Như ăn chay suốt đời
Nhưng tâm không thanh tịnh
Không hiểu biết Chánh Pháp
Khác chi bò ăn cỏ.
|
Ðiều quan trọng trong đạo Phật chính
là: Tâm trí có dính mắc hay không dính mắc cảnh trần. Nếu tâm dính mắc,
gọi là tâm phan duyên, tâm loạn động. Nếu tâm không dính mắc, chính là
tâm thanh tịnh vậy.
Trong cuộc sống
hằng ngày của chúng ta, vấn đề mọi người thường lưu tâm hàng đầu chính
là việc ăn uống. Nếu con người không cần phải ăn uống, chắc là trên đời
không có chuyện đấu tranh giành giựt, không có chiến tranh xâm lăng, vì
quyền lợi của dân tộc mạnh, cuộc sống của nhân loại sẽ thái bình, an
ninh, vui tươi, hạnh phúc. Ðó là phạm vi chung của nhân loại. Riêng
trong đạo Phật, cũng việc ăn uống, có một vấn đề, nội dung phức tạp,
thường gây thắc mắc, tranh luận đúng sai, nên hay không nên, cho khá
nhiều người. Ðó là: Ăn Mặn và Ăn Chay. Ăn mặn là từ ngữ chỉ việc ăn uống
thông thường, bình thường, thường nhựt của bất cứ người nào trên thế
gian, không quan hệ với bất cứ phong tục, tập quán, hay tín ngưỡng nào.
Nói một cách khác: Ăn mặn có nghĩa là ăn tất cả các loại thực phẩm có
thể ăn được, trên trái đất này, bao gồm thịt động vật, trứng, sữa, và
các loại thực vật, rau cải trái cây.
Ăn chay là từ ngữ có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo phong tục, tập
quán, hay tín ngưỡng. Có nhiều nơi, ăn chay có nghĩa là: không ăn thịt
heo, hay cữ thịt bò. Có nhiều nơi, ăn chay có nghĩa là: không ăn các
loại thịt động vật, sống trên mặt đất, nhưng có thể ăn các loại sinh
vật, sống ở dưới nước. Ăn chay có hai lý do chính: Một là, vì lý do
phong tục, tập quán, hay tín ngưỡng; hai là, vì lý do sức khỏe. Trong
phạm vi đạo Phật, nói một cách đơn giản, ăn chay có nghĩa là: ăn tất cả
các thức ăn, thực phẩm không có liên quan đến mạng sống của chúng sinh.
Bài viết này có mục đích tìm hiểu vấn đề ăn mặn và ăn chay, trong phạm
vi đạo Phật, mà thôi.
Theo các nhà dinh dưỡng học, muốn có một cuộc sống đầy đủ sức khỏe, muốn
có đủ năng lực hoạt động trong cuộc đời, chúng ta phải lưu tâm đến việc
ăn uống điều độ, và đầy đủ chất dinh dưỡng. Sách có câu: “Tinh thần
minh mẩn trong thân thể tráng kiện“. Chúng ta thường được chỉ dẫn, nên
theo một chế độ ăn uống thích hợp, với bao nhiêu phân lượng chất đạm,
chất xơ, chất bột, chất béo, chất ngọt, chất khoáng, chất vôi, chất sắt,
chất nước, và các loại sinh tố, trong một ngày, để cơ thể có đủ năng
lượng hoạt động, một cách tốt đẹp, và sống lâu trăm tuổi, một cách khỏe
mạnh. Theo các báo cáo khoa học, rau cải, ngũ cốc, hoa quả, thực vật,
cũng đầy đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe, cho nhu cầu sinh hoạt hằng
ngày, trong đời sống của con người. Các người ăn chay vẫn sống khỏe sống
thọ, không khác những người ăn mặn. Trong số các thú vật, như con voi,
con tê giác, con trâu, con bò, con ngựa, là những con thú ăn thực vật,
thảo mộc, nhưng rất khỏe mạnh, không khác các loài thú ăn thịt sống, như
sư tử, cọp, gấu, beo. Ăn chay còn có ích lợi cho sức khỏe, như dễ tiêu
hóa hơn, ít gây bệnh tật hơn. Trên thế giới ngày nay, tây phương cũng
như đông phương, số người ăn chay, vì lý do sức khỏe, ngày càng nhiều
hơn, theo khuyến khích của giới y sĩ, và số người ăn chay, vì lý do tín
ngưỡng, cũng gia tăng nhiều hơn.
Những người phát tâm ăn chay, vì lòng từ bi, không cứ phải là người theo
đạo Phật, thường cảm thấy an vui lợi lạc, và nhẹ nhàng hơn, dễ cảm
thông với các loài sinh vật khác, và yêu mến thiên nhiên hơn, cảm nhận
được vũ trụ vạn vật đều đồng nhứt thể. Những người ăn chay, vì lý do sức
khỏe, cũng như lý do tâm linh, thường hiền lành hơn, ít náo động hơn,
tâm tánh dễ dãi hơn, nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, như bao nhiêu
người khác. Những người chung quanh thường cảm thấy an tâm hơn, khi sống
gần gũi người ăn chay. Những con thú chỉ ăn thực vật thảo mộc, không
bao giờ sát hại các sinh vật khác, không gây sợ hãi cho các loài vật
sống gần bên. Tại sao chúng ta nên ăn chay? Như trên chúng ta đã biết,
ngoài những ích lợi về phương diện sức khỏe thể chất, ăn chay trong đạo
Phật có mục đích cốt yếu là: “Tránh nghiệp sát sinh và trưởng dưỡng tâm
từ bi“. Chứ không phải ăn chay để được thành Phật, để đạt Niết bàn, rước
lên thiên đàng, chết về tây phương! Càng không phải ăn chay để đem khoe
khoang, khắp cả xóm làng, rằng mình từ bi không ai bằng, rủa xả dè bỉu,
phỉ báng tàn mạt những người chưa biết tại sao nên ăn chay, hoặc những
người chưa thể ăn chay vì nhiều lý do khác nhau. Con người có trí tuệ
đến với đạo Phật vì Chánh Pháp vi diệu thậm thâm, có thể giúp đỡ con
người giác ngộ, thoát ly sanh tử luân hồi, thanh tịnh hóa tâm trí, thân
an tâm lạc, đạt được cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời, chứ không
phải đạo Phật đơn thuần chỉ là đạo ăn chay.
Thực vậy, vì con người không có tâm từ bi thực sự, con người còn ám hại
con người, con người còn ganh tỵ đố kị con người, con người còn muốn
thấy người khác đọa địa ngục vì không theo tôn giáo mình, không cùng môn
phái, không cùng pháp tu, không đồng quan điểm với mình về một vấn đề
nào đó, làm sao có thể biết nghĩ đến việc ban vui cứu khổ muôn loài.
Thói thường, kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, người có thế lực chèn ép người cô
thế, kẻ giàu tiền lắm của đàn áp người nghèo khó khốn cùng, cá lớn nuốt
cá bé, lấy thịt đè người, khinh người sơ cơ, nằm mơ cực lạc, xuyên tạc
người hiền, làm tiền đồng đạo, làm sao thế gian này có hòa bình, an vui,
lợi lạc cho được. Người tự nguyện phát tâm ăn chay là người có tâm từ
bi vô lượng, coi muôn loài như bản thân mình, không thích giết hại một
sinh vật nào, không muốn nhìn thấy một sinh vật nào đau khổ, để thỏa mãn
dục vọng của con người. Ăn chay còn giúp cho các sinh vật, thoát khỏi
cảnh cá chậu chim lồng, sống bị giam cầm khốn khổ, đầy đọa trong địa
ngục trần gian, chờ ngày giờ chết đớn đau. Trong cuộc sống hằng ngày,
người Phật Tử phải căn cứ trên hạnh từ bi, bình đẳng và lợi tha, trong
mỗi hành động, lời nói và ý nghĩ. Cổ nhân có nói: “Nhứt thiết chúng sinh
vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh“. Nghĩa là: Nếu tất cả
chúng sinh không sát hại lẫn nhau, thì lo gì thế giới có chiến tranh.
Lòng từ bi của những người ăn chay, biết thương yêu loài người, lan rộng
đến các loài sinh vật. Họ hiểu biết rằng các loài sinh vật đều ham sống
sợ chết, đều bình đẳng trước sự đau khổ, khi bị sát hại, cũng như loài
người, không khác. Chứ không phải, người ăn chay chỉ vì lý do sức khỏe,
không thể ăn thịt được, hoặc ăn chay với tâm mong cầu được sống lâu hơn,
được lên thiên đàng, được về cực lạc. Tại sao vậy? Bởi vì, con trâu con
bò, con lừa con ngựa, cũng là ăn chay, chỉ biết ăn cỏ, không ăn thịt
được, nhưng, đời sống của chúng, khốn khổ khốn nạn, biết là bao nhiêu.
Cũng không phải ăn chay để thỏa mãn mục đích cầu danh: muốn được mọi
người, tán thưởng khen mình, như là một bậc, bồ tát tại thế, đã thọ bồ
tát giới, hành bồ tát đạo, bao nhiêu người khác, chỉ là kẻ xạo, vì không
ăn chay, hay cỡ như mình. Người ăn chay trường khinh khi người ăn chay
kỳ, người ăn chay kỳ khi dể người chưa biết ăn chay. Tâm của những người
như vậy chưa thanh tịnh, còn quá loạn động, lăng xăng lộn xộn, còn
thích hơn thua, mua danh kiếm tiếng, khiến người không ưa, ngay trong
đồng đạo, đồng môn đồng bào, cả với đồng loại, làm sao người đó, có thể
gặp Phật, có thể thành Phật?
Trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Huệ Năng có dạy: “Muốn học đạo Vô Thượng
Bồ Ðề, chẳng nên khinh dể hàng sơ học. Có kẻ dưới bực thấp mà thường
phát sinh trí tuệ rất cao,cũng có người trên bực cao mà thường chôn lấp
lý trí của mình. Nếu khinh dể người, ắt có tội vô lượng vô biên“. Trên
thế gian này, không ai hơn ai cả! Tất cả mọi người với chư Phật bình
đẳng, không khác, con người chỉ khác ở chỗ mê ngộ không đồng, nghiệp báo
khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài của con người khác nhau. Ðây
mới chính là ý nghĩa của lời Ðức Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm: “Nhứt
thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh“. Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đều có
tánh giác, còn gọi là Phật Tánh. Phật và chúng sanh tánh thường rỗng
lặng, chính là nghĩa như vậy. Người nào có tâm cố chấp, bất cứ thứ gì
xảy đến, đều gây phiền não khổ đau, đến khi họ thức tỉnh, xả bỏ tâm cố
chấp, tức nhiên họ được giác ngộ, giải thoát khỏi những phiền não khổ
đau, sống được trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc, mặc dù cảnh đời vẫn
tiếp tục còn nhiều bất trắc, sóng gió, và thăng trầm.
Có những người đem tâm từ bi chan rải cho những loài vật nhỏ nhít, như
côn trùng gián kiến ruồi muỗi, không dám sát hại chúng, hoặc những loài
vật lớn hơn, như gà vịt heo bò, không dám ăn thịt chúng, cho nên họ ăn
chay trường và sống chung với gián kiến ruồi muỗi, hoặc xua đuổi chúng
sang nhà kế bên! Thế nhưng đối với, những người chung quanh, gần như vợ
chồng, ông bà cha mẹ, anh em con cháu, xa hơn một chút, hàng xóm láng
giềng, đồng nghiệp đồng môn, nói chung đồng loại, nhân loại loài người,
một câu lỡ lời, thì họ nhứt định, không chịu bỏ qua, thứ tha lỗi người.
Họ rất sẵn sàng, thưa gửi kiện tụng, vu khống cáo gian, đặt điều thêm
bớt, bới bèo ra bọ, vạch lá tìm sâu, làm cho người khác, te tua tơi tả,
tan tành hoa lá, khốn khổ khốn nạn, họ mới thỏa mãn, hả dạ hài lòng, mới
thiệt vừa ý! Một câu nói của họ đủ khiến cho người khác chóng mặt nhức
đầu, xức dầu cù là, hoặc là cạo gió, ngất xỉu hụt hơi, có người hết thở!
Cũng có những người, tại gia tại chùa, sợ tội sát sinh, những khi có
bệnh, không dám uống thuốc, không dùng thuốc thoa, dù ở ngoài da, sợ
diệt vi trùng, bởi vì quan niệm, bệnh là quả báo, tất cả mọi người, phải
trả cho xong, cầu mong cực lạc. Thậm chí phản đối, đủ thứ các việc, phá
rừng làm rẫy, làm ruộng trừ sâu, phá hoại mùa màng, họ liền kết án, hủy
hoại môi sinh, chiếm đoạt môi trường, côn trùng thú dữ, không chỗ nương
thân! Họ đâu biết rằng: chính ngay trong miệng, biết bao vi trùng, ngay
trong ly nước, bao nhiêu vi khuẩn! Chính bởi vì thế, có những tà giáo,
không cho sang máu, khi nằm trị bệnh, đành để bệnh nhân, chịu chết chứ
sao!
Cũng có những người, tại gia tại chùa, không dám trừ khử, gián kiến bọ
chuột, còn đem thêm đồ, để cho chúng ăn, sợ chúng đói chết, kẻo mà tội
nghiệp, nhưng họ không hề, giúp bất cứ ai, dù rằng người đó, đang gặp
khốn khó, khốn khổ khốn nạn, dù là người thân, hoặc là kẻ sơ, dù là
người thương, hoặc là kẻ thù! Có rất nhiều người, ở nhà ở chùa, không
dám trừ khử, gián kiến ruồi muỗi, sợ bị mang tội, nhưng rất sẵn sàng,
loại bỏ đồng môn, khai trừ đồng đạo, ám hại đồng bào, cào nhà đồng
nghiệp, chỉ vì đồng tiền, hoặc vì họ không, hài lòng vừa ý, về một vấn
đề, dù lớn dù nhỏ, một cách tàn nhẫn, không biết tiếc thương, hoặc chỉ
vì tâm, ganh tị đố kỵ, mà thôi. Một ngọn đèn bình thường, được gọi là
hữu dụng, khi tỏa ánh sáng ở gần trước, sau đó lan ra xa mới phải. Cũng
vậy, tấm lòng từ bi thực sự phải được những người ở gần chung quanh cảm
nhận trước, sau mới đến những người ở xa, còn dư nữa mới chan rãi đến
những loài chúng sinh khác. Tuy nhiên, có những người tỏ vẻ bác ái, tự
xưng vì lòng từ bi, tự nhận bạn của thú vật, cổ động khuyến khích người
khác ăn chay, để tránh sát sinh hại vật, những con vật vô tội đáng
thương, một cách thiết tha cảm động, nhưng cũng đồng thời, rủa xả thậm
tệ, dai dẳng dằng dai, những người ăn mặn, chưa ăn chay được, bất kể lý
do.
Những con người đó, vẫn biết vẫn nhớ, lời Ðức Phật dạy: “Tất cả chúng
sanh đều có Phật Tánh“, nhưng chỉ tôn trọng, Phật Tánh của các con vật,
còn con người nào làm mích lòng, không đồng quan điểm, không cùng pháp
tu, họ rất sẵn sàng, mạt sát miệt thị, lên án phỉ báng, không tiếc lời
nào. Tấm lòng từ bi của những người như vậy, chắc cần phải được xét lại!
Ngày xưa, khi Ðức Phật còn tại thế, có một người đến dâng bát cơm cúng
dường, bởi vì nghe nói, cúng dường một bậc đạo sư như Ðức Phật, được vô
lượng phước báu. Ðức Phật bèn hỏi: Mẹ của ngươi ăn cơm chưa? Người đó
đáp: Dạ chưa. Ðức Phật dạy người đó mang bát cơm về, dâng cho mẹ ăn no
lòng trước đã, mới đúng đạo làm người. Ở các nước tây phương, văn minh
tiến bộ, có những hội bảo vệ súc vật, sẵn sàng đòi hỏi luật pháp phạt tù
thật nặng một con người, nếu người đó đánh đập một con vật, như chó mèo
chẳng hạn. Có người ăn xin, nghèo khổ rách rưới, ngồi ở vỉa hè, suốt cả
ngày trời, thời tiết giá băng, có ông đi qua, có bà đi lại, nhưng chẳng
một ai, cho một đồng xu. Ngay ngày hôm sau, người ăn xin đó, dẫn con
chó nhỏ, để nằm bên cạnh, liền nhận được ngay, nhiều tiền bố thí, từ nơi
những người, mến thương súc vật, kiểu Y2K, thế kỷ 21!
Trong đạo Phật, nói chung, có hai hệ phái: hệ phái nguyên thủy và hệ
phái phát triển. Hệ phái nguyên thủy, còn gọi là Nam tông, chủ trương
giữ y nguyên truyền thống Phật giáo, từ thời nguyên thủy, cho nên quý sư
là các vị khất sĩ, mang bình bát đi khất thực, thiên hạ bố thí cúng
dường vật thực gì, các ngài dùng như vậy, không chọn lựa. Các ngài vẫn
khỏe mạnh, tinh tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo. Ðó là hệ phái truyền
từ miền nam nước Ấn Ðộ, sang Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Ai Lao, Cao
Miên. Phật giáo ở các quốc gia này đều là quốc giáo. Còn hệ phái phát
triển, còn gọi là Bắc tông, truyền từ miền bắc nước Ấn Ðộ, sang Tây
Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhựt Bổn. Khi Phật giáo du nhập
vào các quốc gia này, tùy thuận văn hóa sở tại, nên dễ dàng hội nhập
một cách hòa bình, và phát triển một cách nhanh chóng trong lòng các dân
tộc đó, biến thành Phật giáo địa phương, đem lại an lạc và hạnh phúc
cho người dân bản xứ. Chẳng hạn như: Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt
Nam, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Triều Tiên, Phật giáo Nhựt Bổn, đều
có những nét đặc thù, riêng của từng nơi. Ở các quốc gia này, chỉ trừ
Việt Nam có cả hai hệ phái cùng du nhập vào, chư Tăng Ni không đi khất
thực, trụ xứ tại một tu viện, hay một ngôi chùa, tự lo việc ăn uống. Cho
nên các ngài ăn chay, chỉ nhận cúng dường và dùng các thức ăn, không có
liên quan đến mạng sống của các sinh vật. Các ngài vẫn khỏe mạnh, tinh
tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo. Ðiều đó chứng tỏ rằng, vấn đề ăn uống
nói chung, ăn chay hay ăn mặn nói riêng, không phải thực sự là vấn đề
tối quan trọng trong đạo Phật, cũng không phải là vấn đề trực tiếp liên
quan đến sự tinh tấn tu hành, và đạt đạo chứng đạo.
Ðiều quan trọng trong đạo Phật chính là: Tâm trí có dính mắc hay không
dính mắc cảnh trần. Nếu tâm dính mắc, gọi là tâm phan duyên, tâm loạn
động. Nếu tâm không dính mắc, chính là tâm thanh tịnh vậy. Chư Tổ có
dạy: “Ðối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền“. Nghĩa là: Con người sống trên
đời, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, thường xuyên tiếp xúc với các hình
ảnh, âm thinh, mùi hương, mùi vị, xúc chạm và ký ức. Khi con người tiếp
xúc với các trần cảnh như vậy, dính mắc tức là: khởi tâm niệm thương hay
ghét, khởi tâm niệm ưa thích hay tức giận, khởi tâm niệm khen hay chê,
đều gọi là loạn tâm, là vọng tâm. Không khởi các tâm niệm phân biệt như
vậy, gọi là định tâm, hay tâm thiền định. Tức là: Khi đối trước các cảnh
trên trần đời, người nào không khởi tâm niệm lăng xăng lộn xộn, gọi là
vô tâm, thì chính người đó sống trong cảnh giới thiền định. Ðây là cốt
tủy, là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy. Là những người hướng dẫn
hàng Phật Tử tại gia, chư vị Tôn Ðức Tăng Ni giữ gìn giới luật một cách
nghiêm ngặt, tránh phạm sát giới, không muốn sát sinh, nên phải ăn chay,
tuyệt đối không dùng các thức ăn có liên quan đến mạng sống của các
sinh vật, để trưởng dưỡng tâm từ bi. Tâm từ bi là điều kiện hàng đầu của
người tiến tu theo đạo Phật.
Còn đối với hàng Phật Tử tại gia, người nào phát tâm ăn chay trường
được, thì thực là đáng quý, đáng trân trọng. Ðó là nhân duyên tốt để
tiến tu trên đường đạo, rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đối với những
người, không ăn chay trường, lý do hoàn cảnh, vì lý do sức khỏe, cũng
đừng cố chấp, gây thêm rắc rối, ở trong gia đạo, có thể ăn chay, vài
ngày trong tháng, mục đích, nhắc nhở chính mình, phải luôn luôn nhớ,
những lời Phật dạy, áp dụng hằng ngày, tu tâm dưỡng tánh, cũng thực rất
tốt. Tự nhắc nhở mình: tu là phải hiền, phải có lòng từ bi, đối với tất
cả mọi loài chúng sinh, bắt đầu từ loài người cho đến loài vật, bắt đầu
từ người thân cận, cho đến người ở phương xa, mới là phải đạo vậy. Người
nào chưa thể ăn chay được theo nghĩa đen, vì lý do sức khỏe, vì lý do
hoàn cảnh, hay vì bất cứ lý do nào, có thể “ăn chay” qua ba nghiệp thân
khẩu ý. Nghĩa là: thân không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm,
miệng không nói dối, không nói lời dua nịnh, không đâm bị thóc thọc bị
gạo, không nói lời thô tục độc ác, ý không nghĩ cách vu oan giá họa,
không lập mưu thưa gửi kiện tụng người, để kiếm tiền bồi thường, không
tham tiền bất chánh bất nhân, không tức giận thù oán người, không chứa
chấp lòng ganh tị đố kỵ người khác. Nói chung, không ăn chay được bằng
phương tiện vật chất, người Phật Tử tại gia nên cố gắng, giữ gìn thân
khẩu ý, cho được thanh tịnh, trong bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ nơi
đâu. Ðó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.
Giữ giới không sát sinh, trong ngũ giới của người Phật Tử tại gia, trước
tiên và trên hết, có nghĩa là: không làm tổn hại mạng sống của con
người. Ðối với người Phật Tử xuất gia, thọ nhiều giới luật hơn, dĩ nhiên
giới không sát sinh có nhiều điều kiện nghiêm ngặt hơn. Sau đó, đối với
các sinh vật khác, người Phật Tử tại gia giữ được bao nhiêu, tốt bấy
nhiêu, trong hoàn cảnh thực tế của cuộc sống văn minh tiến bộ. Vì phép
vệ sinh chung, chúng ta không nên ích kỷ, sợ mang tội cho riêng mình,
không dám trừ khử gián kiến ruồi muỗi chuột sâu bọ, để chúng sống chung,
gây thành bệnh dịch cho cộng đồng, cho xã hội, cho nhân loại, tổn hại
nhiều nhân mạng, còn đáng tội nghiệp hơn. Giết hại con người, gây khổ
đau cho người khác, lợi mình hại người, là điều quan trọng nhứt, cần
phải nên tránh, để khỏi tạo tội tạo nghiệp. Giữ giới không sát sinh còn
có nghĩa là không làm tổn hại đến thanh danh, đời sống và hạnh phúc gia
đình của người khác. Chẳng hạn như có, người vì tâm tham, sai khiến thúc
đẩy, âm mưu kiện tụng, người khác ra tòa, bằng những thủ đoạn, sâu hiểm
ác độc, đặt điều thêm bớt, vu khống cáo gian, giả tạo thương tật, làm
bộ khùng điên, liên miên thưa kiện, gây cảnh tù tội, cho bao người khác,
tan nát gia cang, mục đích đòi tiền, bồi thường thiệt hại, có khi đòi
tới, vài ba triệu bạc.
Những việc như vậy, làm hại cuộc đời bao nhiêu người khác, gây nên biết
bao, khổ đau phiền não, suốt cả cuộc đời, còn lại của họ, tội nghiệp này
còn nặng hơn là sát sinh hại vật. Ðó chính là tội sát sinh: những người
bị mưu hại, không chết liền tại chỗ, mà chết cả cuộc đời! Khi dám ra
tay lấy mạng người khác, chắc chắn con người có tâm tham lam tiền bạc
của cải quá lớn, hoặc có tâm sân hận tức giận quá độ, hoặc có tâm si mê
quá sâu dầy, cho nên con người tạo nên tội nghiệp hết sức lớn lao, nặng
nề. Khi nỡ ra tay sát hại một con vật lớn cũng vậy, như giết trâu bò heo
chó làm thịt, hay săn bắn thú rừng, giết voi cọp beo gấu nai, để tiêu
khiển, để lột da, để lấy ngà, con người tạo thêm nghiệp báo hết sức lớn
lao, nặng nề, không khác. Tại sao vậy? Bởi vì muốn giết người, hay sát
hại con thú lớn, người đó đã có chủ ý, đã có kế hoạch, đã chuẩn bị kỹ
lưỡng, đã dự mưu tính toán, cho nên tâm của người đó bị vẩn đục nặng nề,
con người lún sâu trong vòng tội lỗi. Tôn trọng và bảo vệ đời sống của
con người, của mọi loài chúng sanh, là nguyên tắc thực tế nhứt, là động
cơ hữu hiệu nhứt, để tôn trọng và bảo vệ đời sống của chính mình.
Làm tổn hại mạng sống của người khác, làm tổn hại an ninh hạnh phúc của
người khác, làm tổn hại thanh danh của người khác, tức là tổn hại tâm từ
bi của chính mình. Làm tổn hại sinh mạng của chúng sinh, tội nghiệp
nặng nhẹ, tùy theo tâm của con người lúc đó. Thí dụ như vì phép vệ sinh,
hay vì vô tình, hoặc vì bị cắn đau bất ngờ, con người đập chết con
muỗi, tội nghiệp không nặng bằng những người đi câu cá để tiêu khiển,
vứt cá lên bờ, chết ngộp đầy dẫy, hoặc những người vừa giết côn trùng,
vừa nguyền rủa chúng, trên vỉa hè, ngoài đường phố. Thí dụ như vô ý đạp
chết một con trùng, tội nghiệp không nặng bằng một đứa bé cầm roi, đánh
cho đến chết một con gà bị đem treo ngược, một cách nhanh nhứt, để lãnh
giải thưởng, trong một cuộc thi đua giết gà, do người lớn tổ chức để mua
vui! Hơn thế nữa, người biết tu tâm dưỡng tánh, không bao giờ gây đau
khổ cho bất cứ ai, dù là người thân hay kẻ thù, qua các hành động đánh
đập, hãm hại, hoặc không bao giờ gây não loạn cho người khác, qua việc
thưa gửi kiện tụng, vu khống cáo gian, hoặc không bao giờ gây tổn hại
thanh danh và hạnh phúc gia đình người khác, qua những lời nói ác độc có
chủ ý, đặt điều thêm bớt, có nói không, không nói có, ngậm máu phun
người, kết án bừa bải, bóp méo sự thực, xuyên tạc ngụy biện, xiên xỏ xỏ
xiên, tranh cãi liên miên, lợi mình hại người, khen mình khinh người,
người khác sống chết, đau khổ thế nào, thì cũng mặc kệ!
Những người có bàn thờ Phật, dù tại chùa hay tại gia, dù có ăn chay
trường hay ăn chay kỳ, dù có thọ bồ tát giới hay tu bát quan trai giới,
tu thập thiện giới, nhưng tâm không thanh tịnh: vẫn còn tiếp tục những
hành động, những lời nói, và những ý nghĩ, lợi mình hại người, vẫn muốn
người khác chết để mình sống, vẫn muốn người khác nhục để mình vinh, vẫn
muốn người khác thua để mình thắng, vẫn muốn xài tiền của người khác,
qua các thủ đoạn, như thưa gửi kiện tụng, sang đoạt phần hùn, tiếm dụng
tác quyền, giựt hụi quịt nợ, vẫn muốn lợi dụng lòng tốt của mọi người,
để sung sướng tấm thân, không cần làm lụng vất vả, kẻ hầu người hạ, thì
thực là uổng công vô ích, chẳng ích lợi gì cho việc trở về nguồn cội,
cho việc thoát ly sanh tử luân hồi, cho việc dứt trừ phiền não khổ đau!
Trong kinh sách có câu: Sân si nghiệp chướng không chừa. Bo bo mà giữ
tương dưa làm gì? Nghĩa là: Người nào vẫn tiếp tục tạo nghiệp chướng,
tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê, vẫn còn y nguyên, như vậy, thờ
Phật tại chùa hay tại gia, ăn chay lễ lạy, tụng kinh bái sám, phỏng có
ích lợi gì đâu chứ? Thậm chí, có người còn vào chùa lạy Phật, van vái ăn
chay ba tháng, cúng chút tiền lẻ, hùn chút phước làm việc phước thiện,
với tâm cầu xin thắng một vụ kiện, cầu xin trúng mối lợi to lớn, phen
này kiếm được vài ba triệu đô la, tạ ơn tượng Phật chút đỉnh sau!
Trong sách cũng có câu: Ăn mặn nói ngay. Ăn chay nói dối. Câu này có thể
giải thích nhiều nghĩa khác nhau. Trước hết, câu này ngụ ý: trong
trường hợp người ăn chay mà còn phạm lỗi nói dối, tức là giới thứ tư
trong ngũ giới của người Phật Tử tại gia, thì không bằng người ăn mặn.
Người ăn mặn chẳng hề khoe mình biết tu hành gì hết, nhưng họ nghĩ sao
nói vậy, tâm khẩu nhứt như, nói ngay thẳng, không xiên xỏ, không móc
họng, không mỉa mai, không đãi bôi, không màu mè, không nịnh bợ, không
có chuyện:
Miệng thì nói tiếng nam mô.
Trong lòng chứa cả một bồ dao găm.
Nhẹ nhàng hơn, câu này có nghĩa là: người ăn mặn khi ăn thịt cá, thì họ
nói là ăn thịt cá, một cách ngay thẳng rõ ràng. Còn người ăn chay thường
thích trổ tài nấu nướng, bằng cách làm các món ăn bằng vật liệu chay,
nhưng tên gọi và hình thức giống y như món mặn. Chẳng hạn như người ăn
chay nói: tôi ăn thịt quay bánh hỏi, nhưng thực ra, món thịt quay chay
đó được làm bằng bột mì với tàu hủ ky, ăn với bánh hỏi. Những món chay
nhưng có tên món mặn cũng là đề tài thảo luận, từ xưa đến nay, trong vấn
đề ăn mặn và ăn chay, nhiều khi quá đáng đến chỗ hý luận. Tuy nhiên,
câu này không có nghĩa xác định rằng: người ăn mặn luôn luôn nói ngay,
còn người ăn chay luôn luôn nói dối. Tại sao vậy? Bởi vì chuyện nói ngay
hay nói dối, tùy theo người, tùy theo cảnh, tùy theo tâm trạng, chứ
không tùy theo chuyện ăn mặn hay ăn chay.
Trong kinh sách, Ðức Phật dạy, có ba trường hợp phạm tội tạo nghiệp như
nhau. Ðó là: “tự tác, giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ“. Nghĩa là: tự tay
mình làm thịt sinh vật sống, để ăn cho hạp khẩu vị, hoặc mở miệng sai
bảo, chỉ vẻ cách làm thịt sinh vật sống, để người khác làm, cho mình ăn
được ngon miệng, hoặc thấy biết người khác làm thịt sinh vật sống, để
đãi mình ăn, mà mình vẫn thấy khoái khẩu, vui vẻ, tất cả đều tội nghiệp
như nhau, không khác. Tại sao vậy? Bởi vì trong ba trường hợp trên, tâm
của con người loạn động như nhau. Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật có dạy:
“Mục đích cứu kính của người tu theo đạo Phật, muốn được giác ngộ và
giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, muốn được vãng sinh tây phương
cực lạc, chính là phải đạt được: cảnh giới nhứt tâm bất loạn“. Trong
Kinh Ðịa Tạng, và Kinh Thủy Sám, các hình ảnh chúng sinh bị đọa cảnh
giới địa ngục thường được nhắc đến: nào là nằm giường sắt nóng, nào là
bỏ vào chảo dầu sôi, nào là nhốt trong phòng bốn vách đều bằng sắt có
lửa nóng, nào là xe bằng sắt cán dẹp nát thây, nào là bị đâm, bị cắt da,
bị xẻo thịt, bị cắt lưỡi, bị chặt đầu, bị moi óc, bị uống dầu sôi, nuốt
hòn sắt nóng. Ngày nay, chúng ta có thể thấy những hình ảnh đó hiện
tiền, trên truyền hình, qua các chương trình dạy nấu ăn, hay qua các màn
ăn uống, trong nhà bếp tại gia, hay bếp của các nhà hàng, trong khi các
con vật vẫn còn sống nhăn: như cá bị bỏ nằm trên chảo chiên, hoặc bị bỏ
vào chảo dầu sôi, như cua bị đâm vào bụng, rồi bị bỏ vào nồi nước luộc,
như tôm sống bị dao cắt làm hai, như sò ốc bị nướng trên lò, như khỉ bị
mổ óc ăn sống.
Những con vật đó ngo ngoe giẫy giụa trên tấm thớt, dưới con dao phay,
hoặc bò lăn bò càng trên chảo nóng, hoặc vùng vẫy trong nồi nước sôi,
hoặc bị cột trói cứng ngắc, chịu đớn đau vô cùng tận! Thực là cảnh tượng
địa ngục ở trần gian, vô cùng khủng khiếp, mà những người có tâm từ bi
không thể nào đành chứng kiến! Dĩ nhiên, người Phật Tử chân chánh tuyệt
đối không bao giờ nên bày đặt cách ăn uống cầu kỳ quái dị, vui thú trên
sự đau đớn rên la của các sinh vật còn sống, ngay tại bàn tiệc, như bậc
vua chúa, trưởng giả giàu sang, thường hay hưởng thụ. Chúng ta nên biết
rằng những vị vua chúa, hay các nhà giàu sang quyền quý, là những người
có rất nhiều phước báo, từ nhiều đời nhiều kiếp trước, nên đời này kiếp
này mới được như vậy. Phước báo ví như tiền tiết kiệm dành dụm từ trước,
không biết làm việc thiện tạo thêm phước, lại tiêu xài phung phí nhiều
quá, cũng có ngày cạn hết. Cho nên khi hưởng hết phước báo, vì trong
kiếp này, không biết tu tâm dưỡng tánh, lại còn tạo tội nghiệp như vậy,
cuộc đời của họ sẽ kết thúc hết sức bi thảm. Chúng ta đọc sách báo xưa
nay thường thấy các vị vua chúa, bị ám sát chết, bị lật đổ không chỗ
chôn thân, các nhà giàu sang quyền quý, khánh tận tài sản, đến nỗi phải
quyên sinh, kết thúc mạng sống của chính mình, các vị hoàng gia hoàng
tử, công chúa quận nương, bị tai nạn thảm khốc, chết không toàn thây, ở
trên xa lộ, hoặc dưới biển sâu. Chúng ta là những người thực sự kém
phước báo hơn các vị đó nhiều lắm lắm, chớ nên tạo thêm tội nghiệp, bằng
cách này hay cách khác.
Chư Tổ có dạy:
“Tu mà không học là tu mù.
Học mà không tu là đãy sách”.
Nghĩa là người phát tâm tu mà không chịu tìm học kinh điển, và không
thấu hiểu lời Ðức Phật dạy trong các kinh điển đó, chỉ biết đem kinh
điển ra tụng, rồi lạy từng chữ, và đếm bao nhiêu lần, để dâng sớ kể công
với Ðức Phật, và van xin Ðức Phật từ bi rước về cực lạc, cho được sung
sướng hơn, hoặc chỉ biết lo chuyện hình thức, chuyện vật chất, chẳng hạn
như là chuyện ăn uống, ăn mặn hay ăn chay, rồi tranh chấp đúng sai, rồi
cãi cọ hơn thua, rồi tự hào tự mãn, như vậy gọi là tu mù. Tại sao vậy?
Bởi vì càng tu kiểu đó, tâm của những người như vậy càng loạn động, càng
mù tịt, càng u tối, càng thêm phiền não mà thôi, chẳng tiến bộ gì,
chẳng ích lợi gì. Những người tu mù, thường hay hảnh diện, về chuyện ăn
chay, khi dể ăn mặn, cho rằng ăn mặn, mang nghiệp rất nặng, phải đọa địa
ngục, còn mình Niết bàn, thiên đàng cực lạc! Những người tu mù, hiểu
rằng chúng sanh, ở trong sáu cõi, cùng khắp pháp giới, đều là bình đẳng,
nhưng lại rủa xả, một cách tàn mạt, những người không cùng, quan điểm
với mình! Những người tu mù, tỏ ra thương xót, con bò con heo, nhưng, có
người ví von, như heo như bò, họ nhẫn không nổi, tam bành lục tặc, như
hỏa diệm sơn, bởi vì, họ không hề biết: “y nghĩa bất y ngữ”, nghĩa là
làm sao!
Trái lại, những người chỉ thích tìm hiểu kinh điển, đọc thực nhiều sách
đủ loại, nội điển ngoại điển: Thế học Triết học, Phật học Thiền học,
Thần học Tâm lý học, cho thỏa mãn lòng tò mò, tăng thêm kiến thức, để
đem tranh cãi, lý luận đôi co, bắt khoan bắt nhặt, bắt bẻ vặn vẹo, mà
lại không chịu, tu tâm dưỡng tánh, phản quan tự kỷ, không xét lỗi mình,
chỉ thấy lỗi người, không chịu thực hành, lời Ðức Phật dạy, hằng ngày
hằng giờ, trọn không lợi gì. Cũng ví dụ như, nhân viên đếm tiền, ở tại
ngân hàng, hay chú mục đồng, đếm trâu cho chủ, quanh đi quẩn lại, quanh
năm suốt tháng, tiền cũng chẳng có, trâu cũng chẳng được. Như vậy, có
khác nào cái đãy hay cái tủ đựng sách, hoặc cái tàng kinh các mà thôi.
Dù cho có người, ăn chay từ nhỏ, ở luôn trong chùa, nhưng không biết tu,
theo pháp môn nào, chỉ biết tụng kinh, như thợ tụng đám, rầm rầm rào
rào, gõ mõ lóc cóc, cầu an cầu siêu, ê a lên xuống, như hát cải lương,
nhưng chẳng hiểu gì, hoặc hiểu một phần, nương theo văn tự, hiểu theo
nghĩa đen, đọc đâu hiểu đó, chẳng chịu suy tư, tự cho là đủ, tăng thêm
ngã mạn, khinh khi mọi người, trọn chẳng công đức, đôi khi còn khiến,
người mới phát tâm, đâm ra chán nản. Tại sao vậy?
Bởi vì, họ chỉ thích lập chùa to, tạo pho tượng lớn, nhưng không Chánh
Pháp, giảng dạy cho người, như vậy khác chi, người đời ham thích, nhà
cao cửa rộng, chẳng đem lợi gì, đến cho bá tánh, chỉ tạo thêm tội, thêm
nghiệp mà thôi. Thí dụ như là: con bò ăn cỏ, không thể ăn thịt, dù sống
hay chín, con cọp ăn thịt, không thể ăn cỏ. Những người ăn chay từ nhỏ,
không ngửi được mùi thịt cá, đành tiếp tục ăn chay, như vậy có gì hay
đâu? Ðó chỉ là nghiệp báo mà thôi. Những người có thể, chọn lựa mặn
chay, phát tâm ăn chay, tu tâm dưỡng tánh, mới là đáng quí. Nếu những vị
có duyên lành ăn chay từ nhỏ, lại biết tu tâm dưỡng tánh, biết cầu học
Chánh Pháp, biết tự lợi lợi tha, biết tự giác giác tha, vì mình vì
người, với tâm khiêm tốn, thương xót chúng sanh, đang bị trầm luân, sanh
tử luân hồi, gắng công tu tập, công phu thiền định, bản tâm thanh tịnh,
có ngày đại ngộ, hoằng dương Chánh Pháp, cứu khổ chúng sanh, muôn loài
ích lợi. Ðó chính là những bậc chân tu thực học, những bậc cao tăng thạc
đức, là cây to bóng mát trong chốn thiền lâm, là nơi nương tựa cho hàng
tứ chúng vậy.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Ðức Phật có dạy:
Tuy tụng ngàn chương cú. Không hiểu nghĩa ích gì.
Ðâu bằng hiểu một câu. Nghe xong liền ngộ đạo.
Dù tụng ngàn muôn câu. Không rõ nghĩa ích gì.
Chỉ thông suốt một nghĩa. Nghe qua liền đạt đạo.
Thực vậy, mục đích cứu kính của đạo Phật, không phải chỉ là những buổi
lễ cầu an, cầu siêu, cầu đoàn tụ, cầu đủ thứ chuyện trên trần đời, xong
rồi tính lời tính lỗ. Cũng không phải chỉ là những hình thức bên ngoài
như: đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu xuân, mỗi năm một lần, ăn chay thọ
giới, tụng kinh bái sám, mỗi tháng hai lần, lập chùa thiệt to, tạo tượng
thiệt lớn, cho có vẻ linh thiêng huyền bí, mà chẳng hiểu làm như vậy có
ý nghĩa gì, bởi không chịu tìm học Chánh Pháp, chỉ tăng thêm chấp ngã
và chấp pháp mà thôi. Tất cả những sự tướng kể trên, không phải là không
cần thiết, không phải là không nên làm, không phải là vô bổ vô ích, một
cách hoàn toàn. Nhưng, như vậy vẫn chưa phải là đủ, chưa phải là cứu
kính, chưa phải là cốt tủy của đạo Phật. Ðó chỉ là cái vỏ bên ngoài, là
vòng rào bên ngoài, dành cho những người mới bắt đầu đến với đạo Phật.
Những người thờ Phật nhiều đời, hoặc phát tâm tu theo đạo Phật lâu rồi,
làm việc chùa nhiều năm rồi, mà vẫn dừng lại ở những hình thức bên ngoài
như vậy, và chịu thỏa mãn, thì chẳng ích lợi gì, chẳng tiến bộ gì. Mục
đích cứu kính của đạo Phật là giúp đỡ con người đạt được giác ngộ và
giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, chứ không phải chỉ có những lễ
nghi này và những nghi lễ kia như vậy mà thôi.
Nhưng con người cần giác ngộ điều gì? Theo đạo Phật, con người cần giác
ngộ: cuộc đời là vô thường, biến đổi luôn luôn, tâm tánh là vô thường,
nay vầy mai khác, tấm thân là giả tạm, nay còn mai mất, chỉ tồn tại hơn
kém một trăm năm mà thôi. Cho nên phải hiểu biết sâu luật nhân quả, mới
có thể gìn giữ bản tâm thanh tịnh, chuyên làm các việc thiện, chuyên nói
các việc hiền, chuyên nghĩ các việc lành, tránh làm các điều ác, tránh
nói các điều dữ, tránh nghĩ các điều bất thiện, tránh gây phiền não khổ
đau cho người khác, chẳng hạn như: sát sinh hại vật, lường gạt trộm cắp,
phá hoại gia cang, nói lời độc ác, chia rẽ người khác, vu khống cáo
gian, thưa gửi kiện tụng, ăn gian nói dối, lợi mình hại người, đòi tiền
bồi thường, vài ba triệu bạc, lòng tham không đáy, có ngày trở lại, hại
chính nơi mình. Hiểu biết sâu luật nhân quả, con người cố gắng làm bất
cứ điều thiện nào, dù nhỏ dù lớn, để tạo thêm phước báu, hầu giảm bớt
nghiệp báo, đã tạo trước đây, qua các dạng như: được nhiều may mắn, quới
nhơn giúp đỡ, gặp người tốt bụng, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ,
chuyện nhỏ hóa không. Chứ khấn vái, van xin, cầu nguyện, thực ra chẳng
có ích gì, có được gì đâu?
Tại sao như vậy? Bởi vì, chư Phật hay các vị thánh thần thiêng liêng,
đâu có làm chuyện bất công, thỏa mãn lời van xin cầu khẩn của những kẻ
còn gây tội tạo nghiệp, còn gây đau khổ cho người khác, dù bằng hành
động, lời nói hay ý nghĩ, chưa chịu tu tâm dưỡng tánh, làm sao xứng đáng
được hưởng những điều cầu khẩn van xin đó. Hơn nữa, cứu kính của đạo
Phật là chỉ dạy con người giác ngộ “bản tâm thanh tịnh” của chính mình,
sẵn có xưa nay. Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh.
Chúng sinh chẳng nhận thấy được, vì bị vô minh che lấp.
Nghĩa là: Con người ai ai cũng có bản tâm thanh tịnh. Chỉ vì lòng tham
lam của cải tiền bạc, tham đến bạc triệu đô la, chứ chẳng phải ít ỏi gì,
hoặc chỉ vì lòng sân hận tự ái cao độ, hoặc chỉ vì lòng si mê cố chấp,
cho nên con người mới tạo tội tạo nghiệp, làm cho tâm trí loạn động,
thường xuyên bất an, điên đảo loạn cuồng, để rồi trôi lăn vào vòng sanh
tử luân hồi, đã muôn kiếp trước, và sẽ tiếp tục trôi lăn, muôn kiếp về
sau, nếu như không biết, nếu như không chịu, dừng nghiệp và chuyển
nghiệp. Với số tiền nho nhỏ, quyền lợi không đáng kể, con người còn có
thể tỉnh thức, có thể dừng được nghiệp, có thể dẹp lòng tham, không thưa
kiện người khác, không gây não loạn người, và gia đình của họ.
Nhưng khi kiện thưa, đòi tiền bồi thường, vài triệu đô la, con người
thành ma, tối tăm mặt mũi, liều mạng đưa chân, hết biết lẽ phải, nhắm
mắt làm càng, tới đâu cũng được, địa ngục chẳng ngán, súc sinh chẳng sợ,
ngạ quỉ chẳng sao, miễn là thu vào, một số tiền to, cho sướng cái đã,
bất cứ chuyện gì, hạ hồi phân giải. Mãnh lực của đồng đô la quả thực là
vạn năng, thượng đế chẳng bằng, đã lôi kéo không biết bao nhiêu chúng
sinh u mê, vào vòng tội nghiệp, từ xưa đến nay! Chúng ta là người tỉnh
thức, đang tu học Chánh Pháp, đang muốn trở về nguồn cội, đang muốn
chuyển hóa cuộc đời của mình, đang muốn thoát ly sanh tử luân hồi, càng
phải nên hết sức cẩn trọng, cẩn trọng và cẩn trọng! Muốn được gặp Phật,
phải bỏ tâm ma. Thực là đơn giản, không tìm đâu xa, nhưng không dễ làm.
Khi con người biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp, tức là con người được
giải thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp chướng. Ðó mới chính là mục đích
cứu kính của đạo Phật. Khi đã hiểu biết được chân lý đó rồi, con người
thấy được hướng đi của người Phật Tử chân chánh, biết tu tâm dưỡng tánh,
ăn chay hay ăn mặn, không còn là vấn đề nữa! Có ông Liêm Sứ, ở xứ Hồng
Châu, đến hỏi Thiền sư, Mã Tổ Ðạo Nhất: Uống rượu ăn thịt, nên hay không
nên? Ngài Mã Tổ đáp: Uống rượu ăn thịt, là “lộc” của ngài. Không uống
rượu ăn thịt là “phước” của ngài! Có phước mới hưởng lộc. Có phước mới
trường thọ. Ðó là: “Phước, Lộc, Thọ”. Không có phước, sao được hưởng
lộc, sao được trường thọ?
Ngày xưa, vào đời nhà Trần, khi Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm
mời vào cung điện dự tiệc thịnh soạn, Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ngồi vào
bàn tiệc, vừa ăn món chay vừa ăn món mặn, không quan tâm lựa chọn. Hoàng
Thái Hậu thấy vậy, ngạc nhiên hỏi: Hoàng huynh thiền định, mà ăn cá
thịt, thành Phật sao được? Tuệ Trung Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật,
huynh là huynh. Huynh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm huynh. Thái
Hậu há chẳng nghe cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, Giải Thoát là Giải
Thoát, đó sao?”. Hoàng Thái Hậu nghe qua liền giác ngộ. Theo sử sách
ghi, chúng ta được biết, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một vị Cư Sĩ, vào đời
nhà Trần, ở nước ta. Ngài vốn là một vị tướng lãnh, một quan đại thần
trong triều, sau khi ngộ đạo, Ngài liền từ quan, tỉnh tu tại gia, giảng
dạy đạo lý cho những người hữu duyên, tầm sư học đạo, từ hàng vua chúa,
quan quyền trưởng giả, cho đến thứ dân. Ngài là con cả của Khâm Minh Từ
Thiện An Sinh Vương Trần Liễu, và là thầy dạy đạo của Hoàng Ðế Trần Nhân
Tôn. Hoàng Ðế Trần Nhân Tôn hai lần đại thắng quân Mông Cổ, giữ yên bờ
cõi, sau này nhường ngôi, đi tu trên núi Yên Tử, đạt đạo trở thành Sơ Tổ
Trúc Lâm, tức là Ðiều Ngự Giác Hoàng. Những điều luận bàn đạo lý huyền
diệu của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ được các bậc thạc đức thiền môn rất
kính trọng. Ðiều chúng ta cần lưu ý nơi đây là: trình độ tu tập giác ngộ
của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã vượt khỏi tam giới, đã thoát khỏi thế
giới hiện tượng tương đối, chúng ta không thể so sánh được! Câu chuyện
này ngụ ý: Việc tu tâm dưỡng tánh mới thực sự là điều quan trọng, và
nhằm mục đích đả phá quan niệm sai lầm cho rằng: ăn chay sẽ thành Phật,
ăn chay sẽ lên thiên đàng, ăn chay sẽ về Niết bàn, còn ăn mặn sẽ đọa địa
ngục!
Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác,
trong phạm vi hạn hẹp và nông cạn, bài viết này không thể bao gồm hết
tất cả các phương diện, một cách hoàn toàn được. Tuy nhiên, chúng ta
cũng đã có một khái niệm khá rõ ràng về vấn đề này, có thể áp dụng vào
trong đời sống thực tế hằng ngày. Cổ nhân có dạy: “Ăn để mà sống chứ
không phải sống để mà ăn”. Nghĩa là: Con người sanh ra, trên trái đất
này, ngoài chuyện ăn uống, để giữ mạng sống, bồi dưỡng sức khỏe, chúng
ta còn nhiều, chuyện khác để làm, đem lại ích lợi, cho người cho đời, và
chính bản thân. Trong đạo Phật, vấn đề ăn uống không phải là chuyện
quan trọng hàng đầu. Dù ăn mặn hay ăn chay, cần nên giản dị, không nên
cầu kỳ, dành nhiều thời giờ, cho những việc làm, ích lợi bản thân, đối
với tâm linh, đời sống tinh thần. Chính chuyện tu tâm dưỡng tánh mới
đáng làm chúng ta bận tâm thực hành hằng ngày. Chuyện ăn uống thuộc về
phạm vi thể chất, bồi bổ cho tấm thâm tứ đại giả tạm này, để làm phương
tiện cho việc tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, cho đến ngày giác ngộ và giải
thoát.
Chư Tổ có dạy: “Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên”. Hoặc: “Cơ lai khiết phạn,
khốn lai thùy“. Nghĩa là: “Ðói đến thì ăn, mệt ngủ khò”. Lúc mình đói
bụng, một củ khoai nhỏ, cũng tạm ấm lòng. Khi ăn quá no, căng bụng tràn
họng, lúc đó món nào, dù mặn hay chay, cũng chẳng còn ngon. Sách có câu:
“No mất ngon, giận mất khôn“. Con người muốn sống một cuộc đời an nhàn
tự tại, không nên chú tâm, không nên lệ thuộc quá nhiều về sự ăn uống.
Một người chỉ biết ăn chay, tụng niệm suốt đời, không tìm biết mục đích
cứu kính của đạo Phật, quả thực là phí phạm cả kiếp sống này. Việc học
hiểu để phát triển trí tuệ, và thực hành Chánh Pháp, ngay trên cuộc đời,
tại thế gian này, cho đến khi được viên mãn, mới thực sự là việc quan
trọng của người Phật Tử, tại gia và xuất gia. Ðó mới là mục đích cứu
kính của đạo Phật, ăn uống chỉ là một phương tiện, trong bao nhiêu
phương tiện khác, mà thôi. Một thực tế khác về vấn đề ăn mặn và ăn chay
chúng ta cần nên hiểu biết. Ðó là các thứ nông phẩm dùng để ăn chay như:
cơm gạo, rau cải, hoa quả, trái cây, thu hoạch được sau khi trải qua
quá trình: trồng trọt, tưới nước, bón phân và trừ khử các loại sâu rầy
phá hoại mùa màng. Nghĩa là các nông gia phải lao động khổ nhọc và phải
sát trùng, để mùa màng được tươi tốt, thu hoạch được cao, tăng gia sản
xuất.
Khi dùng các nông phẩm đó, để gọi là ăn chay, tránh nghiệp sát sinh,
trưởng dưỡng tâm từ bi, tu tâm dưỡng tánh, chúng ta đã không tránh được
sát giới, một cách hoàn toàn, dù không trực tiếp, cũng là gián tiếp,
cũng chịu cộng nghiệp, với các nông gia. Cho nên, người Phật Tử tại gia
hay xuất gia, mỗi khi thọ thực, cần phát tâm từ bi, thương xót những
người chưa thể ăn chay được, vì bất cứ lý do gì, hoặc là các nông gia
phải phạm sát giới, để làm nên các nông phẩm chúng ta đang dùng, bằng
cách tự đọc lời cầu nguyện trước khi ăn, để hồi hướng phước báu ăn chay,
hay công đức trì giới của mình, đến tất cả chúng sinh, trong khắp pháp
giới. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, ít ra
cũng đều có những bữa cơm đạm bạc như mình vậy. Bài viết này tìm hiểu
vấn đề ăn mặn và ăn chay, trong phạm vi đạo Phật, nhằm mục đích khuyến
khích, tán thán việc ăn chay đúng Chánh Pháp, trưởng dưỡng tâm từ bi,
chú trọng việc tu tâm dưỡng tánh, để đạt được giác ngộ và giải thoát, mà
thôi. Ðể kết thúc bài viết này, có bài kệ như sau:
Như ăn chay suốt đời
Nhưng tâm không thanh tịnh
Không hiểu biết Chánh Pháp
Khác chi bò ăn cỏ.
Cư Sĩ Chánh Trực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét