Phật pháp không phản đối cuộc sống tình cảm mà hướng dẫn chúng ta phải có cuộc sống tình cảm như thế nào cho hợp lý và hợp pháp.
Tình cảm là mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa bà con thân thuộc và giữa
bạn bè với nhau, cũng tức là tình ái, tình cảm thân thiết, tình hữu
nghị. Phật tử vẫn còn là phàm phu, nên không thể không có cha mẹ, không
thể không có bạn bè. Ngoài người xuất gia ra, các Phật tử đều nên có vợ
chồng. Phật gọi chúng sinh là "hữu tình" tức là nếu không có ba loại
tình nói trên thì không phải là chúng sinh. Học Phật là chúng sinh phàm
phu học Phật.
Mọi sự tiếp xúc, quan hệ giữa người với người, đều phải hợp tình hợp lý,
hợp pháp. Nếu Phật giáo chỉ nói ly dục riêng thôi thì không có cách nào
làm cho con người nói chung tiến đến cửa Phật. Nếu sự giáo hóa của Phật
không có thành phần tình cảm thì rất khó giáo hóa chúng sinh.
"Từ bi" mà Phật pháp giảng tựa hồ như khác với tình cảm. Nhưng cơ sở
lòng từ bi chính là tình cảm giữa người và người, người ta vẫn thường
nói đó là yêu. Nhưng yêu cũng có sự phân biệt "yêu có điều kiện hay
không có điều kiện", "hữu ngã" hay "vô ngã". Lòng từ bi của Phật và Bồ
Tát là vô ngã. Tình yêu giữa người và người là hữu ngã. Tình yêu giữa bà
con thân thuộc là vô điều kiện. Tình yêu nam nữ, bạn bè có thể là có
điều kiện, cũng có thể là vô điều kiện. Theo Phật pháp là phải từ tình
yêu cơ sở đưa tới lòng từ bi vô ngã.
Vì Phật, Bồ Tát là vô ngã, chúng sinh không thể vô ngã, cho nên phải
giáo dục hướng dẫn chúng sinh từ lòng thương hữu ngã dần chuyển sang
lòng từ bi vô ngã, phải từ lòng thương có điều kiện thành lòng thương vô
điều kiện. Do đó, Phật giáo không thể yêu cầu người ta từ bỏ sinh hoạt
tình cảm được.
Phật tử nên giải quyết vấn đề tình cảm như thế nào ? Gia đình là cơ sở
của quan hệ tình cảm. Cơ sở gia đình về mặt luân lý mà nói là tình cảm
ruột thịt. Nó được cấu thành từ quan hệ vợ chồng, nam nữ, từ đó mở rộng
phạm vi đến bạn bè thân thuộc là những người ngoài gia đình và hoạt động
của xã hội mà hình thành nên sự cần thiết phải có tình cảm thân thiết.
Trung Quốc có câu tục ngữ "Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra ngoài dựa vào bạn
bè", "phu xướng phụ tùy, bách niên giai lão" tất cả đều dựa trên tình
cảm làm cơ sở. Không có tình cảm cũng như máy móc không có dầu trơn dễ
xảy ra trục trặc do ma sát mà bị hư hỏng. Mục đích của Phật pháp là giáo
hóa người phàm tục biến mâu thuẫn thành hài hòa. Vì vậy Phật giáo có
hai pháp môn không thay đổi là trí tuệ và từ bi. Trí tuệ là lý tính, từ
bi là cảm tính. Dùng trí tuệ để chỉ đạo từ bi, vận dụng từ bi có thể
giúp cho tình cảm của con người phàm tục từ hỗn loạn trở thành có trật
tự, từ mâu thuẫn trở thành hài hòa. Nếu tách rời tình cảm khỏi trí tuệ
của lý tính thì dễ buông lỏng, phóng túng dễ dẫn đến hậu quả vừa hại
mình, vừa hại người.
Có một bộ kinh Phật nhan đề "Kinh lễ sáu phương" kể lại chuyện ở Ấn Độ,
vào thời Phật Thích Ca có một loại tín ngưỡng tôn giáo dạy người ta
chuyên lễ bái sáu phương. Một lần Đức Phật gặp một thanh niên tên là
Thi-Ca-La-Việt đang lễ bái sáu phương với thái độ rất thành kính, bèn
hỏi anh ta, lễ bái gì ? Thanh niên không trả lời được, chỉ nói là làm
theo lời dạy của cha, khi cha còn sống, thường lễ bái sáu phương. Sau
khi cha chết, người con vẫn tiếp tục lễ bái sáu phương. Đức Phật bảo:
"Phật giáo cũng dạy lễ bái sáu phương: hiếu thuận với cha mẹ là lễ
phương Đông; kính trọng thầy dạy là lễ phương Nam; vợ chồng hòa thuận là
lễ phương Tây; thương yêu bạn bè là lễ phương Bắc; săn sóc người làm
công, giúp việc mình là lễ hạ phương ("dưới") tôn kính người xuất gia là
lễ thượng phương ("trên"). Đồng thời Người cũng nói, cha mẹ đối với con
cái, thầy đối với trò, người làm công đối với chủ, sa môn đối với người
thế tục cũng đều phải có thái độ và trách nhiệm. Đó chính là những phạm
vi tình cảm quan hệ luân lý giữa người và người, khéo xử lý vấn đề tình
cảm để có cuộc sống tình cảm chính đáng là bước đầu tu hành theo đạo
Phật".
Phẩm "Phật đạo" trong kinh "Duy Ma Cật" có ghi lại cuộc đàm thoại giữa
Bồ Tát Phổ Hiền và ông Duy Ma Cật. Bồ Tát Phổ Hiền hỏi : "Ông có cha mẹ,
vợ con, họ hàng quyến thuộc, bạn bè, như vậy có phải là có quá nhiều
phiền lụy chăng ?" ý nói "Duy Ma Cật là đại Bồ Tát, lại có gia đình
quyến thuộc làm sao mà sống tự tại được ?" Duy Ma Cật trả lời: "Mẹ ta là
trí tuệ, cha ta là phương pháp độ chúng sinh, vợ con là niềm vui với
pháp nhờ tu hành mà có được, con gái ta là đại biểu cho lòng từ bi, con
trai ta là đại biểu cho tâm lành và lòng thành thực, ta có gia đình
nhưng gia đình ấy đại biểu cho cái "không" tuyệt đối; học trò ta là tất
cả chúng sinh, bạn bè ta là các pháp môn tu hành khác nhau. Các cô gái
đẹp ca múa xung quanh ta là bốn loại phương tiện nhiếp hóa chúng sinh".
Phẩm "Phật đạo" của kinh "Duy Ma Cật" bao gồm mọi người và sự vật của
đời sống người tại gia. Duy Ma Cật không những bị những sự trói buộc đó
làm cho không được tự tại mà ngược lại biết lấy trí tuệ lớn để vận dụng,
phát huy lòng từ bi. Tuy có cuộc sống tình cảm như những người bình
thường khác, nhưng ông có thế giới nội tâm và giải thoát tự tại của
mình.
Có thể thấy rằng các Phật tử không cần từ bỏ cuộc sống tình cảm của
mình, nhưng phải lấy lý tính để chỉ đạo cảm tính dung hòa với lý tính.
Nếu có thể dùng trí tuệ của lý tính để chỉ đạo cảm tính, thì cuộc sống
sẽ vô cùng phong phú, thuận lợi, dồi dào, lợi mình lợi người.
Nguyên tắc chỉ đạo và trí tuệ của Phật pháp dạy chúng ta xử lý như thế
nào đối với vấn đề tình cảm, chứ không phải đòi chúng ta vứt bỏ, bài
xích hoặc ghét bỏ tình cảm. Nếu dùng tình cảm không thích đáng, dùng
tình cảm không có tiết chế thì sẽ bị tai họa. Thí dụ: cha mẹ thương yêu
con cái là chuyện đương nhiên, nhưng nếu chiều chuộng thái quá thì con
cái sinh hư. Trai gái thương yêu nhau nhưng có quan hệ tình dục trước
khi kết hôn, hay ngoại tình thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp cho gia
đình và xã hội. Trong các mối quan hệ giữa bạn bè với nhau, thầy trò với
nhau, họ hàng với nhau, chủ và người giúp việc với nhau cũng phải dựa
vào lý trí để thể hiện tình cảm, nếu không thì xảy ra phiền phức.
Phật pháp không phản đối cuộc sống tình cảm mà hướng dẫn chúng ta phải có cuộc sống tình cảm như thế nào cho hợp lý và hợp pháp.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét