Chúng ta thử nhìn lại xem, trên đời
này có ai trẻ mãi không già, khoẻ mạnh hoài không đau bệnh, sống hoài mà
không chết. Chắc chắn là không! Tại sao vậy? Vì ai cũng phải chịu quy
luật của sự vận hành già - bệnh - chết chi phối. Chính đức Phật Thích
Ca Mâu Ni còn phải xả bỏ báo thân này khi Ngài 80 tuổi, huống hồ là
chúng ta.
CHẾT LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN
Trời hửng nắng, ta trở dậy, mệt nhoài,
như mới hôm qua ta còn khoẻ, nói chuyện tới khuya, giờ đây mình đã ngã
bệnh chỉ sau một đêm. Bởi thế, nói đến vô thường ai cũng thấy buồn chán
và ngán ngẩm làm sao; chỉ trong chớp mắt, trong khoảnh khắc, mọi việc
đều đã thay đổi một cách nhanh chóng, mới thấy đó rồi mất đó, cuộc sống
quá mong manh, tạm bợ. Vì vậy, vô thường có thể là một bài hát buồn đối
với nhiều người. Có một câu chuyện nói về sự vô thường như sau:
Thấy một chú tiểu đang tưới cây, một
người khách hỏi, “đã biết cuộc đời là vô thường, sao chú còn chăm sóc
thứ ấy làm gì cho tốn công, vô ích?”
Chú tiểu đáp, “dạ xin thưa, nếu mọi vật đều là thường, thì đâu cần chúng con chăm sóc để làm gì?”
Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự
vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian. Mới hồi
sáng thấy tinh thần sảng khoái, dễ chịu, trẻ trung yêu đời, muốn làm gì
cũng được; ấy thế mà buổi chiều, mình lại xìu như bánh bao chiều, mệt
mỏi, chán chường, thất vọng, lo âu, sợ hãi. Chính vì vậy mà Phật dạy,
“cuộc đời là mộng huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, cuộc đời này vốn là
thường còn mãi mãi.
Vậy xin hỏi hết tất cả mọi người, thế
gian này có phải là mộng huyễn hay không? - Đời là một giấc mộng dài,
là một đám sương mù, là một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc
rồi tan biến, nên Hoà thượng Trúc Lâm mới nói bài Mộng như sau:Gá thân
mộng, dạo cảnh mộng,Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.Ghi lời mộng, nhắn khách
mộng,Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Đời người cũng vậy, và tất cả muôn
loài vật cũng lại như thế. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế
gian, không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn
nhận như vậy, không phải của người này, mà cũng không phải của người
kia. Bởi vô thường nên mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta
mới khổ.
Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm
giữ đủ thứ hết, giữ không được thì sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ
vô thường, nên thân này mới có sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa
khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy
của thân này cũng khổ. Do đó, Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta
gọi chung cho mọi sự thay đổi, hư hoại đó là vô thường. Đức Phật dạy
trong Kinh Kim Cang: Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh, Như sương, cũng như chớp,
Phải nên quán như thế.
Như Lai Thế Tôn nhờ tu chứng dưới cội
Bồ Đề nên Ngài thấy rõ ràng, từ con người cho đến muôn loài vật, như mặt
trăng, mặt trời, trái đất, núi rừng, ao hồ, sông suối, hoa lá, cỏ cây…,
đều phải theo một định luật chung muôn đời của vũ trụ, là phải thay
đổi, không có cái gì đứng yên hay trường tồn mãi mãi trên thế gian này.
Ấy thế mà, vẫn có một số người quan
niệm rằng, thế gian này thường còn mãi, nên mặc tình đắm say, lao vào
vui chơi, hưởng thụ quá đáng, để rồi đánh mất đi nhân cách và phẩm chất
làm người, nên ngày càng rơi vào hố sâu tội lỗi; hạng người này đáng
thương hơn là đáng ghét. Chính vì vậy, hôm nay, chúng tôi xin chân thành
chia sẻ pháp thoại “biết sống trong vô thường”.
Vậy vô thường có nghĩa là gì?
Thưa tất cả quý Phật tử, “vô” có nghĩa
là không, “thường” nghĩa là thường có. Vô thường có nghĩa là không
thường còn, không bền chắc lâu dài, dù nhỏ bé như hạt bụi, hoặc lớn như
mặt trời, mặt trăng, cũng đều phải chịu sự chi phối thay đổi, tan rã,
chuyển biến theo thời gian, hoặc chậm hay mau mà thôi. Vô thường tạm
chia thành ba loại: Thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường.
Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thân vô thường xem nó như thế nào và chuyển biến ra sao.
Thân này từ đâu có? Theo lời Phật dạy,
thân này muốn có được phải hội đủ ba điều kiện: phải có cha mẹ quan hệ
với nhau, cùng kết hợp tinh cha với huyết mẹ và nghiệp thức của một
chúng sinh, chung hợp lại thành bào thai, bào thai lớn lên nhờ sự nuôi
dưỡng bằng máu huyết và hơi ấm của người mẹ, đến khi mở mắt chào đời,
hít thở khí trời, bú sữa mẹ hay sữa hộp, rồi dần dần biết uống ăn và lớn
khôn. Thân thể này sống được là nhờ bốn đại giữ gìn, cộng với uống ăn
và hít thở khí trời mà sống còn.
Thân này sống được nhờ bốn đại bên
trong kết hợp với bốn đại bên ngoài được đưa vào hằng ngày, như chất
cứng gọi là đất, chất lỏng là nước, nhiệt độ trong người gọi là lửa, và
sự hoạt động của thân là nhờ gió. Vì thế, sự hình thành của thân này là
một chuỗi dài vay mượn liên tục. Nếu chúng ta thở ra mà không hít vào
coi như chết. Vậy mà có người cho rằng, thân này thường còn mãi mãi;
nhưng thực tế có phải vậy không? Chúng ta thử nhìn lại xem, trên đời này
có ai trẻ mãi không già, khoẻ mạnh hoài không đau bệnh, sống hoài mà
không chết. Chắc chắn là không! Tại sao vậy? Vì ai cũng phải chịu quy
luật của sự vận hành già-bệnh-chết chi phối. Chính đức Phật Thích Ca Mâu
Ni còn phải xả bỏ báo thân này khi Ngài 80 tuổi, huống hồ là chúng ta.
Quy luật vô thường già-bệnh-chết không
hẹn cùng ai, giống như đoá hoa phù dung sớm nở, tối tàn. Phật dạy, muôn
loài vật ở thế gian này đều vô thường để mỗi người chúng ta biết mà
không quá chấp chặt, dính mắc vào xác thân này để làm khổ đau cho mình
và người.
Đã chịu sự chi phối của vô thường thì
thân này đâu có thật, do chúng ta lầm chấp thân này là ta, là tôi, là
của tôi, từ đó sinh ra tham lam, ích kỷ, tìm cách vơ vét về cho riêng
mình mà làm tổn hại người khác.
Đã làm người, ai có mặt trên cuộc đời
này, không ít thì nhiều luôn bị bất hạnh, khổ đau bám víu vào thân phận
con người. Cái mà tất cả mọi người đang lo sợ nhất chính là cái chết; vì
thế, một số người cố tìm cách luyện thuật trường sanh bất tử để sống
đời, nhưng có mấy ai được thoát chết bao giờ đâu?
Thuở Phật còn tại thế, có một thiếu nữ
dáng vẻ mảnh khảnh, ốm yếu, nghèo khổ, sống tại thành Xá Vệ, tên là
Kisa (có nghĩa là cô gái ốm yếu). Khi lớn lên, cô cũng có chồng như bao
người con gái khác; nhưng bị mọi người bên chồng khinh khi, coi thường,
vì cô thuộc giai cấp hạ liệt, thấp kém, ở đợ, làm mướn.
Từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời,
cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi, cô được mọi người bên chồng đối xử
tốt đẹp và quý mến hơn. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, đứa con
của cô qua đời vì cơn bạo bệnh. Đứa con chết làm người con gái ấy gần
như điên loạn; dù đau khổ đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu
được đứa con của mình sống lại, nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.
Nhìn cảnh tượng thảm não, thất tha
thất thểu lê từng bước chân để tìm thuốc cải tử hoàn sinh cho con mình,
mọi người nhìn theo chỉ biết ngậm ngùi, thương tiếc; bởi việc cứu sống
đứa trẻ là điều không thể được mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng.
PHẬT CHỮA TÂM BỆNH
Có người vì quá xót thương, nên đã
hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong nhờ đức Phật tế độ. Khi đến,
cô tha thiết cầu xin Như Lai Thế Tôn cứu sống cho con mình. Biết được
nhân duyên sâu xa, đức Phật liền hứa sẽ giúp cô cứu sống đứa trẻ. Nghe
vậy, lòng cô dâng trào lên niềm hy vọng vô biên, cô nghĩ con mình chắc
chắn được cứu sống.
Chờ cho nhân duyên đã chín mùi, đức
Phật liền chỉ dạy, “này thiếu nữ, con hãy đến nhà nào chưa từng có người
chết xin về đây cho ta vài hạt cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con. Tin
chắc rằng con mình sẽ được cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một
gia đình không có người chết, cô liền phấn khởi ra đi, trong lòng mừng
thầm vô hạn. “Hạt cải nhà nào cũng có”, cô nghĩ như thế, nên sung sướng
đến tột cùng, lòng tràn đầy hy vọng, vì trong chốc lát đây, con cô sẽ
được cứu sống nhờ những hạt cải nhiệm mầu ấy.
Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm
nó trong một gia đình không có người chết thì quả thật là không thể
được. Bởi vì sao? Vì nhà nào cũng có người chết. Cô thất tha, thất thểu
đi hết làng trên xóm dưới, từ làng này qua xóm nọ, cô đi khắp hang cùng
hốc hẻm, nhưng không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu
cầu của Như Lai Thế Tôn.
Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ
bên lề đường, trên tay vẫn còn ôm chặt xác con của mình. Thế là bao
nhiêu hy vọng không còn nữa. Cô nhìn con với lòng trìu mến, dù xác đứa
bé đã cứng đờ. Lúc này, cảm giác rùng rợn cùng với sự thương tâm phủ đầy
trong lòng cô; bỗng nhiên, tâm trí cô loé lên một tia sáng, cô hiểu
rằng, trên đời này, ai rồi cũng sẽ chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi,
đau thương mất mát là một sự thật của kiếp người, yêu thương mà phải xa
lìa đó là một nỗi khổ, niềm đau, có hợp phải có tan, đó là định luật
nhân duyên quả của cuộc đời.
Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận
ra, có sinh là có chết, ai rồi cũng phải lần lượt như vậy, chỉ đến sớm
hay muộn mà thôi. Từ nhận thức sáng suốt đó, cô không tìm hạt cải nữa,
mà đem xác con mình vào rừng Thi Lâm (theo phong tục, tập quán Ấn Độ,
xác người chết đem bỏ vào rừng cho thú ăn), rồi thanh thản trở về bạch
Phật, “Kính bạch Thế Tôn, con đã tìm ra hạt cải của sự vô thường rồi,
con đã đưa xác đứa bé bỏ vào rừng. Bây giờ con cảm thấy trong lòng thoải
mái và nhẹ nhõm hơn”.
Nhân đó, đức Phật khai thị đạo lý
duyên sinh trong cuộc sống cho cô nghe, “trên đời này, có sinh là có tử,
yêu thương xa lìa khổ, không có cái gì là cố định cả, tuỳ theo nhân
duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi thay sớm hay muộn mà thôi”.
Ngang đây, cô chứng được quả Dự Lưu,
tức đã vào dòng Thánh, từ nay về sau không còn đoạ vào ba đường ác: địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sau đó, cô phát tâm xin đức Phật cho xuất gia
làm Tỳ kheo ni; nhờ luôn siêng năng, tinh tấn tu hành, cuối cùng cô đã
chứng quả A-La-Hán.
Khổ đau luôn bám víu thân phận con
người, khổ đau về vật chất như thiếu cơm ăn, áo mặc, rồi đến cái khổ vì
già-bệnh-chết, nên ngày xưa người ta hay cố gắng luyện thuật trường sinh
bất tử để sống đời, nhưng có ai không chết bao giờ đâu?
Như ông Bành Tổ sống đời,
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu.
Ngày xưa, người ta đồn rằng, ông Bành
Tổ bên Trung Hoa do luyện được trường sinh bất tử, nên mạng sống được
kéo dài đến 800 tuổi. Đó là truyền thuyết của thời xa xưa, nhưng trên
thực tế thì hiếm thấy và ít có.
Trong nhà Phật không quan trọng sống
lâu hay chết yểu, nếu sống 100 năm mà không làm gì được lợi ích cho ai,
thì sống như vậy cũng không có giá trị gì về kiếp nhân sinh. Một ngày
chúng ta có mặt trong cuộc đời là một ngày ta biết buông xả tham lam,
sân hận, si mê, và sẵn sàng bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia khi có
nhân duyên; thấy người khó khăn, thiếu thốn ta sẻ chia hay nâng đỡ, thấy
người bệnh ta chăm sóc, hỏi han, động viên, an ủi... Khổ đau được chia
ra làm hai phần:Khổ về thân, khổ về tinh thần.
Thân thì phải sinh-già-bệnh-chết nên
khổ. Tâm thì yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu
không được khổ. Chúng ta không thể diễn tả hết được nỗi khổ, niềm đau
của kiếp người. Có thân là có khổ, không ít thì nhiều, ai cũng đều phải
như vậy. Thế mà chúng ta ít có ai nghĩ đến điều này.
Khi mới sinh ra thì ta khóc, mọi người
cười. Cái khổ trước tiên là người mẹ phải mang nặng đẻ đau chín tháng
mười ngày, đến ngày sinh nở trông cho mẹ tròn con vuông, đó cũng là một
nỗi khổ, niềm đau.
Già thì da nhăn, mắt mờ, tai điếc, đi
đứng khó khăn, đa số sống phải nhờ vào sự chăm sóc của con cháu; nếu
thiếu tu thì phiền não, trách móc con cháu, nên nói già hay sanh tật là
vậy đó.
Bệnh thì mình mẩy đau nhức ê ẩm, chân
tay rã rời, nếu nhẹ thì còn tự chăm sóc được, nặng thì phải nhờ đến cháu
con ,tốn tiền, hao của, mất công cho gia đình, người thân.
Chết là một nỗi ám ảnh lớn nhất của
kiếp con người, ai cũng ham sống sợ chết; khi sống thì không làm những
điều thiện lành, tốt đẹp, đến khi gần chết thì lo lắng, sợ hãi, không
biết mình sẽ đi về đâu?
Rồi cho đến yêu thương mà xa lìa khổ.
Nhờ sự giáo hoá tài tình của Như Lai Thế Tôn, người con gái ấy đã nhận
ra chân lý cuộc đời, cô quyết lòng từ bỏ hết tất cả để trở về, quay trở
lại với chính mình. Đây chính là pháp Thiền Hạt Cải mà xưa kia Như Lai
Thế Tôn đã trao cho người con gái ấy.
Ngay tại đây và bây giờ, thân vật lý
này vẫn còn hiện hữu nơi mọi người chúng ta. Học đạo lý năm xưa để ta tự
chiêm nghiệm lại chính mình. Mất mát, đau thương, buồn tủi là một sự
thật, hễ có được là có mất, sự ra đi của người thân luôn để lại cho ta
nỗi nhớ, niềm thương, và cuộc đời vốn dĩ là như thế.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta ai cũng
phải đối diện với cái chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Chết là một
nỗi ám ảnh lớn lao nhất đối với con người, nên nhiều người không dám nói
đến từ này, họ nói thay từ chết bằng từ thọ, thậm chí khi đã tắt thở,
mua hòm về nhà rồi vẫn còn gọi là cái hòm thọ ( tức cái hòm sống).
PHÁP THIỀN HẠT CẢI
Thế Tôn là bậc đại y vương, là vua của
các thầy thuốc, nGài tuỳ theo bệnh mà cho thuốc, phương thuốc của Ngài
rất nhiệm màu, đơn giản và hết sức thực tế. Nỗi khổ, niềm đau về sự yêu
thương xa lìa khổ, mất mát, đau thương, buồn tủi, khiến cho thân tâm
chúng ta mê muội, bằng mọi giá ta quyết giành lại sự sống, nhưng sự sanh
ly, tử biệt là lẽ đương nhiên; hạt cải vốn là như vậy chứ không có tác
dụng gì để đổi chết thành sống. Nhờ đi tìm hạt cải đã giúp cho người con
gái nhận ra đạo lý vô thường của sự sống, cái chết có thể đến với tất
cả mọi người bất cứ lúc nào, và không loại trừ một ai.
Sống trên cõi đời này, ai sáng suốt
nhận ra được điều ấy gọi là giác ngộ, là thấy rõ sự thật của kiếp người.
Sự mất mát, đau thương là lẽ đương nhiên, không có gì làm cho ta phải
quá buồn khổ và đau lòng.
Con đường đi tìm hạt cải của người con
gái ấy là một quá trình thiền quán về sự vô thường, bởi vô thường nên
từ con người cho đến vạn vật đều biến thiên, thay đổi theo thời gian,
không có gì là cố định cả. Chính nhờ nguyên lý vô thường, con người mới
thay đổi và tiến bộ được; vì sự sống muôn màu, muôn vẻ, con người cần có
ý chí mãnh liệt mới có thể vượt qua được cạm bẫy cuộc đời.
Do bị vô minh, mê muội che lấp, chúng
ta chưa nhận chân được vô thường là gì, từ đó tham ái phát sinh, và khổ
đau bắt đầu có mặt. Khi ta biết rõ thế gian này là vô thường, mình sẽ có
cái nhìn sáng suốt và chín chắn hơn, mình không bi quan yếm thế, không
chán nản, không thất vọng, để làm mình và người khổ đau. Chúng ta phải
tự tin hơn nữa để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời bằng sự ý thức làm
lành, lánh dữ.
Nhờ thấu suốt được nguyên lý vô thường
của vạn vật, chúng ta sẽ an nhiên, bất động trước mọi hoàn cảnh với vô
vàn sự đổi thay. Mỗi người Phật tử chúng ta bắt chước làm theo sự chỉ
dạy của đức Phật cho người con gái ấy, đi tìm hạt cải để trị tâm bệnh
cho chính mình.
Chúng ta vẫn biết, hạt cải là vật vô
tri không thể cải tử hoàn sinh, nhưng Như Lai Thế Tôn đã chỉ dạy cho
người con gái ấy một pháp Thiền Hạt Cải, để rồi cuối cùng nàng nhận ra
nguyên lý vô thường của kiếp người. Ngày nay, người Phật tử chân chính
có cơ hội học tập và hành trì pháp Thiền Hạt Cải ấy. Tuy hạt cải không
có giá trị cứu sống đứa bé, nhưng nó đã tác động đến tâm tư của người
mẹ, giúp nàng nhận ra phép lạ của sự tỉnh thức về nỗi mất mát đau lòng
đang diễn ra trong từng phút giây. Người con gái ấy đã thấy rõ, hạt cải
chỉ là hạt cải, đứa bé chỉ là đứa bé, có duyên thì được sinh ra làm con,
hết duyên thì trả về nguyên thuỷ của nó. Chết là một sự thật hiển nhiên
không ai có thể chối cãi được.
Sự đến đi của một con người là do
nghiệp lực thúc đẩy và chi phối, khi ta làm điều tốt lành thì được hưởng
quả an vui, hạnh phúc, làm điều xấu ác thì phải chịu sa đoạ, khổ đau.
Nó đến và đi là tuỳ theo duyên ngắn hay dài, chậm hay mau mà thôi. Do
người con gái ấy lầm chấp mình là ta, rồi dẫn đến bám víu vào sở hữu của
ta, là con ta, tài sản của ta, nên nàng mới phải khổ đau đến cùng tột
như vậy.
Khổ đau lúc nào cũng có mặt, chỉ vì
chúng ta là người phàm mắt thịt, nên không nhìn thấy hết nguyên nhân sâu
xa của nó mà thôi. Do tham ái, luyến tiếc, bám víu, cho rằng cái gì
cũng là thật có, từ đó chúng ta sinh tâm chấp giữ, bảo thủ, bám víu vào
đó, khi được thì càng thêm tham, tham không được thì đau lòng, khốn khổ
mà sinh ra hận thù, oán giận.
Mất mát, xa lìa là lẽ đương nhiên
trong cuộc đời, vậy mà có người dám nói rằng, thà chịu khổ chớ không
chịu lỗ. Sống một mình, vui vẻ, hạnh phúc không chịu, phải đi tìm người
bạn đời để tâm sự, sẻ chia, cuối cùng đường ai nấy đi, dù có thương yêu
cách mấy cũng không thể giúp được nhau trong giờ lúc sanh ly, tử biệt.
Bởi do chấp trước và bám víu vào thân
này, nên chúng ta luôn sống trong đau khổ lầm mê, để rồi oán trời, trách
đất sao quá bất công đối với con người. Người đời thì luôn tham muốn vô
cùng tận, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sanh ra
buồn khổ, hận thù, tìm cách trả đũa. Trên thế gian, cái gì có được rồi
cũng sẽ mất, không có cái gì bền chắc, lâu dài mãi mãi, thương yêu mà xa
lìa là một nỗi khổ, niềm đau của kiếp con người.
KHỔ DO CHẤP CHẶT
Trong kinh Phật dạy, “cái khổ lớn nhất
của con người không phải do thiếu ăn, thiếu mặc, làm con trâu, con bò,
kéo cày, kéo xe, chưa chắc là khổ; bị đoạ làm súc sanh, quỷ đói, chưa
chắc là khổ, mà cái khổ lớn nhất của con người là vô minh, mê muội,
không biết lối đi mới thật là khổ.
Những cái khổ thiếu ăn, thiếu mặc, đói
rét, hay con trâu, con bò kéo cày, hoặc làm quỷ đói, cho đến khi trả
hết nghiệp khổ thì cũng có ngày thoát ra khỏi; còn chúng ta sống trong
vô minh mê lầm mà không biết lối đi, không biết được sự thật của cuộc
đời mới là khổ.
Đã làm người, ai không một lần vấp
ngã, nhưng khi vấp ngã chúng ta có chịu đứng lên hay không? Chúng ta vấp
ngã ngay nơi đất, thì cũng từ nơi đất mà đứng lên. Đạo Phật không bắt
buộc một ai phải đi theo mà chỉ hướng dẫn cho tất cả mọi người thấy biết
đúng sự thật, tốt biết tốt, xấu biết xấu, còn làm được hay không là do
sự quyết tâm của mỗi người. Chúng ta có quyền chọn lựa vì chính mình là
thượng đế tối cao của chính mình, không ai có quyền chen vô hay ban
phước, giáng họa cho ta. Đến chỗ này, chúng ta phải thầm nhận, tự nhận,
không nên chần chừ nữa, mà hãy một phen chuyển mình để nhận ra tính biết
sáng suốt ngay nơi thân này.
Phật dạy, ai cũng có chân tâm sáng
suốt, tại sao chúng ta không chịu thừa nhận để rồi mình cứ mải mê chạy
theo vui chơi, hưởng thụ dục tính, làm chính mình khổ luỵ ngày càng thêm
chồng chất?
Vua Trần Thái Tông là một vị vua cư
sĩ. Khi tu hành ngộ đạo, Ngài cảm thông cho kiếp người sao quá ngu si,
khờ dại, nên sáng tác ra bài thơ như sau:
Lang thang làm kiếp phong trần mãi mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm đường.
Phật dạy, “ai cũng có tâm Phật, tâm
sáng suốt, chỉ vì ta không chịu thừa nhận, nên phải chịu trôi lăn mãi
trong lục đạo, luân hồi”. Ta là nam nhi đại trượng phu, Phật đã thoát ly
sanh tử, còn ta dại gì mà đi lang thang mãi cho đến khi gối mỏi, chân
dùn mà ngồi đó than thân, trách phận, chờ đến khi khát nước mới đào
giếng thì làm sao hết khát được đây?
Vậy thành Phật là thành cái gì? Chúng
ta phải nhận rõ chỗ này, thành Phật là thành cái tâm sáng suốt, thanh
tịnh, chớ không phải thành cái thân năm,bảy chục ký lô này. Cái tâm sáng
suốt, thanh tịnh ấy ngay nơi mắt thì thấy biết rõ ràng,
tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.
Có một ông vua hỏi Thiền sư, “thành Phật là thành cái gì?”
Thiền sư đáp, “dám bảo bệ hạ đã quên”.
Chỉ một câu nói “dám bảo bệ hạ đã
quên” đã làm nhà vua sáng tỏ, hài lòng. Do không nhận cái mình thực có,
nên chúng ta đành cam chịu sống trong đau khổ, lầm mê.
Đạo Phật ra đời đã mở ra trang sử mới,
một trang sử huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, chưa từng có từ
trước tới nay. Đạo phật đã chỉ cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân,
nhờ biết quay lại chính mình; mình làm lành được hưởng phước, mình làm
ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng họa cho ta; nên đạo
Phật là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, là đạo của sự giác
ngộ, giải thoát, là đạo của con người, vì con người, vì lợi ích của
nhau, bằng trái tim hiểu biết trên tình thần đoàn kết, yêu thương, giúp
đỡ lẫn nhau.
Phật là danh từ chung, không dành cho
riêng ai như các quan niệm khác của thời xa xưa. Ai cũng có thể thành
Phật được, nếu quyết tâm chịu bắt chước buông xả và tu tập như Ngài, thì
chúng ta cũng sẽ thành Phật trong tương lai.
Sở dĩ, chúng ta không thành Phật và
phải chịu khổ đau trong luân hồi sinh tử là vì mình không thừa nhận nhận
mình có tính biết sáng suốt. Chỉ vì mình chẳng chịu thừa nhận chính
mình có hạt châu vô giá ngay nơi thân này, mắt thấy sắc nhưng rõ ràng
thường biết, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế, tại ta không chịu lấy
ra xài mà thôi.
Điều đầu tiên đức Phật đã chỉ là biết
khổ do chấp trước sai lầm, chấp là gốc của sự khổ đau; biết được khổ từ
nguyên nhân chấp trước, bám víu, tham ái, nên chúng ta phải tìm cách
chuyển hoá, buông xả cái khổ lớn nhất của con người là sợ chết, vì tham
sống nên sợ chết.
Chúng ta luôn tham muốn thân này luôn
sống đời mãi mãi, nên mọi người coi cái chết là việc cấm kỵ nhất. Do đó,
khi gặp người thân thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, chúng ta đều luôn cầu
chúc cho nhau mạnh khoẻ, sống lâu, mà ta không biết phải gieo nhân nào
để được sống thọ. Nhân sống thọ là không sát sinh, hại vật, bởi mạng
sống từ con người cho đến muôn loài vật, ai cũng đều ham sống sợ chết,
ta muốn sống thọ mà cứ giết hại hoài, thật “thất nhơn ác đức” làm sao!
Vì sợ chết nên ai cũng tìm cách tránh né danh từ chết, và hình như từ
chết đã ám ảnh con người thành nỗi sợ hãi lớn, thậm chí đến khi tuổi
già, bệnh gần chết, khi mua hòm về vẫn nói là hòm thọ “tức là hòm sống.”
Cho nên, đã làm người trong trời đất
thì trước sau gì ai cũng phải chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, dù là
vua chúa hay người dân dã, bình thường. Do đó, với sanh thì mau lớn
trong từng giây, phút như một em bé khi mở mắt chào đời, chỉ bằng cùm
tay, ấy thế mà sẽ lớn lên với nhiều thay đổi; sanh cũng có nghĩa là sự
sống đang tăng trưởng, thay đổi và phát triển.
Còn đối với già thì sao? Da nhăn, tóc
bạc, mắt mờ, tai điếc, ăn uống, đi đứng khó khăn theo từng năm tháng, ai
rồi cũng sẽ phải già.
Với bệnh thì thân thể tiều tụy, đau
nhức hoành hành, làm ta đau khổ; sức khỏe dần hồi hao mòn, suy kém, làm
cho ta tốn tiền, hao của.
Khi chết thì con người không còn cựa quậy, hoạt động như bình thường, mà nhắm mắt xuôi tay, co cứng, rồi rã rời, thối rửa.
Vì lẽ ấy, đức Phật mới nói với vua Ba
Tư Nặc rằng, có bốn sự việc mà người thế gian không thoát khỏi được, đó
là sinh-già-bệnh-chết.
Chứng minh cho lời Phật dạy là chân
lý, đúng với lẽ thật thế gian là vô thường, chúng ta thường đau khổ khi
có người thân qua đời, nhất là người đó đã từng nuôi nấng, thương yêu,
chăm sóc, lo lắng cho ta được đầy đủ về mọi phương diện. Ngày nay, nếu
chúng ta chịu khó theo dõi tin tức trên các phương tiện báo chí, chúng
ta sẽ thấy, không biết bao nhiêu là cảnh sinh ly tử biệt luôn xảy ra
hằng ngày, chết chóc do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, lũ lụt, hạn
hán, sóng thần, động đất, tai nạn, già bệnh v.v…
Nào là khi mới sanh ra, chưa kêu tiếng
khóc chào đời, hoặc mới chập chững biết đi đã xa lìa cha mẹ, mới ngày
nào mẹ mẹ, con con, mà giờ đây không còn nữa; rồi tai nạn giao thông
chết tức tưởi, làm con người trong phút chốc đã trở thành người thiên
cổ. Những nỗi đau thương, mất mát luôn rình rập chúng ta trong từng
giây, từng phút trên thế gian này. Hiện nay, tai nạn giao thông đã làm
cho biết bao người đang khoẻ mạnh bị chết tức tửi, rồi bệnh tật tấn
công, kẻ chết non, người chết bất đắc kỳ tử, cái chết không tha thứ bất
kỳ một ai, không phải chúng ta sinh ra chờ đến già, bệnh mới chết.
Mọi người nên nhớ rằng, cái chết đến
với chúng ta rất bất ngờ, không báo trước, không chờ đợi, không hẹn hò,
không phải ai cũng đến già, bệnh rồi mới chết. Cái chết đến với chúng ta
thiên hình vạn trạng không sao kể hết, người chết trẻ, kẻ chết già,
người chết sông, kẻ chết suối, kẻ chết bụi, người chết bờ… người chết vì
súng đạn, gươm đao, kẻ chết vì thiên tai, lũ lụt, người chết vì thiếu
thốn, đói khát, lại có người vì uất hận, vì bức xúc mà quyên sinh, bức
tử. Tóm lại, cái chết không ai có thể thoát khỏi và trốn được. Trong
kinh Pháp Cú, đức Phật dạy như sau: Dầu trốn giữa hư
không, Ở biển khơi, núi rừng, Không
một nơi nào cả, Trốn thoát được cái chết.
Thời đức Phật còn tại thế, có bốn vị ngoại đạo tu chứng được ngũ thông:
_ Thứ nhất là thiên nhãn thông, thấy được tất cả người và vật, dù có vật cản hay vật không cản, đều thấy rõ ràng, thông suốt.
_ Thứ hai là thiên nhĩ thông, nghe được tất cả âm thanh lớn, nhỏ dù gần, hay xa.
_ Thứ ba là tha tâm thông, biết được tâm ý người đó đang suy nghĩ gì và muốn làm gì.
_ Thứ tư là thần túc thông, biến hoá lớn nhỏ tuỳ ý, thăng thiên độn thổ, lên trời, xuống đất, tuỳ ý biến hoá vô ngại.
_ Thứ năm là túc mạng thông, nhớ được
vô số kiếp về trước đang làm gì, ở đâu, và cuộc sống ra sao đều nhớ rõ
giống như người nhớ chuyện ngày hôm qua vậy.
Bốn vị ngoại đạo này đều biết trước
còn bảy ngày nữa là con quỷ vô thường đến đòi mạng, nên hợp lại cùng
nhau bàn cách trốn tránh và đến trình với vua Ba Tư Nặc, qua bảy ngày
sau sẽ trở lại thăm vua.
Vị thứ nhất dùng thần thông bay lên
núp trên đám mây xanh, người thứ hai dùng thần thông chui sâu vào lòng
núi, vị thứ ba dùng thần thông chui xuống biển sâu, vị thứ tư dùng thần
thông chui vào lòng đất. Thế là bốn vị yên trí rằng, mình sẽ trốn được
con quỷ vô thường và tin chắc là như vậy; nhưng đến giờ thần chết đến,
vị trốn vào hư không từ mây rớt xuống nát thây, vị thứ hai bị đá đè bẹp
dúm, vị thứ ba bị chết ngộp dưới nước, khi nổi lên bị sóng xô vào bờ, vị
thứ tư ở trong lòng đất, bị đất sụp chôn vùi thân xác.
Đây là quy luật tất yếu từ ngàn xưa
cho đến nay, dù có tu luyện đến mức độ nào như bốn vị ngoại đạo ấy, tuy
chứng được ngũ thông, nhưng cũng không thể nào trốn tránh được cái chết.
Do đó, sự ra đời của đạo Phật đã giúp ích cho nhân loại thấu suốt được
nguyên lý vô thường, để mỗi người chúng ta tự tỉnh thức, đừng lầm chấp
cái gì cũng là thường còn mãi mãi, để rồi gây thù, chuốt oán cho nhau,
mà làm khổ đau cho nhân loại.
Từ quan niệm sai lầm đó, một số người
cứ mãi đam mê, say đắm trong lạc thú trần gian, cố chấp bảo rằng, cuộc
sống này là trường tồn mãi mãi, cho nên mặc tình gây tạo nhiều tội lỗi,
đến khi phước hết, họa đến, ngồi đó mà than phân, trách phận, đổ thừa
tại-bị-thì-là. Cũng nhờ vô thường đổi thay, nên chúng ta mới tu được;
xưa là đồng hoang cỏ cháy, nay là mái chùa thân yêu thắm đượm tình
người.
Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới phát
triển và đổi thay, nhờ vô thường mà chúng ta mới tu được; nếu mọi thứ
đều cố định như quan niệm của thời xa xưa: trời chết sanh trời, người
chết sanh người, thú vật chết sanh thú vật, thì chúng ta tu hành đâu có
lợi ích gì?
Tâm tham-sân-si của con người cũng vô
thường, nên chúng ta mới có thể thay đổi được; mình có thể chuyển xấu
thành tốt, chuyển mê thành ngộ; không có một cái gì trên đời này mà cố
định cả, tất cả mọi hiện tượng, sự vật là một dòng chuyển biến liên tục,
thay đổi đến không thể ngờ.
Một Thiền sư Việt Nam sau khi ngộ đạo
đã nói về thân này như sau: Thân như bóng chớp có rồi
không, Cây cỏ xuân tươi thu héo tàn,
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi, Thịnh suy ngọn cỏ
hạt sương đông.
Đời người dài lắm cũng đến trăm năm là
cùng, như một giấc mộng dài, mới hôm nào ta còn bé nhỏ vui đùa, chạy
nhảy hồn nhiên, nay đầu tóc đã bạc phơ, lưng còng, gối mỏi, chân dùn.
Đời sống con người là như thế, mới qua thời tuổi trẻ mà giờ đây đã thấy
già nua.
Còn vạn vật thì sao? Bốn mùa thay đổi,
Xuân, Hạ, Thu, Đông, mới thấy cành hoa đẹp, giờ đã tàn. Thật đúng với
câu “phù dung sớm nở tối tàn”. Cuộc đời là như vậy, luôn biến chuyển đổi
thay, biết được như thế, chúng ta sẽ không còn bất an, sợ hãi trước bao
nỗi thăng trầm của kiếp nhân sinh.
Có thịnh ắt có suy, có sinh ắt có tử,
sống chết là lẽ đương nhiên, có gì phải lo, phải sợ, bởi thấy được như
vậy, nên các vị Thiền sư luôn tự tại trước nỗi sống chết vô thường,
“sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ.” Sống chết là lẽ đương nhiên,
là sự thường tình của thế gian, điều quan trọng là khi sống, ta làm
được việc gì đó thật sự có lợi ích thiết thực cho nhân loại hay không.
Đây là điều thiết yếu quan trọng mà
người con Phật cần suy nghĩ cho thấu đáo về cuộc sống của mình, ta luôn
phải thăng hoa trên bước đường tu tập, mang lại niềm an vui, hạnh phúc
cho mình và người. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự vô thường
của tâm.
TÂM VÔ THƯỜNG
Trước khi đi sâu vào tâm vô thường,
chúng ta cũng cần tìm hiểu, xác thân này do đâu mà có? Phải chăng do ta
điên đảo vọng tưởng mà có thân này? Đức Phật đã chỉ rõ, con người do vô
minh vọng động, bám víu trần cảnh, tham đắm sắc dục, chạy theo gió
nghiệp thức, chấp chặt vào đó, tạo ra ý thức hệ, nên nỗi khổ, niềm đau
bắt đầu có mặt.
Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau
tìm hiểu về tâm vô thường. Nói về tâm thì ai cũng cho rằng, cái hay suy
tư, nghĩ tưởng là tâm mình, nhưng nhìn kỹ lại thì tâm suy nghĩ đó khi
có, khi không. Bình thường thì tâm hay suy tư, nghĩ tưởng lăng xăng đó
lúc nào cũng quấy rầy chúng ta, nhưng khi nhìn lại, tìm kiếm chúng thì
không thấy đâu. Bởi tâm luôn thay đổi và biến dạng, khi thì buồn thương,
giận ghét, buổi sáng nghĩ chuyện này, buổi chiều nghĩ chuyện kia, lúc
nhớ về quá khứ, khi nghĩ đến tương lai, còn hiện tại thì bồn chồn, lo
lắng, tính toán đủ thứ, cho nên không được yên.
Vì thế, đức Phật gọi “tâm viên ý mã”
là vậy, nó giống như con khỉ chuyển cành, hay con ngựa chạy rong. Như
hai vợ chồng nọ sống với nhau rất hạnh phúc, được ba mặt con, hai vợ
chồng gây cãi nhau suốt ngày không thể nào khuyên can; mặc dù đã được
ban tư vấn hôn nhân hạnh phúc gia đình nhiều lần hoà giải, nhưng hai vợ
chồng vẫn nhất quyết ly hôn.
Trước lúc xa nhau, người vợ hỏi ba đứa con, “nay ba mẹ không thể sống cùng nhau được, các con bây giờ muốn theo mẹ hay cha?”
Đứa con thứ nhất nói “con theo mẹ”.
Đứa con thứ hai cũng nói “theo mẹ”, đến thằng cu Tí nhỏ nhất chẳng chờ
mẹ hỏi, nó nói “con theo mẹ à”. Nghe đến đây, người chồng liền nói, “ba
đứa tụi nó theo bà thì tôi cũng theo em luôn”.
Bởi tâm con người luôn thay đổi, khi
thì suy nghĩ chuyện này, lúc lại suy nghĩ chuyện kia, không bao giờ
ngừng nghỉ. Như hai vợ chồng nọ, ai cũng muốn mình có quyền quyết định
mọi thứ trong nhà, chẳng ai nhường nhịn ai. Làm chồng thì có nghiệp của
người nam, làm vợ thì có nghiệp của người nữ, không ai giống ai, vì
nghiệp của người nam và nữ khác nhau, ta không thể buộc mọi người theo ý
riêng của mình.
Vì vậy, vợ chồng cần phải biết thông
cảm và tha thứ lẫn nhau, ai cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề
tận dụng cái tốt cho nhau. Nhìn chung, từ cuộc sống cá nhân, gia đình,
cho đến quan hệ xã hội, không thể có khuôn mẫu giống nhau được. Người
nam thì lúc nào cũng cứng rắn, mạnh mẽ, còn người nữ thì yếu mềm, dịu
dàng; do đó, nam và nữ gặp nhau rất khó mà hòa hợp với nhau được.
Khi hình thành một gia đình, một bên
cương, một bên nhu và bất đồng như vậy, nên muốn hoà hợp, tạo hạnh phúc,
không phải là chuyện dễ dàng. Theo lời Phật dạy, cả hai vợ chồng cần
phải biết thông cảm, tha thứ cho nhau, chồng nói vợ nghe, vợ khuyên
chồng biết hối cải thì mới được, chứ vợ chồng không chịu nhường nhịn lẫn
nhau, cứ ngấm ngầm bất đồng quan điểm, cho đến khi “tức nước vỡ bờ”,
dẫn đến ly thân, ly dị là điều không tránh khỏi.
Như vậy, con người sống trong thế gian
không thể có hạnh phúc tuyệt đối. Vậy mà ai cũng đòi được an vui, hạnh
phúc, mà chúng ta không chịu nhường nhịn nhau. Tâm con người lúc nào
cũng tham muốn đủ thứ, lúc thì muốn cái này, khi thì muốn cái kia.
Người nam thường quan niệm rằng, mình
là trụ cột gia đình, vợ chỉ là người tuân theo, nếu không làm theo đúng ý
mình thì chửi mắng, hành hạ, đánh đập. Bởi vì người nam thường cho
rằng, mình là phái mạnh, là trụ cột gia đình, có quyền quyết định tất cả
theo quan niệm khi xưa của thời phong kiến, “chồng chúa vợ tôi”.
Đó là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia
đình, gây đau khổ và làm tan vỡ hạnh phúc. Vì vậy, sống trong cõi đời
này, chúng ta phải biết tu tập để thấy rõ được nguyên nhân sâu xa của
nó, cố gắng vượt qua những bất hạnh, khổ đau do hai vợ chồng không biết
thông cảm và tha thứ cho nhau. Trong cuộc sống hiện tại của một số gia
đình, tuy dường như thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trong gượng gạo,
không phải là thứ hạnh phúc chân thật và lâu bền.
Do đó, để tạo được hạnh phúc thật sự
trong cuộc sống gia đình, mọi người phải biết nhường nhịn lẫn nhau,
chồng nói vợ nghe, chồng giận vợ nhịn, vợ khuyên thì chồng phải biết hối
cải, mỗi người phải biết cảm thông, bao dung và tha thứ. Cho nên, ca
dao Việt Nam có câu:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, bớt lửa, mấy đời cơm khê.
Nhân duyên nói về tâm vô thường, tôi
kể câu chuyện trên để chúng ta cùng nhau suy ngẫm lời Phật dạy. Tâm con
người luôn thay đổi và biến dạng, không lúc nào ngừng nghỉ; vì vậy chúng
ta phải khéo tu, nhờ tu mà mình dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.
Như trường hợp hai vợ chồng trong câu
chuyện trên, đã quyết chí ly hôn dù nhiều người khuyên nhủ, cả hai người
vẫn khăng khăng trước sau như một, nhất quyết ra toà ly dị, nhưng khi
người vợ hỏi mấy đứa con theo ai, ba đứa đều trả lời theo mẹ. Lúc đó,
người chồng nghe ba đứa con nói vậy nên chìu theo ý mấy đứa con, “chúng
nó theo bà, thì tôi cũng theo em luôn.” Thế là từ đó về sau, hai vợ
chồng chung sống với nhau rất hoà thuận và hạnh phúc, nhờ biết cảm thông
và nhường nhịn lẫn nhau.
Cũng nhờ tâm con người vô thường, luôn
thay đổi, chúng ta mới tu được, mới chuyển hóa được những ý nghĩ xấu
xa, hại người vật, thay vào đó là những tâm tư thiện lành, tốt đẹp, có
tính cách giúp đỡ, an ủi nhau. Trong kinh Phật dạy rằng, “tâm phàm phu
cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô hình dạng, như ẩn náu hang sâu, nếu
điều phục được tâm thì thoát khỏi khổ đau, mê lầm từ muôn kiếp.”
Có một chú tiểu xuất gia với thầy
mình, nguyên là cậu ruột ngoài đời, vị thầy này đã chứng quả A-La-Hán.
Một hôm, chú tiểu được thí chủ cúng dường cho hai xấp vải. Chú mừng quá,
nhanh chân đi về chùa để cúng dường lại cho thầy, nhưng chú năn nỉ mãi
mà thầy vẫn không nhận, buồn quá, chú nản chí, không muốn tu tập nữa.
Hôm nọ, chú đang đứng quạt hầu thầy,
trong lòng vẫn còn buồn về chuyện thầy không chịu nhận hai xấp vải, chú
mơ màng để tư tưởng trở về với dòng đời: Mình mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ,
chỉ có cậu là người thân yêu duy nhất, nay là thầy mình, vậy mà thầy
không thương tưởng, đoái hoài đến mình, thôi thì mình không theo thầy tu
học nữa, mình ra đời gầy dựng sự nghiệp thế gian cho rồi. Nhưng ra đời
rồi phải làm gì để sống đây?
Chú cứ miên man trong dòng suy tư,
nghĩ tưởng, mà lòng càng thêm buồn rầu, lo lắng, bất an. Đang lúc mơ
mộng chạy theo dòng suy tư, nghĩ tưởng, bỗng nhiên chú loé lên một vấn
đề:À đúng rồi, hay là mình đem hai xấp vải này ra chợ bán đi, lấy tiền
mua một con bò cái về nuôi, bò chỉ ăn cỏ ngoài đồng, không tốn tiền mua
thức ăn cho nó, còn mình hằng ngày chỉ việc dẫn bò đi ăn. Sống như thế
thật là sung sướng và hạnh phúc làm sao? Bò thì mỗi năm sanh một con,
đến chừng tám năm sau, mình có thêm một đàn bò chừng hơn chục con. Thế
thì tốt quá, rồi mình sẽ bán hết số bò đó, chỉ chừa lại một con nuôi
tiếp, còn lại bao nhiêu mình mua nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Khi đó,
mình sẽ là ông chủ một gia tài đồ sộ, và sẽ cưới một cô vợ trẻ xinh đẹp.
Sau khi đứa con đầu lòng được sinh ra đời, mình sẽ dẫn vợ con về thăm
thầy, cho quy y làm đệ tử Phật.
Nghĩ như thế xong, trong lòng chú tiểu
mừng vô hạn, bỗng dưng cô vợ trượt chân té, thằng bé đang bồng trên tay
kháu khỉnh rơi xuống đất, khóc bù lu bù loa, tức quá, không kìm hãm
được cơn giận, chú sẵn trên tay cầm cây quạt khỏ lên đầu vợ liền mấy
cái, đã bảo mà, đi không nhìn trước ngó sau gì hết, để con bị té như
vậy, đàn bà gì mà không ý tứ chút nào”.
Bỗng nhiên, chú nghe một giọng nói điềm đạm, “con đang gõ lên đầu thầy, con có thấy không?”
Giật mình, chú tiểu tỉnh lại giấc chiêm bao mà sám hối xin thầy tha thứ tội lỗi.
Câu chuyện trên đã nói lên tâm ý của
con người lúc nào cũng toan tính, tham muốn đủ thứ, suy nghĩ hết chuyện
này lại đến chuyện kia; vì chúng ta cho rằng tâm này là ta, là mình, nên
ta nói, ta suy nghĩ đủ thứ. Chú tiểu đang đứng hầu thầy mà tâm tư cứ
tưởng nghĩ đâu đâu, chẳng khác nào loài vượn khỉ đang chuyển cành. Cho
nên, Phật dạy, tâm suy tư nghĩ tưởng là vô thường không thật có, khi ta
nhìn lại thì thấy nó mất tiêu.
Bởi tâm ý con người vô thường thay
đổi, nên mình mới tu được; còn nếu tâm con người không thay đổi được thì
trước sau như một, làm sao mình tu tập được và cũng chẳng cần tu để làm
gì? Vì có tu nó cũng như vậy, không thể thay đổi được, chúng ta vẫn
suốt đời, suốt kiếp sống trong vô minh, phiền não mà thôi.
Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều ai
cũng có thể cảm nhận được rằng, tâm này là vô thường. Cho nên, vua Trần
Thái Tông, một vị Thiền sư đời nhà Trần, Việt Nam nói về tâm suy nghĩ
như sau: Nghiệp căn ý là nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu
tình trần, kẹt tâm chấp tướng như tằm kéo kén, càng buộc càng bền, như
bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.
Chúng ta ai cũng nghĩ hết chuyện này
đến chuyện nọ, nào là buồn, thương, giận, ghét, khen chê, đúng sai, phải
quấy, tốt xấu, lo lắng đủ thứ, khi thì điên đảo vọng tưởng, nghĩ mình
là trung tâm của vũ trụ, nên khi có quyền hành trong tay thì muốn” bình
thiên hạ”, do đó vua Trần Thái Tông mới nói: Nghĩ vơ nghĩ vẫn, không lúc
nào dừng.
Tâm đã suy nghĩ lăng xăng, còn cho
mình là ta, là tôi, nên dính mắc, chấp trước vào đó, và còn cho rằng cái
hay suy nghĩ của mình là nhất thiên hạ. Đôi khi, chúng ta suy tư, nghĩ
tưởng muốn vỡ tung cái đầu, mà vẫn cứ suy nghĩ hoài không để nó yên; đó
là ta tự chuốt hoạ vào thân như con tằm kéo kén, càng buộc càng bền, rồi
rốt cuộc rồi bị người ta cho vào nồi nước sôi.
Cái hay suy ngĩ, tính toán, phân biệt
hơn thua đủ thứ hết luôn thay đổi trong từng phút giây, mới vừa buồn
khóc đó, chưa ráo nước mắt liền vui vẻ khi gặp người thân, mới giận liền
thương. Trong một ngày, có hàng trăm cái hay suy nghĩ như vậy, có khi
nghĩ điều thiện lành, tốt đẹp như Phật, có lúc nghĩ điều xấu, ác giống
như cọp sói.
Tâm niệm của chúng ta lúc nào cũng
luôn thay đổi không dừng, vì thế đức Phật mới nói, tâm suy tư nghĩ tưởng
là vô thường, đã vô thường mà cứ nhận lầm mình là ta, là tôi; từ đó, ai
không đồng quan điểm với mình thì chống đối lẫn nhau, dẫn đến thù hằn,
ghét bỏ, rồi tìm cách giết hại nhau.
Phật dạy, “chúng ta thấy rõ tâm vô
thường để mọi người đồng cảm thông với nhau, ai cũng có cái suy nghĩ
riêng của mình, nên không ai giống ai. Do suy nghĩ và quan niệm không
hợp nhau, sinh ra oán giận, thù hận và chống đối lẫn nhau. Trong gia
đình, con cái không biết kính trên nhường dưới, vợ chồng không vui vẻ,
hoà thuận, chỉ vì chấp trước cho rằng tư tưởng của mình là đúng, không
ai nhường nhịn ai.
Chúng ta vẫn biết, tâm vô thường không
phải là gươm đao hay súng đạn, nhưng nó có thể giết chết mình vì bất
đồng quan điểm, giết chết mình trong từng ý niệm. Một ý nghĩ vừa dấy
lên, muốn lấy trộm đồ của người khác, nếu ta không biết kịp thời ngăn
dừng, thì bao tai họa sẽ bắt đầu ập đến bởi tâm tham lam của mình.
Chính vì vậy, người Phật tử chân chính
phải biết tu ngay nơi ý nghĩ ban đầu vừa mới chớm lên, để chuyển hoá
chúng trở về bản thể ban đầu. Chúng ta chỉ cần điều phục ngay nơi tâm ý
của mình, bằng cách nghĩ điều có lợi cho người và vật, nên duy trì và
tiếp tục phát huy.
Những suy nghĩ làm tổn hại cho người
vật thì mình tìm cách chuyển hóa, không cho chúng phát sinh; tu như vậy
thì mọi người sẽ được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, khỏi
mong cầu đâu xa.
TỰ TẠI KHI BIẾT VÔ THƯỜNG
Trên đời này, không có gì hạnh phúc
cho bằng khi ta đang đứng trước lằn tên, mũi đạn, mà vẫn bình tĩnh, an
nhiên, tự tại. Một vị Thiền sư đã nói trước lúc ngài bị hành hình:
Đưa đầu kề gươm bén,
Giống như chém gió xuân.
Chúng ta thấy, vị Thiền sư đó quá ư là
hạnh phúc. Đứng trước cái chết sờ sờ trước mặt mà Thiền sư vẫn bình
tĩnh, ung dung, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu ai sống được như
vậy thì có gì phải lo lắng và sợ hãi, dù cho tám gió thổi tới cũng không
làm gì được Thiền sư, vì Ngài đã như như bất động.
Cư sĩ Bàng Long Uẩn trước kia làm quan
theo nghiệp nho, sau có dịp tham cầu Phật pháp, liễu ngộ sự vô thường
của cuộc sống, nên ngài quyết chí tu hành cầu giác ngộ, giải thoát, ngài
sống một đời rất đơn giản và thanh bần.
Ông có một vợ và hai đứa con, một
trai, một gái. Sau khi đốn ngộ lý nhiệm mầu của Phật pháp không ngoài
thân này, không tìm cầu đâu xa, ông trở về nhà, đem hết tài sản, của cải
đổ xuống sông Tương, hằng ngày cùng cô con gái chẻ tre, đan sọt mang ra
chợ bán. Vợ ông cùng đứa con trai để lại chút đất làm ruộng nuôi thân
qua ngày, không màng đến công danh sự nghiệp. Cho nên, thế gian có bài
thơ khen tặng và ca ngợi gia đình ông như sau:Có con trai không cưới
vợ,Có con gái không lấy chồng,Cả nhà đều sống hoà hợp,Cùng nhau nói lời
vô sanh.
Đúng là chuyện khó tin nhưng mà có
thật, hiếm thấy trong cuộc đời này, ít có gia đình nào mà cả nhà đều rũ
bỏ hết danh lợi, sống đời thanh bần, trong sạch, đem giáo lý giác ngộ,
giải thoát ứng dụng vào đời sống hàng ngày mà làm gương cho hậu thế.
Người đời vì không biết, nên tham lam, sân hận, si mê, cái gì cũng muốn
giành lấy về cho riêng mình, sẵn sàng tán tận lương tâm, làm điều xằng
bậy, không biết nhân quả, nghiệp báo, tội phước là gì.
Bàng Long Uẩn là một ông quan có quyền
thế, danh lợi đầy đủ, mà lại dám bỏ hết tất cả để sống đời đơn giản,
thanh bần, trong sạch, và còn hướng dẫn cho cả gia đình cùng tu theo.
Cho nên, có con trai không cho lấy vợ, có con gái không cho lấy chồng,
để cùng nhau sống đời giác ngộ, giải thoát.
Nhiều người ở thế gian vì tiếc nuối
tài sản, của cải, nên nói rằng, “tại sao ông không đem tài sản đó để bố
thí, giúp đỡ nhiều người khác, mà đổ hết xuống sông Tương như vậy quá
phí phạm, trong khi nhiều người rất cần nó vì đang thiếu thốn, khó
khăn?” Việc này, chúng ta phải hiểu theo ý sâu xa của nó, khi con người
sống với bản tâm chân thật thì không màng đến danh lợi, của cải vật
chất, vì nó là nguyên nhân dẫn đến mọi khổ đau trong cuộc đời.
Đến khi sắp tịch, ông bảo cô Linh
Chiếu-con gái của ông ra xem thử mặt trời đúng ngọ chưa, rồi vào cho ông
hay. Linh Chiếu ra xem, vào thưa, “mặt trời đúng ngọ, nhưng có nguyệt
thực”. Ông ra cửa xem. Linh Chiếu lên toà của ông ngồi kiết già, chấp
tay thị tịch. Ông vào xem thấy, cười nói, “con gái ta lanh lợi quá!” Ông
bèn chậm lại bảy ngày sau. Châu mục Vu Công đến thăm bệnh ông. Ông bảo,
“chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở
thế gian đều như bóng vang”. Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu
Công mà thị tịch. Tin ông tịch đưa về nhà cho bà hay. Bà nói, “con gái
ngu si và ông già vô tri không báo tin mà đi, sao lại ngớ ngẩn vậy?” Bà
ra báo tin cho con trai đang làm ruộng biết, “ba con và Linh Chiếu đi
rồi”. Người con trai đáp, “dạ, con biết rồi”, rồi đứng lặng thinh
giây lâu, liền tịch tại chỗ. Bà nói, “lại thêm một thằng ngu si
nữa”. Lo mai táng con xong, bà từ biệt họ hàng thân thuộc rồi biệt tích
luôn, không ai biết bà đi về đâu.
Đây là một câu chuyện hy hữu, hiếm có
từ trước đến nay, có thật trong Thiền sử Trung Hoa, gia đình cư sĩ Bàng
Long Uẩn là một tấm gương sáng chói, đáng để cho chúng ta học tập và noi
theo. Sau khi thấu suốt lý vô thường, ông quyết chí cầu đạo giác ngộ và
giải thoát., nhưng dưới hình thức là một người cư sĩ tại gia, nhưng tâm
hạnh thì của người xuất gia. Cốt chuyện này nói lên tinh thần bình đẳng
trong tu tập, người tại gia vẫn có phần giác ngộ giải thoát nếu tu đúng
lời Phật dạy, bởi ai cũng có tính biết sáng suốt ngay nơi thân này, chỉ
cần chúng ta quyết chí là được.
Như ở Việt Nam, chúng ta vẫn có Ngài
Tuệ Trung thượng sĩ đó, trước lúc ra đi vẫn an nhiên tự tại, để ta thấy
mọi người đều có phần, chỉ vì chúng ta chẳng chịu thừa nhận mà thôi.
Muốn được như vậy, ông phải bỏ hết tất cả tài sản, của cải, vật chất,
không còn bận tâm, vướng mắc, sống đời đơn giản để dễ dàng tu hành. Nhờ
vậy, cả gia đình ông đều ngộ đạo, làm chủ được sự sống chết, bình thản
ra đi một cách an nhiên, tự tại.
Thưa quý thiện hữu tri thức, chúng ta
học những lời Phật dạy, ai cũng biết thân và tâm đều vô thường, còn hoàn
cảnh và vạn vật có vô thường hay không? - Cũng vô thường.
HOÀN CẢNH VÔ THƯỜNG
Đức Phật dạy, “mọi hiện tượng, sự vật
đều tương quan mật thiết, nương nhờ lẫn nhau, cho nên, cái này có thì
cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia
sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Tất cả các pháp có hình tướng trên
thế gian này đều do nhân duyên sanh, nên hoàn cảnh sự vật cũng đều đổi
thay vô thường.
Lớn như quả địa cầu chúng ta đang
sống, dù nó có trụ hàng tỉ tỉ năm, nhưng đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ
hoại diệt, nên Phật nói, “thành-trụ-hoại-không” là vậy.
Kính thưa quý vị, hoàn cảnh, tức là
những sự vật có mặt trong bầu vũ trụ bao la này như trời, đất, trăng,
sao, đủ các thứ thiên hình, vạn trạng, cho đến vật nhỏ nhất như hạt cát,
hạt bụi, cũng đều bị sự vô thường chi phối, đổi thay.
Mới xưa kia là lầu cát nguy nga, tráng
lệ, mà nay là biển cả mênh mông, xưa là rừng hoang vắng vẻ, nay thì phố
xá, chợ búa đông đúc; đó là lẽ đương nhiên thường tình của thế gian. Do
hoàn cảnh, sự vật luôn thay đổi, biến dạng, tuỳ theo nhân duyên thuận
nghịch, không có gì là cố định, nên nói hoàn cảnh chúng ta đang sống là
vô thường.
Ai cũng biết, con người phải chịu sự
chi phối của sinh-già-bệnh-chết, nên gọi là vô thường; còn các vật thể
lớn như trời, đất, trăng, sao có chịu sự chi phối của luật vô thường hay
không?
Trong Kinh Kim Cang nói, “phàm cái gì
có hình tướng đều hư hoại”. Chính núi sông cũng có lớn, có nhỏ, khi lỡ,
khi bồi, rồi thời gian, khí hậu bốn mùa thay đổi, sớm nắng, chiều mưa;
mùa nắng thì cây cối ủ rủ, cằn cỗi, héo tàn; mùa mưa thì cây cối xanh
tươi, nẩy nở; và thời gian cứ như thế trôi qua nhanh chóng, trên thế
gian này không có một thứ gì là cố định; nhưng chúng ta cứ mãi chấp chặt
vào đó, cho rằng cái gì cũng thường còn vĩnh viễn, để khi mất mát thì
sanh tâm tiếc nuối, khổ đau.
Tóm lại, chúng ta học đạo lý vô thường
để không sanh tâm cống cao, ngã mạn lúc thành công, không bi quan, chán
nản khi thất bại, mà biết nhìn nhận đúng lẽ thật cuộc đời để mình sống
tốt hơn. Thân của chúng ta cũng phải già-bệnh-chết, mình cũng đâu thể
cưỡng lại được, vì bản chất của nó là không thật có, nên gọi là vô
thường; còn cái gì thường thì trước sau như một, nguyên vẹn, không bao
giờ thay đổi.
Do chúng ta chấp thân này là thật, nên
mới thấy nó cao quý, lâu dài, cố bám víu, đắm say, đam mê, tham lam,
giành giựt vì nó. Bởi chúng ta si mê, chấp thân này là thường, tưởng nó
là thật, nên mình sanh lòng tham lam, giành lấy mọi thứ về cho riêng
mình, mà hễ tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sanh ra
oán ghét, hận thù, chờ cơ hội trả đũa.
Trên cõi đời này, người nào nhận rõ
được thân này là vô thường thì ít sanh lòng tham lam, ích kỷ, cho đến
khi già-bệnh-chết không lo lắng, sợ hãi, không luyến tiếc một thứ gì. Do
đó, khi sống người ấy được bình yên, hạnh phúc, đến khi chết vẫn bình
thản, an nhiên, tự tại ra đi.
Đức Phật chỉ dạy đạo lý vô thường để
giúp chúng ta ý thức được cái gì có hình tướng đều hư hoại mà cố gắng tu
hành, vượt qua nỗi khổ, niềm đau, biết gầy dựng cuộc sống tốt đẹp ngay
tại đây và bây giờ; và cũng nhờ vô thường nên con người cho đến các loài
vật mới đổi thay và phát triển sao cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.
ÔNG GIÀ VÔ THƯỜNG
Có một ông già nọ tuổi đã già, nhưng
hàng ngày vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi thân. Một hôm, sau khi vào
rừng đốn củi mang về, vì đường sá xa xôi, lại phải vác nặng, nên ông cụ
kiệt sức giữa đường. Ông đặt bó củi xuống đất rồi ngồi than thở một
mình, “khổ cho thân già tui quá trời! Đến từng tuổi này mà còn gian nan,
vất vả quá chừng! Giá mà bây giờ thần chết đến rước mình đi thì hay
biết mấy! Mình muốn bỏ quách cái thân già khốn khổ này đi cho rồi”.
Ông nói vừa dứt lời, vị thần chết xuất
hiện ngay, “ta là thần chết đây, ông lão cần gì, ta sẽ giúp cho ông
được toại nguyện?” Ông già nghe nói vậy, sợ quá, run lên cằm cặp nói,
“dạ, kính lạy thần chết! Xin ngài nhấc hộ dùm bó củi lên vai để lão vác
về kẻo trời tối”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy con
người khi khổ quá thì muốn chết, doạ chết, đòi chết, trối chết, nhưng
đến khi cái chết đến gần thì sợ hãi, không muốn chết. Ông già tiều phu
kia cũng vậy, lúc thấy mình quá khổ, phát sinh ý chết quách để hết khổ,
thân xác khỏi phải nhọc nhằn, nhưng khi thần chết hiện ra thì ông hoảng
hồn, sợ chết, muốn đặt gánh củi lên vai và cảm thấy việc gánh củi về nhà
là điều hạnh phúc nhất.
SỐNG CÓ ÍCH VÌ BIẾT VÔ THƯỜNG
Đức Phật dạy chúng ta hiểu được lý vô
thường, mục đích là để ta biết sống có bổn phận và dám chịu trách nhiệm
về mọi hành vi tạo tác của mình đối với gia đình, xã hội, không bi quan,
không yếm thế, không chán nản, không buồn lo trước cuộc sống tạm bợ,
mong manh này.
Cũng bởi kiếp người vốn vô thường,
ngắn ngủi, mong manh, nên trong Khế Kinh có kể rằng: Có một người chuyên
làm việc ác, khi chết bị quỷ sứ bắt vong hồn dẫn đến trình vua Diêm
Vương. Vua hỏi, “ở trần gian, sao ngươi không làm việc thiện mà hay làm
việc ác như vậy, để bây giờ bị đoạ xuống đây chịu hành hình?” Vong hồn
ấy trả lời, “thưa Diêm chúa, ở trần gian chúng tôi, nhà nước muốn làm
việc gì còn phải thông báo trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt người chết
đột ngột thế này, thử hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp được?”
“ngươi ở trần gian có thường thấy người già, người bệnh, người chết hay
không?” “Dạ thưa có.” “Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho
người trần gian biết rồi đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không
phải già-bệnh-chết không?” “Dạ thưa không.” “Vậy tại sao ngươi không lo
tu tập, lo làm việc thiện, để bây giờ bị giải xuống đây rồi ngươi lại
cãi chày, cãi cối với ta?”
Lúc bấy giờ, một vong hồn trẻ tuổi
ngồi bên cạnh liền lên tiếng phản đối Diêm Vương, “dạ thưa Ngài, tôi
không chịu đâu, Ngài thật là không công bằng chút nào; đối với ông già
kia, Ngài đã gửi nhiều thông điệp cho ông ta, còn tôi Ngài chưa hề gửi
cho một thông điệp nào mà bắt tôi xuống đây, thật oan uổng cho tôi quá
chừng!” Diêm chúa nghe vong hồn trẻ khiếu nại, liền cười, “tại nhà ngươi
không chịu mở mắt to ra mà thấy, chứ ta làm việc rất công bằng, không
bao giờ có chuyện thương người này, mà ghét bỏ người kia. Ta lúc nào
cũng có gửi tin báo trước cho mọi người hay biết, tại nhà ngươi không
chịu để ý đó thôi.” “Ngài gửi thông báo lúc nào, sao tôi không thấy?”
Diêm chúa mới cười nói, “nhà ngươi có thấy đứa bé ở nhà đối diện với
ngươi hay không? Nó mới năm tuổi mà bị chết vì tai nạn giao thông đó!
Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không chết. Ta lúc nào cũng công
bằng liêm chính, chí công vô tư, tại ngươi không chịu để ý, hoặc ngươi
thấy mà vẫn làm càn, làm bướng đó thôi”.
Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn
vô thường, ngắn ngủi, giống như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt
đi bất cứ lúc nào. Thân người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già,
bệnh mới chết, mà mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do,
vì vậy mà có câu:
Chớ bảo đến già mới tu tập
Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh.
Hiểu được lý do vô thường của vạn vật
để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san
sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê,
tham đắm vào xác thân này mà làm khổ luỵ cho nhau. Câu chuyện trên cho
ta một bài học đạo lý về mạng sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Quý
vị nên nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ
là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt,
xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong
tương lai.
Thế gian này không có gì là mất hẳn dù
là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô
thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều
thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại
và mai sau.
Ai sống được như vậy, đến khi thần
chết hiện đến, ta không sợ hãi, hốt hoảng, mà bình thản ra đi với một
hành trang tốt đẹp; còn những thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc,
nhà cửa, mình đều bỏ lại, không mang theo được món nào, lúc ấy chỉ có
nghiệp báo tốt, xấu do ta tạo dựng lúc còn sống sẽ theo mình suốt đời mà
thôi. Biết được như vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi, không tiếc
nuối bất cứ một thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.
NGHIỆP VÀ SỰ SỐNG
Tất cả mọi người, ai sinh ra trên cõi
đời này đều phải chịu sự chi phối của nghiệp. Người Phật tử mà không
hiểu rõ ràng, cặn kẽ về nghiệp báo, thì sự tu hành khó mà đạt đến chỗ an
lạc, giác ngộ và giải thoát. Vậy nghiệp là gì mà Phật tử chúng ta cần
phải hiểu để áp dụng trong đời sống hằng ngày?
Nghiệp rất đa dạng, phức tạp và phong
phú, bởi nghiệp là sự kết tụ của những năng lực, những hành động được
lặp đi, lặp lại nhiều lần qua thân-miệng-ý, lâu ngày trở thành thói
quen; rồi thói quen đó có sức mạnh chi phối, dẫn dắt thần thức chúng ta
đi vào trong luân hồi sanh tử.
Tuy nghiệp rất đa dạng và phức tạp,
không cố định như ta lầm tưởng, do đó mình có thể thay đổi thông qua sự
tinh cần tu tập, hành trì những lời Phật dạy, chuyển nghiệp xấu thành
nghiệp tốt. Nghiệp gồm có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Cộng nghiệp là
nghiệp chung của nhiều người, biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng
người.
Nghiệp là thói quen huân tập lâu ngày
thuần thục, tạo thành sức mạnh, có khả năng chi phối mọi người sinh hoạt
trong cuộc sống hằng ngày. Ngay từ khi mở mắt chào đời, con người đã
chịu nghiệp nhân của quá khứ, dần dần khôn lớn, con người tiếp tục tạo
tác và huân tập thêm những nghiệp nhân mới.
Ai biết sống gần gũi những người hiền
thiện, đạo đức, có nhân cách và phẩm chất cao đẹp, hay làm những điều
hay lẽ phải, nhờ sống gần người hiền thiện nên mình cũng bắt chước làm
người tốt theo, và có thể giúp ích cho gia đình, xã hội, không vì quyền
lợi cá nhân.
Còn người hay sống gần gũi những kẻ
xấu ác, bất lương, bất thiện, lâu ngày sẽ bị tiêm nhiễm thói hư, tật
xấu, tự làm khổ mình, hại người, và sẽ bị mọi người khinh chê, xa lánh.
Cũng vậy, chúng ta sanh ra trong cuộc
đời này, mỗi người đều phải mang theo nghiệp riêng của mình. Vì thế,
trong một gia đình, nhiều người cùng sống chung với nhau, nhưng mỗi
người chấp giữ và làm theo nghiệp riêng của mình, nên không ai chịu thừa
nhận nghiệp riêng của người khác. Do đó, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh
em trong nhà không có sự hòa hợp với nhau là vậy đó, vì ta không biết
tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Chính vì thế, trong một cộng đồng xã
hội mới có sự tranh chấp, cãi vã, xung đột, không chịu nhường nhịn, gây
đau khổ, bất hạnh cho nhau.Trong gia đình, người chồng huân tập nghiệp
của người nam, người vợ huân tập nghiệp của người nữ, hai nghiệp này
không giống nhau, đôi khi nghiệp của hai vợ chồng có nhiều điểm sai biệt
và tương đồng với nhau. Cho nên, có nhiều cặp vợ chồng gây cãi, đánh
đập với nhau hoài, chỉ vì người nào cũng chấp cái lý lẽ, cái hành động
của mình là đúng, không chịu thông cảm, tha thứ cho nhau, để tạo nên bầu
không khí gia đình ấm êm, an lành, hạnh phúc.
Xưa có một gia đình nọ, người vợ biết
lo làm ăn, tiết kiệm, luôn tròn bổn phận người vợ đối với chồng, biết
quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho con cái đàng hoàng. Ngược lại, người
chồng thì bê tha, biếng nhác, rượu chè, cờ bạc. Mỗi lần ông cờ bạc bị
thua, về nhà kiếm chuyện gây gỗ với bà, nếu vợ không đáp ứng đủ các thứ
cho ông, thì bị ông chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn. Người trong nhà và
hàng xóm ai thấy cũng thương tâm, không biết bà đã gieo tạo nghiệp nhân
gì mà phải chịu quả báo như thế. Mọi người thắc mắc tại sao bà lại không
chịu ly dị, bà nói vì bà vẫn còn thương chồng, nên bà không ly dị.
Bởi do mỗi người đều có nghiệp riêng
của mình, không ai giống ai. Kết nghĩa vợ chồng với nhau mà sống bất
hạnh, khổ đau như vậy là do hai người đã có tạo nghiệp ngang trái, nợ
nần với nhau, nên dù bị đánh đập, chửi mắng, đối xử với nhau thậm tệ, mà
người ta vẫn cứ thương nhau, không thể rời xa nhau được.
Ai thấu hiểu được vấn đề nghiệp riêng
này, họ sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho nhau. Chỉ vì ta không thường
xuyên quán chiếu, hoặc thiếu tu hành, nên mới xảy ra nhiều điều bất
hạnh như thế. Do vậy, chúng ta thấy, nhiều người sinh ra trong một gia
đình, cùng cha, cùng mẹ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng học hành,
thế mà mỗi người mang một tính khí khác nhau. Sự sai biệt ấy là do
nghiệp riêng của mỗi người tạo nên, còn việc họ được sinh ra và chung
sống trong một gia đình là do họ cũng có một số nghiệp chung với nhau.
Những người có nghiệp duyên với nhau là do họ đã có cộng nghiệp với nhau
từ kiếp trước, nên đời này họ mới phải chịu chung một hoàn cảnh nhất
định nào đó.
NGHIỆP CHUNG VÀ NGHIỆP RIÊNG
Trong thời Phật còn tại thế, tại núi
Linh Thứu, cùng lúc có nhiều đoàn Tỳ kheo đi thiền hành. Đoàn thứ nhất
đi theo ngài Xá Lợi Phất, đoàn thứ hai đi theo ngài Mục Kiền Liên, đoàn
thứ ba đi theo ngài Phú Lâu Na, đoàn thứ tư đi theo ngài A Na Luật, đoàn
thứ năm đi theo ngài Đề Bà Đạt Đa… Khi thấy các đoàn tỳ kheo hành thiền
riêng biệt như vậy, đức Phật mới nói rằng, “đoàn Tỳ kheo đi theo ngài
Xá Lợi Phất có nghiệp chung với Ngài, nên có trí tuệ đệ nhất. Đoàn Tỳ
kheo đi theo ngài Mục Kiền Liên có nghiệp chung là thần thông đệ nhất.
Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Phú Lâu Na có cộng nghiệp là thuyết pháp đệ
nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài A Na Luật có nghiệp chung là thiên nhãn
đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Đề Bà Đạt Đa có nghiệp chung xấu ác,
tranh giành, giết chóc, sau này dễ bị đoạ lạc.
Tuy nhiên, không phải ai theo ngài Xá
Lợi Phất là có trí tuệ đệ nhất, mà cần phải có thời gian hành trì, học
hỏi, vì ai cũng có nghiệp riêng của mình, nên mức độ đạt được tuỳ theo
khả năng, không nhất định là ai cũng được như vậy.
Do đó, nghiệp cũng không cố định, có
thể thay đổi được, vì sao? Vì nghiệp từ thân-miệng-ý tạo tác mà thành,
tuy có tác ý nhưng không thật. Cái gốc của việc tạo nghiệp lành, nghiệp
ác không có thật, bởi do si mê, ngu muội, mà tạo tác thành nghiệp dữ;
nếu ta biết định tĩnh, sáng suốt, thì tạo tác nên nghiệp lành.
Phật dạy, nghiệp là cái không thật,
tuy biết nó không thật, nhưng nếu si mê, để bị dính mắc nghiệp xấu ác,
thì sẽ thọ quả khổ đau không ai tránh khỏi, chỉ có người biết tu tập,
làm nhiều điều thiện lành thì quả xấu sẽ nhẹ hơn. Đối với thế gian,
người khôn ngoan có thể che giấu, trốn tránh tội lỗi, nhưng đối với
nghiệp báo thì ai tạo nghiệp gì thì phải chịu quả ấy, không thể trốn
tránh vào đâu được; vì khi tạo nghiệp thì mắt thấy, tai nghe, thân thể
cảm thọ, chủng từ nghiệp kết tụ, lưu trữ vào tàng thức, chờ khi hội đủ
nhân duyên thì nghiệp sẽ trổ ra.
Có người cho rằng, thân này hành động
tạo nghiệp thiện hay ác, đến khi chết thì những hành động ấy đâu còn
nữa, chỉ còn lại cái xác nằm trơ, rồi thối rữa, rã tan, làm sao biết
được nghiệp ấy còn hay mất.
Đây là quan niệm hết sức sai lầm của
không ít người lầm chấp, cho rằng chết là hết, không có nhân quả, không
có tội phước, nên họ mặc tình hưởng thụ các dục lạc thế gian, tha hồ gây
tạo tội lỗi, có khi gây nên tội ác tày trời mà lòng không chút ân hận.
Chính cũng vì quan niệm sai lầm như vậy mà bản thân tôi hơn nửa đời
người đã gây ra biết bao lầm lỗi. Nhờ duyên gặp được Tam Bảo, gặp được
Phật pháp, gặp được bậc minh sư chân chánh, tôi mới quay đầu làm lại
cuộc đời, làm mới lại chính mình. Nếu không nhờ Tam Bảo, nhờ Phật
Pháp và minh sư chỉ giáo, hôm nay tôi làm gì có cơ hội được chia sẻ cùng
với quý Phật tử ở đây.
Khoảng năm Mậu Thân (1968), lúc ấy tôi
chỉ là một cậu thiếu nhi mà đã biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc. Vậy
cái gì đã xuôi khiến, thúc giục tôi đi vào con đường hư hỏng, sa đoạ quá
sớm như vậy? Điều ấy trong nhà Phật gọi là tập nghiệp. Tập nghiệp đời
trước cộng với sở thích trong đời hiện tại đưa đẩy chúng ta vào hố sâu
tội lỗi.
Cho nên, ngay tại đây và bây giờ, quý
vị đã có duyên được đến chùa nghe pháp, tụng kinh, lễ Phật, sám hối, tức
là quý vị đã có hạt giống nghiệp lành với nhau từ nhiều đời trước rồi.
Nếu không, bây giờ quý vị đã ngồi ở nhà mở truyền hình xem phim, hoặc đi
chơi chỗ này, chỗ kia như bao người khác, chứ quý vị đâu có muốn đến
chùa nghe pháp, học Phật với nhau như thế này. Đây đúng thật là một
duyên lành hạnh phúc cho đời mình trong hiện tại, và nó sẽ còn lưu giữ
để duy trì tới kiếp sau.
Hiện tại, quý Phật tử đã có phước
duyên thiện lành, tốt đẹp rồi, quý vị hãy xem nó như một món ăn tinh
thần, ráng mà duy trì, ráng mà phát huy, lúc nào thiếu nó mà quý vị cảm
thấy khó chịu thì quý vị nên mừng, bởi vì quý vị đã huân tập được một
thói quen tốt. Trong nhà Phật thường nói, thân người khó được, Phật pháp
khó nghe. Ở đây, quý vị đã có được thân người trọn vẹn, khoẻ mạnh, lại
biết nghe Phật pháp, và còn biết áp dụng Phật pháp để chuyển hóa nỗi
khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Trong kinh, Phật thường nói, “nghiệp
theo ta như bóng với hình, dù trải qua trăm kiếp, ngàn đời vẫn không bao
giờ bị mất, khi nào hội đủ nhân duyên thì quả báo tự nó hiện ra, không
một ai cưỡng lại hay làm sai lệch được”.
Có một thí dụ cụ thể cho chúng ta thấy
nghiệp không bao giờ mất. Có hai người khách qua sông, một người là
thương gia mua bán, mang theo nhiều tiền bạc, của cải; một người chuyên
nghề dạy học, chỉ mang chút ít sách vở và tiền lộ phí. Thuyền qua đến
giữa sông, bất thần bị chìm, hai người may mắn được cứu và thoát chết,
nhưng hành lý, tư trang, tiền bạc của hai người đều bị dòng nước cuốn
trôi mất hết. Cả hai người đều trắng tay, riêng cái hiểu biết của nhà
giáo dục không bị mất mát chút nào. Vì sao? Vì kiến thức là cái chuyên
môn đã huân tập qua nhiều năm tháng, tức cái sở trường riêng của mỗi
người, còn gọi là nghề hay nghề nghiệp, nên nó không bị mất.
Do đó, quý Phật tử tại gia nên lưu ý,
khi ta mới sinh ra với hai bàn tay trắng, đến lúc chết đi cũng không
mang được gì, duy chỉ có nghiệp lành dữ, xấu tốt, là mình phải mang
theo. Lúc ấy, những người thân thương mình nhất như cha mẹ, anh em, vợ
chồng, con cái, bạn bè, không giúp gì cho ta được. Vì vậy, quý vị cần
nên thấy biết rõ ràng về nghiệp quả, để khi ta gặp nhiều bất trắc, mình
không quá đau khổ, bi lụy.
Và ta nên nhớ rằng, khi chúng ta đã
tạo được nhiều nghiệp lành, thì dù cho qua nhiều biến đổi, thân xác này
chết đi, tan rã thành cát bụi, nhưng nghiệp thức tốt đó vẫn còn, không
mất. Khi chúng ta rời bỏ sự sống, bỏ lại thế gian tất cả gia tài, sự
nghiệp, vợ chồng, con cái, họ hàng, thân tộc, bạn bè thân hữu, mình chỉ
mang theo nghiệp lành, nghiệp dữ mình đã gây tạo trong đời mà thôi. Đây
là một lẽ thật, quý vị cần biết để cố gắng gieo tạo nghiệp lành.
QUẢ BÁO CỦA NGHIỆP
Một gia đình nọ sống trong làng đánh
cá, một bà mẹ có thai và cả làng làm ăn sa sút, nhiều chuyến ra khơi
không đánh bắt được cá tôm gì, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, đói
kém. Trước tình hình như vậy, các bô lão trong làng mới họp lại với
nhau để bàn bạc, tìm xem nguyên nhân vì sao dân làng gặp vận hạn như
thế.
Một số người cho rằng, do bà mẹ kia đã
lớn tuổi mà lại mang thai là điều quái dị, không hợp luật trời, vì thế
dân làng mới chịu cảnh làm ăn thất bát, khó khăn. Một số người khác
không nhất trí với ý kiến ấy, cuối cùng làng chia ra làm hai nhóm ra
khơi, đánh bắt riêng biệt.
Trong nhiều chuyến ra khơi, nhóm người
không tin việc bà mẹ già mang thai, thường xuyên bị nạn, không đánh bắt
được cá; nhóm người tin việc ấy thì chuyến nào cũng đánh bắt đầy
thuyền. Điều này khiến cả làng tin rằng, bà mẹ mang thai kia chính là
nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt, khó khăn của làng. Cuối cùng, cả làng
quyết định đuổi bà ấy khỏi làng, không cần biết sự sống của bà sẽ ra
sao.
Bà ra đi trong tình cảnh vô cùng bi
đát, không có thứ gì mang theo, lại đang lúc bụng mang dạ chửa, bà lang
thang đó đây, vất vả xin ăn sống qua ngày. Lúc ở nhà còn có chồng chăm
lo, nhà cửa đàng hoàng, giờ đây với thân phận một người ăn mày không
nhà, không cửa, sống bờ ngủ bụi, nhiều khi vì quá mệt, không xin được
chút gì, bị đói khát, bà muốn phá đi cái thai trong bụng để tìm sự thảnh
thơi cho riêng mình, nhưng vì cái thai là sự đầu thai của một vị sẽ
chứng A La Hán trong kiếp này, nên thai nhi có khả năng chuyển tâm, làm
cho bà mẹ không đủ can đảm huỷ hoại cái bào thai ấy.
Thời gian trôi qua, đứa con của bà
cũng được ra đời với bao khó khăn chồng chất. Trong những ngày sinh con,
bà phải một thân, một mình tự lo mọi thứ, khổ sở tột cùng, bà vẫn cắn
răng chịu đựng. Sinh con được mấy ngày, vừa khoẻ được một chút, bà lại
phải ẵm con, tiếp tục cuộc hành trình với thân phận ăn mày, rày đây mai
đó, để kiếm chút cơm thừa, canh cặn.
Từ đây, trong cuộc mưu sinh, bà lại có
thêm đứa bé bên mình. Hai mẹ con cùng nhau lang thang hết làng này sang
xóm nọ, rong ruỗi khắp mọi nẻo đường, nhưng vẫn không đủ sống, phải đói
khát, vật vờ. Ngày qua ngày, bữa đói, bữa no, áo quần rách rưới, thật
chẳng giống ai, nhiều lúc đói lả tưởng chừng không sao sống nổi.
Vậy mà bà vẫn sống để nuôi đứa bé ốm
o, gầy mòn. Bà lang thang xin ăn lây lất sống qua ngày, cho đến năm chú
bé khoảng ba bốn tuổi. Một hôm, hai mẹ con vào một gia đình giàu có xin
ăn, vì thương con phải chịu cảnh ăn mày, thiếu thốn, đói khát thường
xuyên, bà bỏ lại đứa con trong vườn của người nhà giàu ấy, rồi trốn đi
biệt tâm biệt tích, với hy vọng con mình sẽ được người nhà ấy nuôi nấng
tử tế, đàng hoàng.
Bà nghĩ rằng, làm như vậy là để người
giàu thương tâm mà nuôi đứa bé. Dù từ bỏ đứa con thân yêu, lòng bà xót
xa, đau đớn như đứt từng khúc ruột, lúc nào nước mắt cũng tuôn tràn,
quên ăn, bỏ ngủ, nhưng bà hy vọng con mình không khổ như kiếp ăn mày lâu
nay.
Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng như vậy,
bởi vì nghiệp báo đâu cho phép mình muốn là được. Từ khi người mẹ bỏ
đi, đứa bé càng khốn khổ hơn, một mình nó tự xin ăn, có lúc phải lượm
từng chút cơm thừa, canh cặn người ta vứt đi để sống qua ngày. Nơi đầu
đường xó chợ, người ta thường thấy một đứa bé gầy còm, ốm yếu, đen đúa,
lem luốc, ngồi co ro thật tội nghiệp.
Một hôm, ngài Xá Lợi Phất trên đường
đi du hoá, thấy một chú bé khoảng chín mười tuổi, thân hình gầy còm, đen
đúa, nằm co quắp bên vệ đường. Động lòng thương xót, Ngài đến bên hỏi
rõ nguyên nhân mới biết được hoàn cảnh bi đát của chú bé. Sau đó, Ngài
mới nói một bài pháp về nhân quả nghiệp báo cho chú bé nghe, rồi Ngài
bảo rằng, “con có muốn xuất gia theo thầy không?”
Đứa bé than, “con là đứa ăn mày, một
thân, một mình không nơi nương tựa, không cha mẹ, không bà con, họ hàng
thân tộc, con thuộc giai cấp hạ tiện, làm sao con có thể xuất gia theo
Ngài.”
Thời bấy giờ, việc xuất gia chỉ dành
riêng cho giai cấp tôn quý. Nghe vậy, Ngài Xá Lợi Phất mới giải thích,
trong giáo pháp của Phật Đà không có phân biệt giai cấp cao quý hay hạ
tiện. Ai muốn sống đời giải thoát thì phát tâm gia nhập vào Tăng đoàn.
Chú bé vui mừng chấp nhận và được Ngài Xá Lợi Phất đưa về Tăng đoàn. Nơi
đây, chú bé lớn khôn, trưởng thành trong môi trường phạm hạnh đầy trí
tuệ. Do tu hành tinh chuyên, chú được thọ giới đầy đủ, không bao lâu sau
đã trở thành một vị tỳ kheo nổi tiếng phạm hạnh, và chứng quả A La Hán.
Câu chuyện trên đã cho chúng ta một
bài học quý báu về tích luỹ nghiệp trong quá khứ và hiện tại, không phải
đơn giản như nhiều người hiểu lầm chết là hết, mà chúng ta sẽ phải trả
một giá rất đắc nếu đã gây tạo nghiệp xấu ác.
Trên đời này, không có việc gì là
không có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong nhiều kiếp quá khứ, tiền thân
của chú bé là người có tâm tật đố, ghen tỵ, đã ngăn cản nhiều cư sĩ cúng
dường một vị Bích Chi Phật, và còn vu oan, xúi bảo người khác không
cúng dường. Do tiền kiếp đã gieo những nhân xấu như vậy, nên đời này
sinh ra phải làm một chú bé ăn xin nghèo hèn, thiếu thốn đầu đường xó
chợ, không chỉ có thân mình chịu quả báo khổ đau mà người sinh ra cậu
cũng cùng chung nghiệp ấy.
Khi biết được lý nhân quả nghiệp báo
luôn đeo đuổi ta như bóng với hình, mình mới thấy thật khốn khổ khi quả
xấu đến. Nếu người Phật tử không thông suốt lý nghiệp báo, sẽ dễ đi đến
sai lầm, mà sai một li là đi xa ngàn dặm, không biết sẽ về đâu.
Vì vậy, chúng tôi mong quý Phật tử là
người hiểu Phật pháp, biết tu hành theo lời Phật dạy. Nếu chúng ta không
có khả năng bố thí, cúng dường, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó, thì
khi thấy người khác bố thí, cúng dường, làm điều phước thiện, chúng ta
phải phát tâm tuỳ hỷ, vui theo việc làm tốt đó, thì mình cũng có phước
đức không khác gì người bỏ tiền ra giúp đỡ.
Đức Phật thường dạy, “người phát tâm
bố thí, giúp đỡ, sẻ chia, và người tuỳ hỷ với việc bố thí ấy, có phước
báu ngang bằng nhau. Vì sao? Vì người bố thí cúng dường thì được phước
báo hiện tại và mai sau không nghèo hèn, thiếu thốn, khó khăn; còn ta
thấy người khác bố thí, cúng dường, mà phát tâm tuỳ hỷ, vui theo việc
làm ấy, sẽ không bị quả báo tật đố, ganh ghét. Người có tâm tật đố, ganh
ghét dễ dẫn đến hận thù, làm những việc xấu ác; còn người xúi bảo người
khác làm việc xấu ác, thì quả báo lại càng nặng nề hơn.
Như trường hợp của dân làng đánh cá
trong câu chuyện trên, cái đói khổ là do cộng nghiệp xấu. Khi đứa bé mới
đầu thai vào bà mẹ, nghiệp nhân đã chiêu cảm những quả xấu, nên cả làng
bị thiếu thốn, đói khát, dẫn đến việc bà mẹ bị đuổi ra khỏi làng, người
con phải thọ quả ăn mày từ trong bụng mẹ mãi đến khi chín, mười tuổi.
Thật là khủng khiếp! Đó cũng chỉ vì tuỳ hỷ hay xúi bảo với việc làm xấu
ác mà ra.
Do đó, khi học về giáo lý nghiệp báo,
chúng ta nên cẩn thận với mọi hành vi từ thân-miệng-ý, mình chỉ tán thán
và tuỳ hỷ khi thấy người khác làm việc phước thiện mà thôi; còn khi
thấy ai làm việc bất thiện, mình nên tìm cách khuyên can, cả hai việc ấy
đều mang lại lợi ích trong hiện tại và mai sau.
Đối với khẩu nghiệp, chúng ta phải hết
sức cẩn trọng trong lời nói. Ta nên nói những lời có lợi cho mình và
cho người, còn những lời nói mình cảm thấy có hại cho bản thân hay cho
người thì phải dè dặt. Muốn được như vậy, chúng ta phải biết cách tu
hành từ ý nghĩ khi chưa phát sinh ra lời nói. Ta nghĩ và nói theo lời
Phật dạy, biết tận dụng, tranh thủ thời gian quán chiếu, suy xét, cho
đến khi nào mình cảm thấy lời nói không có hại cho ai thì mình mới nói.
Ai tu được như vậy, sẽ từng bước
chuyển hóa được nghiệp xấu ác huân tập từ nhiều đời, nhiều kiếp, không
còn nghi ngờ gì nữa, nhà Phật gọi đó là niềm tin bất thoái chuyển. Người
có niềm tin như thế sẽ càng ngày càng sống tốt hơn, nhờ trí tuệ khai
phát, do đó luôn sống vì tha nhân nhiều hơn.
Trong Kinh Kim Cang, đức Phật đã nói,
“phàm cái gì có tướng đều hư (giả) vọng. Hư vọng có nghĩa là không phải
không có, mà là giả có (không thật có).
Thân của chúng ta có phải thật là ta
hay không? Nếu thân này là thật, tại sao ai cũng sanh-già-bệnh-chết? Cái
gì thật thì trước sau như một, không biến đổi, trước như thế nào thì
sau như thế đó, dù trải qua thời gian vô cùng tận cũng không thay đổi.
Còn thân người luôn bị già-bệnh-chết chi phối, thì làm sao nó là thật
được. Vậy mà rất nhiều người trong chúng ta lầm chấp thân này là thật,
là ta, là của ta.
Từ chỗ chấp thân này là thật, nên mới
sinh ra chuyện vợ chồng luôn tranh cãi, bất hòa với nhau, dẫn đến ly dị,
ly hôn, do không biết nhường nhịn lẫn nhau. Những điều bất hạnh ấy đến
với mình cũng chỉ vì mình không hiểu biết, thiếu tu hành mà thôi.
Do nghiệp xấu gieo tạo từ trước, nên
khi sanh ra trong đời này, cậu bé phải chịu quả báo làm một đứa trẻ lang
thang, ăn mày đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no, chín mười năm trời. Tuy
đã vào Tăng đoàn, được xuất gia tu hành, nhưng vẫn phải chịu nghiệp quả
của sự thiếu thốn. Trong lúc đi khất thực hàng ngày, cứ hễ đến lượt
ngài thì hết thức ăn, hoặc người cúng dường muốn dân vật thực cho ngài
thì lại thấy trong bình bát của ngài đầy ấp thức ăn, nên lại thôi, không
sớt bát nữa.
Bởi do ác nghiệp gieo tạo trong quá
khứ, nay khiến ngài phải trả quả báo như vậy. Cho nên, trong suốt thời
gian tu hành trong Tăng đoàn, cùng đi khất thực với quý thầy, ấy thế mà
ngài chưa bao giờ có một lần no đủ, mặc dù ngài đã chứng quả A La Hán.
Thương tình vị đệ tử của mình suốt
cuộc đời không một bữa ăn no, Ngài Xá Lợi Phất khất thực được một bát
cơm thịnh soạn, bèn để ngài dùng trước lúc nhập diệt; nhưng khi ngài vừa
dùng xong, tất cả thức ăn đều bị ói ra hết. Quý vị đã thấy rõ sức mạnh
của nghiệp ác chiêu cảm thế nào chưa, ngay đến cả bữa ăn cuối cùng trong
đời ngài cũng không thể thọ nhận, dú đã chứng A La Hán quả.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy
rằng, hễ gieo tạo nghiệp gì thì phải thọ lãnh nghiệp quả nấy, không sai
một li nào, không trốn tránh vào đâu được, cho dù đó là nghiệp riêng hay
nghiệp chung.
Vì vậy, người Phật tử chân chính phải
hết sức cẩn trọng giữ gìn các hành vi của thân-miệng-ý cho chu đáo, khi
đã lỡ gây tạo nghiệp bất thiện rồi thì trăm kiếp, ngàn đời, quả báo ấy
cũng không hề mai một, mà chỉ nằm yên chờ đến lúc hội đủ nhân duyên thì
sẽ trổ ra. Lúc ấy, ta không kêu cứu ai được, mà cũng không ai có thể cứu
ta được. Chỉ có người hiểu rõ đạo lý nhân quả, nghiệp báo, biết tu
hành, thì mới chấp nhận mà không phàn nàn, không than van hay oán trách
một ai.
Còn đối với những bậc tu hành đã vượt
qua được vòng luân hồi sanh tử, khi những quả xấu trổ ra, các ngài không
hề sợ sệt, không hề oán than; có khi các ngài còn khởi tâm vui vẻ vì
được trả quả trong kiếp này. Những vị cao Tăng, những bậc tu hành chân
chánh luôn giữ tâm an trú nơi tính biết sáng suốt của mình, không còn
dấy niệm về buồn, thương, giận, ghét, nên các ngài lúc nào cũng an
nhiên, tự tại.
Do đó, người Phật tử chân chính phải
nên thường xuyên quán chiếu, soi sáng lại chính mình, đừng chờ đến lúc
quả xấu trổ ra, rồi mới ngồi đó mà than thân, trách phận. Bồ Tát nhờ ý
thức được quả khổ đau, nên đã kịp thời ngăn ngừa từ nhân, còn chúng ta
chờ kết quả xấu đến thì làm sao trở tay cho kịp.
Bởi thế, phàm phu khi trả quả thì than
thân, trách phận, oán trời, trách đất, đỗ thừa đủ thứ, rồi sinh ra hận
thù, tìm cách trả đũa; do vậy, nhân quả vay trả, trả vay không có ngày
cùng. Muốn dừng được nhân bất thiện, chúng ta phải thường xuyên nghiền
ngẫm lời Phật dạy, để biết được nhân nào dẫn đến sa đoạ, khổ đau, nhân
nào dẫn đến an vui, hạnh phúc, nhân nào được giác ngộ, giải thoát, để
mình lựa chọn mà tu theo tâm nguyện của mình; đừng để nước tới chân mới
nhảy thì làm sao kịp, hay chờ khát nước rồi mới đào giếng thì đã quá
muộn màng.
Người học Phật phải biết phòng ngừa
quả xấu từ nhân. Muốn được như vậy, trước nhất ta phải tin sâu Tam Bảo,
cố gắng thực hành lời Phật dạy. Phật nay đã nhập diệt hơn 25 thế kỷ,
nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn đang lưu truyền nhờ chư Tăng, Ni. Nếu
không có chư Tăng, Ni hoằng truyền rộng rãi thì làm sao ta biết được
điều hay dở, tốt xấu, đúng sai trong cuộc đời, để mình tu sửa, để khỏi
chìm đắm, trôi lăn trong vòng sinh tử, luân hồi.
Tin sâu Tam Bảo là tin sâu vào lời dạy
chân chính của Phật, không phải thần tượng vào vị thầy nào, vì thần
tượng thì dễ bị sụp đổ. Điều đó dễ dẫn ta đến cống cao ngã mạn, chỉ thấy
có thầy mình là tốt, là đúng, là hay, còn các vị khác đều sai, đều xấu.
Đây là tai hoạ từ bệnh thần tượng cá nhân gây nên, bởi chư vị Tăng, Ni
đang tu hành cũng là người bình thường, nên không sao tránh khỏi những
khuyết điểm.
Biết được như vậy, chúng ta dễ dàng
cảm thông cho những sai sót của quý Tăng, Ni, hay các bạn đồng tu với
nhau. Khi xét thấy chư Tăng, Ni nào đầy đủ đức hạnh thì chúng ta cố gắng
học theo; còn chư vị Tăng, Ni nào chưa trọn vẹn, nhiều khiếm khuyết,
thì chúng ta cũng nên lấy đó làm bài học, để không vấp phải lỗi lầm. Đó
là điều người Phật tử cần phải nên biết, để tránh việc khen mình, chê
người, chỉ gây đau khổ cho nhau mà thôi.
Đối với người Phật tử, việc tích luỹ
nghiệp rất là quan trọng, bởi chúng ta sanh ra trong đời là đã mang theo
nghiệp tốt xấu lẫn lộn của nhiều đời trước. Bên cạnh tích luỹ nghiệp
của quá khứ, việc tái sanh còn do lực tác động của cận tử nghiệp, cũng
rất quan trọng. Cận tử nghiệp là nghiệp được tạo tác lúc sắp chết. Tích
luỹ nghiệp và cận tử nghiệp có liên quan mật thiết với nhau, nó kết
thành yếu tố quyết định đưa thần thức người chết tái sanh về cõi lành
hay cõi dữ.
Thời Phật còn tại thế, vua Ma Ha Nam-
con của Cam Lộ Phạm Vương, là em nhà chú bác với đức Phật, ông tu tại
gia, giữ năm giới, tu thập thiện, thọ bát quan trai. Một hôm, ông đến
gặp đức Phật và bạch rằng, “bạch Thế Tôn, con giữ gìn năm giới, tu thập
thiện, thọ bát quan trai thường xuyên như vậy, nếu chẳng may con bị chết
bất đắc kỳ tử, sau khi chết, con sẽ tái sanh được chỗ tốt đẹp hay
không?
Đức Phật không trả lời mà hỏi lại ông,
“như có một cây cổ thụ thân và cành nghiêng hẳn về một bên, vậy khi cưa
gốc, cây đó sẽ ngã về bên nào?”
Vua Ma Ha Nam trả lời, “dạ thưa Thế Tôn, cây sẽ ngã về phía đang nghiêng”.
“Cũng vậy, bình thường nhà vua hay làm
điều lành, giữ giới liên tục, không gián đoạn, khi gặp tai nạn bất
thường, tuy có hơi bị khủng hoảng đôi chút, nhưng do nghiệp thiện tích
luỹ quá nhiều, nên sẽ được sinh về cảnh giới an lành, nhà vua khỏi phải
lo lắng, sợ hãi mà cứ yên tâm”.
Người tu hành chân chính phải biết
tích luỹ nghiệp lành khi còn trẻ khoẻ, chứ không phải chờ đến tuổi già,
sức yếu, rồi mới làm lành, lánh dữ, và tu hành, thì e rằng không còn kịp
nữa. Tránh dữ, làm lành là phương pháp sống của người Phật tử, hễ khi
có cơ hội và nhân duyên thì mình phát tâm làm ngay dù việc lớn hay nhỏ.
Cho nên, tu là phải chịu khó hành trì
bền bỉ từ khi còn trẻ, ta chỉ làm một việc là kiểm soát chặt chẽ từ ý
nghĩ cho đến lời nói và hành động cho được thuần nhất, không làm tổn hại
cho mình và người.
Cận tử nghiệp đối vối việc tái sinh
trong đời sau rất quan trọng. Một người trong đời đã làm nhiều việc
thiện lành, tốt đẹp, nhưng đến lúc sắp lâm chung lại khởi lên tâm niệm
xấu ác, hay oán giận ai, thì chưa chắc được sinh về cõi an lành. Ngược
lại, ai trong đời lỡ tạo một vài nghiệp ác, đến lúc sắp lâm chung mà
biết khởi tâm niệm lành mạnh mẽ, người ấy có thể chuyển được nghiệp xấu
và sanh về cảnh giới an lành. Bởi nghiệp không cố định, nên ta có thể
chuyển hoá và thay đổi chúng.
Qua câu chuyện trên, đức Phật đã chỉ
ra cho ta một bài học quý báu về tích luỹ nghiệp, chúng ta phải thường
xuyên huân tập việc tốt bền bỉ, lâu dài. Lúc nào, ta cũng ý thức việc
làm ác sẽ gây quả xấu cho mình trong hiện tại và mai sau, nên không dám
lơ là, buông lung, mà luôn cố gắng tinh cần chuyển hóa chúng khi còn
trong trứng nước, tu hành như vậy ta mới có thể làm chủ tâm mình trước
lúc lâm chung.
Cận tử nghiệp có thể chuyển hoá được
các nghiệp xấu ác ta đã gây tạo ra từ trước. Nếu trước đây, chúng ta đã
từng làm những việc xấu ác, đến lúc gần chết mình biết hồi đầu chuyển
hướng, khởi tâm niệm lành mạnh mẽ, nhờ tâm niệm đó, mình có thể được
sanh về chỗ an vui, hạnh phúc.
Ngoài việc tích luỹ nghiệp lành, người
Phật tử còn phải biết tu hạnh buông xả. Nghĩa là không chấp trước vào
việc làm thiện lành của mình. Người chấp trước vào việc tốt mà mình đã
làm thì dễ sanh tâm ngã mạn, lúc gặp duyên xấu không làm chủ được bản
thân, hay bị người khác xúi giục làm điều xấu ác không cưỡng lại được,
biết xấu mà vẫn làm, biết mà cố phạm, vì thói xấu đã được thuần thục.
Trong đời, ta thấy có người hay làm
những việc xấu ác, bất thiện, bất nhân, bất nghĩa, mà họ vẫn khoẻ mạnh,
giàu có, không gặp hoạn nạn, là do nhiều đời, nhiều kiếp, họ đã gieo
trồng quá nhiều nghiệp lành, tích luỹ nghiệp tốt của họ trong quá khứ
còn nhiều, nên những nghiệp xấu ác họ đã gây trong đời hiện tại chưa đủ
sức chi phối.
Có người thắc mắc cho rằng, tại sao có
người suốt đời toàn làm điều ác, mà họ vẫn sống đầy đủ, giàu có, chẳng
thiếu một thứ gì. Vậy luật nhân quả nghiệp báo có chuẩn xác và công bằng
hay không? Trong kinh Phật dạy rất rõ ràng, “nếu làm thiện sẽ được quả
bảo vui, làm ác thì bị quả báo khổ”.
Bởi tích luỹ nghiệp và cận tử nghiệp
có ảnh hưởng rất lớn đối với người sắp lâm chung. Người làm ác mà vẫn
sống phây phây là do tích luỹ nghiệp thiện lành của họ quá nhiều. Phật
thường nói về nhân-duyên-quả, có nhân thì phải có duyên, đủ duyên thì
chiêu cảm quả báo. Nhưng nhân quả có thể thay đổi được, nếu không chúng
ta tu cũng tốn công, vô ích thôi.
Tu là mục đích chuyển khổ thành vui,
chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ. Như khi xưa ta chưa biết tu
nên hay hút thuốc, uống rượu; nay nhờ biết tu, nên mình không uống rượu,
hút thuốc nữa, vậy không phải đã chuyển là gì. Bỏ thuốc, bỏ rượu là do
ta bỏ, chứ đâu có ông thần linh thượng đế nào giúp cho mình làm được
điều này.
Chúng ta nuốn được phước báo tốt, sống
đời hiền thiện, đạo đức, thì phải cố gắng tu trong mọi hoàn cảnh, đừng
chờ đến chùa rồi mới tu. Tu như vậy là không thực tế. Một tháng chúng ta
đến chùa được mấy ngày? Không lẽ không đến chùa là không tu được hay
sao? Quý Phật tử hãy nên suy nghĩ chín chắn chỗ này. Tu chính là nền
tảng vững chắc để xây dựng hạnh phúc gia đình và xã hội. Một giờ tu là
một giờ hạnh phúc, một ngày tu là một ngày an lạc, giác ngộ, giải thoát
ngay tại đây và bây giờ.
Muốn được trọn vẹn đường tu, chúng ta
phải thường xuyên sám hối, quyết tâm chừa bỏ lỗi lầm, phát nguyện đời
đời kiếp kiếp đi theo con đường Phật đạo. Chúng ta phải phát nguyện mãnh
mẽ và ý thức rằng, làm ác sẽ chịu quả báo khổ đau trong hiện tại và mai
sau, nhờ vậy mình mới đủ sức vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Phát nguyện để làm mới lại chính mình
và tin sâu Tam bảo, giúp chúng ta có đủ niềm tin trên bước đường tu học.
Mỗi khi gặp điều bất hạnh, ta biết đó là nghiệp xấu quá khứ còn rơi rớt
lại, nên không thối chí, nản lòng, mà còn cố gắng nhiều hơn để vượt qua
cạm bẫy cuộc đời. Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền, Trong nhà có báu, thôi
tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.
Chúng ta hãy nên bắt chước ông vua
Thiền sư Phật hoàng Trần Nhân Tông, xem ngai vàng như dép rách, chẳng
màng đến vinh hoa phú quý, một lòng nhất tâm tu hành, buông xả quyền cao
chức trọng, để sống đời trong sạch, giải thoát.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét