tuy nhiên con chưa hề
quy y và rất ít khi đi sinh hoạt ở chùa nào. Xin hỏi Thầy con có bắt
buộc phải quy y, đi chùa và ăn chay không?
Doan P. Ha
Trả lời: Phật tử Doan P. Ha mến.
Lời đầu tiên, Quí Thầy Cô trong Ban Phụ trách Hộp thư Phật học gửi lời
tán thán tinh thần hướng về Phật Pháp của Phật tử. Thầy gọi là Phật tử
chỉ vì trong Doan P. Ha đã có hạt giống Phật. Danh từ Phật tử được gọi
cho người hiểu Phật Pháp và thực hành theo lời Phật dạy, như vậy tuy
Doan P. Ha chưa quy y và đi sinh hoạt ở bất cứ chùa nào nhưng biết kính
tin Tam Bảo, cố gắng sống đúng theo ngũ giới, thế cũng được gọi là một
Phật tử rồi.
Việc Phật tử hỏi có bắt buộc phải quy y, đi chùa và ăn chay không? Thầy
có lời khuyên như thế này: Đạo Phật được mệnh danh là đạo giác ngộ, đạo
không có giáo điều, không có cưỡng bức, do đó, đạo Phật đặt sự tự giác
lên hàng đầu. Một người sau khi tìm hiểu, ngưỡng kính Bậc Giác ngộ,
nguyện thực hành theo những lời dạy bảo cao quý của Ngài, và nguyện lấy
tấm gương của những vị đệ tử xuất gia của Ngài để noi theo, thì vị ấy
thấy cần làm lễ quy y hay không là tuỳ theo vị ấy, chứ không có điều gì
bắt buộc. Không phải vì quy y Đức Phật mới cứu độ vị ấy về Niết-bàn,
không quy y sẽ đày xuống địa ngục,… Đây chính là điểm ưu việt của Phật
giáo.
Trong thực tế, nhiều người chưa từng quy y nhưng thực hành lời Phật dạy
tốt hơn người đã từng quy và được đặt pháp danh. Tuy nhiên, chúng ta
đừng vì quá chú trọng đến nội dung rồi bỏ quên hình thức mà trong Kinh
gọi là bỏ sự chấp lý hoặc ngược lại. Rất nhiều người đã đến chùa học
Pháp lâu năm, quý Thầy khuyên nên chính thức quy y Tam Bảo, nhiều vị trả
lời rằng quy y là quy y tự tánh, là trở về chính mình, nên các vị ấy
không quy y Thầy nào. Đây là một căn bịnh lớn, thể hiện sự khinh khi
ngạo mạn đối với mọi người, cụ thể là đối với Tam Bảo, hoặc có lẽ không
am tường được ý nghĩa quy y, rất khó tiến bộ trong học hỏi giáo pháp và
tu tập tâm linh.
Thầy đưa ra một vài lợi ích mà một người Phật tử sẽ có nếu thực hành quy y như sau:
1) Trong thực tế, con người luôn bị những hoàn cảnh khách quan chi phối,
ít làm chủ được trọn vẹn quan điểm, tư tưởng hay cách sống của mình. Do
đó, khi quỳ trước Tam Bảo phát nguyện từ nay về sau con xin đem thân
tâm quy mạng Tam Bảo, nguyện sống đúng với những gì Đức Phật chỉ dạy
cộng với những điều khuyên răn của chư Tăng hoặc của các bạn đồng tu
học, đến khi gặp những trở ngại trong đường đời, dù có muốn ngã lòng,
không thực hành theo lời dạy của Đức Phật nữa thì cũng không dám. Vì
nghĩ rằng trên đã có Đức Phật và chư vị Bồ-tát cùng hàng Tăng Bảo chứng
minh, dưới có những người thân thương của mình làm chứng, dù có muốn làm
các điều bất thiện cũng không dám. Chính điều này ràng buộc mình không
dám làm sai trái với lời dạy của Đức Phật, giữ cho mình khỏi bị thoái
đoạ.
2) Trong cuộc sống đời thường, cũng cần có một bậc Thầy tâm linh để
hướng dẫn mình. Tục ngữ Việt Nam có câu khá hay: “Không Thầy đố mày làm
nên”, đây chỉ là những lãnh vực tri thức thế gian, huống chi là “đường
về bến giác xa xôi ngàn trùng”! Vị Thầy tâm linh có thể hướng dẫn cho
đời sống tu học tâm linh của mình, cũng có thể là vị cố vấn cho cuộc
sống thế thường của đời mình.
3) Trong "Quy Sơn Cảnh Sách", Tổ Quy Sơn dạy “Sanh ngã giả phụ mẫu,
thành ngã giả bằng hữu” (sanh ra ta là cha mẹ, giúp ta nên người là bạn
bè). Ngài đã nhìn ra tầm quan trọng rất lớn của bạn đồng tu đồng học của
mình, các bạn bè có thể đóng vai trò không thể thiếu được đối với các
thành tựu của đời mình. Trong "Kinh Tứ Thập Nhị Chương", Đức Phật dạy
gặp được Thiện trí thức trong đời là một điều khó, không dễ ai có được
cơ may này. Do đó, khi mình quy y Tam Bảo, mình trở thành một thành viên
nhỏ của đại gia đình Phật Pháp, mình có kết duyên với các vị Thiện tri
thức, có thể trao đổi quan điểm, học hỏi lẫn nhau và có thể giúp đỡ lẫn
nhau khi ma chướng khảo đảo!
4) Khi có quy y chính thức, ăn chay và đi chùa học Pháp thường xuyên,
mình mới có cơ hội đóng góp sức mọn của mình vào các công cuộc chung.
Điểm này cũng là điều tối quan trọng cho một Phật tử. Vì một Phật tử chỉ
có tinh thần tự giác không chưa đủ, sau khi tự giác rồi, cần phải giác
tha, nghĩa là giúp đỡ mọi người, thuyết phục người khác đi theo con
đường đạo đức, từ bi và trí tuệ, đó là một hình thức để thực tập mở rộng
lòng thương người, thương yêu chúng sanh, và cũng là để báo ân Đức Phật
đã chỉ con đường an lạc và hạnh phúc thật sự cho mình.
Việc đi chùa nghe Pháp cũng tương tự, mặc dầu không ai có quyền buộc
Phật tử phải đi chùa thường xuyên để nghe Pháp, ăn chay, học Kinh, làm
công quả, cúng dường, tham gia các công tác Phật sự của chùa, nhưng nếu
không thực hành các điều kể trên thì chưa gọi là một Phật tử thuần thành
được. Một học sinh chính quy cũng cần phải ghi danh, làm mọi thủ tục,
phải đi học đầy đủ, phải tham gia các công tác trường trại, v.v... mới
có thể là một học sinh tốt. Do đó, Thầy khuyên Phật tử và tất cả những
Phật tử nào đã đến với giáo Pháp mà chưa làm lễ quy y thì cũng nên thành
tâm làm lễ quy y để chính thức trở thành một Phật tử.
“Muốn đi xa phải từ nơi gần, muốn lên cao phải từ nơi thấp”, do đó, Thầy
khuyên Phật tử nên thành tâm quy y, ăn chay đúng cách và thường xuyên
đi chùa học pháp, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền và làm các việc phước
thiện trong khả năng của mình.
Thầy chúc Phật tử luôn tinh tấn, thật sự tiến bộ trên con đường tu tập
đạo đức, tu tập thiền định và hướng đến giải thoát giác ngộ, làm lợi ích
cho mình và cho xã hội nhân sinh.
Giác Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét