Vì chính niệm tưởng ái dục là nhiễm ô.
Chính nó là trần lao phiền não. Không nói là dự phần vào hành vi dâm
dục, chỉ một ý tưởng nầy hiện tiền là nhiễm ô rồi. Nếu quý vị không từ
bỏ tâm dâm dục, thì hoàn toàn không có lý do gì để hy vọng giác ngộ và
thành Phật.
Kinh văn:
阿難,云何攝心我名為戒。若諸世界六道眾生其心不婬。則不隨其生死相續。
A-nan, vân hà nhiếp tâm, ngã danh vi
giới? Nhược chư thế giới lục đạo chúng sanh kỳ tâm bất dâm, tắc bất tuỳ
kỳ sanh tử tương tục.
Việt dịch:
A-nan vì sao thu nhiếp tâm niệm, Như
Lai gọi là giới? Nếu các chúng sinh trong thế giới lục đạo tâm không dâm
dục, thì sẽ không bị tương tục trong sinh tử.
Giảng giải:
A-nan vì sao thu nhiếp tâm niệm, Như Lai gọi là giới?
Bây giờ Như Lai sẽ nói cho ông. Nếu
các chúng sinh trong thế giới lục đạo tâm không dâm dục. Lục đạo, tức
sáu cõi giới: cõi trời, cõi người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, và chúng
sinh trong địa ngục. Nếu các chúng sinh ấy không có niệm tưởng dâm dục.
Thì họ sẽ không bị tương tục trong sinh tử. Họ sẽ cắt đứt được sinh tử.
Kinh văn:
汝修三昧,本出塵勞。婬心不除,塵不可出。
Nhữ tu tam-muội, bổn xuất trần lao. Dâm tâm bất trừ trần bất khả xuất.
Việt dịch:
Ông tu tam-muội, cốt là để thóat khỏi trần lao. Nếu không trừ lòng dâm, không thể ra khỏi trần lao được.
Giảng giải:
Đức Phật nói với A-nan: Ông tu
tam-muội, cốt là để thóat khỏi trần lao. Ông muốn thóat khỏi sinh tử.
Nếu không trừ lòng dâm, không thể ra khỏi trần lao được. Nếu ông không
cắt đứt lòng ham muốn ái dục, thì sẽ không thể nào ra khỏi trần lao
phiền não thế gian. Vì chính niệm tưởng ái dục là nhiễm ô. Chính nó là
trần lao phiền não. Không nói là dự phần vào hành vi dâm dục, chỉ một ý
tưởng nầy hiện tiền là nhiễm ô rồi. Nếu quý vị không từ bỏ tâm dâm dục,
thì hoàn toàn không có lý do gì để hy vọng giác ngộ và thành Phật. Một
bên vẫn giữ tâm dâm dục và một đằng mong thành tựu giác ngộ là thứ suy
nghĩ đần độn nhất. Có người nghĩ rằng phương pháp đó khó truyền dạy
được. Thậm chí dù Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngay bây giờ thị hiện trên
thế gian, ngài cũng không có cách nào đưa những người như vậy đến chỗ
giác ngộ. Những người như vậy là thuộc hạng chậm lụt nhất.
Kinh văn:
縱有多智禪定現前,如不斷婬.必落魔道。上品魔王,中品魔民,下品魔女。
Túng hữu đa trí thiền định hiện tiền, như bất đoạn dâm, tất lạc ma đạo. Thượng phẩm ma vương, trung phẩm ma dân, hạ phẩm ma nữ.
Việt dịch:
Dù có nhiều trí và thiền định hiện
tiền, nếu không đọan trừ tâm dâm, chắc lạc vào ma đạo. Hạng trên thành
ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ.
Giảng giải:
Dù có nhiều trí và thiền định hiện tiền, nếu không đọan trừ tâm dâm, chắc lạc vào ma đạo.
Quý vị có thể có trí, và khi quý vị
ngồi thiền, quý vị có thể cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng và cảm thấy rất
tự tại–có nghĩa là quý vị có thể nhập vào thiền định. Thế là quý vị cho
rằng mình có trí huệ chăng? Nếu quý vị không dứt trừ tâm dâm, cuối cùng
quý vị sẽ thành ma.
Hạng trên thành ma vương trong cõi
trời Lục dục hạng giữa thành ma dân, thành loại ma bình thường. hạng
dưới thành ma nữ. Chúng rất xinh đẹp, nhưng rất ác độc. Những người có
trí huệ nên cẩn thận. Những người thông minh nên lưu ý đoạn kinh nầy.
Đừng để cho thông minh rốt cuộc trở lại làm hại chính mình. Đừng có thái
độ: “Anh không biết, nhưng tôi biết. Anh không rõ, nhưng tôi rõ.” Đó
chỉ là thứ thông minh lặt vặt, hiểu biết tầm thường. Đừng để cho tương
lai đầy hứa hẹn của mình phải bị tàn hoại.
Kinh văn:
彼等諸魔亦有徒眾。各各自謂成無上道。
Bỉ đẳng chư ma diệc hữu đồ chúng. Các các tự vị thành vô thượng đạo.
Việt dịch:
Các loài ma kia cũng có đồ chúng. Đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.
Giảng giải:
Những người nầy với một ít tri thức,
không cắt đứt đ tâm dâm dục, lại luôn luôn nói về ái dục. “Tôi yêu anh,
và anh yêu tôi.” Và họ yêu qua yêu lại cho đến khi thành ma. Thế điều gì
xảy ra?
Các loài ma kia cũng có đồ chúng. Đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.
Chúng nó cũng vậy, cũng có đệ tử và
người ủng hộ. Chúng hoàn toàn chẳng xấu hổ, luôn luôn lớn tiếng tuyên bố
rằng mình đã thành đạo tối thượng. “Ta là Phật! Chúng ta đều là vô
thượng và chẳng có ai sánh bằng!”
Vốn những kẻ như vậy là ma, nhưng họ
chẳng thừa nhận điều ấy; họ tuyên bố thay thế cho chư Phật. Quý vị thấy,
vẫn có chư Phật giả. Nhưng chúng không thấy chính họ là giả. Chúng thấy
mình là thật. Họ tin rằng: Trên trời dưới đất, chỉ có mình ta là tôn
quý.
Kinh văn:
我滅度後末法之中,多此魔民熾盛世間。廣行貪婬為善知識,令諸眾生。落愛見坑失菩提路。
Ngã diệt độ hậu mạt pháp chi trung, đa
thử ma dân xí thạnh thế gian. Quảng hành tham dâm, vi thiện tri thức,
linh chư chúng sanh lạc ái kiến khanh, thất bồ-đề lộ.
Việt dịch:
Sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều loại
ma dân nầy náo loạn trong thế gian. Chúng gây nhiều việc tham dâm, xưng
là thiện tri thức, khiến cho chúng sinh rơi vào hầm sâu ái kiến, lạc
mất đường đến giác ngộ.
Giảng giải:
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “Khi Như
Lai còn đang tại thế, loài ma nầy không dám tự phô bày, nhưng sau khi
Như Lai diệt độ, có nhiều loại ma dân nầy náo loạn trong thế gian.”
Đó chính là thời đại của chúng ta đang
được đề cập trong kinh. Khi giáo pháp sắp tàn hoại, sẽ có rất nhiều
loài ma nầy chung quanh, chúng đi khắp nơi rao giảng về tham dục. Và
chính chúng say sưa trong dâm dục, hoặc là đàn ông hoặc là phụ nữ. Cùng
lúc đó, chúng nghĩ rằng mình đã giác ngộ và đã thành Phật.
Làm thế nào để tôi có thể nhận ra
những người như thế nầy, họ nói họ đã thành Phật–tôi không còn để ý đến
tên của họ. Anh ta nói anh là Phật. Tôi nói anh là ma.
Anh ta hỏi lại: “Ai là ma?”
Tôi đáp: “Anh là ma.”
Tại sao tôi biết được? Vì anh ta giống
như những điều tôi vừa mô tả trên. Anh ta luôn luôn nói về cảm xúc và
tình yêu. “Tình yêu, tình yêu. Tôi yêu mọi người.”
Thật là xấu hổ. Ông có quyền gì khi yêu mọi người? Những loài ma nầy Chúng gây nhiều việc tham dâm.
Chúng rất dữ dội trong thế gian. Những
người mê mờ sẽ bị dính mắc với chúng, họ cho rằng những gì chúng nói
đều là có lý. Đặc biệt nó sẽ đồng ý với cách suy nghĩ của giới thanh
niên. Nói như thế nầy, “Những người cùng có cảm giác tàn bạo (atrocious
tastes) thường đến với nhau.” Chúng thường khen ngợi nhau khi đoạ lạc
vào con đường nầy. Nếu chúng không tán thành ý kiến của ai, thì chúng sẽ
không làm như vậy.
Nếu đường lối của người kia không phù
hợp, thì chúng sẽ không cộng tác với nhau. Nhưng nếu suy nghĩ của chúng
giống nhau, thế là kẻ đui dẫn người mù. Thật là đáng thương. Ở đây tôi
không quở mắng ai, nhưng :
Nếu một người mê mờ
Truyền dạy sự mê lầm cho người khác
Khi mọi điều được nói và làm,
Thì chẳng có ai hiểu được.
Thầy đoạ vào địa ngục
Trò cũng phải vào theo.
Thầy cũng rơi vào địa ngục, và khi đệ
tử cũng hiện ra trong đó, thầy ngạc nhiên hỏi, “Sao trò cũng đến đây?
Đây là nơi rất khủng khiếp.”
Đệ tử trả lời: “Thầy đã đến đây trước, và thầy là thầy của chúng tôi, dĩ nhiên là chúng tôi phải theo thầy.”
Xưng là thiện tri thức.
Chúng khoa trương, “Tôi giảng dạy nhiều nơi cho rất nhiều người.” Thật lố bịch!
Khiến cho chúng sinh rơi vào hầm sâu ái kiến, lạc mất đường đến giác ngộ.
Chúng khiến cho những ai liên hệ với
chúng đều rơi vào hầm hố ái dục, khiến họ bị mất tâm bồ-đề và kết thúc
đời mình trong địa ngục.
Kinh văn:
汝教世人修三摩地先斷心婬。是名如來先佛世尊第一決定清淨明誨。
Nhữ giáo thế nhân tu tam-ma-địa, tiên đoạn tâm dâm. Thị danh Như Lai tiên Phật Thế tôn đệ nhất quyết định thanh tịnh minh hối.
Việt dịch:
Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, trước
hết phải đoạn trừ tâm dâm. Đó là lời dạy bảo thanh tịnh, quyết định thứ
nhất của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.
Giảng giải:
Ma vương cổ xuý yêu đương. Sự khác
nhau giữa ma vương và giáo pháp của Bồ-tát thì rất mỏng manh–giống như
úp ngửa bàn tay. Khác nhau như thế nào?
Bồ-tát cũng thương yêu mọi người,
nhưng tình yêu của họ là lòng từ bi che chở, tránh xa tham dục. Nhưng có
một luồng ái dục chạy qua mọi điều mà ma vương nói. Ma vương công khai
tán thành tham dục, đến mức nó nói rằng, càng tham đắm tham dục càng
cao, thì càng mau đạt đến chứng ngộ. Loại tà thuyết nầy hãm hại mọi
người. Bồ-tát thì không còn tham dục; các ngài không có khác biệt gì
giữa chúng sinh và các ngài. Ma vương có động cơ riêng của chúng; nó
tham lam của cải. Bồ-tát không có động cơ nào đàng sau và không tham
lam. Liên quan đến điều nầy, là giáo pháp nói về 12 nhân duyên của Đức
Phật.
Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, trước
hết phải đoạn trừ tâm dâm. Dạy họ trừ bỏ niệm tưởng dâm dục. Đó là lời
dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các Đức Phật Thế Tôn
Như Lai trong đời trước.
Đây là phương pháp giáo hóa mà các Đức
Phật Như Lai đã vận dụng. Đây là sự quyết định của các Đức Phật trong
đời quá khứ. Đây là lời giáo huấn rõ ràng chỉ dạy cho mọi người làm thế
nào để đạt được tâm thanh tịnh. Mọi người phải trừ tâm dâm dục. Không có
một chút du di nào cả. Không thể nói rằng vừa có thể dâm dục vừa có thể
không. Mọi người phải trừ bỏ nó. Nếu quý vị muốn đạt đến giác ngộ mà
vẫn còn giữ niệm tưởng dâm dục, thì chắc chắn quý vị là đồ đệ của ma.
Kinh văn:
是故阿難若不斷婬修禪定者。如蒸沙石欲其成飯。經百千劫秖名熱沙。何以故此非飯本石沙成故。
Thị cố A-nan, nhược bất đoạn dâm tu thiền định giả,
như chưng sa thạch dục kỳ thành phạn. Kinh bá thiên kiếp kỳ danh nhiệt sa. Hà dĩ cố? Thử phi phạn bổn, thạch sa thành cố.
Việt dịch:
Thế nên, A-nan, nếu không đoạn tâm dâm
mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà mong thành cơm. Trải qua trăm
ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Vì sao? Vì đó chẳng phải là bản nhân
của cơm, đó chỉ là cát đá.
Giảng giải:
Quý vị thấy, bây giờ Đức Phật nêu lên
một thí dụ. Ngài bảo A-nan, “Ông chưa tin điều nầy, nên Như Lai sẽ giải
thích cho ông. Thế nên, A-nan, nếu không đoạn tâm dâm mà tu thiền định,
cũng như nấu cát mà mong thành cơm.’
Nếu mình không nghiêm khắc với ái dục
mà vẫn tu tập thiền định hằng ngày, thì một mặt tu tập, mặt kia vẫn bị
rỉ chảy (lậu hoặc). Mọi thứ mình có được trong công phu tu tập sẽ bị
thất thóat gấp 10 lần do lậu hoặc; nếu mình tu gấp 10 lần, thì sẽ thất
thóat nhiều gấp trăm lần do lậu hoặc. Nếu không thể trừ bỏ ái dục, mà
vẫn ngồi thiền với lòng mong mỏi được giác ngộ, với mục đích có được một
niềm vui điên đảo. Điều nầy cũng giống như nấu cát mà mong được thành
cơm.
Trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Chỉ là vô ích, Vì sao? Vì đó chẳng phải là bản nhân của cơm, đó chỉ là cát đá.
Quý vị mong được giác ngộ mà không chịu từ bỏ tham dục. Điều ấy cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm.
Chẳng có gì để nói thêm ở đây. Nếu quý
vị nghiêm khắc với tham dục, thì dù quý vị có cùng với những đối tượng
tình dục suốt ngày, cũng chẳng có vấn đề gì. Sẽ chẳng có gì dâm dục,
chẳng có tướng nam, tương nữ, tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh,
tướng thọ giả. Có người không biết xấu hổ, còn nói, “Đó là cách sống của
tôi.” Chỉ nói đó là lối sống của quý vị thôi chưa đủ. Chưa có bằng
chứng. Làm sao quý vị biết đó là cách sống của mình? Nếu quý vị sống
theo cách đó, thì cơ bản là quý vị sẽ không biết mình là ai. Không lẽ
quý vị cho rằng mình không có ý tưởng dâm dục nào?
Nếu không, đơn giản là không. Khỏi cần
đi quanh quảng cáo về chuyện đó. Chỉ cần thể hiện rằng quý vị thực
không sống theo cách đó. Nếu quý vị thực sự không có tham dục thì:
Nhãn kiến sắc, nội vô hữu
Nhĩ văn trần, tâm bất tri.
Bất luận tai có nghe được âm thanh dễ
chịu nào, tâm ý bạn cũng chẳng bận lòng. Thế là quý vị đã có được chút
ít hành trang với mình rồi. Và nếu quý vị có thể đạt đến mức độ đi đứng
nằm ngồi cùng với người nào đó là đối tượng dâm dục mà không xảy ra một
vấn đề nào cả–không khởi lên bất kỳ niệm tưởng tình dục nào–mới đáng kể.
Không thể nói rằng tâm vẫn truy đuổi ái dục mà minh nghiến răng và nói
cứng rắn, “Ta vẫn chịu đựng được.” Điều ấy chưa được. Phải chắc thật là
trong tâm không có một niệm tưởng dâm dục sinh khởi, tâm phải bất động,
đó mới thực là không còn một dấu tích dâm dục nào trong tâm mình. Đó
mới là chân chính. Nếu thỉnh thoảng quý vị vẫn còn biết người phụ nữ ăn
thứ gì, thì quý vị vẫn bị đánh trượt như thường.
Một hôm có người được giác ngộ và tìm đến một vị thầy để cầu xin ấn chứng.
Vị thầy hỏi: “Ông khai ngộ được điều gì?”
Người ấy đáp: “Ồ! Trước đây tôi không bao giờ nhận ra được, nhưng nay tôi biết rõ tỷ-khưu-ni là phụ nữ.”
Bằng Phật nhãn, vị thầy thấy quả thực người kia đã chứng ngộ. Thầy nói để ấn chứng:
“Ông nói đúng.”
Quý vị sẽ bảo: “Ai chẳng biết điều đó?”
Nếu quý vị chưa chứng ngộ, quý vị
không thể nào nói được như vậy. Vì vị tăng đó là người đã chứng ngộ nên
phát ra cái thấy như vậy. Đây là điều mà quý vị không thể nào dối gạt
mọi người - đặc biệt là do thầy của anh ta đã có được Phật nhãn. Thầy
nhìn vị tăng và thấy vị tăng đã chứng sơ quả A-la-hán.
Kinh văn:
汝以婬身求佛妙果,縱得妙悟皆是婬根。根本成婬,輪轉三途,必不能出。如來涅槃,何路修證?
Nhữ dĩ dâm thân cầu Phật diệu quả,
túng đắc diệu ngộ giai thị dâm căn. Căn bổn thành dâm, luân chuyển tam
đồ, tất bất năng xuất. Như Lai niết-bàn, hà lộ tu chứng?
Việt dịch:
Ông đem thân dâm dục cầu diệu quả chư
Phật, dù được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm. Cội gốc đã thành dâm, thì
phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi được. Còn đường nào để tu
chứng niết-bàn của Như Lai?
Giảng giải:
Đức Phật nói với A-nan, “Việc ông ưa
thích con gái của Ma-đăng-già không chỉ liên quan đến niệm tưởng dâm
dục, mà còn do căn gốc dâm dục của ông.”
Ông đem thân dâm dục cầu diệu quả chư Phật, dù được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm.
Dù ông có chứng được phần tinh yếu của đạo lý vi diệu, thì ông vẫn chưa trừ bỏ được gốc dâm.
Cội gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi được.
Trong tương lai, ông chắc sẽ rơi vào
địa ngục. “Tam đồ” là những cõi giới của loài súc sanh, quỷ đói, và địa
ngục. Ông chắc sẽ dính líu với ba cõi nầy và không thể nào thóat ra khỏi
được.
Còn đường nào để tu chứng niết-bàn của Như Lai?
Trong những cõi giới nầy, đường nào dẫn ông đến các quả vị?
Kinh văn:
必使婬機,身心俱斷 。斷性亦無。於佛菩提,斯可希冀。
Tất sử dâm cơ, thân tâm câu đoạn. Đoạn tánh diệc vô. Ư Phật bồ-đề, tư khả hy ký.
Việt dịch:
Ắt phải khiến cho thân tâm đều đọan trừ hết căn dâm. Tánh đoạn cũng trừ. Mới mong chứng quả bồ-đề của chư Phật.
Giảng giải:
Ắt phải khiến cho thân tâm đều đọan trừ hết căn dâm.
Ông nhất định phải trừ bỏ mọi niệm
tưởng dâm dục dù nhỏ nhặt và vi tế nhất. Điều ấy có nghĩa là chính vô
minh phải được dứt sạch. Phải được thực hiện bằng cả thân và tâm.
Tánh đoạn cũng trừ.
Ngay cả ý niệm dứt trừ vô minh cũng phải dứt sạch.
Mới mong chứng quả bồ-đề của chư Phật.
Kinh văn:
如我此說名為佛說。不如此說即波旬說
Như ngã thử thuyết, danh vi Phật thuyết. Bất như thử thuyết tức ba-tuần thuyết.
Việt dịch:
Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.
Giảng giải:
Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Đây là cách thức chư Phật giảng nói Phật pháp.
Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói. Là cách nói của ma vương.
Ba-tuần, tiếng Sanskrit là Papiyan, có nghĩa là ‘người ác’, chỉ cho Māra, tức ma vương.
Những ai đến nghe giảng kinh chắc chắn
phải là người có thể thấy được. Người mù không thể đến nghe kinh, người
bị điếc và người câm ngọng cũng vậy. Người càng đến nghe giảng kinh, sẽ
càng trở nên thông minh lanh lợi hơn. Mọi người nên mở ra con mắt huệ
chân thật và thực sự xoay nhĩ căn trở vào tự tánh của mình. Đừng mong
tìm cầu bên ngoài.
HT. Tuyên Hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét