Phật Tổ dặn chúng ta bớt đi những ham
muốn thế gian, hướng ham muốn thành ý tưởng tu hành và làm chủ được
mình. Những ham muốn quái gở sẽ đưa con người đến cay đắng khổ đau, vì
vậy không nên theo đuổi nó.
Chánh văn:
弟二覺知
多欲為苦
生死疲勞
從貪欲起
少欲無為
身心自在.
Âm:
Đệ nhị giác tri,
Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại.
Dịch:
Giác ngộ thứ hai,
Tham nhiều là khổ,
Sanh tử nhọc nhằn,
Từ tham dục ra,
Ít muốn vô vi,
Thân tâm tự tại.
Gỉang:
Điều thứ hai, giác ngộ rằng ham muốn nhiều thì đau khổ nhiều. Những nỗi
khốn khổ trong cõi sanh tử đều do tham muốn mà sanh. Người ít ham muốn,
không tạo tác nghiệp bất thiện nên thân tâm được tự tại.
Khi chúng tôi còn nhỏ thường được gần gũi hầu chuyện hoặc thăm viếng chư
vị tôn đức, quý ngài luôn nhắc nhở dục có sức hấp dẫn rất lớn, nó cũng
là một loại năng lực mạnh mẽ đối với người tu. Thật ra trong thời đó,
chúng tôi chưa nhận rõ dục là cái gì? Tuy nhiên, các ngài luôn quan tâm
hướng dẫn và nhất là giảng giải bằng mọi cách để tăng chúng hiểu. Khi
hiểu ra cộng với thời gian trưởng thành trên bước đường tu tập, chúng
tôi thấy quả thật dục là một loại ma lực đưa con người đi vào trầm luân
khổ ải không có ngày cùng. Tuy nhiên, cũng từ dục có thể giúp chúng ta
dũng tiến trên con đường giải thoát. Thật sự nếu sống trên cuộc đời này
mà không mong muốn gì hết, thì người ấy một là Phật, Bồ-tát hay bậc đại
giác ngộ; hai là giống như cục thịt dư vậy. Sống mà không biết, không
làm, cũng không mong cầu, không tỉnh táo thì thuộc loại người không sử
dụng được, khác nào cục thịt dư.
Dục có hai chiều: Một là mong muốn thúc đẩy chúng ta hướng tiến theo sự
sắp đặt đúng của mình, thì cái dục này không phải là tai hại hay ma lực.
Có thể gọi nó là sức sống hướng con người vươn tới lý tưởng của mình.
Hai là những mong muốn đưa con người vào cạm bẫy, để rồi không thể nào
thoát ra khỏi, bị nó làm cho khốn khổ. Một khi đã gây tạo những nghiệp
nhân bất hảo, chúng ta bị dính mắc mãi trong vòng luẩn quẩn của cuộc đời
này.
Trước tiên, chúng ta bàn về mặt tốt của dục. Ví dụ vị thầy muốn nhắc
nhở, dạy dỗ đệ tử khi vị đó mới phát tâm tu, chưa hiểu nhiều về đạo,
người thầy phải hướng dẫn cho đệ tử nhận hiểu và khuyến tấn họ ham thích
tu hành. Khi còn nhỏ có lần tôi đi ngang trường dạy học của chư tăng,
thấy vị thầy mặc áo màu đà đứng giảng và viết những chữ Hán trên tấm
bảng. Thầy cầm cây thước đi tới đi lui chỉ và giải thích nghĩa đen,
nghĩa sâu từng chữ. Tôi đứng lại bên cửa sổ phòng học nghe ké một hồi,
thấy vậy Thầy đi tới hỏi:
- Chú có muốn học không?
Tôi liền thưa:
- Dạ, con muốn học.
- Chú ở đâu?
- Dạ, con ở xa lắm.
- Chú tới đây làm gì?
- Dạ, con có chuyện đi ngang đây, thấy Thầy giảng con đứng lại nghe.
Hỏi xong, Thầy kêu vô lớp chỉ cái ghế trống, bảo:
- Ngồi đó nghe đi.
Đó là nhân duyên ban đầu tôi gặp Thầy. Một lần khác, tôi cũng gặp lại
Thầy vào dịp Thầy đưa đại chúng đi nghỉ mát ở ngôi chùa tôi đang trọ.
Lần này Thầy hỏi:
- Chú làm gì ở đây?
- Dạ, con cũng ra đây nghỉ.
- Chừng nào chú về?
- Dạ, mấy hôm nữa con về.
- Chú có đi học gì chưa?
- Dạ thưa Thầy, con rất muốn đi học mà chưa được đi học.
Nghe vậy, Thầy bảo đến ngày tháng đó tới Phật học đường Nam Việt, nói
tên của Thầy và một vị thầy nữa giới thiệu, muốn học gì chú cứ trình bày
sẽ được hướng dẫn giúp đỡ cho.
Hai lần gặp Thầy, là một nhân duyên lớn gắn bó trong đời tu của tôi.
Những lời Thầy nói ban đầu tôi xem là những bài pháp khai tâm. Bấy giờ
dù chưa được đi học vì bận rộn nhiều việc, nhưng hễ có dịp là tôi đến
nơi quý thầy dạy học và ngồi hàng giờ để nghe những lời giảng giải của
quý ngài. Nghe cũng có chỗ nhận, có chỗ chưa nhận. Tuy thích học nhưng
không biết nhân duyên gì cứ khiến tôi đi lòng vòng bên ngoài, chưa vào
dự học được. Đến khi đủ duyên vào học thì bài học đầu tiên là điều giác
ngộ thứ hai trong bản kinh Bát Đại Nhân Giác mà hôm nay tôi nói lại cùng
các huynh đệ.
Điều giác ngộ thứ hai nói về những ham muốn, dục vọng thế gian . Nó
chính là những ma sự loanh quanh trong đời tu của tất cả chúng ta. Nếu
biết sử dụng, nó là năng lực thúc đẩy để chúng ta tiến tới. Trái lại,
nếu bị mê hoặc thì nó là một loại ma lực đưa con người vào trong những
hoàn cảnh khốn khổ không có lối thoát. Đối với kinh nghiệm của quý thầy
tu hành trước, các ngài luôn nhắc nhở người sau trên bước đường tu hành
phải đề phòng những tham muốn của mình, vì nó là lực sẽ hút chúng ta đi
vào con đường trầm luân sanh tử.
Lần đầu tôi gặp một vị thầy giảng về bài này, lần thứ hai tôi là một học
tăng trong Phật học đường và đây cũng là bài học đầu tiên khi vào lớp,
thành ra nó có một dấu ấn rất sâu trong lòng tôi. Đây là điều hết sức
quan trọng, nó bàng bạc trong cuộc sống, khi ta lớn lên có chút hiểu
biết qua những kinh nghiệm sống, tu học, tiếp cận với những điều kiện
chung quanh. Nếu người không hiểu tới nơi, không nhận ra được mặt tốt,
mặt xấu của nó thì tâm nguyện tu hành khó thành tựu.
Tham nhiều là khổ, đó là một định luật. Do vậy khi nào kiểm thấy chúng
ta còn nhiều ham muốn, nhiều vọng tưởng, luôn khởi niệm lăng xăng không
dừng được, nhớ nhung linh tinh lang tang chuyện này, chuyện khác không
phút giây nào yên thì biết mình đang sa vào trong tăm tối đa dục, chứ
không phải thiểu dục. Người xưa đã nói đa dục là khổ. Chữ khổ có nghĩa
là cay đắng. Các vị có tuổi tác sống trải trên cuộc đời này, ham muốn
rồi mong cầu đủ hết, cuối cùng nếm trải cay đắng mùi đời. Do đó, nhiều
tham vọng chắc chắn sẽ khổ. Đối với những người vừa lớn lên, tâm hồn còn
trong trắng đến với đạo, phát tâm đi tu mà người thân không cho cũng
khổ. Nhưng cái khổ để con người nâng sức phấn đấu, gầy dựng cho mình có
một năng lực vững mạnh đi lên, thực hiện theo chí nguyện thì nhất định
cái khổ này là cần thiết.
Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta thấy trước mắt chùa làm chưa xong,
nhưng huynh đệ ham tu nên đầu quân vào đây chịu cực với chúng tôi. Có
những buổi chiều mưa, đại chúng phải đi cuốc cỏ hoặc phải dọn dẹp vật tư
hay rác rưởi, mà những việc này các huynh đệ chưa từng làm. Tôi thấy
các vị là thư sinh mà cầm cuốc, tôi nghĩ cây cỏ hoặc đống đất ngó huynh
đệ nó cười “Thưa ngài, không biết ngài có cuốc tôi nổi hay là ngài sẽ té
ngã?” Ở đây, tôi muốn nói với các huynh đệ, cái khổ này là cái khổ để
gầy dựng cho mình đầy đủ năng lực, đầy đủ ý chí dũng cảm để tiến lên
thực hiện ước nguyện cao đẹp của mình. Do nguyện vọng cho nên khổ mà
không phải khổ. Trái lại người chỉ muốn nghỉ ngơi, tham muốn nhiều mà
không đình đốn được thì quả thực người đó đang lao vào vực khổ.
Chữ Khổ (苦), bộ thảo ở trên đầu có nghĩa là hàng rào, chữ cổ ở dưới có
nghĩa là khổ khắc. Có thể đây là một sự khó khăn mà chúng ta phải vượt
qua bằng một ý chí hết sức kiên cường, một sự cố gắng vươn lên, vượt qua
để chiến thắng. Như chúng ta đâu ai có thể tu năm năm, mười năm mà
thành Phật. Trong kinh Phật nói tu một thời gian dài ba bốn kiếp số mới
thành tựu đạo quả, một con số không thể tính toán nổi. Đây là một việc
làm phi thường. Học lịch sử của Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, suốt trong thời gian ở
hoàng thành cho đến năm mười tám tuổi, ngài đã lập gia đình theo lệnh
của vua cha. Những năm này nhu cầu cung ứng cho ngài rất sung mãn không
thể nói khổ mà vì quá nhiều, quá thừa cho nên ngài chán và muốn thoát ra
khỏi nó.
Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta bước chân ra khỏi hoàng thành, mọi thứ bên ngoài
hoàn toàn khác hẳn với những gì ngài đang có. Thấy người bệnh ngài hỏi
Xa-nặc người đó sao vậy, được trả lời đó là người bệnh, ngài lại hỏi
bệnh là sao? Có lẽ ông hoàng này chưa từng bị nhức đầu, đau răng, phong
thấp hay cảm ho, sổ mũi… Đó là những bệnh thường, còn có những bệnh
không có thuốc trị thì vô nhị tỳ. Rồi hỏi: Chết là sao? Đó là những cảnh
ngài chưa từng thấy. Ra khỏi cổng thành ba bốn mặt, mặt nào cũng chứng
kiến lẽ thật của cuộc đời. Người già, người bệnh, người chết. Đối với
người già, người bệnh, thây chết ngài đều đặt nghi vấn, nghe mình thấy
lạ thường. Bởi vì suốt cuộc đời từ sinh ra cho đến 19, 20 tuổi, ngài
chưa lần nào bước chân ra khỏi cổng thành. Cho nên tất cả những lẽ thật
của cuộc đời bị khuất lấp.
Khi đối diện với già bệnh chết, ông hoàng rúng động, cứ ngỡ rằng người
thế gian ai già mặc họ, còn ngài sống trong tiện nghi như vậy làm sao có
chuyện già. Gặp người chết, Thái tử hỏi: “Ta có chết không?” - Dạ hoàng
tử cũng sẽ nín thở trong một ngày nào đó. Những lẽ thật của con người,
của cuộc đời nằm kề cận nhưng chúng ta không để ý tới. Cuộc sống này đầy
rẫy những khổ đau, chúng ta phải đối phó, đương đầu đối mặt với tất cả,
nên không có thời gian để nghĩ ngợi chuyện khác. Như người ăn cơm buổi
sáng mà chưa có gạo buổi trưa, bây giờ làm cách nào để có gạo nấu cơm
trưa. Có khi được gạo ăn bữa trưa thì chưa có gì để chuẩn bị cho buổi
chiều. Cứ thế nỗi khổ đầy dẫy, len lỏi, tấn công, không có chỗ nào như ý
hết.
Ngày xưa, trong thời gian chiến tranh tôi đã về quê và chứng kiến những
sự kiện khổ đau đầy ắp về kiếp người. Nhiều người có phước phần, nhân
duyên tốt nhưng chuyện bất như ý xảy ra trái ngược với những gì mong
mỏi, nên họ thất chí hóa điên. Trong những năm đó, có lần đang đi học tự
nhiên tôi nổi khùng bỏ học. Vì ngày nào lên lớp cũng nghe họ nói chuyện
đông chuyện tây, mà chưa từng biết lẽ thật ngoài đời thế nào. Họ bước
ra lên xe hơi chạy tới các quán tiệm sang trọng, chưa từng nghĩ đến
những người khổ đau thiếu thốn bệnh tật không có thuốc uống, đêm ngủ lây
lất nơi các mái hiên.
Trong cuộc sống những vị này chưa có sự nếm trải, vì gia đình giàu sang
có điều kiện học hành, bằng cấp cao, làm việc có địa vị. Họ đi xe hơi,
bước ra thì guốc dép võng dù tùm lum, lên lớp nói đủ thứ chuyện nghe
riết mệt cái đầu. Tôi bỏ chạy. Chạy đi đâu? Ngay nơi quê hương mình sinh
ra, vậy mà có một thời tôi bỏ quê đi lang thang. Nhớ lần về thăm người
cậu, thời gian này cậu khổ lắm không đủ gạo ăn, phải húp cháo sống qua
ngày. Có những con người tự dưng vừa lọt ra đã vô trong hố, hố này có
hàng rào chung quanh giống như hàng rào trước Thiền viện Trí Đức vậy.
Nào là kẽm gai, cỏ gai… đủ thứ hết, ở dưới khô ròm, thiếu thốn, lòi
xương, sợ sệt… đúng là cay đắng.
Một lúc nào đó, chúng ta sẩy chân lọt vào những hoàn cảnh như vậy mà
Phật, Bồ-tát đã từng trải qua nói rằng sanh tử bì lao. Người bệnh nhìn
dáng bên ngoài là biết bệnh rồi, như gương mặt đỏ gay, nói hụt hơi là
biết áp huyết không ổn hoặc cái bụng đầy hơi… Chữ “bì lao” là mệt mỏi,
quá mệt nên bệnh tật hiện ra dáng ngoài. Con đường sống chết này hết sức
là mệt mỏi, sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh, không biết bao giờ cùng.
Đức Phật, chư vị đã có sự sống trải nói cho chúng ta biết sanh tử bì lao
là từ tham dục mà ra. Nếu chúng ta biết tu thì bớt tham dục, nghe đến
tham dục tự nhiên thấy hãi hùng. Muốn bớt tham dục không phải là chuyện
dễ dàng. Giống như người hút á phiện, một ngày phải bao nhiêu viên,
thiếu là không được. Hôm nay có thể hai viên, một điếu thuốc nhưng dần
dần ba viên, hai điếu thuốc. Tăng lên tới một lúc bốn năm viên và cả gói
thuốc. Cứ như thế mà tăng, tăng từ ảo giác, cảm giác, từ điên đảo cố
chấp không sáng suốt của con nghiện.
Quý vị nào có uống cà phê đen thì biết. Hồi nhỏ chưa từng uống cà phê
đen, hớp một hớp đầu tiên bị nó hành hạ khổ sở, nhưng bữa nào cũng hớp
thì vài tháng sau chưa kịp hớp, chỉ khởi ý thôi là nghe lâng lâng ngoài
da, nhột nhột trên tóc trên tai rồi. Ban đầu có thể hai ba hớp cà phê,
sau đó cả ly cà phê hoặc sáng một lần, trưa một lần, tối một lần, trước
khi đi ngủ một lần. Để làm gì? Để bảo vệ, gầy dựng những ảo giác, cảm
giác. Chữ Đa (多) là nhiều, nhiều lớp chồng chất là đa. Chồng chất nhiều
ngày, nhiều đời, nhiều lớp, bởi nhiều như vậy nên thành một thói quen,
một năng lực. Chữ Đa này có thể dẫn tới một năng lực, chúng ta muốn hóa
giải nó rất khó. Kinh nói nó là hơi hướm, chủng tử, đã in ấn rất đậm
trong tàng thức. Nhiều người nấu ăn ngon, chỉ cần thấy người khác nấu là
biết khéo hay vụng liền. Sao biết được, sách vở nào dạy họ? Vì nhiều
đời nhiều kiếp đã làm việc này, chuyện nếm mùi nếm vị đã ghi vào trong
óc trong tủy của họ. Do vậy, chỉ ngửi cái mùi đi lệch bản lề là biết
không ngon.
Cho nên, từ những ham muốn, những dấy niệm khởi lên, chúng ta không làm
chủ được thì dẫn đến sự cay đắng khổ đau. Hòa thượng thường dạy chúng ta
phải làm chủ được các dấy niệm của mình. Vừa có một niệm dấy khởi, ta
liền biết đây là vọng sẽ dẫn mình vào chốn trầm luân, không theo nó tức
là làm chủ được mình. Tôi nhớ có một vị giáo thọ cũng nói “Người tu muốn
đừng bị khổ, không chấp nhận làm người đa khổ thì phải làm chủ được các
dấy niệm”. Lúc này, tôi chưa biết những dấy niệm là vọng tưởng. Đến khi
đi học thiền, Hòa thượng Trúc Lâm dạy mới biết những dấy niệm là mầm
mống, là vọng tưởng dấy lên dẫn chúng ta đi đến khổ. Do vậy Hòa thượng
dạy phải dừng, phải biết nó là vọng buông đi. Có điều buông được hay
không là do mình. Buông được thì hết khổ.
Chúng ta thử nghiệm vào bất cứ một thời thiền nào trong ngày. Khi bắt
đầu vào thiền chúng ta cố phát huy cái biết. Biết cái gì? Vừa có một dấy
niệm, ta biết đây là vọng động tơ tưởng liền buông. Buông thì sao? Thì
thân tâm tự tại. Người buông được thấy rất nhẹ nhàng, tất cả dấy niệm
không còn lực kéo. Trong cái buông này, một là biết nó không thật nên
mình không theo, hai là nó không đủ lực để dẫn mình đi, thêm nữa là ta
nuôi dưỡng được định tuệ hiện tiền.
Trong tu tập cũng như sinh hoạt đời thường, nếu lúc nào cũng nuôi dưỡng,
phát huy được tinh thần này thì chúng ta là người thiểu dục. Người
thiểu dục không bị cay đắng nhiều, được an vui ngay trong đời này. Như
chiều nay đang ngồi yên, thấy trời mát mẻ, nhìn đồng hồ chừng bốn giờ,
có người khởi niệm giờ này chợ Long Thành bán chôm chôm ngon lắm, mình
phát tâm đi mua chôm chôm về cúng dường đại chúng, chắc quý vị lãnh đạo
không rầy rà đâu. Đây là một vọng tưởng. Khởi vọng tưởng lên rồi làm sao
nữa? Không lẽ khởi lên một cái là chôm chôm chạy từ Long Thành về đây
cho mình, phải khúm núm bạch với quý vị lãnh đạo “Hôm nay con phát tâm
cúng dường chôm chôm cho đại chúng, giờ này ngoài chợ Long Thành bán
chôm chôm nhiều lắm, xin Thầy cho con mua về cúng dường đại chúng”. Ban
lãnh đạo có hoan hỉ cho vị này đi không hay họ nói rằng: Tôn giả ơi! Làm
ơn trở lại ngồi thiền giùm đi, muốn mua thì ngồi thiền xong rồi hãy đi.
Được trả lời như vậy đương sự cụt hứng liền, theo sau đó là tâm trạng
bất an, không vui.
Đến một thời gian nào đó chúng ta mới cảm nhận nó là vọng tưởng đảo điên
làm thân tâm không được tự tại. Nhưng trước đó có người nào chặn đứng
những đa khổ của mình thì thấy không vui đâu. Thân bất ổn kế đó là tâm
bất an. Tâm gồm có cảm thọ, tưởng tượng, phân biệt, cuối cùng là suy
nghĩ. Bốn cái này luôn luôn dấy động khi tâm khởi lên một vọng niệm.
Trong một lúc mấy anh này cùng hợp tác làm việc. Chúng ta có kinh
nghiệm, có năng lực từ sự chỉ giáo của các bậc thầy hoặc từ những kinh
nghiệm tu học của mình, anh chàng vọng tưởng nào triệt tiêu thì chúng ta
sẽ được an ổn. Dẹp được vọng tưởng thì thành người “thiểu dục vô vi,
thân tâm tự tại”. Tôn giả nào đủ lực triệt hoàn toàn bốn anh này, thì
không lực nào sai sử nổi nữa, người đó hoàn toàn an ổn. Huynh đệ có sự
sắp đặt tu tập như tôi vừa trình bày thì thấy cuộc đời rất lý thú. Chúng
ta nhìn vọng tưởng, biết vọng tưởng và có cách trị vọng tưởng.
Hòa thượng Tôn sư dạy biết rồi buông, đây là một kỹ thuật. Buông riết nó
hết. Như bữa nay cô nhà bếp nấu khéo quá, mùi thơm bay lên đầy mũi, tôi
ngửi biết mà không thèm gì hết. Tự mình có cách trị vọng tưởng để được
thiểu dục, tự tại an ổn. Anh này phải đấm cho anh vài đấm. Đấm là sao?
Tưởng tượng không thật, nói đấm là có trí tuệ mới đấm được. Không có trí
tuệ thì nó đấm mình chứ không phải mình đấm nó đâu. Phải có trí tuệ mới
trị phá được mấy anh này. Trị được vọng tưởng rồi thấy lý thú vô cùng.
Cho nên huynh đệ thấy có hành giả ngồi thiền tự nhiên gương mặt như mỉm
cười. Thật sự người đó đang chiến đấu, đang nắm cổ mấy anh vọng tưởng
dẫn dắt chạy ngược, chạy xuôi trong vòng luân hồi sanh tử, nhốt và thảy
mấy anh đi. Người đó đang chiến thắng nên có niềm vui và nở nụ cười.
Trong kinh nói đức Phật đưa cành hoa lên ngài Ca-diếp nhận được ý chỉ,
chúm chím cười. Đức Phật đưa cành hoa lên không nói, ngài Ca-diếp ngồi
dưới kia cũng không nói gì hết, mọi người cũng không nói nhưng ngài
Ca-diếp chúm chím cười. Cũng vậy chúng ta tu hành, trị được những vọng
tưởng cũng sẽ mỉm cười. Đó là niềm vui, là thành quả của sự phấn đấu.
Niềm vui này âm thầm sâu lắng và có lực dụng, đó là lực dụng của tỉnh
thức. Bấy giờ hành giả thấy rỗng rang, sáng suốt, trong tâm luôn biết rõ
ràng gọi là “liễu liễu thường tri”. Có niềm vui rồi thì những sự đau
nhức về thân, những bệnh tật về tâm sẽ được khắc phục. Chúng ta là chủ
nhân, không bị lệ thuộc bởi những thứ đó.
Bao nhiêu lâu rồi thân tâm bị lệ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh bên ngoài
nên mất trắng, chúng ta không tìm ra manh mối tâm chân thật của mình.
Các thầy có kinh nghiệm, nhận và sống được với tâm thật rồi, dạy chúng
ta tu tập từ từ nhận ra rồi sống, kiên trì quyết tâm trong từng bước
công phu, nhất định sẽ vào được chỗ này. Lúc đầu rất gian nan, giữ gìn
khó khổ không như ý, nhưng cố gắng chịu đựng một thời gian, sau đó sẽ
chứng nghiệm lời dạy của Phật Tổ không sai. Khi nào chúng ta biết vọng
tưởng không thật không theo nó thì mới làm chủ được. Ngược lại còn chấp
nhận, còn bị lệ thuộc, bị động bởi những thứ ấy thì khó mà làm chủ. Đây
là một loại khó khăn vô hình, nhưng nếu kiên quyết, đầy đủ ý chí, dứt
khoát thì sẽ yên ổn tự tại.
Hòa thượng nói đã là vọng tưởng mà còn phân biệt, cảm thọ, tưởng tượng
này kia là bị vọng tưởng dẫn. Đôi khi mình cũng thưa thầm với Thầy rằng,
con có cái biết dù ở trong cảm thọ con cũng biết rõ ràng, tưởng tượng
con cũng biết rõ ràng, như vậy không có cái nào con lầm hết. Con chụp cổ
bốn đứa này, thảy nó ra ngoài. Nói nghe như dễ, nhưng hết đợt sóng vọng
tưởng này là những đợt vọng tưởng khác, chúng cứ tiếp tục trồi lên, cho
nên công phu tu hành ở giai đoạn đầu có nhiều cay đắng, nhiều điều
không như ý.
Tôi sống gần gũi với hàng trăm ông tiểu nho nhỏ, vừa lớn lên năm sáu
tuổi, mười hai, mười lăm tuổi… có đủ. Nhìn từng gương mặt, từng sự cảm
nhận, từng phúc duyên của mỗi chú tiểu, tôi cũng có một cảm giác, cũng
phát hiện những điềm báo của từng chú tiểu như thế nào. Không phải như
thầy bói nhưng cũng biết được. Ví dụ có một buổi chiều, tất cả các tiểu
đều đi ăn cơm. Buổi cơm chiều ở thiền viện nhẹ nhàng không giống như
buổi trưa hoặc buổi sáng, do vậy có chú đi không xếp hàng trật tự. Người
xưa nói thức ăn chiều là “dược thạch”, có lẽ mấy chú thuộc từ này, nên
buổi sáng đi nghiêm chỉnh, buổi trưa cũng rất nghiêm trang, nhưng buổi
chiều lại lăng xăng. Hai ba chú đi một chùm, có khi đi rồi đứng lại, đi
tới đẩy qua, đẩy về. Đó là gì? Vì các tiểu biết trước rằng bữa ăn chiều
không phải là bữa ăn quan trọng, do không quan trọng nên không phải mặc
áo đàng hoàng và đi cũng không có hàng ngũ, lúc ăn có thể vừa ăn vừa nói
chuyện. Có khi Sư ông thấy nhưng vẫn cười không rầy là biết buổi ăn
chiều không quan trọng. Bởi không quan trọng nên mấy chú không đi ăn
cũng được, nhưng với điều kiện tối đừng có ăn vụng. Không đi ăn mà tối
chịu yên ngủ, sinh hoạt như tất cả huynh đệ thì không có vấn đề gì. Trái
lại, không đi ăn mà tối người ta ngồi thiền, học bài còn mình đi kiếm
mì gói, đồ ăn riêng thì không được, đó là phạm trai cấm ăn chiều, bị la
quở rất nặng.
Tôi muốn nói cái gì cũng có điềm báo, như buổi ăn chiều không quan trọng
nên mấy chú sinh hoạt như vậy. Nếu buổi chiều cũng tụng kinh nghiêm
chỉnh, cũng thọ trai này kia như buổi trưa hoặc buổi sáng thì mấy chú
không dám như thế. Tôi ngồi mấy chú đi ngang, các tiểu cúi đầu chào Sư
ông, Sư ông. Tôi cũng có cảm nhận mấy chú biết bữa ăn nhẹ bình thường
tôi rất hoan hỉ, không rầy rà gì khi mấy chú cười giỡn hoặc đi không
ngay hàng thẳng lối.
Trở lại công phu tu hành, có khi chúng ta rất nghiêm chỉnh nhưng cũng có
khi phải thong thả một chút. Phương pháp chăn trâu mà Hòa thượng Trúc
Lâm dạy là: Khi con trâu không chịu đi theo lối, theo hàng, theo sự
hướng dẫn của mục đồng thì cột mũi nắm dây và ra roi, kéo nó đi thẳng
theo đường lối. Tuy nhiên, một khi nó đã đi thẳng, đi thuần rồi mà chúng
ta cứ đặt roi trên người nó thì chắc có lẽ nó chán mình, húc mình chết,
phải không? Vọng tưởng cũng vậy, nó là vô hình ở đâu không biết nhưng
nếu chúng ta khủng bố nó quá thì nó sẽ hiện ra đầu trâu, mặt ngựa chiến
đấu, phản đối mình. Khi nó phản đối dữ dội thì chúng ta bó tay thôi. Ví
dụ trong các hành giả đây, có vị bây giờ chán quá không muốn tu nữa. Lúc
ấy mẹ cha, anh chị khuyên ráng tu nghe con, ở ngoài đời khổ lắm. Khuyên
thì khuyên chẳng ăn thua gì, cũng giống như con trâu bị tấn công, đẩy
nó vào trong cái thế cùng cực, nó quay trở lại hại mình.
Thật sự khi điều được vọng tưởng thuần rồi thì chúng ta an lạc. Có người
thắc mắc “Thưa Thầy, không biết hết vọng tưởng rồi con làm gì nữa đây?”
Hết vọng tưởng rồi thì sống với tâm chân thật, chứ có sao đâu. Nhưng
trong chúng ta đây không có người nào đã hết vọng tưởng. Tuy nhiên chỉ
thấy rằng trong đời thường của mình, vị nào tu chừng mười năm, hai mươi
năm vọng tưởng cũng giảm dần. Những vị mới vào tu khoảng chừng ba, bốn
tháng đến một năm thì vọng tưởng tương đối khép. Chỉ ai mới vào chừng
một, hai tháng thì những niệm tưởng, hình ảnh, sự kiện trên bước đường
đã qua trong phố thị nhiều lắm, khỏe lắm, nó chưa chịu ăn chay niệm Phật
với vị ấy đâu, nên điều không nổi.
Người đã tu năm năm, mười năm thì vọng tưởng như thế nào? Người tu một
năm, hai năm vọng tưởng như thế nào? Người tu một vài tháng vọng tưởng
như thế nào? Chúng ta phải biết rõ, nhất định chăn cho được con trâu
điên của mình. Bao giờ con trâu trắng, thuần thì chúng ta không cần phải
chăn, dẹp roi mở dây cho nó nghỉ ngơi. Bởi vì bây giờ nó cũng không đi
đâu ngoài sự sắp đặt của mình. Những con trâu mới được điều phục, nhìn
trong hình thấy nó chỉ mới trắng hai chân trước, nguyên từ đầu đến ngang
bụng, lưng đến đuôi nó đen thui. Ở trong giai đoạn này, nhất định sự
điều phục của mình phải giữ lề, cầm dây, nắm roi cho chắc, hà huống là
những con trâu mới vừa thấy dấu, chưa biết nó ở đâu, chỉ nghe mênh mông
đất trời tiếng ve sầu buồn tẻ. Ồ, những vọng tưởng này còn khỏe lắm.
Những năm trước đây, một buổi trưa thức dậy tôi ra ngồi ngoài ghế, một
cơn gió cuối mùa thổi qua, lúc đó tôi cảm nhận được gió tết. Tôi ngồi
một mình không có ai hết, nhìn quanh quất thấy hình ảnh của Sư phụ. Tự
nhiên tôi nhớ lại hồi khoảng mười một, mười hai tuổi đi chơi với bạn bè ở
quê hoặc những người trong chùa, rồi cảm nhận nắng, gió trong khung
trời như vậy, chợt có niềm vui nhè nhẹ v.v... một dọc dài vọng tưởng
không dừng được. Chợt nhớ một người lúc cận tết bị bệnh sổ mũi, hai lỗ
mũi thò lò hai dây mũi xanh, thấy mà gớm. Sổ mũi cảm lạnh ho hen vậy đó
mà cứ đi ngoài trời, ngoài nắng nên bệnh càng ngày càng tăng. Lúc đầu ho
nhè nhẹ nhưng sau ho sâu, ho lâu. Cảm lậm trong bụng, trong tim, trong
phổi.
Ngồi nhớ lại thời đó đi chơi chỗ nào, có mấy đứa nhỏ như mình bị bệnh
cảm ho và hình ảnh hai dây mũi xanh thò lò chảy mấp mé xuống môi. Hồi
nhỏ vui lắm, chẳng phải lo sợ người ta thấy dơ rồi chê mình. Mũi chảy
thì chảy mà đi chơi thì đi chơi, ai la cứ la, đi cứ đi. Thật là hoan hỉ
sung sướng vô cùng, quả thật thiên thần của thuở tuổi bé thơ vậy. Từ một
cơn gió bấc mà tôi ngồi nhớ cả một thời ấu thơ. Điều này cho thấy một
khi chúng ta đã huân chủng tử thì nó nằm ngủ trong tiềm thức, bao giờ đủ
nhân duyên nó chợt bùng lên, sống dậy. Như một vệ tinh ghi nhận sự việc
khoảng cách thời gian ba mươi năm, sau lại hiện rõ chỉ trong một niệm.
Trong kinh Phật nói đó là một chúng sanh mê muội và bị trôi giạt trầm
luân trong bể khổ nhiều đời, nhiều kiếp. Cho nên tu là tháo gỡ những thứ
đó, làm chủ hoàn toàn mới có thể nói là tự tại an ổn.
Như tôi đã nói là thộp cổ từng đứa để vô trong mấy cái lon, mấy cái hộp
kẹo rồi thảy nó ra ngoài kia, thảy thật xa và có khi lóc hết những thứ
đó nhưng cũng chưa ăn thua gì đâu. Nó hình thành núp đâu đó trong đầu,
cho nên cần hiện là hiện ra. Khi hiện ra nó có một sức tác động, ví dụ
những gì thư thả nhẹ nhàng thì nét mặt của chúng ta cũng thư thả nhẹ
nhàng. Những gì hơi tăm tối thì nét mặt hiện ra u buồn tăm tối. Tóm lại,
nó làm cho chúng ta mất đi sự an lạc trong giây phút hiện tại, đôi khi
rất cay đắng. Hồi xưa, chúng ta chưa biết nó là vọng tưởng làm cho mình
điên đầu, dẫn dắt hoặc cột trói mình đi tới chỗ khổ sở, bởi chưa biết
cho nên chấp nhận nó. Nó kêu đi đâu chúng ta đi đó. Tới khi được Hòa
thượng Trúc Lâm chỉ cho biết đó là vọng tưởng, nó dẫn dắt chúng sanh đi
trong luân hồi sinh tử nhiều đời nhiều kiếp, bây giờ phải buông bỏ,
chúng ta mới chịu quán chiếu.
Quán chiếu tức là luôn luôn chiếu soi, như người đi đâu cũng mang theo
kiếng chiếu yêu, để soi thấu mấy con yêu tinh vọng tưởng. Ngày xưa có
câu chuyện mang tên “Cửa tùng đôi cánh gài”. Một câu chuyện được giới tu
sĩ cũng như Phật tử rất hâm mộ. Câu chuyện nói về một nhân vật được
thầy cho xuống núi và trao cho cái “Kiếng mê ngộ” và dạy phải luôn luôn
chiếu soi. Ông là một tráng sĩ năng nổ, thường lấy kiếng chiếu vào mọi
người, nếu thấy họ bị quỷ ốp thì gỡ con quỷ ra giùm, thấy họ đang khổ
đau thì tìm cách an ủi cho họ vui. Tâm nguyện và sự chỉ giáo của thầy tổ
là như vậy, cho nên nhân vật này cứ đi chiếu soi tất cả mọi người.
Người này chỉ đưa kiếng chiếu soi bên ngoài mà không xoay ngược trở lại
ngay chính mình. Một thời gian quá mỏi mệt, anh ta tìm về Thầy Tổ. Vừa
về đến cổng chùa có mấy sư huynh, sư đệ đón và dặn rằng “Bây giờ sư phụ
già lắm đến thăm sư phụ phải có giờ giấc. Huynh đã làm được những thành
quả gì hay đẹp thì trình cho sư phụ nghe, còn những gì bất như ý không
yên thì đừng nói”. Mấy huynh đệ nói chuyện tới giờ gần lên thăm sư phụ,
vị sư đệ hỏi cái kiếng của sư huynh đâu lấy ra xem. Bây giờ sư huynh thử
lấy kiếng soi lại bản thân trước khi gặp thầy xem như thế nào. Ông quay
kiếng xoay lại thì thấy con rắn độc le lưỡi, hai mắt đỏ ngầu. Ông quăng
kiếng la lên rồi bỏ chạy.
Đó là gì? Là từ lâu chiếu soi ra mà không tự quán chiếu lại mình. Câu
chuyện thể hiện đạo lý là người tu thì phải chiếu soi lại chính mình.
Thông thường chúng ta hay chiếu ra mà không soi lại chính mình. Cuối
cùng có người nhắc nhở mới nhìn lại thì mình đã biến chất, đã đánh mất
tất cả những gì tốt đẹp nhất của tâm ban đầu. Đây cũng là lời nhắc chư
huynh đệ, trong đời sống hàng ngày chúng ta nắm vững chủ trương đường
lối tu hành, đó là nhắm từ ngay nơi mình. Chiếu soi lại để biết rõ chúng
ta như thế nào, rồi áp dụng trị những bệnh tật của mình cho bình phục.
Chiếu ra thì cũng chiếu nhưng luôn nhớ ở ngoài là không thật, quan trọng
là rọi vào chính mình để trị bệnh tham sân tật đố… Gầy dựng nếp sống
yên vui, hài hòa, hạnh phúc. Giữa huynh đệ có khi chúng ta cũng chiếu
nhưng chiếu để xây dựng nhau đi lên chứ không phải vì moi móc, tỵ hiềm
nhau. Khi chiếu ra thấy trên mặt huynh đệ có cái gì, rồi rọi lại mình
coi trên mặt mình đang có cái gì. Nếu thấy huynh đệ có cái gì hay thì
chúng ta tiếp thu, học hỏi, hành trì phát huy cho tốt. Soi rọi lại mình
để thấy những vết nhọ dơ bẩn còn dính trong tâm, thì lau rửa cho sạch
sẽ. Biết cách điều hòa như vậy nhất định huynh đệ sẽ tu tiến.
Điều giác ngộ thứ hai, Phật Tổ dặn chúng ta bớt đi những ham muốn thế
gian, hướng ham muốn thành ý tưởng tu hành và làm chủ được mình. Những
ham muốn quái gở sẽ đưa con người đến cay đắng khổ đau, vì vậy không nên
theo đuổi nó. Không phải Phật không cho chúng ta ham muốn, mỗi thiền
sinh đều có quyền ham muốn như ham muốn tu giỏi, ham muốn mình là một
người tốt. Những ham muốn này trong giai đoạn ban đầu học đạo rất cần
thiết, nó sẽ giúp chúng ta tiêu hóa những cù cặn, u nhọt còn tồn trữ,
dính mắc từ bao lâu nay. Chừng nào những cù cặn đó giải trừ hết thì sự
ham muốn này cũng bỏ luôn. Lúc đó thân và tâm đều tự tại, chúng ta đã
được giác tri.
Biết ham muốn nhiều là khổ để giảm thiểu, ngăn ngừa những vọng động
ngược xuôi khiến con người bị vướng mắc. Như vậy chúng ta sắp đặt được
đời sống an ổn trong hiện tại. Khi huynh đệ xin về đây tu học, tôi nói
là sống hài hòa với đại chúng, siêng năng tu học với những chương trình
đã sắp đặt của các vị có trách nhiệm. Lúc nào cũng vui vẻ, bình thường
là huynh đệ đã thành công. Đến một lúc nào đó, huynh đệ có kinh nghiệm,
bước lên được một bước đầy đủ giới đức trang nghiêm, thì chúng ta sẽ
bước sang giai đoạn mới. Bây giờ đại chúng cứ sống bình thường, hài hòa,
an vui, tích cực siêng năng tu học. Tu học tức là giờ ngồi thiền, giờ
tụng kinh, giờ làm việc, giờ thọ trai, tất cả mọi sinh hoạt trong thiền
viện đều tham dự đầy đủ. Huynh đệ sống bình thường, mỗi ngày qua không
mong cầu, không dấy niệm, không tưởng tượng, không để cho dính mắc bất
cứ thứ gì, quả thật đây là một nếp sinh hoạt lý tưởng của các thiền sinh
trong thiền viện.
Tôi nói mạnh như thế để huynh đệ có được những bước thật vững, thật mạnh
trong chương trình tu học của mình. Chúc quý vị tinh tấn và được nhiều
an lạc.
Thích Nhật Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét