Theo Phật Giáo, ái dục hay lòng ham muốn là nguồn phát sinh ra mọi đau khổ trên trần gian. Ham muốn đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nếu không được thỏa mãn thì đau khổ. |
Chỉ khi nào không còn ái dục nữa thì
hành vi của chúng sinh không còn tạo nghiệp, không còn tiếp tục được
nữa, tức ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, lúc đó ta thành đạt đạo quả Niết
Bàn.
Sáu cảnh giới trên hay lục đạo là những cảnh giới có sướng có khổ, có
vui có buồn, có cảnh sướng nhiều khổ ít, có cảnh vui ít buồn nhiều. Ðó
là vòng luẩn quẩn như một mê cung hết sức phức tạp, làm cho các chúng
sinh trong đó muôn đời hết leo lên lại lộn xuống, hết lộn xuống lại leo
lên, từ kiếp này sang kiếp khác. Cho tới một kiếp nào đó, do tu tập trí
tuệ trước đó nhiều kiếp, có chúng sinh giác ngộ được mình đang sống
trong cái vòng đảo điên ấy và muốn tìm đường thoát khỏi. Những chúng
sinh đã thoát khỏi vòng đảo điên ấy là các vị Phật. Và tình trạng hay
cảnh giới mà các vị Phật ấy đang sống là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là gì?
Trước hết, Niết Bàn là một "trạng thái", tạm gọi như thế, có thực, không
phải là trạng thái hư vô (néant). Vì là một thực tại chỉ có những người
đắc đạo mới chứng ngộ được, và không có một kinh nghiệm nào tương đương
với những kinh nghiệm của người thường, nên Ðức Phật chỉ có thể diễn tả
thực tại nay bằng những phủ định: nó không phải là cái này hay cái kia,
chứ không thể xác định nó là cái gì. Do đó, những người chưa hiểu nhiều
về Ðạo Phật thường quan niệm Niết Bàn là một cái gì tiêu cực, thậm chí
đồng hóa nó với hư vô nữa. Ta thử minh họa điều đó bằng một thí dụ. Ðối
với ai có mắt sáng như chúng ta, thì mầu sắc là một thực tại hết sức
thiết thực, hoàn toàn tích cực. Nhưng nếu ta lạc vào một xứ gồm toàn
những người mù từ lúc bẩm sinh, mù từ thời tổ tiên bao đời trước. Vì
thế, không ai có một kinh nghiệm gì về màu sắc cả. Nếu ta phải diễn tả
cho họ về màu sắc thì ta phải nói màu sắc là gì? cái gì tương đối tích
cực để diễn tả về màu sắc thì đều vượt khỏi tất cả những kinh nghiệm họ
có được. Và họ sẽ có khuynh hướng nghĩ màu sắc là cái này cái nọ mà họ
có thể quan niệm được theo kinh nghiệm họ đã có. Như vậy chắc chắn họ sẽ
quan niệm sai về màu sắc, khiến ta phải phủ nhận rắng màu sắc không hề
là những thứ đó, ta không thể làm khác hơn. Thế là họ bắt đầu nghĩ rằng
màu sắc là hư vô, là một cái gì hết sức tiêu cực. Rất nhiều "nhà Phật
học" Tây Phương khi thấy Phật Tổ diễn tả Niết Bàn bằng cách phủ nhận tất
cả, liền có thái độ tương tự như những người mù trên.
Vậy Niết Bàn là một thực tại có thực, rất tích cực, nhưng siêu thế, siêu
nghiệm, không thuộc bình diện hiện tượng, nên bất biến, vĩnh cửu, bất
khả tư nghị. Ðức Phật đã mô tả Niết Bàn bằng các từ ngữ như: Vô Tận, Bất
Tùy Thế, Vô Song, Tối Cao, Tối Thượng, Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia), Chỗ
Nương Tựa Tối Thượng, Chu Toàn, Ðảm Bảo, Hạnh Phúc, Duy Nhất, Phi Nhân,
Bất Khả Diệt, Tuyệt Ðối Thanh Tịnh, Siêu Thế, Vĩnh Cửu, Giải Thoát, Vắng
Lặng, v.v... Nếu đem so sánh những thuộc tính mà Ðức Phật dùng để diễn
tả Niết Bàn với những thuộc tính mà người Kitô hữu dùng để diễn tả Thiên
Chúa, ta thấy có sự trùng hợp rõ rệt. Ðương nhiên ta đừng vội đồng hóa
hai Thực tại đó, vì cũng có những thuộc tính khác biệt. Nếu ta cho rằng
Thiên Chúa là tích cực, thậm chí tích cực hơn tất cả những gì tích cực
nhất, thì rõ ràng một thực tại có những đặc tính tương tự như thế không
thể là tiêu cực được.
Niết Bàn là mục tiêu cứu cánh của Ðạo Phật, cũng là cứu cánh của tất cả
mọi chúng sinh. Niết Bàn khác với Thiên Ðàng của Kitô Giáo ở chỗ: Mọi
chúng sinh, dù hiện tại có độc ác hay thấp kém tới đâu, thì cuối cùng
cũng đạt tới Niết Bàn, sau khi đã được tôi luyện qua hằng hà sa số kiếp
trong lục đạo. Thật vậy, Phật Tổ đã định nghĩa: "Chúng sinh là Phật sẽ
thành", nghĩa là chúng sinh đều sẽ là thành viên của Niết Bàn. Còn Thiên
Ðàng của Kitô Giáo chỉ dành cho những người sống tốt lành xứng đáng là
Con Cái Chúa ở trong kiếp sống duy nhất này, hoặc vào giây phút cuối
cùng của đời sống đã trở nên như thế. Quan niệm xưa của Giáo Hội còn hạn
chế số người vào Thiên Ðàng hơn nữa: "Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu
độ". Số phận của những ai không được vào Thiên Ðàng thì thật là tuyệt
vọng. Còn những ai chưa đạt được Niết Bàn thì không chỉ hy vọng mà còn
chắc chắn sẽ có ngày đạt được như một điều tất yếu xảy ra. Cho dù mức độ
trọn hảo phải có để đạt được Niết Bàn cũng rất cao, cao đến độ không có
chúng sinh nào chỉ tu luyện trong một vài kiếp sống mà đạt được. Thiên
Ðàng là một phần thưởng do Thiên Chúa ban do lòng nhân lành và đại độ
của Ngài. Còn Niết Bàn không do ai ban thưởng và cũng không tùy thuộc ơn
huệ của ai cả, mà là do định luật tất yếu của tự nhiên, tương tự như hễ
ăn thì no, không ăn thì không no: no là kết quả tất yếu của việc ăn chứ
không do ai ban cả.
Bản chất Niết Bàn thế nào không được Phật Tổ định rõ vì ngôn ngữ của
loài người không đủ ý niệm để diễn tả, chỉ biết đó là một thực tại tốt
đẹp vô song, là mục tiêu tối thượng của Phật Giáo. Tuy nhiên, nguyên
nghĩa của tiếng Niết Bàn mang hình thức phủ định, do tiếng Bắc Phạn là
NIR-VANA. NIR là không (phủ định), VANA là ái dục, là sợi dây nối liền
hai đời sống. Nirvana hay Niết Bàn là sự dứt bỏ, tách rời (NIR) ra khỏi
ái dục (VANA), sự thèm khát nhục dục. Ngày nào chúng sinh còn bị ái dục
hay luyến ái trói buộc, làm động lực cho mọi hành động của mình, ngày đó
chúng sinh còn tạo thêm nghiệp mới, và nghiệp này tất yếu phải trổ sinh
quả, khiến cho chúng sinh phải tiếp tục sinh tử tử sinh để có điều kiện
cho quả ấy trổ sinh. Theo giáo lý Phật Giáo, ái dục chính là đầu mối,
là yếu tố quan trọng nhất khiến cho hành động của họ trở thành nghiệp,
nghiệp tốt cũng như nghiệp xấu. Cả hai loại nghiệp đều làm cho vòng sinh
tử tiếp tục mãi. Chỉ khi nào không còn ái dục nữa thì hành vi của chúng
sinh không còn tạo nghiệp, không còn tiếp tục được nữa, tức ra khỏi
vòng sinh tử luân hồi, lúc đó ta thành đạt đạo quả Niết Bàn. Như vậy,
nguyên nghĩa của từ NIẾT BÀN hay NIRVANA không nói lên bản chất của Niết
Bàn, chỉ nói phương thế để đi đến Niết Bàn là diệt trừ ái dục.
Theo Phật Giáo, ái dục hay lòng ham muốn là nguồn phát sinh ra mọi đau
khổ trên trần gian. Ham muốn đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nếu không được
thỏa mãn thì đau khổ. Nếu được thỏa mãn thì cảm thấy hạnh phúc, nhưng
hạnh phúc này không kéo dài, vì ham muốn không dừng lại ở một chỗ. Tâm
lý con người cũng như mọi chúng sinh là "được voi thì đòi tiên", "lòng
tham không đáy". Không ai được thỏa mãn ham muốn rồi mà hạnh phúc lâu
dài cả, vì họ lại mong muốn một cái khác và nghĩ rằng mình chỉ được hạnh
phúc khi được thỏa mãn điều đó. Cứ như vậy mãi. Vả lại, khi đã đạt được
điều mong muốn nào thì phải lo bảo vệ và giữ nó, đó cũng là một điều
khổ. Giữ không được mà phải để cho mất lại còn đau khổ hơn nữa. Chính vì
vậy mà các nhà hiền triết đông cũng như tây đều khuyên con người nên
giảm bớt ham muốn thì cuộc sống sẽ dễ có hạnh phúc hơn. Về vấn đề giảm
bớt lòng ham muốn, Phật Giáo còn triệt để hơn nữa. Không phải chỉ là
giảm bớt mà là tiêu diệt mọi ham muốn, thậm chí cả lòng ham muốn vào
Niết Bàn nữa. Vì ham muốn này đòi hỏi được tiếp nối bởi một ham muốn
khác, nên chúng tạo nên một nghiệp lực lôi kéo chúng sinh tái sinh hết
kiếp này sang kiếp khác để những ham muốn đó được thỏa mãn. Chúng ta có
thể cảm nghiệm lực đó khi ta ham muốn điều gì. Rõ ràng lòng ham muốn đó
có năng lực thúc đẩy ta chịu khó, và cố gắng tạo mọi điều kiện để được
thỏa mãn. Ta không bao giờ muốn chết khi đang ham muốn và khi ham muốn
chưa được thỏa mãn. Phải sống để được thỏa mãn đã. Do đó, ham muốn khiến
chúng sinh cứ luẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, muốn
thoát khỏi vòng đó, phải diệt trừ ham muốn.
Nhưng muốn đi đến Niết Bàn, tức muốn giải thoát, thì chúng sinh phải
mong muốn điều đó cách mãnh liệt. Phải ham muốn thật mãnh liệt sự giải
thoát đó, người ta mới có động lực để dẹp đi mọi ham muốn khác, và thực
hiện con đường tu tập. Nếu không có lòng ham muốn mãnh liệt đó, người ta
sẽ không bao giờ dẹp được các ham muốn khác. Nhưng cuối cùng ham muốn
đó cũng phải bị tiêu diệt mới có thể giải thoát được. Ham muốn Giải
Thoát hay Niết Bàn là hình thức cao đẹp nhất của Ái Dục, và ái dục này
vẫn tác động như bất kỳ một ái dục nào khác. Nhưng nhờ ham muốn Niết
Bàn, ta mới trừ khử được tất cả mọi ái dục đến mức chỉ còn có một. Do đó
mong muốn Niết Bàn là mong muốn cuối cùng, cao thượng nhất. Khi chỉ còn
một mong muốn duy nhất này, trí huệ ta sẽ phát triển tới mức độ rất cao
do tâm trí không còn bị những ham muốn tầm thường chi phối. Lúc đó ta
sẽ giác ngộ và từ bỏ ham muốn cuối cùng đó. Và khi đã được Niết Bàn rồi
thì lòng ham muốn đó cũng như mọi ham muốn khác không thể hồi sinh.
Chúng sinh sở dĩ luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi đảo điên là vì chúng
sinh đã để tâm trí mình trụ vào những sự vật vô thường, chóng qua, có
sinh có tử. Ðó là những thực tại trong thế giới hiện tượng mà người ta
cảm nghiệm được, thấy được nên cho rằng có. Và người ta sống và ham muốn
với những thực tại đó. Vì những thực tại này hay thay đổi, nay này mai
khác, khi thì phù hợp với những ước muốn của chúng sinh, khi thì ngược
lại, nên chúng sinh cũng bị thay đổi đảo điên theo: khi vui khi buồn,
khi sướng khi khổ rất thất thường, tâm trí không được ổn định an lạc,
tất cả mọi niềm vui đều chóng qua, sớm nhường chỗ cho những buồn phiền
đau khổ. Còn chạy theo những thực tại vô thường bằng những ham muốn của
mình, chúng sinh còn phải ngụp lặn trong vô thường, sẽ trôi lăn mãi
trong lục đạo. Muốn hiện hữu của mình an định, không còn trôi lăn trong
những cái vô thường, tâm trí chúng sinh phải an trụ nơi Thực Tại Thường
Hằng Bất Biến, trong chính bản thân mình cũng như trong thế giới vạn
vật, đồng thời hiệp nhất, trở nên một Thực Tại đó. Càng hiệp nhất với
Thực Tại Vô Sinh Bất Diệt ấy, chúng sinh càng ít bị những thực tại vô
thường chi phối, ảnh hưởng. Càng sống với Thực Tại Duy Nhất ấy, càng
hiệp nhất với Thực Tại ấy, chúng sinh càng nhận ra rằng nơi bản thân
mình, chỉ còn có một Thực tại ấy duy nhất sống động, hiểu biết, hành
động, còn "cái tôi" mà từ trước đến giờ mình vẫn tự nhận là mình thì
chưa từng hiện hữu bao giờ. Ðó là "vọng ngã" (cái tôi giả). Nơi bản
thân, cái thực sự hiện hữu từ xưa đến giờ chỉ là Chân Ngã (Cái Tôi đích
thực). Cái "vọng ngã" và Chân Ngã chỉ là một, chưa bao giờ là hai. Nhưng
sự thật đó chỉ mới được giác ngộ sau một thời gian tu tập trí tuệ, và
sống hết mình với Thực Tại Bất Biến Thường Hằng ấy. Giác ngộ như thế gọi
là "kiến tánh", là thấy được bản tánh đích thực của mình, tức "bản lai
diện mục" của mình. Phải trải qua một quá trình như thế, chúng sinh mới
có thể ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn và đi vào cảnh giới Niết Bàn,
cảnh giới vô sinh bất diệt.
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét