Theo truyền thống Phật giáo, đối với
các hàng tại gia cư sĩ là người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi thọ phép
quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì giới.
Giới của các hàng tại gia có nhiều loại giới như:
* Ngũ giới cho tất cả mọi người tại gia.
* Ngũ giới hành phạm hạnh cho bậc Thánh Bất Lai tại gia.
* Bát giới cho tất cả mọi người tại gia và bậc xuất gia.
3 loại giới này nên được giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm.
* Bát giới (uposathasīla) và cửu giới (uposathasīla) mỗi tháng
quy định có 4 ngày, hoặc 6 ngày, hoặc 8 ngày giới... Nếu người cận sự
nam, cận sự nữ nào có khả năng, thì thọ trì bát giới hoặc cửu giới trong
những ngày đó. Nếu không có khả năng, thì không bắt buộc phải thọ trì
giới ấy.
* Thập giới của người tại gia, đối với người tại gia là cận sự
nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, chưa có cơ hội xuất
gia lâu dài, mà chỉ có rảnh rỗi thời gian ngắn, người ấy đến chùa xin
thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia trong
khoảng thời gian ngắn.
* Thập giới của bậc xuất gia Sadi, đối với vị Sadi, thập giới
này là giới cần phải giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày
đêm trong cả cuộc đời của vị Sadi.
* Giới của bậc xuất gia Tỳ khưu không phải thọ trì như các hàng
tại gia cư sĩ và bậc xuất gia Sadi. Giới của Tỳ khưu được thành tựu đồng
thời một lúc với lễ thọ Tỳ khưu tụng (Ñatticatutthakammavācā) xong.
Hành giới như thế nào?
Người có tác ý thiện tâm giữ gìn, bảo vệ những điều giới của mình cho
được trong sạch và trọn vẹn, nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn thân tránh
xa mọi ác nghiệp và giữ gìn khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, đồng thời
thành tựu thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp.
Giới trong sạch nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn bảo vệ giới của mình không bị ô nhiễm bởi phiền não.
Và trọn vẹn nghĩa là giữ gìn các điều giới mà mình đã thọ trì được trong
sạch và đầy đủ, không để giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới
bị đứt lan.
Người có tác ý thiện tâm giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn
vẹn, có nghĩa là giữ gìn, bảo vệ nhân cách trong sạch của mình, tôn
trọng nhân phẩm con người của mình.
Thật ra, người ta có thể biết người khác là người thiện hay kẻ ác do nhờ giới của người ấy được biểu hiện nơi thân và khẩu.
Người có giới là người thiện, bởi do tác ý thiện đã tạo thân thiện
nghiệp là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà
dâm; và đã tạo khẩu thiện nghiệp là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói
lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh
xa sự nói lời vô ích...
Người phạm giới là người ác, bởi do tác ý ác đã tạo thân ác nghiệp là
sát sinh, trộm cắp, tà dâm; và đã tạo khẩu ác nghiệp là nói dối, nói lời
chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích...
* Người có giới hưởng được 5 quả báu tốt lành:
- Có nhiều của cải quý giá do không có tính dể duôi.
- Có danh thơm, tiếng tốt lan truyền khắp cả 10 phương.
- Có tâm thiện dũng cảm, không e ngại sợ sệt khi đi vào nơi
hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn.
- Có tâm thiện bình tĩnh sáng suốt lúc lâm chung.
- Sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới là: Cõi người, các cõi trời dục giới.
* Người phạm giới, người không có giới phải chịu 5 quả xấu:
- Của cải bị tiêu hao, khánh kiệt do tính dể duôi.
- Có tiếng xấu lan truyền khắp cả 10 phương.
- Có tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn.
- Có tâm ác tối tăm, mê muội lúc lâm chung.
- Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh.
Trong Chú giải bài kinh Sakkapañhasutta, có đoạn đề cập đến những người
có giới trong sạch có thể lựa chọn được cảnh tái sinh 1 trong 6 cõi trời
dục giới như: “Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti,
tattha nibbattanti”.
(Những người có giới trong sạch, lúc lâm chung tâm muốn tái sinh vào cõi
trời nào trong 6 cõi trời dục giới, sau khi chết, do thiện nghiệp có
giới ấy cho quả tái sinh trong cõi trời ấy, và hưởng được mọi sự an lạc
trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ).
Muốn tái sinh lên các cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, hành
giả không những có giới trong sạch mà còn phải chứng đắc các bậc thiền
hữu sắc, hoặc bậc thiền vô sắc. Sau khi chết, chính bậc thiền cao nhất
mà hành giả đã chứng đắc sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới hoặc
cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.
Người phạm giới, người không có giới sẽ có tâm mê muội lúc lâm chung.
Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa
ngục, hoặc cõi atula, hoặc cõi ngạ quỷ, hoặc cõi súc sinh tùy theo quả
của ác nghiệp mà họ đã tạo, phải chịu khổ trong cõi ác giới ấy cho đến
khi mãn quả của ác nghiệp ấy. Nếu thiện nghiệp chưa có cơ hội cho quả
thì ác nghiệp lại cho quả tái sinh trở lại trong cõi ác giới.
Như vậy, người có giới trong sạch hưởng được quả báu tốt lành trong kiếp
hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Ngược lại, người phạm giới, người không
có giới phải chịu quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện tại lẫn nhiều
kiếp vị lai.
Vậy chúng ta nên suy xét rằng: “Sự giữ gìn giới cho trong sạch và sự
phạm giới, trong 2 sự việc này, sự việc nào dễ làm và sự việc nào khó
làm?”.
Để giải đáp vấn đề này một cách trung thực và khách quan, chúng ta nên
phân tích ra từng mỗi giới, rồi suy xét kỹ mỗi sự việc, lúc đó, mới có
được một nhận thức đúng đắn, trung thực và khách quan.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Giới của người tại gia: Giới uống rượu
Nếu người nào phạm điều giới uống rượu
và các chất say, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết,
ác nghiệp do uống rượu và các chất say ấy không có khả năng cho quả tái
sinh, mà thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì
cả hai trường hợp này người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp do
uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ.
Sự Uống Rượu Và Các Chất Say
Rượu và các chất say liên quan đến
uống rượu và các chất say, là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp,
có thể tạo nên 2 loại nghiệp:
- Người phạm điều giới uống rượu và các chất say, tạo nên ác nghiệp do uống rượu và các chất say.
- Người giữ giới tránh xa sự
uống rượu và các chất say, không uống rượu và các chất say, tạo thiện
nghiệp do không uống rượu và các chất say.
Quả của ác nghiệp do uống rượu và các
chất say và quả của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say hoàn
toàn trái ngược nhau.
5. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới uống rượu và các chất say
Người nào phạm điều giới uống rượu và
các chất say dù ít dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp do uống rượu và các
chất say. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do uống
rượu và các chất say cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ
của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi
cõi ác giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường
hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người. Và
trường hợp, nếu người nào phạm điều giới uống rượu và các chất say, tạo
ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do uống
rượu và các chất say ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện
nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường
hợp này người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và
các chất say từ kiếp quá khứ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 30 quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người không biết những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
2- Là người thường không có trí nhớ, hay quên mình.
3- Là người loạn trí, điên cuồng.
4- Là người không có trí tuệ.
5- Là người có tính lười biếng trong công việc.
6- Là người thường hay buồn ngủ.
7- Là người bị câm điếc từ khi đầu thai.
8- Là người si mê, ngu dốt.
9- Là người khó nhớ, dễ quên.
10- Là người có sự hiểu biết kém cỏi, dốt nát.
11- Là người có thân hình nặng nề chậm chạp.
12- Là người thường bị tai nạn.
13- Là người sầu não, khổ tâm.
14- Là người hay nói lảm nhảm.
15- Là người hay nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.
16- Là người có tính biếng nhác ngày đêm trong công việc nặng, nhẹ.
17- Là người không biết ơn và không biết đền ơn đối với người ân nhân của mình.
18- Là người không biết công việc đã làm xong.
19- Là người keo kiệt, bủn xỉn.
20- Là người không thích làm phước thiện bố thí đến cho người khác.
21- Là người không có giới, hoặc phạm điều giới.
22- Là người không chân thật, không ngay thẳng.
23- Là người hay sinh tâm sân hận.
24- Là người không biết hổ thẹn tội lỗi, khi làm ác.
25- Là người không biết ghê sợ tội lỗi, khi làm ác.
26- Là người có tà kiến hiểu lầm, chấp lầm trong mọi đối tượng.
27- Là người dám tạo mọi tội ác.
28- Là người không có trí tuệ, không hiểu rõ chân lý.
29- Là người không thể phát sinh trí tuệ.
30- Là người không biết phân biệt được sự lợi, sự hại, điều chánh, lẽ tà.
Đó là 30 quả xấu của ác nghiệp do uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ.
5. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không uống rượu và các chất say
Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch
và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự uống rượu và
các chất say”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp do không uống rượu và
các chất say ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong
cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết
tuổi thọ.
Sau khi chết ở cõi trời ấy, nếu trường
hợp thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say ấy cho quả tái sinh
làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết,
thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say không cho quả tái sinh
lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong
cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của
thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ đáng
hài lòng hoan hỷ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng
giải về 30 quả báu tốt của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất
say từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người có trí tuệ sáng suốt, hiểu biết mau lẹ những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
2- Là người thường có trí nhớ.
3- Là người không loạn trí, điên cuồng.
4- Là người có trí tuệ, thông minh, nhạy bén.
5- Là người có sự tinh tấn không ngừng.
6- Là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) từ khi đầu thai.
7- Là người không bị câm điếc,… từ khi đầu thai.
8- Là người có trí tuệ sáng suốt, không mê muội.
9- Là hạng người không dể duôi trong mọi thiện pháp.
10- Là hạng người đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng.
11- Là người có thân hình đầy đủ, cân đối các bộ phận lớn nhỏ xinh đẹp.
12- Là người ít gặp tai nạn.
13- Là người ít có sầu não, khổ tâm.
14- Là người thường nói lời chân thật, đáng tin.
15- Là người không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích.
16- Là người có sự tinh tấn không ngừng ngày đêm trong mọi công việc thiện.
17- Là người có lòng biết ơn và biết đền ơn đối với người ân nhân của mình.
18- Là người hiểu biết những công việc đã làm.
19- Là người không có tính keo kiệt, bủn xỉn của cải của mình.
20- Là người có tâm hoan hỷ trong việc làm phước bố thí của cải đến cho người khác.
21- Là người có giới đầy đủ và trọn vẹn.
22- Là người trung thực với mình và mọi người.
23- Là người ít sinh tâm sân hận .
24- Là người biết hổ thẹn tội lỗi, không dám làm điều ác.
25- Là người biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm điều ác.
26- Là người có chánh kiến thấy đúng, có khả năng thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp.
27- Là người có nhiều phước thiện cao thượng.
28- Là người có nhiều trí tuệ, hiểu biết các pháp.
29- Là bậc thiện trí hiểu biết phân biệt được điều lợi, điều hại, điều chánh, lẽ tà,….
30- Là bậc thiện trí biết sự lợi ích kiếp hiện tại, sự lợi ích kiếp vị lai, sự lợi ích Tối Thượng Niết Bàn.
Đó là 30 quả báu tốt của thiện nghiệp do không uống rượu và các chất say từ kiếp quá khứ.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Giới của người tại gia: Giới nói dối
Người nào phạm điều giới nói dối gây ra sự thiệt hại dù ít dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp nói dối.
Sự nói dối liên quan đến nói lời không chân thật, lừa dối,... có thể tạo nên 2 loại nghiệp:
- Người phạm điều giới nói dối gây ra thiệt hại đến người khác, tạo nên ác nghiệp nói dối.
- Người giữ giới tránh xa sự nói dối, không nói dối, tạo nên thiện nghiệp không nói dối.
Quả của ác nghiệp nói dối và quả của thiện nghiệp không nói dối hoàn toàn trái ngược nhau.
4. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới nói dối
Người nào phạm điều giới nói dối gây ra sự thiệt hại dù ít dù nhiều cũng
tạo nên ác nghiệp nói dối. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết,
ác nghiệp nói dối cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của
ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi
ác giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác
cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm
điều giới nói dối, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết,
ác nghiệp nói dối ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện
nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường
hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp
quá khứ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.
2- Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.
3- Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.
4- Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.
5- Là người có thân hình quá ốm, tong teo.
6- Là người có thân hình quá thấp, lùn tịt.
7- Là người có thân hình quá cao, lêu nghêu.
8- Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.
9- Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.
10- Là người nói không ai tin theo.
11- Là người nói không ai muốn nghe.
12- Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.
13- Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.
14- Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.
Đó là 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ trong kiếp quá khứ.
4. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không nói dối
Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới
“có tác ý tránh xa sự nói dối”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp
không nói dối ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong
cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết
tuổi thọ.
Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không nói dối
cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu
sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không nói dối không cho quả tái sinh
lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong
cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của
thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả báu tốt của thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) trong sáng.
2- Là người có giọng nói ngọt ngào, dễ nghe.
3- Là người có đôi hàm răng đều đặn, đẹp đẽ.
4- Là người có thân hình không mập quá.
5- Là người có thân hình không ốm quá.
6- Là người có thân hình không thấp quá.
7- Là người có thân hình không cao quá.
8- Là người có da thịt mịn màng, mềm mại.
9- Là người mà trong miệng có mùi thơm tho thoát ra dễ chịu như mùi hoa sen.
10- Là người nói được nhiều người tin theo, không có ai ganh tỵ.
11- Là người nói được nhiều người muốn nghe.
12- Là người có cái lưỡi mềm mỏng, màu hồng như cánh hoa sen đỏ.
13- Là người có định tâm vững vàng.
14- Là người có lời nói rõ ràng, ý nghĩa sâu sắc, được nhiều người tin tưởng và tôn trọng.
Đó là 14 quả báu tốt của thiện nghiệp không nói dối từ kiếp quá khứ.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Giới của người tại gia: Giới tà dâm
Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch
và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự tà dâm”; sau
khi người ấy chết, thiện nghiệp không tà dâm ấy cho quả tái sinh làm vị
thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc
trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sự Tà Dâm
Sự tà dâm liên quan đến tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, có thể tạo nên 2 loại nghiệp:
- Người phạm điều giới tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo nên ác nghiệp tà dâm.
- Người giữ giới tránh xa sự tà dâm, không tà dâm với vợ,
chồng, con của người khác, tạo nên thiện nghiệp không tà dâm.
Quả của ác nghiệp tà dâm và quả của thiện nghiệp không tà dâm hoàn toàn trái ngược nhau.
3. 1 Quả ác nghiệp của người phạm điều giới tà dâm
Người nào phạm điều giới tà dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo
nên ác nghiệp tà dâm. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác
nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác
nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác
giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác
cho quả tái sinh làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới
tà dâm, tạo ác nghiệp, có tội nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp
tà dâm ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác
cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy
sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người có nhiều người oan trái.
2- Là người có nhiều người thù ghét.
3- Là người nghèo khổ, thiếu thốn.
4- Là người ngủ không được an lạc.
5- Là người thức không được an lạc.
6- Là người không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).
7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).
8- Là người có tính hay nóng giận.
9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.
10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.
11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.
12- Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.
13- Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng.
14- Là người khuyết tật: Đui mù, câm điếc,...
15- Sinh làm người đàn bà (tiền kiếp là người đàn ông).
16- Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.
17- Là người không biết đủ, sống khổ cực.
18- Là người sống nơi nào cũng không được an lạc.
19- Là người gặp nhiều tai hại, oan trái với mọi người.
20- Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.
Đó là 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.
3. 2 Quả thiện nghiệp của người giữ điều giới không tà dâm
Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới
“có tác ý tránh xa sự tà dâm”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp
không tà dâm ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong
cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết
tuổi thọ.
Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không tà dâm
cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu
sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không tà dâm không cho quả tái sinh
lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong
cõi người; thì cả hai trường hợp này người ấy sẽ có được quả báu tốt của
thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ.
Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả báu tốt của thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ như sau:
1- Là người không có người oan trái.
2- Là người được mọi người thương yêu quý mến.
3- Là người có nhiều của cải giàu sang phú quý.
4- Là người ngủ được an lạc.
5- Là người thức được an lạc.
6- Là người có thể tránh được 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).
7- Sinh làm người đàn ông hoàn toàn 100%.
8- Là người có tính ôn hòa, ít nóng giận.
9- Là người sinh ra trong dòng họ cao quý, có tính khiêm nhường.
10- Là người có tính minh bạch rõ ràng, không che giấu tội lỗi.
11- Là người không có tật nguyền, có thân hình xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ.
12- Là người có sắc diện trong sáng.
13- Là người được mọi người tin tưởng.
14- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) đầy đủ và tốt đẹp.
15- Là người có tư cách đáng kính.
16- Là người không có những chứng bệnh đáng ghê sợ.
17- Là người có trí tuệ, đời sống được an lạc.
18- Là người sống nơi nào cũng được an lạc.
19- Là người không có tai hại, không có người gây oan trái.
20- Là người thường được sống gần gũi với người thân yêu.
Đó là 20 quả báu tốt của thiện nghiệp không tà dâm từ kiếp quá khứ.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Giới của người tại gia: Giới trộm cắp
Người nào lấy, chiếm đoạt của cải, tài
sản mà người chủ không cho, bằng cách trộm cắp, cướp giật, lường gạt,
đánh tráo, v.v… đều bị phạm điều giới trộm cắp.
Điều Giới Tránh Xa Sự Trộm Cắp
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
* Nghĩa phân tích chữ:
- Adinnādānā Þ A + dinna + ādānā
+ A: Không, không được phép.
+ Dinna: Của cải, tài sản mà chủ nhân cho phép.
+ Ādānā: Lấy, chiếm đoạt.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ Þ Veramaṇī + sikkhāpadaṃ
+ Veramaṇī: Tác ý tránh xa.
+ Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới.
Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Adinnādānā: Lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà chủ nhân không cho phép hoặc chủ nhân đang giữ gìn.
Người lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà người chủ không cho, bằng cách
trộm cắp, cướp giật, lường gạt, đánh tráo, v.v… đều bị phạm điều giới
trộm cắp.
* Nghĩa tổng hợp:
Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp.
Chi Pháp Phạm Điều Giới Trộm Cắp
Người phạm điều giới trộm cắp cần phải hợp đủ 5 chi pháp:
1- Của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitaṃ).
2- Biết rõ của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitasaññitā).
3- Tâm nghĩ trộm cắp (theyyacittaṃ).
4- Cố gắng trộm cắp (payogo).
5- Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro).
Nếu hội đủ 5 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới trộm cắp. Nếu thiếu
1 trong 5 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới trộm cắp.
Giảng Giải Về Sự Trộm Cắp
Của cải: Đó là các thứ tài sản tiền của, vàng bạc châu báu,…; các thú
vật như voi, ngựa, trâu, bò,…; các thứ sở hữu trí tuệ,… là những thứ của
cải giá trị có chủ.
* Tâm nghĩ trộm cắp có 2 cách:
1- Bằng thân, tự mình chiếm đoạt của cải người khác.
2- Bằng khẩu, dùng lời nói lường gạt, hoặc sai khiến người chiếm đoạt của cải người khác.
* Cố gắng trộm cắp có 6 cách:
1- Do chính mình trộm cắp của cải người khác.
2- Sai khiến người trộm cắp của cải người khác.
3- Ném hàng hóa, đồ đạc qua các trạm thu thuế, cửa khẩu… để trốn thuế.
4- Sai khiến người rằng: “Chờ có cơ hội hãy trộm cắp của cải ấy” không hạn định thời gian.
5- Dùng bùa chú, thuốc mê làm cho người chủ mê muội, rồi chiếm đoạt của cải.
6- Dùng thần thông lấy nước hồ để uống (trường hợp vị Sadi xin nước hồ
để uống, Long Vương giữ hồ không cho; vị Sadi này dùng thần thông để lấy
nước hồ uống. Trường hợp này không gọi là trộm cắp, vì người chủ là
Long Vương giữ hồ, và lượng nước hao tốn không đáng kể).
Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Trộm Cắp
Tội nặng - tội nhẹ của sự trộm cắp được căn cứ vào giá trị của cải, tài
sản nhiều hoặc ít; và căn cứ vào chủ nhân có giới đức hoặc không có giới
đức.
- Trộm cắp của cải, tài sản có giá trị nhiều, thì tội nặng.
- Trộm cắp của cải, tài sản có giá trị ít, thì tội nhẹ.
- Trộm cắp của cải, tài sản của bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu, thì tội nặng.
- Trộm cắp của cải, tài sản của người tại gia cư sĩ, thì tội nhẹ.
- Trộm cắp của cải, tài sản của cá nhân, thì tội nhẹ.
- Trộm cắp của cải, tài sản của chung, của nhà nước, thì tội nặng.
- Trộm cắp của cải, tài sản của bậc Thánh Nhân, thì tội nặng.
- Trộm cắp của cải, tài sản của hạng phàm nhân, thì tội nhẹ.
- Trộm cắp của cải, tài sản của chư Đại đức Tăng, thì tội nặng hơn cả.
25 Cách Trộm Cắp
25 cách trộm cắp được chia ra làm 5 phần, mỗi phần có 5 cách.
1- Nānābhaṇḍa pañcaka: Trộm cắp của cải nhiều loại và các thứ tài sản, có 5 cách.
1. 1 Ādiyana adinnādāna: Một người muốn chiếm đoạt của cải, tài sản như
đất đai, nhà cửa,… của người khác, bằng cách thưa kiện ra tòa. Trường
hợp này người có mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chủ mà không liên
quan đến nợ nần, tài sản thế chấp, mà đó chỉ là mưu đồ muốn làm chủ
(chiếm đoạt) đất đai tài sản hoặc nhà cửa người khác.
Việc ra tòa xét xử lâu ngày, khiến cho người chủ nản lòng, có ý nghĩ
buông bỏ tài sản ấy rằng: “Tài sản của ta, chắc chắn sẽ thuộc về của
người khác rồi”.
Như vậy, người có mưu đồ chiếm đoạt của cải, tài sản (đất đai, nhà
cửa,…) của người khác hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
1. 2 Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê mang của cải người khác đến
một nơi đã định. Trong khi đang mang của cải đi trên đường, người ấy
phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt làm của mình. Khi tâm nghĩ trộm cắp
phát sinh, người ấy chỉ cần di chuyển của cải ấy rời khỏi chỗ cũ chút
đỉnh, ví dụ như từ vai phải sang vai trái, hoặc từ tay phải sang tay
trái.
Như vậy, người làm thuê mang của cải ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
1. 3 Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ của cải của ông B; về sau,
ông B đến gặp ông A xin lấy lại những thứ của cải mà trước đây ông B đã
gửi gắm nhờ ông A giữ hộ. Ông A có tâm tham muốn chiếm đoạt của cải của
ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng:
- Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ của cải của ông.
Khi ông B, người chủ của cải không còn hy vọng lấy lại của cải của mình,
và nghĩ rằng: “Của cải mà ta đem gởi cho ông A giữ hộ trước kia, bây
giờ xem như đã mất rồi”.
Như vậy, ông A nhận giữ hộ của cải của ông B, rồi chiếm đoạt của cải ấy, ông A hội đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
1. 4 Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Chủ nhân đang ngồi hoặc đang nằm,
hoặc đang đứng,… tại nơi của cải, tài sản của mình. Người trộm cướp muốn
chiếm đoạt số của cải, tài sản ấy, nên đã hăm dọa người chủ nhân phải
rời khỏi nơi ấy, để y chiếm đoạt của cải ấy. Khi bắt buộc chủ nhân phải
rời khỏi nơi ấy, dù 1-2 bước, thì người trộm cướp ấy hội đủ 5 chi pháp
phạm điều giới trộm cắp.
1. 5 Ṭhānācāvana adinnādāna: Các báu vật mà chủ nhân đặt để một nơi, kẻ
trộm cướp nhìn thấy, phát sinh tâm tham, muốn trộm cắp báu vật ấy; kẻ ấy
chỉ cần di chuyển báu vật ấy rời khỏi vị trí chỗ cũ chút ít, thì kẻ ấy
hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
2- Ekabhanda pañcaka: Trộm cắp những sinh vật có sinh mạng, có 5 cách.
2. 1 Ādiyana adinnādāna: Người muốn chiếm đoạt những sinh vật có sinh
mạng như các loài gia súc của người khác, bằng cách thưa kiện. Đến khi
chủ nhân của các loài gia súc kia nản lòng buông bỏ và nghĩ rằng: “Đàn
gia súc của ta chắc chắn sẽ thuộc về người khác rồi”.
Như vậy, người chiếm đoạt hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
2. 2 Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê dắt con bò đi đến một nơi đã
định. Trên đường đi, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò
ấy trở thành của mình.
Sau khi suy nghĩ xong, người ấy chỉ cần dắt bò đi theo con đường khác hoặc có ý trao từ tay này sang tay khác.
Như vậy, người làm thuê ấy đã hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
2. 3 Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ con bò của ông B. Về sau,
ông B đến gặp ông A xin nhận lại con bò mà trước đây ông đã nhờ ông A
giữ hộ. Nhưng ông A có tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò của ông B, nên
ông A đã phủ nhận rằng:
- Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ con bò của ông.
Khi ông B không còn hy vọng nhận lại con bò của mình được nữa, thì nghĩ rằng: “Chắc chắn ta không thể lấy lại con bò được rồi”.
Như vậy, ông A đã nhận giữ hộ con bò mà không chịu trả lại, hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
2. 4 Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Người, hoặc trâu, bò,… đang đi,
đứng, nằm, tại một địa điểm nào đó; người có tâm tham muốn bắt cóc người
để vụ lợi, hoặc bắt trộm trâu, bò dắt đi bán,… Khi người, hoặc trâu, bò
chỉ cần bị di chuyển 1-2 bước khỏi nơi ấy mà thôi, là người ấy đã hợp
đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
2. 5 Ṭhānācāvana adinnādāna: Chủ nhân đang nhốt trâu, bò ở trong chuồng.
Người có tâm tham, muốn dắt trộm trâu, bò ra khỏi chuồng. Khi trâu, bò
bị dắt ra khỏi chuồng 1-2 bước mà thôi, là người ấy đã hợp đủ 5 chi pháp
phạm điều giới trộm cắp.
3- Sahatthika pañcaka: Chính tự mình trộm cắp, có 5 cách.
3. 1 Sahatthika adinnādāna: Chính tự mình trộm cắp của cải, tài sản của người khác.
Như vậy, người ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
3. 2 Āṇattika adinnādāna: Sai khiến người khác đi trộm cắp của cải, tài
sản của người khác. Và người bị sai đi đã trộm cắp của cải, tài sản ấy.
Như vậy, người sai khiến hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp, và người bị sai cũng phạm điều giới trộm cắp.
3. 3 Nissaggiya adinnādāna: Giấu hàng hóa để trốn thuế.
Như vậy, người giấu hàng hóa ấy hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
3. 4 Atthasādhaka adinnādāna: Người ra lệnh cho nhóm bộ hạ tay sai đi
trộm cắp của cải của người khác, nếu khi có cơ hội, không hạn định thời
gian. Và nhóm bộ hạ đã đi trộm cắp của cải ấy.
Như vậy, người ra lệnh phạm điều giới trộm cắp, và nhóm bộ hạ cũng phạm điều giới trộm cắp.
3. 5 Dhuranikkhepa adinnādāna: Người vay mượn tiền của người khác; hoặc
nhận lãnh cất giữ tài sản của cải của người khác. Khi người chủ nhân đến
đòi nợ; hoặc xin nhận lại tài sản của cải đã gửi gắm. Người vay mượn
(con nợ) hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải từ chối rằng:
- Tôi không hề vay mượn tiền của của ông, hoặc tôi không hề nhận lãnh cất giữ tài sản của cải cho ông.
Người chủ nhân quyết định buông bỏ rằng: “Tiền của, hoặc tài sản của cải của ta chắc chắn đã bị người ấy chiếm đoạt rồi”.
Ngay khi ấy, người vay mượn tiền của, hoặc người nhận lãnh cất giữ của
cải mà không trả lại, hợp đủ 5 chi pháp phạm điều giới trộm cắp.
4- Pubbapayoya pañcaka: Phạm điều giới trộm cắp trước khi lấy trộm tài sản, của cải của người khác, có 5 cách.
4. 1 Pubbapayoya adinnādāna: Người ra lệnh cho người khác đi trộm cắp
rằng: Bằng mọi cách ngươi phải trộm cắp cho được của cải ấy. Khi ra lệnh
xong, người ấy phạm điều giới trộm cắp ngay khi ấy.
4. 2 Sahapayoya adinnādāna: Người nào phát sinh tâm trộm cắp tài sản,
của cải của người khác, đồng thời cố gắng di chuyển tài sản, của cải ra
khỏi chỗ cũ; người ấy phạm điều giới trộm cắp. Người nào phát sinh tâm
gian lận, lấn chiếm đất đai của người khác, đồng thời cố gắng dời cột
mốc ranh giới sang phần đất của người bên cạnh. Người ấy phạm điều giới
trộm cắp.
4. 3 Saṃvidāvahāra adinnādāna: Một nhóm người (từ 2 người trở lên) hợp
thành nhóm cùng nhau đi trộm cướp. Trong nhóm người ấy, nếu có một người
nào trộm cướp được của cải, tài sản của người khác, thì cả nhóm người
ấy đều phạm điều giới trộm cắp.
4. 4 Saṅketakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn tay sai đi trộm cắp,
có quy định thời gian rõ ràng, ví dụ vào lúc nửa đêm 24 giờ chẳng hạn.
- Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp đúng theo giờ quy định
(24 giờ), thì người sai khiến phạm điều giới trộm cắp, và bọn tay sai
cũng phạm điều giới trộm cắp.
- Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp vào lúc thời gian sớm
hoặc muộn hơn thời gian quy định (trước hoặc sau 24 giờ), thì người sai
khiến không phạm điều giới trộm cắp; chỉ có bọn tay sai phạm điều giới
trộm cắp mà thôi.
4. 5 Nimittakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn tay sai đi trộm cắp,
theo hiệu lệnh như vỗ tay, huýt sáo (huýt gió)… để thực hiện hành động
trộm cắp.
- Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp đúng theo hiệu lệnh, thì
người sai khiến phạm điều giới trộm cắp, và bọn tay sai cũng phạm điều
giới trộm cắp.
- Nếu bọn tay sai thực hiện hành động trộm cắp mà không theo hiệu lệnh
đã quy định, thì người sai khiến không phạm điều giới trộm cắp; chỉ có
bọn tay sai phạm điều giới trộm cắp mà thôi.
5- Theyyāvahāra pañcaka: Trộm cắp bằng cách lừa bịp, có 5 cách.
5. 1 Theyyāvahāra adinnādāna: Người bán hàng cân hàng hóa thiếu, bán đồ
giả, buôn bán hàng lậu, trốn thuế,… người ấy phạm điều giới trộm cắp.
5. 2 Pasayhāra adinnādāna: Người dùng vũ khí (súng, dao,…) để hăm dọa
người khác, bắt buộc người khác phải trao của cải, vàng bạc,… Người ấy
phạm điều giới trộm cắp.
5. 3 Parikappāvahāra adinnādāna: Người muốn trộm cắp một thứ nào đó, dù
đã được thứ ấy, hoặc được một thứ nào khác, mà vẫn hài lòng, thì người
ấy phạm điều giới trộm cắp.
5. 4 Paṭicchannāvahāra adinnādāna: Một người vào nhà người khác nhìn
thấy món đồ quý giá (nhẫn kim cương, hột xoàn, v.v…) mà người chủ để
trên bàn. Người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt món đồ ấy trở
thành của mình, nên đã lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi khác, chờ cơ
hội người chủ đi khỏi nơi đó, mới lấy món đồ ấy đem đi. Trong khi lấy
món đồ ấy đem giấu kín một nơi, người ấy chưa phạm điều giới trộm cắp.
Đến khi người chủ tìm không thấy món đồ của mình, do công việc gấp phải
đi khỏi nơi đó và có ý định sau khi xong công việc sẽ trở lại tìm kỹ
hơn.
Khi người chủ rời khỏi nơi đó rồi, người trộm cắp lấy món đồ ấy, người ấy phạm điều giới trộm cắp.
5. 5 Kusāvahāra adinnādāna: Trộm cắp lấy món đồ quý giá của người khác rồi thay thế vào đó món đồ không giá trị của mình.
Ví dụ: Một người lấy chiếc đồng hồ đắt giá của người khác, rồi thay thế
vào đó một chiếc đồng hồ xấu, rẻ tiền của mình; hoặc có hai gói đồ, một
gói có tên của mình và một gói là tên của người khác. Người ấy nhìn thấy
gói đồ có tên của người khác gồm các món đồ quý giá, còn gói đồ có tên
của mình gồm các món đồ tầm thường; người ấy liền bóc cái nhãn ghi tên
của mình gắn vào gói đồ dùng của người khác, và bóc cái nhãn có ghi tên
của người khác gắn vào gói đồ dùng của mình, v.v…
Người có tâm tham thay đổi món đồ xấu lấy đồ tốt, hoặc thay đổi tên của
mình thế vào chỗ tên của người khác,… người ấy phạm điều giới trộm cắp.
Phạm Điều Giới - Không Phạm Điều Giới Trộm Cắp
Để nhận định có phạm điều giới hay không phạm điều giới trộm cắp đều căn
cứ vào tác ý (cetanā). Nếu có tác ý bất thiện (tác ý ác) cộng với hợp
đủ chi của giới, thì bị phạm điều giới; còn nếu có tác ý bất thiện mà
không đủ chi của giới, thì không phạm điều giới.
Ví dụ: Nhìn thấy con mèo bắt cắn cổ con gà chết của người khác, rồi
người ấy bắt buộc con mèo thả con gà ra để cho y ăn thịt, mà không cho
con mèo ăn thịt con gà. Vậy, người ấy đã phạm điều giới trộm cắp.
Nhưng khi nhìn thấy con mèo bắt con gà còn sống, người ấy bắt buộc con
mèo thả con gà, để cứu mạng con gà, không cho con mèo ăn thịt con gà.
Vậy, người ấy không phạm điều giới trộm cắp, mà còn tạo được phước thiện
cứu mạng.
Trường hợp ông Bàlamôn Doṇa là người đứng ra làm trung gian phân chia Xá
lợi của Đức Phật Gotama cho các nước lớn; Đức vua mỗi nước thỉnh Xá lợi
Phật đem về, rồi tạo ngôi Tháp Bảo để tôn thờ Xá lợi Đức Phật. Trong
khi phân chia Xá lợi Phật, ông Bàlamôn Doṇa thỉnh ‘Xá lợi Răng Nhọn’
giấu kín trên đầu tóc của mình, để tôn thờ.
Đức vua Sakka trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên nhìn thấy, suy xét rằng:
“Ông Bàlamôn Doṇa không thể có một ngôi Tháp Bảo xứng đáng để tôn thờ Xá
lợi Răng Nhọn của Đức Phật. Ta nên hiện xuống thỉnh Xá lợi Răng Nhọn về
cõi trời này”.
Suy nghĩ xong, Đức vua trời Sakka hiện xuống cõi người, thỉnh ‘Xá lợi
Răng Nhọn’ từ trên đầu tóc của ông Bàlamôn Doṇa, mà ông chẳng hề hay
biết. Đức vua trời Sakka thỉnh về tôn thờ trong ngôi Bảo Tháp Cūḷāmaṇī
tại cõi trời Tam Thập Tam Thiên, để cho toàn thể chư thiên lễ bái cúng
dường.
Như vậy, Đức vua trời Sakka không thể phạm điều giới trộm cắp, bởi vì
Đức vua trời (là bậc Thánh Nhập Lưu) có tác ý thiện, có giới hoàn toàn
trong sạch và trọn vẹn, nên không có tội, chỉ có nhiều phước thiện cao
thượng mà thôi.
Cho nên phạm điều giới hay không phạm điều giới được căn cứ vào tác ý
(cetanā) là chính. Nếu có tác ý bất thiện(tác ý ác) rồi tạo nên ác
nghiệp do thân hoặc khẩu, thì gọi là phạm điều giới; ngược lại, nếu có
tác ý thiện rồi tạo nên thiện nghiệp do thân hoặc khẩu, thì không phạm
điều giới, không có tội, chỉ có phước thiện mà thôi.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Giới của người tại gia: Giới sát sinh
Hỏi: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều giới sát sinh hay không?
Chi Pháp Phạm Điều Giới Sát Sinh
Người phạm điều giới sát sinh cần phải hợp đủ 5 chi pháp:
1- Chúng sinh có sinh mạng (pāṇo).
2- Biết rõ chúng sinh có sinh mạng (pāṇasaññitā).
3- Tâm nghĩ sát hại chúng sinh (vadhakacittaṃ).
4- Cố gắng sát hại chúng sinh (payogo).
5- Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maraṇaṃ).
Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi
là phạm điều giới sát sinh. Nếu thiếu 1 trong 5 chi, thì không thể gọi
là phạm điều giới sát sinh.
Giảng Giải Về Sự Sát Sinh
* Chúng sinh là gì?
Chúng sinh là những sinh vật có sinh
mạng; có nhiều loại chúng sinh khác nhau, dù nhỏ dù lớn, mỗi chúng sinh
cũng đều có sinh mạng. Sinh mạng này phát sinh từ nghiệp; do đó, các
loài thực vật, cây cỏ, núi non, đất, nước, lửa, gió, v.v… đều không có
sinh mạng.
Mỗi chúng sinh được gọi, được biết qua
những danh từ chế định bằng mỗi thứ ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau,
nhưng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma), thì chỉ có 3 pháp là:
Tâm, tâm sở, sắc pháp mà thôi.
Danh từ gọi “chúng sinh” còn sinh
mạng, theo Chân nghĩa pháp, chúng sinh ấy còn có đủ sắc mạng
chủ(jīvitindriyarūpa) và danh mạng chủ (jīvitindriyanāma); nếu chúng
sinh ấy không còn có sinh mạng (sắc mạng chủ), thì gọi là thi thể, xác
chết,…
2 pháp: Sắc mạng chủ và danh mạng chủ:
- Sắc mạng chủ có trạng thái sinh rồi
diệt liên tục không ngừng, đồng thời có phận sự bảo hộ, duy trì thân thể
sinh mạng của mỗi chúng sinh liên tục không gián đoạn suốt mỗi kiếp
(sắc mạng chủ hạn chế trong mỗi kiếp).
- Danh mạng chủ có trạng thái sinh rồi
diệt liên tục không ngừng, có phận sự bảo hộ danh pháp (tâm và tâm sở)
từ kiếp này sang kiếp khác, thay đổi do năng lực quả của nghiệp trong
mỗi kiếp, từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại theo các lộ trình tâm, cho
đến khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân hồi trong ba giới
bốn loài.
Do đó, sát sinh nghĩa là sát hại sinh
mạng của chúng sinh. Sự thật đúng theo Chân nghĩa pháp(Paramatthasacca)
đó là cắt đứt sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc pháp của kiếp
ấy; còn danh mạng chủ (jīvitindriyanāma) thuộc về danh pháp có trạng
thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác,
thay đổi do năng lực quả của nghiệp trong mỗi kiếp, thì không thể bị cắt
đứt được.
Như vậy, sát sinh nghĩa là cắt đứt sắc
mạng chủ thuộc sắc pháp của kiếp chúng sinh ấy. Còn danh mạng chủthuộc
danh pháp vẫn sinh rồi diệt liên tục kế tiếp kiếp sau, tuỳ theo nghiệp
cho quả tái sinh.
- Tác ý bất thiện sát hại chúng sinh có 2 cách:
1- Bằng thân: Tự chính mình sát hại chúng sinh.
2- Bằng khẩu: Sai khiến người khác sát hại chúng sinh.
- Cố gắng để sát hại chúng sinh có 6 cách:
1- Tự mình sát hại chúng sinh.
2- Sai khiến người khác sát hại chúng sinh bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bằng cách ra hiệu v.v…
3- Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng v.v… làm cho chúng sinh ấy chết.
4- Người làm ra những thứ vũ khí để
sát hại chúng sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm
giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng
những thứ vũ khí ấy để sát hại chúng sinh, thì người làm ra những thứ vũ
khí ấy phạm điều giới sát sinh. Bởi vì, người ấy có tác ý bất thiện sát
hại chúng sinh có tính cách lâu dài.
5- Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng sinh ấy chết.
6- Sử dụng phép mầu của mình sát hại chúng sinh.
Tội Nặng - Tội Nhẹ Của Sự Sát Sinh
Tội nặng hoặc tội nhẹ của sự sát sinh
được căn cứ vào chúng sinh lớn hoặc nhỏ; có giới đức hoặc không có giới
đức; giới đức nhiều hoặc giới đức ít, v.v…
* Chúng sinh có thân hình lớn - thân hình nhỏ:
- Nếu sát hại chúng sinh có thân hình to lớn như con voi, con trâu, con bò, v.v… thì tội nặng, vì cần phải cố gắng nhiều.
- Nếu sát hại chúng sinh có thân hình nhỏ như con kiến, con muỗi, con ruồi, v.v… thì tội nhẹ, vì cần cố gắng ít.
* Chúng sinh có giới đức - không giới đức:
- Nếu sát hại con người, thì tội nặng hơn sát hại loài súc vật.
- Nếu sát hại người có giới, thì tội nặng hơn sát hại người không có giới.
- Nếu sát hại bậc Thánh Nhân, thì tội nặng hơn sát hại hạng phàm nhân.
- Nếu sát hại Thánh Nhân bậc cao, thì tội nặng hơn sát hại Thánh Nhân bậc thấp.
- Nếu sát hại bậc Thánh Arahán, cha,
mẹ của mình, thì tội nặng nhất, vì phạm trọng tội thuộc ác nghiệp vô
gián(anantariyakamma), sau khi chết, chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái
sinh trong cõi đại địa ngục Avīci (không có nghiệp nào có thể ngăn cản
được); chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả
của ác nghiệp ấy mới mong thoát khỏi cõi địa ngục.
* Tự Sát
Người tự sát có phạm điều giới sát sinh hay không?
Người phạm điều giới sát sinh hay không phạm điều giới sát sinh cần phải xét theo 5 chi pháp phạm điều giới sát sinh.
1- Pāṇo: Chúng sinh có sinh mạng (chính mình).
2- Paṇasaññitā: Biết rõ chúng sinh ấy có sinh mạng (chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình).
3- Vadhakacittaṃ: Tâm ác nghĩ sát hại chúng sinh ấy.
4- Payogo: Cố gắng sát hại chúng sinh ấy (cố gắng tự sát, tự giết mình).
5- Tena maraṇaṃ: Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng (mình chết do sự cố gắng của mình).
Xét trong 5 chi pháp phạm điều giới
sát sinh này, chi pháp thứ nhì “Paṇasaññitā”: “Biết rõ chúng sinh ấy có
sinh mạng” này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình. Do đó,
trong trường hợp người tự giết mình (tự sát) thì thiếu chi pháp
paṇasaññitā này. Cho nên, người tự giết mình (tự sát) không đủ 5 chi
pháp phạm điều giới sát sinh.
Như vậy, người tự sát không phạm điều giới sát sinh.
Ví dụ: Trường hợp Tỳ khưu Channa dùng
dao cắt cổ tự sát, trước khi chết Ngài thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng
ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết
Bàn; khi đắc Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn, gọi là bậc
Thánh Arahán Jīvitasamasīsi (Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết
Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài).
Như trong bài kinh Channasutta, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại
ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Đại đức Channa
bị lâm bệnh nặng trầm trọng, đau đớn không thể kham nhẫn nổi.
Vào buổi chiều, Ngài Đại đức Sāriputta và Ngài Đại đức Mahācunda đến thăm hỏi bệnh tình của Ngài Đại đức Channa.
Ngài Đại đức Sāriputta hỏi rằng:
- Này hiền đệ Channa, hiền đệ có kham
nhẫn nổi thọ khổ không? Tứ đại của hiền đệ có điều hòa được không? Thọ
khổ của hiền đệ giảm bớt, chứ không tăng có phải không? Bệnh tình giảm
rõ ràng, chứ không tăng có phải không?
Ngài Đại đức Channa thưa rằng:
- Thưa Ngài Đại đức Sāriputta, đệ
không thể kham nhẫn nổi thọ khổ. Tứ đại của đệ không điều hòa được. Thọ
khổ của bệnh không thuyên giảm, mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ
ràng, mà không giảm bớt. Thưa Ngài Sāriputta: Ví như một người đàn ông
mạnh mẽ dùng cây sắt nhọn bén đâm vào đầu như thế nào, bệnh phong (gió)
cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào đầu của đệ cũng như thế ấy. Ví như một
người đàn ông lực lưỡng dùng sợi dây bằng da dẻo dai, bền chắc, siết
chặt cái đầu như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp siết chặt cái
đầu của đệ cũng như thế ấy. Ví như người giết bò hoặc người phụ của
người giết bò, dùng con dao mổ bụng con bò như thế nào, bệnh phong cực
kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào bụng của đệ cũng như thế ấy. Ví như hai
người đàn ông lực lưỡng, mỗi người một bên nắm tay chân của người ốm yếu
đặt lên hầm lửa đang cháy, nướng người ấy nóng bỏng như thế nào, sự
nóng trong thân của đệ còn hơn thế ấy. Thưa Đại đức Sāriputta, đệ không
thể kham nhẫn nổi thọ khổ. Tứ đại của đệ không điều hòa được. Thọ khổ
của bệnh không thuyên giảm mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ ràng,
mà không giảm bớt. Thưa Ngài.
Ngài Đại đức Channa thưa tiếp rằng:
- Thưa Ngài Sāriputta, đệ sẽ đem con
dao để tự cắt cổ giết hại mình, đệ không còn muốn sống để phải chịu nỗi
đau đớn khủng khiếp như thế này nữa.
Ngài Đại đức Sāriputta khuyên rằng:
- Này hiền đệ Channa, hiền đệ nên dùng
thuốc chữa trị. Hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh mạng, chúng
tôi muốn hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh mạng. Nếu vật thực
không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm vật thực thích hợp. Nếu
thuốc trị bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm thứ thuốc
thích hợp. Nếu người nuôi bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ
làm người nuôi bệnh lo săn sóc hiền đệ. Xin hiền đệ chớ nên dùng dao tự
sát.
Tiếp theo Ngài Đại đức Sāriputta nhắc
nhở Ngài Đại đức Channa về các pháp như 6 thức tâm với 6 đối tượng và
liên quan đến các pháp: Tham ái, ngã mạn, tà kiến chấp thủ và không chấp
thủ do bởi tham ái, ngã mạn, tà kiến. Và Ngài Đại đức Mahācunda cũng
nhắc nhở Ngài Đại đức Channa rằng: “Đối với người không còn có tham ái,
ngã mạn, tà kiến, thì tâm của những bậc ấy không bao giờ bị lay
chuyển...”.
Sau khi nhắc nhở khuyên dạy Ngài Đại đức Channa xong, Ngài Đại đức Sāriputta và Ngài Mahācunda trở về chỗ ở của quý Ngài.
Khi ấy, Ngài Đại đức Channa vẫn còn là
hạng phàm nhân không thể kham nhẫn nổi sự đau đớn khủng khiếp của bệnh
phong ấy, nên Ngài dùng con dao tự cắt cổ giết chết mình để giải thoát
khỏi nỗi thọ khổ ấy.
Vốn Ngài là người có giới trong sạch
và trọn vẹn, trước khi chết, Ngài thực hành thiền tuệ liền dẫn đến chứng
ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết
Bàn. Cho nên, khi chứng đắc đến Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt
Niết Bàn gọi là “Bậc Thánh Arahán Jīvitasamasīsi” (nghĩa là khi chứng
đắc Arahán Thánh Quả đồng thời cùng một lúc tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt
tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài).
Khi Ngài Đại đức Channa đã tự mình cắt
cổ chết, Ngài Đại đức Sāriputta đến hầu Đức Thế Tôn tại ngôi chùa
Veḷuvana bạch hỏi về hậu quả kiếp sau của Ngài Đại đức Channa như thế
nào?
Đức Phật dạy: “Tỳ khưu Channa đã chứng
đắc Arahán Thánh Quả đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh
luân hồi trong ba giới bốn loài”.
Tích Ngài Đại đức Channa đã chứng minh rằng: “Tự sát không phạm điều giới sát sinh”.
Nếu tự sát là phạm điều giới sát sinh,
thì Ngài Đại đức Channa không thể chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Sự
thật, Ngài Đại đức Channa đã chứng đắc Arahán, thì chắc chắn Ngài phải
có giới trong sạch và trọn vẹn.
Người tự sát không phạm điều giới sát
sinh, bởi vì thiếu chi pháp thứ nhì “pāṇasaññitā”: Biết rõ chúng sinh có
sinh mạng (nghĩa là chính mình biết rõ chúng sinh khác có sinh mạng).
Như vậy, chi pháp này không ám chỉ mình, mà ám chỉ chúng sinh khác.
Cho nên, người tự tử không phạm điều
giới sát sinh. Tuy người tự tử không phạm điều giới sát sinh, nhưng nếu
người tự sát do tâm sân chán đời, tuyệt vọng không muốn sống trên đời
này nữa, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp do tâm sân ấy cho quả,thì
khó có thể tránh khỏi tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ
quỷ, súc sinh).
Như Đức Phật dạy: “Evameva kho
bhikkhave citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā”. “Này chư Tỳ khưu, như
vậy, khi lâm chung tâm ác phát sinh do phiền não ô nhiễm, sẽ tái sinh
trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh)”.
Những Trường Hợp Liên Quan Đến Sự Chết
Người hy sinh sinh mạng vì một mục đích cao thượng, với thiện tâm thiện chí của mình.
Ví dụ: Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo).
Một vị Tỳ khưu hành đạo sống ở trong
rừng. Một hôm bọn cướp gặp Ngài, chúng cho là điều xui xẻo sẽ xảy đến
với chúng. Sợ xui, nên chúng bắt trói Ngài bằng một sợi dây rừng đang
còn tươi và đặt Ngài nằm tại nơi ấy, rồi bỏ đi. Khu rừng chẳng may xảy
ra vụ hỏa hoạn, đám cháy dần dần lan đến chỗ Ngài. Ngài suy nghĩ
rằng: “Nếu ta muốn lánh khỏi nạn, thì phải làm cho sợi dây rừng bị đứt;
như vậy ta sẽ bị phạm điều giới pācittiya. Sự chết là điều chắc chắn sẽ
xảy đến với ta, không sao tránh khỏi được (nghĩa là tránh khỏi chết hôm
nay, sau này cũng phải chết). Thà rằng, hôm nay ta chịu hy sinh sinh
mạng, quyết giữ gìn giới mà Đức Phật đã chế định đến Tỳ khưu”.
Sau khi quyết định như vậy, vốn Ngài
có giới đức hoàn toàn trong sạch làm nền tảng, cho nên khi thực hành
thiền tuệ dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, đồng thời đám lửa
cháy lan đến thiêu đốt Ngài. Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh
luân hồi trong ba giới bốn loài.
* Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng
Giác, chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh
ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc
trung và 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng.
Để thành tựu pháp hạnh ba-la-mật bậc
thượng nào, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải hy sinh sinh mạng của
mình để hoàn thành pháp hạnh ba-la-mật ấy. Như vậy, sự hy sinh sinh mạng
của chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, vì mục đích cao thượng, để thành
đạt nguyện vọng trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, với thiện tâm thiện
chí trong sạch và cao cả, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh.
Như vậy, dù là người tự tử, hoặc Đức
Bồ Tát hy sinh sinh mạng, vẫn không thể phạm điều giới sát sinh, vì
không hợp đủ 5 chi pháp của điều giới sát sinh.
Trường Hợp Phạm Điều Giới - Không Phạm Điều Giới Sát Sinh
Hỏi: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều giới sát sinh hay không?
Đáp: Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều
giới sát sinh, thì không có một chi pháp nào cả. Vậy người ấy không phạm
điều giới sát sinh.
- Trong 2 trường hợp sau đây, người mua thịt cá có phạm điều giới sát sinh hay không?
a) Một người đi chợ đến hàng bán
tôm, cá; người ấy không chịu mua những con tôm, cá đã chết, mà chọn lấy
những con tôm, cá còn sống, bảo người bán hàng làm thịt những con tôm,
cá ấy, rồi mua đem về làm đồ ăn.
b) Và một người đi chợ đến hàng bán
thịt gà, người ấy không chịu mua thịt gà đã làm sẵn, mà chỉ vào con gà
đang còn sống, bảo với người bán hàng rằng: Ông (bà) hãy làm thịt con gà
này để bán cho tôi…
- Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều
giới sát sinh, thì hội đủ cả 5 chi pháp. Cho nên, trường hợp này người
bán phạm điều giới sát sinh và người mua cũng phạm điều giới sát sinh.
- Một người làm bếp đi chợ mua
những con cá còn sống, con gà còn sống, đem về làm món ăn cho ngon miệng
người chủ. Vậy, người làm món ăn, và người chủ dùng món ăn, người nào
phạm điều giới sát sinh, có tội?
- Căn cứ theo 5 chi pháp phạm điều
giới sát sinh, người làm bếp giết cá, giết gà làm món ăn cho chủ; người
làm bếp ấy phạm điều giới sát sinh, có tội, vì hội đầy đủ 5 chi pháp
phạm điều giới sát sinh. Trường hợp người chủ bảo người làm bếp phải mua
cá còn sống, gà còn sống về làm món ăn cho mình, thì người chủ cũng
phạm điều giới sát sinh. Trường hợp người chủ chẳng hay biết gì về người
làm bếp giết cá, giết gà, chỉ có biết dùng những món ăn mà người làm
bếp dọn lên bàn mà thôi, thì người chủ không phạm điều giới sát sinh, vì
không có chi pháp nào trong 5 chi phạm điều giới sát sinh.
- Một người vô ý đóng cửa làm chết một con thằn lằn nằm ngay ngạch cửa. Người ấy có phạm điều giới sát sinh hay không?
- Người ấy không phạm điều giới sát sinh, vì thiếu chi pháp tác ý ác sát hại chúng sinh.
- Một người giận con chó, với tác ý
ác đánh chết nó; nhưng nó không chết mà chỉ bị thương nặng mà thôi. Lần
sau, người ấy lại đánh đuổi con chó ấy, với tác ý làm cho nó sợ bỏ đi;
nhưng chẳng may đụng nhằm vào vết thương cũ, làm cho con chó ấy chết.
Như vậy, người ấy phạm điều giới sát sinh vào lần thứ nhất hay lần thứ
nhì?
- Người ấy đã phạm điều giới sát sinh ở
lần thứ nhất, không phải ở lần thứ nhì. Bởi vì, lần thứ nhì người ấy
đánh con chó với tác ý làm cho con chó sợ bỏ đi, mà không có tác ý giết
hại nó…
Phạm Điều Giới Sát Sinh Tạo Ác Nghiệp Trọng Tội
Người phạm điều giới sát sinh như giết
cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán (akusala-garukakamma) tạo nghiệp ác
trọng tội thuộc loại nghiệp anantariyakamma: Ác nghiệp vô gián trọng
tội nghĩa là ác nghiệp này chắc chắn cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp
trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài, mà không
có một nghiệp nào có khả năng ngăn cản, làm gián đoạn được nghiệp ấy.
Những trường hợp giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán
* Trong đêm tối, người con không phân
biệt được cha (hoặc mẹ) của mình; tưởng nhầm rằng kẻ trộm lén vào nhà
lấy trộm của cải, người con giết kẻ trộm ấy; nhưng sự thật, người bị
giết ấy chính là cha (hoặc mẹ) của mình. Mặc dù vậy, người con vẫn phạm
tội giết cha (giết mẹ).
* Người con bị bỏ rơi từ khi mới sinh
ra đời, được cô nhi viện, hoặc người khác nuôi dưỡng… Khi trưởng thành,
người ấy không biết ai là cha, ai là mẹ của mình. Nếu người ấy giết một
người đàn bà, mà người ấy không biết bà ấy là mẹ của mình; hoặc giết một
người đàn ông, mà người ấy không biết ông ấy là cha của mình. Như vậy
người ấy cũng gọi là người phạm tội giết cha, giết mẹ của mình.
* Người cha thay đổi trở thành nữ
giới; người mẹ thay đổi trở thành nam giới. Nếu người con giết người đàn
bà (trước kia là cha) hoặc giết người đàn ông (trước kia là mẹ), thì
người con vẫn phạm tội giết cha hoặc giết mẹ.
* Những trường hợp như:
- Người con là loài người, còn cha là
loài súc sinh và mẹ là loài người (trường hợp Công tử Sīhabāhu xứ
Srilankā, là con của một Công chúa và một Sư tử chúa).
- Người con là loài người, còn mẹ là
loài súc sinh và cha là loài người (trường hợp Đạo sĩ Migasinga là con
của con nai và một vị Đạo sĩ).
- Con là loài súc sinh, cha mẹ cũng là loài súc sinh.
Trong 3 trường hợp trên, người con
giết cha là loài súc sinh, giết mẹ là loài súc sinh; và con là loài súc
sinh giết cha mẹ cũng là loài súc sinh; cả 3 trường hợp này người con đã
tạo ác nghiệp nặng sát sinh, mà không gọi là ác nghiệptrọng tội hoặc ác
nghiệp vô gián.
* Một người đánh đập hành hạ một hành
giả còn là phàm nhân đang thực hành thiền tuệ, bị thương nặng. Hành giả
ấy tiếp tục thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế,
chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh
Arahán, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, bởi vì bị thương nặng. Người đánh
đập hành hạ ấy phạm tội giết bậc Thánh Arahán, thuộc ác nghiệp vô gián
trọng tội. Chắc chắn ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa
ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài.
Thuốc diệt vi khuẩn - vi trùng
Dùng thuốc để diệt vi khuẩn, vi trùng
không phạm điều giới sát sinh; bởi vì vi khuẩn, vi trùng không có sinh
mạng cũng không có tâm thức. Chúng chỉ có tứ đại (đất, nước, lửa, gió)
phát sinh do thời tiết nóng lạnh, bên trong, bên ngoài. Chúng phát triển
tăng trưởng do hỏa đại (lửa) di chuyển do phong đại (gió). Cũng như các
loài thực vật (cây, cỏ,…) cũng không có sinh mạng, không có tâm thức.
Trong số 28 sắc pháp; sắc mạng chủ
(jīvitindriyarūpa) phát sinh do nghiệp. Các loài vi khuẩn, vi trùng, các
loài cây cỏ phát sinh do utu: Thời tiết và āhāra: Vật thực,… Do đó,
diệt vi khuẩn, diệt vi trùng, chặt cây, cỏ không phạm điều giới sát
sinh.
Trường hợp đàn bà uống thuốc ngừa
thai, diệt tinh trùng của đàn ông… không phạm điều giới sát sinh. Nhưng
nếu trường hợp người đàn bà uống thuốc có tác ý ác phá thai, thì người
đàn bà ấy phạm điều giới sát sinh, phạm tội giết con; bởi vì thai nhi sẽ
là một đứa con. Thật ra, khi tâm tái sinh đầu thai vào lòng mẹ đầu
tiên, có tâm quả tái sinh cùng với 3 sắc pháp là sắc thân (kāya), sắc
nam tính hoặc sắc nữ tính (bhava) và sắc ý căn (hadayavatthu) nơi nương
nhờ của tâm quả. Như vậy, ngay khi đầu thai đã hình thành một chúng
sinh, một thai nhi tuy còn rất nhỏ, có đủ ngũ uẩn (3 sắc pháp thuộc sắc
uẩn, tâm quả tái sinh gồm có 4 danh uẩn).
Còn trường hợp người mẹ bị sẩy thai
ngoài ý muốn, thì người mẹ không bị phạm điều giới sát sinh, vì thiếu
chi pháp tác ý ác sát hại chúng sinh.
Phạm điều giới sát sinh này rất vi tế,
cũng rất đa dạng, nên tìm hiểu trong Tạng Luật phần giới Pārājika: Bất
cộng trụ của Tỳ khưu.
Dhammarakkhita Bhikkhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét