Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Tám điều giác ngộ bậc đại nhân: điều giác ngộ số 5

Bổn phận chính của người tu là lúc nào cũng phản quan. Nhờ có phản quan mà biết chỉnh sửa hành vi của mình.
Chánh văn: 
弟 五 覺 悟
愚 癡 生 死
菩 薩 常 念
廣 學 多 聞
增 長 智 慧
成 就 辯 才
教 化 一 切
悉 以 大 樂. 
Âm:
Ngu si sinh tử,
Bồ-tát thường niệm,
Quảng học đa văn,
Tăng trưởng trí tuệ,
Thành tựu biện tài,
Giáo hóa nhất thiết,
Tất giai đại lạc.
Dịch:
Giác ngộ thứ năm, 
Ngu si sanh tử,
Bồ-tát thường nhớ,
Học rộng nghe nhiều,
Tăng trưởng trí tuệ,
Thành tựu biện tài,
Giáo hóa tất cả,
Thảy đều an lạc.
Giảng:
Khi chúng ta sắp đặt được một việc gì an ổn thì trong lòng cũng theo đó mà yên. Ngược lại, sắp đặt việc chưa ổn thì làm gì, tính gì cũng không yên. Huynh đệ cố gắng gìn giữ, sửa đổi, chỉnh trang các hình thức bên ngoài rồi nhưng khi kiểm lại trong lòng còn ngổn ngang nhiều việc, tự nhiên thấy dường như mình chưa tròn việc bổn phận. Điều này mình cũng không thể nói cho ai biết, không thể tìm người tin cậy kể lể hết những tâm tình riêng. Thật ra, đây là những vọng tưởng chúng ta mê lầm tích lũy từ nhiều đời kiếp nên lòng cứ không yên. Nghiệm cho cùng khi nào ta làm chủ được mình mới giải trừ hết những nỗi bất an này.
Chúng ta rất lo lắng về những bất an bất ổn này, không dám trình bày với Thầy nhưng đối trước tượng Phật, Bồ-tát ta có thể nói rõ những khó khăn trong lòng mình. Bởi lý do giản dị thôi, là vì đức Phật cũng như chư vị Bồ-tát, các ngài lúc nào cũng tươi cười, khoan dung, tha thứ cho tất cả chúng sanh. Dù chúng ta có bực bội, sơ xuất hoặc gần như ngỗ nghịch, các ngài vẫn cứ một mực vui cười, tha thứ. Do đó, chúng ta yên lòng trình bạch hết những u uất trong lòng. Đại chúng muốn tránh bớt những tâm trạng này thì nên gầy dựng một cuộc sống chân thành. Nếu chúng ta thiếu sự thông cảm thì tuy ở chung, nhưng càng ngày càng cách xa, chứ không hòa hợp nhau được.
Ở ngoài đời người ta nói hết mình vì sự nghiệp hoặc hết mình với ai đó, còn trong đạo là sống hết lòng với Phật pháp, với thầy tổ, với huynh đệ. Khi sống hết lòng từ từ mình có được sự tin tưởng, thương mến. Để rồi huynh đệ có thể đem tất cả những nỗi u uất trao đổi với nhau, tìm một hướng giải quyết tốt đẹp. Nghe lời khuyên của bạn, của pháp từ đó tâm được an ổn. Đôi khi ta không tự thải bỏ vọng tưởng phiền não nổi, nhưng nhờ nghe lời khuyên của vị thiện hữu mình tin tưởng ta buông được nên tâm an ổn. Giống như một người nông dân làm thuê, làm mướn không đủ gạo ăn, nhà cửa rách nát, con cái đông. Tuy nhiên, nếu được một lời khuyên của bạn: Anh ráng làm, gió chướng năm nay báo điềm cho biết sẽ trúng mùa. Dù cho các chủ điền có bóc lột cỡ nào, mình ráng làm giỏi hơn, có kỹ thuật hơn nhất định sau khi giao nộp rồi cũng vẫn còn một ít thóc, ít gạo để sống.
Điều này cho chúng ta kinh nghiệm những pháp hữu bên cạnh rất đáng quý. Bởi có khi lời nói thuận nghịch của họ có giá trị rất hiện thực. Nếu chúng ta chịu nghe nhận, chỉnh đốn lại thì tốt. Có những bệnh tật chất chứa trong lòng bao nhiêu năm tháng khổ đau nặng nề, nhưng chỉ một lời khuyên của bạn nghe ra được thì tất cả tiêu tan hết. Đây là một kinh nghiệm của bản thân tôi. Trong suốt quãng đời tu hành còn nhỏ, khoảng từ 13, 14 tuổi trở lên tới hai mươi mấy tuổi, trong đầu rối rắm, trong bụng không khi nào yên. Không biết những thứ làm cho mình bất an, rộn rịp trong bụng là gì? Các bậc thầy ngày xưa chưa dám nói với tôi rằng đó là vọng tưởng như Hòa thượng Trúc Lâm. Khi tôi yên lòng theo Thầy lên núi tu, Thầy nói thẳng đó là vọng tưởng, nuôi nó con sẽ khổ. Phật nói nuôi nó là nuôi rắn độc trong nhà. Dù mình có cưng chiều nó bao nhiêu, đến một lúc nào đó chính những con rắn độc này sẽ cắn mình.
Vọng tưởng cũng như thế, bởi đây là bọn ma mị. Nó chuyên giả ra thứ này thứ nọ để dụ mình đi theo rồi mắc míu, dính dáng chuyện này, chuyện khác, cuối cùng chuốc lấy khổ đau. Khi khổ đau không biết vọng tưởng có khổ đau phụ mình hay không? Khi mất ăn, mất ngủ không biết nó có mất ăn, mất ngủ với mình hay không? Một khi huynh đệ phát hiện được nó không có chút tình cảm nào với mình, ngược lại nó chuyên môn quậy mình thì ta sẵn sàng thải nó ra không thương tiếc. Bỏ được nó rồi thì trong lòng an ổn.
Cho tới những năm lớn rồi tôi mới nhận hiểu lời dạy của các bậc thầy. Những u uẩn trong lòng mình toàn là ba mớ vọng tưởng, những thứ phải bỏ đi, chứ không thể nào nuôi dưỡng được. Nuôi dưỡng nó là u mê, gắng làm sao buông bỏ đi. Chư huynh đệ sống trong điều kiện tốt, nếu biết tu hành thì dễ dàng điểm trán những u ám, cù cặn và thải đi. Từ đó trong lòng chúng ta có một niềm vui thanh thoát, yên ổn an hưởng tịnh lạc. Lâu nay người ta thường nghĩ vọng tưởng của mình thân thương, nhiều người còn tự hào rằng suy nghĩ của mình có lý. Suy gẫm về điều gì thấy hay hay, nên ôm giữ không dám nói với ai, không dám trình cho ai biết, như vậy mà yên lòng.
Bây giờ trong đời sống này làm sao mở được chân trời tịnh thanh, mát mẻ, vui tươi cùng sống, cùng sinh hoạt vui vẻ, không có gì giấu kín hết. Như vậy để làm gì? Nhờ mở lòng ra người chung quanh mới cảm thông, họ thấy được cái gì của mình cần phải bỏ đi, có khi mình không thấy hết. Có những trường hợp mình làm gì đó, huynh đệ thấy sai họ không nói mà chỉ quắc mắt nhìn là mình biết, không dám làm nữa. Hòa thượng Trúc Lâm dạy tất cả đều là vọng tưởng phải bỏ đi. Phải nhớ rằng những cử chỉ, ánh mắt ngạc nhiên của huynh đệ đảm bảo rằng mình có phạm một sai lầm nào đó mà mình không tự hay biết. Họ biểu hiện như vậy cho ta thấy mà phản quan lại xem sai trái điều gì. Bổn phận chính của người tu là lúc nào cũng phản quan. Nhờ có phản quan mà biết chỉnh sửa hành vi của mình. Có lúc vội vã vừa đi vừa chạy, vừa nói vừa cười, hoặc ngồi chồm hổm mất hết oai nghi, cần phải bỏ. Kiểm lại huynh đệ sẽ thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm, phải không?
Trong thiền viện sau khi dùng bữa chiều xong, có được khoảng thời gian chừng nửa tiếng đồng hồ giải lao, thời gian này huynh đệ gọi vui là thời gian giải thoát. Mình đi dạo hoặc làm những việc riêng, có người đi tắm rửa, giặt đồ, có người đi kinh hành, cũng có vị vùi đầu viết, đọc sách… không ai giống ai cả. Trong đó, có một số huynh đệ hay tập hợp hơn mười lăm phút, ngồi quanh cái bàn lớn bên hông trai đường, nêu những vấn đề thắc mắc hay cùng thưởng thức chung trà. Những giây phút này rất cần cho đời sống lục hòa, đừng mặc cảm tự ti mà cũng không tự tôn, bởi vì chúng ta là người đang buông bỏ tất cả mà. Trong quá trình tu tập có những biểu hiện lạ trong lòng mà không dám nói với ai hết là do sự trì trệ nào đó không tiến được, hoặc có một sự cố gì trong lòng. Nó cứ nhớ, cứ vướng vướng thế nào không buông bỏ được. Nếu huynh đệ ôm như vậy lâu ngày thành khối thành u nhọt, khó sống nổi với nó. Tôi không biết từ đâu con người bị u xơ, nhũn não hay tai biến… Chắc chắn phải có sự cố gì chứ, phải không?
Chúng ta sinh ra hội đủ nhân duyên từ cha mẹ, được nuôi dưỡng lớn lên khỏe mạnh, bỗng dưng ta đem sự cố để vào trong lòng rồi trở thành dị tật. Trong kinh Phật nói thời kỳ đầu mới có chúng sanh con người trong sáng, xinh đẹp, chứ đâu có mang đủ thứ bệnh tật như bây giờ. Nhờ tâm trong sáng phước nhiều nên ngồi trong nhà, lúa chín tự lăn về đầy nhà, thơm lừng cả xóm làng trời đất. Người ta gặp nhau nói toàn những chuyện vui vẻ lương thiện. Đó là thời vàng son của nhân loại. Dần dần do con người lười biếng, tham lam nên hạt lúa hoa màu không lăn về nữa. Bấy giờ phải nai lưng đi kiếm, kiếm không có thì phải trồng tỉa nuôi dưỡng bao nhiêu năm tháng mới có lúa gạo mà ăn. Hạt lúa về sau này còn tí tẹo thôi, so với thời hồng hoang, mình là nắng là gió, là trăng là sao, là bao la bát ngát, thì hạt lúa ấy có thể nuôi đủ cả gia đình Trí Đức bây giờ. Một hạt thôi năm sáu chục huynh đệ ăn không hết, nghe mà mê luôn. Thời bây giờ làm ruộng cực khổ mà thu hoạch chẳng bao nhiêu, bị sâu bọ nên người ta xịt sâu, tưới thuốc độc trong đó, thật là dễ sợ.
May mắn chúng ta gặp Phật pháp, Phật dạy vì nuôi dưỡng ngu si, vọng tưởng, mê muội chạy theo sáu trần không dám bỏ nên khổ, bị sanh tử triền miên. Hàng Bồ-tát không ngu si, các ngài luôn nhớ nghĩ phải học rộng hiểu biết để phát triển trí tuệ, từ đó thành tựu tất cả công đức. Chúng ta do ngu si làm cùn lụt hết những mầm tốt đẹp nên cuộc sống tối tăm khổ cực. Các bậc trí thấy rõ tai hại của ngu si như vậy nên không chấp nhận nó, nghĩa là không chấp nhận vọng tưởng. Các ngài nuôi dưỡng bảo vệ trí tuệ sáng suốt để thành tựu tất cả công đức, lợi ích tất cả chúng sanh.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải nuôi dưỡng, phát huy, bảo vệ trí tuệ. Một khi trí tuệ đã được phát huy thì sẽ thành tựu công đức. Tu hành nhẹ nhàng không còn buồn phiền, lo lắng, nghĩ ngợi điều gì nữa. Khi trí tuệ đã phát huy trọn vẹn đầy đủ thì chúng ta có tất cả và làm được nhiều lợi ích cho mọi người. Cho nên các bậc Hòa thượng nói trong chùa có năm chục đứa đệ tử khôn ngoan sáng suốt thì nuôi không đến nỗi phải khổ. Ngược lại, trong chùa có chừng sáu bảy đứa ngu mê, nó quậy mình điên đảo không biết làm sao giải thoát được.
Người tu chúng ta không thể nào thiếu sự sáng suốt. Thiếu sáng suốt thì sẽ bị những nghi ngờ, vọng động làm điên đảo khổ đau. Từ si mê nên có những lú lẫn mê mờ không hiểu biết, không cảm thông, giận dỗi, buồn thương, dẫn đến bệnh suy nhược thần kinh. Sống ở đời làm sao không bệnh tật, có bệnh ắt có tật. Lúc sáng ăn cơm không được, nửa buổi gặp đồ ăn không ngon cũng bực, đang bực nghe ai nói câu gì chướng thì gây, tật là như vậy. Tất cả những thứ này hiện ra là do thiếu trí tuệ. Khi mình có một cử chỉ, lời nói làm chướng người khác là nhân tố để cho người chung quanh bực bội, đó là trong cái suôn sẻ gây thành tật. Tật là gì? Ví như khúc cây đáng lẽ đâm thẳng xuống, nhưng giữa chừng nó có cái mắc quanh ngược lại. Người có tật là người đi khập khễnh, không giữ được sự thăng bằng.
Trong cuộc sống chúng ta phải chiêm nghiệm bằng sự sáng suốt của mình. Những gì tồn đọng làm phát sanh vấn đề thì cố gắng buông bỏ, điều này lợi ích vô cùng. Nếu buông bỏ được là giải thoát, sở dĩ chúng ta chưa giải thoát là vì chưa buông bỏ được. Chẳng những mình ôm giữ bằng tay chân, mắt mũi mà bằng cả vọng tưởng điên đảo, tự cột trói mình bằng những xích xiềng cố chấp si mê nhất. Trên phương diện tu hành, chúng ta thấy những gì chưa đành lòng thải đi, thì chính những thứ này làm cho mình đau thôi, nó làm chúng ta trì trệ, nặng nề không tiến được, chẳng có ích lợi gì đâu.
Những cụ già gói tiền năm lần bảy lớp nhưng thật ra có mấy trăm đồng bạc thôi. Hiệu dụng của nó là gì đâu mà sự bảo vệ lớn lao lắm. Do vậy, quý vị thấy tối trước khi đi ngủ không biết con ma vọng tưởng nào giục ngồi dậy mở hết lớp này tới lớp kia ra coi, xem đủ mấy tờ chưa, xong rồi gói lại. Trong khi đang làm việc ấy nghe động tịnh đâu đó liền lên tiếng “đứa nào vậy bây”? Rồi cẩn thận gói lại đi ngủ. Sáng dậy ngồi ăn trầu moi ra đếm nữa, coi thử đêm hôm có con chuột nào tha bớt không? Đó là hiện tượng khi lớn tuổi, trí tuệ bị suy kém thì con người sanh ra lẩm cẩm như vậy. Trí tuệ còn mạnh mẽ, không bị cảm nắng cảm mưa ho hen thì khỏe, tính cái gì đúng cái đó, làm gì chuẩn nấy, ít sai phạm. Tới khi trí tuệ bị ọp ẹp thì nói không đúng, bộ tham mưu không đủ sáng suốt để thấy nghe hiểu nhớ, nên không làm gì được nữa.
Đó chỉ mới là trí tuệ thế gian mà còn quan trọng như thế hà huống người tu chúng ta có trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ Bát-nhã giúp mình đả phá ngu si, nên trí này cần thiết không thể thiếu được. Chúng ta tu hành đến chừng nào thành tựu Phật quả sẽ yên vị, thành tựu công đức tuyệt vời nhờ phát huy hết trí tuệ Bát-nhã này. Bây giờ, suốt trong quá trình tu học phải nuôi dưỡng phát huy như thế nào để bảo vệ trí tuệ Bát-nhã của mình. Phát triển được nó thì có thể nói là một đời tu học thành công. Công phu tu học sinh ra công đức, mục đích cuối cùng chúng ta nhắm đến chính là thành tựu trí tuệ Bát-nhã.
Người tu thiền là tu để mở mang trí tuệ Bát-nhã. Bây giờ bỏ, dứt, dẹp, buông tất cả những vọng tưởng bên trong, để cho bản thể rỗng rang sáng suốt hiện ra thì xong việc. Chắc rằng khi đó, không cần phải nói cuộc sống thiền sinh Trí Đức hay Thường Chiếu gì cả. Mà đó là trăng sáng, trời trong, không mây, không mưa, thênh thang đất trời mênh mông, đôi chân rất khỏe đi một bước bằng ngàn dặm. Các thiền sư nói dữ dằn hơn nữa “một niệm muôn năm”. Nó chuyển hóa từ pháp hữu vi, từ những cái tầm thường ra siêu việt. Đặc biệt như vậy đó, tất cả đều từ trí tuệ Bát-nhã mà ra. Một điều vinh dự, Phật Tổ dạy cho chúng ta biết rằng trí tuệ Bát-nhã có sẵn trong mỗi chúng ta đây. Các vị xuất gia lâu năm tu hành giữ giới thanh tịnh nhiều đời nhiều kiếp đầy đủ, các vị mới bước vào đạo cũng không thiếu. Chỉ có là mình dám nhận ra hay chưa dám nhận ra thôi.
Hôm nào đó một vị đang nhúm lửa nấu cơm, khuya trời lạnh Sư phụ ngồi trên phương trượng sợ đệ tử bị lạnh bệnh nên chống gậy đi xuống hỏi “Làm gì đó con?”, thưa “Dạ trí tuệ con nó ngủ từ đầu đêm tới giờ, con đang kêu nó dậy”, không sai. Nếu con không kêu nó sẽ ngủ luôn, phải kêu nó dậy. Kêu nó dậy để làm gì? Để thắp sáng lên, để sáng nay từ trí tuệ đó có cơm chín thơm ngon, có nước tương, có thêm một chút ớt vào nữa thì ngon ơi là ngon. Cho nên khi có đủ trí tuệ Bát-nhã rồi mình sẽ có tất cả. Ăn đọt rau luộc thôi mà nghe thấm thía ngọt ngào, đậm đà chất lượng làm sao. Một ngọn rau luộc có thể nuôi dưỡng thành tựu pháp thân tuệ mạng của mình.
Khi quý vị phát tâm tu có một tấm lòng rộng rãi, thân tâm đều tự tại thích thú. Cho nên, đi cũng cười, ngồi một mình cũng cười, giữa lúc làm việc nắng mưa vất vả cũng có thể cười là vì trí tuệ trong này đầy đủ không thiếu. Nó không cho những thứ ngu si điên đảo xen vô. Muốn có trí tuệ thì phải tu thiền định, tâm định thì trí tuệ tự phát sáng. Trí tuệ này khác trí tuệ thế gian là phải học. Học từ chữ a ê tập đi tập nói, tập ngồi, tập hát, tập bắt tay, tập chào hỏi… Học chữ xong, học chuyên ngành nghề, trang bị những kiến thức cần thiết gọi là người trí thức. Từ học hành thành tựu, có trí tuệ thì ngu dốt không còn. Nhưng trí tuệ này chỉ thành công trên đường đời, chứ không giải thoát sanh tử. Chỉ có tu phát sáng trí tuệ mới ra khỏi luân hồi sanh tử, tức là vượt qua sống chết. Đây là thứ làm cho mình khổ, lo sống chưa rồi lại lo chết, chỉ khi nào có trí tuệ đầy đủ mới làm chủ, bỏ được mấy thứ đó.
Trong cuộc đời tu, chúng ta cố gắng làm sao phải tỉnh, phải sáng. Người tỉnh sáng thì quyết tâm buông bỏ vọng tưởng, không dễ bị gạt gẫm, không nhồi nhét những tạp nhạp rác rưởi vô trong tàng thức. Do vậy, họ vẫn nghe, vẫn mở mắt, vẫn cười, vẫn ăn, vẫn ngủ, mà không tiếp thu những cái gọi là tân huân. Những cái cũ xài không hết, chớ đem những thứ mới vô, không hay ho gì. Nhưng nhất định trong thời gian học tập kinh điển thì phải huân những chủng tử Phật pháp vào để thay thế những chủng tạp nhạp. Nhờ có trí tuệ sáng suốt chúng ta biết chọn lựa huân tập những gì thật sự hữu ích, cần thiết trong phạm vi sinh hoạt của mình, còn những thứ khác loại ra hết. Không phải thứ nào cũng cho vô, riết cái đầu của mình đầy ắp ba mớ tạp nhạp, không ra chi hết.
Đây là chỗ huynh đệ cần phòng ngừa, nghe nhìn nhưng con mắt phải sáng. Không bắt mình đóng lỗ tai, nhắm mắt lại, thấy thì cứ thấy, nhưng tiếp thu để tân huân thì không nên. Bởi vì, chúng ta đang loại ra chứ không phải thu vào, đang buông bỏ chứ không phải tiếp nhận. Người muốn cho cái gánh của mình nhẹ thì không bao giờ dại dột chất thêm ba thứ mê lầm vào. Các vị thiền sư dạy, ví như có người gánh nặng đường xa, lên dốc ngược dưới trời trưa nắng gắt, dù có gặp ngọc ngà châu báu nhất định cũng không chất thêm vào, bởi vì gánh này quá tải rồi. Sung sướng gì mà chất ngọc ngà vô, phải bỏ ra hết gánh mới nhẹ. Huynh đệ chúng ta bắt đầu và chính bản thân tôi cũng đang làm việc đó.
Tôi cũng không biết rằng cái gánh của tôi chừng nào quăng hết, nhưng đã gần bảy mươi tuổi rồi thì không còn bao lâu nữa đâu. Chẳng những không gánh mà tất cả đều quăng hết. Quăng hết thì còn cái gì? Còn trí tuệ Bát-nhã, nó sẵn nơi chúng ta nên không bao giờ mất. Đó là cái sáng suốt của tâm bất sanh bất diệt, từ cái bất sanh bất diệt vô niệm đó mà liễu liễu thường tri. Người sống được là Tổ là Phật. Biết mình có cái bất sinh bất diệt liễu liễu thường tri, là bản tịnh minh tâm, tất cả những danh từ này đều chỉ cho nó. Tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện tròn đầy cái đó, khẳng định như vậy. Bởi khẳng định như vậy nên có ai rủ rê nghe hát coi phim hay đi chơi, ta không lay động.
Huynh đệ nên nhớ mình tu phải có đạo lực, có năng lực mới chủ động được và không bị lay chuyển bởi những thứ hấp dẫn mê hoặc hay hù dọa mình. Những cái hù dọa quanh ta nhiều lắm, như đang tụng kinh, ngồi thiền bị thấp khớp đau quá đi nghe lụp cụp ở trong đó. Chân tay đau muốn chết, kiểu này chắc hết tu rồi! Đó là bệnh thấp khớp đang hù dọa mình. Lúc tôi ở Chân Không, cột xương sống bị sai khớp nhưng không đi sửa được nên cứ lây lất qua ngày. Hòa thượng nói với tôi : “Chết không sợ mà đau nhức sợ à, như vậy anh hùng cái gì?" Từ đó mặc cho xương sống trật đau buốt mấy tháng trời, tôi không hề đắp thuốc cũng không nói nắn sửa chi, không biết tại sao lúc đó tôi mạnh dữ vậy. Có lẽ nhờ đạo lực của Thầy. Nhớ ra, ơn tình này của Thầy lớn lao vô cùng.
Thật ra bệnh tật hù dọa mình cũng sợ chứ, nếu không có Thầy là thiên hạ khiêng tôi xuống núi rồi. Đi nằm nhà thương hay đi đến ông thầy nắn bó lại, bây giờ xương sống đâu có ẹo ẹo và đau kiểu này. Tuy người tôi giống như là có tật đi không ngay ngắn và đau nhức, nhưng bù lại một khoảng thời gian sáng sủa tinh nhuệ tốt đẹp nhất, mình yên ổn để nuôi dưỡng trí tuệ Bát-nhã thật quý vô cùng. Như vậy có thích thú hơn không, thống khoái hơn không? Trong cuộc đời ta có được khoảng thời gian hy hữu ấy thật quý báu vô cùng. Nếu không tôi đã lang thang, chạy ngược chạy xuôi xe hai bánh, xe bốn bánh, xe nhiều bánh… và không biết bây giờ trôi giạt về đâu? Âu cũng là duyên lành từ sự phát tâm hướng về đạo, học đạo và tu hành. Đó là một thành quả phải không? Bây giờ chư huynh đệ được đầy đủ thuận duyên hơn chúng tôi ngày xưa thì phải tinh tấn lên.
Tôi nói như vậy không có nghĩa là quý vị bị bệnh không đi trị bệnh, chỉ khuyên huynh đệ đừng để bệnh tật hù dọa mình. Bởi vì thân này không thật, là đồ bỏ đâu có gì quan trọng. Hiện tại mình tạm dùng thân đồ bỏ này để gầy dựng gia sản quý báu tốt đẹp nhất của mỗi chúng ta. Chư huynh đệ bây giờ chưa thể hiểu hết những lời này. Tôi có niềm tự hào là được một khoảng thời gian sống trong tuổi thanh xuân mạnh mẽ tươi tắn và được nép mình theo thầy, theo bạn tinh tấn tu hành. Bây giờ có muốn sống lại thời gian đó cũng không được. Cho nên huynh đệ nhớ khi có cơ hội, phương tiện, điều kiện tốt mà ta không trân quý lại bỏ phí đi, sau này hối tiếc cũng muộn. Bây giờ học được pháp buông bỏ của Hòa thượng, nhất định chúng ta phải buông bỏ từ tâm vọng tưởng bên trong cho đến sự vướng mắc cảnh vật bên ngoài. Tóm lại những gì không có thật đều phải buông bỏ hết.
Trong bài học có chữ “thường niệm” nghĩa là thường nhớ. Thường nhớ thế nào? Nhớ mình là người xuất gia, đã thọ pháp của Phật, đang hạ thủ công phu. Nhớ mạng sống vô thường, hoàn cảnh vô thường, tất cả đều đổi thay nhanh chóng. Nhớ để làm gì? Để buông bỏ, đừng bám víu theo nó nữa, từ đó hình thành được trí tuệ chân thật của mình. Cho nên vô thường là cơ hội tốt nhất để chúng ta nhớ tu. Nếu huynh đệ xao lãng điều quan trọng này thì vô thường sẽ cướp mất mạng sống, chúng ta không làm sao tu kịp nữa.
Hồi đó tôi có người bạn học nhỏ con ở Gò Công Đông. Tuy nhỏ người nhưng anh học rất giỏi, nhất là môn toán. Đến năm 1963 về thành phố, nghe đâu anh được Phật tử ủng hộ xây chùa lớn lắm. Sau một thời gian xa cách anh em gặp lại nhau, anh than “Bây giờ chán quá, muốn kiếm người giao chùa”. Tôi nói cất chùa thì lo tu, hướng dẫn Phật tử tu, giao ai bây giờ, không sợ thiên hạ cười khi dễ sao? Người huynh đệ trả lời làm không nổi nữa. Sau khi hỏi kỹ mới biết anh bị thất bại vì thiếu sự nhắc nhở, nên không nhớ buông bỏ quăng thải những thứ ấy ra, bây giờ nó phát triển thành dây mơ rễ má bó buộc anh vào tăm tối. Lúc đầu chưa phát hiện được, tới lúc phát hiện ra thì nó đã quấn chặt quá dày.
Phật giáo Việt Nam trong khoảng 1963 là thời pháp nạn, cho nên lứa tuổi anh em chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Bởi nhiều khó khăn trở lực như vậy, nên anh em lúc đầu đông đảo nhưng đếm lại chẳng còn bao nhiêu. Trong những buổi họp mặt, tôi thường bị chê cù lần, cũng không sao. Tôi luôn chia sẻ với anh em, lý tưởng của mình quan trọng lắm. Bây giờ mình chưa có đạo lực thì phải nuôi dưỡng lý tưởng, đồng thời phải có sự đề phòng để bảo vệ đời tu của chúng ta. Chư tổ ngày xưa lập chùa, lập viện, lập trường để làm gì? Các ngài cũng biết chùa viện đông đảo, quản lý đủ thứ chuyện, cực lắm chứ. Nhưng nhờ những phương tiện ấy dễ dàng bảo vệ Tăng Ni, động viên hỗ trợ họ tiến tu. Tôi thà là chịu cù lần mà yên lòng sống trong đại chúng, sáng nghe đánh bảng đi ăn cơm, chiều nghe tiếng kẻng đi học, biểu tu thì tu, khoẻ vậy. Chừng nào thầy cho chú xuống núi thì xuống núi, không cho thì thôi.
Như vậy lý tưởng của chúng ta là gì? Lý tưởng tối cao của người tu là giác ngộ giải thoát, là thành tựu Phật đạo, ngoài ra không có lý tưởng nào khác. Giải thoát là cởi trói, giác ngộ là nhận ra tâm chân thật của chính mình. Chúng ta nhất định tu thành Phật, bằng Phật mới vừa lòng. Và ngay trong đời này chúng ta phải làm sao tu hành cho được giác ngộ giải thoát. Giải thoát thì không bị trói buộc, dính mắc vào bất cứ thứ gì. Huynh đệ có đồng xu cắc bạc nào cũng không cần phải gói cho kỹ, phải để vô tủ sắt; chỉ vừa vặn sử dụng tạm sống trong giai đoạn nào thôi. Ở thiền viện có quy chế không giữ tiền riêng, không có gì riêng hết, tất cả đều của chung. Để làm gì, để lòng tham đắm bị đập tan. Đập tan được thì chúng ta mới bước vào giai vị giải thoát. Chữ giải là mở ra, chữ thoát là trót lọt không dính gì nữa.
Bản thân chúng ta giải thoát rồi thì tha hồ cứu giúp tất cả chúng sanh. Chừng đó bước sang giai đoạn thứ hai của người tu, giáo hóa chúng sanh đưa họ về nơi bến bờ an vui, chấm dứt mọi khổ đau. Cho nên ở đây Phật nói giáo hóa tất cả, thảy đều an lạc vậy. Huynh đệ đừng sợ mình tu rồi thành quê mùa, không ăn nói bằng ai, không làm gì được hết. Yên lòng đi, một khi công phu tu hành đã thành tựu thì làm việc gì, nói lời nào cũng là biện tài vô ngại, cũng là diệu dụng không thể nghĩ lường. Mong tất cả hãy cố gắng tu học theo lời chỉ dạy của đức Phật.
Thích Nhật Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét